Chiến lược thở máy: Thủ thuật huy động phế nang

Đánh giá post

Tác giả: Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn

1. Giới thiệu

Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) được đặc trưng bởi tình trạng thiếu oxy kháng trị, giảm độ giãn nở phổi [1] và tăng tính không đồng nhất của phổi [2]. Sau các nghiên cứu bước ngoặt được thực hiện vào đầu những năm 2000, thông khí bảo vệ, bao gồm thể tích khí lưu thông thấp (VT) ở mức 6 mL/kg trọng lượng cơ thể dự đoán và áp lực dương cuối thì thở ra (PEEP) trong việc quản lý bệnh nhân ARDS, vì cho thấy cải thiện tử vong [3]. Tuy nhiên, thể tích khí lưu thông thấp gây mở và đóng có chu kỳ các vùng phổi bị xẹp, một cơ chế có hại có thể được gọi là atelectrauma [4]. Việc sử dụng PEEP hiện được khuyến nghị để ngăn chặn hiện tượng này và duy trì phế nang mở, nhưng việc sử dụng áp lực cao có thể liên quan đến barotrauma. Cả hai tình trạng atelectrauma và volutrauma đều là cơ chế giả định của tổn thương phổi do máy thở (VILI) [5]; do đó, bác sĩ lâm sàng nên cân bằng giữa hai điều kiện này trong khi vẫn đảm bảo trao đổi khí chấp nhận được cho bệnh nhân [6].

Thủ thuật huy động (RMs) là các thủ thuật tạm thời làm tăng áp lực xuyên phổi, với mục đích là mở lại các đơn vị phổi bị xẹp bằng cơ học [7]. Đánh giá đầu tiên về các kỹ thuật này có từ hai thập kỷ trước, huy động phổi bắt đầu nghiên cứu. Lý do sinh lý bệnh hỗ trợ cho việc thực hiện các RM trong bối cảnh thông khí bệnh nhân ARDS, như dùng thuốc an thần, thuốc ức chế thần kinh cơ và không có phản xạ thở dài tạo điều kiện cho sự xẹp của phế nang. Các RM đã được thực hiện trong ARDS và nhưng vần còn tranh luận. Trong một phân tích tổng hợp gần đây, sự đóng góp vào việc giảm tỷ lệ tử vong trong ARDS trung bình/nặng của các RM được ước tính khoảng 6% [8]. Sự cải thiện kết quả này là tương đối nhỏ, nhưng nó lại góp phần thay đổi kỹ thuật, thời gian và các giao thức thực hiện các RM trong thực hành nghiên cứu và lâm sàng.

Trên thực tế, có một số khía cạnh của các RM vẫn còn không rõ ràng. Các loại kỹ thuật và thời điểm thực hiện vẫn đang được nghiên cứu, và không rõ nhóm phụ nào của bệnh nhân có nhiều khả năng được hưởng lợi từ các RM. Phế nang đã mở có nguy cơ căng phồng quá mức, và kết quả của RM chỉ làm thay đổi về giải phẫu thay vì cải thiện chức năng, như cải thiện trao đổi khí và có khả năng làm giảm tình trạng thiếu oxy trong thời gian dài hơn [7]. Tuy nhiên, các vấn đề về an toàn phải được tính đến, vì sự gia tăng áp lực đường thở có thể dẫn đến suy giảm huyết động và hạ huyết áp, do tăng công của tâm thất phải, làm đầy thất trái dưới mức hoặc thúc đẩy hoặc làm xấu thêm tình trạng rối loạn chức năng tâm trương trước đó [9,10]. Thêm vào đó, các cài đặt thông khí tối ưu và chuẩn độ PEEP sau các RM vẫn còn gây tranh cãi. Vì tất cả những lý do này, hướng dẫn sử dụng RM vẫn còn thiếu.

Mục đích của chương này là để minh họa cơ sở sinh lý và cơ chế của các RM, các kỹ thuật khác nhau để thực hiện các RM, tác dụng lâm sàng và an toàn của chúng, cũng như các công cụ lâm sàng để đánh giá hiệu quả của các RM.

2 Sinh lý học của huy động phổi

2.1 Định nghĩa và lý do

Áp lực xuyên phổi, được tính là sự khác biệt giữa áp lực đường thở và áp lực màng phổi, là trung gian của việc huy động phổi và đại diện cho lực căng (distending force) của phổi. RM là một sự gia tăng tạm thời của áp lực xuyên phổi, đủ để vượt qua độ đàn hồi (elastance) của thành ngực và để mở phế nang [11]. Trong ARDS, việc mất sục khí là do ngập lụt phế nang (alveolar flooding), cũng như sự xẹp phổi do hấp thu (resorption) và chèn ép (compression atelectasis). Trong hầu hết các trường hợp, áp lực đường thở cao vừa phải trong khoảng từ 30 – 40 cmH2O, có thể sử dụng cho xẹp phổi do chèn ép, trong khi mất sục khí do tái hấp thu có thể yêu cầu áp lực cao hơn, đặc biệt là khi thành ngực cứng, như ở bệnh nhân béo phì [12].

Khả năng huy động phổi có thể được định nghĩa là sự gia tăng thể tích phổi cuối thì thở ra (end- expiratory lung volume) hoặc là sự giảm các vùng phổi không được sục khí nhờ vào tác động của việc tăng áp lực xuyên phổi [13]. Hầu hết các nghiên cứu sử dụng RM ở bệnh nhân bị tổn thương phổi; tuy nhiên, RM cũng có thể có vai trò ở những bệnh nhân có phổi khỏe mạnh cả trong ICU và trong phòng mổ, và hiệu quả của chúng trong các cài đặt đó đang được nghiên cứu [14- 16]. Hơn nữa, phải nhấn mạnh rằng ngay cả khi áp lực xuyên phổi là trung gian thực sự của RM, ở hầu hết các bệnh nhân, giá trị thực của nó không được biết, vì ước tính áp lực màng phổi với theo dõi áp lực thực quản thường không được thực hiện trong thực hành lâm sàng . Do đó, trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ lâm sàng đặt áp lực đường thở lên máy thở thay vì áp lực xuyên phổi.

2.2 Hậu quả và an toàn

Trong hai thập kỷ, mô hình là mở phổi thông qua các RM và duy trì mở bằng PEEP [17]. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả mâu thuẫn vì căng phồng phổi quá mức có liên quan đến tình trạng viêm cao hơn trong các mô hình thí nghiệm, so với điều đó do mở và đóng phế nang có chu kỳ [5]. Hơn nữa, cần phải thực hiện việc phân biệt giữa các RM dẫn đến việc huy động chức năng và hay chỉ đơn thuần là giải phẫu [7]. Một thủ thuật tái sục khí phế nang được xem như hiệu quả, nghĩa là áp lực dẫn đến việc mở lại phế nang, nhưng không bị siêu căng phồng và với sự chèn ép vào mạch máu chấp nhận được, góp phần cải thiện trao đổi khí như thể hiện sự gia tăng tỷ lệ PaO2/FiO2. Mặt khác, khi một RM thực hiện với áp lực cao hơn, việc mở lại phế nang này phải trả giá bằng siêu căng phồng và chèn ép mạch máu của phế nang khác: do đó, mặc dù có sự gia tăng đáng kể về sục khí phổi, sự tương xứng của thông khí-tưới máu tồi tệ hơn, làm dẫn đến giảm tỷ lệ PaO2/FiO2. Khi một RM thành công được thực hiện, PEEP có thể duy trì các cải thiện đã đạt được. Một số nghiên cứu đang thử nghiệm các giao thức và kỹ thuật để chuẩn độ PEEP sau các RM [18-20]. Chi tiết về các kỹ thuật chuẩn độ PEEP khác nhau có thể được tìm thấy trong Chương 3. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân khác, lợi ích của RM chỉ là nhất thời và trong những trường hợp này nên bỏ qua, vì sự gia tăng áp lực làm tăng nguy cơ mắc barotrauma và VILI, trong khi những cải thiện tạm thời về trao đổi khí chỉ có giá trị thẩm mỹ, không có lợi ích lâu dài [21]. Những phát hiện gần đây liên quan đến vai trò của áp lực đẩy (PDriving = PPlateau – PEEP) trong việc quản lý bệnh nhân mắc ARDS [22] cho thấy rằng một RM nên có mục tiêu cải thiện trao đổi khí và có thể giảm áp lực đẩy cần thiết để duy trì một thể tích khí lưu thông thích hợp. Việc giảm áp lực đẩy có thể được coi là một biện pháp phòng ngừa trực tiếp chống lại VILI, vì nó tỷ lệ thuận với tải năng lượng được truyền từ máy thở đến hệ hô hấp [23].

Các RM thường có tác động lớn trong vài giây đầu tiên kể từ khi bắt đầu thủ thuật, nhưng thường các hiệu ứng trao đổi khí tích cực này bị giới hạn về thời gian. Một số tác giả cho rằng hiệu ứng có lợi trong thời gian ngắn có thể liên quan đến chuẩn độ PEEP không thích hợp sau RM. PEEP sau RM duy trì phế nang mở và ngăn ngừa tái mất huy động: nên đặt ít nhất bằng với mức PEEP được cài trước khi RM [21].

Không thể xác định ngưỡng áp lực an toàn của các RM áp dụng cho tất cả bệnh nhân, có thể tùy thuộc đặc điểm của bệnh nhân, đặc biệt là loại và mức độ rộng tổn thương phổi. Ví dụ, trong một nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của các RM lặp đi lặp lại trong ARDS, sự cải thiện cao hơn của trao đổi khí được thấy ở những bệnh nhân ARDS ngoài phổi, so với ARDS tại phổi [24]. Các RM có thể gây mất ổn định huyết động, và các thủ thuật kéo dài và đột ngột có xu hướng dễ bị các tác dụng phụ này [11].

Mặc dù sự bất ổn này hầu như luôn luôn là tạm thời và có thể đảo ngược, nhưng những tác động lâu dài đối với VILI vẫn chưa rõ ràng [21].

3 Kỹ thuật huy động

Các kỹ thuật khác nhau đã được đề xuất để thực hiện các RM, với các mức tăng áp lực phổi khác nhau, độ dốc, thời gian huy động và thời điểm thực hiện [7,11]. Những phát hiện của các nghiên cứu gần đây nhất là ngược nhau. Hầu hết sự tái thông khí xảy ra trong những giây đầu tiên sau khi tăng áp lực đường thở [25], và do đó, một số tác giả kết luận rằng các RM dài hơn khó có thể có lợi hơn trong khi nó làm tăng nguy cơ suy giảm huyết động. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy các RM làm tăng áp lực đột ngột có thể dẫn đến viêm phổi tăng và VILI [26]; do đó, các RM chậm hơn bao gồm các thay đổi từng bước của áp lực đường thở thường được ủng hộ [7,11,21]. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng bằng chứng nhất quán, vai trò của các RM vẫn còn tranh luận, đó là kỹ thuật nào nên được sử dụng và thời điểm nào trong quá trình bệnh. Thường được coi là một biện pháp giải cứu để khắc phục tình trạng suy trao đổi khí dẫn đến thiếu oxy đe dọa tính mạng, khả năng của chúng là một phần trong chiến lược thông khí của ARDS còn gây tranh cãi hơn [21]. Hình 1 tóm tắt các loại khác nhau của RM được mô tả trong đoạn này.

3.1 Thở sâu (sigh)

Một RM bao gồm xen kẽ với thông khí cơ học không bị gián đoạn, một số nhịp thở nhất định với áp lực bình nguyên cao hơn được gọi là “thở sâu” và là kỹ thuật đầu tiên được đề xuất [24]. Thủ thuật này đã được chứng minh là cải thiện oxy hóa, độ giãn nở phổi và tăng EELV, nhưng những lợi ích này là nhất thời và thở sâu phải được thực hiện thường xuyên để duy trì tình trạng mở của các đơn vị phổi được huy động [27]. Trong các mô hình động vật, các kiểu thở sâu của RM với tần suất cao, ví dụ 180 lần/giờ, có liên quan đến các dấu hiệu viêm tăng lên so với thông khí không có RM và với CPAP [28]. Tuy nhiên, sự liên quan lâm sàng của các khía cạnh này vẫn còn được làm rõ. Với sự sẵn có của máy thở ICU tinh vi hơn, thở sâu có thể được cài đặt với tần suất định trước. Do thiếu bằng chứng liên quan đến an toàn và hiệu quả lâu dài, thói quen sử dụng “sigh” không thể được khuyến nghị.

3.2 Bơm phồng giữ (Sustained Inflation)

Bơm phồng giữ là RM được mô tả nhiều nhất. Nó được thực hiện tăng đột ngột áp lực đường thở đến một mức nhất định và duy trì nó không đổi trong một số giây. Một thủ thuật căng phồng giữ phổ biến bao gồm việc áp dụng áp lực đường thở liên tục 40 cmH2O trong 40 giây [29, 30]. Những RM này có thể nhanh chóng đảo ngược quá trình xẹp phổi và gây ra cải thiện oxy hóa và chức năng phổi trong thời gian ngắn trong môi trường lâm sàng và thực nghiệm; tuy nhiên vai trò của nó trong việc đạt được sự cải thiện trao đổi khí kéo dài thì chưa rõ ràng [20,31,32]. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu so sánh bơm phồng giữ với các RM khác, một hiệu ứng kéo dài hơn đã được quan sát [33]. Vì sự gia tăng áp lực làm trung gian cho cả hiệu quả của RM và VILI, nên thận trọng khi chuyển kết quả của các nghiên cứu quan sát được lấy mẫu nhỏ sang thực hành lâm sàng, trong đó khó đánh giá độ an toàn lâu dài.

3.3 Thủ thuật chậm từng bước (Slow Stepwise Maneuvers)

Các nhà nghiên cứu đã nỗ lực để tìm ra giải pháp thay thế cho RM kiểu bơm phồng giữ, có thể đạt được hiệu quả tương đương với ít nguy cơ hơn về suy giảm huyết động và barotrauma. Tăng áp lực bình nguyên chậm, được thực hiện với điều chỉnh từng bước áp lực đường thở và/hoặc PEEP, thực hiện ở bệnh nhân ICU [7] và trong khi gây mê toàn thân để phẫu thuật [34,35]. Thủ thuật chậm từng bước có thể cho phép kiểm soát tốt hơn sự gia tăng áp lực đường thở so với bơm phồng giữ, dẫn đến giảm nguy cơ căng phồng quá mức và hạ huyết áp. Trong một số nghiên cứu thực nghiệm, các RM chậm từng bước mang lại lợi ích kéo dài hơn so với các RM thông thường [36], có liên quan đến các dấu hiệu viêm thấp hơn [26] và giảm tổn thương tế bào biểu mô trong ARDS nhẹ [37]. Mặc dù vậy, các thử nghiệm lớn hơn cần được thực hiện để đánh giá sự an toàn và hiệu quả của các RM và thuận lợi về mặt kỹ thuật cụ thể của nó [38].

Hình 1 Các loại thủ thuật huy động phế nang. Thủ thuật thở sâu (a), thủ thuật bơm phồng và giữ (b), và thay đổi PEEP từng bậc thang (c)
Hình 1 Các loại thủ thuật huy động phế nang. Thủ thuật thở sâu (a), thủ thuật bơm phồng và giữ (b), và thay đổi PEEP từng bậc thang (c)

4 Đánh giá hiệu quả của thủ thuật huy động

Một tiêu chuẩn duy nhất, có thể lặp lại và đáng tin cậy để đánh giá hiệu quả của việc huy động: vẫn còn tranh cãi cái nào là phương pháp tốt nhất để đánh giá hiệu quả của các RM. Việc đánh giá nên dựa trên đánh giá lâm sàng, hoặc dựa vào thông tin có được từ các kỹ thuật theo dõi khác nhau, và đánh giá giải phẫu và chức năng nên được kết hợp với nhau. Các thông số sinh lý được đánh giá phổ biến nhất bao gồm tỷ lệ PaO2/FiO2, độ giãn nở phổi và đường cong áp lực – thể tích (P-V). Kỹ thuật hình ảnh có thể cực kỳ hữu ích và bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm phổi (LUS) và chụp cắt lớp trở kháng điện (EIT).

4.1 Phân tích khí máu và tỷ lệ PaO2/FiO2

Trong thực hành lâm sàng, một trong những kết quả lâm sàng được đánh giá cao nhất là tỷ lệ PaO2/FiO2, vì chi phí thấp, tính sẵn có và dễ giải thích. Hơn nữa, về bản chất nó gắn liền với mức độ nghiêm trọng của ARDS [39] và nhanh chóng cho biết một RM hiệu quả. SpO2 xuyên da là một ước tính của PaO2 và có thể được sử dụng để theo dõi thời gian thực các cải thiện trao đổi khí, và để xác minh rằng trong giai đoạn ngưng thở của RM, quá trình oxy hóa vẫn nằm trong phạm vi an toàn. Sau RM, sự giảm PaCO2 thường được quan sát một cách đồng thuận với sự gia tăng tỷ lệ SpO2 và PaO2/FiO2, thêm tính hoàn chỉnh cho đánh giá tổng thể. Giới hạn chính của các thông số phân tích khí máu là chúng bị ảnh hưởng mạnh bởi các biến khác. Trước khi RM, khả năng huy động nội tại của phổi và trao đổi khí đều liên quan đến mức độ nghiêm trọng của ARDS [13, 40]: tỷ lệ PaO2/FiO2có thể cho thấy sự cải thiện lớn hơn ở các dạng ARDS nghiêm trọng nhất, so với các dạng ARDS nhẹ [40]. Hơn nữa, một sự cải thiện thoáng qua của trao đổi khí có thể đạt được với mức trả giá nguy cơ cao hơn đối với barotrauma và VILI. Các cài đặt thông khí, bao gồm mức PEEP và cung lượng tim, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ PaO2/FiO2, dẫn đến việc giải thích sai về việc đánh giá các RM [20]. Do đó, tỷ lệ PaO2/FiO2được đánh giá bằng phân tích khí máu và SpO2 như là đại diện có sẵn, được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá các RM, nhưng, đánh giá hiệu quả của RM chỉ bằng quá trình oxy hóa, không đưa ra mô tả đầy đủ về huy động và chỉ nên là một phần của đánh giá kết hợp.

4.2 Đường cong áp lực – thể tích và độ giãn nở

Độ giãn nở phổi (CL) là thước đo khả năng tăng thể tích của nó để đáp ứng với sự gia tăng của áp lực, tức là, áp lực xuyên phổi (Ptp) và được tính là CL = ∆V/Ptp. Tham số này là độ dốc của đường cong áp lực-thể tích (P-V). Như đã đề cập, Ptp là trung gian của các tác động cơ học của một RM và phản ánh cường độ áp lực co đàn hồi (elastic recoil pressure) của phổi. Ptp có thể được ước tính tại giường là Ptp = Paw – Pes, trong đó Paw là áp lực đường thở và Pes là áp lực thực quản, xấp xỉ áp lực màng phổi. Mặc dù có khuyến nghị nên thực hiện trong thực hành lâm sàng, việc đo áp lực thực quản thường không được theo dõi trong ICU [41]. Hầu hết các bác sĩ lâm sàng thực hiện RM dựa vào độ giãn nở hệ hô hấp (Crs), được tính là Crs = VT/(PPlateau – PEEP). Ngày nay, tất cả các máy thở ICU đều có thể tính toán Crs, giúp chuẩn độ PEEP và theo dõi hiệu quả của một RM. Sự gần đúng này thường được coi là chấp nhận được, nhưng phải nhấn mạnh rằng trong một số trường hợp như ARDS nặng và bệnh béo phì [33], việc theo dõi Crs có thể dẫn đến việc giải thích sai về cơ học hô hấp và dẫn đến cài đặt thông số thông khí không phù hợp, bao gồm PEEP. Do đó, việc theo dõi áp lực xuyên phổi nên được đặt ra ở những bệnh nhân mắc ARDS nặng hoặc ở người béo phì [21,33,41]. Việc đánh giá RM dựa trên tính toán đường cong PV của máy thở dựa trên giả định rằng sự tăng thể tích ở một áp lực nhất định là do việc huy động các vùng phổi không được sục khí và đã được chứng minh rằng tính chất sinh lý này có thể được sử dụng để xác định mức độ huy động phổi vì nó tương quan chặt chẽ với đánh giá CT scan [42]. Tương tự như PaO2/FiO2, cả CL và Crs đều có xu hướng phản ánh mức độ nghiêm trọng cơ bản của tình trạng phổi bệnh nhân, và, nghịch lý là, một sự cải thiện lớn hơn thường có thể được nhìn thấy ở hầu hết các bệnh nhân nặng, trong khi điều này không có nghĩa là cải thiện kết quả.

Vì chỉ riêng việc đánh giá tỷ lệ PaO2/FiO2 chỉ phản ánh sự cải thiện thoáng qua của trao đổi khí do một RM, ngược lại, một đánh giá lâm sàng giới hạn ở quan sát của đường cong PV chỉ có thể tính đến những thay đổi trong cơ chế hô hấp: sự cân bằng giữa hai nên đạt được. Các tham số đơn giản như tỷ lệ PaO2/FiO2, SpO2 và Crs là các công cụ dễ sử dụng, nhưng chúng có thể không cung cấp tổng quan đầy đủ về tác dụng của RM ở tất cả các bệnh nhân.

4.3 Chụp cắt lớp điện toán

Phân tích định lượng của CT scan phổi cho phép thu được thông tin hữu ích về sục khí mô phổi và, khi được thực hiện ở các mức áp lực khác nhau, có thể đánh giá khả năng huy động. Trong lịch sử, khái niệm về khả năng huy động phổi và chuẩn độ PEEP trong ARDS đã được nghiên cứu bằng phương pháp phân tích CT [13] đại diện cho công cụ thông tin nhất để đánh giá thông khí phổi. CT có thể được coi là tiêu chuẩn vàng để ước tính khả năng huy động phổi, nhưng nó có một số khó khăn cản trở ứng dụng lâm sàng của nó: bệnh nhân phải chuyển từ ICU đến nơi chụp CT, việc phơi nhiễm tia xạ và hình ảnh hậu xử lý là tốn thời gian. Một số giải pháp đang được nghiên cứu, bao gồm khả năng đánh giá hình ảnh trực quan để tránh phân đoạn hình ảnh thủ công [43], để ngoại suy thông tin từ số lát cắt CT giảm [44] và sử dụng các giao thức liều thấp để giảm phơi nhiễm bức xạ [45,46]. Mặc dù vai trò của nó đã được thiết lập để đánh giá khả năng huy động phổi, CT không thể được sử dụng để đánh giá một RM duy nhất. Các nghiên cứu tiếp theo là cần thiết để làm rõ liệu các RM có nên được đưa vào trong phương pháp thở máy tiêu chuẩn cho bệnh nhân cho thấy khả năng huy động cao khi chụp CT hay không.

Tóm lại, CT là cơ sở để chẩn đoán, để đánh giá khả năng huy động phổi khi nhập viện, để đánh giá các thiết lập thông khí tốt nhất và để chuẩn độ PEEP ban đầu [47], nhưng các công cụ linh hoạt hơn được bảo đảm để đánh giá khả năng huy động đáng tin cậy, có thể tại đầu giường [48, 49].

4.4 Siêu âm phổi

Siêu âm phổi tại giường là một kỹ thuật ngày càng phổ biến trong ICU: đây là một phương pháp dễ dàng, rẻ tiền, có thể lặp lại, thời gian thực và không xâm lấn để đánh giá một số tình trạng phổi [50]. Nó cũng đã được đề xuất như một công cụ để đánh giá hiệu quả của việc huy động phổi [19, 51]. Thử nghiệm được thực hiện chấm điểm trực quan các vùng phổi khác nhau, để có được điểm toàn phần tương quan với mức độ của bệnh phổi [51]. Ứng dụng siêu âm phổi này vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa hoàn toàn: sự phụ thuộc của người thực hiện làm tăng mối lo ngại của một số tác giả và vì lý do này, phân tích hình ảnh dựa trên máy tính tự động đang được nghiên cứu [52, 53]. Hơn nữa, siêu âm phổi cho đến nay không thể phân biệt được thông khí bình thường với tăng sục khí.

4.5 Chụp cắt lớp trở kháng điện

Chụp cắt lớp trở kháng điện (EIT) là một kỹ thuật hình ảnh thời gian thực, cho thấy động thay đổi sục khí phổi. Nó dựa trên nguyên tắc thay đổi sục khí phổi làm thay đổi độ dẫn của ngực và tín hiệu điện được ghi bằng điện cực đặt trên da được phân tích để tạo ra bản đồ sục khí phổi theo thời gian thực. EIT là một kỹ thuật mới nổi, nhưng cần cải tiến kỹ thuật để tăng cường độ phân giải và thử nghiệm lâm sàng để làm rõ vai trò của nó trong việc ra quyết định [54, 55].

Kết luận

Mặc dù thường hữu ích như một biện pháp giải cứu để khắc phục tình trạng suy yếu trao đổi khí cấp tính trong ARDS, nhưng vẫn không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc huy động có thể cải thiện kết quả của bệnh nhân. Huy động phế nang có thể đạt được hiệu quả ở nhiều bệnh nhân, nhưng phải nỗ lực để cân bằng giữa việc tạo ra sự cải thiện oxy hóa có thể chấp nhận được và nguy cơ gây tăng áp lực có hại cho bệnh nhân. Trao đổi khí, các thông số có nguồn gốc từ máy thở, áp lực thực quản và kỹ thuật hình ảnh nên được tích hợp để đánh giá hiệu quả và an toàn của các thủ thuật huy động. Sau khi huy động, một PEEP đầy đủ là bắt buộc để duy trì sự cải thiện. Các bước thủ thuật huy động từng bước chậm nên được ưu tiên để tránh đột ngột bơm phồng giữ. Hạ huyết áp thoáng qua hoặc mất độ bão hòa là phổ biến trong quá trình thực hiện thủ thuật, nhưng phản ứng bất lợi nghiêm trọng ngay lập tức là không thường xuyên. Tuy nhiên, tác dụng tích cực hoặc tiêu cực lâu dài là không rõ.

Hiện tại, không có bằng chứng nào hỗ trợ việc sử dụng các thủ thuật huy động như một biện pháp thường quy ở tất cả bệnh nhân ARDS, nhưng chỉ định của họ nên được điều chỉnh riêng, như một phần của chiến lược thông khí bảo vệ phổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây