Thuốc Gliclazide: Tác dụng, chỉ định, cách dùng, liều dùng

5/5 - (2 bình chọn)

 

Cấu trúc hóa học của Gliclazide
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của Gliclazide

Gliclazide là thuốc hạ đường huyết thế hệ 2 của nhóm sulfonylurea. Thuốc hạ đường huyết do ức chế kênh kali dẫn đến tăng bài tiết insulin từ tế bào beta đảo tụy. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như hạ đường huyết quá mức, dị ứng, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, tan máu…. Gliclazide được tổng hợp vào những năm 60 của thế kỷ 20 và hiện nay, nó trở thành thuốc phổ biến trong điều trị đái tháo đường typ 2. Bài viết này Heal Central xin giới thiệu chi tiết tới các bạn các thông tin liên quan đến thuốc Gliclazide.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Sulfonylurea lần đầu tiên được tổng hợp vào năm 1942 bởi Marcel Janbol và các cộng sự khi họ đang nghiên cứu về kháng sinh sulfonamide. Cho đến hiện nay, sulfonylurea đã có 3 thế hệ và Gliclazide được xếp vào thế hệ 2.
Gliclazide được cấp bằng sáng chế vào năm 1966 và cấp phép lưu hành trên thị trường vào năm 1972. Thuốc nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu, thuốc an toàn và hiệu quả nhất của tổ chức y tế thế giới cần có cho hệ thống y tế. Ở các nước đang phát triển, chi phí toàn bộ cho một tháng điều trị của gliclazide vào khoảng 2.46 đến 3.92 $ mỗi tháng. Ở các nước phát triển như Anh, chi phí một tháng khoảng 2.12 bảng. Hiện tại, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường Mỹ.
Hình trên là con đường tổng hợp gliclazid đi từ p-toluenesulfonylurea và 1,2-cyclopentane orthophthalic anhydride

Dược lực học

Gliclazide gắn chọn lọc với sulfunylurea receptor (SUR-1) trên màng tế bào beta đảo tụy. Thuốc có tác dụng bảo vệ tim mạch khi không gắn vào thụ thể SUR- 2A trên tim.
Khi gắn vào SUR-1, gliclazide khóa kênh K+ làm giảm dòng k+ từ trong ra ngoài tế bào dẫn đến khử cực tế bào. Việc khử cực tế bào làm hoạt hóa kênh canxi phụ thuộc điện thế, làm mở kênh và dòng Ca2+ di chuyển vào trong tế bào. Nồng độ Ca2+ nội bào tăng, Ca2+ gắn và hoạt hóa calmodulin. Phức hợp Ca2+ – calmodulin làm tăng cường quá trình xuất bào của các bọc dự trữ insulin dẫn đến tăng giải phóng insulin.

Cơ chế tác dụng của Gliclazide
Hình ảnh: Cơ chế tác dụng của Gliclazide

Thử nghiệm lâm sàng

Hướng dẫn nghiên cứu: so sánh mù đôi của việc điều trị bằng gliclazide MR và glimepiride một lần một ngày ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Tác giả: G. Schernthaner, A. Grimaldi, U. Di Mario, J. Drzewoski, P. Kempler, M. Kvapil, A. Novials, R. Rottiers, G. E. H. M. Rutten, K. M. Shaw
Tổng quan: suy tế bào beta tiến triển là một đặc điểm đặc trưng ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Các tế bào beta đảo tụy rất quan trọng cho việc kiểm soát nồng độ đường huyết hiệu quả. Nghiên cứu hướng dẫn của châu Âu là nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên so sánh 2 sulfonylurea được thiết kế cho chỉ định một liều/ ngày trong điều kiện thực hành lâm sàng thực tế.
Thiết kế: 845 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 được phân nhóm ngẫu nhiên thành 2 nhóm: dùng gliclazide dạng giải phóng biến đổi (MR) với liều 30-120 mg và glimepiride 1-6 mg/ ngày ở dạng đơn trị liệu hoặc dạng phối hợp với thuốc điều trị hiện tại của (metformin hoặc một thuốc ức chế alpha-glucosidase). Theo một thiết kế thử nghiệm song song, 27 tuần và mù đôi.
Kết quả: Hba1C giảm giống nhau ở cả 2 nhóm: từ 8.4% xuống 7.2 % dùng gliclazide MR và từ 8.2% xuống 7.2% ở glimepiride. Xấp xỉ 50% bệnh nhân đạt được nồng độ Hba1c thấp hơn 7% và 25% bệnh nhân thấp hơn 6.5%. Sự khác nhau trung bình của nồng độ Hba1c cuối cùng giữa 2 nhóm là -0.06% (p<0.0001). Không có bất kì biện pháp hỗ trợ hạ đường huyết bên ngoài nào diễn ra. Hạ đường huyết với nồng độ glucose máu thấp hơn <3 mmol/l diễn ra thấp hơn đáng kể (p=0.003) với gliclazide (MR) (3.7% bệnh nhân) so với glimepiride (8.9% bệnh nhân). Việc phân phối liều sulfonylurea là giống nhau giữa cả 2 nhóm.
Kết luận: nghiên cứu cung cấp những hiểu biết mới trong chiến lược điều trị bằng sulfonylurea. Nghiên cứu cho thấy rằng gliclazide MR ít nhất có hiệu quả điều trị tương tự glimepiride ở cả đơn trị liệu hoặc phối hợp. Độ an toàn của gliclazide MR tốt hơn đáng kể, chứng minh thấp hơn xấp xỉ 50%  xảy ra biến có hạ đường huyết so với glimepiride.

Dược động học

Hấp thu: hấp thu nhanh và hoàn toàn nhưng thay đổi rộng giữa các cá thể. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 4-6 giờ đường uống.
Phân bố: thể tích phân bố không xác định. Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 94%.
Chuyển hóa: phần lớn chuyển hóa tại gan bởi enzyme Cyp2C19. Ít hơn 1% gliclazid đường uống xuất hiện trong nước tiểu ở dạng còn nguyên hoạt tính. Quá trình chuyển hóa gliclazide bao gồm các phản ứng oxy hóa khử, hydroxyl hóa và liên hợp glucuronic.
Gliclazide thành 7-β-Hydroxygliclazide
Gliclazide thành 6-β-Hydroxygliclazide
Gliclazide thành Methylhydroxygliclazide
Methylhydroxygliclazide thành Carboxygliclazide
Gliclazide thành 7-α-Hydroxygliclazide
Gliclazide thành 6-α-Hydroxygliclazide
Gliclazide thành  7-OH-gliclazide
Gliclazide thành  6-OH-gliclazide
Thải trừ: sản phẩm chuyển hóa được thải trừ phần lớn tại thận (60-70%) và một phần qua phân (10-20%). Thời gian bán thải của thuốc 10.4 giờ, thời gian duy trì tác dụng từ 10 đến 24 giờ. Độ thanh thải chưa được xác định.

Tác dụng không mong muốn

Hạ đường huyết quá mức là tác dụng phụ phổ biến và nguy hiểm của gliclazid cũng như các thuốc hạ đường huyết khác.
Một số tác dụng không mong muốn khác như:

  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Dị ứng: phát ban, mẩn ngứa,phù mạch, hội chứng steven-johson
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, khó tiêu, táo bón
  • Rối loạn thị giác
  • Thiếu máu, tan máu

Một số dạng chế phẩm bán trên thị trường- Giá bán

Gliclazide 80mg domesco

Thuốc Gliclazide
Hình ảnh: Thuốc Gliclazide
  • Số đăng ký: VNB-1947-04
  • Nhà sản xuất Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Domesco – VIỆT NAM
  • Giá bán: 145,000 VND

Gliclazide stada 80mg

Thuốc Gliclazide STADA
Hình ảnh: Thuốc Gliclazide STADA
  • Số đăng kí: VD-11938-10
  • Nhà sản xuất: Công ty liên doanh TNHH Stada-Việt Nam
  • Giá bán: 105,000 VND

Gliflam Gliclazide Tablets BP 80mg

  • Số đăng ký: VN-2998-07
  • Nhà sản xuất: Flamingo Pharm.,ltd- ẤN ĐỘ
  • Giá: 380,000 VND

Chỉ định

Điều trị đái tháo đường typ 2.
Tham khảo: [MỚI] Bệnh tiểu đường: Nguyên nhân, triệu chứng

Cách dùng và liều dùng

Người lớn: liều khởi đầu 80 mg/ngày trong bữa ăn, sau đó tăng dần lên 160 đến 320 mg/ ngày chia thành 2 lần uống cùng bữa ăn sáng và tối.
Trẻ em: thuốc hiếm khi được chỉ định ở trên trẻ em bị đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc là cần thiết thì chế độ liều được xác định trong từng trường hợp cụ thể.

Lưu ý khi sử dụng

Thận trọng khi sử dụng gliclazide ở người già, suy dinh dưỡng, suy tuyến thượng thận hoặc tuyến yên, sốt, nhiễm trùng, chấn thương hoặc phẫu thuật do có thể gây hạ đường huyết nặng.
Thận trọng ở những người suy thận, suy gan
Với những bệnh nhân thiếu G6PD, thiếu máu và tan máu có thể xảy ra khi dùng các thuốc oxy hóa mạnh có bản chất là sulfonamid.
Ở những bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật, hạ đường huyết khó có thể xác định.
Gliclazide nên dùng cùng bữa ăn để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Nếu dùng 1 lần một ngày tốt nhất nên uống vào bữa sáng.
Chế độ liều liên quan đến phù, tăng cân và thiếu máu có thể xảy ra.
Các trường hợp phù hoàng điểm cũng đã được báo cáo
Tăng các biến cố gãy xương
Phụ nữ có thai: gliclazide gây dị tật thai ở động vật. Nên sử dụng insulin trong thời kì này để kiểm soát đường huyết.
Phụ nữ cho con bú: không được khuyến cáo sử dụng trong thời kì này do chưa có đầy đủ thông tin về khả năng thuốc bài xuất vào sữa mẹ.
Suy gan, thận: giảm độ thanh thải của thuốc, tăng tích lũy thuốc, tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức.

Tương tác thuốc

Liên quan đến cả quá trình dược động học và dược lực học
Tương tác dược động học

  • Quá trình phân bố: gliclazide liên kết mạnh với protein huyết tương, khi dùng cùng các thuốc cũng liên kết mạnh với protein huyết tương có thể làm tăng nồng độ gliclazide dạng tự do làm tăng tác dụng và độc tính của thuốc.
  • Thuốc chuyển hóa qua enzym gan Cyp2C19: nên các thuốc ức chế hay hoạt hóa enzyme này đều làm thay  đổi nồng độ thuốc trong máu và thay đổi hiệu quả cũng như độc tính của gliclazide

Tương tác dược lực học: liên quan đến việc sử dụng cùng các thuốc điều trị đái tháo đường khác và làm tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức.
Một số thuốc tương tác điển hình:

  • Warfarin (R,S): chuyển hóa của warfarin có thể giảm khi phối hợp với gliclazide.
  • Nhóm thuốc 2,4 thiazolidinedion: tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức khi phối hợp 2 thuốc này với nhau
  • Acarbose: tăng nguy cơ hạ đường huyết quá mức khi phối hợp gliclazide với acarbose.
  • Các thuốc chẹn beta adrenergic: hiệu quả điều trị của gliclazide có thể tăng khi được sử dụng phối hợp.
  • Acetazolamide: hiệu quả điều trị của gliclazid có thể tăng khi phối hợp điều trị
  • Các Nsaid: nguy cơ hạ đường huyết nặng tăng khi phối hợp đồng thời do làm tăng nồng độ gliclazide ở dạng tự do.
  • Các thuốc kháng nấm: làm tăng tác dụng hạ đường huyết, hạ đường huyết nghiêm trọng đã được báo cáo. Không rõ liệu tương tác xảy ra với thuốc kháng nấm khi dùng đường tiêm tĩnh mạch, tai chỗ, hay đặt âm đạo.
  • Corticocosteroid: làm giảm tác dụng hạ đường huyết của gliclazide
  • Các sulfonamide: liên kết mạnh protein huyết tương đẩy gliclazide thành dạng tự do và tăng tác dụng hạ đường huyết.
  • Rifampicin: làm hoạt hóa enzyme gan dẫn đến tăng chuyển hóa gliclazide làm giảm AUC cũng như C max của thuốc. Hậu quả, hiệu lực điều trị của thuốc giảm.

Tương tác với thức ăn: tránh sử dụng với rượu. Dùng thuốc cùng bữa ăn, một chế ăn phù hợp được khuyến cáo giảm nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng.

Chống chỉ định

  • Đái tháo đường typ 1
  • Nhạy cảm với các sulfonylurea cũng như các sulfonamide
  • Suy gan, suy thận nặng
  • Phụ nữ có thai và cho con bú

Tài liệu tham khảo:

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0735109713613972
https://www.drugbank.ca/drugs/DB01120
https://www.drugs.com/cons/gliclazide.html
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1365-2362.2004.01381.x

Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây