Sự khác biệt khi trầm cảm được nhìn nhận từ góc nhìn sinh học

Đánh giá post

Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Trâm, TS. Nguyễn Thị Thanh Vân, TS.DS. Phạm Đức Hùng

Những người tin rằng trầm cảm gây ra do rối loạn sinh học thường lạc quan hơn với các phương pháp điều trị và có thái độ tích cực hơn với những người mắc bệnh này

Một nghiên cứu mới ở đại học Rutgers được đăng trên Journal of Mental Health cho thấy, những ai càng tin rằng trầm cảm là do các rối loạn sinh học như di truyền hay biến đổi ở não bộ có xu hướng nghĩ rằng bệnh này nghiêm trọng và kéo dài.

Tuy nhiên, Sarah Mann – cựu nghiên cứu sinh ở đại học Rutgers -New Brunswick đồng thời là người dẫn đầu nghiên cứu – cho biết, những đối tượng trên cũng thường có thái độ lạc quan hơn đối với các phương pháp điều trị và ít có thái độ tiêu cực đối với những bệnh nhân mắc trầm cảm hơn.

319 người đã được khảo sát đánh giá về quan điểm, thái độ, trải nghiệm của họ đối với bệnh trầm cảm cũng như phương pháp điều trị của bệnh này. Gần một nửa (48,6%) số người được khảo sát báo cáo rằng họ từng có tiền sử trầm cảm.

Nghiên cứu sử dụng thang đánh giá Likert – một công cụ giúp đo lường mức độ đồng thuận của người được khảo sát đối với một vấn đề nào đó – kèm một bảng câu hỏi nhận thức bệnh tật. Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích kết quả để đánh giá mức độ nhận thức của người tham gia nghiên cứu về nguyên nhân, khoảng thời gian mắc bệnh, hậu quả, khả năng điều trị của bệnh trầm cảm

Giáo sư tâm lý học đồng thời là đồng tác giả Richar Contrada phát biểu:

“Về mặt khoa học, mức độ nhận thức của mọi người về căn bệnh trầm cảm cũng như thái độ của họ đối với các bệnh nhân mắc bệnh này hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Ở khía cạnh thực hành, những quan điểm và thái độ đó có thể ảnh hưởng đến việc một người có muốn tìm kiếm sự giúp đỡ khi mắc trầm cảm hay không, đồng thời cũng ảnh hưởng đến cách họ phản ứng, bao gồm định kiến và phân biệt đối xử, đối với những bệnh nhân trầm cảm.”

Trong quá trình nghiên cứu, những người tham gia sẽ được đọc một bảng mô tả bệnh trầm cảm, sau đó được hỏi liệu họ có cho rằng mình hay người thân từng mắc trầm cảm hay không.

Đối với những người từng trải qua trầm cảm hoặc có người thân từng mắc bệnh này, thái độ của họ đối với bệnh nhân trầm cảm thường ít tiêu cực, đồng thời họ cũng tỏ ra thấu hiểu và chấp nhận hơn. Trong số những người này, việc tin rằng trầm cảm là do rối loạn sinh học và thái độ thông cảm có một mối liên hệ đáng kể.

Cụ thể hơn, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu nêu lên quan điểm của họ về tác động của bệnh trầm cảm, tính hiệu quả của điều trị, mức độ sẵn lòng tiếp xúc với những bệnh nhân trầm cảm ở các tình huống cụ thể như giới thiệu với bạn bè hoặc đề nghị một công việc. Đồng thời họ cũng được hỏi về thái độ đối với bệnh trầm cảm của họ và những người xung quanh, và một số câu hỏi khác.

Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng, cách mọi người phản ứng với các thông báo y tế công cộng nhấn mạnh nguyên nhân sinh học của trầm cảm phụ thuộc một phần vào trải nghiệm trước đó của họ với bệnh này. Nhóm nghiên cứu cho biết, dù tác động của các thông điệp trên vào thái độ của công chúng đối với bệnh nhân trầm cảm có thể không nhất quán, nhưng những thông điệp này có thể giúp giảm bớt sự tự trách bản thân và khuyến khích các bệnh nhân tìm kiếm liệu pháp điều trị mà họ cần.

Tài liệu tham khảo:

  1. Megan Schumann, 27/5/20, “Depression viewed differently when thought to be biological.”, Science Daily, ngày truy cập 5/6/20.

Link: https://www.sciencedaily.com/releases/2020/05/200527133144.htm

  1. Sarah L. Mann, Richard J. Contrada. Biological causal beliefs and depression stigma: the moderating effects of first- and second-hand experience with depression. Journal of Mental Health, 2020; 1 DOI: 10.1080/09638237.2020.1755018

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây