Thuốc Ambroxol: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Ambroxol tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Ambroxol là gì? Ambroxol có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Ambroxol là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Ambroxol là 1 thuốc long đờm được sử dụng trong các tình trạng bệnh lý có tăng tiết dịch hô hấp, bao gồm viêm phế quản cấp và mạn tính, hoặc đợt cấp của viêm phế quản mạn tính. Nó thực chất là chất chuyển hóa trong cơ thể của bromhexine – 1 thuốc long đờm khác cũng đang được sử dụng hiện nay.

Chuyển hóa từ bromhexine thành ambroxol.
Hình ảnh: Chuyển hóa từ bromhexine thành ambroxol.

Ambroxol được phát triển bởi Boehringer-Ingelheim vào cuối những năm 1960 – đầu những năm 1970 và được thương mại hóa năm 1978. Nó được bán trên thị trường dưới một số tên thương mại, thường là hoạt chất trong các siro.
Thuốc Mucosolvan (Ambroxol do Boehringer-Ingelheim sản xuất)
Hình ảnh: Thuốc Mucosolvan (Ambroxol do Boehringer-Ingelheim sản xuất)

Đầu năm 2016, Daniel H. Geschwind và các đồng nghiệp tại UCLA đã phát hiện ra một công dụng mới đầy tiềm năng của ambroxol. Họ đang tìm kiếm một cách để cho phép cơ thể tái tạo các tế bào thần kinh trong hệ thần kinh trung ương tương tự như cách nó tái sinh tự nhiên các tế bào trong hệ thần kinh ngoại biên.
Bằng cách sử dụng các kỹ thuật tin sinh học, các nhà nghiên cứu đã xác định 1 mạng lưới gen được hệ thần kinh ngoại biên sử dụng để bắt đầu tự sửa chữa. Sau đó, họ khớp các mô hình biểu hiện của gen trong mạng lưới với cơ sở dữ liệu các phân tử có hoạt tính sinh học kích hoạt các mô hình tương tự.
Khi thuốc được sử dụng cho những con chuột bị tổn thương thần kinh thị giác, đã xảy ra một số sự tăng trưởng tế bào thần kinh sau đó. Các tác giả tin rằng phát hiện này cung cấp một nền tảng hệ gen học chức năng để hiểu biết về sửa chữa thần kinh và bằng chứng về sức mạnh của các phương pháp tiếp cận như vậy trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp trong sinh lý học thần kinh.

Dược lực học

Do ambroxol là chất chuyển hóa hoạt động của bromhexine nên cơ chế tác dụng của ambroxol cũng tương tự như bromhexine.
Ambroxol là 1 thuốc long đờm an toàn, có mức độ độc tính rất thấp. Cơ chế hoạt động của bromhexine rất phức tạp và chưa được nghiên cứu đầy đủ, do đó cơ chế hoạt động của ambroxol cũng chưa thực sự đầy đủ. Ambroxol phá vỡ cấu trúc các sợi acid mucopolysaccharide trong đờm nhầy làm đờm loãng và lỏng hơn, giảm độ nhớt của đờm, đồng thời thuốc làm tăng dịch tiết phế quản và làm trơn đường thông khí, kết quả là đờm dễ bị tống ra ngoài bằng phản xạ ho của cơ thể.
Ambroxol cũng đang được nghiên cứu trong điều trị bệnh Parkinson.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thực nghiệm lâm sàng thuốc Ambroxol
Hình ảnh: Thực nghiệm lâm sàng thuốc Ambroxol

Thử nghiệm lâm sàng trên 120 bệnh nhân ở 2 liều ambroxol khác nhau nghiên cứu hiệu quả lâm sàng của ambroxol trong điều trị ứ đọng dịch phế quản.
Các tác giả: Germouty J và Jirou-Najou JL.
Nghiên cứu này sử dụng biệt dược là Mucosolvan.
Mục đích của nghiên cứu này là xác định hiệu quả lâm sàng của ambroxol trong điều trị ứ đọng dịch phế quản bằng cách thực hiện 2 nghiên cứu mù đôi liên tiếp ở 2 nhóm bệnh nhân song song và so sánh ambroxol với giả dược trong đợt điều trị kéo dài 10 ngày.
Thử nghiệm đầu tiên bao gồm 60 bệnh nhân được điều trị hàng ngày bằng ambroxol 120 mg cho thấy sự khác biệt đáng kể (P < 0.05) về thể tích đờm, độ nhớt đờm, mức độ khó khạc đờm và mức độ nghiêm trọng của ho khi so sánh với nhóm giả dược. 2 nhóm bệnh nhân ban đầu rất phù hợp với nhau và dung nạp thuốc tốt.
Trong thử nghiệm thứ hai bao gồm 60 bệnh nhân mới được điều trị hàng ngày bằng ambroxol 30 mg, thuốc cho thấy không có tác dụng lâm sàng rõ rệt.
Như vậy, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng ambroxol là một “thuốc long đờm” hiệu quả và được dung nạp tốt ở liều 120 mg/ngày.
Thử nghiệm nghiên cứu phối hợp ambroxol với amoxicilline trong điều trị đợt cấp của viêm phế quản mạn tính.
Phối hợp ambroxol và amoxicillin
Hình ảnh: Phối hợp ambroxol và amoxicillin

Các tác giả: Peralta J, Poderoso JJ, Corazza C, Fernández M, Guerreiro RB và Wiemeyer JC tới từ Bệnh viện de Clínicas José de San Martín, Đại học Buenos Aires, Argentina.
23 bệnh nhân đang trong đợt cấp của viêm phế quản mạn tính được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên, một nhóm được nhận amoxicilline 1500 mg/ngày (n = 13 bệnh nhân), nhóm còn lại được nhận amoxicilline 1500 mg/ngày phối hợp với thuốc long đờm ambroxol 90 mg/ngày (n = 10 bệnh nhân). Sự cải thiện các triệu chứng ho, khó khạc đờm và có mủ trong đờm rõ ràng hơn về mặt thống kê và xảy ra sớm hơn ở nhóm sử dụng ambroxol + amoxicilline so với nhóm chỉ sử dụng amoxicilline. Mặc dù nồng độ amoxicilline trong huyết tương và đờm là tương tự nhau ở cả hai nhóm, nhưng sự khác biệt về thể tích đờm hàng ngày cũng lớn hơn ở những bệnh nhân dùng ambroxol (có ý nghĩa thống kê), cho thấy thuốc này có tác dụng đáng kể trong việc đưa thuốc vào nhu mô phổi và làm tăng cường tác dụng của kháng sinh (ở đây là amoxicilline). Không có thay đổi trong các xét nghiệm chức năng phổi và khí máu đã được quan sát.

Dược động học

Hấp thu: Ambroxol được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (T­max) là 0.5-3 giờ.
Phân bố: Tỉ lệ liên kết với protein huyết tương cao, khoảng 90%. Thuốc tập trung đặc biệt nhiều ở nhu mô phổi.
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan.
Thải trừ: Thuốc có thời gian bán hủy (t­1/2) khoảng 7-12 giờ. Bài xuất thuốc chủ yếu qua thận.

Chỉ định và liều dùng

Các bệnh lý hô hấp tăng tiết dịch (viêm phế quản cấp, viêm phế quản mạn, đợt cấp của viêm phế quản mạn…):
Bệnh nhân ≥ 10 tuổi: 30-60 mg/lần x 2 lần/ngày.
Bệnh nhân < 10 tuổi: Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Thường chỉnh liều theo cân nặng.
Thường phối hợp với kháng sinh khi có bội nhiễm hoặc dự phòng bội nhiễm vi khuẩn.

Bệnh viêm phế quản
Hình ảnh: Bệnh viêm phế quản

Tác dụng phụ

Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, khô miệng, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu.
Phản ứng dị ứng có thể gặp: Ngứa, phát ban…
Tăng transaminase huyết thanh đã được báo cáo.
Nhìn chung thuốc lành tính và ít tác dụng phụ.

Lưu ý và thận trọng

Thận trọng với bệnh nhân suy gan, suy thận nặng: Có thể giảm chuyển hóa hoặc thanh thải ambroxol. Nguy cơ tăng nồng độ ambroxol trong huyết tương dẫn đến tăng khả năng gặp các tác dụng phụ.
Thận trọng với bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày – tá tràng. Thuốc có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày do ảnh hưởng đến chất nhầy dạ dày. Không nên dùng thuốc trên bệnh nhân có loét dạ dày – tá tràng tiến triển.

Bệnh loét dạ dày
Hình ảnh: Bệnh loét dạ dày

Thận trọng với bệnh nhân hen phế quản: Tăng thể tích và giảm độ nhớt đờm có thể làm giảm khả năng thông khí.
Hen phế quản
Hình ảnh: Hen phế quản

Thận trọng với người cao tuổi, sức khỏe kém, suy nhược.
Phụ nữ mang thai: Không có thông tin về tác dụng của thuốc trên phụ nữ có thai. Sử dụng thận trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kì.
Phụ nữ đang cho con bú: Không rõ thuốc có vào được sữa mẹ hay không. Không có tài liệu về tác dụng của ambroxol với trẻ bú mẹ hoặc ảnh hưởng đến khả năng sản xuất sữa của mẹ. Sử dụng thận trọng.

Tương tác thuốc

Dùng cùng thuốc giảm ho: Ho là 1 phản xạ tốt, có tác dụng để đưa đờm ra khỏi đường hô hấp và nếu sử dụng cùng thuốc chống ho, bệnh nhân sẽ bị ứ đọng đờm gây giảm khả năng thông khí.

Tương tác thuốc ambroxol và dextromethorphan (Thuốc giảm ho)
Hình ảnh: Tương tác thuốc ambroxol và dextromethorphan (Thuốc giảm ho)

Phối hợp với một số kháng sinh (ví dụ: amoxicilline / acid clavulanic, cefuroxime, doxycycline, erythromycin): Tăng cường khả năng thâm nhập của kháng sinh vào nhu mô phổi nên tăng tác dụng điều trị của các kháng sinh này trong các bệnh lý viêm đường hô hấp dưới do nhiễm khuẩn.
Tương tác thuốc ambroxol và khang_sinh
Hình ảnh: Tương tác thuốc ambroxol và khang_sinh

Dùng cùng thuốc hủy phó giao cảm (ví dụ: atropin): Thuốc hủy phó giao cảm làm giảm tiết dịch đường hô hấp nên có thể đối kháng với tác dụng của ambroxol.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với ambroxol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Hen phế quản cấp tính.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6368728/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4917400/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3960810/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2893422/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5406594/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây