Viêm phế quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng dẫn điều trị

Đánh giá post

Viêm phế quản cấp là bệnh gì?

Viêm phế quản cấp là một tình trạng viêm đột ngột và cấp tính ở các ống phế quản. Tình trạng viêm này có thể là do virus, vi khuẩn, hoặc do một số nguyên do khác.

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp

Virus: Đây là nguyên nhân gây viêm phế quản cấp thường gặp nhất. Các virus thường gây viêm phế quản cấp là các virus cúm A và B (influenza virus A và B), á cúm (parainfluenza virus), virus hợp bào hô hấp (RSV) và một số virus khác.

Vi khuẩn: Thường là do bội nhiễm. Các vi khuẩn hay gặp trong viêm phế quản cấp là phế cầu (Streptococcus pneumoniae), Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, cùng các vi khuẩn nội bào (vi khuẩn không điển hình) như Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae.

Các nguyên nhân khác:

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp
Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp
  • Khói thuốc lá, hơi hóa chất độc hại như dung môi hữu cơ, khí halogen (đặc biệt là chlor), hơi acid (như acid chlohydric HCl, acid nitric HNO3), hơi của các khí dùng làm chất độc hóa học trong chiến tranh (ít gặp ở Việt Nam).
  •  Dị ứng: Dễ gây nhầm lẫn với đợt cấp của hen phế quản. Hay gặp ở trẻ em.

Yếu tố nguy cơ:

  • Người mắc các bệnh lý mạn tính, đặc biệt là suy tim trái do tình trạng này gây ứ dịch ở phế nang.
  • Người mắc kèm một số bệnh lý về phổi khác: lao phổi, ung thư phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD…
  • Trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người suy giảm miễn dịch.
  • Thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là khi thời tiết đột ngột trở lạnh…
  • Môi trường sống phải tiếp xúc với nhiều chất khí độc hại…

Những dấu hiệu nhận biết sớm viêm phế quản cấp

Dấu hiệu nhận biết sớm viêm phế quản cấp chính là các triệu chứng tương tự như cảm lạnh. Các triệu chứng kiểu này thường xuất hiện ở những ngày đầu mắc bệnh. Tuy nhiên đây chỉ là dấu hiệu không đặc hiệu.

Triệu chứng viêm phế quản cấp

Triệu chứng lâm sàng

  • Sốt: Thường không gặp ở bệnh nhân viêm phế quản cấp. Nếu có sốt > 38 độ C, bác sĩ thường sẽ chỉ định X-quang ngực để loại trừ viêm phổi.
  • Ho: Đây là triệu chứng điển hình và rất hay gặp ở bệnh nhân viêm phế quản cấp. Ho ở đây có thể là ho khan hoặc ho có đờm (đờm trong hoặc có màu xanh, vàng, có thể có mủ). Lưu ý màu sắc của đờm không thể chỉ ra được nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn hay virus. Ho có thể kéo dài (lên đến 20 ngày hoặc thậm chí hơn 1 tháng) dù bệnh đã được điều trị ổn định hoặc đã khỏi.
  • Khó thở: Ít gặp.
  • Chảy nước mũi và nghẹt mũi.
Triệu chứng viêm phế quản cấp.
Triệu chứng viêm phế quản cấp.

Chẩn đoán hình ảnh

  • X-quang phổi: Đây là không phải là biện pháp chẩn đoán thường quy trong viêm phế quản cấp bởi nó không đem lại nhiều giá trị. Chụp X-quang phổi chỉ được chỉ định khi rơi vào một trong các trường hợp sau: tuổi cao (> 75 tuổi); dấu hiệu sinh tồn bất thường: mạch nhanh (> 100 lần/phút), nhịp thở nhanh (> 24 lần/phút) hoặc sốt > 38 độ C (đo ở miệng); hoặc nghe phổi thấy có hội chứng đông đặc, có rale nổ, rale ẩm. Các bất thường vừa kể trên có thể là gợi ý cho tình trạng viêm phổi.

Triệu chứng cận lâm sàng

Các xét nghiệm cận lâm sàng ít có giá trị trong chẩn đoán viêm phế quản cấp vì không đặc hiệu.

Bệnh nhân có thể có CRP (protein phản ứng C) tăng, tốc độ máu lắng tăng…

Điều trị viêm phế quản cấp

Các thuốc tân dược dùng trong viêm phế quản cấp

Các nhóm thuốc có thể được sử dụng trong viêm phế quản cấp bao gồm:

  • Thuốc giảm ho: Không có nhiều bằng chứng ủng hộ việc sử dụng thuốc giảm ho trong viêm phế quản cấp. Các đại diện điển hình cho nhóm thuốc này là CodeineDextromethorphan. Chú ý Codeine chống chỉ định cho trẻ em dưới 12 tuổi do lo ngại về nguy cơ ức chế trung tâm hô hấp.

    Thuốc Dextromethorphan
    Hình ảnh: Thuốc Dextromethorphan

Tham khảo thêm: Thuốc Dextromethorphan: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

  • Thuốc long đờm: Không có bằng chứng nào hỗ trợ cho việc sử dụng thuốc long đờm cho viêm phế quản cấp.
  • Thuốc kháng histamine H1 thế hệ 1: Ví dụ như Diphenhydramine.
  • Thuốc co mạch, làm thông mũi: Ví dụ như Phenylephrine, Xylometazoline.
  • Thuốc giãn phế quản: Có thể sử dụng trong một số trường hợp bệnh nhân khó thở. Các thuốc đại diện cho nhóm này là Salbutamol, Salmeterol, Terbutaline.

Tham khảo thêm: Thuốc Salbutamol: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

  • Thuốc kháng sinh: Sử dụng kháng sinh thường quy trong viêm phế quản cấp thường chỉ đem lại lợi ích rất khiêm tốn. Chỉ sử dụng khi xác định có nhiễm khuẩn, khi các triệu chứng lâm sàng gợi ý đến tình trạng nhiễm khuẩn hoặc trong một số trường hợp đặc biệt khác. Các kháng sinh thường sử dụng trong viêm phế quản cấp là kháng sinh nhóm β-lactam phối hợp với chất ức chế β-lactamase như Amoxicillin + Acid clavulanic; kháng sinh nhóm Quinolone như Levofloxacin, Moxifloxacin (Quinolone hô hấp); kháng sinh nhóm Macrolide như Azithromycin, Clarithromycin, Erythromycin; kháng sinh nhóm Tetracycline như Doxycycline.

Các nhóm thuốc kháng sinh này có một số điểm đặc biệt cần lưu ý sau:

  • Nhóm β-lactam phối hợp với chất ức chế β-lactamase: Kháng sinh nhóm này có tác dụng tốt trên nhiều vi khuẩn gây bệnh, trừ các vi khuẩn không điển hình. Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây viêm phế quản cấp là các vi khuẩn không điển hình, không nên sử dụng nhóm kháng sinh này. Ngoài ra, cũng cần thận trọng với tác dụng không mong muốn điển hình của nhóm kháng sinh này, đó là khả năng gây dị ứng. Các phản ứng dị ứng có thể là nhẹ (nổi mày đay, phát ban da, ngứa…) nhưng cũng có thể rất nặng (phản ứng phản vệ), có thể gây tử vong. Vì lẽ đó, cần khai thác kĩ tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân trước khi kê đơn nhóm kháng sinh này.

    Thuốc Augmentin 1g dạng viên nén
    Thuốc Augmentin 1g dạng viên nén

Tham khảo thêm: Thuốc Augmentin 625mg: Tác dụng, liều dùng & tác dụng phụ

  • Nhóm Quinolone: Các kháng sinh này có phổ tác dụng rộng trên tất cả các vi khuẩn có khả năng gây bệnh. Tuy nhiên những tác dụng không mong muốn cũng khá nhiều. Đây thường là nhóm kháng sinh dự trữ, chỉ dùng khi các nhóm khác không còn hiệu quả. Các tác dụng không mong muốn điển hình của nhóm kháng sinh này có thể kể đến, đó là kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ (ECG), tăng nguy cơ xoắn đỉnh và rung thất; nhạy cảm ánh sáng; ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn (có bằng chứng trên động vật còn non) và gân, đặc biệt là gân Achilles; rối loạn tâm thần (liều cao)… Quinolone chống chỉ định cho trẻ em dưới 18 tuổi (chống chỉ định tương đối). Ngoài ra các thuốc nhóm này khi sử dụng đồng thời với các thuốc hoặc sản phẩm khác chứa nhiều ion kim loại hóa trị II, III như calci, nhôm, sắt, magnesi… (ví dụ: các thuốc kháng acid dạ dày, các chế phẩm bổ sung sắt, calci…), chúng sẽ tạo phức chelate (càng cua) với các ion kim loại này, gây giảm hấp thu, giảm sinh khả dụng và giảm hiệu quả của thuốc. Vậy nên rất cần chú ý về thời điểm dùng thuốc. Nên dùng các kháng sinh nhóm này trước 2 giờ hoặc sau 4-6 giờ so với các thuốc chứa các ion kim loại nói trên.
  • Nhóm Macrolide: Các kháng sinh nhóm này có tác dụng tốt trên hầu hết các vi khuẩn có khả năng gây bệnh, trừ với phế cầu thì hiệu lực không chắc chắn. Phế cầu có tỷ lệ đề kháng tự nhiên với Macrolide là 25%, chưa kể hiện nay tình trạng đề kháng thu được của các chủng phế cầu đang ngày càng tăng cao. Vậy nên các kháng sinh trong nhóm này chỉ nên dùng cho các đối tượng bệnh nhân trước đó khỏe mạnh. Nhìn chung thì các kháng sinh nhóm này khá an toàn. Tác dụng không mong muốn có thể gặp phải là kéo dài khoảng QT trên ECG, tương tự như các Quinolone. Trong 3 thuốc là Erythromycin, Clarithromycin và Azithromycin, Erythromycin và Clarithromycin ức chế mạnh hệ enzyme chuyển hóa thuốc ở gan CYP450, đặc biệt là CYP3A4, do đó có nguy cơ tương tác cao với nhiều thuốc khác. Còn Azithromycin lại không có tương tác thuốc này. Một điểm đặc biệt nữa của Azithromycin là kháng sinh này có tính “hướng mô” rất cao, thời gian bán thải (t1/2) lên tới 2-4 ngày, do vậy thời gian dùng thuốc thường ngắn hơn bình thường (Phác đồ 1: 500 mg/ngày x 3 ngày; Phác đồ 2: 500 mg ngày đầu tiên, 250 mg/ngày cho 4 ngày tiếp theo).

Tham khảo thêm: Thuốc Erythromycin: Cơ chế tác dụng, chỉ định, kết quả thử nghiệm lâm sàng

  • Nhóm Tetracycline: Chỉ dùng Doxycycline. Các kháng sinh thuộc thế hệ cũ hơn trong nhóm này đã bị kháng thuốc nhiều do trước đây bị lạm dụng. Doxycycline có phổ tác dụng trên tất cả các vi khuẩn có khả năng gây bệnh. Nhưng giống như các kháng sinh thuộc nhóm Macrolide, Doxycycline chỉ nên sử dụng ở bệnh nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Một số tác dụng không mong muốn của Doxycycline bao gồm kích ứng đường tiêu hóa, loét thực quản, nhạy cảm ánh sáng… nhưng quan trọng nhất là nó tạo phức bền với calci ở xương và răng, làm xương và răng chuyển màu vàng, giảm khả năng phát triển. Vì vậy, thuốc bị chống chỉ định cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi (chống chỉ định tương đối). Doxycycline cũng có khả năng tương tác với các thuốc hoặc sản phẩm khác chứa nhiều ion kim loại hóa trị II, III với cơ chế tương tự như Quinolone. Vậy nên lưu ý về thời điểm sử dụng thuốc để tránh tương tác thuốc cũng tương tự.
Hình ảnh: Thuốc Doxycyclin
Hình ảnh: Thuốc Doxycyclin
  • Thuốc kháng virus: Thường hiếm khi phải sử dụng. Chỉ nên sử dụng trong một số trường hợp viêm phế quản cấp nặng do nguyên nhân là virus. Thuốc kháng virus ưu tiên sử dụng trong các trường hợp như này là các thuốc ức chế neuraminidase như Oseltamivir và Zanamivir.

Tham khảo thêm: Thuốc Oseltamivir: Cơ chế tác dụng, bằng chứng lâm sàng về hiệu quả điều trị

Hướng dẫn điều trị viêm phế quản cấp của Bộ Y tế

Bộ Y tế khuyến cáo không dùng kháng sinh thường quy cho viêm phế quản cấp do nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus. Viêm phế quản cấp do virus không cần điều trị mà sẽ tự khỏi.

Chỉ sử dụng kháng sinh trong các trường hợp sau:

  • Các triệu chứng lâm sàng không cải thiện, hoặc cải thiện quá chậm.
  • Bệnh nhân ho có đờm mủ, đờm màu xanh hoặc vàng (chú ý điều này không khẳng định chắc chắn được là bệnh nhân đã có nhiễm khuẩn hay chưa).
  • Bệnh nhân có các bệnh lý mạn tính mắc kèm liên quan đến tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, suy tim…), gan (xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu…), thận (viêm cầu thận mạn, suy thận mạn, hội chứng thận hư…), phổi (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD…), hệ thần kinh – cơ (nhược cơ, tăng trương lực cơ, một số dạng viêm cơ…) hoặc suy giảm miễn dịch (thiểu năng miễn dịch bẩm sinh dòng lympho T, B, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải AIDS…).
  • Bệnh nhân cao tuổi (> 65 tuổi cộng với tối thiểu 2 dấu hiệu hoặc > 80 tuổi cộng với tối thiểu 1 dấu hiệu): Đã từng nhập viện trong 1 năm trở lại đây; đang sử dụng corticoid đường uống; đang mắc đái tháo đường hoặc có tiền sử suy tim sung huyết.

Các kháng sinh được lựa chọn cho bệnh nhân viêm phế quản cấp sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ.

  • Trong trường hợp bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh trước đó, các kháng sinh được ưu tiên kê đơn cho bệnh nhân là nhóm Macrolide (Erythromycin, Clarithromycin và Azithromycin) và Doxycycline.
  • Trong trường hợp bệnh nhân không khỏe mạnh trước đó, bao gồm tiền sử sử dụng kháng sinh trong 3 tháng gần đây, bệnh nhân cao tuổi hoặc mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo, ưu tiên kê đơn kháng sinh nhóm β-lactam phối hợp với chất ức chế β-lactamase (Amoxicillin + Acid clavulanic) hoặc nhóm Quinolone (Levofloxacin, Moxifloxacin).
  • Đặc biệt, nếu nghi ngờ viêm phế quản do vi khuẩn không điển hình (M.pneumoniae, C.pneumoniae) (ho dai dẳng và các triệu chứng đường hô hấp trên điển hình, tuy nhiên thường khó chẩn đoán), các kháng sinh nên được kê đơn là Doxycycline, các kháng sinh nhóm Macrolide hoặc Quinolone hô hấp.
  • Với viêm phế quản cấp nặng do virus cúm, Oseltamivir và Zanamivir có thể được sử dụng trong vòng 48 giờ kề từ khi các triệu chứng xuất hiện.
Bảng: Lựa chọn kháng sinh điều trị kinh nghiệm trong viêm phế quản cấp do vi khuẩn.
Bảng: Lựa chọn kháng sinh điều trị kinh nghiệm trong viêm phế quản cấp do vi khuẩn.
  • Chỉ nên sử dụng các thuốc giãn phế quản (Salbutamol, Salmeterol, Terbutaline) trong trường hợp nghe phổi thấy có rale ngáy, rale rít.

Hướng dẫn điều trị viêm phế quản cấp của Bộ Y tế không khuyến cáo sử dụng thuốc giảm ho (không hoặc có ít bằng chứng) và long đờm (không có thử nghiệm lâm sàng ủng hộ), mà chỉ khuyến cáo bệnh nhân nên uống nhiều nước giúp khạc đờm dễ dàng hơn.

Điều trị viêm phế quản cấp theo y học cổ truyền

Chỉ nên sử dụng các thuốc y học cổ truyền trong trường hợp viêm phế quản cấp mà không cần chỉ định kháng sinh (theo Hướng dẫn của Bộ y tế).

Dưới đây là một số nhóm thuốc y học cổ truyền có thể sử dụng để điều trị triệu chứng cho bệnh nhân (không có thuốc điều trị nguyên nhân).

Thuốc chỉ khái (giảm ho): Gồm 2 phân nhóm nhỏ hơn là ôn phế chỉ khái (ấm phổi giảm ho) và thanh phế chỉ khái (mát phổi giảm ho). Dùng thuốc “ôn” hay thuốc “thanh” sẽ tùy thuộc vào bản chất bệnh của bệnh nhân là “âm” hay “dương”, “hàn” hay “nhiệt”.

Ôn phế chỉ khái: Đại diện cho nhóm này có bách bộ, lai phục tử (hạt củ cải) và hạnh nhân.

  • Bách bộ (Radix Stemonae tuberosae): Bộ phận dùng là rễ cây bách bộ (tên khoa học Stemona tuberosa Lour., họ Bách bộ Stemonaceae). Thuốc có vị ngọt và đắng, tính ôn, quy kinh phế. Ngoài tác dụng ôn phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng thanh tràng (tốt cho bệnh nhân viêm đại tràng mạn tính), có thể dùng trong diệt giun kim và chấy rận. Chú ý không dùng bách bộ cho những người có đường tiêu hóa kém, đang ỉa chảy.
  • Lai phục tử (Semen Raphani): Bộ phận dùng là hạt chín, đã phơi khô của cây củ cải (tên khoa học Raphanus sativus L., họ Cải Brassicaceae). Thuốc có vị ngọt và cay, tính bình, quy kinh phế (ngoài ra có cả tỳ vị). Ngoài tác dụng ôn phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng tiêu thực hóa tích (tốt cho bệnh nhân đầy bụng, khó tiêu, tiêu hóa kém), lấy thai chết lưu.
  • Hạnh nhân (Semen Armeniacae amarum): Bộ phận dùng là nhân hạt của quả mơ tên khoa học Prunus armeniaca, họ Hoa hồng Rosaceae). Thuốc có vị đắng, tính ôn, quy kinh phế. Ngoài tác dụng ôn phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng nhuận tràng (tốt cho bệnh nhân táo bón). Chú ý không dùng cho người đang ỉa chảy. Không giống 2 thuốc ôn phế chỉ khái trên, hạnh nhân có độc tính cao hơn do có chứa HCN (độc tố cyanide), không được dùng cho trẻ em, kể cả người lớn cũng không được dùng quá nhiều.
Hạnh nhân: nhân hạt của quả mơ
Hạnh nhân: nhân hạt của quả mơ

Thanh phế chỉ khái: Đại diện cho nhóm này có tỳ bà diệp, cóc mẳn, tang bạch bì, tiền hồ, mướp và mỏ quạ.

  • Tỳ bà diệp (Folium Eriobotryae japonicae): Bộ phận dùng là lá của cây tỳ bà (tên khoa học Eriobotryae japonicae Thunb. (Lindl), họ Hoa hồng Rosaceae). Thuốc có vị đắng, tính bình, quy kinh phế (ngoài ra còn có quy cả kinh vị). Ngoài tác dụng thanh phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng thanh vị chỉ nôn. Chú ý lá tỳ bà có lông, trước khi dùng phải loại bỏ nếu không uống vào sẽ gây ho do kích ứng cổ họng.
  • Cóc mẳn (Herba Centipedae): Thuốc còn có tên khác là nga bất thực thảo, hoặc thanh minh thái. Bộ phận dùng là toàn cây, bao gồm cả hoa của cây cóc mẳn (tên khoa học Centipeda minima L., họ Cúc Asteraceae). Thuốc có vị cay và đắng, tính ôn, quy kinh phế (kinh còn lại là can). Ngoài tác dụng thanh phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng làm thông mũi, thanh can sáng mắt (do “can khai khiếu ra mắt”, tốt cho người viêm giác mạc), bình can hạ áp (tốt cho người tăng huyết áp) và thanh nhiệt tiêu độc (dùng trong trường hợp dị ứng).
  • Tang bạch bì (Cortex Mori radicis): Bộ phận dùng là vỏ của rễ cây dâu (tên khoa học Morus alba L., họ Dâu tằm Moraceae). Thuốc có vị ngọt, tính hàn, quy kinh phế. Ngoài tác dụng thanh phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng lợi niệu (lợi tiểu), tốt cho bệnh nhân phù thũng, hoặc tiểu khó.
  • Tiền hồ (Radix Peucedani): Bộ phận dùng là rễ của cây tiền hồ (tên khoa học Peucedanum decursivum Maxim., họ Cần Apiaceae). Thuốc có vị cay và đắng, tính hàn, quy kinh phế. Ngoài tác dụng thanh phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng tân lương giải biểu (do nhiệt tà phạm biểu).
  • Mướp (Herba Luffae): Bộ phận dùng là tất cả các phần trên mặt đất của cây mướp (tên khoa học Luffa cylindrica L., họ Bí Cucurbitaceae). Thân mướp được gọi là ty qua đằng, lá mướp được gọi là ty qua diệp, còn xơ mướp thì được gọi là ty qua lạc. Ty qua đằng và ty qua diệp có vị chua và đắng, tính lương, còn ty qua lạc có vị ngọt, tính bình, tất cả đều quy kinh phế. Ngoài tác dụng thanh phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng làm thông mũi, giải độc (dùng trong sưng viêm), chỉ huyết (cầm máu) và thông kinh lạc (chữa đau nhức xương khớp).
  • Mỏ quạ (Herba Cudraniae): Thuốc còn có tên khác là xuyên phá thạch. Bộ phận dùng là vỏ rễ, rễ hoặc lá của cây mỏ quạ (tên khoa học Cudrania cochinchinensis (Lour), họ Dâu tằm Moraceae). Thuốc có vị đắng, tính lương, quy kinh phế (kinh còn lại là thận). Ngoài tác dụng thanh phế chỉ khái, thuốc còn có tác dụng giải độc (dùng trong mụn nhọt) và trừ phong chỉ thống (giảm đau do phong thấp).
Hình ảnh: Cây Mỏ quạ
Hình ảnh: Cây Mỏ quạ

Ma hoàng: Đây là một trường hợp khá đặc biệt. Ma hoàng có chứa hàm lượng Ephedrine tương đối cao. Ephedrine là một thuốc cường giao cảm, có tác dụng làm co mạch mũi (thông mũi, giảm nghẹt mũi), đồng thời làm giãn cơ trơn phế quản (giảm khó thở trong các trường hợp bệnh nhân cảm thấy khó thở do chít hẹp đường dẫn khí).

Thuốc hóa đàm: Vì Hướng dẫn Bộ Y tế cho biết không có bằng chứng (thử nghiệm lâm sàng) về hiệu quả của thuốc long đờm (trong nhóm các thuốc tân dược) trong điều trị viêm phế quản cấp nên chúng ta cũng sẽ không bàn đến các thuốc hóa đàm trong y học cổ truyền.

Viêm phế quản cấp có nguy hiểm không và biến chứng của viêm phế quản cấp

Nhìn chung, đa phần các trường hợp viêm phế quản cấp là không nguy hiểm. Đa phần các trường hợp không cần điều trị mà sẽ tự khỏi.

Biến chứng có thể liên quan đến viêm phế quản cấp nhiều nhất là viêm phổi. Điều này thường xảy ra do nguyên nhân là bội nhiễm vi khuẩn (không giống với viêm phế quản cấp có nguyên nhân chủ yếu là virus, nguyên nhân gây ra viêm phổi chủ yếu là vi khuẩn). Bội nhiễm dễ xảy ra ở những người có hệ miễn dịch yếu hơn người bình thường như người già, trẻ em, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch…

Viêm phế quản cấp có nguy hiểm hay không ?
Viêm phế quản cấp có nguy hiểm hay không ?

Viêm phế quản cấp có lây không?

Về mặt lý thuyết thì viêm phế quản cấp hoàn toàn có thể lây được. Con đường lây bệnh là đặc trưng qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn ra khi bệnh nhân ho hay hắt hơi. Các giọt bắn này có thể chứa các virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi ở gần người khác (chưa bị bệnh) mà không ai trong số 2 đối tượng này đeo khẩu trang, thì người chưa bị bệnh hoàn toàn có thể hít phải các giọt bắn này và nhiễm phải virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.

Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết, thông thường với một người bình thường, với hệ miễn dịch hoàn toàn khỏe mạnh, họ rất khó có thể bị lây viêm phế quản cấp từ người bệnh. Sự lây bệnh thường chỉ có liên quan đến các đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm, như người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, trẻ nhỏ…

Kế hoạch chăm sóc và chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân viêm phế quản cấp

Nhìn chung, chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản cấp không phải là vấn đề cần quan tâm vì hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Kể cả khi phải sử dụng kháng sinh do có nhiễm khuẩn hay một số trường hợp đặc biệt khác, bệnh nhân cũng thường chỉ cần điều trị ngoại trú đơn giản (thời gian thông thường là 7-10 ngày).

Triệu chứng ho của viêm phế quản cấp mặc dù chỉ là một triệu chứng bình thường và hiếm khi cần điều trị, nhưng nếu ho quá nhiều, đặc biệt là về ban đêm sẽ làm cho bệnh nhân khó chịu, mệt mỏi, mất ngủ, đặc biệt là với trẻ em hoặc người già. Khi đó, có thể xem xét sử dụng thuốc giảm ho ngắn hạn. Hai thuốc giảm ho phổ biến là Codeine và Dextromethorphan, trong đó thuốc thứ hai được ưa dùng hơn.

Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân viêm phế quản cấp cũng không có gì đặc biệt. Hướng dẫn điều trị viêm phế quản cấp của Bộ Y tế khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước. Ngoài ra, Hướng dẫn cũng khuyến cáo bệnh nhân nên vệ sinh răng miệng thường xuyên, cai thuốc lá (nếu hút thuốc lá), tránh xa các môi trường ô nhiễm, khói bụi, chú ý giữ ấm cơ thể về mùa lạnh.

Bỏ thói quen hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc
Bỏ thói quen hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc.

Để phòng bệnh tốt hơn, bệnh nhân nên được điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai – mũi – họng, điều trị duy trì tốt và ổn định các bệnh lý mạn tính kèm theo. Nếu có điều kiện, nên tiêm phòng vaccin cúm (hàng năm) và phế cầu (mỗi 5 năm) định kỳ, đặc biệt là trên những đối tượng bệnh nhân cao tuổi (≥ 65 tuổi), có suy tim, bệnh lý phổi mạn tính hoặc đã cắt lách.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây