Chlorpheniramine

4.5/5 - (2 bình chọn)

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thuốc điều trị các bệnh lý viêm mũi dị ứng có hoạt chất Chlorpheniramine. Bài viết này healcentral.org xin được chia sẻ cho các bạn các thông tin liên quan đến hoạt chất Losartan như: Lịch sử phát triển hoạt chất Chlorpheniramine? Chlorpheniramine có tác dụng gì? kết quả thử nghiệm lâm sàng đánh giá tác dụng của Chlorpheniramine? Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Chlorpheniramine là một trong những thuốc kháng histamine H1 được sử dụng sớm nhất trên thế giới, dùng trong điều trị dị ứng. Nó thuộc chóm thuốc kháng histamine H1 thế hệ một với nhiều tác dụng phụ như kháng cholinergic (khô miệng, nhìn mờ, táo bón, bí tiểu), ức chế tái hấp thu serotonin… nhưng tác dụng phụ nổi bật và đặc trưng nhất của nhóm này là an thần do tác dụng lên cả thần kinh trung ương.

Công thức hóa học của Chlorpheniramin
Hình ảnh: Công thức hóa học của Chlorpheniramin

Chlorpheniramine được cấp bằng sáng chế năm 1948 và được phê duyệt cho sử dụng trong y tế năm 1949. Hiện tại đây là thuốc không cần kê đơn (OTC) và có thể mua dễ dàng tại nhà thuốc.
Sau này nhiều thuốc kháng histamine H1­ thế hệ hai ra đời với nhiều ưu điểm hơn, ít tác dụng phụ hơn đã dần thay thế các thuốc thế hệ một dẫn đến việc sử dụng các thuốc này trên lâm sàng ít dần.
Để biết thêm thông tin, bạn đọc tham khảo bài viết về Thuốc kháng histamine H1.

Dược lực học

Cũng như tất cả các thuốc kháng histamine H1 khác, chlorpheniramine là thuốc chủ vận ngược receptor H1 của histamin. Do đó nó đối kháng với tác dụng sinh lý của histamine. Do receptor này có cả ở trung ương và ngoại vi, đồng thời thuốc lại qua được hàng rào máu não nên nó thể hiện cả tác dụng ức chế thần kinh trung ương (an thần) rất rõ.

 Thuốc kháng histamine H1 liên kết với thụ thể H1 làm mất tác dụng của histamine.
Hình ảnh: Thuốc kháng histamine H1 liên kết với thụ thể H1 làm mất tác dụng của histamine.

Các tác dụng kháng histamine H1 thực thụ:

  • Giảm ngứa, phù, phản ứng viêm và dị ứng.
  • Giảm co thắt cơ trơn tiêu hóa, hô hấp (ít), mạch máu.
  • Ức chế tiết nước bọt, nước mắt…

Tác dụng trên thần kinh trung ương:

  • Ức chế thần kinh trung ương: An thần.
  • Đôi khi bồn chồn, khó ngủ do kích thích thần kinh trung ương.
  • Liều rất cao: Co giật, hôn mê.

Kháng serotonin: Có thể giảm tác dụng của serotonin trong hội chứng serotionin hoặc tăng thèm ăn (Không ưu tiên).
Kháng cholinergic: Chống nôn, say tàu xe, điều trị bệnh Parkinson (Không ưu tiên).
Kháng α-adrenergic: Giãn mạch, hạ huyết áp tư thế đứng.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng Chlorpheniramine
Hình ảnh: Thử nghiệm lâm sàng Chlorpheniramine

Thử nghiệm đa trung tâm, mù đôi, đa liều, nhóm song song nghiên cứu hiệu quả và độ an toàn của azelastine, chlorpheniramine và giả dược trong điều trị viêm mũi dị ứng mùa xuân.
Các tác giả: Weiler JM, Donnelly A, Campbell BH, Connell JT, Diamond L, Hamilton LH, Rosenthal RR, Hemsworth GR và Perhach JL Jr.
Đã có 155 đối tượng tham gia nghiên cứu dao động trong độ tuổi từ 18 đến 60 và có ít nhất 2 năm tiền sử viêm mũi dị ứng mùa xuân, được xác định bằng xét nghiệm da dương tính với dị nguyên trong không khí mùa xuân.
Thuốc được chia ra 4 lần/ngày. Các nhóm sử dụng azelastine được nhận 0.5, 1.0 hoặc 2.0 mg vào buổi sáng và tối cùng với giả dược vào đầu và chiều muộn; nhóm chlorpheniramine được nhận 4.0 mg 4 lần/ngày.
Thử nghiệm so sánh azelastine và chlorpheniramin
Hình ảnh: Thử nghiệm so sánh azelastine và chlorpheniramin

Thẻ triệu chứng chủ đề hàng ngày được hoàn thành trong giai đoạn sàng lọc để đánh giá các triệu chứng trước điều trị và trong thời gian điều trị 4 tuần khi các đối tượng nhận thuốc nghiên cứu. Các triệu chứng riêng lẻ, tổng triệu chứng và các triệu chứng chính được so sánh để xác định hiệu quả của thuốc. Các dấu hiệu quan trọng: trọng lượng cơ thể, giá trị huyết động, số lượng tế bào máu hoàn chỉnh, nghiên cứu nước tiểu và điện tâm đồ đã được thu cho từng đối tượng và so sánh giữa các nhóm.
Triệu chứng giảm ở nhóm được nhận liều azelastine cao nhất (2.0 mg 2 lần/ngày) lớn hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm sử dụng giả dược trong tất cả các tuần của nghiên cứu. Liều azelastine thấp hơn hiệu quả hơn (có ý nghĩa thống kê) so với giả dược chỉ trong các phần của 3 tuần đầu tiên của nghiên cứu. Ngược lại, mặc dù nhóm sử dùng chlorpheniramine có ít triệu chứng hơn nhóm sử dụng giả dược trong nghiên cứu, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê trong bất kỳ tuần nào của nghiên cứu.
Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào trong bất kì các nhóm điều trị. Buồn ngủ và thay đổi vị giác đã tăng đáng kể trong nhóm sử dụng azelastine liều cao so với giả dược.
Kết luận: Azelastine dường như là một loại thuốc an toàn và hiệu quả cho viêm mũi dị ứng mùa xuân.

Dược động học

Hấp thu: Hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng 25-50%. Thời gian tác dụng là 24 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 2-3 giờ (phạm vi 1-6 giờ).
Phân bố: Phân bố khắp các tổ chức của cơ thể kể cả hệ thần kinh trung ương. Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là khoảng 72%. Thể tích phân bố (Vd) là 4-7 L/kg ở trẻ em và 6-12 L/kg ở người trưởng thành.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa bởi hệ enzyme gan CYP450, mà chủ yếu là CYP2D6. Các chất chuyển hóa là monodesmethylchlorpheniramine, didesmethylchlorpheniramine.

Chuyển hóa Chlorphenimanine
Hình ảnh: Chuyển hóa Chlorphenimanine

Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) ở trẻ em là 10-13 giờ và ở người trường thành là 14-24 giờ. Thuốc được bài xuất qua nước tiểu.
Tác dụng an thần: Thấp.
Hoạt tính kháng histamine: Vừa phải.
Hoạt tính kháng cholinergic: Vừa phải.

Chỉ định và liều dùng

Viêm mũi dị ứng:

Viêm mũi dị ứng
Hình ảnh: Viêm mũi dị ứng

Viên nén hoặc si-rô: Uống 4 mg/lần x 4-6 lần/ngày. Không dùng quá 24 mg/ngày.
Viên nén giải phóng kéo dài: Uống 8 mg/lần x 2-3 lần/ngày hoặc 12 mg/lần x 2 lần/ngày. Không dùng quá 24 mg/ngày.
Viên nang giải phóng kéo dài: Uống 12 mg/ngày x 1-2 lần/ngày. Không dùng quá 24 mg/ngày.
Viên nang phóng thích chậm: Uống 8-12 mg/lần x 2-3 lần/ngày, tối đa 16-24 mg/ngày.
Chỉ định khác:
Viêm mũi vận mạch và dị ứng lâu năm hoặc theo mùa, cảm lạnh, mày đay, phù mạch, ngứa, phản ứng phản vệ, viêm kết mạc dị ứng.
Chế phẩm phối hợp với hydrocodone:

  • Viên nang giải phóng kéo dài: 4 mg / 5 mg hoặc 8 mg / 10 mg.
  • Hỗn dịch uống giải phóng kéo dài: (8 mg / 10 mg) / 5 mL.

Chế phẩm này được chỉ định cho ho / sổ mũi:

  • Viên nang giải phóng kéo dài: 1 viên/lần x 2 lần/ngày. Không quá 2 viên/ngày.
  • Hỗn dịch uống giải phóng kéo dài: Uống 5 mL/lần x 2 lần/ngày. Không quá 10 mL/ngày.

Tác dụng phụ

Rối loạn thần kinh trung ương: Trầm cảm, buồn ngủ, an thần, chóng mặt, uể oải, rối loạn phối hợp, bồn chồn, mất ngủ, hưng phấn, lo lắng, mê sảng, đau đầu, cáu kỉnh, rối loạn tâm thần, dị cảm.
Rối loạn cơ: Yếu cơ, run, co giật, rối loạn vận động mặt.
Rối loạn tim mạch: Đánh trống ngực, bóp nghẹt, nhịp tim nhanh, thay đổi ECG (ví dụ: QRS kéo dài), rối loạn nhịp tim (ví dụ: ngoại tâm thu, block tim), huyết áp thấp, huyết áp cao.
Rối loạn tiêu hóa: Đau thượng vị, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, khô miệng, mũi và họng.
Rối loạn chức năng gan mật: Ứ mật, viêm gan, suy gan, chức năng gan bất thường, vàng da.
Rối loạn tiết niệu: Tiểu đau, bí tiểu.
Rối loạn thị giác, nhìn mờ, chứng song thị, ù tai, viêm mê đạo tai cấp.
Rối loạn hô hấp: Dịch tiết phế quản dày lên., khò khè, ngạt mũi.
Rối loạn máu: Mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu hoặc giảm toàn thể huyết cầu.
Rối loạn sinh dục: Bất lực, có kinh nguyệt sớm.
Đổ mồ hôi, ớn lạnh.

Lưu ý và thận trọng

Thận trọng với bệnh nhân glaucom góc hẹp, phì đại tiền liệt tuyến, loét dạ dày – tá tràng, tắc nghẽn môn vị hoặc tắc cổ bàng quang.
Thận trọng với bệnh nhân cần lái tàu, xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao.
Phụ nữ mang thai: Phơi nhiễm thuốc trong ba tháng đầu không được báo cáo có liên quan đến tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Nghiên cứu trên động vật không được báo cáo. Không có dữ liệu kiểm soát trong thai kì người. Chỉ nên sử dụng khi lợi ích vượt trội so với rủi ro.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc được bài tiết vào sữa mẹ. Sử dụng thận trọng. Nên theo dõi trẻ sơ sinh về sự khó chịu hoặc buồn ngủ. Thuốc có thể làm giảm tạm thời nồng độ prolactin huyết thanh của mẹ khi cho con bú lần đầu.

Tương tác thuốc

Dùng cùng các thuốc cảm ứng enzyme gan CYP3A4 và CYP2D6 (ví dụ: apalutamide): Làm giảm nồng độ chlorpheniramine huyết tương, giảm hiệu quả điều trị.
Dùng cùng các thuốc ức chế enzyme gan CYP3A4 và CYP2D6 (ví dụ: idelalisib): Làm tăng nồng độ chlorpheniramine huyết tương, nguy cơ tăng tác dụng phụ và độc tính của chlorpheniramine.
Dùng cùng eluxadoline: Hiệp đồng tác dụng dược lực, tăng nguy cơ táo bón liên quan đến các phản ứng phụ nghiêm trọng.
Dùng cùng isocarboxazid, tranylcypromine: Làm tăng tác dụng của chlorpheniramine và các thuốc kháng histamine H1 khác. Isocarboxazid và tranylcypromine không nên phối hợp với các thuốc kháng histamine H1 do tăng tác dụng phụ ức chế thần kinh trung ương.
Dùng cùng các thuốc chống trầm cảm IMAO: Làm kéo dài và tăng cường tác dụng kháng cholinergic của các thuốc kháng histamine H1.
Dùng cùng các thuốc có tác dụng an thần khác (Benzodiazepines, barbiturates…): Tăng cường tác dụng phụ an thần.
Dùng cùng natri oxybate: Hiệp đồng tác dụng dược lực. An thần mạnh, ức chế hô hấp, hôn mê và tử vong có thể xảy ra nếu phối hợp.
Chống chỉ định
Quá mẫn cảm với chlorpheniramine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bệnh đường hô hấp dưới, ví dụ như hen suyễn (đang tranh cãi).
Trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh.
Bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ.
Bệnh nhân u xơ tiền liệt tuyến, nhược cơ, tăng nhãn áp.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/3282216
https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT00837837
https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/Chlorpheniramine-maleate
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4521167/
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây