Natri benzoate: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có sử dụng Natri benzoat làm tá dược tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Natri benzoat là gì? Natri benzoat có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Natri benzoat là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Natri benzoate là 1 chất hóa học đã được sử dụng từ lâu trong công nghiệp bảo quản thực phẩm từ đầu những năm 1900. Đây là một chất bảo quản chống nấm mốc và vi khuẩn hiệu quả. Nó có kí hiệu là E211.
Natri benzoate là muối natri của acid benzoic và có thể được điều chế đơn giản bằng cách cho acid benzoic phản ứng với natri hydroxide.

Công thức hóa học Natri benzoat
Hình ảnh: Công thức hóa học Natri benzoat

Chất thực sự có tác dụng bảo quản do ức chế sự phát triển của các vi sinh vật là acid benzoic. Tuy nhiên do nó ít tan trong nước nên natri benzoate được ưa dùng hơn. Nó bảo quản tốt các thực phẩm và đô uống có tính acid yếu vì trong môi trường đó nó giải phóng ra acid benzoic.
Không rõ natri benzoate được đưa vào sử dụng trong y tế từ khi nào. Natri benzoate nhìn chung là lành tính và hiếm khi gây ngộ độc do ngưỡng liều ngộ độc của nó khá cao.

Dược lực học

Natri benzoate có tác dụng đề kháng rất tốt với nấm mốc, hoạt tính kém hơn trên nấm men và vi khuẩn. Cơ chế tác dụng này chưa được hiểu rõ hoàn toàn, tuy nhiên có một cơ chế được đề xuất khá phù hợp, đó là acid benzoic sau khi được giải phóng trong môi trường acid, nó dễ dàng khuếch tán qua màng sinh học của vi sinh vật. Tại nội bào, nó cạnh tranh với acid p-aminobenzoic (PABA) do cấu trúc hóa học gần tương tự nhau. PABA là một chất cần cho sự tổng hợp acid folic của vi sinh vật. Do đó khi bị cạnh tranh, acid folic tổng hợp bị giảm, làm vi sinh vật không phát triển được. Cơ chế này khá tương đồng với các sulfamide kháng khuẩn.

So sánh công thức hóa học Natri benzoate và PABA
Hình ảnh: So sánh công thức hóa học Natri benzoate và PABA

Natri benzoate có tác dụng hiệp đồng bảo quản với kali sorbate và natri nitrite.
Về cơ chế tác dụng long đờm, natri benzoate được cho là làm kích thích các tế bào tuyến ở khu vực đường hô hấp tăng tiết dịch, làm cho thể tích đờm tăng lên, đờm loãng hơn và độ nhớt giảm đi đáng kể, nhờ đó mà cơ thể có thể dễ dàng tống nó ra ngoài thông qua phản xạ ho.
Natri benzoate cũng được phối hợp với natri phenylacetate trong điều trị các tình trạng tăng amoniac máu, đặc biệt hay gặp trong bệnh não gan. Mỗi thành phần trong đó đều có 1 con đường khác nhau để loại bỏ amoniac thông qua hình thành các chất chuyển hóa của chúng mà không phải thông qua chu trình ure.
Phối hợp natribenzoate và natriphenylacetate
Hình ảnh: Phối hợp natri benzoate và natri phenylacetate

Natri benzoate cũng được nghiên cứu trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Nghiên cứu về tác dụng của natri benzoate, một chất bảo quản thực phẩm thường được sử dụng với việc học tập, ghi nhớ và stress oxy hóa trong não chuột.

Thử nghiệm thuốc natribenzoate trên não chuột
Hình ảnh: Thử nghiệm thuốc natribenzoate trên não chuột

Các tác giả: Khoshnoud MJ, Siavashpour A, Bakhshizadeh M và Rashedinia M tới từ Phòng Dược lý và Độc chất, Khoa Dược, Đại học Khoa học Y khoa Shiraz, Iran.
Natri benzoate (SB) là một chất bảo quản và kháng vi sinh vật được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại thực phẩm và nước ngọt. Tuy nhiên, mặc dù hợp chất này thường được công nhận là phụ gia thực phẩm an toàn, nhưng có những bằng chứng cho thấy rằng hấp thu một lượng SB cao có thể liên quan đến rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
Nghiên cứu hiện tại điều tra tác động của SB đường uống với các nồng độ khác nhau (0.56, 1.125 và 2.25 mg/mL) trong 4 tuần, trên các bài kiểm tra về hiệu suất học tập và ghi nhớ, và cả nồng độ malondialdehyd (MDA), glutathione (GSH) bi giảm và hoạt tính acetylcholinesterase (AChE) trong não chuột.
Kết quả cho thấy SB làm suy giảm đáng kể sự phối hợp khả năng ghi nhớ và vận động. Hơn nữa, SB làm giảm GSH và nồng độ MDA trong não đáng kể (P < 0.001). Tuy nhiên, hoạt tính AchE thay đổi không đáng kể.
Những phát hiện này cho thấy tiêu thụ SB ngắn hạn có thể làm giảm hiệu suất ghi nhớ và tăng stress oxy hóa não ở chuột.

Dược động học

Hấp thu: Natri benzoate hấp thu nhanh từ đường tiêu hóa.
Phân bố: Thể tích phân bố nhỏ (ước tính 0.14 L/kg ở trẻ sơ sinh).
Chuyển hóa: Natri benzoate được chuyển hóa ở gan nhờ liên hợp glycin tạo thành acid hippuric tạo thành chất chuyển hóa chính.

Chuyển hóa natri benzoate trong ti thể
Hình ảnh: Chuyển hóa natri benzoate trong ti thể

Thải trừ: Thuốc được bài xuất theo cơ chế lọc ở cầu thận và bải tiết ở ống thận. 97% liều natri benzoate được bài xuất dưới dạng acid hippuric trong nước tiểu.

Chỉ định và liều dùng

Các bệnh lý có tăng tiết dịch đường hô hấp:
Uống 1-4 g/ngày chia 2-3 lần. Tuy nhiên thuốc thường được phối hợp với các thuốc khác (ví dụ: terpin) nên liều dùng thường nhỏ hơn vậy.

Các bệnh lý có tăng tiết dịch đường hô hấp
Hình ảnh: Các bệnh lý có tăng tiết dịch đường hô hấp

Tăng amoniac máu:
Uống 250 mg/kg/ngày chia 4 liều.
Thiếu enzyme của chu trình ure:
Liệu pháp bổ trợ trong điều trị tăng amoniac máu cấp và bệnh não liên quan ở những bệnh nhân thiếu hụt những enzyme của chu trình ure.
Bệnh nhân > 20 kg:
Liều nạp: Truyền tĩnh mạch 5.5g natri phenylacetate – 5.5 g natri benzoate/m2 trong 90-120 phút.
Duy trì: Truyền tĩnh mạch 5.5g natri phenylacetate – 5.5 g natri benzoate/m2 trong 24 giờ.
Bệnh nhân < 20 kg:
Liều nạp: Truyền tĩnh mạch 250 mg/kg natri phenylacetate – 250 mg/kg natri benzoate trong 90-120 phút.
Duy trì: Truyền tĩnh mạch 250 mg/kg natri phenylacetate – 250 mg/kg natri benzoate trong 24 giờ.
Tăng đường huyết không ketone:
Mới sinh: Uống 250 mg/kg/ngày chia 4 liều.
Hơn 1 tháng tuổi: Uống 500 mg/kg/ngày chia 4 liều.
Bệnh não gan độ III hoặc IV (Chỉ định mồ côi).
Bệnh não gan (Hôn mê gan)
Hình ảnh: Bệnh não gan (Hôn mê gan)

Chỉ định của natri benzoate / natri phenylacetate.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường gặp nhất là nôn mửa. Có thể giảm thiểu tác dụng phụ này bằng cách chia nhỏ liều và sử dụng thường xuyên hơn hoặc có thể sử dụng cùng với thức ăn.

Nôn mửa
Hình ảnh: Nôn mửa

Chán ăn, cáu gắt, ngủ lịm và hôn mê có thể xảy ra khi dùng liều cao. Độc tính này xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh do sự liên hợp ở gan không hoàn chỉnh.
Các tác dụng phụ thường gặp (1-10%) với natri benzoate/ natri phenylacetate:

  • Rối loạn thần kinh: Kích động, co giật, suy nhược tâm thần, hôn mê, phù não.
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy.
  • Sốt.
  • Rối loạn da.
  • Rối loạn chuyển hóa: Tăng amoniac máu, tăng đường huyết, hạ calci huyết.
  • Thiếu máu.
  • Hạ huyết áp.
  • Suy hô hấp.
  • Nhiễm toan.
  • Nhiễm trùng tiết niệu.
  • Phản ứng tại chỗ tiêm.
  • Đông máu nội mạch rải rác (DIC).

Lưu ý và thận trọng

Thận trọng với bệnh nhân suy tim sung huyết, suy gan, suy thận nặng, phù nề nhiều do thuốc chứa Na+. Đồng thời, bệnh gan và thận có thể làm giảm chuyển hóa và thanh thải thuốc, dẫn đến tăng nồng độ trong huyết tương, có thể tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.
Cần theo dõi nồng độ amoniac huyết thanh, xét nghiệm thần kinh, đáp ứng lâm sàng, điện giải đồ với natri benzoate / natri phenylacetate.
Ngừng sử dụng các thuốc hạ amoniac máu khác trước khi dùng natri benzoate / natri phenylacetate.
Tránh dùng lặp lại liều nạp với natri benzoate / natri phenylacetate.
Phenylacetate có liên quan đến nguy cơ nhiễm độc thần kinh.
Thận trọng khi dùng natri benzoate ở bệnh nhân hen phế quản do đờm loãng ra có thể làm hẹp đường thở của bệnh nhân vốn dĩ đã có đường thông khí hẹp.

Không dùng natri benzoat với bệnh nhân hen phế quản
Hình ảnh: Không dùng natri benzoat với bệnh nhân hen phế quản

Thận trọng trên bệnh nhân có phản xạ ho kém: người cao tuổi, yếu, suy nhược sức khỏe.
Lượng lớn có thể gây đau và kích ứng dạ dày.
Phụ nữ mang thai: Chỉ sử dụng khi lợi ích là vượt trội so với rủi ro. Phân loại thai kì: C.
Phụ nữ đang cho con bú: Không rõ thuốc có vào được sữa mẹ hay không. Sử dụng thận trọng.

Tương tác thuốc

Dùng natri benzoate / natri phenylacetate cùng acid valproic: Acid valproic đối kháng dược lực học với natri phenylacetate. Làm trầm trọng thêm tình trạng tăng amoniac máu.
Dùng cùng thuốc ho: Giảm khả năng đẩy đờm ra khỏi đường hô hấp do ức chế phản xạ ho.
Phối hợp với thuốc ức chế đối giao cảm (như atropin): Có thể làm giảm tác dụng long đờm do các thuốc kiểu này ức chế tiết dịch đường hô hấp.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với natri benzoate hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Hen phế quản cấp.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3977640/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5383965/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4289147/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4346689/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5018516/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây