Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa bệnh đau dạ dày đơn giản, hiệu quả

5/5 - (1 bình chọn)

Đau dạ dày là một căn bệnh không còn xa lạ gì ngày nay khi tỷ lệ người mắc bệnh ngày một gia tăng. Cùng với sự phát triển của y học, hiện nay, có rất nhiều cách để chữa bệnh đau dạ dày. Trước khi các thuốc Tây y chữa đau dạ dày trở nên phổ biến, người xưa cũng đã có rất nhiều cách để chữa căn bệnh này, trong đó phải kể đến bấm huyệt chữa bệnh đau dạ dày.

Bấm huyệt có chữa được bệnh đau dạ dày ?

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin liên quan đến huyệt. Nếu như thường xuyên theo dõi các bộ phim cổ trang của Trung Quốc, chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với khái niệm này. Tuy nhiên bạn đã thực sự hiểu rõ được Huyệt là gì hay không?

Theo y học cổ truyền, huyệt là sự giao thoa giữa hai luồng khí tồn tại bên trong và bên ngoài của cơ thể. Theo thống kê có tới 108 huyệt tồn tại khắp nơi trong cơ thể con người, giữa chúng cũng có sự liên kết mật thiết với nhau tương tự như các cơ quan trong cơ thể với hệ thống các dây thần kinh, mạch máu. Bấm huyệt là dùng hai bàn tay tác động cơ học với các lực khác nhau vào các huyệt trên cơ thể có tác dụng giúp thông huyết, giải phóng các khí bị ứ trệ trong các cơ quan.

Dạ dày là một tạng quan trọng trong cơ thể vì vậy, cũng sẽ có các huyệt liên quan tới hoạt động và chức năng của dạ dày. Việc tác động lên các huyệt này do đó cũng sẽ có tác dụng liên quan tới dạ dày, làm giảm cơn đau và triệu chứng do đau dạ dày gây ra.

Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt đối với bệnh đau dạ dày

Trước hết hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin về bệnh đau dạ dày:

Theo y học hiện đại, đau dạ dày hay còn gọi là đau bao tử là tình trạng đau xảy ra ở vùng thượng vị với biểu hiện: đau âm ỉ, đau nóng rát và tức vùng bụng. Cơn đau có thể từ một vị trí và lan ra toàn bụng thậm chí sang các vị trí khác. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau dạ dày phải kể đến như: stress, hay lo âu, nóng giận, chế độ ăn uống không hợp lý như ăn nhiều đồ chua, cay, nóng; uống nhiều bia rượu. Các tác nhân này làm cho dạ dày tăng tiết dịch vị hay giảm tiết dịch nhầy bảo vệ dạ dày hoặc đồng thời cả hai dẫn đến sự mất cân bằng giữa hai yếu tố tấn công và bảo vệ gây viêm loét dạ dày.

Còn theo y học cổ truyền, đau dạ dày hay còn được gọi là quản vị thống là cơn đau diễn ra ở vùng thượng vị và trung tiêu thường do Tà Phạm Vị ( nguyên nhân như ăn thức ăn sống và lạnh, chế độ ăn uống thất thường, hay để bụng rỗng một thời gian dài), Can Khí Phạm Vị ( do hay lo âu, căng thẳng), Tỳ Vị Hư Hàn khiến tỳ vị bị suy giảm chức năng, về lâu dài làm ứ trệ khí huyết, không thông gây đau.

Tác dụng của bấm huyệt
Tác dụng của bấm huyệt

Vậy xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, theo y học cổ truyền, đau dạ dày là do thống tắc bất thông tức ứ huyết, khí trệ. Bấm huyệt kết hợp xoa bóp sẽ giúp cho tăng tuần hoàn máu trong cơ thể, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và giúp cơ thể tăng tiết hormon endorphin – hormon có tác dụng giảm đau thông qua việc tác động cơ học lên vùng bụng. Nhờ vậy, khí huyết ứ trệ được giải phóng và chức năng tỳ vị cũng được tăng cường đồng thời giúp dạ dày cân bằng giữa việc tiết dịch vị và dịch nhầy,điều hòa co bóp. Vì vậy, bấm huyệt cũng giúp cho tiêu hóa của bệnh nhân dễ dàng hơn, ăn uống ngon miệng hơn.

Tuy nhiên cách chữa trị này chỉ mang tính tạm thời và hỗ trợ, muốn chấm dứt triệt để, cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa và chế độ sinh hoạt hợp lý để nhanh chóng đẩy lùi bệnh.

Cách bấm huyệt chữa bệnh đau dạ dày hiệu quả

Bấm huyệt là một thủ thuật yêu cầu độ chính xác cao và lực phù hợp, do đó chỉ cần sai lệch dù chỉ là một ít cũng có thể gây phản tác dụng và tổn thương tới các cơ quan khác. Do đó khi bấm cần bấm từ từ đến thấy tức nặng tức là đã đúng huyệt, tay bấm vuông góc với vị trí huyệt và bấm trong vòng khoảng vài phút.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cho bạn một số huyệt vị có thể giúp giảm triệu chứng của đau dạ dày:

Bấm huyệt Cự khuyết

Huyệt cự khuyết
Huyệt cự khuyết

Vị trí: huyệt nằm ở chỗ khuyết hay lõm rất sâu của chấn thủy ( tức vùng ức), được tính từ rốn đi thẳng lên khoảng 6 tấc (6 thốn).

Chiều dài 1 tấc phụ thuộc vào chiều cao của mỗi người, được tính bằng cách lấy chiều cao của người đó chia cho 75. Ví dụ một người cao 175 cm thì 1 tấc sẽ tương đương với 175/75 = 2.333 cm.

Tác dụng: chữa đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn; cải thiện tình trạng suy nhược, hay lo âu; giảm các cơn đau tức ngực, đánh trống ngực, những người mắc các bệnh tim mạch.

Cách tiến hành: Dùng ngón giữa của bàn tay day bấm vào vị trí của huyệt Cự khuyết kết hợp với hô hấp chậm và sâu, cơ thể ở trạng thái thả lỏng thư giãn thoải mái. Bấm từ từ để cảm nhận nặng tức từ vị trí huyệt ( tức đã đúng vị trí huyệt ) và lan rộng ra khu vực xung quanh.

Lưu ý: Bấm huyệt quá mạnh có thể gây tổn thương gan.

Huyệt Thái Xung

Huyệt thái xung
Huyệt thái xung

Vị trí: Huyệt Thái Xung là huyệt thứ ba của kinh Can, nằm ở phần lõm được tạo thành bởi đầu nối giữa xương ngón chân cái ( ngón chân thứ 1) và ngón chân trỏ (ngón chân thứ 2), được tính từ khe giữa ngón chân cái và ngón chân trỏ đo lên 1.5 tấc.

Tác dụng: Bấm vào huyệt này giúp điều hòa các bệnh lý tiêu hóa (như đau dạ dày, đau thượng vị, buồn nôn và nôn, rối loạn tiêu hóa, vàng da); bệnh lý của Can (như đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, vàng da); một số biến chứng của tiết niệu (đái buốt, đái khó, đái không tự chủ), sinh dục (sưng đau tinh hoàn, liệt dương, suy giảm tinh trùng), rối loạn kinh nguyệt (thiểu kinh, bế kinh, rong kinh, đau căng tức ), thần kinh (lo âu, mất ngủ, hay cáu gắt).

Cách tiến hành: Sử dụng hai ngón tay cái day ấn ở vị trí huyệt Thái Xung để gây đau tức tại chỗ (tức là đã bấm đúng huyệt) sau đó lan ra các khu vực xung quanh. Bấm trong vòng khoảng 2-3 phút thì dừng lại, mỗi ngày nên thực hiện 2 lần vào sáng và tối. Kiên trì day ấn đều đặn mỗi ngày để thấy rọ các triệu chứng do đau dạ dày thuyên giảm dần.

Huyệt Nội Quan

Huyệt nội quan
Huyệt nội quan

Vị trí: Huyệt Nội Quan là huyệt thứ 6 của kinh Tâm bào, nằm ở khe giữa gân cơ gan tay bé và gân cơ gan tay lớn, được xác định bằng cách đo 2 tấc tính từ cổ tay đi lên phía cánh tay.

Tác dụng: chữa trị các bệnh liên quan đến dạ dày, tim, ngực như: đau thượng vị, hồi hộp lo âu, mất ngủ, buồn nôn và nôn, đau ngực.

Cách tiến hành: Day ấn ngón tay cái vào đúng vị trí huyệt Nội Quan để có cảm giác đau căng tức (nghĩa là đã bấm đúng huyệt). Bấm huyệt trong vòng từ 2-3 phút rồi dừng lại. Kiên trì day ấn hàng ngày để thấy các cơn đau thượng vị suy giảm.

Tìm hiểu thêm: Cách chữa đau dạ dày bằng các bài thuốc dân gian tại nhà hiệu quả nhất

Huyệt Trung Quản

Huyệt trung quản
Huyệt trung quản

Vị trí: huyệt Trung Quản là huyệt thứ 12 của mạch Nhâm, nằm ở vùng ức (vùng chấn thủy), được tính khoảng 4 tấc đi từ lỗ rốn đi thẳng lên trên hay xác định bằng cách lấy trung điểm của đoạn thẳng nối lỗ rốn và góc ức sườn.

Tác dụng: Trị các bệnh liên quan đến dạ dày như đau dạ dày, ợ hơi, chướng bụng, viêm loét dạ dày; điều hòa hoạt động và chức năng của dạ dày: điều hòa co bóp, tiết dịch vị; giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và ăn ngon miệng.

Cách tiến hành: Sử dụng ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa day ấn thẳng vào huyệt để có cảm giác căng tức tại chỗ. Giữ tầm 10 giây kết hợp hít thở sâu và đều rồi thả ra, tiến hành day ấn lặp lại như vậy từ 2-4 phút hàng ngày để thấy các cơn đau dần thuyên giảm cả về cường độ lẫn mức độ.

Huyệt Tam âm giao

Huyệt tam âm giao
Huyệt tam âm giao

Vị trí: huyệt Tam  m Giao là vị trí giao nhau của 3 kinh âm ở chân là: Can, Tỳ, Thận. Huyệt này được đo thẳng lên 3 tấc (3 thốn) tính từ đỉnh trên của mắt cá chân phía trong.

Tác dụng: trị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, rối loạn kinh nguyệt, đái khó, đái ít, viêm tinh hoàn, liệt dương, suy nhược thần kinh, mất ngủ, các tình trạng sưng đau xảy ra ở gót và cẳng chân.

Cách tiến hành: sử dụng hai ngón tay cái day ấn theo vòng tròn vào vị trí huyệt Tam âm giao với một lực vừa phải, mỗi ngón bấm huyệt ở cùng bên. Day ấn trong khoảng từ 5-10 phút, mỗi ngày thực hiện từ 1-2 lần để giúp các cơn đau dạ dày giảm dần.

Lưu ý: Huyệt này là nơi âm khí hội tụ vì vậy tuyệt đối không được bấm huyệt Tam âm giao với những người phụ nữ đang mang thai.

Tìm hiểu thêm: Bệnh đau dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Xoa bóp chữa bệnh đau dạ dày hiệu quả

Ngoài bấm huyệt thì xoa bóp cũng có tác dụng rất hiệu quả trong chữa đau dạ dày. Theo Đông y, kết hợp giữa xoa bóp và bấm huyệt sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, xoa bóp bụng trước sẽ làm ấm vùng bụng, thông huyết do đó khi day bấm huyệt sẽ giúp đả thông huyệt tốt hơn. Sau đó chúng tôi xin giới thiệu cho bạn cách xoa bóp để chữa đau dạ dạ hiệu quả:

Đầu tiên, bạn xoa vuốt bụng nhẹ nhàng: Sử dụng gốc bàn tay thoa theo vòng tròn lên vùng bụng một cách nhẹ nhàng, nên dùng dầu để thoa vì vừa giúp làm ấm bụng đồng thời cũng giúp giảm ma sát giữa tay và bụng. Thủ thuật này có tác dụng giúp thư giãn vùng bụng, giảm đau, giúp tăng lưu thông máu, giảm đau và điều hòa chức năng tiêu hóa.

Sau đó, xát vùng bụng: tiếp tục dùng gốc bàn tay xát lên da một cách trực tiếp theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Tương tự như xoa vuốt bụng, có thể kết hợp với dầu để tăng hiệu quả. Thủ thuật này có tác dụng giảm đau và sưng đồng thời có tác dụng đả thông kinh lạc, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.

Miết bụng: Dùng 2 ngón tay cái miết chặt vào bụng sao cho da được kéo căng theo chiều dọc hoặc chiều ngang theo đường thẳng. Thủ thuật này có tác dụng giúp tăng cường ăn uống, ăn ngon miệng, trị chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.

Lăn bụng: Dùng mu bàn tay lăn với một lực vừa phải lên vùng bụng bị đau. Thủ thuật này có tác dụng đả thông khí huyết bị ứ trệ, giúp tăng lưu thông tuần hoàn.

Gõ: Khum nhẹ bàn tay (lòng bàn tay lõm, các ngón tay khít chặt) rồi gõ nhẹ lên vị trí bị đau. Thủ thuật này có tác dụng đả thông khí huyết bị ứ trệ, tăng lưu thông máu.

Lắc bụng trực tiếp: Nắm hai bàn tay vào hai bên bụng rồi lắc từ 2-5 phút.

Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày

Khi xoa bóp bấm huyệt mọi người cần có các lưu ý sau:

  • Tuyệt đối không bấm huyệt cho những người thực hiện phẫu thuật ở vùng bụng, phụ nữ mang thai, những người đang bị nhiễm trùng hoặc có các vết thương hở ở các vị trí huyệt. Không bấm huyệt khi quá no hoặc quá đói.
  • Trước khi xoa bóp bấm huyệt cần đảm bảo tay đã được vệ sinh sạch sẽ và cắt móng. Việc để móng dài có thể gây tổn thương vùng da ở vị trí huyệt.
  • Cần xác định chính xác vị trí huyệt. Nếu không biết chính xác cần hỏi các bác sĩ đông y để được giúp đỡ. Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt bừa bãi vì có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác. Bấm đúng vị trí và đúng lực. Cần đọc kĩ cách tiến hành trước khi day ấn huyệt do một số huyệt khá nhạy cảm, khi dùng lực quá mạnh có thể gây tổn thương các cơ quan khác.
  • Xoa bóp bấm huyệt chỉ có tác dụng với đau dạ dày ở thể cấp tính, mang tính chất tạm thời. Muốn điều trị khỏi hoàn toàn cần kết hợp với dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo âu phiền muộn.

Trên đây là một số thông tin về xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày. Hi vọng qua bài viết này có thể giúp bạn có thêm thông tin cũng như chữa đau dạ dày thành công.

Tìm hiểu thêm: Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt có khỏi không?

 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây