Bệnh Parkinson là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

5/5 - (2 bình chọn)

Bệnh Parkinson là gì?

Bệnh Parkinson thường gặp ở người cao tuổi
Bệnh Parkinson thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh Parkinson (Parkinson’s Disease) là một bệnh thoái hóa thần kinh, có tính chất mạn tính, tiến triển chậm nhưng phức tạp, đặc trưng bởi các rối loạn chức năng vận động.

Bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có sự thoái hóa các tế bào thần kinh ở vùng chất đen trong não và gây ra sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Đây là có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh Parkinson.

Bệnh có tên là Parkinson do bệnh này được mô tả lần đầu bởi bác sĩ người Anh James Parkinson năm 1817. Sau này bệnh tiếp tục được mô tả chi tiết hơn bởi Jean-Martin Charcot.

Nếu chỉ xét riêng về các bệnh lý liên quan đến thoái hóa thần kinh, bệnh Parkinson là bệnh lý phổ biến thứ hai trên thế giới, chỉ sau bệnh Alzheimer. Bệnh Parkinson gặp chủ yếu ở người già, với tỷ lệ hiện mắc bệnh là 0.5-1.0% ở những người nằm trong độ tuổi từ 65-69, nhưng tỷ lệ này tăng lên từ 1.0-3.0% ở những người nằm trong độ tuổi từ 80 trở lên. Với tình trạng chung trên thế giới là dân số đang ngày càng già hóa, tỷ lệ mắc bệnh Parkinson sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn trong những năm tới. Tỷ lệ mắc bệnh là tương đương nhau giữa các chủng tộc cũng như giữa hai giới.

Bệnh Parkinson có xu hướng tiến triển chậm, nặng dần và có thể dẫn đến tàn phế.

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson cho đến hiện nay vẫn chưa được hiểu biết một cách chi tiết. Người ta chỉ biết rằng có sự thoái hóa của các tế bào thần kinh ở chất đen trong não, làm giảm sút lượng dopamine được sản xuất ra. Một số nguyên nhân đã biết có thể gây ra bệnh Parkinson là:

Nguyên nhân gây bệnh Parkinson
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

– Tổn thương não sau viêm não Nhật Bản B, sau chấn thương sọ não…

– Ngộ độc hóa chất, khí độc: CS2 (carbon disulfide), CO (carbon monoxide)…

– Ngộ độc thuốc, chất kích thích: MPTP (1-methyl-4-phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridine) (sau khi vào trong cơ thể, nó được chuyển hóa thành MPP+ [1-methyl-4-phenylpyridinium], MPP+ phá hủy chọn lọc các tế bào thần kinh dopaminergic ở vùng chất đen của não), một số thuốc gây ra hội chứng Parkinson khi dùng liều cao và kéo dài, nhưng có thể tự hết khi ngừng thuốc như thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), Metoclopramide…

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh Parkinson:

– Tuổi cao: Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Bệnh nhân Parkinson chủ yếu từ 60 tuổi trở lên.

– Di truyền: Khoảng 10-15% bệnh nhân mắc bệnh Parkinson có người nhà cũng mắc bệnh này. Một số gen có khả năng gây ra bệnh Parkinson được ký hiệu là “PARK” cộng với số thứ tự phát hiện ra chúng. Hiện tại, người ta đã xác định được 23 gen PARK.

– Sự chết theo chương trình (apoptosis) của các tế bào tiết dopamine cũng đóng một vai trò khá quan trọng gây ra bệnh Parkinson.

Mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh Parkinson:

Nghe có vẻ khó tin, nhưng thực sự lại có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng những người hút thuốc lá lại có tỷ lệ mắc bệnh Parkinson thấp hơn đáng kể so với những người không hút thuốc (đặc biệt là khi so sánh với những người nghiện thuốc lá nặng hoặc lâu năm). Lý do đằng sau hiệu quả này của hút thuốc lá không được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng có thể đây là tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh dopaminergic ở chất đen trong não của nicotin, thành phần chính trong khói thuốc lá. Tuy nhiên, cũng có những nhà khoa học cho rằng, kết quả của những nghiên cứu trên là do bản thân những bệnh nhân mắc bệnh Parkinson ít có khả năng hút thuốc lá hơn, do giảm phản ứng với nicotin trong khói thuốc. Kết quả này được ủng hộ bởi một thực tế là các bệnh nhân Parkinson có hút thuốc lá dễ dàng bỏ thuốc hơn rất nhiều những người không bị bệnh Parkinson. Dù kết quả nào mới thực sự là đúng, chúng tôi hoàn toàn không khuyến khích bạn đọc hút thuốc lá.

Mối liên quan giữa caffeine và bệnh Parkinson:

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học (bao gồm chủ yếu là các nghiên cứu thuần tập và bệnh chứng) cho thấy những người sử dụng caffeine có nguy cơ mắc bệnh Parkinson giảm so với những người không sử dụng caffeine. Tuy vậy, mối liên quan giữa sử dụng caffeine với nguy cơ mắc bệnh Parkinson chặt chẽ ở nam giới hơn so với nữ giới. Nguyên nhân có thể là do estrogen ức chế cạnh tranh sự chuyển hóa caffeine, vậy nên nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở phụ nữ trong trường hợp này còn phụ thuộc vào việc họ có sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh hay không.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh Parkinson

Cơ chế bệnh sinh của bệnh Parkinson chưa hoàn toàn được làm sáng tỏ. Nhưng cơ chế được nhiều người chấp nhận, đó là bệnh Parkinson là sự mất cân bằng giữa các chất dẫn truyền thần kinh kích thích và các chất dẫn truyền thần kinh ức chế chịu trách nhiệm điều hòa trương lực cơ, ở đây là dopamine và acetylcholine.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh Parkinson
Cơ chế bệnh sinh của bệnh Parkinson

Ở bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, các neuron thần kinh ở vùng chất đen của não bị thoái hóa, giảm khả năng tiết ra dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh ức chế. Do lượng dopamine tiết ra bị giảm, nhưng lượng acetylcholine không đổi, nên sự mất cân bằng giữa tác dụng ức chế và tác dụng kích thích xảy ra, biểu hiện các triệu chứng là ưu thế của acetylcholine.

Biểu hiện đặc trưng của sự mất cân bằng này lên vận động là sự rối loạn vận động, đặc trưng bởi hội chứng ngoại tháp. Hội chứng ngoại tháp bao gồm rất nhiều bệnh lý, trong đó bệnh Parkinson là phổ biến nhất.

Triệu chứng bệnh Parkinson

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh Parkinson có 4 triệu chứng lâm sàng đặc trưng sau:

Triệu chứng lâm sàng của bệnh Parkinson
Triệu chứng lâm sàng của bệnh Parkinson

– Run khi nghỉ: Run chỉ xảy ra khi bệnh nhân nghỉ chứ không xảy ra khi bệnh nhân vận động. Đây là những động tác mà bệnh nhân không chủ ý. Run đặc biệt rõ ở bàn tay và các đầu ngón tay, ngoài ra còn có run ở bàn chân, lưỡi, cằm…

– Tăng trương lực cơ: Cơ ở tay và chân co cứng, căng, tư thế nửa gấp. Khi đi lại, tay khó vung vẩy.

– Giảm động tác: Các động tác đều giảm (về cả tốc độ và biên độ), vận động nhanh mệt. Không chỉ có động tác ở các chi, mà động tác ở khuôn mặt cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến bệnh nhân khó biểu lộ cảm xúc, nói chậm, nuốt khó…

– Tư thế và dáng đi bất thường: Dáng đi của bệnh nhân Parkinson rất đặc trưng, gọi là tư thế gấp, được mô tả cụ thể trong hình dưới.

Dáng đi đặc trưng của bệnh nhân bị Parkinson
Dáng đi đặc trưng của bệnh nhân bị Parkinson

Các triệu chứng lâm sàng khác có thể xảy ra ở bệnh nhân Parkinson: Cảm thấy nóng bức, ra mồ hôi nhiều, chảy nước dãi, trầm cảm

Chú ý: Bệnh nhân Parkinson không có sa sút trí tuệ, chỉ là tốc độ xử lý thông tin thường chậm chạp.

Triệu chứng cận lâm sàng

Các chẩn đoán hình ảnh bằng chụp CT scan hay cộng hưởng từ (MRI) có thể hỗ trợ phát hiện những bất thường trong cấu trúc não.

Chẩn đoán bệnh Parkinson

Trong chẩn đoán bệnh Parkinson, các bác sĩ sẽ dựa chủ yếu vào các triệu chứng lâm sàng. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thường không có nhiều giá trị trong chẩn đoán.

Các triệu chứng lâm sàng được sử dụng nhiều trong chẩn đoán chính là 4 triệu chứng lâm sàng chính về vận động của bệnh nhân Parkinson đã được nói ở trên. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng thêm các triệu chứng khác ngoài vận động.

Ngoài ra, chẩn đoán bệnh Parkinson càng thêm chắc chắn khi bệnh nhân đáp ứng rất tốt với Levodopa.

Điều trị bệnh Parkinson

Nguyên tắc điều trị chứng

Điều trị triệu chứng bằng thuốc ngay khi các triệu chứng của bệnh Parkinson xuất hiện, gây cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh Parkinson chưa có phương pháp điều trị dứt điểm
Bệnh Parkinson chưa có phương pháp điều trị dứt điểm

Chủ động dự phòng các biến chứng.

Chế độ ăn cân bằng, thành phần dinh dưỡng đa dạng, ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước (do các thuốc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân Parkinson thường gây ra tác dụng không mong muốn là táo bón).

Các thuốc điều trị triệu chứng

Levodopa: Đây là tiền chất của dopamine. Sau khi vào cơ thể, nó được enzyme DOPA decarboxylase xúc tác chuyển thành dopamine. Dopamine sẽ được cung cấp cho vùng chất đen bị thiếu hụt dopamine trong bệnh Parkinson. Đây là thuốc có tác dụng dược lý mạnh nhất trong giảm triệu chứng của bệnh Parkinson.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà khoa học lại không sử dụng trực tiếp dopamine làm thuốc, mà phải sử dụng dạng tiền chất của nó là Levodopa? Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Dopamine rất khó có thể qua được hàng rào máu não. Do vậy, nếu dùng dopamine làm thuốc, phải sử dụng với nó liều rất cao, hiệu quả điều trị không đáng kể mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Levodopa có thể qua được hàng rào máu não dễ dàng nhờ hệ vận chuyển tích cực các L-amino acid. Đây là ưu điểm của nó so với dopamine.

Một vấn đề nữa cần được giải quyết với Levodopa, đó là nếu nó được sử dụng đơn độc, tác dụng của nó vẫn rất yếu. Nguyên nhân sau này được tìm ra là bởi Levodopa bị decarboxyl hóa ở ngoại vi (do DOPA decarboxylase ngoại vi) thành dopamine, và lượng dopamine này không thể lên được hệ thần kinh trung ương. Chỉ có phần Levodopa được decarboxyl hóa nhờ DOPA decarboxylase ở hệ thần kinh trung ương mới đem lại tác dụng. Các nhà khoa học đã giải quyết vấn đề này nhờ sử dụng một chất khác làm chất “hy sinh” cho Levodopa ở ngoại vi, đó là Carbidopa hoặc Benserazide. Các chất này có ái lực với DOPA decarboxylase ngoại vi mạnh hơn nhiều Levodopa, vậy nên chúng sẽ bị decarboxyl hóa trước Levodopa, tạo điều kiện cho Levodopa có đủ thời gian để tiến vào hệ thần kinh trung ương và phát huy tác dụng của mình.

– Thuốc chủ vận thụ thể dopamine: Các đại diện là Pergolide (đã ngưng sử dụng vì gây bệnh van tim), Pramipexole (còn có tác dụng chống trầm cảm), Piribedil và Bromocriptine… Các thuốc này gắn kết với thụ thể dopamine ở sau synapse thể vân và tạo ra tác dụng tương tự dopamine.

– Amantadine: Cơ chế không rõ. Chỉ sử dụng cho các bệnh nhân nhẹ.

– Thuốc ức chế monoamine oxidase B (MAO-B): Các thuốc này làm giảm giáng hóa dopamine do ức chế MAO-B, enzyme phân hủy dopamine nội như ngoại sinh. Các đại diện là Selegiline và Rasagiline. Các thuốc ức chế MAO không đặc hiệu không được sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson vì khi phối hợp với Levodopa, chúng gây tăng thân nhiệt và tăng huyết áp.

– Thuốc ức chế catechol O-methyltransferase (COMT): COMT cũng là một enzyme tham gia phân hủy dopamine nội và ngoại sinh. Do vậy, ức chế COMT làm tăng cường tác dụng của dopamine. Các đại diện là Entacapone và Tolcapone.

Các thuốc ức chế MAO-B và COMT đều làm kéo dài thời gian bán thải của Levodopa.

– Thuốc kháng cholinergic: Giảm tác dụng của acetylcholine, thiết lập lại cân bằng giữa dopamine và acetylcholine. Các đại diện là Trihexyphenidyl, Diphenhydramine và Benztropine.

Điều trị khác

  • Vật lý trị liệu: Phối hợp cùng với sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.
  • Phẫu thuật: Chỉ sử dụng khi sử dụng thuốc không hiệu quả: Cắt bỏ nhân đậu hoặc đồi thị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây