Thuốc Fumagate: Tác dụng, chỉ định & hướng dẫn sử dụng

Đánh giá post

Thuốc Fumagate là thuốc gì?
Thuốc thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa.
Nhóm dược lý: Thuốc Fumagate thuộc nhóm kháng acid dịch vị.
Fumagate được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống.
Thành phần:

  • Magnesi hydroxyd hàm lượng 800mg
  • Simethicone (dưới dạng Simethicone nhũ dịch 30%) hàm lượng 80mg
  • Nhôm hydroxyd (dưới dạng nhôm hydroxit gel) hàm lượng 400mg

Cùng với tá dược vừa đủ một gói 10g.
Quy cách đóng gói: Hộp 10 gói, hộp 20 gói, hộp 30 gói, hộp 50 gói x 10g.

Hộp thuốc Fumagate
Hình ảnh: Hộp thuốc Fumagate

Tham khảo: Thuốc Simethicone: Công dụng, cách dùng & tác dụng phụ

Thuốc Fumagate giá bao nhiêu?

Theo sự tìm hiểu của Heal Central, thuốc Fumagate được bán với giá dao động khoảng 85.000 đồng/hộp 30 gói x 10g. Giá bán có thể khác nhau ở những địa chỉ bán thuốc khác nhau.
Tham khảo: [REVIEW] Viên sủi nghệ Scurma Fizzy: Công dụng, cách dùng & giá bán

Thuốc Fumagate mua ở đâu?

Thuốc Fumagate được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Phương Đông – VIỆT NAM. Fumagate hiện nay là một cái tên khá nổi trong nhóm thuốc đường tiêu hóa, do đó người mua có thể tìm mua thuốc ở các cơ sở bán thuốc, các trung tâm thuốc,… trên toàn quốc. Việc tìm mua sản phẩm này cũng khá dễ dàng.
Người mua có thể tìm hiểu các thông tin về thuốc này cũng như mua thuốc hoặc liên hệ mua hàng tại các nhà thuốc uy tín và chất lượng như nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Lưu Anh, nhà thuốc Bệnh viện 108,… Hoặc cũng có thể liên hệ trực tiếp qua trang web của chúng tôi để có thể mua thuốc với chất lượng được đảm bảo tốt nhất trên thị trường.

Gói thuốc Fumagate
Hình ảnh: Gói thuốc Fumagate

Thuốc Fumagate có tác dụng gì?

Thuốc có các thành phần chính là Magnesi hydroxyd, Simethicone, Nhôm hydoxyd. Đây đều là các thành phần có tác dụng trên đường tiêu hóa. Cụ thể:

  • Nhôm hydroxyd và Magnesi hydroxyd là hai hydroxyd kim loại điển hình được lựa chọn để điều trị bệnh đau bao tử. Sở dĩ hai thành phần này được chọn là nhờ khả năng trung hòa acid dịch vị theo phản ứng giữa OH- với H+ để làm giảm một lượng lớn H+ trong lòng dạ dày – đây cũng là thành phần chính của acid dịch vị – nguyên nhân trực tiếp tạo ra ổ tổn thương thậm chí là loét ở niêm mạc dạ dày, mà ở những bệnh nhân đau dạ dày, việc giảm nồng độ acid dịch vị là điều cần thiết để làm giảm các triệu chứng đau, đồng thời tạo điều kiện để phát triển các tổ chức liên kết bao phủ vết tổn thương, làm cho vết thương nhanh lành, bệnh nhanh khỏi.
  • Trong hóa học, có rất nhiều các hydroxyd kim loại, nhưng chỉ có 2 thành phần trên được chọn lựa để sử dụng trong hầu hết các chế phẩm. Điều này không phải là ngẫu nhiên, bởi khi phản ứng với ion H+ theo phương trình trung hòa, một lượng lớn cation kim loại được giải phóng ra. Nếu như hầu hết các cation kim loại đều có ảnh hưởng đến cơ thể bằng việc hấp thu qua ruột và gây mất cân bằng nồng độ các yếu tố vi lượng trong cơ thể, thì hai cation là Mg2+ và Al3+ lại không hề gây tổn hại cho cơ thể một cách nguy hiểm như một số ion khác.
  • Sự phối hợp Magnesi hydroxyd với hàm lượng gấp đôi Nhôm hydroxyd cũng được giải thích với mục đích như sau: Magnesi hydroxyd có khả năng phản ứng nhanh, do đó trung hòa acid dịch vị nhanh chóng, cần thiết để giảm nhanh các triệu chứng đau bao tử cho bệnh nhân, điều trị triệu chứng trong trường hợp cấp. Tuy nhiên cơ thể luôn có cơ chế tự điều hòa, khi nhận thấy acid dịch vị giảm nhanh một cách bất thường như vậy, sẽ không đảm bảo được việc tiêu hóa thức ăn và diệt khuẩn, cơ thể sẽ huy động cơ chế tăng tiết acid hồi ứng, hậu quả là một lượng lớn acid được tiết vào lòng dạ dày làm cho cảm giác đau nóng rát còn nặng nề hơn ban đầu. Đây cũng là một câu hỏi khá khó cho các nhà nghiên cứu. Và từ đó Nhôm hydroxyd đã trở thành lựa chọn thứ hai và hoạt động khá hiệu quả. Bởi vì Nhôm hydroxyd có đặc tính phản ứng chậm với acid dịch vị so với thành phần còn lại.
  • Do đó hydroxyd kim loại vẫn còn một lượng đáng kể sau khi phản ứng trung hòa bước 1 diễn ra, và chính Nhôm hydroxyd sẽ chịu trách nhiệm để phản ứng nốt với hiện tượng tăng tiết acid hồi ứng của cơ thể, đảm bảo cho lượng acid dịch vị giữ ở mức thấp nhất có thể. Hai thành phần phối hợp với nhau hoạt động một cách tối ưu.
  • Cũng vì một lý do khác mà hai thành phần này được phối hợp với nhau. Đó là với hàm lượng sử dụng cho cả hai thành phần này, Mg2+ giải phóng lượng lớn và lại không được hấp thu qua ruột, nên tồn tại nồng độ cao trong lòng ruột, tạo một áp lực thẩm thấu kéo nước và chất điện giải vào lòng ruột, đồng thời kích thích vào các ngọn dây thần kinh thành ruột, gây hiện tượng tăng nhu động ruột, tăng co bóp kết hợp tăng thể tích phân do tăng nước, dẫn đến đau bụng tiêu chảy cho người sử dụng. Còn Al3+ lại có tác dụng phụ ngược lại với Mg2+, đó là giảm khả năng co bóp của cơ trơn đường tiêu hóa, dùng liều cao có thể gây táo bón nặng. Do đó hai thành phần này đã khắc phục được các tác dụng phụ của nhau, không gây rối loạn tiêu hóa cho người sử dụng.
  • Simethicone là một thành phần có bản chất polysiloxane. Đây là một Polymer tương đối trơ về mặt hóa học, có thể chất lỏng, có khả năng hoạt động bề mặt tốt lại được sử dụng ở dạng nhũ dịch nên khả năng bao phủ toàn bộ niêm mạc dạ dày là rất lớn. Do đó, simethicone vừa giúp phân bố đều hai hydroxyd kim loại trên, vừa là yếu tố tham gia hỗ trợ bảo vệ niêm mạc dạ dày, Simethicon làm giảm tạo và làm vỡ các bóng hơi trong đường tiêu hóa, vì vậy giảm tình trạng căng tức, đầy bụng, khó chịu. Simethicon không được hấp thu, vì vậy thành phần này cũng khá an toàn đối với cơ thể.

Thuốc Fumagate và Fumagate fort gói loại nào tốt hơn?

Để so sánh được hai thuốc này chúng ta cùng so sánh trên các tiêu chí
Nhà sản xuất: Cả hai thuốc đều do công ty cổ phần Dược phẩm Phương Đông – VIỆT NAM sản xuất.
Thành phần: Cả 2 thuốc đều có các hoạt chất giống nhau nhưng hàm lượng có một chút thay đổi, thuốc Fumagate fort có hàm lượng Nhôm Hydroxyd cao hơn thuốc Fumagate. Và hàm lượng Simethicon cũng lớn hơn. Thuốc Fumagate fort có tác dụng tốt hơn thuốc Fumagate và liều dùng cũng giảm đi đáng kể.

Thuốc Fumagate trị bệnh gì?

Thuốc Fumagate được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Người có viêm dạ dày cấp tính, mạn tính.
  • Người có viêm loét hang vị dạ dày.
  • Người có viêm thực quản do trào ngược dạ dày thực quản.
  • Người có viêm loét tá tràng.
  • Người có tình trạng tăng tiết acid dịch vị quá mức.
  • Chẩn đoán sơ bộ đau bao tử.
Chỉ định của thuốc Fumagate
Chỉ định của thuốc Fumagate

Cách sử dụng thuốc Fumagate

Cách dùng thuốc Fumagate

Người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản là lắc đều gói chứa chế phẩm, sau đó bóc vỏ và sử dụng trực tiếp.
Lưu ý người dùng nên sử dụng ngay sau khi đã bóc vỏ chế phẩm, không pha loãng chế phẩm với nước hoặc các dung dịch lỏng khác.
Người bệnh nên uống trước bữa ăn từ 30 phút đến 2 tiếng, trước khi đi ngủ hoặc khi có triệu chứng đau bao tử đã được xác định rõ.

Không pha loãng Fumagate vKhông pha loãng Fumagate với nướcới nước
Không pha loãng Fumagate với nước

Liều dùng thuốc Fumagate

  • Người lớn: Uống 2 đến 3 lần mỗi ngày, uống 1 gói mỗi lần.
  • Trẻ em: Uống 1 đến 2 lần mỗi ngày, uống ½ đến 1 gói mỗi lần.

Tác dụng phụ của thuốc Fumagate

Thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn sau:

  • Tiêu hóa: Đôi khi có các chứng rối loạn tiêu hóa nhẹ như đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón.
  • Da: Đôi khi có phát ban đỏ, ngứa nhẹ nhưng tỉ lệ gặp phải rất thấp, người dùng không nên lo ngại về vấn đề này khi dùng thuốc.
  • Có thể gây ra nhiễm khuẩn tiêu hóa khi dùng đơn độc do nồng độ acid dịch vị giảm thấp.

Chống chỉ định của thuốc Fumagate

  • Đối với các bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc và tá dược.
  • Đối với bệnh nhân có tăng canxi huyết nặng.
  • Đối với bệnh nhân có tăng Magie máu.
  • Đối với trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non thiếu tháng.
  • Đối với người bệnh có viêm đại tràng mãn tính.

Chú ý khi sử dụng chung Fumagate với các thuốc khác

Do hầu hết các thuốc được sử dụng qua đường uống và hấp thu qua đường tiêu hóa nên acid dịch vị đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu thuốc, đặc biệt là một số các thuốc như:

  • Các dạng thuốc khó tan cần có sự hòa tan của acid dịch vị như nhóm thuốc kháng nấm mà điển hình là Ketoconazol, Itraconazol, ngoài ra còn có thuốc nhóm NSAIDS là Indomethacin.
  • Không dùng chung với các kháng sinh như Tetracyclin, Quinolon do có khả năng tạo phức không hấp thu, làm mất tác dụng của cả 2 loại thuốc dùng cùng, đồng thời có khả năng gây ra hiện tượng kháng kháng sinh.
  • Giảm hấp thu các thuốc như Quinin, Digoxin,…
  • Làm giảm hoặc mất tác dụng của các thuốc có dạng bào chế viên bao tan trong ruột như Omeprazol, Esomeprazol,…

Cách khắc phục khi bắt buộc sử dụng chung là uống cách nhau ít nhất 3 giờ, thường dùng thuốc Fumagate sau khi dùng các thuốc có khả năng tương tác trên.
Để tránh các tương tác bất lợi, người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ những thuốc hay sản phẩm đang sử dụng kèm theo để có lời khuyên hữu ích nhất.

Chú ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Fumagate

Chú ý

Thuốc làm giảm nồng độ acid dịch vị cho người sử dụng, do đó có khả năng làm giảm tiêu hóa, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa. Vậy nên người bệnh chỉ nên sử dụng khi cần thiết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Tránh lạm dụng để tránh tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.

Thận trọng

Đối với bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích, tăng co thắt đại tràng.

  • Người cao tuổi: Chỉnh liều và xây dựng chế độ dùng thuốc cho phù hợp.
  • Đối với trẻ em: Người lớn cần kiểm soát liều dùng và chế độ sử dụng thuốc cho đối tượng này.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú: Hiện chưa có thông tin về tác động xấu của thuốc lên nhóm đối tượng này, tuy nhiên chỉ nên dùng khi cần thiết, cân nhắc nguy cơ và lợi ích.

Cách xử trí quá liều và quên liều thuốc Fumagate

Quá liều

Thuốc tương đối an toàn cho người sử dụng, ít gây ra tác dụng phụ. Quá liều chủ yếu do không tuân thủ chế độ liều, gộp các mức liều với nhau. Khi quá liều có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, có thể gây ra phản tác dụng làm nặng thêm các triệu chứng đau bao tử, tiêu chảy hoặc táo bón.
Khi quá liều cần ngưng dùng thuốc, nghỉ ngơi và điều trị triệu chứng.

Quên liều

Thuốc không có chế độ điều nghiêm ngặt, quên liều có thể không xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên bệnh nhân vẫn nên tránh tình trạng quên liều.
Khi quên liều, bệnh nhân nên uống ngay liều đã quên vào thời điểm nhớ ra. Nếu đã đến liều sau thì bỏ liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường, không gộp các liều lại uống với nhau tránh quá liều.

Bảo quản thuốc Fumagate như thế nào?

Bảo quản chế phẩm nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Sử dụng ngay sau khi bóc vỏ.
Người dùng cần lưu ý hạn sử dụng của chế phẩm để tránh sử dụng thuốc đã quá hạn.

Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây