Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt có khỏi không?

5/5 - (1 bình chọn)

Xoa bóp bấm huyệt là liệu pháp điều trị thoát vị đĩa đệm có nguồn gốc từ Y học cổ truyền. Dưới tác động của lực từ mu bàn tay, cổ tay, ngón tay, phương pháp này giúp kích thích lưu thông mạch máu, giúp thư giãn cơ, giảm các cơn đau và các triệu chứng của bệnh lý xương khớp, đồng thời hỗ trợ hồi phục chức năng vận động. Bên cạnh các liệu pháp chuyên sâu, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thường sử dụng liệu pháp xoa bóp bấm huyệt để hỗ trợ trong quá trình điều trị. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp xoa bóp bấm huyệt điều trị thoát vị đĩa đệm qua bài viết sau.

Có nên chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt không?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính tuy nhiên thường gặp chủ yếu ở những người trung niên và người cao tuổi. Bệnh lý khởi phát khi bao xơ của đĩa đệm bị thoái hóa, phồng lồi, nứt rách khiến cho nhân nhầy lệch khỏi vị trí trung tâm ban đầu và thoát ra bên ngoài. Từ đó gây chèn ép các dây thần kinh, đốt sống, các mô mềm và các cơ quan xung quanh làm phát sinh các cơn đau nhức, khó chịu cho người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lành tính, không đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng đây được coi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra đau cột sống kèm theo các triệu chứng thần kinh tương ứng, làm ảnh hưởng đến khả năng lao động, giấc ngủ cũng như chất lượng cuộc sống và các hoạt động sinh hoạt khác của người bệnh. Nếu để tình trạng bệnh kéo dài, đĩa đệm có thể bị tổn thương nặng từ đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn như xẹp lún cột sống, nhân nhầy chèn ép các dây thần kinh, mô, cơ quan nghiêm trọng dẫn đến cong vẹo cột sống, teo cơ, chức năng vận động bị suy giảm mạnh.

Thoát vị đĩa đệm là hệ quả do nhiều yếu tố tác động, trong đó cơ chế bệnh sinh của bệnh liên quan mật thiết đến quá trình thoái hoá của đĩa đệm, kết hợp với một số tác động bên ngoài khác như chấn thương, lao động nặng thường xuyên, kéo dài hoặc các thói quen vận động và sinh hoạt không lành mạnh. Hiện nay, chưa có một biện pháp nào điều trị dứt điểm các bệnh lý thoái hóa xương khớp nói chung và bệnh lý thoát vị đĩa đệm nói riêng. Các phương pháp điều trị hiện có bây giờ chỉ tập trung vào cải thiện, giảm thiểu các cơn đau nhức, phục hồi cấu trúc cột sống và các chức năng vận động, đồng thời hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa đĩa đệm.

Có nên bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm hay không?
Có nên bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm hay không?

Trong điều trị theo Y học hiện đại, các phương pháp được sử dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm chủ yếu thường là các phương pháp nội khoa như: giảm đau chống viêm, giãn cơ, tiêm ngoài màng cứng, hoặc các phương pháp vật lý trị liệu như dùng nhiệt, điện phân, từ nhiệt,… Các biện pháp điều trị này tuy có hiệu quả cao nhưng cũng gặp không ít tác dụng phụ, biến chứng như: viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, biến chứng sau phẫu thuật,… và phương pháp này đòi hỏi phương tiện kỹ thuật cao, tốn kém, … Trong Y học cổ truyền, thoát vị đĩa đệm thường được điều trị bằng các phương pháp như cấy chỉ, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,… Trong đó xoa bóp bấm huyệt là phương pháp cho hiệu quả tốt, được nhiều người tin tưởng và sử dụng khá phổ biến hiện nay.

Xoa bóp, bấm huyệt sử dụng lực từ mu bàn tay, cổ tay, ngón tay gây ra các kích thích vật lý, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu, các cơ quan cảm thụ làm thay đổi về thần kinh, thể dịch,… Từ đó thúc đẩy quá trình lưu thông, tuần hoàn máu, giúp giãn cơ, cải thiện các cơn đau nhức do thoát vị đĩa đệm gây ra. Phương pháp này không chỉ dễ thực hiện, không yêu cầu trang thiết bị y học hiện đại mà còn tương đối an toàn, ít gây tác dụng phụ cho người bệnh.

Thông thường, phương pháp xoa bóp bấm huyệt điều trị thoát vị đĩa đệm được áp dụng trong các trường hợp:

  •  Bệnh nhân mới khởi phát thoát vị đĩa đệm hoặc bệnh nhân bị bệnh đã lâu nhưng đĩa đệm mới chỉ bị tổn thương nhẹ (phồng, lồi đĩa đệm).
  • Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm loại I, II, III theo phân loại của Wood hoặc người bị thoát vị lệch bên.
  •  Bệnh nhân có sức khỏe tốt, có thể chịu được các tác động, áp lực mạnh trong quá trình sử dụng biện pháp điều trị.

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp có tác dụng tăng cường dinh dưỡng tại chỗ, cải thiện cơn đau, chống viêm, làm giãn các cơ vùng lưng và cổ. Bên cạnh đó, liệu pháp còn hỗ trợ đưa đĩa đệm về vị trí ban đầu, hỗ trợ giải phóng chèn ép dây thần kinh và hạn chế quá trình thoái hóa của đĩa đệm. Tuy nhiên, phương pháp này không giải quyết được căn nguyên của bệnh do đó không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị. Muốn đạt được hiệu quả cao, cần phối hợp xoa bóp bấm huyệt với các biện pháp khác để có thể tác động toàn diện lên đĩa đệm và dự phòng tái phát.

Cách xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh thoát vị đĩa đệm

Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp đơn giản, tương đối an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị cao, phương pháp cần được thực hiện đúng cách và theo các trình tự nhất định. Bệnh nhân nên tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia vật lý trị liệu hoặc các bác sĩ Y học cổ truyền để đạt được hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn nhất.

Tìm hiểu thêm: [CHIA SẺ] Tác dụng của gạo lứt trong điều trị thoát vị đĩa đệm

Xoa bóp làm giãn cơ vùng lưng và hông

Xoa bóp làm giãn cơ ở vùng lưng và mông là bước khởi động trước khi bắt đầu thực hiện bấm huyệt. Bằng cách này, cơ bắp của người bệnh được thư giãn, tuần hoàn máu được thúc đẩy, đồng thời còn hạn chế được tình trạng co cứng hoặc co thắt quá mức, làm giảm tình trạng đau nhức khi thực hiện day ấn các huyệt vị. Để thực hiện được, người bệnh cần nằm úp mặt trên gối thấp hoặc khăn mềm, thả lỏng toàn thân, sau đó người bấm huyệt tiến hành xoa bóp, mát xa, làm mềm các cơ bắp đang trong trạng thái căng cứng với các động tác:

  • Day: người bấm huyệt sử dụng bề mặt đệm thịt của bàn tay, mô ngón tay cái và ngón tay út ấn mạnh trực tiếp vào da người bệnh. Sau đó di chuyển theo hình tròn hoặc xoắn ốc theo dọc hai bên cột sống từ đốt sống lưng D7 đến vùng mông khoảng từ 3 đến 4 lần.
  • Lăn: sử dụng phần mu bàn tay hoặc gập các khớp ngón tay lại rồi tiến hành lăn tròn trên vùng da bị đau nhức, dọc theo đường xương sống của bệnh nhân với một lực tương đối. Lực tác động không được quá mạnh vì có thể khiến bệnh nhân bị đau đớn. Thực hiện động tác lăn từ hai bên cột sống thắt lưng đến vùng mông khoảng 3 lần.
  • Bóp: dùng ngón tay cái siết chặt tại vùng lưng, những ngón tay còn lại ôm bụng. Sau đó, dùng lực cả hai bàn tay để ấn, bóp kết hợp kéo phần da thịt nhẹ nhàng và di chuyển dọc theo cột sống D7 đến vùng mông. Thực hiện động tác khoảng 3 lần.

Trong quá trình xoa bóp, tùy vào thể trạng của bệnh nhân mà người thực hiện xoa bóp cần điều chỉnh lực, sức ấn, day, bóp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Có thể kết hợp sử dụng các loại dầu xoa bóp để tăng hiệu quả giãn cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau nhức và chống viêm.

Day ấn các huyệt vị và tác động lên vị trị thoát vị đĩa đệm

Day ấn các huyệt vị
Day ấn các huyệt vị

Sau khi xoa bóp khoảng 3 đến 5 phút, tiến hành động tác day ấn các huyệt vị tương ứng để tác động trực tiếp đến vùng đĩa đệm bị thoát vị. Mục đích của quá trình này nhằm giải phóng ứ trệ kinh mạch, giảm các cơn đau nhức cột sống, giảm mức độ chèn ép lên đĩa đệm bị thoái hóa. Theo Y học cổ truyền, để cải thiện các triệu chứng do thoát vị đĩa đệm gây ra cần phải tác động vào các huyệt vị sau:

  •  A Thị Huyệt: là một huyệt vị không cố định nằm giữa hai đốt sống, thường được xác định bằng cách dùng lực của ngón tay cái ấn vào từng vị trí đau nhức của đốt sống. Vị trí đau nhất chính là A thị huyệt.
  •  Huyệt Thận Du: là huyệt cách mỏm gai sau đốt sống thắt lưng số 2 khoảng 1,5 thốn (tấc) ngang ra phía ngoài, huyệt nằm ngang với huyệt Mệnh môn. Day ấn vào huyệt Thận du có tác dụng tráng hỏa, ích thủy, kiện gân cốt và điều thận khí.
  •  Huyệt Đại Trường Du: là huyệt cách mỏm gai đốt sống thắt lưng số 4 khoảng 1,5 thốn ngang ra phía ngoài, nằm ngang với huyệt Yêu Dương Quan. Tác động vào huyệt này có tác dụng điều trường vị, lý khí và hóa trệ.
  • Huyệt Giáp Tích: là huyệt vị nằm ở mỏm gai mỗi đốt sống đo ngang ra ngoài khoảng 0,5 thốn. Tùy thuộc vào cơn đau mà day ấn, tác động vào các huyệt tương ứng ở vùng cổ và thắt lưng (thường là huyệt ở vị trí L5-S1). Tác động vào huyệt Giáp Tích có tác dụng chữa đau mãn tính, và một số bệnh khác như hen suyễn, ho lâu ngày không khỏi.
  •  Huyệt Cách Du: là huyệt cách mỏm gai đốt sống thắt lưng số 7 khoảng 1,5 thốn ngang ra phía ngoài, nằm ngang với huyệt Chí dương. Day ấn vào huyệt Cách du có tác dụng thư giãn vùng ngực, thanh huyết nhiệt, đồng thời giúp hòa vị khí, bổ hư lao, …

Sau khi xác định các huyệt vị cần cho quá trình bấm huyệt điều trị thoát vị đĩa đệm, người bấm huyệt thực hiện các động tác bấm, day ấn lên các huyệt vị như sau:

  •  Ấn – day – xoay: sử dụng lực từ ngón tay cái ấn mạnh vào các huyệt Thận Du, Đại Trường Du và Giáp Tích L5-S1 rồi day, xoay theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện trong khoảng từ 3 đến 5 phút để làm mềm cơ bắp, giảm hiện tượng co cứng.
  •  Bấm huyệt: Sau khi cơ bắp giãn ra, sử dụng đầu ngón tay cái bấm vào các huyệt Thận Du, Đại Trường Du, Giáp Tích, Cách Du và A Thị Huyệt. Khi thực hiện, nên sử dụng lực nhẹ sau đó tăng dần cho đến khi có cảm giác đau tức thì kìm lại và duy trì trong khoảng 60 giây. Không nên day ấn khi bấm huyệt vì có thể gây đau đớn và bầm tím cho bệnh nhân.
  •  Nắn chỉnh đĩa đệm: Trước khi thực hiện nắn chỉnh đĩa đệm, bệnh nhân nên chụp CT hoặc MRI cột sống nhằm xác định chính xác vị trí địa đệm bị thoát vị. Tiếp theo đó, sử dụng ngón tay cái ấn vào vị trí đĩa đệm bị tổn thương với lực vừa phải theo nguyên tắc nghịch hướng – đối lực. Tùy thuộc vào thể trạng và khả năng chịu đau của bệnh nhân mà điều chỉnh lực nắn phù hợp tránh trường hợp kích thích nhân nhầy thoát vị, thời gian thực hiện kéo dài từ khoảng 3 đến 5 phút.

Trong thực tế, cấu trúc xương khớp và mức độ tổn thương đĩa đệm ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Bên cạnh đó tùy thuộc vào thể trạng, khả năng chịu đau của từng bệnh nhân mà cần phải điều chỉnh lực xoa bóp bấm huyệt phù hợp. Nên xoa bóp, bấm huyệt từ nông đến sâu, từ nhẹ đến mạnh, không được sử dụng lực quá mạnh khi thực hiện, tránh tình trạng làm tổn thương cột sống, các dây thần kinh, mô và các cơ quan xung quanh.

Thực hiện phương pháp 1 lần/1 ngày, liên tục trong 30 ngày được gọi là một liệu trình. Có thể lặp lại liệu trình 3 đến 4 lần trong một năm cho người bệnh để hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm, cải thiện các chức năng vận động và dự phòng các cơn đau tái phát.

Tìm hiểu thêm: Bệnh thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Lưu ý khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt

Lưu ý khi bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm
Lưu ý khi bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm

Xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp tương đối an toàn, không yêu cầu các trang bị kỹ thuật y tế hiện đại và có ít tác dụng phụ. Phương pháp này đang được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý, đặc biệt là về xương khớp. Tuy nhiên, mặc dù được đánh giá cao nhưng nếu thực hiện không đúng cách thì không chỉ không đem lại kết quả như mong đợi mà còn gây ra nhiều rủi ro và các tác dụng phụ khác. Do đó, khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt để điều trị thoát vị đĩa đệm cần chú ý một số lưu ý sau:

Không được tự mình thực hiện bấm huyệt

Tuyệt đối không được tự mình thực hiện bấm huyệt mà nên tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện, phòng khám uy tín và chất lượng. Tự ý xác định huyệt vị có thể dẫn đến sai lệch khi thực hiện, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị và có thể đem lại những tác dụng không mong muốn. Nếu cơn đau khởi phát thường xuyên hoặc bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình thăm khám thường xuyên thì có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn các bài xoa bóp tại nhà nhằm giảm các cơn đau nhức, tê bì, khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh nên cố gắng thực hiện đầy đủ liệu trình để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, không bấm huyệt cho phụ nữ đang mang thai, người có tiền sử bệnh tim, bệnh huyết áp, người có tâm lý không ổn định, dễ kích động, … Đồng thời, tránh tác động vào các vùng da bị tổn thương trước đó như lở loét, viêm nhiễm, …

Kết hợp việc bấm huyệt với các bài tập

Bên cạnh thực hiện liệu pháp xoa bóp bấm huyệt, để kết quả điều trị đạt đc là tốt nhất, người bệnh nên kết hợp với các bài tập và các biện pháp khác như châm cứu, sử dụng thuốc, … Có thể tập các bài tập thể dục nhẹ tốt cho xương khớp từ khoảng 15 đến 30 phút mỗi ngày, để giúp tăng cường trao đổi chất, tăng tuần hoàn máu, cải thiện xương khớp và tăng sức mạnh cơ bắp. Các chuyên gia về xương khớp cho biết, hoạt động thể chất điều độ có thể làm giảm các triệu chứng tê bì, đau nhức của người bị thoát vị đĩa đệm.

Kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ

Bên cạnh các phương pháp về y tế, bệnh nhân nên xây dựng cho mình một chế độ ăn khoa học, thay đổi các thói quen sinh hoạt không lành mạnh, hạn chế mang vác vật nặng và lao động quá sức. Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm có lợi như rau xanh, thực phẩm chứa vitamin A, vitamin D, canxi, collagen, … thực hiện uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể kiểm soát cân nặng, hạn chế áp lực từ trọng lượng cơ thể lên đĩa đệm bị thoát vị. Nên hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, nước ngọt có ga, các loại thức ăn nhanh, … Do trong các loại thức uống, thực phẩm này có chứa các thành phần làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể, kích thích phản ứng viêm đau và tăng tốc độ lão hóa, … Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh, chế độ sinh hoạt  điều độ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Người bệnh nên ngủ nghỉ đúng giờ, hạn chế thức khuya, thay đổi các thói quen xấu đến tiến triển của bệnh như lao động nặng, ngồi xổm, mang vác vật nặng, … để từ đó thúc đẩy đĩa đệm tái tạo, phục hồi và hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa của đĩa đệm.

Như vậy có thể thấy, chữa thoát vị đĩa đệm bằng xoa bóp bấm huyệt có thể giảm được cơn đau, thư giãn cơ, cải thiện các triệu chứng đi kèm, hỗ trợ hồi phục các chức năng vận động và giảm tiến trình thoái hóa của đĩa đệm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài điều trị theo liệu trình thì người bệnh cần kết hợp các biện pháp chuyên sâu khác và xây dựng lối sống lành mạnh, thói quen sinh hoạt điều độ.

Video bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm

Sau đây là link video hướng dẫn bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm đơn giản: https://www.youtube.com/watch?v=BRTWnPiYLlg

Tìm hiểu thêm: Thuốc điều trị thoái hóa đốt sống cổ tốt nhất hiện nay [Bác sĩ khuyên dùng]

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây