Danh mục thuốc thiết yếu mới nhất do bộ y tế ban hành

4/5 - (2 bình chọn)

Bài viết này Heal Central sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản nhất về một số thuốc thiết yếu tại Việt Nam, có mặt trong Danh mục thuốc thiết yếu của Bộ Y tế. Để tiện theo dõi, các thuốc sẽ được phân loại theo nhóm dược lý (có cùng tác dụng).
Chú ý các thuốc được giới thiệu trong nhóm này chỉ bao gồm các thuốc hóa dược (theo Luật Dược 2016), chủ yếu là đơn thành phần và chỉ sử dụng tên chung quốc tế (không sử dụng tên biệt dược).

Thuốc gây mê

Đây là nhóm thuốc ức chế thần kinh trung ương có hồi phục. Thuốc làm mất ý thức, phản xạ, cảm giác, làm cơ giãn mềm nhưng vẫn duy trì được các chức năng sinh mạng của cơ thể như tuần hoàn và hô hấp. Thuốc thường được sử dụng trong phẫu thuật.
Gây mê bao gồm 4 thời kì: giảm đau (1), kích thích (2), phẫu thuật (3) và liệt hành tủy (4). Trong đó để phẫu thuật thì cần gây mê rơi vào thời kì (3) và không được để nó lên đến thời kì (4). Vì vậy mà gây mê là một lĩnh vực khó và thường cần bác sĩ riêng phụ trách vấn đề này.
Các thuốc thiết yếu bao gồm: Fentanyl, ketamine, thiopental (đường tiêm) và halothane (đường hô hấp).

Thuốc gây tê

Bupivacain
Bupivacain

Thuốc gây tê là các thuốc có khả năng ức chế có hồi phục sự phát sinh và dẫn truyền xung động thần kinh từ ngoại biên về trung ương. Do đó, thuốc làm mất cảm giác tạm thời một vùng cơ thể.
Các thuốc thiết yếu: Bupivacain, lidocain (có thể kết hợp với adrenaline), procain, tetracain và ephedrine. Tất cả các thuốc này đều dùng đường tiêm.

Thuốc an thần, gây ngủ

Thuốc Valium
Thuốc Valium

Đây đều là các thuốc ức chế thần kinh trung ương. Chúng có tác dụng đa dạng tuy nhiên thường phụ thuộc liều. Liều thấp thuốc có tác dụng an thần (giảm lo lắng, bồn chồn), liều trung bình có tác dụng gây ngủ, liều cao có tác dụng dụng gây mê, liều độc (quá cao) sẽ gây hôn mê và tử vong. Các thuốc thiết yếu bao gồm:
Dẫn xuất benzodiazepine: Diazepam, midazolam.
Dẫn xuất barbiturat: Phenobarbital.

Thuốc giảm đau trung ương

Thuốc giảm đau trung ương là nhóm thuốc giảm đau không tác dụng lên nguyên nhân gây đau, không làm mất ý thức. Phổ biến nhất trong nhóm này là opioid (thuốc giảm đau gây ngủ), có tác dụng giảm đau mạnh và sâu trong nội tạng.
Đa phần các thuốc này đều có khả năng gây nghiện và nằm trong Danh mục thuốc quản lý đặc biệt của Bộ Y tế.

Thuốc kiểm soát đặc biệt Morphin
Hình ảnh: Thuốc kiểm soát đặc biệt Morphin

Bao gồm: Fentanyl (dùng trong gây mê), methadone (dùng trong cai nghiện ma túy), morphin và pethidin (giảm đau cho bệnh nhân ung thư).
Đặc biệt: Naloxone dùng giải độc quá liều opioid.

Thuốc chống động kinh

phenytoin
Thuốc phenytoin

Đây là nhóm thuốc giúp loại trừ hoặc làm giảm tần số và mức độ nghiêm trọng của các cơn động kinh cũng như các triệu chứng tâm thần kèm theo.
Các thuốc bao gồm: Carbamazepine, phenytoin và acid valproic.
Khác: Phenobarbital, diazepam, magie sulfate và ethosuximide.

Thuốc điều trị Parkinson

Levodopa + carbidopa và biperiden.
Hình ảnh: Thuốc kết hợp Levodopa + carbidopa và biperiden.

Các thuốc này làm giảm tiến triển cũng như các triệu chứng bệnh Parkinson: Levodopa + carbidopa và biperiden.

Thuốc kích thích thần kinh trung ương

caffeine
Thuốc caffeine

Các thuốc trong nhóm này có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, giúp hồi phục các trung tâm hô hấp, vận mạch khi chúng bị suy yếu ở mức độ nhẹ và vừa.
Hầu hết chúng đều làm tăng nhịp tim và tiêu thụ oxy cơ tim thông qua hệ giao cảm.
Thuốc thiết yếu bao gồm cafein: Dùng cho trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Thuốc ức chế tâm thần

Đây là các thuốc an thần mạnh, điều trị rối loạn tâm thần hưng cảm (hoang tưởng, ảo giác, lo sợ…). Ở liều điều trị, thuốc không gây ngủ, nhưng vẫn có tác dụng trên thần kinh trung ương và thần kinh thực vật: hạ huyết áp, chống nôn, hội chứng ngoại tháp, rối loạn nội tiết…
Các thuốc bao gồm: Chlorpromazine, levomepromazine, diazepam, haloperidol, risperidone, sulpiride và fluphenazine.

Thuốc risperidone
Thuốc risperidone

Đặc biệt:
Lithium carbonate là thuốc điều hòa hoạt động tâm thần.

Thuốc chống trầm cảm

Trầm cảm là một trạng thái bệnh lý thể hiện ở việc ức chế toàn bộ các hoạt động tâm thần. Ba rối loạn cơ bản của trầm cảm: giảm khí sắc, giảm hoạt động và giảm hứng thú.
Thuốc nhóm này làm giảm các triệu chứng của trạng thái trầm cảm (u sầu, chán nản, thất vọng…), lấy lại cân bằng tâm thần.

Thuốc fluoxetine
Hình ảnh: Thuốc fluoxetine

Thuốc ức chế tái thu hồi serotonin chọn lọc (SSRIs): Fluoxetine.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs): Amitriptyline.

Thuốc tác động lên hệ thần kinh thực vật

Thần kinh thực vật bao gồm 2 thành phần là hệ giao cảm và hệ phó giao cảm luôn hoạt động song song, có chức năng đối ngược nhau nhưng luôn hỗ trợ và bổ sung cho nhau, cùng nhau điều chỉnh các chức năng cơ thể.

Thuốc cường giao cảm (kích thích adrenergic)

salbutamol
Hình ảnh: Thuốc salbutamol

Các thuốc này kích thích receptor của hệ adrenergic và gây ra các đáp ứng như các chất nội sinh. Hệ adrenergic gồm các receptor chủ yếu là α1, α2, β1, β2 và β3. Trong đó bao gồm các thuốc cụ thể:
Thuốc kích thích α1-adrenergic: Naphazolin, xylometazoline, ergometrin.
Thuốc kích thích α2-adrenergic: Methyldopa.
Thuốc kích thích β1-adrenergic: Dobutamine.
Thuốc kích thích β2-adrenergic: Salbutamol và terbutaline.
Thuốc kích thích cả α và β-adrenergic: Adrenaline và dopamine.

Thuốc hủy giao cảm (ức chế adrenergic)

atenolol
Hình ảnh: Thuốc atenolol

Các thuốc này có tác dụng ngược trên receptor hệ adrenergic so với nhóm trên. Chúng bao gồm:
Thuốc ức chế trực tiếp β-adrenergic: Có thể là chọn lọc trên β1 như atenolol, nhưng cũng có thể là không chọn lọc trên β1 như propranolol.

Thuốc kích thích cholinergic

Thuốc kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp lên hệ cholinergic, bao gồm các receptor của hệ là M (muscarinic) và N (nicotinic). Các thuốc nhóm này bao gồm:
Thuốc kích thích trực tiếp hệ M: Pilocarpine.
Thuốc kích thích gián tiếp hệ M và N: Neostigmine và pyridostigmine (làm mất hoạt tính của acetylcholinesterase).

Thuốc ức chế cholinergic

Các thuốc nhóm này ức chế trực tiếp trên receptor hệ cholinergic là M và N hoặc gián tiếp làm giảm lượng acetylcholin ở synap thần kinh hệ cholinergic. Chúng bao gồm:
Thuốc ức chế hệ M: Tropicamide, atropin, hyoscine (scopolamine), ipratropium.
Thuốc ức chế hệ N: Pancuronium, suxamethonium, alcuronium, veruconium (các thuốc này đều làm mất tác dụng của acetylcholin trên receptor Nm của bản vận động cơ vân).

Thuốc tác dụng trên tim mạch

Các thuốc nhóm này tác động lên nhiều yếu tố liên quan đến tim mạch, bao gồm đường kính lòng mạch, huyết áp, sức co bóp của tim, cung lượng tim, nhịp tim, điện thế hoạt động, thời gian trơ, tốc độ dẫn truyền… Phân loại theo các nhóm cụ thể bao gồm:

Thuốc điều trị suy tim

Glycoside tim: Digoxin.
Cường β-adrenergic: Dobutamine, dopamine, adrenaline.
Thuốc ức chế men chuyển: Enalapril.
Lợi tiểu: Furosemide, hydrochlorothiazide, spironolactone (dùng lợi tiểu kháng aldosterone ngay từ đầu khi mới bị chẩn đoán suy tim).

aldactone
Thuốc aldactone

Thuốc điều trị loạn nhịp tim

Nhóm IB: Lidocain.
Nhóm II: Atenolol, propranolol.
Nhóm III: Amiodarone.
Nhóm IV: Verapamil.
Khác: Digoxin, adrenaline.

Thuốc Amiodarone hydrochloride
Hình ảnh: Thuốc Amiodarone hydrochloride

Thuốc điều trị đau thắt ngực

Chẹn β-adrenergic: Atenolol.
Chẹn kênh calci: Diltiazem.
Nitrate hữu cơ: Glyceryl trinitrate, isosorbide dinitrate hoặc mononitrate.

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Chẹn kênh calci: Amlodipine, nifedipine.
Chẹn β-adrenergic: Propranolol, atenolol.
Ức chế men chuyển: Captopril, enalapril.
Cường α2-adrenergic: Methyldopa.
Lợi tiểu: Furosemide, hydrochlorothiazide.
Thuốc giãn mạch trực tiếp: Hydralazin.

Thuốc Lasix
Hình ảnh: Thuốc Lasix

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu là thuốc làm tăng thể tích nước tiểu chủ yếu nhờ tăng thải natri và nước ở ngoại bào. Các nhóm thuốc lợi tiểu thường gặp:

Lợi tiểu ức chế CA

Acetazolamide (tuy nhiên hiện nay nó được dùng với mục đích làm giảm nhãn áp).

Lợi tiểu quai

Chỉ gồm có furosemide.

Lợi tiểu thiazide

Chỉ gồm có hydrochlorothiazide.

Lợi tiểu giữ kali

Chỉ gồm có spironolactone.

Lợi tiểu thẩm thấu

Thuốc manitol
Hình ảnh: Thuốc manitol

Chỉ gồm có mannitol.

Thuốc hạ lipid máu

Thuốc hạ lipid máu, hay còn gọi là thuốc điều trị tăng lipoprotein máu, là một nhóm thuốc lớn điều trị một số chứng rối loạn chuyển hóa gây tăng lipoprotein máu, thường có tăng LDL, tăng cholesterol toàn phần, tăng triglyceride huyết tương, giảm HDL. Phân loại các thuốc nhóm này bao gồm:

Thuốc ức chế HMG-CoA reductase

Bao gồm 2 thuốc: Atorvastatin và simvastatin.

Thuốc chủ vận PPAR-α

Thuốc lipanthyl
Hình ảnh: Thuốc lipanthyl

Chỉ có fenofibrate.

Thuốc tác động trên quá trình đông máu và tiêu fibrin

Thuốc làm đông máu

Các thuốc nhóm này có tác dụng làm cầm máu nhanh, chống sự ly giải fibrin, giảm tính thấm thành mao mạch, làm máu ngừng chảy.
Thuốc thiết yếu bao gồm: Vitamin K1 và carbazochrome.

Vitamin K1
Vitamin K1

Thuốc chống đông máu

Các thuốc nhóm này ức chế sự hình thành cục máu đông thông qua nhiều cơ chế.
Thuốc ức chế yếu tố đông máu: Heparin, protamine (giải độc quá liều heparin).
Thuốc chống đông kháng vitamin K: Warfarin và acenocoumarol.
Thuốc ức chế kết tập tiểu cầu: Aspirin.

Thuốc chống đông máu warfarin
Thuốc chống đông máu warfarin

Thuốc làm tiêu fibrin

Các thuốc này tăng cường lượng plasmin được tạo ra từ plasminogen, plasmin có tác dụng phân hủy fibrin, do đó các thuốc này làm tiêu fibrin, tránh tắc mạch do cục máu đông.
Thuốc thiết yếu chỉ gồm có streptokinase.

Thuốc chống tiêu fibrin

Thuốc điều trị một số tình trạng bệnh lý mà trong đó fibrin tiêu nhanh gây chảy máu trầm trọng. Bao gồm acid tranexamic và acid aminocaproic.

Thuốc điều trị thiếu máu

Thuốc điều trị thiếu máu (giảm số lượng hồng cầu, huyết sắc tố hoặc cả hai so với bình thường). Các thuốc bao gồm: Sắt, acid folic và hydroxocobalamin (dẫn xuất vitamin B12).

Thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng

Các thuốc này điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng có thể có hoặc không có Helicobacter pylori (HP). Bao gồm các thuốc:

Thuốc kháng histamin H2

Gồm 3 thuốc là cimetidine, famotidineranitidine. Cimetidine đặc biệt ức chế hệ enzyme CYP450 của gan mạnh và có rất nhiều tương tác thuốc.

Thuốc ức chế bơm proton

pantoprazole
Hình ảnh: Thuốc pantoprazole

Gồm 2 thuốc là omeprazole và pantoprazole.

Thuốc kháng acid dạ dày

Magie hydroxide + nhôm hydroxide.

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày

Muối bismuth (đồng thời có tác dụng diệt HP yếu).

Thuốc diệt HP

Các thuốc diệt HP nằm trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế có thể bao gồm các muối bismuth hoặc các kháng sinh diệt HP.
Các kháng sinh diệt HP thiết yếu bao gồm: Amoxicilline, clarithromycin, metronidazole và tetracycline.

Kháng sinh

Kháng sinh là các thuốc có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp hoặc tổng hợp, dùng ở liều thấp có tác dụng kìm hãm hoặc tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh. Kháng sinh là một nhóm thuốc rất lớn và cũng là một trong những nhóm thuốc bị sử dụng sai nhiều nhất hiện nay (cùng với NSAIDs và glucocorticoid). Các nhóm kháng sinh phổ biến bao gồm:

Kháng sinh nhóm β-lactam

Nhóm penicilline: Gồm amoxicilline (có thể cộng acid clavulanic), ampicilline, benzylpenicilline (dạng benzathine, muối kali, natri hoặc kết hợp với procain), phenoxymethylpenicilline, cloxacilline.
Nhóm cephalosporin: Cephalexin, cefazolin (thế hệ 1), cefuroxime (thế hệ 2), cefixime, cefotaxime, ceftriaxone (thế hệ 3).

zinat
Hình ảnh: Biệt dược zinat

Nhóm carbapenem: Imipenem (kết hợp với cilastatin).

Kháng sinh nhóm macrolide

Thuốc zitromax
hình ảnh: Thuốc zitromax

Gồm 3 kháng sinh là erythromycin (có thể tồn tại dưới dạng stearate hoặc ethylsuccinate), clarithromycin và azithromycin.

Kháng sinh nhóm lincosamid

Chỉ có clindamycin (dạng hydrochloride, palmitate hoặc phosphate) là thiết yếu.

Kháng sinh nhóm tetracycline

Thuốc doxycycline
Hình ảnh: Thuốc doxycycline

Kháng sinh thiết yếu là tetracycline (không dùng đường toàn thân) và doxycycline.

Kháng sinh nhóm phenicol

Kháng sinh thiết yếu duy nhất nhóm này là cloramphenicol (có thể ở dạng ester palmitate nếu uống hoặc muối succinate nếu tiêm).

Kháng sinh nhóm aminoside

Thuốc tiêm amikacin
hình ảnh: Thuốc tiêm amikacin

Amikacin, gentamicin, spectinomycin, streptomycin và neomycin (có thể kết hợp với bacitracin dùng ngoài da).
Tác dụng không mong muốn nổi bật là độc tính trên tai cũng như thận và ức chế dẫn truyền thần kinh – cơ.
Thường được phối hợp với kháng sinh nhóm β-lactam và vancomycin vì có tác dụng hiệp đồng tăng cường.

Kháng sinh nhóm quinolone

Gồm 3 thuốc là ciprofloxacin, ofloxacin (thế hệ 2) và levofloxacin (thế hệ 3).
Quinolone là nhóm kháng sinh có rất nhiều tác dụng không mong muốn, bao gồm: Độc tính trên thần kinh trung ương, độc tính trên sụn non và gân, quang độc tính, độc tính trên thận, kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ…
Đây là nhóm kháng sinh dự trữ và nên sử dụng tiết kiệm đề phòng kháng thuốc.

Thuốc ciprobay
Hình ảnh: Thuốc ciprobay

Kháng sinh nhóm sulfamide

Có một kháng sinh thiết yếu là sự kết hợp của trimethoprime và sulfamethoxazole với tỉ lệ 1:5 (cotrimoxazole).
Còn lại là sulfacetamide, bạc sulfadiazine (dùng ngoài da).

Thuốc bactrim
Hình ảnh: Thuốc bactrim

Kháng sinh nhóm peptide

Kháng sinh vancomycin
Hình ảnh: Kháng sinh vancomycin

Vancomycin (chống MRSA): Độc tính nổi bật trên thân và thính giác. Vancomycin thường được sử dụng đầu tiên khi có nhiễm trùng do MRSA (tụ cầu vàng kháng methicilline).

Kháng sinh nhóm 5-nitroimidazole

Duy nhất có metronidazole (có thể ở dạng benzoate). Đây là kháng sinh diệt vi khuẩn kị khí.

Một số kháng sinh khác

Kháng sinh macrobid
Hình ảnh: Kháng sinh macrobid

Nitrofurantoin (điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu).
Sát khuẩn ngoài da: Kali permanganate, PVP iod.

Thuốc điều trị lao

Các thuốc trong nhóm này dùng để điều trị lao, một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có tỉ lệ kháng thuốc rất cao. Việc điều trị lao đòi hỏi một thời gian rất dài và phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị theo Chương trình chống lao quốc gia, nếu không sẽ rất khó khỏi và dễ tái phát.

Thuốc điều trị lao tuyến 1

Bao gồm 5 thuốc sau: Streptomycin (S), isoniazide (H), pyrazinamide (Z), rifampicin (R) và ethambutol (E). Trong đó có H, Z và R có độc tính cao trên gan.

Thuốc điều trị lao tuyến 2

Dùng thay thế nhóm 1 khi bệnh nhân không thể sử dụng các thuốc nhóm 1, hoặc khi vi khuẩn kháng thuốc.
Các thuốc thiết yếu: Amikacin, capreomycin, cycloserine, ethionamide, kanamycin, ofloxacin và p-aminosalicylic acid.

Thuốc điều trị sốt rét

Sốt rét tuy là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy nhiên hiện nay nhờ có sự ra đời của các loại thuốc điều trị hiệu quả cũng như sự phổ biến của phòng bệnh toàn dân, bệnh sốt rét đã bị đẩy lùi ở nước ta và hầu như không còn xuất hiện dịch nữa.
Các thuốc dùng thiết yếu để dự phòng sốt rét: doxycycline, mefloquine và proguanil.
Các thuốc thiết yếu điều trị sốt rét: Artesunate, artemether, amodiaquine, chloroquine, primaquine, quinine, doxycycline và sulfadoxine + pyrimethamine.

Thuốc điều trị giun sán

fugacar
Hình ảnh: Thuốc fugacar

Thuốc điều trị nhiễm kí sinh trùng giun và sán trong cơ thể. Hiện nay tỉ lệ nhiễm giun sán ở nước ta còn tương đối cao, một phần là do điều kiện khí hậu thuận lợi cho kí sinh trùng phát triển, một phần là do chưa đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống của một bộ phận không nhỏ người dân. Các nhóm thuốc thiết yếu nhỏ hơn:
Thuốc trị giun, sán trong lòng ruột: Albendazole, mebendazole, niclosamide, pyrantel và praziquantel.
Thuốc trị giun chỉ: Diethylcarbamazine và ivermectin.
Thuốc trị sán lá: Metrifonat, praziquantel, triclabedazole và oxamniquine.
Tất cả các thuốc điều trị giun sán đều dùng đường uống.

Thuốc diệt đơn bào

Các thuốc này có tác dụng diệt các động vật nguyên sinh kí sinh gây  bệnh trên cơ thể người. Phổ biến ở nước ta là amip Entamoeba histolyticaTrichomonas vaginalis.
Các thuốc diệt amip thiết yếu ở nước ta là metronidazole và diloxanide furoate.

Thuốc chống nấm

Thuốc nhóm này có thể điều trị những trường nấm nhẹ như nấm ngoài da, nấm móng… đến những trường hợp nặng đe dọa tính mạng như nấm máu, nấm nội tạng, nấm phổi… Các thuốc thiết yếu bao gồm:
Làm rối loạn tính thấm màng tế bào nấm: Amphotericin B, nystatin.
Ức chế lanosterol 14α-demethylase: Clotrimazole, fluconazole, ketoconazole, miconazole.
Ức chế phân bào: Griseofulvin.
Kháng chuyển hóa: Flucytosine.
Khác: Kali iodid, terbinafine, natri thiosulfate, acid benzoic + acid salicylic (có thể kết hợp với iod).

Amphotericin B
Amphotericin B

Thuốc kháng virus

Các thuốc nhóm này có tác dụng ức chế sự phát triển và nhân lên của virus, tuy nhiên không có thuốc nào trong nhóm này có thể tiêu diệt được virus. Việc tiêu diệt virus phụ thuộc hoàn toàn vào hệ miễn dịch của cơ thể. Phân loại các thuốc điều trị virus:

Thuốc điều trị herpes

Bao gồm acyclovir và ribavirin.

Thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược (RT)

Thuốc Hepbest
Hình ảnh: Thuốc Hepbest

Bao gồm các thuốc lamivudine (3TC), zidovudine (AZT), abacavir, tenofovir (ức chế RT có cấu trúc nucleoside) và nevirapine, efavirenz (ức chế RT không có cấu trúc nucleoside).
Các thuốc này dùng điều trị HIV và một vài thuốc trong số này có thể điều trị cả HBV.

Thuốc ức chế protease HIV

Bao gồm atazanavir, lopinavir + ritonavir và ritonavir.

Thuốc điều trị cúm

tamiflu
Hình ảnh: Thuốc tamiflu

Chỉ có duy nhất 1 thuốc là oseltamivir.

Thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội

Ở đây chúng ta xét đến thuốc dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội do Pneumocystis jiroveci và do Toxoplasma ở người có suy giảm miễn dịch.
Các thuốc thiết yếu bao gồm: Pyrimethamine, cotrimoxazole, sulfadiazine và pentamidine.

Thuốc điều trị ung thư và ức chế miễn dịch

Ung thư là một bệnh lý ác tính của tế bào, trong đó các tế bào tăng sinh một cách vô hạn không kiểm soát và ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan khác trong cơ thể. Các tế bào này đã thoát khỏi cơ chế apoptosis (chết theo chương trình) và tăng sinh liên tục, mất biệt hóa và có khả năng xâm lấn cũng như di căn.
Thuốc điều trị ung thư có đặc điểm chung đó là đa phần đều là những thuốc độc tế bào, ảnh hưởng trên cả tế bào ung thư cũng như tế bào lành. Do vậy các thuốc điều trị ung thư nhìn chung có độc tính cao.
Các thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch xuống, do đó nó thường hay được dùng trong các trường hợp cần ức chế miễn dịch của bệnh nhân như các bệnh lý tự miễn nặng hay bệnh nhân có ghép tạng. Nguy cơ hay gặp với các thuốc loại này nhất là nhiễm trùng cơ hội.
Thuốc ức chế miễn dịch thiết yếu: Azathioprine và cyclosporine.
Các thuốc điều trị ung thư thiết yếu phân loại theo cơ chế tác dụng:

Thuốc kháng chuyển hóa

Thuốc kháng acid folic: Methotrexate (dùng leucovorin để “cứu nguy”).
Thuốc kháng pyrimidine: Fluorouracil, cytarabine.
Thuốc kháng purine: Mercaptopurine.

Thuốc alkyl hóa

Dẫn xuất nitrogen mustard: Cyclophosphamide (kết hợp với mesna ngăn ngừa chảy máu bàng quang), ifosfamide, chlorambucil.
Dẫn xuất triazen: Dacarbazine.
Dẫn xuất platin: Carboplatin, cisplatin.

Thuốc chống phân bào

Các alkaloid dừa cạn: Vincristine, vinblastine.
Dẫn xuất podophyllotoxin: Etoposide.

Kháng sinh điều trị ung thư

Bao gồm: Bleomycin, doxorubicin, daunorubicin, dactinomycin, mitomycin.

Thuốc hormon và kháng hormon

 
Bao gồm: Dexamethasone, hydrocortisone, methylprednisolone, prednisolone (các glucocorticoid) và tamoxifen (kháng estrogen).

Thuốc khác

Gồm có: Hydroxycarbamide, procarbazine và L-asparaginase.
Đặc biệt:
Filgrastim: Kích thích tủy xương sinh bạch cầu, giảm bớt tác dụng phụ thuốc điều trị ung thư.
Allopurinol: Giảm nguy cơ mắc bệnh gout khi điều trị, nguyên nhân là do khi dùng các thuốc điều trị ung thư, các tế bào chết nhiều, giải phóng nhiều acid nucleic, chúng bị giáng hóa thành acid uric gây tăng acid uric máu và có thể dẫn đến bệnh gout.

Thuốc điều trị bệnh gout

Gout là một bệnh chuyển hóa có liên quan đến acid uric. Thông thường bệnh nhân bị bệnh này có nồng độ acid uric trong máu cao và có sự lắng đọng tinh thể urat ở các khớp xương, gây viêm khớp cấp và mạn tính. Thuốc điều trị gout được phân ra 2 loại:
Thuốc cắt cơn gout cấp: Colchicin.
Thuốc điều trị gout mạn: Allopurinol.

allopurinol
Hình ảnh: Thuốc allopurinol

Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs)

Đây là một trong những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay và cũng là một trong những nhóm bị dùng bừa bãi nhất. Các thuốc trong nhóm này đều có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm và chống kết tập tiểu cầu. Các tác dụng không mong muốn đặc trưng của NSAIDs đó là gây loét dạ dày – tá tràng, gây chảy máu, gây co động mạch đến thận giảm dòng máu đến thận, gây lên cơn hen. Ngoài ra thuốc có thể gây dị ứng (đặc biệt là nhóm oxicam), độc gan, dị tật thai nhi (đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì).

diclofenac
Hình ảnh: Thuốc diclofenac

Bao gồm: Ibuprofen, aspirin, diclofenac, meloxicam và piroxicam.
Ngoài ra còn có cả paracetamol (paracetamol chỉ có tác dụng hạ sốt, giảm đau mà không chống viêm nên không được coi là NSAIDs).

Hormon và thuốc điều chỉnh rối loạn nội tiết

Hormon tuyến yên

Oxytocin: Tác dụng thúc đẻ.

Hormon vỏ thượng thận

Glucocorticoid: Hydrocortisone, betamethasone, dexamethasone, beclomethasone, fluocinolone, prednisolone, methylprednisolone và budesonide.
Mineralocorticoid: Fludrocortisone.

Hormon tuyến tụy

Chỉ có insulin: Điều trị đái tháo đường type I và type II (khi chỉ dùng thuốc không duy trì được đường huyết mong muốn).

Các thuốc hạ đường huyết đường uống

Biguanide: Metformin.
Sulfonylurea: Gliclazide và glibenclamide.
Ức chế α-glucosidase: Acarbose.

Hormon tuyến giáp và thuốc kháng giáp

Hormon tuyến giáp: Levothyroxin (T­4).
Thuốc kháng giáp trạng: Carbimazol, dung dịch Lugol, kali iodid, methylthiouracil và propylthiouracil.

Hormon sinh dục và thuốc tránh thai

Hormon sinh dục nam: Methyltestosterone, testosterone undecanoate hoặc enantate.
Hormon sinh dục nữ: Ethinyl estradiol, progesterone, norethisterone và medroxyprogesterone acetate.
Thuốc tránh thai:

  •       Đơn thuần: Levonorgestrel, norethisterone enantate hoặc medroxyprogesterone acetate.
  •       Kết hợp: Ethinyl estradiol + levonorgestrel, ethinyl estradiol + norethisterone hoặc estradiol cypionate + medroxyprogesterone acetate.

Vitamin

Vitamin C
Hình ảnh: Vitamin C

Vitamin là những chất hữu cơ cơ thể chỉ cần với lượng nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng với các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Hầu hết vitamin cơ thể con người không thể tự tổng hợp được mà cần lấy từ thức ăn (trừ vitamin D).
Các vitamin trong danh mục thuốc thiết yếu bao gồm: A, D, C, B1, B2, B3 (PP), B6, B9 (acid folic) và B12 (phần thuốc điều trị thiếu máu), K (phần thuốc làm đông máu).

Thuốc kháng histamin H1

Các thuốc nhóm này làm mất tác dụng của histamin trên receptor H1, do đó còn gọi là thuốc chống dị ứng. Các thuốc này chủ yếu được sử dụng để điều trị các tình trạng dị ứng như viêm mũi dị ứng, mày đay, ban da, viêm da dị ứng… Ngoài ra còn một số tác dụng khác như chống nôn, chống say tàu xe, làm thuốc tiền mê…
Bao gồm: Promethazine, chlorpromazine, cyclizine, alimemazine, chlorpheniramineloratadine.

loratadine
Hình ảnh: Thuốc loratadine

Thuốc tác động lên nhu động ruột

Các thuốc trong nhóm này có thể làm tăng hoặc giảm nhu động ruột để phục vụ các mục đích điều trị khác nhau.

Thuốc tẩy xổ và nhuận tràng (điều trị táo bón)

Gồm 4 thuốc là bisacodyl, magie sulfate, docusate natri và lactulose.

Thuốc cầm tiêu chảy

imodium
Hình ảnh: Thuốc imodium

Berberine, loperamide, kẽm sulfate và atapulgit. Tuy nhiên không được sử dụng để cầm tiêu chảy cấp do tả.
Ngoài ra, còn sử dụng oresol để bù nước và điện giải.

Thuốc giảm ho, long đờm

Các thuốc nhóm này là thuốc điều trị triệu chứng. Đa phần các thuốc giảm ho ức chế trung tâm ho ở hành não, còn thuốc long đờm làm tăng thể tích dịch tiết khí phế quản nên làm loãng đờm, giúp dễ khạc đờm.

Thuốc giảm ho

Chỉ có 1 thuốc là dextromethorphan.

Thuốc long đờm

Bao gồm acetylcystein và bromhexine.

Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây