Thuốc Diamicron: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường dược phẩm hiện nay tồn tại một số thông tin về sản phẩm thuốc Diamicron , tuy nhiên những thông tin đưa ra chưa giải đáp được đầy đủ thắc mắc cũng như sự quan tâm cho bạn đọc. Chính vì vậy, ở bài viết này, Heal Central xin được giải đáp cho bạn những thắc mắc cơ bản về Diamicron như: Diamicron là thuốc gì? Thuốc Diamicron có tác dụng gì? Cần lưu ý gì khi sử dụng Diamicron để có được hiệu quả tốt nhất và tránh được những tác dụng không mong muốn? Thuốc Diamicron được bán ở đâu, với giá bao nhiêu? Dưới đây là phần thông tin chi tiết.

Diamicron là thuốc gì?

Hộp thuốc Diamicron
Hình ảnh: Hộp thuốc Diamicron

Diamicron là một thuốc nằm trong nhóm các thuốc hocmon, nội tiết tố. Diamicron được sử dụng phổ biến trong điều trị cho những bệnh nhân bị đái tháo đường không phụ thuộc insulin.
Thuốc có thành phần chính là Gliclazide với hàm lượng có thể là 30mg, 40mg, 60mg, 80mg đối với các dạng bào chế khác nhau. Ngoài ra thuốc còn có sự kết hợp của các tá dược vừa đủ có trong 1 viên thuốc như lactose monohydrat, maltodextrin, magnesi stearate, keo silica khan….

Giá thuốc Diamicron?

Thuốc được sản xuất bởi công ty dược phẩm Les Laboratoires Servier Industrie –Pháp. Thuốc được sản xuất và phân phối trên toàn thế giới. Ở Việt Nam thuốc được cục quản lý dược cấp phép nhập khẩu và lưu hành trên toàn quốc.
Thuốc được nhà sản xuất bào chế dưới dạng viên nén có các hàm lượng khác nhau như 40mg, 60mg, 80mg, dạng viên nén phóng thích 30mg, do vậy mà rất thuận tiện sử dụng cho từng đối tượng ở những người có các mức độ khác nhau. Thuốc được đóng gói trong các vỉ thuốc, mỗi vỉ có 15 viên, 1 hộp thuốc có 10 vỉ. Bạn có thể tìm mua các sản phẩm trên các nhà thuốc, hiệu thuốc và trung tâm y tế trên cả nước với giá dao động. Giá trên thị trường hiện nay rơi vào khoảng 190000 đồng/1 hộp 2 vỉ hàm lượng 60mg.

Tác dụng của thuốc Diamicron

Như trên đã viết thì thuốc có thành phần chính là Gliclazide
Đái tháo đường tuýp 2 là đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Đái tháo đường tuýp 2 là tình trạng tăng lượng glucose trong máu quá mức cần thiết. Insulin là hocmon duy nhất trong cơ thể chịu trách nhiệm làm giảm đường máu, trong khi có rất nhiều yếu tố làm tăng đường máu. Insulin được tiết ra bởi tế bào anfa và beta của tuyến tuỵ nhưng chủ yếu là tế bào beta. Đái tháo đường tuýp 2 là do rối loạn chuyển hoá, làm cho tế bào beta tiết insulin không đủ để đưa lượng đường trong máu về mức bình thường và insulin cũng không còn nhạy cảm với glucose.
Gliclazide khi đi vào cơ thể có nhiệm vụ kích thích tế bào beta làm tăng tiết insulin, sự kích thích này càng tăng lên khi nồng độ glucose tăng lên 1 cách đáng kể. Ngoài ra Gliclazide cũng có tác dụng làm giảm quá trình hình thành huyết khối do ức chế lên quá trình đông máu
Với cơ chế như trên mà thuốc có tác dụng tốt trong việc làm giảm đường máu, nhất là ở người cao tuổi mắc tiểu đường, khi mà sự kiểm soát bằng chế độ ăn và tập luyện không còn hiệu quả.

Chỉ định

Thuốc Diamicron
Hình ảnh: Thuốc Diamicron

Với công dụng kích thích sự tăng sinh insulin, làm hạ đường huyết 1 cách từ từ, ít khi gây nên hạ đường huyết đột ngột, thuốc thường được sử dụng trong các bệnh lý đái tháo đường khi mà còn kiểm soát được bằng đường uống.
Thuốc thường được chỉ định dùng cho những trường hợp bệnh lý sau đây:
Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 không phụ thuộc insulin
Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 nhưng các phương pháp về tập luyện và dinh dưỡng không còn hiệu quả

Cách dùng – liều dùng

Cách dùng: thuốc được bào chế dưới dạng viên nén cho nên được sử dụng theo đường uống. Khi uống thuốc bạn nên dùng cùng với 1 ít nước lọc, nuốt trọn viên, không được nhai nghiền nát thuốc.
Liều dùng: Với người lớn liều khuyên dùng là: khởi đầu dùng 40-80mg/ngày sau đó tăng dần lên tối đa là 320mg/ngày. Có thể chia liều uống 2 lần/ngày
Nếu dùng viên phóng thích có kiểm soát dùng liều khởi đầu 30mg sau đó tăng dần và tối đa là 120mg/ ngày.

Tác dụng phụ

Mặc dù thuốc có tính an toàn khá cao nhưng nó vẫn không thể tránh khỏi các tác dụng phụ gây ra cho người bệnh. Trên lâm sàng đã ghi nhận được 1 số trường hợp xuất hiện các tác dụng không mong muốn:
Hạ đường huyết quá mức: xuất hiện các triệu chứng chân tay run, lẩy bẩy, da tay chân lạnh toát, ra nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, hoa mắt,….
Dùng thuốc 1 thời gian gây nên tình trạng thiếu máu: hay đau đầu hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, giảm số lượng hồng cầu, da nhợt …
Các rối loạn đông máu: hay bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, ho ra máu, xuất hiện các nốt bầm tím…
Các phản ứng dị ứng: nổi mẩn ngứa, nổi ban, ngứa nhiều…
Suy giảm chức năng gan: bệnh nhân hay buồn nôn, nôn, giảm cân, vàng da, nước tiểu vàng đặc, tăng men gan…
Có thể xuất hiện phù chủ yếu là phù chân, tăng cân…
Các dấu hiệu trên thì chỉ xuất hiện ở 1 số rất ít các trường hợp vì vậy mà bạn không cần phải quá lo lắng. Bạn nên tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đã kê ra

Trường hợp không được sử dụng thuốc

Bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc Diamicron
Hình ảnh: Bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc Diamicron

Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc , người có tiền sử dị ứng với sulfamide
Không dùng cho bệnh nhân đái tháo đường tuyp 1, đái tháo đường có phụ thuộc insulin, thường hay gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi
Bệnh nhân đã có những biến chứng nhiễm toan hay nhiễm cetone ở mức độ nặng
Người có biến chứng hay đã từng có biến chứng bị hôn mê, tiền hôn mê do đái tháo đường
Không dùng cho người suy giảm chức năng gan thận ở mức độ nặng, không đủ khả năng chuyển hoá thuốc
Không dùng cho phụ nữ có thai

Tương tác khi sử dụng chung với thuốc khác

Theo các nghiên cứu thì có 1 số thuốc có khả năng tương tác với Diamicron làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc làm tăng hay giảm nồng độ của thuốc. Do vậy trước khi dùng thuốc bạn nên liệt kê cho thầy thuốc hay dược sĩ những thuốc mà bạn đang sử dụng để tránh tình trạng tương tác xảy ra. Có 1 số thuốc có khả năng tương tác như:
Phenylbutazon
Các thuốc salicylat, sulfonamid
Các thuốc có dẫn xuất từ coumarin
Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc ức chế MAO
Các hợp chất của tetracylin, cloramphenicol, miconazol, cimetidin…
1 số thuốc khi dùng chung có thể giảm tác dụng như các thuốc chống viêm corticoid, thuốc tránh thai đường uống, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid…

Những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc

Tuyệt đối tuân thủ theo đúng liều lượng đã được chỉ định, tránh các trường hợp dùng quá mức sẽ dễ dần đến các tai biến
Cần chú ý khi sử dụng cho những bệnh nhân suy kiệt, suy thượng thận hay suy tuyến yên vì nếu có xảy ra hạ đường huyết quá mức thì cũng rất khó để có thể phát hiện ra các triệu chứng trên những bệnh nhân này.
Dùng thuốc sau một thời gian có thể dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc hay còn gọi là thất bại điều trị thứ phát, khi đó cần phải điều chỉnh liều sao cho phù hợp với tình trạng
Thường xuyên đi kiểm tra định kì để phát hiện nếu có các biến chứng của đái tháo đường vì các biến chứng này rất nguy hiểm
Với người lái xa vận hành máy móc thì sau khi dùng thuốc tốt nhất là không làm việc, cần phải nghỉ ngơi. Tất cả bệnh nhân sau khi dùng thuốc cần phải nghỉ ngơi, không nên làm việc ngay
Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, nếu bắt buộc phải dùng thì nên cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ

Cách xử trí quá liều, quên liều

Quá liều: nếu bạn sử dụng quá liều thuốc thì rất dễ dẫn đến hạ đường huyết quá mức. Khi thấy cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chân tay run lẩy bẩy sau khi dùng thuốc quá liều thì bạn nên ngậm 1 viên kẹo hay ăn bánh, uống sữa để tránh hạ quá mức. Sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu.
Quên liều: nếu quên liều thuốc thì bạn nên sử dụng lại ngay càng sớm càng tốt. Nếu quên đã lâu mà không xuất hiện các triệu chứng của tăng đường huyết thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây