Sinh lý bệnh viêm và vai trò của viêm đối với cơ thể

Đánh giá post

Viêm là gì?

Viêm (Inflammation) là một quá trình đáp ứng phức tạp của cơ thể với sự tổn thương tế bào. Đây là một đáp ứng không mang tính chất đặc hiệu, có thể tồn tại ở mọi cơ quan trong cơ thể. Nó là một hiện tượng, một đáp ứng sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể, chứ không phải là một bệnh. Một tổn thương viêm thông thường sẽ có 4 triệu chứng đặc trưng là sưng, nóng, đỏ, đau. Tuy nhiên, không phải lúc nào tổn thương viêm cũng có đầy đủ các triệu chứng này.

Viêm là triệu chứng thường gặp trong cuộc sống
Viêm là triệu chứng thường gặp trong cuộc sống

Nguyên nhân gây viêm

Nguyên nhân gây viêm cực kỳ đa dạng:

– Chấn thương: Đây cũng là một nguyên nhân hay gặp trong viêm. Chấn thương gây ra viêm có thể là do chơi thể thao, va chạm giao thông, va chạm trong sinh hoạt thường ngày, trong làm việc…

– Tác nhân vật lý: Phổ biến là các trường hợp như nhiệt độ quá cao (bỏng), hoặc cũng có thể là bỏng không do nhiệt như bỏng phóng xạ.

Viêm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Viêm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

– Tác nhân hóa học: Thường hay gặp trong viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, bỏng acid hay kiềm…

– Nhiễm trùng: Các loại nhiễm trùng (đặc biệt là nhiễm khuẩn) rất hay gặp trong quá trình viêm. Chúng ta có thể bắt gặp trong viêm da và mô mềm, viêm mô tế bào, viêm họng, viêm mũi xoang – tai giữa, viêm phế quản – phổi, viêm ngoại tâm mạc, viêm ruột, viêm dạ dày – tá tràng, viêm thận – bể thận, viêm bàng quang, viêm xương khớp, viêm màng não… Có thể coi đây như là nhóm tác nhân sinh học.

– Các nguyên nhân nội sinh: Một số bệnh lý gây ra quá trình viêm nội sinh (như ung thư), tắc mạch gây hoại tử tế bào, hay viêm do đáp ứng qua trung gian miễn dịch thông qua hình thành phức hợp miễn dịch lắng đọng tại các cơ quan gây viêm (như thấp tim và viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu)…

Phân loại viêm

Có nhiều cách khác nhau để phân loại viêm tùy theo mục đích phân loại.

Nếu dựa trên có hay không có tình trạng nhiễm khuẩn, chúng ta có viêm nhiễm khuẩn và viêm vô khuẩn (để xác định xem có cần thiết phải sử dụng kháng sinh hay không).

Phân loại viêm
Phân loại viêm

Nếu dựa trên vị trí cơ quan giải phẫu, chúng ta có cực kỳ nhiều loại viêm: Viêm màng não, viêm họng, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ, viêm khớp, viêm xương, viêm ruột, viêm thận…

Nếu dựa trên thời gian kéo dài của quá trình viêm, chúng ta có phân loại đơn giản hơn là viêm cấp tính và viêm mạn tính. Viêm cấp tính có diễn biến nhanh và ngắn (thường chỉ trong vài ngày là dài nhất), trong khi viêm mạn tính kéo dài trên 2 tuần.

Vai trò của quá trình viêm đối với cơ thể

Thông thường, viêm là một đáp ứng tự nhiên và sinh lý của cơ thể, nên trong những trường hợp như thế, viêm có lợi cho người bệnh. Viêm là quá trình tạo điều kiện để làm lành những tổn thương tế bào. Do đó, nêu viêm không quá gây khó chịu cho người bệnh, chúng ta không nên sử dụng các thuốc giảm viêm, mà nên để nó diễn biến tự nhiên hoặc sử dụng một số biện pháp không dùng thuốc để giảm bớt sự khó chịu. Thuốc kháng viêm chỉ nên sử dụng khi phản ứng viêm gây khó chịu quá mức cho người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống hoặc phản ứng viêm có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân người bệnh.

Viêm đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể
Viêm đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể

Đó là với viêm sinh lý. Tuy vậy, với những tình trạng viêm bệnh lý (thường là viêm mạn tính), phản ứng viêm kéo dài hàng tháng, hàng năm và không thể diễn biến tự khỏi được, thậm chí có thể gây nguy hại cho người bệnh về lâu dài, việc sử dụng thuốc điều trị lại đóng một vai trò quan trọng. Lúc này, sử dụng thuốc kháng viêm không thôi là chưa đủ, mà còn cần sử dụng các thuốc điều trị nguyên nhân, cải thiện tiến triển của bệnh và loại trừ nguyên nhân nếu có thể (tuy vậy thường không loại trừ được nguyên nhân).

Các giai đoạn của quá trình viêm

Một quá trình viêm đặc trưng bởi 4 giai đoạn:

  • Rối loạn tuần hoàn tại ổ viêm (1).
  • Rối loạn chuyển hóa tại ổ viêm (2).
  • Tổn thương mô (3).
  •  Tăng sinh tế bào (4).
Viêm có thể chia thành 4 giai đoạn
Viêm có thể chia thành 4 giai đoạn

Quá trình số (1) lại được chia nhỏ hơn thành các yếu tố như sau:

  • Rối loạn vận mạch (1’).
  • Hình thành dịch rỉ viêm (2’).
  • Bạch cầu xuyên mạch và thực bào (3’).

Quá trình số (1’) lại được chia nhỏ hơn nữa thành các giai đoạn như sau:

  • Co mạch chớp nhoáng (1’’).
  • Sung huyết động mạch (2’’).
  • Sung huyết tĩnh mạch (3’’).
  • Ứ máu (4’’).

Bây giờ chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu chi tiết từng giai đoạn của quá trình viêm.

(1)/(1’)/(1’’) Co mạch chớp nhoáng

Đây là giai đoạn xảy ra rất nhanh và rất khó quan sát thấy trên lâm sàng, thậm chí cả khi làm thực nghiệm phản ứng viêm trên mô hình động vật cũng khó có thể quan sát được.

Cơ chế: Kích thích thần kinh.

(1)/(1’)/(2’’) Sung huyết động mạch

Động mạch giãn làm tăng cường dòng máu đến ổ viêm chuẩn bị được hình thành. Triệu chứng đặc trưng của ổ viêm trong giai đoạn này là sưng, nóng, đỏ và đau.

Cơ chế: Kích thích thần kinh và sau đó là vai trò gây giãn mạch của các chất trung gian hóa học như histamine, serotonin, bradykinin, nitric oxide (NO)…

Sung huyết động mạch giúp tăng cường vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết tới ổ viêm, phục vụ cho quá trình chuyển hóa mạnh diễn ra tại đây, đặc biệt là quá trình thực bào của bạch cầu.

(1)/(1’)/(3’’) Sung huyết tĩnh mạch

Các tĩnh mạch và mao mạch bị giãn ra. Máu chảy chậm, có thể ngừng  chảy và thậm chí có thể chảy ngược dòng. Ở giai đoạn này, ổ viêm chuyển sang màu tím (do máu thiếu oxy), giảm đau, giảm nóng so với giai đoạn sung huyết động mạch.

Cơ chế: Thần kinh vận mạch bị tê liệt và một phần do các chất gây giãn mạch tại ổ viêm.

Sung huyết tĩnh mạch giúp cô lập ổ viêm, hạn chế tác nhân gây viêm lan rộng, chuẩn bị cho sự chữa lành ổ viêm.

(1)/(1’)/(4’’) Ứ máu

Máu bị ứ lại tại ổ viêm. Ổ viêm bị cô lập, có thể là cùng với cả nguyên nhân gây viêm, tạo điều kiện cho sự chữa lành ổ viêm.

Cơ chế: Thần kinh vận mạch bị tê liệt, sự tích tụ các chất trung gian gây giãn mạch trong ổ viêm, các tế bào xung quanh phì đại, bạch cầu tập trung đông tại ổ viêm, sự thoát nước vào gian bào gây phù nề, chèn ép các mạch máu và thậm chí có thể là sự hình thành huyết khối gây tắc mạch.

(1)/(2’) Hình thành dịch rỉ viêm

Cơ chế: Có 3 cơ chế chính tham gia vào hình thành nên dịch rỉ viêm.

– Tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng mạch: Do các quá trình rối loạn vận mạch như đã nói ở trên, áp lực thủy tĩnh trong lòng mạch tăng cao, có tác dụng đẩy nước và các thành phần trong huyết tương ra khỏi lòng mạch vào ổ viêm.

– Giãn mạch: Vai trò này là của các chất trung gian gây giãn mạch, chúng làm nới rộng khoảng cách giữa các tế bào thành mạch và tạo điều kiện cho nước cùng nhiều chất trong huyết tương đi qua.

– Tăng áp lực keo trong ổ viêm: Các protein trong huyết tương thoát vào ổ viêm làm tăng áp lực keo trong ổ viêm. Áp lực keo có vai trò giữ nước tại ổ viêm (thực chất đây chỉ là hệ quả của 2 quá trình trên).

Dịch rỉ viêm chứa chủ yếu là nước, các protein huyết tương, cất chất trung gian hóa học gây giãn mạch và các thành phần của hệ miễn dịch như bạch cầu, bổ thể, kháng thể…. và có thể có nguyên nhân gây bệnh (như vi khuẩn).

(1)/(3’) Bạch cầu xuyên mạch và thực bào

Ba tính chất của bạch cầu mà chúng ta cần nhớ đó là: Tính bám mạch, tính xuyên mạch và tính hóa ứng động.

Tại ổ viêm có rất nhiều chất trung gian hóa học của tác dụng gây hóa ứng động bạch cầu. Khi bạch cầu được thu hút đến ổ viêm, nhờ tốc độ dòng máu chảy chậm cùng với mạch đã giãn, bạch cầu dễ dàng đi xuyên mạch và vào được ổ viêm. Tại đây, bạch cầu sẽ thực hiện chức năng cơ bản của mình, đó là thực bào. Bạch cầu đến ổ viêm sớm nhất là bạch cầu đa nhân trung tính, sau đó đến đại thực bào, cuối cùng là các bạch cầu lympho. Chú ý rằng chỉ có bạch cầu đa nhân trung tính và đại thực bào mới có khả năng thực bào, còn các tế bào lympho thì thực hiện chức năng miễn dịch khác. Nếu có ký sinh trùng, bạch cầu ái toan thường tập trung đông tại ổ viêm.

(2) Rối loạn chuyển hóa tại ổ viêm

Chuyển hóa ban đầu là ái khí ở giai đoạn sung huyết động mạch, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang yếm khí do thiếu oxy tế bào. Chuyển hóa yếm khí glucid tạo ra nhiều acid lactic, điều này làm giảm pH ổ viêm. Lipid thì bị thoái hóa tạo ra nhiều acid béo tự do thể ketone, chúng cũng góp phần làm giảm pH ổ viêm. Protid thì bị thoái hóa giang dở thành các acid amin và các chuỗi polypeptide ngắn.

(3) Tổn thương mô

Tổn thương mô tại ổ viêm có 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Tổn thương nguyên phát là các tổn thương trực tiếp do chấn thương, vi khuẩn, kí sinh trùng… gây ra, còn tổn thương thứ phát là tổn thương gián tiếp, không do nguyên nhân gây viêm trực tiếp, mà chính là hậu quả của đáp ứng viêm. Tuy rằng trong đa phần các trường hợp, viêm là một phản ứng tự vệ của cơ thể, nhưng những đáp ứng viêm quá mức, gây tổn thương thứ phát nghiêm trọng lại có thể làm hại chính cơ thể chúng ta.

(4) Tăng sinh tế bào

Đây là bước cuối cùng trong quá trình viêm, góp phần làm lành thương tổn do những nguyên nhân gây viêm.

Sự tăng sinh tế bào đã tồn tại trong ổ viêm ngay từ khi bạch cầu thực bào tại ổ viêm, nhưng phải đến khi sự tăng sinh này vượt quá sự chết đi của tế bào, các dấu hiệu của chúng mới thực sự được cảm nhận rõ.

Đầu tiên, các mô chức năng được tăng sinh. Các mô mới có thể hoạt động hoàn toàn bình thường, thay thế hoàn hảo các mô cũ đã chết. Tuy vậy, không phải lúc nào mô cũng tăng sinh đầy đủ được. Khi đó, các sợi xơ (mô liên kết) sẽ phát triển thay vào và trong nhiều trường hợp, chính các mô liên kết này lại góp phần gây ra tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân.

Mô chức năng đã được thay mới thì đi kèm với đó là các mạch máu mới cũng được tăng sinh để bù lại các mạch máu đã chết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây