Bromhexine

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Bromhexine tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Bromhexine là gì? Bromhexine có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Bromhexine là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Bromehexine là 1 thuốc long đờm đã có từ khá lâu. Kể từ khi được giới thiệu trên thị trường năm 1963, nó đã được nghiên cứu hoạt động trên mô hình động vật và người có các tình trạng hô hấp đa dạng. Bromhexine là một dẫn xuất từ cây Adhatoda vasica được sử dụng ở một số nước để điều trị các bệnh lý đường hô hấp khác nhau. Bromhexine đã được biết là giúp tăng cường bài tiết các thành phần chất nhầy bằng cách thay đổi đặc tính lí hóa của chúng. Những thay đổi đó giúp tăng thanh thải chất nhầy và giảm ho.
Các nghiên cứu lâm sàng chủ yếu được phát triển ở thời mà các tiếp cận nghiêm ngặt và thực hành lâm sàng tốt chưa được phát triển. Các nghiên cứu lâm sàng được thực hiện chủ yếu trên những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính và ở những người mắc các bệnh hô hấp khác nhau, bromhexine đã chứng minh được hiệu quả của nó trong việc cải thiện các triệu chứng hô hấp. Hơn nữa, khi phối hợp bromhexine với kháng sinh, tác dụng của kháng sinh được khuếch đại. Mặc dù các bằng chứng lâm sàng chỉ cho thấy kết quả khiêm tốn nhưng rất tích cực, bromhexine đã được chỉ định cho các trường hợp có đờm nhầy hô hấp.
Nói thêm về nguồn gốc của bromhexine: Adhatoda vasica nees (Họ Ô rô, Acanthaceae), thường được biết đến dưới cái tên vasaka, mọc trải rộng trên khắp Ấn Độ lên đến độ cao 1300 m. Adhatoda vasica là một dược liệu có nguồn gốc từ châu Á, được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống y học Siddha, Ayurvedic và Unani. Adhatoda vasica nổi tiếng vì được sử dụng trong các bệnh đường hô hấp. Cả vasicine tinh khiết và các dẫn xuất của nó đều đã được nghiên cứu về các tác dụng giãn phế quản và chống ho.

Hoa của loài Adhatoda vasica.
Hình ảnh: Hoa của loài Adhatoda vasica.

Amin và Mehta là những người đầu tiên phân lập vasicinone, một thành phần có hoạt tính giãn phế quản ở dạng tinh thể từ lá Adhatoda vasica. Một trong những dẫn chất của vasicinone là bromhexine (BHC) hoặc bromhexine hydrochloride (N-cyclohexyl-N-methyl-(2-amino-3,5-dibromo-benzyl)amine hydrochloride).
Vasicine và các dẫn xuất bán tổng hợp của nó.
Hình ảnh: Vasicine và các dẫn xuất bán tổng hợp của nó.

Dược lực học

Công thức hóa học của Bromhexine
Hình ảnh: Công thức hóa học của Bromhexine

Bromhexine là 1 thuốc long đờm, làm tiêu nhầy với mức độ độc tính rất thấp. Cơ chế hoạt động của brohexine rất phức tạp và chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bromhexine tác động lên chất nhầy từ giai đoạn mới hình thành trong các tế bào tuyến, trong các tế bào tiết chất nhầy. Nó phá vỡ cấu trúc các sợi acid mucopolysaccharide trong đờm nhầy và giảm độ nhớt chất nhầy, giúp cho đờm dễ bị tống ra ngoài bằng phản xạ ho của cơ thể.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm đối chứng của bromhexine (Bisolvon) trên các bệnh nhân ngoại trú mắc viêm phế quản mạn tính.

Hiệu ứng giả dược
Hình ảnh: Hiệu ứng giả dược

Các tác giả: Lal S và Bhalla KK.
Brohexine 16 mg/lần x 3 lần/ngày được so sánh với giả dược trong thử nghiệm chéo mù đôi trên 41 bệnh nhân bị viêm phế quản mạn tính và tắc nghẽn đường thở không hồi phục được coi là đang ở trạng thái ổn định. Mỗi lần điều trị được thực hiện trong 3 tuần với 1 tuần giả dược ở giữa. Ngoài ra, tất cả bệnh nhân được dùng oxytetracycline, 500 mg/lần x 2 lần/ngày, bắt đầu 1 tuần trước khi thử nghiệm và tiếp tục sử dụng trong suốt thời gian đó. Tất cả bệnh nhân đã hoàn thành thử nghiệm nhưng kết quả của 5 người bị loại trừ vì trong 3 tuần đầu tiên họ mắc bệnh giống như cúm kèm theo giảm FEV1 và lưu lượng đỉnh. Kết quả từ 36 bệnh nhân còn lại cho thấy sự giảm đáng kể về mặt thống kê về độ nhớt của đờm (P < 0.05) theo đánh giá của bệnh nhân và và cải thiện đáng kể tình trạng lâm sàng tổng thể (P < 0.05) theo đánh giá của bác sĩ khi điều trị bằng bromhexine, nhưng không có thay đổi đáng kể trong các triệu chứng như ho, tức ngực, độ dễ thở hoặc thể tích đờm, FEV1 và lưu lượng đỉnh… 5 bệnh nhân báo cáo 6 tác dụng phụ, 3 với bromhexine, 1 với giả dược và 1 với cả hai phương pháp điều trị.
Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên xem xét hiệu quả lâm sàng của sự kết hợp bromhexine với amoxicilline trong nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Kết hợp thuốc Bromhexin và Amoxicillin
Hình ảnh: Kết hợp thuốc Bromhexin và Amoxicillin

Các tác giả: Roa CC Jr và Dantes RB.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm đã được thực hiện ở 22 bệnh viện giảng dạy để so sánh hiệu quả lâm sàng của sự kết hợp amoxicilline (CAS 26787-78-0) với bromhexine (CAS 3572-43-8) so với amoxicilline đơn độc dùng 4 lần/ngày trong 5-7 ngày trong điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cộng đồng đã được chẩn đoán lâm sàng. 392 bệnh nhân trưởng thành được chẩn đoán lâm sàng viêm phế quản cấp hoặc viêm phổi do vi khuẩn đã được tuyển cho nghiên cứu. Trong đó có 192 bệnh nhân dùng amoxicilline (250 mg) cộng với bromhexine (8 mg) (Thuốc AB) và 200 bệnh nhân dùng amoxicilline (250 mg) (Thuốc AA) đơn độc 4 lần/ngày trong 5-7 ngày. Đáp ứng lâm sàng, cải thiện điểm số triệu chứng bằng thang đo tương tự trực quan và đáp ứng vi khuẩn học được theo dõi ở các ngày 3, 5 và 7 của điều trị.
Kết quả cho thấy, 180/192 (94%) bệnh nhân dùng thuốc AB và 185/200 (93%) bệnh nhân dùng thuốc AA có đáp ứng lâm sàng thuận lợi khi kết thúc điều trị, nhiễm trùng đã được giải quyết hoàn toàn ở 89/192 (46%) bệnh nhân dùng thuốc AB và 67/200 (34%) bệnh nhân dùng thuốc AA (P = 0.022). Ngoài ra, những bệnh nhân sử dụng thuốc AB đã giảm đáng kể điểm số triệu chứng vào ngày thứ 3 về các triệu chứng khó chịu khi ho, tần suất ho, độ dễ thở ra và thể tích đờm. Trong các bệnh nhân bị viêm phổi, tỉ lệ chữa khỏi của thuốc AB và thuốc AA lần lượt là 24/50 (47%) và 11/50 (22%) (P = 0.008).

Dược động học

Hấp thu: Bromhexine hydrochlorie uống hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng của nó vào khoảng 20% (Thuốc có chuyển hóa bước 1 ở gan). Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của thuốc. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 0.5-1 giờ.
Phân bố: Thuốc phân bố rộng đến các mô trong cơ thể và có tỉ lệ liên kết protein huyết tương cao (> 90%). Bromhexine qua được hàng rão mãu não và một lượng nhỏ qua được hàng rào nhau thai. Thể tích phân bố (Vd) là 7 L/kg khi tiêm tĩnh mạch bolus.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan thành các chất chuyển hóa không hoạt tính hoặc còn hoạt tính (ambroxol).

Chuyển hóa Bromhexine thành Ambroxol
Hình ảnh: Chuyển hóa Bromhexine thành Ambroxol

Thải trừ: Khoảng 85-90% được thải trừ qua nước tiểu chủ yếu dưới dạng các chất chuyển hóa liên hợp. Thời gian bán hủy (t1/2) lên đến khoảng 12 giờ.

Chỉ định và liều dùng

Các bệnh lí đường hô hấp có tăng tiết dịch khí – phế quản:
(Thường phối hợp với kháng sinh trong các bệnh lí viêm phế quản cấp hoặc đợt cấp của viêm phế quản mạn)

Viêm phế quản
Hình ảnh: Viêm phế quản

Bệnh nhân ≥ 10 tuổi: 8-16 mg/lần x 3 lần/ngày. Không điều trị quá 8-10 ngày.
Bệnh nhân < 10 tuổi: Phân liều theo cân nặng theo chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ

Thuốc Bromhexine
Hình ảnh: Thuốc Bromhexine

Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa do làm phá hủy hàng rào niêm mạc dạ dày.
Tăng aminotransferase huyết thanh đã được báo cáo.
Rối loạn thần kinh trung ương: Đau đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi…
Phản ứng dị ứng đã được báo cáo.

Lưu ý và thận trọng

Thận trọng với bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày do thuốc có thể phá hủy hàng rào niêm mạc dạ dày.

Loét dạ dày
Hình ảnh: Loét dạ dày

Thận trọng với bệnh nhân suy gan hoặc thận nặng: Thanh thải hoặc chuyển hóa bromhexine có thể giảm.
Thận trọng với bệnh nhân hen suyễn, co thắt phế quản: Nguy cơ gây bít tắc đường hô hấp.
Thận trọng với bệnh nhân suy nhược cơ thể, bệnh nhân cao tuổi.
Phụ nữ mang thai: Bromhexine đã được sử dụng bởi một lượng lớn phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ mà không có sự gia tăng về tần suất dị tật hoặc các tác động có hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đối với thai nhi đã được quan sát. Phân loại thai kì: A.
Phụ nữ đang cho con bú: Không rõ bromhexine có được bài tiết qua sữa mẹ hay nó có tác hại gì với trẻ bú mẹ hay không. Do đó, nó không được khuyến cáo cho phụ nữ đang cho con bú trừ khi lợi ích là lớn hơn so với nguy cơ.

Tương tác thuốc

Dùng cùng thuốc chống ho: Bình thường sau khi dùng bromhexine làm loãng đờm, bệnh nhân sẽ có phản xạ ho nhiều hơn để tống đờm ra ngoài. Đây là 1 phản xạ có ích và nếu sử dụng cùng thuốc chống ho, bệnh nhân sẽ có nguy cơ ứ đọng đờm nhầy trong đường hô hấp.
Thuốc kháng cholinergic (atropin): Làm giảm tác dụng của bromhexine do giảm tiết dịch hô hấp.
Dùng cùng một số kháng sinh (amoxicilline, doxycycline, cefuroxime, erythromycin): Tăng cường tác dụng của kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với bromhexine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Hen suyễn cấp tính.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5359817/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21121410
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/m/pubmed/31365127/?i=1&from=Bromhexine
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/m/pubmed/30721101/?i=5&from=Bromhexine

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây