CA LÂM SÀNG : SINH LÝ THAI KỲ BÌNH THƯỜNG ( THẬN )

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết ” CA LÂM SÀNG: SINH LÝ THAI KỲ BÌNH THƯỜNG được biên dịch bởi Bs Vũ Tài.

1.Ca lâm sàng

Một phụ nữ 36 tuổi, mang thai lần 2, sinh 1 lần, khi thai được 9 tuần tuổi đến phòng khám để bắt đầu chăm sóc tiền sản. Lần mang thai đầu tiên của bệnh nhân kết thúc bằng cuộc sinh qua ngả âm đạo sau khi khởi phát tiền sản giật ở tuổi thai 38 tuần. Sau lần mang thai đầu, bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật chỉnh hình gãy xương mắt cá chân, bị biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), được điều trị bằng thuốc chống đông. Cô ấy đã khỏe mạnh và năng động. Cô ấy đang uống vitamin cho bà bầu và không dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Huyết áp 120/70 mm Hg và cân nặng 55 kg (1213 lb). Khám vùng chậu thấy tử cung to ra sờ nắn không đau và không có khối ở phần phụ. Do bệnh nhân có tiền sử tiền sản giật và DVT, công thức máu toàn bộ, bảng chuyển hóa cơ bản, bảng chức năng gan, bảng đông máu, tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu đã được chỉ định. Những thay đổi nào sau đây có thể thấy ở một bệnh nhân mang thai khỏe mạnh khi so sánh với trạng thái trước khi mang thai?

Hình ảnh minh họa sinh lý thai kỳ bình thường
Hình ảnh minh họa sinh lý thai kỳ bình thường
  1. Giảm creatinin huyết thanh
  2. Giảm fibrinogen huyết thanh
  3. Giảm protein niệu
  4. Tăng nồng độ hemoglobin
  5. Tăng tiểu cầu
  6. Tăng hoạt tính của protein S
  7. Tăng transaminases
Các thay đổi thận-tiết niệu ở thai kỳ bình thường
Các thay đổi sinh lý •      Tăng lưu lượng máu đến thận

•      Tăng mức lọc cầu thận

•      Tăng tính thấm màng nền cầu thận

 

Các dấu hiệu cận lâm sàng

•      Giảm BUN huyết thanh

•      Giảm creatinin huyết thanh

•      Tăng bài xuất protein qua thận

BUN : blood urea nitrogen

Ở thai kỳ bình thường, cả mức lọc cầu thận (GFR) và lưu lượng máu đến thận đều tăng, làm cho BUN và creatinin huyết thanh giảm so với mức trước khi mang thai. Chức năng thận tăng dần trong ba tháng đầu và đạt mức tăng 40% – 50% so với trạng thái không mang thai vào giữa thai kỳ, sau đó giữ nguyên cho đến khi đủ tháng. Tính thấm màng nền cầu thận cũng tăng trong thai kỳ.

Do sự gia tăng chức năng thận trong thai kỳ, bệnh nhân đang dùng thuốc thải trừ qua thận (như gabapentin) cần theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh liều khi cần. Ngoài ra, creatinin huyết thanh 1,2 mg/dl có thể là giới hạn trên bình thường ở phụ nữ không mang thai nhưng được coi là suy thận ở phụ nữ có thai.

(Đáp án B và F) Sự thích nghi của người mẹ với thai kỳ bao gồm những thay đổi ở cả các protein cầm máu và tiêu sợi huyết, góp phần vào trạng thái tăng đông và tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc huyết khối khi so sánh với trạng thái trước khi mang thai. Những thay đổi này bao gồm giảm hoạt tính của protein S, tăng fibrinogen và tăng sự đề kháng với protein C hoạt hóa. Trạng thái tăng đông có thể là một cơ chế giúp giảm thiểu chảy máu trong khi sinh.

(Đáp án C) Ở bệnh nhân không mang thai, sự bài xuất qua thận > 150 mg protein được coi là bất thường. Tuy nhiên, ở bệnh nhân mang thai, do tăng mức lọc cầu thận và tính thấm màng nền cầu thận nên bài xuất qua nước tiểu > 300 mg protein mới được coi là bất thường. Do đó, que thử nước tiểu phát hiện protein dạng vết và 1+ là bình thường trong thai kỳ.

(Đáp án D) Trong thai kỳ, thể tích huyết tương tăng nhiều hơn khối hồng cầu, khiến nồng độ hemoglobin giảm nhẹ. Thiếu máu do pha loãng này bảo vệ mẹ trong trường hợp băng huyết sau sinh.

(Đáp án E) Mặc dù số lượng tiểu cầu thường vẫn ở trong giới hạn bình thường trong thai kỳ, nhưng bệnh nhân mang thai thường có số lượng tiểu cầu giảm nhẹ (> 70.000/mm3), một tình trạng được gọi là giảm tiểu cầu thai kỳ.

(Đáp án G) Trong thai kỳ, hầu hết các enzym gan, bao gồm cả transaminase, vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tăng men gan có liên quan đến viêm gan, tiền sản giật / hội chứng HELLP, hoặc gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ.

2.Mục tiêu giáo dục

Sự thích nghi bình thường với thai kỳ bao gồm tăng mức lọc cầu thận, lưu lượng máu đến thận và tính thấm màng nền cầu thận, gây giảm BUN và creatinin huyết thanh và tăng bài xuất protein qua nước tiểu. Trạng thái tăng đông giúp giảm thiểu chảy máu trong khi sinh. Thay đổi thể tích huyết tương gây thiếu máu nhẹ do pha loãng.

3.Tham khảo

  • Renal function in normal and disordered pregnancy
  • Physiological Changes in Hematological Parameters During Pregnancy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây