Phơi nhiễm HIV là gì? Cần xử lí thế nào để giảm nguy hiểm?

5/5 - (3 bình chọn)

HIV là một căn bệnh thế kỉ và ngày nay vẫn còn nhận được rất nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về căn bệnh này là một cách để bảo vệ cho chính mình và cả cộng đồng. Trong đó, các kiến thức liên quan đến tình trạng phơi nhiễm HIV cũng là điều rất cần phải lưu ý.

Phơi nhiễm với HIV là gì?

Phơi nhiễm với HIV là khái niệm được sử dụng khi xuất hiện tình trạng tiếp xúc của người lành không mắc bệnh với các loại dịch tiết có khả năng mang mầm bệnh HIV. Một trường hợp được coi là bị phơi nhiễm HIV khi đáp ứng được 2 tiêu chí:

  • Dịch tiếp xúc với người lành là dịch tiết có thể mang mầm bệnh của người nhiễm HIV như: máu, tinh dịch, dịch âm đạo, sữa mẹ. Các loại dịch tiết khác như: mồ hôi, nước mắt, nước bọt, nước tiểu thì được xem là loại không có khả năng lây truyền HIV
  • Có yếu tố ngõ vào (dịch tiết phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố ngõ vào này): các vết thương hở, các vết đâm, vết kim tiêm vào da, sự tiếp xúc trực tiếp ở niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi, miệng, niêm mạc ở âm đạo hoặc hậu môn.

Những trường hợp nào là phơi nhiễm với HIV?

Các trường hợp được coi là phơi nhiễm với HIV
Các trường hợp được coi là phơi nhiễm với HIV

Các trường hợp được coi là phơi nhiễm với HIV bao gồm:

  • Những người có tiếp xúc với máu của người có nguy cơ nhiễm HIV thông qua các vết thương hở
  • Người xảy ra quan hệ tình dục với người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao su, bao cao su bị rách, vỡ hoặc bị cưỡng dâm
  • Mẹ nhiễm HIV, mang thai và sinh con theo đường âm đạo, con sinh ra sẽ bị phơi nhiễm HIV. Hoặc trẻ sơ sinh bú sữa mẹ từ người mẹ nhiễm HIV cũng được coi là phơi nhiễm HIV
  • Người bị kim tiêm hoặc các vật sắc nhọn ở nơi công cộng đâm trúng, trên kim tiêm có dính máu nhìn thấy được
  • Những người sử dụng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV (thường gặp ở những đối tượng nghiện hút chích)
  • Nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV do các tai nạn nghề nghiệp khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh như: bị kim đâm khi tiêm truyền hoặc lấy máu, các vết thương do dao mổ dễ tiếp xúc với máu của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật, các loại dịch tiết mang mầm bệnh của người nhiễm HIV có thể bắn lên và tiếp xúc với niêm mạc mắt, mũi, họng của các nhân viên y tế.
  • Cảnh sát bị kim tiêm đâm vào khi làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm, lính cứu hộ bị thương trong quá trình cấp cứu tai nạn cho nạn nhân nhiễm HIV

Các bước xử lí khi phơi nhiễm HIV

Các bước xử lí khi phơi nhiễm HIV
Các bước xử lí khi phơi nhiễm HIV

Khi phát hiện bản thân có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, cần phải thật sự bình tĩnh và thực hiện các xử lý kịp thời để làm giảm nguy hiểm một cách tối đa. Các bước xử lí sau khi phơi nhiễm HIV như sau:

  • Bước 1: làm sạch vết thương có tiếp xúc với máu hoặc dịch thể mang mầm bệnh HIV. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch hoặc bằng xà phòng, sau đó sát trùng với dung dịch Javen hoặc Cồn 70 độ trong khoảng 5 phút. Lưu ý là nên để vết thương tự chảy máu trong thời gian ngắn, không nên nặn máu để tránh tổn thương lan rộng

Nếu phần tiếp xúc với dịch tiết là niêm mạc mắt hoặc mũi, nên sử dụng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc nước cất, rửa liên tục trong 5 phút

Nếu dịch tiết bắn vào miệng thì hãy súc miệng với nước muối sinh lý nhiều lần liên tục trong vài phút

  • Bước 2: sau khi xử lý vết thương, cần đến các cơ sở y tế để khám ngay. Các bác sĩ sẽ có những đánh giá ban đầu về nguy cơ phơi nhiễm HIV theo mức độ nông sâu của tổn thương và diện tích tiếp xúc
  • Bước 3: sử dụng thuốc kháng virus HIV (thuốc ARV) càng sớm càng tốt. Thời điểm tốt nhất để thuốc phát huy hết hiệu quả bảo vệ của nó là từ 2 – 6 giờ phơi nhiễm. Sau 72 giờ bị phơi nhiễm, thuốc sẽ không còn phát huy được tác dụng
  • Bước 4: tiến hành làm xét nghiệm HIV để xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm
  • Bước 5: điều trị dự phòng cho người bị phơi nhiễm HIV trong vòng 4 tuần liên tục bằng ARV. Trong trường hợp xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc (như sốt phát ban hoặc buồn nôn), người bệnh cũng không được dừng thuốc mà phải tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn mới của bác sĩ. Điều trị kết hợp song song với việc đánh giá tình trạng HIV của người gây phơi nhiễm và bị phơi nhiễm để có phác đồ điều trị thích hợp
  • Bước 6: xét nghiệm lại, nếu kết quả âm tính thì vẫn cần tiếp tục theo dõi và tiến hành kiểm tra sau 1 tháng, sau 3 tháng và sau 6 tháng. Trong thời gian này, nên duy trì các biện pháp dự phòng lây nhiễm như: tránh để bị thương, thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng bao cao su

Trả lời một số câu hỏi thường gặp

Làm sao để biết mình có bị nhiễm HIV hay không?

Một số triệu chứng có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu tiên khi bị nhiễm HIV – hay còn gọi là giai đoạn cửa sổ. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau 2 – 6 tuần khi bị lây nhiễm

  • Sốt: virus HIV đi từ máu vào hệ tuần hoàn và gây ra các phản ứng kích thích đến hệ miễn dịch của cơ thể. Cơ thể sẽ tự bảo vệ bằng các cơn sốt. Các cơn sốt trong giai đoạn này thường là sốt nhẹ và kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, đau họng…
  • Đau nhức ở các cơ, khớp, hạch bạch huyết sưng to
  • Xuất hiện triệu chứng đau họng, đau đầu, có thể kèm hiện tượng buồn nôn hoặc tiêu chảy
Sốt, ho là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn "cửa sổ" của HIV
Sốt, ho là triệu chứng thường gặp ở giai đoạn “cửa sổ” của HIV

Tuy nhiên, đây là các triệu chứng không mấy điển hình và thường bị nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Cách duy nhất để biết chính xác mình có bị nhiễm HIV hay không là đi xét nghiệm HIV ở các cơ sở y tế. Trong trường hợp có tình huống phơi nhiễm HIV, cần uống thuốc chống phơi nhiễm ngay lập tức trước khi dương tính.

Các xét nghiệm có thể thực hiện để xác định tình trạng nhiễm HIV là: xét nghiệm sàng lọc HIV bằng kĩ thuật miễn dịch đánh dấu, xét nghiệm chẩn đoán HIV bằng phương pháp huyết thanh học hoặc kĩ thuật sinh học phân tử. Trong đó, phương pháp xét nghiệm huyết thanh học được sử dụng nhiều cho người lớn dựa trên nguyên tắc phát hiện kháng nguyên HIV trong máu, còn xét nghiệm sinh học phân tử thường được sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi hoặc các trường hợp khó xác định bằng huyết thanh học

Phơi nhiễm HIV có nên dùng ngay thuốc ARV?

Thuốc ARV cần phải được sử dụng càng sớm càng tốt trong những trường hợp bị phơi nhiễm HIV. Theo nghiên cứu, sử dụng thuốc ARV trong 24 giờ đầu sau khi phơi nhiễm có thể đạt hiệu quả bảo vệ lên tới xấp xỉ 100% , trong khi sử dụng thuốc sau 24 – 72 giờ hiệu quả chỉ còn đạt 52% và sau 72 giờ phơi nhiễm, ARV không thể phát huy được tác dụng như mong muốn

HIV có thể chữa khỏi không?

Hiện nay, khoa học và y tế ngày càng phát triển khiến việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV đang có nhiều kết quả rất khả quan. Trên thế giới đã ghi nhận một vài trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV được chữa khỏi (ví dụ năm 2011 một bệnh nhân HIV ở Berlin đã không còn tìm thấy virus HIV trong cơ thể sau khi chữa trị)

Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn còn rất hi hữu và vẫn chưa có 1 phác đồ điều trị chữa khỏi HIV nào được phổ biến, tất cả mới được các nhà khoa học tích cực nghiên cứu và thử nghiệm. Do đó, điều đáng buồn phải thừa nhận là hiện nay, bệnh HIV vẫn chưa được chữa khỏi

Tuy vậy, sự phát triển của y học ngày nay đang mở ra nhiều hi vọng mới cho các bệnh nhân nhiễm HIV và toàn thế giới. Các biện pháp được áp dụng điều trị hiện nay vẫn đang cho được kết quả tốt, kéo dài tuổi thọ và có thể đem đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho các bệnh nhân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây