Vitamin C: Tác dụng, Cách dùng, Liều dùng, Uống nhiều có tốt không?

Đánh giá post

Vitamin C hay Acid ascorbic là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho con người. Hiện nay, có rất nhiều các sản phẩm thuốc có hoạt chất là Vitamin C. Một số biệt dược có tên thương mại là: Vitamin C, Vitamin C 50, Vitamin C 500, Vitamin C Kabi 500mg/5ml, Vitamin C Stada 500mg, Vitamin C TW3, Vitamin C PMP 500mg, Eff-pha Vitamin C.

Lịch sử và nguồn gốc của Vitamin C

Lịch sử Vitamin C được phát hiện ra: Khoảng thế kỉ XV, XVI xuất hiện bệnh Scorbut. Đến năm 1774, bác sĩ hàng hải quý tộc người Anh James Lind thấy được rằng ăn trái cây sẽ ngăn ngừa được bệnh Scorbut. Sau đó Walter Norman Haworth đã tổng hợp thành công được vitamin C. Mặc dù vậy tên của quy trình tổng hợp Vitamin C lại là Tadeus Reichstein.

Nguồn gốc của Vitamin C: Trong tự nhiên, phần lớn rau quả tươi đều có chứa Vitamin C. Trong động vật cũng có Vitamin C nhưng hàm lượng rất thấp, gần như không đáng kể.

Dược lực học

Vitamin C giúp cho sự sản xuất collagen, sự tạo thành mô trong cơ thể. Vitamin C có mặt trong: một số phản ứng oxi hóa – khử, chuyển hóa phenylalanin, tyrosin, acid folic, norepinephrine, histamin, sắt, một số hệ thống enzyme có chức năng chuyển hóa thuốc, sử dụng carbohydrat, tổng hợp lipid và protein, chức năng miễn dịch, chống lại với nhiễm vi khuẩn, bảo vệ mạch máu và hô hấp tế bào.

Nếu cơ thể bị thiếu hụt Vitamin C sẽ bị bệnh scorbut, triệu chứng là vết thương khó lành, răng bị khiếm khuyết, vỡ mao mạch làm xuất hiện nhiều đốm xuất huyết, có những vùng bầm máu, chảy máu dưới da, niêm mạc. Khi đó cho bệnh nhân uống Vitamin C sẽ hết các triệu chứng trên.

Công thức hóa học của Vitamin C
Công thức hóa học của Vitamin C

Dược động học

Hấp thu

  • Sau khi uống vào cơ thể hấp thu Vitamin C nhanh chóng. Tuy nhiên nếu uống liều lớn thì chỉ một phần Vitamin C được hấp thu. Những người đang bị đi ngoài hoặc có vấn đề về dạ dày – ruột khi uống Vitamin C vào sẽ bị giảm khả năng hấp thu thuốc.
  • Nồng độ Vitamin C trong máu bình thường là 10 – 20 microgam/ml. Cơ thể con người dự trữ khoảng 1,5 g Vitamin C, trong đó có 30 – 45 mg được chuyển hóa rồi lại được tạo ra hằng ngày.

Phân bố

  • Vitamin C được phân bố vào trong các mô. Lượng Vitamin C gắn với protein khoảng 25%.

Chuyển hóa

  • Vitamin C được chuyển hóa thành Acid dehydroascorbic, một số ít lại được chuyển hóa thành Acid – 2 – sulfat ascorbic và Acid oxalic không còn hoạt tính.

Thải trừ

  • Các chất chuyển hóa không còn hoạt tính được bài tiết cùng với nước tiểu.
  • Lượng Vitamin C thừa cơ thể không dùng đến sẽ được bài tiết cùng với nước tiểu dưới dạng còn hoạt tính.

Chỉ định của Vitamin C

  • Phòng ngừa và điều trị các bệnh nguyên nhân do cơ thể thiếu Vitamin C gây ra.
  • Dùng cùng với Desferrioxamine giúp cơ thể thải sắt ra nhiều hơn trong điều trị bệnh Thalassemia.
  • Điều trị Methemoglobin huyết vô căn trong trường hợp không có xanh methylen.
  • Phòng ngừa bệnh cúm, làm nhanh liền vết thương.
Vitamin C của Công ty Mekophar
Vitamin C của Công ty Mekophar

Cách sử dụng Vitamin C

Liều dùng:

Dự phòng và điều trị bệnh scorbut:

  • Dự phòng: Người lớn và trẻ em: 25 – 75 mg/ngày.
  • Điều trị: Người lớn: 250 – 500 mg/ngày, chia thành nhiều lần trong ngày, duy trì uống tối thiểu 2 tuần.
  • Trẻ em: 100 – 300 mg/ngày, chia thành nhiều lần uống trong ngày, duy trì uống tối thiểu 2 tuần.

Dùng cùng với Desferrioxamin trong điều trị bệnh thalassemia: 100 – 200 mg/ngày.

Điều trị Methemoglobin huyết: 300 – 600 mg/ngày, chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Cách dùng: Thuốc dùng đường uống. Trong một số trường hợp đặc biệt như không thể uống được hoặc cơ thể hấp thu kém, có thể dùng thuốc đường tiêm, khi tiêm thì nên tiêm bắp, thuốc có thể gây đau tại chỗ tiêm.

Chống chỉ định

Không được dùng Vitamin C trong các trường hợp:

  • Dùng liều cao cho những người có nguy cơ thiếu máu huyết tán (thiếu glucose – 6 – phosphate dehydrogenase).
  • Người đã từng bị sỏi thận, tăng oxalat niệu, loạn chuyển hóa oxalat.
  • Người bị thalassemia.

Tác dụng phụ của Vitamin C

  • Người sử dụng Vitamin C thường gặp tác dụng phụ là tăng oxalat niệu.
  • Ngoài ra, Vitamin C còn có các tác dụng phụ khác như: thiếu máu tan máu, đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, cơ thể mệt mỏi, bừng đỏ, suy tim, cảm giác nôn nao, nôn mửa, ợ nóng, đi ngoài, đau cạnh sườn.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.
Vitamin C của Công ty Vidipha
Vitamin C của Công ty Vidipha

Lưu ý và thận trọng khi dùng Vitamin C

  • Bệnh nhân sử dụng Vitamin C liều cao, lâu ngày có thể bị quen thuốc, khi giảm liều sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt Vitamin C.
  • Sử dụng Vitamin C liều cao có thể gặp tác dụng không mong muốn là tăng oxalate niệu.
  • Vitamin C có thể làm giảm pH nước tiểu xuống, đôi khi làm kết tủa urat hoặc cystin, sỏi oxalat, thuốc trong đường tiết niệu.
  • Vitamin C dùng đường tiêm tĩnh mạch nhanh có thể làm cho bệnh nhân ngất xỉu, chóng mặt, thậm chí có thể khiến bệnh nhân ngừng tim.
  • Bệnh nhân không đủ glucose – 6- phosphate dehydrogenase khi dùng Vitamin C liều lượng lớn có thể gặp tác dụng phụ là triệu chứng tan máu, huyết khối tĩnh mạch sâu.

Ảnh hưởng trên phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có thai

  • Vitamin C qua được nhau thai.
  • Phụ nữ có thai uống nhiều Vitamin C có thể khiến trẻ sau khi sinh ra bị bệnh scorbut.

Phụ nữ cho con bú

  • Vitamin C vào được trong sữa mẹ.
  • Chưa thấy trường hợp nào bất thường ở trẻ bú mẹ khi người mẹ sử dụng Vitamin C.

Tương tác thuốc

  • Sắt nguyên tố: dùng cùng với Vitamin C theo tỷ lệ 30mg sắt nguyên tố và lớn hơn 200 mg Vitamin C sẽ khiến cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt.
  • Aspirin: dùng cùng với Vitamin C sẽ khiến cơ thể tăng đào thải Vitamin C và giảm đào thải aspirin qua đường nước tiểu.
  • Fluphenazin: dùng cùng với Vitamin C sẽ làm giảm nồng độ của fluphenazine trong máu.
  • Vitamin B12: dùng cùng với Vitamin C sẽ khiến Vitamin B12 bị phá hủy, nên dùng Vitamin C 1 giờ trước hoặc sau khi sử dụng Vitamin B12.
  • Vitamin C ảnh hưởng đến nhiều xét nghiệm như các xét nghiệm dựa trên phản ứng oxi – hóa khử, các định lượng glucose trong nước tiểu sử dụng thuốc thử là đồng (II) sulfat hoặc sử dụng phương pháp glucose oxidase. Do đó khi muốn xét nghiệm cho các bệnh nhân đang sử dụng Vitamin C cần phải tham khảo các tài liệu về ảnh hưởng của Vitamin C đối với việc xét nghiệm nếu chưa có kiến thức về vấn đề này.

Quá liều và cách xử trí

Khi bệnh nhân dùng quá liều Vitamin C có thể gặp các triệu chứng như: cảm giác nôn nao, nôn mửa, viêm dạ dày, đi ngoài, sỏi thận. Xử trí bằng cách gây lợi tiểu cho bệnh nhân thông qua việc truyền dịch.

Vitamin C của Công ty OPC
Vitamin C của Công ty OPC

Uống Vitamin C nhiều có tốt không?

Sử dụng quá nhiều Vitamin C có thể khiến cho người sử dụng gặp nhiều tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, tá tràng, cảm giác nôn nao, đi ngoài, viêm bàng quang, tăng nguy cơ bị sỏi thận, bệnh Gout, giảm độ bền của hồng cầu, khiến cơ thể khó hấp thụ Vitamin A, B12.

Phụ nữ mang thai sử dụng quá nhiều Vitamin C sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, có thể khiến đứa trẻ sinh ra mắc bệnh Scorbut.

Do vậy, cần uống Vitamin C với lượng thích hợp. Đối với đàn ông, lượng Vitamin C thích hợp là 65 – 90 mg/ngày, không được dùng quá 2 g/ngày. Đối với phụ nữ, lượng Vitamin C thích hợp là 65 – 75 mg/ngày, không được dùng quá 2 g/ngày. Đối với phụ nữ có thai, lượng Vitamin C thích hợp là 85 mg/ngày. Đối với trẻ em, lượng Vitamin C thích hợp là 45mg/ngày.

Uống Vitamin C có nóng không?

Sử dụng Vitamin C với liều lượng hợp lý sẽ không gây nóng, nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì người sử dụng có thể có các biểu hiện như nổi mụn, phát ban, nổi mẩn.

Một số biệt dược được cấp phép hiện nay

Vitamin C

Nhà sản xuất: Chi nhánh công ty cổ phần dược phẩm trung ương Vidipha tại Bình Dương – Việt Nam.

Hoạt chất – Hàm lượng: Acid ascorbic – 100 mg.

Dạng bào chế: Dung dịch tiêm.

Quy cách đóng gói: Hộp 100 ống * 2 ml.

SĐK: VD-24318-16.

Giá bán: 1.330 VND/ống.

Vitamin C 500mg

Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược Becamex – Việt Nam.

Hoạt chất – Hàm lượng: Acid ascorbic – 500 mg.

Dạng bào chế: Viên nang cứng (cam – đỏ).

Quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ * 10 viên; chai 100 viên; chai 200 viên.

SĐK: VD-25088-16.

Giá bán: 496 VND/viên.

Vitamin C 50

Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm dược liệu Pharmedic – Việt Nam.

Hoạt chất – Hàm lượng: Acid ascorbic – 50 mg.

Dạng bào chế: Viên ngậm.

Quy cách đóng gói: Hộp 25 gói * 16 viên.

SĐK: VD-23526-15.

Giá bán: 361 VND/viên.

Vitamin C 50 viên ngậm
Vitamin C 50 viên ngậm

Vitamin C 1000mg/5ml

Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Minh Dân – Việt Nam.

Hoạt chất – Hàm lượng: Acid ascorbic – 1000 mg/5 ml.

Dạng bào chế: Dung dịch tiêm.

Quy cách đóng gói: Hộp 5 ống * 5ml.

SĐK: VD-24808-16.

Giá bán: 4.500 VND/ống.

Vitamin C 500

Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược Vacopharm – Việt Nam.

Hoạt chất – Hàm lượng: Acid ascorbic – 500 mg.

Dạng bào chế: Viên nén bao phim.

Quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ, 20 vỉ, 50 vỉ, 100 vỉ * 10 viên, hộp 5 vỉ, 10 vỉ, 25 vỉ, 50 vỉ * 20 viên, chai 100 viên, 200 viên, 300 viên, 500 viên, 1000 viên.

SĐK: VD-23757-15.

Giá bán: 600 VND/viên.

Vitamin C 500 Vacopharm
Vitamin C 500 Vacopharm

Vitamin C Kabi 500mg/5ml

Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Fresenius Kabi Bidiphar – Việt Nam.

Hoạt chất – Hàm lượng: Acid ascorbic – 500 mg/5 ml.

Dạng bào chế: Dung dịch tiêm.

Quy cách đóng gói: Hộp 1 vỉ * 6 ống * 5 ml; hộp 20 vỉ * 5 ống * 5 ml.

SĐK: VD-18045-12.

Giá bán: 2.400 VND/ống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây