Thời gian làm việc

7h:00 - 22h:00

Gọi cho chúng tôi ngay

0333 40 50 80

Thời gian làm việc

7h:00 - 22h:00

Gọi cho chúng tôi ngay

0333 40 50 80
More
    Trang chủ Thông Tin Thuốc Thuốc chống động kinh: Cơ chế tác dụng, Chỉ định, Các nhóm thuốc

    Thuốc chống động kinh: Cơ chế tác dụng, Chỉ định, Các nhóm thuốc

    Động kinh là căn bệnh hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các thuốc hiện nay chỉ giúp ngăn chặn xuất hiện các cơn động kinh xảy ra mà thôi. Vậy các thuốc chống động kinh an toàn, hiệu quả nhất hiện nay là gì? Hãy cùng Heal Central tìm hiểu trong bài viết này.

    Tổng quan về bệnh động kinh

    Động kinh là tình trạng chức năng thần kinh trung ương bị rối loạn theo từng cơn, cơ chế bắt nguồn từ sự phóng điện đột ngột và quá mức, không kiểm soát được của các tế bào thần kinh. Tùy thuộc vào sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau mà bệnh động kinh có các biểu hiện và mức độ khác nhau, gồm co giật, các cơn vắng ý thức hoặc các triệu chứng co cứng chân tay.

    Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh động kinh được nghiên cứu và có thể kể đến như:

    • Nguyên nhân di truyền: gen chỉ là yếu tố có thể tác động đến động kinh, tuy nhiên không phải yếu tố chắc chắn gây bệnh.
    • Chấn thương sọ não do các tai nạn nghiêm trọng có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh động kinh.
    • Các bệnh lý viêm màng não, viêm não, các bệnh lý u não, tiền sử đột quỵ, … cũng được cho là những nguyên nhân gây bệnh thường gặp.
    • Riêng đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ có sốt cao, co giật kéo dài cũng có nguy cơ lớn để tiến triển thành bệnh động kinh.
    • Ngoài ra, việc sử dụng một số chất kích thích, rượu bia, thuốc lá cũng góp phần làm nặng thêm tình trạng động kinh hoặc làm tăng nguy cơ động kinh.

    Động kinh hiện được phân loại như sau:

    • Động kinh cục bộ: biểu hiện xảy ra ở một vài bộ phận của cơ thể, gồm:
    • Động kinh cục bộ đơn giản: bệnh nhân co cứng hoặc co giật ở một phần cơ thể, tâm trạng lo lắng, sợ hãi không có nguyên nhân.
    • Động kinh cục bộ phức tạp: bệnh nhân gần như mất nhận thức và không biết rằng cơn động kinh đang xảy ra, có một số biểu hiện như lú lẫn, nhìn chằm chằm, có hành vi vô nghĩa,… Sau cơn động kinh, bệnh nhân không nhớ gì.

    Động kinh toàn thể: xuất hiện khi sự phóng điện trong não xảy ra nhiều và ảnh hưởng đến não bộ, gồm :

    • Cơn co cứng – co giật toàn thể: phổ biến ở người trưởng thành, người bệnh mất ý thức, mất thăng bằng và ngã có thể kèm tiếng kêu, tay chân mất kiểm soát, có thể kèm theo đi tiểu mất kiểm soát và sùi bọt mép.
    • Cơn vắng ý thức: là dạng thường gặp hơn ở trẻ nhỏ, cơn vắng ý thức xảy ra trong khoảng 5 – 15 giây, trẻ có biểu hiện nhìn chằm chằm, đánh rơi đồ đang cầm.

    Hội chứng West: là dạng động kinh toàn thể thường gặp ở nhóm trẻ sơ sinh từ 3 đến 8 tháng tuổi, sau đó dừng lại và đến khi 4 tuổi chuyển sang dạng động kinh khác, còn được gọi là chứng co thắt sơ sinh, nguyên nhân có thể do các vấn đề liên quan đến gen, khi sinh bị ngạt hoặc có bất thường trong cấu trúc não.

    Thuốc chống động kinh giúp kiểm soát các cơn động kinh
    Thuốc chống động kinh giúp kiểm soát các cơn động kinh

    Động kinh nếu không được kiểm soát kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều hậu quả, có thể kể đến như:

    • Suy giảm khả năng nhận thức, giảm trí nhớ, suy nhược thần kinh, giảm tăng trưởng tư duy, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ: do các cơn động kinh thường gây cảm giác mệt mỏi, người bị động kinh có thể không nhận ra là cơn động kinh vừa xảy ra, giảm nhận thức, khiến trẻ lơ đãng, hay quên đối với động kinh cơn vắng ý thức.
    • Rối loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc đối với những cơn động kinh kéo dài, khiến cho người bệnh có nguy cơ cao mắc trầm cảm, lo âu, tiêu cực hơn có thể xuất hiện tình trạng có ý định tự tử.
    • Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, làm suy giảm khả năng hoạt động tình dục, rối loạn cương dương ở nam giới, hoặc rối loạn cảm xúc, có thể gây dị tật thai nhi đối với phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ không biết mình có thai, phụ nữ có dự định có thai.
    • Các thuốc chống động kinh trên thị trường hiện nay không giúp điều trị hoàn toàn bệnh động kinh, tuy nhiên nếu dùng duy trì thuốc trong thời gian dài thì có thể làm giảm tần suất xuất hiện các cơn động kinh, kiểm soát được tối đa các cơn động kinh tái phát. Ngược lại, nếu để tình trạng co giật kéo dài có thể ảnh hưởng đến tâm thần, các chấn thương và có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu quá nặng.

    Cơ chế tác dụng của các nhóm thuốc chống động kinh

    Trên thị trường hiện có nhiều thuốc được dùng trong các phác đồ điều trị động kinh cho cả người lớn và trẻ nhỏ, có thể được phân loại theo các cơ chế chính như sau:

    • Thuốc ức chế kênh Na+: khi kênh Na+ mở, hiện tượng khử cực màng bắt đầu, kéo theo đó là điện thể hoạt động xuất hiện, sau đó kênh này tự động đóng và một thời gian sau trở lại trạng thái hoạt động. Trong khoảng thời gian đó vẫn xuất hiện dòng điện với điện thế thấp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở bệnh nhân động kinh thì các tế bào thần kinh ở trạng thái khử cực, phóng điện với tần số cao, do đó việc ức chế kênh Na+ có thể làm chậm sự phục hồi kênh Na+ về trạng thái hoạt động, là cơ chế chống động kinh của một số thuốc như Phenytoin, Carbamazepin,…
    • Thuốc ức chế kênh Ca: nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm sự xuất hiện của các sóng nhọn hình thành ở bệnh nhân động kinh cơn vắng, do Ca++ đóng vai trò quan trọng trong khử cực màng tế bào. Nhóm thuốc này gồm có một số thuốc như Ethosuximid, Trimethadione.
    • Thuốc tăng hoạt tính GABA (là một chất dẫn truyền thần kinh loại ức chế, khi GABA gắn với receptor của nó làm mở kênh Cl, tăng dòng Cl- đi vào tế bào gây ưu cực hóa). Nhóm thuốc này chống động kinh theo các cách như sau:
    • Ức chế enzym bất hoạt GABA là GABA- transaminase, từ đó làm nồng độ GABA trong não tăng lên, làm tăng dẫn truyền ức chế, từ đó tăng hoạt tính ức chế thần kinh trung ương, gồm Vigabatrin.
    • Hoạt hóa receptor GABA hậu synap để tăng mở kênh Cl- gây ưu cực hóa, gồm có phenobarbital và các benzodiazepin.
    • Tác động lên receptor của GABA tiền synap làm tăng giải phóng GABA như Gabapentin.
    • Thuốc chống động kinh đa cơ chế: acid valproic hay natri valproat, có tác dụng thông qua chất ức chế dẫn truyền thần kinh là GABA, làm tăng nồng độ GABA nhờ ức chế chuyển hóa GABA và tăng hoạt tính GABA say synap, ngoài ra còn ngăn hình thành cơn động kinh và hoạt hóa sự dẫn truyền Ca++ phụ thuộc K+.

    Các thuốc chống động kinh dùng trong điều trị hiện nay

    Dưới đây là thông tin về một số thuốc hiện nay được dùng trong điều trị động kinh:

    Phenytoin

    Phenytoin là dẫn chất hydantoin thuộc nhóm thuốc chống động kinh nhờ ức chế kênh Na, có tác dụng chống co giật, gây ngủ, dùng điều trị cho bệnh nhân động kinh cơn lớn và động kinh cục bộ, động kinh tâm thần vận động. Thuốc không dùng điều trị cho động kinh cơn nhỏ.

    Phenytoin chống chỉ định cho bệnh nhân rối loạn chuyển hóa porphyrin hoặc bệnh nhân quá mẫn với các dẫn chất hydantoin.

    Phenytoin
    Phenytoin

    Liều dùng và cách dùng: Phenytoin được dùng cùng hoặc sau bữa ăn để hạn chế kích ứng đường tiêu hóa, liều cụ thể như sau

    • Với người lớn và thiếu niên: khởi đầu với liều 100-125mg/lần, ngày uống 3 lần, cách 7-10 ngày thì điều chỉnh liều. Mức liều duy trì nằm trong khoảng 300-400mg/ngày.
    • Với trẻ em: khởi đầu với liều 5mg/kg/ngày chia 2-3 lần, có thể hiệu chỉnh liều khi cần. Liều dùng tối đa 1 ngày là 300mg. Liều điều trị duy trì từ 4-8mg/kg/ngày chia 2-3 lần.
    • Với bệnh nhân chức năng gan suy giảm hoặc người cao tuổi, bệnh nhân bệnh nặng cần được hiệu chỉnh liều theo chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị.

    Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng Phenytoin như:

    • Tác dụng phụ toàn thân: chóng mặt, buồn ngủ.
    • Tác dụng phụ trên máu: nồng độ acid huyết thanh giảm, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, giảm tiểu cầu.
    • Tác dụng phụ trên tiêu hóa: tăng sản lợi, khó tiêu, buồn nôn.
    • Tác dụng phụ trên thần kinh: rung giật nhãn cầu, run đầu chi, mất điều hòa.
    • Tác dụng phụ trên da: nổi mề đay, rậm lông.

    Một số tương tác thuốc của Phenytoin có thể xảy ra khi điều trị gồm:

    • Tương tác của Phenytoin với Coumarin hoặc các dẫn chất Indandion, Cloramphenicol, Sulfamid, Salicylat,… làm tăng nồng độ Phenytoin trong huyết thanh do làm giảm quá trình chuyển hóa, do đó cần hiệu chỉnh liều Phenytoin hợp lý khi sử dụng phối hợp các nhóm thuốc trên.
    • Các thuốc lợi tiểu Furosemid, các Corticoid, Glycosid tim, Cyclosporin khi dùng đồng thời với Phenytoin bị giảm nồng độ do tăng cường chuyển hóa, do đó làm giảm tác dụng và hiệu quả điều trị.
    • Các thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế enzym MAO làm giảm tác dụng chống co giật của Phenytoin.
    • Rifampicin kích thích chuyển hóa Phenytoin, Omeprazol làm giảm chuyển hóa Phenytoin.
    • Đặc biệt, thuốc chống trầm cảm đa cơ chế Acid valproic dùng chung với Phenytoin làm xảy ra hiện tượng cạnh tranh đẩy Phenytoin ra khỏi liên kết với protein huyết tương và ức chế chuyển hóa Phenytoin.

    Một số lưu ý về Phenytoin khi sử dụng:

    • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân suy gan, thận, bệnh nhân đái tháo đường, người lái xe hoặc vận hành máy móc nguy hiểm.
    • Tuyệt đối không tự ý ngừng đột ngột thuốc, có thể làm tăng tần suất gặp các cơn động kinh.
    • Mẹ mang thai, phụ nữ cho con bú chỉ dùng Phenytoin khi được cân nhắc nguy cơ – lợi ích và có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.

    Carbamazepin (Tegretol)

    Carbamazepin nằm trong nhóm thuốc chống động kinh ức chế kênh Na+, giúp làm tăng ngưỡng động kinh và làm giảm nguy cơ co cứng.

    Carbamazepin được chỉ định trong các trường hợp động kinh cục bộ phức tạp và động kinh cơn lớn (động kinh co giật cứng toàn bộ, các kiểu động kinh hỗn hợp. Ngoài ra Carbamazepin còn được chỉ định cho tình trạng đau dây thần kinh và hội chứng cai rượu.

    Tegretol
    Tegretol

    Liều điều trị động kinh của Carbamazepin nên được dùng từ liều thấp nhất, sau đó điều chỉnh liều phù hợp với từng đối tượng và mức độ đáp ứng của mỗi bệnh nhân, cụ thể như sau:

    • Đối với bệnh nhân là người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: khởi đầu liều 100-200mg/lần, mỗi ngày 1-2 lần, cách 1 tuần tăng liều lên 200mg và điều chỉnh cho đến khi bệnh nhân có đáp ứng tối đa. Liều duy trì không vượt quá 1000mg/ngày đối với trẻ từ 12-15 tuổi và 1200mg/ngày đối với trẻ từ 15 tuổi trở lên và người lớn.
    • Đối với trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: khởi đầu liều 200mg/ngày chia 2-4 lần, tăng thêm 100mg/ngày sau mỗi tuần. Liều dùng duy trì của Carbamazepin trong khoảng 400-800mg/ngày, tối đa là 1000mg/ngày.
    • Carbamazepin chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, bệnh nhân loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính, bệnh nhân block dẫn truyền nhĩ thất hoặc người có tiền sử rối loạn tạo máu, suy tủy.

    Carbamazepin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

    • Chóng mặt, nhức đầu, mất điều hòa, ngủ gật, rối loạn ngôn ngữ, viêm màng não.
    • Giảm bạch cầu, tiểu cầu, suy tủy, thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
    • Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, kích ứng trực tràng.
    • Thoát dịch dưới da, nổi mẩn ngứa, nổi ban da, tróc da, nổi trứng cá.
    • Nhìn đôi ở mắt, suy giảm thị lực.
    • Một số tác dụng không mong muốn khác như hen, quá mẫn ở phổi, tăng tiết sữa, chứng vú to ở nam giới, viêm tắc tĩnh mạch.

    Một số lưu ý khi sử dụng Carbamazepin:

    • Thận trọng khi dùng Carbamazepin cho người cao tuổi, bệnh nhân tăng nhãn áp, bệnh nhân có bệnh lý gan, thận, bệnh tim mạch nặng.
    • Thuốc cần được cân nhắc trước khi chỉ định dùng cho bệnh nhân là phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
    • Thận trọng khi dùng thuốc trên người lái xe và vận hành máy, tham khảo bác sĩ trước khi ngừng điều trị với Carbamazepin.
    • Các tương tác thuốc của Carbamazepin chủ yếu liên quan đến đặc tính gây cảm ứng enzym của thuốc, làm tăng chuyển hóa một số thuốc dùng đồng thời như Phenytoin, Ethosuximid, Acid valproic,… Bên cạnh đó, các thuốc chống co giật khác như phenytoin và phenobarbital cũng làm giảm nồng độ Carbamazepin ở trạng thái ổn định. Carbamazepin không dùng đồng thời với thuốc ức chế men MAO do có thể gây cơn sốt cao, tăng huyết áp hoặc co giật nặng dẫn đến tử vong.

    Lamotrigin (Lamictal)

    Lamotrigine là thuốc điều trị động kinh với cơ chế chẹn kênh Natri đóng mở, được chỉ định điều trị động kinh cục bộ, động kinh toàn thể bao gồm cơn co cứng – co giật, động kinh kết hợp hội chứng Lennox-Gastaut đơn trị liệu hoặc phối hợp ở người từ 13 tuổi trở lên và điều trị phối hợp ở trẻ em từ 2 đến 12 tuổi, ngoài ra còn dùng điều trị đơn trị liệu mất ý thức điển hình ở trẻ 2-12 tuổi.

    Lamictal
    Lamictal

    Liều dùng và cách dùng cụ thể của Lamotrigine được in đầy đủ trong tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm thuốc, có thể được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân theo chỉ định cụ thể của bác sĩ:

    Liều dùng đối với người từ 13 tuổi trở lên:

    • Đơn trị liệu: 2 tuần đầu dùng mỗi ngày 1 lần 25mg, sau đó tăng liều lên 50mg/ngày ở tuần thứ 3 và tuần thứ 4. Liều điều trị duy trì nằm trong khoảng 100-200mg/ngày chia 1 hoặc 2 lần.
    • Phối hợp điều trị với Valproat: khi dùng với chế độ này, không dùng thêm bất cứ thuốc nào khác. Liều dùng cho 2 tuần đầu là 12,5mg/ngày dùng hàng ngày hoặc 25mg/ngày dùng theo chế độ cách ngày. Ở tuần 3 và 4, dùng liều 25mg/ngày, dùng hàng ngày. Liều duy trì nằm trong khoảng 100-200mg/ngày.
    • Phối hợp điều trị với thuốc khác Valproat: được điều chỉnh cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ và đặc điểm thuốc dùng đồng thời.

    Liều dùng đối với trẻ em từ 2 đến 12 tuổi:

    • Liều đơn trị liệu mất ý thức điển hình: 2 tuần đầu dùng liều 0,3mg/kg/ngày, mỗi ngày 1 lần hoặc chia làm 2 lần. Liều dùng trong tuần 3 và tuần 4 tăng gấp đôi so với 2 tuần đầu. Liều dùng duy trì nằm trong khoảng từ 1-15mg/kg/ngày dùng 1 lần hoặc chia thành 2 lần.
    • Liều điều trị động kinh kết hợp với Valproat: 2 tuần đầu dùng liều 0,15mg/kg/ngày, dùng 1 lần, sau đó tăng liều gấp đôi trong tuần 3 và 4. Liều điều trị duy trì thông thường trong khoảng 1-5mg/kg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 lần.
    • Liều điều trị động kinh kết hợp các thuốc khác không phải Valproat được điều chỉnh cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

    Thuốc chống chỉ định dùng cho bệnh nhân viêm gan cấp, viêm gan mạn, tiền sử gia đình có bệnh lý viêm gan, bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.

    Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn thường gặp như chóng mặt, nhức đầu, nổi ban dị ứng, buồn nôn, mất ngủ, có thể gặp phát ban da nghiêm trọng. Người dùng cần hết sức lưu ý, dừng ngay khi cơ thể nổi ban đỏ, báo lại với bác sĩ để được kiểm tra và điều chỉnh.

    Một số lưu ý khi sử dụng Lamotrigine:

    • Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và cần hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan.
    • Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, chỉ dùng thuốc khi đã cân nhắc nguy cơ, lợi ích và có chỉ định cụ thể của bác sĩ.
    • Thận trọng khi sử dụng Lamotrigine ở người lái xe, vận hành máy móc do có thể ảnh hưởng đến sự tập trung.
    • Một số tương tác thuốc của Lamotrigine cần lưu ý khi dùng phối hợp thuốc như:
    • Valproat làm tăng thời gian bán thải của Lamotrigine do ức chế chuyển hóa Lamotrigine.
    • Phenytoin, Phenobarbital, Carbamazepine làm giảm nồng độ của Lamotrigine trong huyết tương do cảm ứng chuyển hóa Lamotrigine.
    • Rifampicin làm tăng độ thanh thải và làm giảm thời gian bán thải của Lamotrigine khi kết hợp đồng thời.

    Ethosuximide

    Ethosuximid thuộc nhóm thuốc chống động kinh theo cơ chế ức chế kênh Calci, được chỉ định cho động kinh cơn vắng, động kinh rung giật cơ và động kinh nhỏ có cơn mất trương lực.

    Ethosuximide
    Ethosuximide

    Liều dùng và cách dùng của Ethosuximid như sau:

    • Đối với người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên: khởi đầu với liều 250mg/ngày, ngày uống 2 lần. Sau từ 4 đến 7 ngày, mỗi ngày có thể điều chỉnh tăng liều lên 250mg. Liều thông thường có tác dụng nằm trong khoảng 1-1,5 g/ngày, tối đa là 2g.
    • Đối với trẻ em dưới 6 tuổi: khởi đầu với liều 15mg/kg/ngày (250mg/ngày), sau đó tăng liều sau 4-7 ngày, thường ở mức 20mg/ngày. Liều tối đa 1 ngày là 1g. Liều duy trì của Ethosuximid trong khoảng 15-40 mg/kg/ngày chia 2 lần.

    Ethosuximid có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

    • Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, nôn mửa, buồn nôn, đau thượng vị, giảm cân.
    • Mất điều hòa, ù tai, nhức đầu, trầm cảm, hưng cảm.
    • Lupus ban đỏ toàn thân, hội chứng Steven Johnson.
    • Chức năng gan, thận rối loạn.
    • Giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu bất sản, sưng lưỡi.
    • Dễ bị kích thích, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần, cận thị.
    • Ethosuximid nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử bệnh tâm thần, mắc các bệnh lý gan thận, bệnh nhân sắp thực hiện phẫu thuật, hoặc người lái xe, vận hành máy móc. Trường hợp bệnh nhân mang thai, bệnh nhân có dự định có thai hoặc đang cho con bú cần thông báo với bác sĩ để có chỉ định cụ thể nhất, không tự ý dùng thuốc khi chưa được cho phép.
    • Thuốc có thể gây ra tương tác với một số thuốc khác nếu dùng đồng thời như Amphetamine, Pseudoephedrine, Benzphetamine, Mephentermine ,… do đó, người dùng tuyệt đối không tự ý sử dụng phối hợp nhiều thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, đồng thời nên báo với bác sĩ các thuốc đang dùng cùng để được khuyến cáo và tư vấn cách sử dụng.

    Trimethadione

    Trimethadione nằm trong nhóm thuốc chống động kinh theo cơ chế ức chế kênh Calci, là dẫn xuất của Oxazolidindion, được chỉ định với động kinh cơn vắng, tác dụng tương tự như Ethosuximid tuy nhiên ít được dùng hơn do hiệu quả thấp hơn và có nhiều tác dụng không mong muốn hơn Ethosuximid.

    Liều dùng thông thường của Trimethadione đối với người lớn là từ 900-2400 mg/ngày, đối với trẻ em là 300-900 mg/ngày. Mức liều trên có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ bệnh lý cũng như đặc điểm sinh lý cơ thể từng bệnh nhân.

    Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, nôn mửa, suy dạ dày; cơ thể mệt mỏi, mất sức, buồn ngủ, chóng mặt hoặc rối loạn giấc ngủ, đau đầu,… Khi gặp các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn cách xử trí thích hợp.

    Trimethadione có thể gây tương tác với một số thuốc như Amiodarone, Bexarotene, Aprepitant, Bosentan, Boceprevir,… làm ảnh hưởng đến các quá trình dược động, dược lực của các thuốc, ảnh hưởng đến tác dụng, hiệu quả điều trị hoặc độc tính của các thuốc dùng đồng thời. Do đó, người dùng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhiều thuốc cùng lúc để tránh các tương tác thuốc không mong muốn.

    Cũng như các thuốc điều trị động kinh thông thường, chỉ dùng Trimetazidin khi có đơn kê của bác sĩ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ nhỏ.

    Vigabatrin (Sabril)

    Vigabatrin nằm trong nhóm thuốc chống động kinh theo cơ chế làm tăng hoạt tính GABA, được chỉ định trong các trường hợp sau:

    • Điều trị đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc chống động kinh khác cho bệnh nhân động kinh cục bộ không kèm theo động kinh toàn thể hóa thứ phát.
    • Điều trị đơn độc hội chứng West trên trẻ sơ sinh.
    Sabril
    Sabril

    Liều dùng của Vigabatrin như sau:

    • Bệnh nhân động kinh cục bộ là người lớn: liều khởi đầu 1g/ngày, sau đó tăng liều từ 2 – 3g/ngày tùy vào tình trạng và đáp ứng của bệnh nhân.
    • Bệnh nhân động kinh cục bộ là trẻ em: mỗi ngày dùng 40mg/kg cân nặng.
    • Bệnh nhân là trẻ sơ sinh mắc hội chứng West: khởi đầu với liều 50mg/kg, sau đó hiệu chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ sau đó 1 tuần.
    • Liều dùng đối với người cao tuổi và bệnh nhân suy giảm chức năng thận cần được hiệu chỉnh cụ thể dựa trên mức thanh thải thận, đồng thời nên theo dõi thường xuyên để phát hiện các tác dụng không mong muốn.

    Vigabatrin chống chỉ định dùng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc, có tiền sử rối loạn tâm thần, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

    Tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nhất của Vigabatrin thường là suy giảm thị lực sau vài tháng đến một năm sử dụng thuốc. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp các dấu hiệu như mất tập trung, ngủ gật, mệt mỏi hoặc có triệu chứng kích động, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, xét nghiệm có thể có giảm Hemoglobin và hạ men gan.

    Một số thuốc có thể gây ra tương tác với Vigabatrin như:

    • Vigabatrin có thể làm giảm nồng độ của các thuốc an thần Carbamazepin, Phenobarbital trong huyết tương.
    • Vigabatrin làm hạ nồng độ ALT, AST, làm sai lệch xét nghiệm chức năng gan ở bệnh nhân.
    • Dùng Vigabatrin với một số thuốc gây độc thị giác có thể làm trầm trọng thêm suy giảm thị lực trên bệnh nhân.
    • Thuốc nên thận trọng khi dùng trên đối tượng là người lái xe, vận hành máy móc, chú ý bảo quản thuốc xa nơi ô nhiễm, ẩm thấp và tránh tầm với của trẻ.

    Phenobarbital (Gardenal)

    Phenobarbital là thuốc chống động kinh theo cơ chế làm tăng hoạt tính GABA, được chỉ định trong:

    • Điều trị động kinh (trừ động kinh cơn nhỏ) gồm: động kinh giật cơ, động kinh cơn lớn, động kinh cục bộ.
    • Dự phòng co giật do sốt cao tái phát ở trẻ nhỏ.
    • Liều dùng và cách dùng của Phenobarbital như sau:
    • Liều dùng dự phòng co giật: người lớn 2-3 mg/kg/ngày, trẻ em từ 3-4 mg/kg/ngày.
    • Liều dùng làm êm dịu cơn động kinh: uống 0,05 – 0,12 g/ngày.
    Gardenal
    Gardenal

    Thuốc được bào chế ở dạng viên nén dùng đường uống. Người dùng nên chú ý dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Phenobarbital có thể gây ra một số tác dụng phụ trong thời gian điều trị như:

    • Buồn ngủ, rung giật nhãn cầu, mất điều hòa và phối hợp vận động.
    • Loạn dưỡng xương, đau nhức xương, còi xương, nhuyễn xương, đau cơ.
    • Kích thích, lú lẫn, sợ hãi.
    • Nổi mẩn trên da, dị ứng.
    • Rối loạn chuyển hóa porphyrin, hội chứng Lyell, nặng hơn có thể tử vong.
    • Phenobarbital chống chỉ định dùng trên bệnh nhân suy gan nặng, bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh nhân suy hô hấp mức độ nặng, có khó thở hoặc tắc nghẽn, bệnh nhân quá mẫn với phenobarbital.

    Một số tương tác thuốc nên chú ý của Phenobarbital liên quan hầu hết đến việc Phenobarbital là một chất cảm ứng enzym gan mạnh, do đó làm tăng sự chuyển hóa của một số thuốc dùng đồng thời tại gan như felodipin và nimodipin, làm giảm nồng độ của các thuốc trong huyết tương dẫn đến làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. Ngoài ra, Phenobarbital không được dùng cùng rượu do làm tăng tác dụng an thần của thuốc.

    Thuốc nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân suy thận, người có tiền sử nghiện rượu, nghiện ma túy, người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cho con bú. Không được dừng thuốc đột ngột ở bệnh nhân động kinh, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng do thuốc có thể gây lệ thuộc.

    Diazepam

    Diazepam được dùng điều trị động kinh do có tác dụng làm tăng hoạt tính GABA, được chỉ định trong các trường hợp co cứng do não hoặc thần kinh ngoại biên, các bệnh tiền sản, co giật.

    Thuốc Valium chứa Diazepam
    Thuốc Valium chứa Diazepam

    Các tác dụng phụ mà Diazepam có thể gây ra trên người bệnh sử dụng thuốc gồm:

    • Buồn ngủ, lú lẫn, giảm trí nhớ, loạng choạng, hung hăng, rối loạn cảm xúc.
    • Nhức đầu, yếu cơ, chóng mặt.
    • Rối loạn tiết nước bọt, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thị giác.
    • Run đầu chi, nổi mẩn, bí tiểu hoặc tiểu không kiểm soát.
    • Đau, viêm tĩnh mạch nếu tiêm, hạ huyết áp, có thể có ngừng thở.

    Liều dùng cụ thể của Diazepam trên bệnh nhân động kinh còn phụ thuộc vào dạng bào chế của thuốc, đặc điểm của bệnh nhân cũng như chỉ định cụ thể của bác sĩ:

    • Đối với trẻ co giật do sốt cao, thường dùng đường thụt trực tràng, liều tối đa 10mg với trẻ từ 10 tuổi trở lên, có thể dùng tiêm tĩnh mạch chậm 1mg cho mỗi năm tuổi.
    • Đối với cơn động kinh liên tục hoặc xử trí cơn động kinh tái diễn: tiêm tĩnh mạch chậm liều 10-20mg cho người lớn, tiêm nhắc lại sau 30-60 phút sau đó có thể truyền tĩnh mạch nếu cần thiết; với trẻ em tiêm tĩnh mạch chậm 200-300 microgam/kg hoặc tiêm 1mg cho mỗi năm tuổi.
    • Diazepam chống chỉ định cho bệnh nhân nhược cơ, suy hô hấp nặng, không dùng cho bệnh nhân đang bị ám ảnh, sợ hãi hoặc dùng trên bệnh nhân loạn thần mạn.
    • Nên dùng Diazepam thận trọng pử bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận, bệnh nhân tăng nhãn áp, tổn thương não hoặc xơ cứng động mạch, khuyến cáo không dùng cho phụ nữ cho con bú dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.

    Gabapentin (Neurontin, Gabahasan)

    Gabapentin có tác dụng chống động kinh theo cơ chế tăng hoạt tính GABA, được chỉ định đơn trị liệu cho động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên; chỉ định phối hợp trong điều trị động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 3 tuổi trở lên.

    Neurontin
    Neurontin

    Liều dùng của Gabapentin bạn có thể tham khảo dưới đây:

    • Đối với đơn trị liệu cơn động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 300mg, có thể tăng liều và tối đa 1 ngày là 3600mg chia 3 lần. Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc không nên vượt quá 12 giờ.
    • Đối với trị liệu phối hợp cơn động kinh cục bộ có hoặc không kèm theo cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 3 tuổi trở lên: mỗi ngày dùng 25-35 mg/kg cân nặng, chia thành 3 lần.

    Gabapentin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như đau nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đau lưng, người mệt mỏi, giảm trí nhớ hoặc suy nhược, trầm cảm, gãy xương, mất ngủ,… Hãy báo lại với bác sĩ nếu bạn có bất cứ biểu hiện lạ nào nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc để được điều chỉnh và hướng dẫn xử trí hợp lý.

    Một số lưu ý khi dùng Gabapentin như sau:

    • Uống Gabapentin cách 2 giờ với các thuốc kháng acid dùng đồng thời.
    • Thận trọng khi dùng thuốc cho người lái xe, vận hành máy móc. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
    • Nên theo dõi bệnh nhân có tiền sử rối loạn tâm thần, bệnh nhân chức năng gan thận suy giảm khi sử dụng Gabapentin.
    • Việc giảm liều hoặc ngừng thuốc không được đột ngột, cần thực hiện giảm liều từ từ tối thiểu trong 1 tuần đối với bệnh nhân động kinh.
    • Gabapentin có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm Protein niệu.

    Pregabalin (Lyrica)

    Pregabalin là thuốc nằm trong nhóm điều trị động kinh theo cơ chế tăng hoạt tính GABA, được chỉ định là liệu pháp bổ trợ trong động kinh cục bộ có hoặc không kết hợp với điều trị tổng quát cho đối tượng là người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

    Lyrica
    Lyrica

    Liều dùng của Pregabalin cụ thể như sau: khởi đầu mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 75mg uống cùng hoặc không cùng thức ăn. Tùy mức độ dung nạp và đáp ứng của bệnh nhân mà liều có thể được điều chỉnh sau 3-7 ngày, liều tối đa là 300mg/ngày.

    Các tác dụng phụ của Pregabalin được thống kê trên lâm sàng gồm có:

    • Chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn thị giác, mất điều hòa.
    • Suy giảm trí nhớ, hôn mê, phù ngoại biên, phù mặt, phù lưỡi.
    • Trầm cảm, rối loạn, ảo giác, kích động, rung giật cơ.
    • Tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, suy tim.
    • Mặt đỏ bừng, co cứng và đau cơ khớp.
    • Rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, nôn, tiêu chảy.

    Pregabalin có thể gây tương tác với một số thuốc dùng cùng như làm tăng sự rối loạn nhận thức và chức năng vận động nếu dùng đồng thời với Oxycodone; Pregabalin làm tăng tác dụng của ethanol và lorazepam.

    Pregabalin chống chỉ định dùng cho bệnh nhân có bất thường dung nạp Galactose, bệnh nhân thiếu men Lactase, bệnh nhân rối loạn hấp thu Glucose-Galactose.

    Pregabalin nên dùng thận trọng ở bệnh nhân suy thận, bệnh nhân đái tháo đường và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

    Topiramate (Topamax)

    Topiramate được chỉ định đơn trị liệu hoặc phối hợp điều trị động kinh khởi phát cục bộ hoặc cơn động kinh toàn thể có co cứng – giật rung, ngoài ra còn được dùng phòng ngừa cơn đau nửa đầu.

    Topamax
    Topamax

    Liều dùng và cách dùng cụ thể của Topiramate như sau:

    • Liều điều trị hỗ trợ với người lớn: mỗi ngày 25-50mg, uống vào buổi tối, uống trong 1 tuần, sau đó tăng liều hàng tuần lên 25-50mg/ngày chia 2 lần. Liều duy trì thông thường là 200-400mg/ngày.
    • Liều điều trị hỗ trợ với trẻ em từ 2 tuổi trở lên: mỗi ngày 2 lần với tổng liều từ 5-9 mg/kg cân nặng.
    • Liều điều trị đơn độc ở người lớn là 25mg/ngày, dùng trong 1 tuần sau đó tăng liều lên 25-50 mg/ngày chia 2 lần.
    • Liều điều trị đơn độc ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên: mỗi ngày 1-3mg/kg cân nặng, tăng liều sau 1-2 tuần.

    Một số tác dụng không mong muốn của Topiramate có thể gây ra gồm buồn ngủ, chóng mặt, lo âu, chán ăn, người mệt mỏi, rối loạn ngôn ngữ, lú lẫn, nhìn đôi hoặc rối loạn thị giác, các rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa.

    Topiramate có thể gây ra tương tác với một số thuốc khác dùng đồng thời như Phenytoin, Carbamazepin, Digoxin, hoặc các thuốc tránh thai dùng đường uống, làm ảnh hưởng đến tác dụng, hiệu quả của thuốc cũng như có thể làm tăng độc tính của các thuốc dùng đồng thời.

    Topiramate nên được dùng thận trọng và chú ý theo dõi ở bệnh nhân sỏi thận, bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Chỉ dùng thuốc cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú sau khi đã cân nhắc nguy cơ – lợi ích và được chỉ định cụ thể bởi bác sĩ. Theo dõi và thận trọng khi dùng Topiramate cho người lái xe, vận hành máy móc nguy hiểm.

    Valproat (Depakine, Encorate Chrono)

    Valproat được biết đến là thuốc điều trị động kinh phối hợp nhiều cơ chế, được chỉ định cho động kinh cơn vắng ý thức, động kinh giật cơ, động kinh co giật toàn thể, động kinh co cứng hoặc sốt co giật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

    Depakine
    Depakine

    Liều dùng của Valproat như sau:

    • Liều dùng đối với người lớn: ngày uống 600mg, tăng dần 200mg sau 3 ngày. Mức liều thông thường đạt hiệu quả nằm trong khoảng 1000-2000mg/ngày, hay 20-30mg/kg cân nặng.
    • Liều dùng đối với trẻ em nặng trên 20kg: mỗi ngày 400mg, sau đó tăng dần tùy thuộc theo đáp ứng của trẻ, thường trong khoảng 20 – 30mg/kg/ngày.
    • Thuốc được bào chế ở dạng viên uống, nên uống kèm với nước, uống nguyên viên không nhai nát.

    Thuốc chống chỉ định dùng cho bệnh nhân quá mẫn với Valproat, phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận trọng khi dùng trên bệnh nhân suy thận, trẻ dưới 3 tuổi.

    Valproat có thể gây tương tác với một số thuốc dùng đồng thời như thuốc chống đông dùng đường uống, thuốc an thần, thuốc ức chế men MAO, các thuốc chống trầm cảm khác hoặc các thuốc chống co giật, do đó người dùng không được tự ý phối hợp thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

    Một số tác dụng không mong muốn Valproat có thể gây ra trong thời gian điều trị gồm có: Rụng lông tóc, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, nhìn đôi, choáng váng, có thể có giảm tiểu cầu hoặc tổn thương chức năng gan.

    Thuốc chống động kinh thế hệ mới – Levetiracetam (Keppra)

    Levetiracetam là thuốc chống động kinh thế hệ mới, được chỉ định trong các trường hợp:

    • Điều trị đơn trị liệu động kinh khởi phát cục bộ có hoặc không có toàn thể hóa thứ phát ở bệnh nhân được chẩn đoán động kinh trên 16 tuổi.
    • Điều trị phối hợp trong động kinh khởi phát cục bộ có hoặc không có toàn thể hóa thứ phát ở bệnh nhân được chẩn đoán động kinh trên 4 tuổi.
    • Điều trị động kinh rung giật cơ ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
    • Điều trị động kinh co cứng, co giật toàn thể tiên phát ở người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên bị động kinh toàn thể thứ phát.
    Keppra
    Keppra

    Levetiracetam được dùng cùng nước trong hoặc ngoài bữa ăn, mỗi ngày 2 lần:

    • Đối với điều trị đơn trị liệu ở người lớn và trẻ em từ 16 tuổi trở lên: khởi đầu với liều 250mg/ngày chia 2 lần, có thể tăng liều đến 500mg/ngày tùy theo đáp ứng lâm sàng ở bệnh nhân.
    • Đối với điều trị phối hợp ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên có cân nặng trên 50kg: liều một ngày 500mg chia 2 lần.
    • Đối với điều trị phối hợp ở trẻ em từ 4 đến 11 tuổi có cân nặng dưới 50kg: liều khởi đầu là 10mg/kg cân nặng và tăng dần theo đáp ứng của từng bệnh nhân.

    Một số tác dụng không mong muốn của Levetiracetam gồm:

    • Buồn ngủ, suy nhược, mệt mỏi, rối loạn thần kinh, mất trí nhớ, mất điều hòa, co giật, choáng váng, căng thẳng, mất tập trung.
    • Kích động, trầm cảm, rối loạn tình cảm.
    • Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn và nôn.

    Trong thời gian sử dụng Levetiracetam, không được tự ý phối hợp thuốc với các thuốc khác để tránh các tương tác không đáng có, không nên dùng cùng rượu, cafe có thể làm nặng thêm các tác dụng phụ trên thần kinh như lú lẫn, buồn ngủ hoặc rối loạn cảm xúc.

    Levetiracetam nên được dùng thận trọng ở người lái xe, vận hành máy, chỉ dùng khi thật cần thiết trên bệnh nhân là phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời gian cho con bú mẹ.

    Lưu ý khi sử dụng thuốc chữa bệnh động kinh

    Một số lưu ý về thuốc cũng như những vấn đề liên quan khi điều trị bằng các thuốc động kinh như sau:

    • Các thuốc chống động kinh được khuyến cáo dùng trên đối tượng là phụ nữ mang thai hoặc cho con bú khi cần thiết và sau khi đã qua cân nhắc nguy cơ – lợi ích.
    • Các thuốc chống động kinh thường gây ảnh hưởng đến sự tập trung, nên được dùng thận trọng ở người lái xe, người vận hành máy, chú ý theo dõi biểu hiện ở bệnh nhân suy gan, thận sử dụng thuốc.
    • Hiệu lực của các thuốc động kinh đều có giới hạn, dùng thuốc cần đảm bảo đều đặn, thường xuyên, điều trị lâu dài và không ngừng thuốc đột ngột, thuốc cần được giảm liều từ từ để tránh làm tăng tần suất các cơn động kinh.
    • Chỉ dùng thuốc khi được chẩn đoán cụ thể bởi bác sĩ và được hướng dẫn điều chỉnh phù hợp với từng đặc điểm bệnh nhân.
    • Động kinh thường được khởi đầu điều trị với một thuốc nhất định, với liều thấp nhất và tăng liều theo đáp ứng của bệnh nhân.
    • Bệnh nhân cần được theo dõi biểu hiện lâm sàng và kiểm tra thường xuyên các chỉ số cơ thể, kết hợp với chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo hiệu quả điều trị là tốt nhất.
    • Động kinh là bệnh lý kéo dài và có thể mạn tính, sau 2 năm điều trị không thấy xuất hiện cơn động kinh có thể ngừng thuốc theo lộ trình giảm liều từ từ theo chỉ định của bác sĩ.

    Sử dụng thuốc chống động kinh cho phụ nữ mang thai và cho con bú

    Ở phụ nữ mang thai và cho con bú, kiểm soát động kinh là một vấn đề quan trọng và cần được tiến hành kịp thời do có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé nếu không được kiểm soát hiệu quả. Nguy cơ cho thai nhi của việc không điều trị động kinh cho người mẹ còn lớn hơn nguy cơ liên quan đến các thuốc điều trị động kinh.

    Đa số phụ nữ mang thai đều được điều trị với ít nhất một thuốc chống động kinh để đảm bảo kiểm soát được cơn động kinh, hạn chế tối đa co giật và để tránh dị tật cho thai nhi khi sinh ra:

    • Các thuốc điều trị động kinh cho phụ nữ có thai cần đảm bảo phù hợp nhất và hiệu quả nhất.
    • Bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc trên thai nhi đều cần được dự phòng hoặc hạn chế đến mức tối thiểu nhất để tránh tối đa dị tật ở thai nhi.
    • Phụ nữ động kinh đang cân nhắc mang thai cần được điều trị bằng thuốc có khả năng gây dị tật thấp nhất, đồng thời cần có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ điều trị sau khi đã cân nhắc tất cả các khả năng.
    • Phụ nữ được khuyên nên bổ sung folate và vitamin K trước và trong khi mang thai, tiếp tục ít nhất hết 3 tháng đầu thai kỳ.
    • Dược động học của thuốc động kinh có thể có sự thay đổi trong quá trình phụ nữ mang thai, do đó liều dùng cũng cần thiết được điều chỉnh để đảm bảo phù hợp và cân bằng giữa nguy cơ co giật ở mẹ với việc giảm nguy cơ tổn thương cho thai nhi đến mức tối thiểu.