Thời gian làm việc

7h:00 - 22h:00

Gọi cho chúng tôi ngay

0333 40 50 80

Thời gian làm việc

7h:00 - 22h:00

Gọi cho chúng tôi ngay

0333 40 50 80
More
    Trang chủ Thông Tin Thuốc Thuốc tiêu chảy hiệu quả và an toàn nhất hiện nay [Bác sĩ khuyên dùng]

    Thuốc tiêu chảy hiệu quả và an toàn nhất hiện nay [Bác sĩ khuyên dùng]

    Các thuốc chữa tiêu chảy an toàn và hiệu quả nhất hiện nay
    Các thuốc chữa tiêu chảy an toàn và hiệu quả nhất hiện nay

    Tiêu chảy là một bệnh đường tiêu hóa rất phổ biến hiện nay có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chính vì bệnh rất hay gặp nên thường không nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người, do đó lâu dài sẽ dẫn đến những biến chứng hết sức nguy hiểm cho người bệnh. Cho nên, trong bài viết này, Heal central xin chia sẻ tới các bạn đọc tất cả các thông tin về bệnh tiêu chảy cũng như các thuốc tiêu chảy tốt nhất hiện nay.

    Tiêu chảy là bệnh gì?

    Định nghĩa: Theo tổ chức Y tế thế giới, tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng hoặc toàn nước với tần suất 3 lần/ngày, thậm chí trẻ nhỏ bú mẹ hoàn toàn có thể đi ngoài toàn nước hoặc lợn cợn tần suất từ 5-7 lần/ngày.

    Tiêu chảy cấp tính là tình trạng đi phân lỏng hoặc lợn cợn liên tục trong vòng 14 ngày, tiêu chảy cấp rất phổ biến ở trẻ em.

    Dịch tễ học

    Theo số liệu thống kê năm 2004 có khoảng 2.5 tỷ trường hợp ca mắc trên toàn thế giới và chúng là nguyên nhân khiến 1.5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong. Trong đó hơn một nửa số ca xuất hiện tại các nước đang phát triển và chậm phát triển ở Nam Á và Châu Phi.Tuy nhiên số ca tử vong cũng đã giảm đáng kể so với năm 1980 với 5 triệu ca tử vong.

    Theo số liệu năm 2003 tiêu chảy là 1 trong 2 nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em tử vong (16%), chỉ sau viêm phổi (17%) ở nhóm cùng lứa tuổi.

    Năm 2013, ước tính có khoảng 1.26 triệu người tử vong do tiêu chảy, trong đó viêm phổi và tiêu chảy vẫn là 2 nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em dưới 5 tuổi tử vong chiếm tỷ lệ khoảng 29%.

    Đến năm 2015, có khoảng 2.4 triệu ca mắc, số ca tử vong chiếm khoảng 1.3 triệu người.

    Sự lây lan

    Sự lây lan của mầm bệnh tiêu chảy chủ yếu qua đường tiêu hóa (truyền bằng đường phân-miệng) thông qua thức ăn, nước uống ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân có chứa tác nhân gây bệnh.

    Yếu tố thuận lợi cho sự lan truyền của mầm bệnh như không rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, để trẻ chơi ở vùng đất bẩn có dính phân người hoặc gia súc

    Yếu tố nguy cơ

    Sử dụng thức ăn không hợp vệ sinh, thức ăn đã ôi thiu.

    Trẻ không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu hoặc trẻ cai sữa trước 12 tháng tuổi.

    Cho trẻ bú chai: dùng nước đã nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột, không rửa tay sau khi vệ sinh, sau khi dọn phân hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn, không xử lý phân của trẻ đúng cách.

    Đặc biệt trẻ em bị suy dinh dưỡng, mắc sởi hoặc người bị suy giảm miễn dịch thì dễ mắc phải bệnh tiêu chảy hơn, tình trạng cũng nặng và kéo dài hơn người khác.

    Tính chất mùa của bệnh

    Tiêu chảy cũng phụ thuộc vào mùa, ở vùng ôn đới tiêu chảy do vi khuẩn thường xảy ra vào mùa đông, do virus thường vào mùa hè. Ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, tiêu chảy do vi khuẩn thường diễn ra vào mùa mưa hoặc những tháng nóng ẩm, tiêu chảy do virus thường diễn ra quanh năm và nhiều nhất vào tháng lạnh, khô.

    Đặc biệt nếu không được kiểm soát chặt chẽ, bệnh có thể bùng phát thành dịch.

    Triệu chứng của bệnh tiêu chảy

    Những triệu chứng của bệnh tiêu chảy
    Những triệu chứng của bệnh tiêu chảy

    Triệu chứng điển hình của bệnh tiêu chảy: đau bụng âm ỉ, đi ngoài phân lỏng, đau quặn, khát nước, mất nước, sốt, phân có máu, lượng phân nhiều, nôn, buồn nôn, một số bị co giật hoặc chuột rút.

    Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

    Hiện nay nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tại các phòng thí nghiệm lớn đã phân lập được khoảng tác nhân gây bệnh cho khoảng 75% trường hợp mắc tiêu chảy tại cơ sở điều trị và khoảng 50% ca mắc tiêu chảy nhẹ ở cộng đồng.

    Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tiêu chảy là do nhiễm khuẩn, chúng gây ra mất cân bằng hệ chí vi khuẩn tại đường ruột làm vi khuẩn có hại tại đường ruột có cơ hội phát triển và gây bệnh. Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn thường gây bệnh theo 1 cơ chế hoặc kết hợp theo nhiều cơ chế khác nhau như:

    • Bám dính niêm mạc (Enterotoxigenic Escherichia Coli, Vibrio Cholerae): Vi khuẩn bám dính niêm mạc ruột làm tổn thương các vi lông mao, dẫn đến làm cản trở sự hấp thu nước, điện giải dẫn đến tiêu chảy
    • Tiết ra các độc tố gây tiết dịch (Vibrio Cholerae): Vi khuẩn tả khi đến ruột non sẽ tiết ra nội độc tố Cholera toxin, nội độc tố sẽ gắn vào receptor tại ruột non gây hoạt hóa adenyl cyclase làm tăng AMPv dẫn đến tăng đào thải nước và các chất điện giải, giảm hấp thu chất điện giải, gây tiêu chảy dữ dội.
    • Xâm nhập niêm mạc (Shigella, Enterotoxigenic Escherichia Coli, Campylobacter jejuni, Salmonella…): vi khuẩn xâm nhập vào các niêm mạc ruột non làm phá hủy cấu trúc tế bào, từ đó tạo ra các độc tố, các độc tố theo máu và bạch mạch tác động đến toàn thân gây ra tình trạng nhiễm độc thần kinh, tim mạch. Tác động tại chỗ gây viêm, tăng kích thích nhu động ruột, rối loạn trao đổi nước điện giải, tăng tiết, hoạt tử niêm mạc, xuất tiết…
    • Tăng xuất tiết (Vibrio Cholerae, ETEC…): vi khuẩn tiết độc tố gây tăng tiết dịch trong lòng ruột gây tiêu chảy.

    Cùng với vi khuẩn, virus cũng là một tác nhân gây bệnh tiêu chảy cũng khá phổ biến, một số tác nhân là virus gây tiêu chảy có thể kể đến như: Rotavirus, Norovirus, Enteric adenovirus, Astrovirus, Calicivirus, Corona virus…Cơ chế gây bệnh của virus chủ yếu do các virus nhân lên tại các liên bào nhung mao gây phá hủy cấu trúc liên bào, tổn thương các nhung mao khiến tăng bài tiết nước và các chất điện giải có ở ruột gây tiêu chảy.

    Một số loại kí sinh trùng cũng có thể gây tiêu chảy như: Giardia, Entamoeba histolytica, Trichomonas, Strongyloides…cơ chế chủ yếu là bám dính niêm mạc hoặc xâm nhập niêm mạc.

    Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: ngộ độc thức ăn, do thuốc, sai lầm trong chế độ ăn, một số bệnh lý mạn tính đường ruột, kém dung nạp lactose…

    Phân loại bệnh tiêu chảy

    Theo lâm sàng

    Trên lâm sàng thường phân loại tiêu chảy thường có 3 nhóm: tiêu chảy cấp, hội chứng lỵ, tiêu chảy kéo dài.

    Tiêu chảy cấp

    Định nghĩa: Tiêu chảy cấp là tình trạng đi phân lỏng hoặc phân lợn cợn nhưng không có máu liên tục một cách bất thường trong 14 ngày

    Tiêu chảy cấp gây mất nước cấp tính khiến bệnh nhân bị nôn, sốt dữ dội, lượng thức ăn đưa vào cơ thể cũng thấp hơn bình thường khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong do mất nước và điện giải

    Một số tác nhân gây tiêu chảy cấp: Vibrio Cholerae, Rotavirus, ETEC, Shigella, Salmonella, EPEC, Campylobacter jejuni…

    Hội chứng lỵ (tiêu chảy cấp phân máu)

    Vi khuẩn Shigella gây hội chứng lỵ
    Vi khuẩn Shigella gây hội chứng lỵ

    Bệnh nhân bị tiêu chảy và có máu trong phân, do niêm mạc ruột bị phá hủy. Bệnh nhân có biểu hiện shock nhiễm trùng nhiễm độc.

    Tính chất phân tùy thuộc vào vị trí tổn thương: nếu tổn thương ở đoạn trên ống tiêu hóa (ruột non) thì phân có nhiều nước lẫn máu nhầy (như nước rửa thịt), nếu ở đại tràng phân nhiều nhầy máu, ít nước, kèm theo biểu hiện mót rặn, đau quặn.

    Hậu quả: bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, sụt cân, chán ăn, tổn thương niêm mạc ruột, nhiễm khuẩn huyết…

    Shigella chính là tác nhân hay gặp nhất gây hội chứng lỵ, ngoài ra còn có một số tác nhân khác gây hội chứng lỵ ít gặp hơn (thường xuất hiện ở người lớn, ít xuất hiện ở trẻ) như Salmonella, ETEC, Campylobacter jejuni, Entamoeba histolytica…

    Tiêu chảy mạn

    Định nghĩa: Là loại tiêu chảy khởi đầu cấp tính nhưng kéo dài liên tục trên 14 ngày.

    Khởi đầu mỗi đợt có thể là biểu hiện của tiêu chảy cấp hoặc hội chứng lỵ, tuy nhiên đối với tiêu chảy kéo dài thì không có tác nhân vi sinh vật nào riêng biệt gây tiêu chảy kéo dài.

    Một số tác nhân đóng vai trò quan trọng hơn các tác nhân khác có thể kể đến như Shigella, E.coli bám dính (EAEC), Cryptosporidia…

    Yếu tố nguy cơ gây tiêu chảy kéo dài: suy dinh dưỡng, tiêu chảy gần đây, tuổi nhỏ (dưới 18 tháng tuổi), tổn thương hệ miễn dịch, uống các loại sữa công nghiệp hoặc sữa động vật…

    Theo cơ chế bệnh sinh

    Tiêu chảy xâm nhập

    Tác nhân gây bệnh xâm nhập vào tổ chức tế bào tại ruột non, ruột già tại đó chúng sẽ nhân lên và phá hủy tế bào, gây ra phản ứng viêm. Các sản phẩm của quá trình này được bài tiết vào lòng ruột gây tiêu chảy, tính chất của phân có nhầy máu.

    Tiêu chảy thẩm thấu

    Tác nhân gây bệnh bám vào niêm mạc ruột dẫn tới tổn thương các tế bào diềm bàn chải tại ruột non. Hậu quả dẫn tới ruột non không thể hấp thu các chất dinh dưỡng khiến lòng ruột tăng áp lực thẩm thấu làm cho nước và các chất điện giải tăng bài tiết vào lòng ruột gây tiêu chảy.

    Tiêu chảy xuất tiết

    Khi vi khuẩn tiết ra các độc tố tại đường tiêu hóa tuy không gây tổn thương đến hình thái tế bào nhưng chúng tác động lên hẻm liên bào nhung mao khiến nước và các chất điện giải đổ vào lòng ruột một cách bất thường sẽ gây tiêu chảy xuất tiết.

    Hậu quả: mất nước và các chất điện giải một cách nghiêm trọng, nhiễm toan chuyển hóa do mất bicarbonat, chuột rút do mất kali, trụy tim mạch do giảm lưu lượng tuần hoàn, ngừng tim, thậm chí là tử vong.

    Các nhóm thuốc điều trị tiêu chảy

    Hiện nay có một số loại thuốc điều trị tiêu chảy như:

    • Dung dịch bù nước và điện giải: Oresol (thành phần chủ yếu: Natri, Kali, glucose, citrate, chlor)…
    • Các thuốc bao phủ niêm mạc ruột, hấp phụ độc tố: Diosmectite (Smecta), Atapulgit…
    • Thuốc kháng nhu động ruột, giảm tiết dịch (Opioid): Loperamid, Diphenoxy…
    • Bổ sung men vi sinh có lợi: Bifidobacterium, Lactobacillus acidophilus, Saccharomyces boulardii…

    Tiêu chảy uống thuốc gì?

    Thuốc trị tiêu chảy Berberin

    Thuốc trị tiêu chảy Berberin là loại thuốc khá quen thuộc với hàng triệu người dân Việt Nam bởi chúng có mặt từ những năm 70 của thế kỷ trước do dược sĩ Phan Quốc Kinh và cộng sự nghiên cứu bào chế.

    Thuốc trị tiêu chảy Berberin
    Thuốc trị tiêu chảy Berberin

    Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà

    Thành phần: Thành phần chính là Berberin sulfate hoặc berberine hydrochloride hàm lượng 10mg, 50mg hoặc 100mg và một số tá dược khác vừa đủ 1 viên.

    Dạng bào chế: Berberin được bào chế dưới dạng nhiều dạng khác nhau như viên nang, viên nén, viên nén bao phim, viên nén bao đường. Hiện nay với công nghệ bào chế hiện đại đã khắc phục được nhược điểm là vị đắng của thuốc.

    Tác dụng của Berberin

    Dược lực học: Berberin là một alkaloid, phổ tác dụng của chúng khá rộng trên nhiều vi khuẩn và kí sinh trùng như Vibrio Cholerae, Staphylococcus aureus, Shigella dysenteriae, Streptococcus hemolyticus…do đó có khả năng trị tiêu chảy do các vi khuẩn, kí sinh trùng trên gây ra

    Dược động học: Berberin hấp thu chậm tại đường tiêu hóa do đó rất thuận tiện cho các trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột. Khi được hấp thu chúng sẽ phân bố nhanh đến các cơ quan, tổ chức, tuy nhiên nồng độ trong máu khó được duy trì. Berberin được bài tiết chủ yếu qua phân.

    Chỉ định

    Berberin thường được chỉ định trong các trường hợp tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, lỵ trực trùng, hội chứng lỵ, ngoài ra còn có thể sử dụng để điều trị viêm ống mật.

    Cách dùng, liều dùng

    Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén do đó được sử dụng theo đường tiêu hóa, bạn có thể dùng chung với 1 cốc nước đun sôi để nguội.

    Liều dùng: Người lớn mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần 1-2 viên 100mg hoặc 2-4 viên 50mg. Trẻ em thì tùy theo độ tuổi mà liều dùng khác nhau, liều cho trẻ khoảng từ ½-3 viên 50mg mỗi lần, ngày dùng 2 lần.

    Chống chỉ định

    Berberin không thích hợp khi dùng cho phụ nữ có thai, hoặc những người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

    Giá: Berberin hiện nay được bán rất rộng rãi trên thị trường do đó bạn có thể dễ dạng mua được, giá của berberin cũng khá rẻ chỉ khoảng 4.000 đồng/ hộp hàm lượng 5mg, hoặc 43.000/ hộp hàm lượng 10mg.

    Thuốc trị tiêu chảy Loperamid

    Thuốc trị tiêu chảy Loperamid được sản xuất bởi Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Domesco – VIỆT NAM

    Thuốc trị tiêu chảy Loperamid
    Thuốc trị tiêu chảy Loperamid

    Thành phần: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, với hàm lượng Loperamid là 2mg và một số tá dược khác vừa đủ 1 viên nén.

    Tác dụng

    Dược lực học:

    Loperamid là một dược chất thuộc nhóm opioid có tác dụng làm giảm nhu động ruột, co thắt ống tiêu hóa nhờ gắn kết với thụ thể opioid tại thành ruột do đó sẽ giảm sự mất nước và điện giải, giảm lượng phân. Điều này làm kéo dài thời gian của các chất trong lòng ruột. Ở liều bình thường chúng ít tác động đến hệ thần kinh trung ương, đặc biệt tác dụng trị tiêu chảy của chúng khá nhanh chỉ sau 1h.

    Dược động học:

    • Hấp thu: Thuốc được hấp thu chủ yếu qua đường tiêu hóa, tuy nhiên sinh khả dụng của thuốc rất thấp chỉ đạt khoảng 0.3%.
    • Phân bố: Thử nghiệm trên chuột cho thấy Loperamid có ái lực cao với thành ruột, ưu tiên liên kết với thụ thể ở lớp cơ dọc. Tỉ lệ Loperamid gắn với protein huyết tương khá cao khoảng 95%, dữ liệu phi lâm sàng chỉ ra Loperamid là cơ chất là P-glycoprotein.
    • Chuyển hóa: Loperamid được chuyển hóa gần như hoàn toàn bởi enzym gan theo con đường oxy hóa bởi N-demethylation.
    • Thải trừ: Nồng độ Loperamid trong máu đạt đỉnh sau 2.5 giờ, thời gian bán hủy của Loperamid là khoảng 11 giờ và bài tiết chủ yếu qua phân.

    Chỉ định

    Thuốc được chỉ định cho các trường hợp: tiêu chảy cấp ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi hoặc điều trị triệu chứng cho các đợt cấp liên quan đến hội chứng ruột kích thích ở người trên 18 tuổi.

    Cách dùng, liều dùng

    Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén nên được sử dụng chủ yếu theo đường tiêu hóa, bạn có thể dùng chung với nước đun sôi để nguội.

    Liều dùng:

    Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi bị tiêu chảy cấp dùng liều khởi đầu là 2 viên, sau đó dùng 1 viên sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, liều dùng thông thường là 3-4 viên mỗi ngày và tối đa là 6 viên/ ngày.

    Người lớn bị hội chứng ruột bị kích thích sử dụng 2 viên, sau đó mỗi lần đi phân lỏng thì dùng 1 viên hoặc bạn cũng có thể dùng liều theo khuyến cáo trước đó của bác sĩ nhưng tối đa chỉ được 6 viên mỗi ngày.

    Chống chỉ định

    Không sử dụng Loperamid cho bất kỳ bệnh nhân nào bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

    Trẻ em dưới 12 tuổi không được sử dụng do chưa được chứng minh là an toàn khi sử dụng

    Người bị hội chứng lỵ cấp tính, viêm ruột do vi khuẩn gây ra bởi các sinh vật xâm lấn bao gồm Salmonella, Shigella và Campylobacter không được sử dụng thuốc.

    Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng cấp tính, viêm đại tràng giả mạc liên quan đến việc sử dụng kháng sinh phổ rộng cũng bị chống chỉ định.

    Khi cần tránh sử dụng thuốc ức chế nhu động ruột thì không nên dùng Loperamid bởi chúng để lại di chứng như hồi tràng, phình đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc. Dừng ngay khi có biểu hiện táo bón, chướng bụng.

    Lưu ý

    Không nên dùng cho những bệnh nhân bị tổn thương gan (nếu dùng giảm liều cho họ) và phụ nữ có thai.

    Đối với phụ nữ đang cho con bú có thể sử dụng cho họ bởi Loperamid bài tiết qua sữa không đáng kể, tuy nhiên cũng cần giảm liều cho họ.

    Không nên dùng Loperamid chung với một số thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, phenothiazin bởi chúng làm tăng độc tính của Loperamid.

    Quá liều: biểu hiện đặc trưng như táo bón, kích thích đường tiêu hóa, nôn, buồn nôn, Suy hô hấp và hệ thần kinh trung ương. Khi có biểu hiện trên cần cho bệnh nhân rửa dạ dày và dùng ngay than hoạt tính ngay sau đó.

    Giá: Thuốc hiện nay được bán trên thị trường với giá khoảng 33.000 đồng/hộp 5 vỉ x 10 viên nén

    Thuốc cầm tiêu chảy Diphenoxylate

    Thuốc cầm tiêu chảy Diarsed
    Thuốc cầm tiêu chảy Diarsed

    Thuốc cầm tiêu chảy Diphenoxylate là 1 opioid có tác dụng kháng nhu động ruột, hiện nay chúng được kết hợp với atropin để điều trị tiêu chảy

    Hiện nay biệt dược phổ biến nhất của Diphenoxylate đó là Diarsed với sự kết hợp của Atropin hàm lượng 0.03mg và Diphenoxylate hàm lượng 2.5mg với dạng bào chế là viên nén.

    Tác dụng:

    Dược lực học

    Diphenoxylat là một dược chất chống tiêu chảy và có hiệu quả như một biện pháp bổ trợ trong điều trị bệnh tiêu chảy. Cơ chế tác dụng của chúng giống như một chất thuốc phiện nhờ kích thích thể mu trong GI dẫn đến làm giảm nhu động và hạn chế cơ thắt ruột. Thuốc tác động đến cơ trơn tròn của ruột dẫn đến là kéo dài thời gian vận chuyển các chất qua đường tiêu hóa do đó có tác dụng hạn chế lượng phân.

    Dược động học

    Nồng độ thuốc trong máu sau 2 giờ kể từ khi uống thuốc sẽ đạt mức cao nhất, thời gian bán hủy của thuốc khoảng 2.5 giờ. Thuốc được thải trừ ra khỏi cơ thể qua phân và một phần qua nước tiểu dưới dạng liên hợp.

    Chỉ định

    Thuốc được chỉ định cho các trường hợp bị: tiêu chảy cấp, tiêu chảy mạn do bị kích thích nhu động ruột hoặc khi cần thiết có thể sử dụng để điều trị không thay thế cho một liệu pháp bù nước và các chất điện giải.

    Cách dùng, liều dùng

    Cách dùng: Do được bào chế dưới dạng viên nén nên thuốc được sử dụng theo đường uống, bạn có thể dùng chung với nước đun sôi để nguội.

    Liều dùng

    Người lớn bị tiêu chảy cấp sử dụng liều khởi đầu 2 viên, sau đó sẽ dùng 1 viên cho các lần đi phân lỏng tiếp theo, tuy nhiên mỗi ngày chỉ được dùng tối đa 8 viên.

    Đối với trường hợp bị tiêu chảy mạn tính được khuyến cáo nên sử dụng mỗi ngày từ 1-2 viên.

    Trẻ em trên 30 tháng tuổi thì hạ liều xuống chỉ còn 1-4 viên/ ngày hoặc dùng 2,5mg/ 5kg/ ngày

    Chống chỉ định

    Không dùng Diphenoxylate cho các trường hợp bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.

    Bệnh nhân bị viêm kết màng giả ruột, vàng da do tắc nghẽn, vi khuẩn sinh độc tố enterotoxin.

    Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, viêm loét đại trực tràng, glaucoma góc đóng, nguy cơ bí tiểu do phì đại tiền liệt tuyến, trẻ < 30 tháng tuổi bị chống chỉ định với thuốc

    Giá: Thuốc hiện nay được bán trên thị trường với giá khoảng 80.000VNĐ – 90.000 VNĐ/ hộp tùy nơi nhập.

    Thuốc tiêu chảy cho trẻ em Smecta

    Thuốc tiêu chảy cho trẻ em Smecta
    Thuốc tiêu chảy cho trẻ em Smecta

    Thuốc tiêu chảy cho trẻ em Smecta được sản xuất bởi Công ty Beaufour Ipsen Industrie – PHÁP

    Dạng bào chế: Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha thành dung dịch uống.

    Thành phần: Thành phần chính của thuốc gồm Dioctahedral smectite và các tá dược khác vừa đủ 1 gói.

    Tác dụng của thuốc

    Dioctahedral smectite là 1 dược chất có khả năng bao phủ niêm mạc do có cấu trúc từng lớp và độ nhớt cao. Chúng có khả năng tương tác với glycoprotein chất nhầy dẫn đến làm tăng độ bền của chất nhầy giúp niêm mạc bảo vệ được các yếu tố tấn công niêm mạc.

    Đặc biệt Dioctahedral smectite là một chất không cản quang, không thay đổi màu sắc của phân, tại liều dùng thông thường chúng thông thay đổi chức năng sinh lý của ruột và nhu động ruột.

    Dioctahedral smectite không được hấp thu vào vòng tuần hoàn chung và chúng được bài tiết ra khỏi cơ thể theo phân.

    Chỉ định

    Thuốc được chỉ định cho các trường hợp như diều trị triệu chứng đau của bệnh viêm loét đại tràng và bệnh dạ dày thực quản, dừng các cơn tiêu chảy cấp và mãn ở trẻ em và người lớn.

    Cách dùng, liều dùng

    Với dạng bào chế là bột pha dung dịch uống nên thuốc được sử dụng theo đường tiêu hóa. Đối với trẻ nhỏ bạn có thể pha bột vào chai 50ml, lắc đều và cho trẻ uống, đối với người lớn thì có thể pha vào nửa ly nước đun sôi để nguội.

    Liều dùng:

    Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên dùng mỗi ngày 1 gói, trẻ từ 1-2 tuổi nên dùng mỗi ngày khoảng 1-2 gói, trẻ lớn hơn 2 tuổi có thể dùng từ 2-3 gói mỗi ngày.

    Đối với người lớn khuyến cáo mỗi ngày dùng khoảng 3 gói mỗi ngày, đặc biệt đối với trường hợp cấp tính thì liều khởi đầu cần phải gấp đôi.

    Lưu ý khi sử dụng

    Không sử dụng cho bất kỳ đối tượng nào bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần có trong thuốc kể cả tá dược.

    Tùy theo mức độ mất nước mà người bệnh cần phải bù nước nếu cần bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch

    Các tác dụng phụ rất hiếm khi xảy ra, một số tác dụng phụ hiếm gặp như phát ban, táo bón, viêm ngứa, phù mạch.

    Giá: Thuốc hiện nay được bán trên thị trường với giá khoảng 110.000-120.000VNĐ/ hộp 30 gói

    Thuốc cầm tiêu chảy Hidrasec

    Thuốc cầm tiêu chảy Hidrasec là thuốc được sản xuất bởi Công ty Laboratoires Sophartex – PHÁP

    Thuốc cầm tiêu chảy Hidrasec
    Thuốc cầm tiêu chảy Hidrasec

    Dạng bào chế: Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha uống

    Thành phần: Hidrasec có thành phần hoạt chất chính là Racecadotril hàm lượng 10mg và một số tá dược khác vừa đủ 1 gói

    Tác dụng

    Dược lực học

    Racecadotril là một tiền thuốc trong cơ thể chúng sẽ được thủy phân thành dạng hoạt chất có tác dụng là Thiorphan. Thiorphan là 1 chất ức chế enzym enkephalinase, đây là 1 enzyme peptidase màng tế bào nằm trong các mô khác nhau, đặc biệt có nhiều tại ruột non.

    Các enzym này thủy phân các peptid ngoại sinh và peptid nội sinh như enkephalin. Enkephalin là một chất liên kết với các thụ thể opioid nội sinh của cơ thể, chính vì vậy khi Thiophan ức chế hoạt động của các enzym này khiến chúng không bị thủy phân kéo dài thời gian tác dụng dẫn truyền thần kinh của các synap enkephalinergic tại ruột non và gây giảm kích thích.

    Racecadotril là chất chống tiêu chảy đường ruột, chúng tăng hấp thu và giảm bài tiết các chất điện giải gây ra bởi độc tố của vi khuẩn hoặc yếu tố gây viêm, tuy nhiên chúng không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể.

    Ưu điểm của chúng là chống tiêu chảy nhanh, không gây trướng bụng, không làm thay đổi vận chuyển các chất trong lòng ruột.

    Dược động học

    Sau khi uống Racecadotril được hấp thu rất nhanh, sau 30 phút thuốc đã có tác dụng, sau 2.5 giờ nồng độ trong huyết tương sẽ đạt đỉnh. Tuy nhiên thuốc ít phân bố đến các mô, khoảng 90% Racecadotril liên kết với protein huyết tương. Thuốc khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành dạng có hoạt tính là Thiorphan, sau đó sẽ tiếp tục chuyển hóa thành dạng không hoạt động S-methyl bởi các dẫn chất sulfoxide. Thuốc được bài tiết ra khỏi cơ thể chủ yếu thông qua thận và một phần qua phân

    Chỉ định

    Thuốc được chỉ định trong các trường hợp trẻ em trên 3 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp cùng với các phương pháp bù nước bằng đường uống và các phương pháp thông thường.

    Racecadotril cũng có thể dùng điều trị nguyên nhân nhưng hiện nay dùng chủ yếu để điều trị như một phương pháp điều trị bổ sung

    Cách dùng, liều dùng

    Cách dùng: Cho bột vào thức ăn hoặc 1 cốc sữa hoăc 1 cốc nước khoảng 50ml rồi khuấy đều sau đó sẽ cho trẻ uống.

    Liều dùng

    Khuyến cáo sử dụng 4 gói trong ngày đầu, có thể chia thành 4 lần uống, những ngày sau trẻ sơ sinh dưới 9kg sử dụng 3 gói mỗi ngày, trẻ từ 9-13kg sử dụng hai gói 10 mg x 3 lần mỗi ngày.

    Giá: Thuốc hiện nay được bán trên thị trường với giá khoảng 80.000 đồng/ hộp 16 gói

    Thuốc cầm tiêu chảy Hamett

    Thuốc cầm tiêu chảy Hamett được sản xuất bởi Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG – VIỆT NAM

    Thuốc cầm tiêu chảy Hamett
    Thuốc cầm tiêu chảy Hamett

    Dạng bào chế: Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống

    Thành phần: Thành phần dược chính của thuốc là Diosmectit hàm lượng 3g và một số tá dược khác vừa đủ 1 gói

    Tác dụng

    Diosmectit là 1 dược chất có khả năng bao phủ niêm mạc do có cấu trúc từng lớp và độ nhớt cao. Chúng có khả năng tương tác với glycoprotein chất nhầy dẫn đến làm tăng độ bền của chất nhầy giúp niêm mạc bảo vệ được các yếu tố tấn công niêm mạc.

    Đặc biệt Diosmectit là một chất không cản quang, không thay đổi màu sắc của phân, tại liều dùng thông thường chúng thông thay đổi chức năng sinh lý của ruột và nhu động ruột.

    Diosmectit không được hấp thu vào vòng tuần hoàn chung và chúng được bài tiết ra khỏi cơ thể theo phân.

    Chỉ định

    Hamett hiện nay được chỉ định nhiều cho đối tượng là trẻ em và người lớn bị tiêu chảy cấp và mãn tính, điều trị triệu chứng bệnh đại tràng và bệnh thực quản-dạ dày-tá tràng.

    Cách dùng, liều dùng

    Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch nên được sử dụng theo đường uống. Bạn hãy hòa tan thuốc vào một bình nước hoặc sữa khoảng 50ml cho trẻ hoặc trộn chung với thức ăn của trẻ, người lớn thì có thể hòa tan với nửa ly nước.

    Liều dùng

    Đối với trẻ em: Trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mỗi ngày 1 gói, trẻ từ 1-2 tuổi dùng 1-2 gói mỗi ngày và 2-3 gói/ngày đối với trẻ trên 2 tuổi.

    Đối với người lớn khuyến cáo mỗi ngày dùng khoảng 3 gói mỗi ngày, đặc biệt đối với trường hợp cấp tính thì liều khởi đầu cần phải gấp đôi.

    Lưu ý khi sử dụng

    Nên uống thuốc sau các bữa ăn ở viêm thực quản hoặc xa bữa ăn nếu mắc các bệnh khác

    Không sử dụng thuốc cho bất kỳ ai mẫn cảm với các thành phần nào có trong thuốc kể cả tá dược.

    Không nên sử dụng cho đối tượng là trẻ em bị tiêu chảy cấp nhưng mất nước nặng

    Các bệnh nhân bị bệnh viêm loét trực tràng có thể dùng phương pháp thụt.

    Thuốc khá ít tác dụng phụ và tác dụng phụ cũng khá hiếm gặp như táo bón, nôn ói, sốt nhẹ

    Giá: Hiện nay bạn có thể mua thuốc tại các nhà thuốc trên khắp toàn quốc với mức giá cả khác nhau tùy nơi nhập khẩu, tuy nhiên giá trên thị trường thường dao động trong khoảng 60.000 đồng/ hộp 24 gói x 3,8g

    Thuốc trị tiêu chảy Imodium 2mg

    Thuốc trị tiêu chảy Imodium 2mg được sản xuất bởi Công ty Olic (Thailand)., Ltd – THÁI LAN

    Thuốc trị tiêu chảy Imodium 2mg
    Thuốc trị tiêu chảy Imodium 2mg

    Dạng bào chế: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang

    Thành phần: Thuốc có thành phần dược chất là Loperamide hydrochloride hàm lượng 2mg và một số tá dược khác vừa đủ 1 viên

    Tác dụng

    Tính chất dược lý

    Loperamid là một dược chất thuộc nhóm opioid, trong cơ thể chúng liên kết với các thụ thể opioid trong thành ruột để làm giảm nhu động ruột. Nhờ vậy thời gian tăng thời gian vận chuyển đường ruột và tăng cường khả năng tái hấp thu nước và điện giải do đó có thể ngừng cơn tiêu chảy.

    Trong một thử nghiệm lâm sàng sử dụng Loperamid ngẫu nhiên cho 56 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp cho thấy tác dụng chống tiêu chảy xuất hiện sau 1 giờ ở liều 4mg. Điều này cho thấy Loperamid có tác dụng chống tiêu chảy khá nhanh so với các loại thuốc khác.

    Dược động học

    Hấp thu: Thuốc được hấp thu chủ yếu qua đường tiêu hóa, tuy nhiên do bị chuyển hóa bước 1 qua gan nên sinh khả dụng của thuốc rất thấp chỉ đạt khoảng 0.3%

    Phân bố: Các nghiên cứu về sự phân bố của thuốc trên chuột cho thấy Loperamid có ái lực cao với thành ruột, tại ruột chúng ưu tiên liên kết với thụ thể ở lớp cơ dọc. Khoảng 95% Loperamid gắn với protein huyết tương và dữ liệu phi lâm sàng chỉ ra Loperamid là cơ chất là P-glycoprotein.

    Chuyển hóa: Loperamid được chuyển hóa gần như hoàn toàn bởi enzym gan, nơi nó được liên hợp và bài tiết vào mật. Loperamid được chuyển hóa theo con đường oxy hóa bởi N-demethylation và được trung gian chủ yếu thông qua CYP3A4 và CYP2C8. Chính vì điều này nồng độ Loperamid trong huyết tương tuy không thay đổi nhưng vẫn cực thấp.

    Thải trừ: Nồng độ Loperamid trong máu đạt đỉnh sau 2.5 giờ, thời gian bán hủy của Loperamid là khoảng 11 giờ và bài tiết thuốc chủ yếu dưới dạng liên hợp, con đường bài tiết chủ yếu qua phân.

    Chỉ định

    Thuốc được chỉ định cho các trường hợp: tiêu chảy cấp ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi hoặc điều trị triệu chứng cho các đợt cấp liên quan đến hội chứng ruột kích thích ở người trên 18 tuổi theo chẩn đoán của bác sĩ.

    Cách dùng, liều dùng

    Cách dùng: Do được bào chế dưới dạng viên nang cứng nên thuốc được sử dụng theo đường uống, bạn có thể dùng chung với nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên không được bẻ hay nghiền thuốc để tránh ảnh hưởng đến quá trình hấp thu.

    Liều dùng:

    Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi bị tiêu chảy cấp dùng liều khởi đầu là 2 viên và dùng 1 viên sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, liều dùng thông thường là 3-4 viên mỗi ngày, tuy nhiên tối đa là 6 viên/ ngày.

    Người lớn được chẩn đoán hội chứng ruột bị kích thích sử dụng 2 viên, sau đó mỗi lần đi phân lỏng thì dùng 1 viên hoặc bạn cũng có thể dùng liều theo khuyến cáo trước đó của bác sĩ nhưng tối đa chỉ được 6 viên mỗi ngày.

    Đối với người bị suy thận hoặc người cao tuổi điều chỉnh liều là không thực sự cần thiết

    Mặc dù chưa có thông số dược động học ở những người bị suy gan, nhưng khuyến cáo nên giảm liều cho những đối tượng này.

    Chống chỉ định

    Không sử dụng Imodium cho bất kỳ bệnh nhân nào bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc kể cả tá dược

    Do chưa được chứng minh là an toàn khi sử dụng vì vậy trẻ em dưới 12 tuổi không được phép sử dụng

    Không sử dụng thuốc cho người bị hội chứng lỵ cấp tính, viêm ruột do vi khuẩn gây ra bởi các sinh vật xâm lấn bao gồm Shigella, Campylobacter và Salmonella

    Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân bị viêm loét đại tràng cấp tính, viêm đại tràng giả mạc liên quan đến việc sử dụng kháng sinh phổ rộng cũng bị chống chỉ định.

    Các đối tượng nào được khuyến cáo cần tránh thuốc ức chế nhu động ruột thì không nên dùng Imodium bởi chúng để lại di chứng như hồi tràng, phình đại tràng nhiễm độc, phình đại tràng. Ngoài ra phải dừng ngay thuốc khi có biểu hiện chướng bụng, táo bón.

    Lưu ý khi sử dụng

    Phụ nữ có thai và những người bị suy giảm chứng năng gan phải được giảm liều khi sử dụng

    Do Loperamid bài tiết qua sữa không đáng kể, nên phụ nữ đang cho con bú có thể sử dụng thuốc tuy nhiên cũng cần giảm liều cho họ.

    Dùng Imodium chung với một số, các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, phenothiazin bởi chúng làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ bởi làm tăng nồng độ trong máu của Loperamid.

    Không dùng cho những đối tượng bị kém dung nạp lactose, galactose bởi trong thuốc có chứa đường sữa.

    Giá: Thuốc hiện nay được bán tại nhiều nơi trên toàn quốc với giá khoảng 294.000 đồng/ hộp 25 vỉ x 4 viên

    Thuốc trị tiêu chảy Bioflora 100mg

    Thuốc trị tiêu chảy Bioflora 100mg được sản xuất bởi Công ty Biocodex – PHÁP

    Thuốc trị tiêu chảy Bioflora 100mg
    Thuốc trị tiêu chảy Bioflora 100mg

    Dạng bào chế: Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống

    Thành phần: Thuốc có thành phần dược chất chính là Saccharomyces boulardii hàm lượng 100mg và các tá dược khác vừa đủ 1 gói

    Tác dụng

    Saccharomyces boulardii là một thuốc có nguồn gốc từ nấm men, chúng có khả năng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại trong đường ruột, đặc biệt là khả năng đối kháng độc tố của phẩy khuẩn tả, ETEC và Clostridium difficile.

    Bổ sung Saccharomyces boulardii giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, kích thích sản sinh IgA tiết và tăng cường hoạt động của các enzym như lactase, sucrase tạo điều kiện hấp thu chất dinh dưỡng từ sữa.

    Chỉ định

    Thuốc được dùng cho các trường hợp bị tiêu chảy cấp và ngăn ngừa đợt cấp của tiêu chảy mãn.

    Cách dùng, liều dùng

    Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng hỗn dịch pha uống nên được sử dụng theo đường tiêu hóa, bạn có thể hòa tan gói thuốc vào ly nước, sữa sau đó cho trẻ uống.

    Liều dùng: Người lớn và trẻ em bị tiêu chảy cấp mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần dùng 2 gói.

    Giá: Thuốc hiện nay được bán rộng rãi trên thị trường với giá khoảng 140.000-150.000 đồng/ hộp 20 gói

    Ngoài thuốc cầm tiêu chảy cần sử dụng thêm gì không?

    Ngoài sử dụng thuốc trị tiêu chảy ra thì tùy vào mức độ mất nước mà phải bù nước cho người bị tiêu chảy. Dung dịch Oresol là loại dung dịch bù nước khi bị tiêu chảy hay được sử dụng nhất.

    Ưu điểm của Oresol thích hợp cho các trường hợp bị tiêu chảy đặc biệt là do phẩy khuẩn tả, ngoài ra các trường hợp mất nước ưu trương hoặc nhược trương cũng có thể sử dụng Oresol. Tuy nhiên chúng không làm giảm số lần đi ngoài và khối lượng phân.

    Nếu trường hợp đặc biệt không có Oresol có thể tự pha dung dịch tại nhà: 1l nước với muối và đường (tỷ lệ 1:6 hoặc 1:8).

    Đặc biệt Oresol và dung dịch nước muối đường phải pha theo hướng dẫn sử dụng, không được quá đặc vì nếu đặc sẽ gây ưu trương nước, làm tăng áp lực thẩm thấu khiến bệnh nhân có nguy cơ phù não và tử vong.

    Sau 24h nếu không uống hết phải bỏ ngay và dùng chai Oresol mới và pha dung dịch mới.

    Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn có thể dùng thêm kháng sinh để diệt vi khuẩn, ngoài ra cần phải cung cấp đầy đủ năng lượng, vitamin cho bệnh nhân, đối với trẻ thì cho bú sữa nhằm mục đích phục hồi tình trạng suy dinh dưỡng sau khi lành bệnh.

    Phụ nữ có thai bị tiêu chảy uống thuốc gì?

    Phụ nữ có thai bị tiêu chảy nên uống thuốc gì?
    Phụ nữ có thai bị tiêu chảy nên uống thuốc gì?

    Trường hợp nhẹ thì chỉ cần bổ sung nước và các chất điện giải sẽ tự khỏi, trong trường hợp này bạn dùng Oresol là đủ.

    Tuy nhiên những trường hợp nặng hơn cần phải tìm hiểu nguyên nhân để điều trị kịp thời. Tuy nhiên không phải tất cả các thuốc trên thị trường hiện nay đều an toàn với họ đặc biệt là Loperamid do đó để an toàn tốt nhất bạn nên tìm sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ để được lựa chọn thuốc một cách an toàn.

    Bổ sung đầy đủ dưỡng chất như kẽm, vitamin, muối khoáng, protein, hạn chế thực phẩm giàu chất xơ.

    Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy uống thuốc gì?

    Giống như các trường hợp trên bù nước cho trẻ là trường hợp cần thiết nhất, các dung dịch có thể dùng là dung dịch muối đường hoặc oresol.

    Tùy vào nguyên nhân mà có thể sử dụng thuốc một cách hợp lý, đặc biệt không sử dụng nhóm thuốc opioid cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi vì chưa được chứng minh an toàn.

    Ngoài các thuốc bạn có thể bổ sung cho trẻ một số men vi sinh và chất dinh dưỡng cho trẻ như cho trẻ bú mẹ, giảm lượng đường sữa, bổ sung kẽm, cải thiện tập quán ăn dặm bởi chúng có giá trị dinh dưỡng không cao cho trẻ…

    Không sử dụng thuốc chống nôn trong các bệnh tiêu chảy, một số thuốc kháng sinh như neomycin, streptomycin, sulfaguanidine không có giá trị trong điều trị bệnh tiêu chảy.

    Đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế nếu xuất hiện triệu chứng: mắt trũng, môi khô, trẻ bú, kém ăn, sốt cao, nôn nhiều, li bì, co giật, trẻ khát nhiều…

    Tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc cho trẻ, tuyệt đối không được sử dụng bừa bãi

    Mẹ cho con bú bị tiêu chảy uống thuốc gì?

    Đầu tiên cần phải bù nước ngay lập tức cho người bị tiêu chảy: sử dụng dung dịch Oresol hoặc dung dịch muối đường

    Có thể sử dụng các loại men vi sinh để cung cấp các lợi khuẩn cho đường ruột, cân bằng hệ chí vi khuẩn trong đường tiêu hóa.

    Mẹ cho con bú bị tiêu chảy nên uống thuốc gì?
    Mẹ cho con bú bị tiêu chảy nên uống thuốc gì?

    Tùy theo nguyên nhân mà có thể lựa chọn các thuốc cho mẹ, tuy nhiên bạn nên tham khảo bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng đề phòng nguy cơ ảnh hưởng đến bé.

    Không được sử dụng các loại thuốc giảm đau trong trường hợp này, cân nhắc khi dùng nhóm thuốc kháng nhu động Opioid cho họ. Tránh các loại thuốc có tác dụng kéo dài hoặc giảm liều khi sử dụng cho họ.

    Đồng thời phải bổ sung các chất dinh dưỡng cho mẹ như bổ sung kẽm, protein, ăn đầy đủ chất, hạn chế thức ăn chứa nhiều chất xơ.

    Dự phòng bệnh tiêu chảy

    Để hạn chế bệnh tiêu chảy bạn cần:

    Nuôi con bằng sữa mẹ, với sữa mẹ cung cấp cho trẻ các thành phần miễn dịch, giúp trẻ tránh khỏi các bệnh, đặc biệt chúng đóng vai trò quan trong đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong 4 tháng đầu, không nên cho trẻ ăn dặm sớm.

    Sử dụng nguồn thực phẩm an toàn hợp vệ sinh, không dùng các thực phẩm ôi thiu. Ăn chín, uống sôi để giảm nguy cơ mắc ký sinh trùng

    Rửa tay trước khi ăn: chúng sẽ giảm nguy cơ mắc các vi khuẩn đặc biệt là Shigella, nguyên nhân quan trọng nhất gây ra hội chứng lỵ

    Biết cách xử lý phân của trẻ nhỏ để không lây lan nguồn bệnh bởi phân trẻ rất hay nhiễm các vi khuẩn, ký sinh trùng.

    Đối với trẻ sơ sinh cần phải tiêm ngay vắc xin sởi cho trẻ, bởi những trẻ em mắc bệnh sởi hay mới khỏi bệnh thì khoảng 4 tuần sau khi mắc hoặc khỏi bệnh, trẻ có nguy cơ mắc tiêu chảy, hội chứng lỵ và nguy cơ tử vong của trẻ khá cao.Ngoài vắc xin sởi thì cũng cần tiêm phòng vắc xin chống rotavirus, phẩy khuẩn tả, ETEC, Shigella…

    Sử dụng hố xí để phân không vào nguồn nước gây ô nhiễm nước sinh hoạt