[CHIA SẺ] Hướng dẫn cách sử dụng thiết bị xét nghiệm HIV tại nhà

5/5 - (5 bình chọn)

Bạn đang nghi ngờ mình bị nhiễm HIV? Bạn muốn tới bệnh viện, các cơ sở y tế hay trung tâm HIV-AIDS để được xét nghiệm HIV nhưng lại cảm thấy ngại ngùng và lo sợ. Bạn đang tìm một cách để có thể tự xét nghiệm HIV ngay tại nhà. Vậy hãy cũng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây chia sẻ về cách sử dụng thiết bị xét nghiệm HIV

HIV là gì?

Trước hết hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số thông tin cơ bản về HIV. HIV là tên một loại virus thuộc nhóm retrovirus có khả năng phá hủy hệ miễn dịch của cơ thể con người.một cách từ từ gây nên bệnh HIV. Bệnh HIV là một bệnh xã hội hết sức phổ biến trên thế giới hiện nay và cũng đặc biệt nguy hiểm vì cho tới nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay các thuốc đặc trị. Bệnh gây ra cái chết cho hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo và đang phát triển.

Bệnh diễn biến qua ba giai đoạn là: giai đoạn “cửa sổ”, giai đoạn carrier và giai đoạn AIDS. Ở giai đoạn đầu của bệnh, virus bắt đầu xâm nhập, phát triển và nhân lên đáng kể trong cơ thể người. Giai đoạn này thường chỉ kéo dài vào khoảng từ 3 tới 6 tuần với các triệu chứng không điển hình như: sốt, sưng nhiều hạch, đau cơ, vì vậy khi đi kiểm tra rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, thường gặp nhất là bệnh cúm. Ở giai đoạn carrier hay còn được gọi là giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng, HIV phá hủy dần dần các tế bào miễn dịch như: tế bào Lympho, bạch cầu mono, đại thực bào trong đó chủ yếu là hủy hoại tế bào Lympho T CD4. Sự phá hủy từ từ hệ thống miễn dịch thường diễn ra trong khoảng thời gian dài, có thể lên tới hàng chục năm, phổ biến từ 3-10 năm. Đồng thời đây cũng chính là giai đoạn mà virus dễ lây truyền nhất do bệnh diễn biến thầm lặng và trong thời gian kéo dài. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, bệnh sẽ biểu hiện thành hội chứng suy giảm miễn dịch. Lúc này hệ thống miễn dịch gần như đã bị phá hủy hoàn toàn và mất đi khả năng bảo vệ cơ thể tạo điều kiện cho sự xâm nhập, phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật cơ hội. Ở giai đoạn AIDS, bệnh nhân có những triệu chứng điển hình của bệnh như: sụt cân, hay bị viêm loét, bị các bệnh thông thường rất lâu khỏi và sau khoảng 2-3 năm, bệnh nhân sẽ tử vong do các bệnh cơ hội. Như vậy HIV không trực tiếp gây tử vong mà gián tiếp thông qua các bệnh khác, hay gặp nhất là bệnh lao. Theo ước tính có tới hơn 50% người nhiễm HIV đều mắc bệnh lao.

Khi xâm nhập vào cơ thể, virus tồn tại ở trong máu và dịch cơ thể, chủ yếu ở một số vị trí sau như máu, sữa mẹ, tinh dịch, dịch âm đạo. Đa số trong nước bọt không tìm thấy virus HIV hoặc nếu có cũng với một lượng rất nhỏ không đủ khả năng để lây bệnh. Do đó, bạn hoàn toàn có thể chung sống và sinh hoạt bình thường với một người nhiễm HIV mà không sợ bị lây nhiễm.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua 3 con đường là: đường tình dục, từ mẹ sang con và qua đường máu. Trong đó đường tình dục là con đường phổ biến nhất mặc dù nguy cơ lây lan qua tình dục không cao bằng hai con đường kia. Trong lây nhiễm qua đường tình dục thì nguy cơ cao nhất khi quan hệ qua âm đạo, hậu môn và có thể qua đường miệng, quan hệ đồng tính luyến ái nam. Nếu như mẹ bị nhiễm HIV thì nguy cơ con sau khi sinh ra cũng mắc bệnh dao động từ 35-50% do mẹ có thể lây truyền cho bé qua nhau thai, sữa mẹ trong giai đoạn mang thai, lúc đẻ và sau sinh. Máu được xem là con đường lây nhiễm HIV nguy hiểm nhất với tỷ lệ lây nhiễm lên tới khoảng 90% đặc biệt là khi máu của người nhiễm HIV tiếp xúc với các vết thương hở.

Bệnh thường gặp ở những người nghiện ma túy, thuốc phiện, gái mại dâm.

Có thể tự xét nghiệm HIV tại nhà hay không?

Có thể tự test HIV hay không?
Test HIV tại nhà được hay không?

 

Hiện nay có rất nhiều cách để chẩn đoán một người có nhiễm HIV hay không. Thông thường các xét nghiệm hay được sử dụng phải kể đến:

  • Xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng virus HIV: Sau khi xâm nhập vào cơ thể từ 3-6 tháng, cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại yếu tố lạ này. Vì vậy việc xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV có thể giúp chẩn đoán một người có nhiễm HIV hay không. Phương pháp này được tiến hành như sau: Trước hết cần tiến hành xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật ELISA và phản ứng ngưng kết Latex nhanh. Nếu hai phản ứng này cho dương tính thì cần phải làm thêm một xét nghiệm Western Blot thì mới cho phép chẩn đoán dương tính hay không. Vì kháng thể chỉ xuất hiện sau 3-6 tháng kể từ khi nhiễm virus do đó phương pháp này không có giá trị chẩn đoán cho bệnh nhân HIV đang ở giai đoạn “cửa sổ”.
  • Phát hiện trực tiếp virus HIV: Có 2 phương pháp có thể tiến hành là kỹ thuật khuếch đại gen PCR và nuôi cấy phân lập virus trên tế bào lympho hoặc tế bào Hela có CD4+.
  • Các xét nghiệm huyết học và miễn dịch: Khi tiến hành các xét nghiệm này ở các bệnh nhân HIV thì đều thấy các chỉ số về hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu đều giảm, tỷ lệ của tế bào Lympho T CD4/CD8 nhỏ hơn 1 (bình thường tỷ lệ này thường bằng 2) và lượng gamma –  globulin trong máu tăng.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng các xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện ở các cơ sở với đầy đủ các thiết bị và máy móc như bệnh viện lớn, viện dịch tễ vì đòi hỏi kĩ thuật cao. Với sự phát hiện của nền y học hiện đại, ngày nay, các nhà nghiên cứu đã cho ra thị trường các thiết bị có thể test nhanh HIV ngay tại nhà mà không cần phải tới các bệnh viện hay các cơ sở y tế lớn. Tuy nhiên các thiết bị này chỉ cho phép chẩn đoán nhanh, tạm thời chứ không có giá trị chẩn đoán chính xác, vì vậy, sau khi sử dụng thiết bị này nếu cho kết quả dương tính cần tới ngay các bệnh viện hoặc viện dịch tễ để được xét nghiệm chẩn đoán chính xác có nhiễm HIV hay không. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thiết bị test nhanh HIV như: thiết bị xét nghiệm bằng cách lấy máu đầu ngón tay, thiết bị xét nghiệm bằng cách lấy dịch ở miệng. Ở trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu cho bạn thiết bị Tự xét nghiệm HIV Mylan – thiết bị xét nghiệm bằng cách lấy máu đầu ngón tay được sử dụng rất phổ biến hiện nay.

Giới thiệu về thiết bị Tự xét nghiệm HIV

Thiết bị Tự xét nghiệm HIV Mylan là một thiết bị test nhanh HIV dành cho người không chuyên và có thể được thực hiện ngay tại nhà. Thiết bị này hoạt động dựa trên việc phát hiện kháng thể kháng HIV ( kháng thể kháng HIV-1 hoặc HIV-2) tồn tại ở trong máu của người nhiễm bệnh. Như đã đề cập ở trên, khi virus HIV xâm nhập vào bên trong, cơ thể người sẽ sản xuất ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của tác nhân lạ. Tuy nhiên cơ thể chỉ sản xuất ra kháng thể sau 3-6 tháng kể từ khi nhiễm virus do đó thiết bị chỉ có hiệu lực với những người nhiễm HIV trên 3-6 tháng.

Khi nào nên dùng thiết bị tự xét nghiệm HIV?

Khi nào nên tự test HIV?
Test HIV khi nào?

Khi phát hiện và cảm thấy mình có nguy cơ bị nhiễm HIV thì có thể test nhanh bằng thiết bị này:

  • Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV: không sử dụng bao cao su ( cho cả nam và nữ), sau quan hệ dương vật bị trầy xước.
  • Đã từng tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể với các bệnh nhân HIV.
  • Dùng chung bơm tiêm, dao cạo với bệnh nhân HIV.

Lưu ý là thiết bị chỉ có giá trị chẩn đoán khi nhiễm bệnh trên 3 tháng khi đã có kháng thể xuất hiện trong cơ thể người bệnh.

Tìm hiểu thêm: HIV VÀ THAI KÌ: Mẹ nhiễm HIV cần lưu ý gì khi mang thai?

Cách sử dụng thiết bị tự xét nghiệm HIV

Sau đây là hướng dẫn cách sử dụng thiết bị tự xét nghiệm HIV:

  • Đầu tiên cần đọc kỹ hướng dẫn đính kèm trong bộ sản phẩm trước khi sử dụng, kiểm tra hạn sử dụng được in trên bao bì.
  • Rửa tay thật sạch bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng và lau khô bằng khăn sạch.
  • Cần xoa bóp ngón tay sẽ chích máu từ 7-10 giây để đảm bảo máu lưu thông tốt và có thể lấy máu một cách dễ dàng.
  • Sử dụng ngay thiết bị để chích ngón tay để đảm bảo an toàn và vô khuẩn: Trước tiên, dùng tay xoay nhẹ cái nút màu xanh rồi rút ra, đem bỏ vào thùng rác. Sau đó ấn mạnh ngón tay vào nút chích có màu xám (ngón tay lấy máu thường là ngón đeo nhẫn hoặc ngón tay giữa). Lưu ý là chỉ chích mạnh một lần duy nhất.
  • Nặn máu và cho vào ống máu cho tới khi đầy.
  • Để thiết bị trên bàn và giữ chặt. Nhanh chóng lật ống máu để cho máu vào trong lỗ chứa máu.
  • Sau đó cho 4 giọt dung dịch thử vào lỗ chứa máu. Lọ dung dịch thử đã có sẵn trong bộ dụng cụ xét nghiệm.
  • Bấm giờ: Thiết bị sẽ cho kết quả sau 15 phút. Chú ý không được để quá 20 phút vì có thể gây sai lệch kết quả.

Cách đọc kết quả:

  • (-): khi chỉ cho một vạch ở vị trí C.
  • (+): khi cho 2 vạch ở 2 vị trí C và T. Chấp nhận với vạch ở vị trí T hơi mờ.
  • Không cho kết quả: khi thiết bị không cho vạch nào hoặc chỉ có 1 vạch tại vị trí T. Cần xem xét lại thiết bị, sử dụng một bộ xét nghiệm khác.

Tìm hiểu thêm: Phơi nhiễm HIV là gì? Cần xử lí thế nào để giảm nguy hiểm?

Lưu ý khi sử dụng thiết bị xét nghiệm HIV

Lưu ý khi test HIV tại nhà
Một số lưu ý

Khi sử dụng thiết bị xét nghiệm HIV cần có một số lưu ý sau:

  • Kết quả chỉ có giá trị chẩn đoán sàng lọc, không có giá trị chẩn đoán chính xác. Khi thiết bị cho kết quả dương tính cần nhanh chóng tới ngay các cơ sở y tế và bệnh viện để xét nghiệm và chẩn đoán chính xác.
  • Bộ xét nghiệm chỉ sử dụng 1 lần và cần tiến hành lại sau 3 tháng nếu kết quả là âm tính.
  • Thiết bị chỉ có thể cho kết quả dương tính với những người bị nhiễm HIV trên 3-6 tháng.
  • Thiết bị không được sử dụng trong việc sàng lọc máu của những người đi hiến máu.
  • Cẩn thận khi nhỏ dung dịch thử, tuyệt đối không để dung dịch dính vào da hoặc niêm mạc. Nếu vô tình để dính cần nhanh chóng rửa lại bằng nước sạch nhiều lần.
  • Việc thực hiện sai các thao tác có thể làm sai lệch kết quả.
  • Thiết bị có độ nhạy cao, cho kết quả có thể chính xác tới 99%.
  • Không sử dụng thiết bị cho các đối tượng sau: người bị bệnh rối loạn đông máu, người đã được xác định dương tính với HIV, người đang sử dụng thuốc kháng virus ARV- Anti RetroVirus.

Tìm hiểu thêm: Quan hệ với người nhiễm HIV cần có những biện pháp gì để phòng tránh?

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây