[CHÚ Ý] Bà bầu bị mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi? Cách chữa?

5/5 - (1 bình chọn)

Đối với nhiều phụ nữ đã và đang trong giai đoạn mang thai, việc xuất hiện tình trạng mất ngủ là một điều thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân gây ra hiện tượng này và liệu rằng việc bị mất ngủ trong thai kì có gây ra những hậu quả gì nghiêm trọng hay không, có những phương pháp nào để cải thiện tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ cũng cấp cho các mẹ bầu những thông tin liên quan đến tình trạng này.

Mất ngủ ở bà bầu là gì?

Mất ngủ ở phụ nữ đang trong thai kì là hiện tượng mẹ bầu khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên không ngủ được vào ban đêm. Các biểu hiện chính của tình trạng này bao gồm:

  • Rất khó để di vào giấc ngủ, nằm xuống rất lâu nhưng không ngủ được.
  • Khi ngủ được thì ngủ không sâu giấc, rất dễ bị đánh thức bởi những tiếng động rất nhỏ, thậm chí tự tỉnh dậy vào giữa đêm
  • Khi đã tỉnh dậy thì rất khó để ngủ được trở lại
  • Sau một giấc ngủ, sáng tỉnh dậy nhưng không thấy khỏe khoắn, sảng khoái mà vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể khó chịu

Đây là một tình trạng rối loạn về giấc ngủ, thường xuất hiện ở những tháng đầu và cuối của thai kì, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các mẹ bầu có thể mắc hội chứng này trong suốt thời gian mang thai. Tình trạng này gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của sản phụ một cách nghiêm trọng.

Nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ

Ốm nghén

Ốm nghén ở bà bầu
Nguyên nhân

Ốm nghén là hiện tượng thường xảy ra ở những tháng đầu của thai kì, được đặc trưng bằng các biểu hiện: mệt mỏi, hay cảm thấy buồn nôn và ói mửa, đặc biệt trước các loại thức ăn. Việc ốm nghén kéo dài dẫn đến tình trạng chán ăn, cơ thể suy nhược và thiếu các chất dinh dưỡng. Điều này là nguyên nhân khiến các bà bầu không thể nghỉ ngơi một cách thoải mái, cơ thể luôn cảm thấy khó chịu, đôi khi các cơn nghén còn xuất hiện vào ban đêm càng khiến phụ nữ mang thai khó chìm vào giấc ngủ, từ đó dẫn đến hiện tượng dễ bị mất ngủ trong thời kì này.

Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm

Cơ thể mẹ nuôi dưỡng bào thai bằng các chất dinh dưỡng, các chất này qua nhau thai đi vào máu em bé rồi lại thải các chất độc hại từ bào thai vào máu mẹ và được đào thải ra ngoài, vì vậy trong suốt thời kì mang thai, chức năng thận của mẹ bầu sẽ phải tăng hoạt động lên 30 – 50% so với bình thường. Điều này khiến hàm lượng Ure trong máu mẹ tăng cao và lượng nước tiểu của mẹ cũng nhiều hơn bình thường, khiến mẹ phải đi tiểu thường xuyên hơn (cách vài tiếng phải đi tiểu một lần), nên việc đi tiểu vào ban đêm cũng thường xảy ra hơn.

Hơn nữa, sự phát triển ngày một lớn dần của em bé trong tử cung của người mẹ là một gánh nặng chèn ép lên bàng quang. Bàng quang bị chèn ép không thể giữ nhiều nước tiểu trong thời gian dài như bình thường, khiến mẹ phải đi tiểu liên tục kể cả vào ban đêm.

Việc đi tiểu đêm thường xuyên khiến giấc ngủ của các bà bầu bị ảnh hưởng, không thể vào giấc ngủ sâu, dễ bị thức dậy và khi thức dậy thì rất khó ngủ lại, gây nên hiện tượng mất ngủ một cách thường xuyên

Bụng to ra khiến khó thay đổi tư thế ngủ

Mang một “chiếc” bụng ngày càng to ra khiến các mẹ rất khó để tìm được một tư thế nằm ngủ thích hợp, làm sao vừa dễ chịu mà lại vừa an toàn cho thai nhi. Ngoài ra, việc phải duy trì lâu một tư thế khi nằm ngủ mà khó thay đổi sang tư thế khác cũng khiến các mẹ cảm thấy không thoải mái, khó ngủ hơn, dẫn đến chứng mất ngủ.

Bị đau lưng, chuột rút

Đau lưng, chuột rút
Đau lưng, chuột rút ở bà bầu

Ở những tháng cuối của thai kì, những cơn đau do chuột rút ở đùi, bắp chân có thể xuất hiện một cách đột ngột, đặc biệt là vào ban đêm khiến giấc ngủ của các mẹ bầu bị rối loạn. Các mẹ thường thức dậy vào ban đêm vì các cơn đau bất ngờ xuất hiện, sau đó khó có thể tiếp tục đi vào giấc ngủ

Ngoài ra, sự phát triển ngày một lớn dần của thai nhi là một tác nhân tạo nên gánh nặng của lưng và chân do đây là các bộ phận phải chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể. Đó là lý do mà các thai phụ thường hay bị đau lưng kể cả khi nằm xuống, điều này khiến giấc ngủ của các mẹ bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng mất ngủ

Stress khi mang thai

Hormon Progesteron (hay còn được gọi là hormon thai kì) sẽ được tăng tiết khi phụ nữ bắt đầu bước vào thời kì mang thai. Sự thay đổi lượng hormon này là một trong những nguyên nhân khiến các bà bầu trở nên nhạy cảm hơn, thường dễ tức giận hay cảm thấy lo âu kể cả trong những chuyện nhỏ nhặt.

Hơn nữa, những mối quan tâm và lo lắng khi mang thai và cả chuyện sau khi sinh con cũng khiến các mẹ dễ trở nên stress: lo lắng liệu con có phát triển tốt không, liệu mình có chăm sóc tốt được cho con không, những kế hoạch sau kh sinh con và các mối lo khác. Chính điều này là một nguyên nhân lớn khiến các bà bầu bị ảnh hưởng về tâm lý và thường xuyên bị mất ngủ.

Tiêu hóa kém

Nếu trong những tháng đầu của thai kì, tình trạng ốm nghén khiến các mẹ không ăn uống được gì thì ở những tháng sau, khi tình trạng này biến mất, các mẹ có xu hướng ăn nhiều hơn và bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Trong khi đó, vào thời kì mang thai, hệ tiêu hóa của mẹ cũng hoạt động kém hơn, điều này khiến thức ăn bị tồn đọng lâu trong dạ dày mà không tiêu hóa được hết, dẫn đến các triệu chứng ợ hơi, khó tiêu, táo bón. Chính những khó chịu này góp phần khiến bà bầu không có được một giấc ngủ ngon

Sự phát triển lớn dần của thai nhi ở những tháng cuối thai kì cũng là một nguyên nhân chèn ép lên hệ tiêu hóa của người mẹ, khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu trong giai đoạn này.

Mất ngủ khi mang thai gây ra hậu quả gì?

Một điều khiến các mẹ có thể yên tâm đó là giấc ngủ của em bé hoàn toàn độc lập với giấc ngủ của người mẹ, do đó thai nhi có thể ngủ trong lúc mẹ đang thức. Vì vậy, việc mẹ bị mất ngủ khi mang thai không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của thai nhi.

Tuy nhiên, việc bị mất ngủ trong thời gian kéo dài có thể gây ra các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà bầu: mệt mỏi, chán ăn, kiệt sức, suy nhược cơ thể. Mất ngủ kéo dài còn khiến thần kinh căng thẳng, đau đầu và là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng tăng huyết áp thai kì.

Sức khỏe của mẹ suy giảm do tình trạng mất ngủ mang lại cũng làm chậm đi sự phát triển của thai nhi. Một số trẻ có mẹ bị mất ngủ kéo dài khi mang thai có thể nhẹ cân và chậm phát triển hơn so với bình thường. Trong một số trường hợp, điều này còn ảnh hưởng trực tiếp và gây ra chứng thiếu máu ở trẻ sơ sinh, do ban đêm là thời gian tủy sống tạo máu nên việc mẹ mất ngủ có thể ảnh hưởng tới quá trình này.

Ngoài ra, việc bị mất ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của các bà bầu. Thiếu ngủ khiến phụ nữ có thai không giữ được trạng thái tỉnh táo, hay mệt mỏi nên dễ vấp ngã hơn, dễ ngủ gục khi lái xe, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi và làm gia tăng nguy cơ sảy thai do những va chạm này đem lại

Nếu bà bầu bị mất ngủ ở những tháng cuối của thai kì (thời gian ngủ ít hơn 6 tiếng một ngày), bà bầu sẽ có nguy cơ sinh mổ cao hơn, thời gian chuyển dạ lâu hơn so với những phụ nữ được ngủ đủ giấc.

Tìm hiểu thêm: [Chia sẻ] Cách chữa ho cho bé khi ngủ vào ban đêm đơn giản và hiệu quả

Cải thiện chứng mất ngủ ở bà bầu

Trong 3 tháng đầu thai kì

Uống nước tăng chuyển hóa
Uống nước tăng chuyển hóa trong 3 tháng đầu

Trong 3 tháng đầu của thai kì, các mẹ bầu thường bị mất ngủ do sự gia tăng đột ngột hormon progesteron, các triệu chứng ốm nghén và sự gia tăng hoạt động của thận. Vì vậy, để cải thiện giấc ngủ trong gia đoạn này, mẹ bầu có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • 3 tháng đầu là thời kì nhạy cảm, vì vậy các bà bầu hãy giành thời gian tối đa để nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh và đi ngủ bất cứ khi nào bạn cảm thấy buồn ngủ
  • Vào ban ngày, bạn hãy bổ sung nhiều nước để tăng chuyển hóa trong cơ thể, tuy nhiên hạn chế uống nước và các thực phẩm lỏng vào buổi tối để giảm thiểu số lần đi tiểu vào ban đêm
  • Với những người có triệu chứng ốm nghén nặng, có thể sử dụng bánh quy hoặc đồ ăn nhẹ để chống lại các triệu chứng buồn nôn. Có thể chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh tình trạng dạ dày trống rỗng
  • Khi ngủ, các mẹ bầu hãy nằm nghiêng về bên trái để máu có thể lưu thông tốt hơn. Có thể đặt thêm gối ở dưới bụng hoặc giữa hai chân để tư thế ngủ trở nên thoải mái hơn, dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn và có được giấc ngủ sâu hơn
  • Tạo ra một thói quen đi ngủ cho bản thân bằng việc đi ngủ vào cùng một thời điểm hàng ngày. Thói quen này sẽ giúp cải thiện tình trạng khó ngủ ở các mẹ bầu

Cải thiện chứng mất ngủ trong 3 tháng giữa thai kì

Trong giai đoạn này, sức khỏe của mẹ bầu được cải thiện hơn, thai nhi bắt đầu phát triển ổn định, các triệu chứng ốm nghén dần dần biến mất. Hiện tượng mất ngủ được cải thiện hơn ở nhiều người, tuy nhiên cũng còn có rất nhiều bà bầu bị mất ngủ trong giai đoạn này. Nguyên nhân là do sự phát triển lớn dần của thai nhi, hệ tiêu hóa hoạt động kém đi, các triệu chứng khó thở và tăng nhịp tim

Vì vậy, để cải thiện chứng mất ngủ ở giai đoạn này, các mẹ có thể áp dụng các lưu ý sau:

  • Ăn các loại đồ ăn thanh đạm mà vẫn bổ sung được đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng rau củ quả. Tránh ăn các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc nhiều chất béo để giảm hiện tượng ợ hơi, ợ cay
  • Khi ngủ, hãy đặt đầu và cổ cao hơn so với cơ thể (nằm ngủ trên gối cao) để tránh hiện tượng dịch vị dạ dày trào ngược lên cổ gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ
  • Để giảm áp lực nặng nề của thai nhi lên cơ thể, các mẹ bầu nên nằm trong tư thế nghiêng, đầu gối và hông cong, có thể đặt thêm gối ở sau lưng, trước bụng và giữa hai đầu gối để tư thế ngủ thêm thoải mái
  • Tránh ăn quá nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ, hạn chế thói quen ăn đêm
  • Chia sẻ những suy nghĩ, áp lực, sự khó chịu gặp phải khi mang thai với chồng, gia đình và bạn bè xung quanh để luôn giữ được tâm trạng thoải mái nhất

Trong 3 tháng cuối của thai kì

Tập thể dục thể thao thường xuyên
Tập thể dục mỗi ngày

Đây là giai đoạn dễ xuất hiện hiện tượng mất ngủ ở phụ nữ mang thai nhất bởi trong thời kì này, cơ thể mẹ sẽ trở nên rất nặng nề, đôi khi còn không thể tự đi bộ một cách bình thường, việc lựa chọn được một tư thế thoái mái là rất khó khăn. Hơn nữa, ở trong giai đoạn này, bé đang trên đà phát triển hoàn thiện nên sẽ cử động mạnh và thường xuyên, điều này gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ. Các cơn chuột rút và tâm lí lo lắng căng thẳng khi sắp vượt cạn cũng là một nguyên nhân lớn.

Cách giảm tình trạng mất ngủ trong thời kì này mà các mẹ có thể áp dụng bao gồm:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, thực hiện các loại vận động nhẹ như đi bộ hàng ngày để lưu thông khí huyết, vừa giúp dễ ngủ hơn vừa giúp cho các mẹ dễ dàng hơn trong lúc vượt cạn
  • Để tránh tình trạng chuột rút trong giai đoạn này, nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi vào khẩu phần ăn hàng ngày, đồng thời cung cấp đủ muối cho cơ thể
  • Khi gặp hiện tượng chuột rút khiến bạn tỉnh dậy trong giấc ngủ, hãy duỗi thẳng chân, sau đó uốn cong bàn chân, giữ một vài phút đau đớn sẽ giảm dần. Để tránh hiện tượng này, các mẹ bầu cũng có thể thực hiện điều này hoặc massage chân một cách nhẹ nhàng trước khi đi ngủ
  • Luôn giữ cho tâm trạng thoải mái, vui vẻ chờ đợi sự ra đời của con bằng cách: chuẩn bị các đồ dùng cần thiết khi sinh, lên kế hoạch một cách chu toàn cho sự chào đời của con, chia sẻ với người thân những suy nghĩ của bản thân mình. Tránh những cảm xúc lo âu căng thẳng làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của sản phụ
  • Chuẩn bị một phòng ngủ thoải mái, sạch sẽ thoáng mát nếu vào mùa hè hoặc ấm cúng vào mùa đông để sản phụ có được một giấc ngủ thoái mái nhất

Một số câu hỏi thường gặp về mất ngủ khi mang thai

Mang thai một ngày ngủ bao nhiêu giờ là tốt?

Các bác sĩ khuyến cáo các mẹ bầu nên duy trì giấc ngủ khoảng 8 tiếng vào ban đêm trong một ngày để tạo điều kiện tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Khi mẹ bầu xuất hiện tình trạng khó ngủ, mất ngủ vào ban đêm và ngủ ít hơn 8 tiếng, các mẹ nên ngủ trưa nhiều hơn để bù lại. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là tìm cách cải thiện tình trạng này để duy trì được trạng thái tốt nhất cho cơ thể.

Tìm hiểu thêm: [CHIA SẺ] Cách chữa bệnh trĩ cho bà bầu đơn giản tại nhà

Mất ngủ là dấu hiệu đã mang thai?

Mất ngủ có thể được coi là một trong những dấu hiệu của việc bạn đã mang thai, tuy nhiên đây không phải là một triệu chứng quá điển hình. Nếu triệu chứng mất ngủ đi kèm với các dấu hiệu khác như: đau lưng, hơi tức ngực, buồn nôn trước các mùi lạ, nôn, đi tiểu thường xuyên thì rất có thể đó chính là dấu hiệu cho việc bạn đã mang thai

Bà bầu bị mất ngủ có nên dùng thuốc không?

Câu trả lời được đưa ra là không nên dùng thuốc để điều trị hiện tượng mất ngủ này. Bởi vì phần lớn các loại thuốc ngủ đều không được xếp vào loại A (là loại đã được kiểm nghiệm và có bằng chứng tin cậy không gây hại cho thai nhi). Các loại thuốc này được xếp vào hạng B và C – là những thuốc chưa ghi nhận hoặc chưa có bằng chứng chắc chắn về sự an toàn với mẹ bầu. Vì vậy, việc sử dụng thuốc khi bị mất ngủ đối với phụ nữ mang thai là rất nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi

Không chỉ các loại thuốc mà đối với các sản phẩm là thực phẩm chức năng, các bà bầu cũng nên thận trọng trước khi sử dụng và chỉ có thể sử dụng khi đã có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

Bà bầu bị mất ngủ có phải là dấu hiệu sắp chuyển dạ?

Mất ngủ là dấu hiệu của chuyển dạ?
Dấu hiệu chuyển dạ

Nếu bạn đang ở trong giai đoạn cuối của thai kì thì tình trạng mất ngủ xuất hiện có thể được xem là một dấu hiệu trước khi chuyển dạ. Bởi ở thời điểm này, hormon Oxytocin bắt đầu được tiết ra mạnh mẽ gây nên các cơn co sinh lý vào ban đêm, khiến các mẹ bầu đi tiểu đêm thường xuyên hơn bình thường. Ngoài ra, hormon này còn làm tăng cảm giác đau lưng và khiến mẹ trở nên tỉnh táo, khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc khi về đêm.

Oxytocin là một hormon được tiết ra khi mẹ bầu chuẩn bị đến thời điểm sinh nở, vì vậy, việc bị mất ngủ ở giai đoạn cuối của thai kì chính là một dấu hiệu cho việc bạn sắp đến thời điểm chuyển dạ.

Tìm hiểu thêm: Cách chữa đau đầu cho bà bầu theo mẹo dân gian nhanh nhất

1 BÌNH LUẬN

  1. mình có thai được 3 tháng, ngủ không được sâu, cứ đến giữa đêm lại tự thức giấc không ngủ được, thấy tập thể dục cũng đỡ đỡ chứ chẳng ngủ sâu được

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây