Bệnh Whitmore: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị

5/5 - (1 bình chọn)

Mới đây tại một số bệnh viện lớn đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm một loại bệnh tương đối hiếm gặp. Theo thống kê ở Bệnh viên Đa Khoa tỉnh Yên Bái tính đến nay đã phát hiện 6 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, tuy nhiên chỉ cứu được 2 người, 4 người khác đã tử vong do quá chủ quan nên vào viện muộn. Vậy bệnh Whitmore là gì? Tại sao nó lại nguy hiểm đến như vậy. Hãy cùng Phòng chống tham nhũng ngành dược phân tích.

Bệnh Whitmore là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng do một vi khuẩn có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei gây ra. Đây là một vi khuẩn gram âm, hình que, hiếu khí và có khả năng di động. Nó sống trong đất ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, đặc biệt ở vùng Đông Nam Á và Bắc Úc.

Burkholderia pseudomallei
Hình ảnh: Burkholderia pseudomallei

Bệnh Whitmore không phải là một bệnh gì mới mẻ. Trên thực tế nó đã được loài người biết đến hơn 100 năm (Bệnh được phát hiện năm 1912 bởi Alfred Whitmore). Tuy nhiên nó lại đang bị bỏ quên do tỉ lệ gặp bệnh này trên lâm sàng rất nhỏ và hiện tại nhiều bác sĩ thậm chí còn không biết cách đối phó với loại bệnh này. Trước đây mỗi năm chi ghi nhận vài ca bệnh tại Việt Nam, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới hơn 20 ca mắc bệnh này.

Dịch tễ bệnh Whitmore

Bệnh được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và Bắc Úc. Tại Hoa Kỳ cũng có những trường hợp bệnh Whitmore được báo cáo, thường là 0-5 trường hợp mỗi năm và thường đến từ khách du lịch hoặc người nhập cư.

Dịch tễ bệnh Whitmore
Hình ảnh: Dịch tễ bệnh Whitmore

Các khu vực được báo cáo có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất:

  • Thái Lan.
  • Malaysia.
  • Singapore.
  • Bắc Úc.

Mặc dù hiếm khi được báo cáo, các khu vực được cho là thường xuyên xảy ra mắc bệnh:

  • Papua New Guinea.
  • Hầu hết tiểu lục địa Ấn Độ.
  • Nam Trung Quốc.
  • Hồng Kông.
  • Đài Loan.
  • Việt Nam.
  • Indonesia.
  • Cambodia (Cam-pu-chia).
  • Lào.
  • Myanmar (Miến Điện).

Các khu vực sau đã được báo cáo phát hiện các ca bệnh:

  • Nam Thái Bình Dương (New Caledonia).
  • Sri Lanka.
  • Mexico.
  • El Salvador.
  • Panama.
  • Ecuador.
  • Peru.
  • Guyana.
  • Puerto Rico.
  • Martinique.
  • Guadeloupe.
  • Brazil.
  • Các phần của châu Phi và Trung Đông.

Lây truyền bệnh Whitmore

Vi khuẩn này thường được tìm thấy trong đất và nước bị ô nhiễm, lây sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, đặc biệt là qua vết thương hở trên da. Con người và động vật cũng có thể nhiễm bệnh do hít phải các hạt bụi, giọt nước chứa vi khuẩn hoặc do sử dụng nước ô nhiễm. Bệnh có thể lây từ người sang người, tuy nhiên cực kì hiếm.

Các con đường lây nhiễm Burkholderia pseudomallei.
Hình ảnh: Các con đường lây nhiễm Burkholderia pseudomallei.

Các loài động vật dễ có nguy cơ mắc bệnh bao gồm: Lợn, ngựa, dê, cừu, chó, mèo và các gia súc khác.

Các yếu tố nguy cơ bệnh Whitmore

Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm:

  • Sinh sống tại khu vực Đông Nam Á hoặc Bắc Úc.
  • Bệnh nhân đái tháo đường.
  • Bệnh nhân lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận và phổi (như xơ nang, phối tắc nghẽn mạn tính – COPD và giãn phế quản).
  • Bệnh nhân mắc bệnh gan.
  • Bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh (Thalessemia).
  • Ung thư hoặc các tình trạng ức chế miễn dịch khác không liên quan đến HIV.
  • Khác: Sử dụng liệu pháp steroid và thuốc ức chế miễn dịch (đặc biệt ở bệnh nhân mắc bệnh tự miễn hệ thống, bệnh nhân ghép tạng…), thấp khớp, suy tim sung huyết, lắng đọng hemosiderin trong phổi, bệnh tạo u hạt mạn tính và bệnh lao.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Whitmore

Thời gian tính từ khi nhiễm trùng đến khi xuất hiện các triệu chứng rất thay đổi, từ 1 ngày và có thể lên đến hàng năm. Thời gian trung bình là 2-4 tuần.
Có nhiều loại khác nhau của bệnh, mỗi loại lại có những dấu hiệu và triệu chứng riêng:

  • Nhiễm trùng phổi: Dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất là hình thành một ổ áp xe. Nhiễm trùng có thể từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng. Bệnh nhân cũng có thể bị sốt, nhức đầu, giảm cảm giác thèm ăn (chán ăn), ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ nói chung.
  • Nhiễm trùng tại chỗ: Nhiễm trùng da (viêm mô tế bào) với đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ
Nhiễm trùng da Burkholderia pseudomallei.
Hình ảnh: Nhiễm trùng da Burkholderia pseudomallei.
  • Nhiễm trùng huyết: Nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng. Đặc biệt dễ gặp ở bệnh nhân đái tháo đường và suy thận. Nguy cơ có thể gây ra sốc nhiễm trùng. Áp xe có thể được tìm thấy trên khắp cơ thể, đáng chú ý nhất là ở gan, lá lách, tuyến tiền liệt.
  • Nhiễm trùng lan tỏa: Vi khuẩn có thể di chuyển từ da vào máu để trở thành dạng bệnh Whimore mạn tính ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt. Các triệu chứng của nhiễm trùng lan tỏa bao gồm sốt, sút cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu và co giật.

Chẩn đoán bệnh Whitmore

Chuẩn đoán bệnh Whitmore
Hình ảnh: Chuẩn đoán bệnh Whitmore

Tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng mà lấy các bệnh phẩm khác nhau, nuôi cấy và phân lập vi khuẩn. Nếu phân lập được Burkholderia pseudomallei từ máu, nước tiểu, đờm, tổn thương da hoặc vị trí áp xe của bệnh nhân thì kết luận bệnh nhân đã mắc bệnh Whitmore.
Xét nghiệm tìm kháng thể kháng vi khuẩn trong máu có thể có tác dụng, tuy nhiên cách này thường kém nhạy hơn.
Xét nghiệm máu có thể hữu ích trong các trường hợp bệnh cấp tính, nhưng nếu kết quả âm tính cũng không thể loại trừ bệnh.
Các xét nghiệm khác: X-quang phổi trong trường hợp nhiễm trùng phổi, X-quang xương, siêu âm ổ bụng và vùng chậu, chụp CT và MRI giúp phát hiện các áp xe ở lá lách, gan và tuyến tiền liệt…

Điều trị bệnh Whitmore

Mặc dù bệnh hiếm khi lây từ người sang người, nhưng cách li bệnh nhân vẫn là cần thiết.
Khi có kết quả chẩn đoán bệnh Whitmore, có thể bắt đầu tiến hành điều trị. Tuy nhiên thực tế việc điều trị theo kinh nghiệm thường diễn ra trước đó do bệnh thường tiến triển nhanh và nặng. Nếu đợi kết quả chẩn đoán thì rất có thể bệnh nhân đã tử vong. Việc điều trị bắt buộc phải dùng kháng sinh kéo dài. Thường bắt đầu bằng kháng sinh đường tĩnh mạch (IV) trong 10-14 ngày (có thể kéo dài 4-8 tuần trong bệnh phổi nặng, áp xe sâu, nhiễm khuẩn xương khớp hoặc thần kinh trung ương…), sau đó chuyển sang đường uống trong 3-6 tháng.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), điều trị tĩnh mạch bao gồm:

  • Ceftazidime mỗi 6-8 giờ, hoặc
  • Meropenem mỗi 8 giờ (khuyên dùng cho bệnh nhân có nhiễm trùng thần kinh trung ương hoặc sau 7 ngày dùng ceftazidime mà cấy máu vẫn dương tính hoặc tình trạng lâm sàng xấu đi khi dùng ceftazidime).

Thuốc tiêm truyền ceftazidime
Hình ảnh: Thuốc tiêm truyền ceftazidime

Thuốc tiêm truyền meropenem
Hình ảnh: Thuốc tiêm truyền meropenem

Có thể có sốt kéo dài và điều này không có nghĩa là điều trị thất bại.
Các kháng sinh sử dụng đường uống là:

  • Trimethoprime – Sulfamethoxazole (TMP/SMX) mỗi 12 giờ, hoặc
  • Amoxicilline + Acid clavulanic mỗi 8 giờ.

Thuốc Trimethoprime - Sulfamethoxazole
Hình ảnh: Thuốc Trimethoprime – Sulfamethoxazole

Thuốc Amoxicilline phối hợp với Acid clavulanic
Hình ảnh: Thuốc Amoxicilline phối hợp với Acid clavulanic

Thận trọng với bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicilline.
Các kháng sinh khác có thể sử dụng: Ceftriaxone, ticarcilline + acid clavulanic, aztreonam, imipenem + cilastatin, doxycycline, streptomycin.
Chú ý: Vi khuẩn gây bệnh có khả năng đề kháng kháng sinh cao và tần suất tái phát cao (13-26%).
Ngoài điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng cũng có thể cần thiết.
Với bệnh lý ở phổi, nếu kết quả nuôi cấy vi khuẩn vẫn dương tính sau 6 tháng điều trị, phẫu thuật cắt bỏ áp xe phổi có thể được xem xét.

Phòng ngừa bệnh Whitmore

Hiện này chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu, vì vậy phòng bệnh không đặc hiệu đóng một vai trò cực kì quan trọng.
Tránh tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm có thể khiến chúng ta mắc bệnh Whitmore. Đặc biệt là những người có vết thương ngoài da, mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, người suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc mắc phải) nên tránh tiếp xúc với đất và nước đọng, đặc biệt là ở khu vực trang trại.
Nông dân làm sản xuất nông nghiệp nên mang ủng để có thể ngăn ngừa nhiễm trùng qua bàn chân.
Nhân viên y tế phải có biện pháp phòng ngừa tiếp xúc tiêu chuẩn (mặt nạ, găng tay và áo choàng) để tránh nhiễm trùng.

Tiên lượng bệnh Whitmore

Đây là một bệnh nguy hiểm và thường có tiên lượng xấu.
Nếu không được điều trị, bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao: Với nhiễm trùng phổi và nhiễm trùng huyết lan tỏa là trên 90%. Bệnh nhân gần như chắc chắn tử vong.
Nếu được điều trị bằng kháng sinh, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân vẫn ở mức cao: 40% với nhiễm trùng phổi và trên 50% với nhiễm trùng huyết.
Ở những nước phát triển như Úc, tỉ lệ tử vong ở mức 19%, trong khi tại Thái Lan, tỉ lệ này là 50%. Tại Thái Lan, nó chịu trách nhiệm cho 19% số ca nhiễm trùng huyết mắc phải tại cộng đồng và 40% các ca tử vong trong số đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây