[MỚI] Bệnh tiểu đường: Nguyên nhân, triệu chứng – dấu hiệu, thuốc điều trị

5/5 - (2 bình chọn)

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa được đặc chưng bởi nồng độ đường trong máu cao trong một khoảng thời gian dài. Các triệu chứng đường huyết cao bao gồm có tiểu nhiều, khát nhiều, đói nhiều và gầy nhiều. Nếu không được điều trị thích hợp, có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính như nhiễm toan chuyển hóa, hạ đường huyết và tử vong hoặc các biến chứng mạn tính như tim mạch, thần kinh, thận, nhiễm trùng hay tổn thương mắt… Hãy cùng Heal Central tìm hiểu về bệnh tiểu đường trong bài viết này.

Phân loại bệnh đái tháo đường

Xác định chỉ số đường huyết bằng máy test mini
Hình ảnh: Xác định chỉ số đường huyết bằng máy test

Bệnh đái tháo đường được chia thành 4 loại:

  • Đái tháo đường Type 1: do chết tế bào beta đảo tụy
  • Đái tháo đường type 2: đặc trưng bởi tình trạng kháng insulin và rối loạn bài tiết insulin
  • Đái tháo đường thai kì: bệnh diễn ra ở phụ nữ có thai mà không có các tiền sử về tăng đường huyết.
  • Các typ đái tháo đường đặc biệt khác

Năm 2017, trên thế giới có 425 triệu người mắc bệnh tiểu đường (tăng từ 108 triệu người năm 1980 và 382 triệu người năm 2013) và bệnh đang gia tăng một cách mạnh mẽ. Tỉ lệ đái tháo đường hiện mắc ở người trưởng thành là 8.8% và đái tháo đường type 2 chiếm 90% số case.
Hình trên biểu thị số lượng người mắc và tỉ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường tại các khu vực và trên thế giới năm 2010, dự đoán năm 2020.

Nguyên nhân và nguy cơ gây bệnh đái tháo đường

  • Type 1: nguyên nhân của đái tháo đường type 1 chưa thực sự được sáng tỏ. theo 1 số giả thuyết, nó có thể do các cơ chế tự miễn, do môi trường, hoặc di truyền…. Đái tháo đường type 1 thường xảy ra ở trẻ em.
  • Type 2: Đặc trưng bởi tình trạng kháng insulin và rối loạn bài tiết insulin.

Tình trạng kháng insulin liên quan đến lối sống và di truyền: béo phì (chỉ số BMI > 30), lười vận động, chế độ ăn uống thất thường, căng thẳng… theo một số báo cáo mỡ dư thừa có liên quan đến 30% trường hợp tiểu đường ở trung quốc và Nhật Bản, 60 đến 80% những người châu Âu, châu Phi và 100% người dân đảo Thái Bình Dương. Các yếu tố về chế độ ăn như sử dụng các đồ uống có đường quá mức, ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ xuất hiện đái tháo đường type 2.

  • Đái tháo đường thai kì: cũng như đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kì cũng liên quan đến việc bài tiết thiếu insulin và tình trạng kháng insulin.
  • Các typ đái tháo đường đặc biệt khác: do các nguyên nhân khi thụ thể không đáp ứng với insulin, các đột biến gen dẫn đến khiếm khuyết trong sản xuất insulin ở tế bào beta đảo tụy, các bệnh gây tổn thương rộng cho tuyến tụy (như viêm tụy mãn tính hay xơ nang) hay các trường hợp tiết quá nhiều hormone đối kháng (như cortisol, glucagon).

Giải thích cơ chế gây bệnh đái tháo đường:

  • Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường type 1: xảy ra ở những cá thể chứa hệ gen nhạy cảm (có kháng nguyên HLA-DR3, HLA-DR4, DQW8). Khi gặp các yếu tố môi trường thuận lợi: virus (rubella, quay bị,…), một số độc tố gây thoái biến tế bào beta đảo tụy sẽ làm kích hoạt quá trình bệnh lí ở những bệnh nhân có hệ gen trên. Khi hệ thống miễn dịch của cá thể này được hoạt hóa, chúng tấn công vào các tế bào beta đảo tụy gây ra bệnh tự miễn, bao gồm những bất thường ở cả miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể: xuất hiện các tự kháng thể kháng tế bào beta đảo tụy, các tế bào lympho bị kích hoạt trong đảo tụy, các lympho T tăng sinh và giải phóng ra các cytokine dẫn tới phá hủy tế bào beta. Quá trình này diễn ra trong vài năm làm tế bào beta bị phá hủy dần dẫn đến khả năng tiết insulin cạn kiệt. Như vậy, đái tháo đường typ 1 là hậu quả của sụ phá hủy tế bào beta đảo tụy tự miễn làm thiếu hụt insulin tuyệt đối.
  • Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường typ 2: liên quan đến sự thiếu hụt insulin tương đối do rối loạn tiết insulin và hiện tượng kháng insulin, các rối loạn này  có liên quan mật thiết nhau và xảy ra từ trước khi xuất hiện các biểu hiện lâm sàng của đái tháo đường. Ở những bệnh nhân đái tháo đường typ 2 không thừa cân biểu hiện giảm tiết insulin là chính, ngược lại ở người béo phì tình trạng kháng insulin là chủ yếu.

Rối loạn tiết insulin: tăng insulin máu bù trừ (trong giai đoạn đầu, để bù trừ lại hiện tượng kháng insulin, đảo tụy tăng cường bài tiết insulin, khi glucose máu vẫn tiếp tục tăng thì ở giai đoạn sau khả năng tiết insulin đáp ứng với glucose càng giảm); tăng tiền chất không có hoạt tính proinsulin và mất tính chất tiết insulin từng đợt. Các biểu hiện lâm sàng chỉ được biểu hiện khi các tế bào beta không còn khả năng đưa glucose máu về mức bình thường và sự suy giảm tế bào beta thường diễn ra một cách từ từ.
Kháng insulin: giảm hoặc mất tính nhạy cảm của cơ quan đích với insulin. Ở mức độ tế bào, kháng insulin có thể do các nguyên nhân trước, tại hoặc hậu receptor. Thông thường, kháng insulin chủ yếu do bất thường con đường dẫn truyền tín hiệu nội bào của insulin sau khi insulin đã gắn vào receptor.

Triệu chứng – biểu hiện lâm sàng của bệnh đái tháo đường

Triệu chứng lâm sàng đặc trưng của đái tháo đường là uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều và gầy nhiều

  • Ăn nhiều: do các tế bào không được cung cấp đầy đủ glucose dẫn đến thiếu năng năng lượng tế bào kích thích cảm giác đói dẫn đến ăn nhiều.
  • Gầy nhiều: do tế bào không sử dụng được glucose để tạo năng lượng, tế bào sẽ sử dụng lipid và protid để thay thế. Cơ thể tăng cường thoái hóa mỡ, protid làm bệnh nhân sụt cân, gầy còm, xanh xao. Ở các bệnh nhân đái tháo đường type 2 triệu chứng này không rõ ràng ở giai đoạn đầu.
  • Tiểu nhiều: do nông độ glucose máu cao dẫn đến glucose trong nước tiểu đầu cao làm tăng áp suất thẩm thấu nước tiểu, giảm khả năng tái hấp thu nước dẫn đến tiểu nhiều. Ngoài ra, khi nồng độ glucose nước tiểu đầu quá cao vượt quá ngưỡng tái hấp thu ở ống thận thì xuất hiện tình trạng glucose niệu (nước tiểu có glucose)
  • Khát nhiều: tiểu nhiều dẫn đến mất nước trong cơ thể, kích thích trung tâm khát ở vùng dưới đồi, làm bệnh nhân khát và uống nhiều nước.

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Bao gồm các biến chứng cấp và mạn:

Biến chứng cấp:

Nhiễm toan ceton máu: thường sảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1. Các biểu hiện đặc trưng là buồn nôn, nôn, hơi thở mùi ceton, thở sâu và có thể hôn mê và tử vong.
Hạ đường huyết: thường liên quan đến điều trị do sử dụng thuốc quá liều, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 .

Biến chứng mạn:

Bao gồm biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ
Biến chứng mạch máu lớn: tiểu đường tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch và khoảng 75% các trường hợp tử vong ở người mắc bệnh tiểu đường do các bệnh lý về mạch vành, đột quỵ và các bệnh động mạch ngoại biên.
Biến chứng mạch máu nhỏ: các tổn thương ở mạch máu nhỏ bao gồm tổn thương ở mắt, thận và thần kinh. Tổn thương các mạch máu ở võng mạc mắt làm giảm thị lực, đục thủy tinh thể và có thể dẫn đến mù lòa. Tổn thưởng thận, làm giảm mức lọc cầu thận và có thể dẫn đến suy thận. Tổn thương thần kinh do giảm dòng máu nuôi dưỡng các tế bào thần kinh, các triệu chứng phổ biến như tế bì, ngứa, thay đổi cảm giác đau.Việc thiếu máu đến các mô cũng gây ra tình trạng teo cơ, yếu cơ, và tăng nguy cơ nhiễm trùng (loét bàn chân do đái thóa đường) có thể phải cắt cụt chi.

Chuẩn đoán bệnh đái tháo đường

tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường của WHO

Điều kiện 2 giờ sau ăn Glucose lúc đói HbA1c
Đơn vị mmol/l(mg/dl) mmol/l(mg/dl) mmol/mol DCCT %
Bình thường <7.8 (<140) <6.1 (<110) <42 <6.0
Rối loạn dung nạp đường huyết lúc đói ≥6.1(≥110) & <7.0(<126) 42-46 6.0–6.4
Rối loạn dung nạp đường huyết lúc no ≥7.8 (≥140) <7.0 (<126) 42-46 6.0–6.4
Đái tháo đường ≥11.1 (≥200) ≥7.0 (≥126) ≥48 ≥6.5

Bệnh đái tháo đường được chẩn đoán khi đáp ứng bất kì các điều kiện sau:

  • Nồng độ glucose lúc đói >= 7.0 mmol/l (>= 126 mg/dl).
  •  Nồng độ glucose lúc no >= 11.1 mmol/l (>= 200 mg/dl) hoặc thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose (2 giờ sau khi uống 75g glucose).
  • Nồng độ glucose >= 11.1 mmol/l tại bất kì thời điểm nào.
  • Nồng độ Hba1c trong máu >= 6.5 %.

Khi nồng độ glucose lúc đói từ 6.1 đến 7.0 mmol/l (110- 126 mg/dl) được xác định rối loạn dung nạp glucose lúc đói.
Khi nồng độ glucose lúc no hoặc 2 tiếng sau khi uống 75 mg glucose được xác định rối loạn dung nạp glucose lúc no.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các khuyến cáo của hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ( ADA)  tại link https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/30291106

Điều trị bệnh đái tháo đường

Điều trị ĐTĐ theo cập nhật mới nhất của ADA 2019

Biện pháp không dùng thuốc:

Chiến lược quản lý bệnh nhân đái tháo đường typ 2
Hình ảnh: Chiến lược quản lý bệnh nhân đái tháo đường typ 2

Giáo dục bệnh nhân và gia đình về bênh và hướng điều trị
Khám định kì và liên hệ sớm với nhân viên y tế khi có các biến chứng xảy ra
Thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động thể lực để kiểm soát đường huyết ngắn hạn và dài hạn trong giới hạn mục tiêu điều trị.
Do nguy cơ tim mạch cao, cần điều chỉnh lối sống để kiểm soát huyết áp.
Giảm cân để đạt trọng lượng sinh lý bình thường là rất quan trọng, giảm tình trạng kháng insulin và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Biện pháp dùng thuốc tiểu đường:

Thuốc kiểm soát đường huyết: được sử dụng để hạ glucose máu về mức bình thường. Có nhiều nhóm thuốc khác nhau trong các thuốc điều trị tiểu đường.
Đái tháo đường typ 1 chỉ sử dụng insulin trong điều trị: Gồm các loại

  1. Insulin tác dụng tức thời: duy trì insulin cần thiết ngay sau bữa ăn
  2. Insulin tác dụng ngắn: duy trì lượng insulin cần thiết sau ăn từ 30- 60 phút.
  3. Insulin tác dụng trung gian: duy trì insulin cần thiết trong khoảng nửa ngày hoặc qua đêm, thường được kết hợp với loại tác dụng ngắn hoặc tác dụng tức thời.
  4. Insulin tác dụng kéo dài: duy trì insulin cần thiết trong cả ngày, thường phối hợp với các loại insulin ở trên.
  5. Dạng hỗn hợp: dạng kết hợp của các loại insulin ở trên

Đái tháo đường typ 2:

 Lựa chọn thuốc đái tháo đường theo ADA 2018
Hình ảnh: Lựa chọn thuốc đái tháo đường theo ADA 2018

Cũng được điều trị bằng insulin ở giải đoạn sau. Bên cạnh insulin còn có các nhóm thuốc hạ đường huyết khác như.

  1. Các sulfunylure: glibenclamimid, tolbutamid…  các thuôc này làm tăng giải phóng insulin ở đảo tụy beta.
  2. Các biguanid điển hình là metformin– thuốc lựa chọn hàng đầu trong điều trị, có nhiều bằng chứng tin cậy về việc giảm tỉ lệ tử vong của thuốc.
  3. ức chế alpha glucosidase: acarbose giảm hấp thu glucose ở ruột
  4. ức chế DPP-4: sitagliptin, vildagliptin, saxagliptin…
  5. các thiazolidindion: pioglitazone tăng nhạỵ cảm của tế bào với insulin
  6. các chất ức chế SGLT-2: tăng bài xuất glucose qua nước tiểu.

Tham khảo: Thuốc Dapagliflozin – nhóm thuốc ức chế SGLT2 mới do AstraZeneca nghiên cứu và phát triển
Thuốc tim mạch: ngăn ngừa các biến cố tim mạch có thể sảy ra. Các thuốc thường được sử dụng như các thuốc ức chế men chuyển ACEI và ức chế thụ thể ARB. Các thuốc này ngoài ngăn cản các biến chứng tim mạch, chúng còn làm giảm glucose máu. Ngoài ra, aspirin cũng được khuyến cáo cho những bệnh nhân có các vấn đề về tim mạch
Phẫu thuật: ghép tụy ở những bệnh nhân đái tháo đường typ 1 hoặc phẫu thuật giảm cân ở những bệnh nhân béo phì mác đái tháo đường typ 2

Phối hợp thuốc Đái tháo đường
Hình ảnh: Phối hợp thuốc Đái tháo đường

Cập nhật Đái tháo đường ADA 2019

Ngày 17/12/2018, ADA đã công bố hướng dẫn kiểm soát bệnh ĐTĐ mới năm 2019.  Nội dung cập nhật được tóm tắt dưới đây:
Cập nhật tháng 6/2019
Ngày 3/6, dựa vào các kết quả thử nghiệm của CREDENCE thì Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA)
đã đưa ra cập nhật các khuyến nghị mới. Điều đáng chú ý nhất là hoạt chất canagliflozin có liên quan đến việc giảm tỉ lệ suy thận và tránh cho bệnh nhân ĐTĐ typs 2 gặp các yếu tố tim mạch.
Các khuyến nghị bao gồm:
Đối với bệnh nhân ĐTĐ typ 2 thì nên đánh giá chỉ số albumin niệu (ví dụ: tỉ số albumin/creatinine) và độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) ít nhất mỗi năm ( áp dụng đối với bất kỳ điều trị nào), tất cả các bệnh nhân mắc kèm tăng huyết áp, và bệnh nhân mắc ĐTĐ typ 1 ≥ 5 năm. Khuyến nghị mức độ B
Đối với bệnh nhân mắc ĐTĐ týp 2 kèm theo bệnh thận, khi chỉ số eGFR ≥30 mL/phút/1,73m2 sẽ phải cân nhắc sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 khi eGFR ≥30 mL/phút/1,73m2. Lưu ý khi chỉ số albumin niệu (tỉ số albumin/creatinine > 300 mg/g) để có thể làm giảm đi các biến cố trên tim mạch và/hoặc làm giảm đi sự tiến triển của bệnh thận mà bệnh nhân mắc phải.Khuyến nghị mức độ A
Ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn mà có nguy cơ tim mạch cao thì nên sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP-1. Điều này sẽ giúp bệnh nhân giảm các nguy cơ tiến triển các biến cố tim mạch. Khuyến nghị mức độ C.
Ngoài ra Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ loại bỏ khuyến nghị 11.8 về việc theo dõi chỉ số albumin niệu đối với các bệnh nhân điều trị với thuốc ức chế men chuyển ACEI hoặc thuốc  ARB nhằm đánh giá đáp ứng với điều trị hoặc tiến triển bệnh thận mạn.

Phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh ,duy trì cân nặng sinh lý: ăn nhiều rau xanh và chất xơ, ăn ít đường và mỡ động vật.
Tập thể dục: tăng cường vận động thể lực vừa giúp duy trì cân nặng sinh lý vừa giúp giảm tình trạng kháng insulin.
Bỏ rượu bia, thuốc lá: đây là những nguy cơ làm tăng đề kháng insulin và tăng các biến cố tim mạch.
Khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh tiểu đường, đồng thời làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng.

Hình ảnh biến chứng bệnh tiểu đường

Bàn chân của bệnh nhân bị đái tháo đường
Hình ảnh: Bàn chân của bệnh nhân bị đái tháo đường

Biến chứng trên mắt của bệnh nhân bị ĐTĐ
Hình ảnh: Biến chứng trên mắt của bệnh nhân bị ĐTĐ

Mắt của bệnh nhân bị đái tháo đường
Hình ảnh: Mắt của bệnh nhân bị đái tháo đường

Hình ảnh bệnh nhân bị biến chứng đái tháng đường trên kênh VTC 14

Link tài liệu tham khảo

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2699725/
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5865481/
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6028327/

 
 

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây