Bệnh rò hậu môn có nguy hiểm không? Mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi?

Đánh giá post

Nếu như trĩ được xem là bệnh phổ biến nhất ở khu vực trực tràng –  hậu môn thì rò hậu môn chỉ xếp sau nó. Là một bệnh mà rất nhiều người mắc phải hiện nay, liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về căn bệnh này hay chưa? Hãy để chúng tôi giúp bạn qua bài viết dưới đây.

Rò hậu môn là bệnh gì?

Rò hậu môn hay còn được gọi là mạch lươn là một bệnh mạn tính xảy ra ở vùng hậu môn –  trực tràng, được gây ra do sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại như: các vi khuẩn đường ruột ( liên cầu, E.coli, tụ cầu vàng) hay trực khuẩn lao gây nên ổ áp xe quanh khu vực này, về lâu dài nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, ổ áp xe sẽ vỡ ra tạo thành đường rò với bên trong là một tổ chức hạt được tạo ra bởi quá trình viêm mạn tính. Quá trình bệnh lý gồm hai giai đoạn là: áp xe (giai đoạn cấp tính) và rò hậu môn (giai đoạn mạn tính).

Tìm hiểu thêm: Điều trị dứt điểm nứt kẽ hậu môn như thế nào? Nên bôi thuốc gì?

Bệnh rò hậu môn có nguy hiểm không?

Mặc dù không đe dọa tới tính mạng nhưng rò hậu môn gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt cũng như trong công việc như: ngứa ngáy, sưng đau ở khu vực hậu môn khiến người bệnh khó chịu, tự ti khi giao tiếp với mọi người; mệt mỏi; đại tiện, tiểu tiện khó khăn. Về lâu dài, nếu không được điều trị đúng cách, đặc biệt khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn và đồng thời cũng để lại nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm như: nhiễm trùng, chảy mủ, cơ thể luôn nặng mùi, ngứa ngáy, đau nhức, thậm chí có thể gây ung thư trực tràng –  hậu môn.

Như vậy, có thể thấy rằng, rò hậu môn là một bệnh lý khá nguy hiểm, vì vậy cần được phát hiện và điều trị sớm, nhất là khi ổ áp xe còn chưa vỡ ra, quá trình bệnh lý vẫn đang ở giai đoạn cấp tính để bệnh nhân có thể nhanh chóng phục hồi và tránh những biến chứng không mong muốn.

Tìm hiểu thêm: Mẹo các cách chữa trĩ bằng hạt gấc an toàn, đạt hiệu quả cao

Phân loại bệnh rò hậu môn

Phân loại rò hậu môn
Phân loại rò hậu môn

Bệnh rò hậu môn được phân loại theo rất nhiều cách, trong đó các cách phân loại hay được sử dụng phải kể đến như:

  • Dựa vào mức độ của lỗ rò: Rò hoàn toàn (lỗ trong và ngoài thông với nhau) và rò không hoàn toàn (đường rò chỉ có 1 lỗ).
  • Dựa vào mức độ phức tạp của lỗ rò: rò đơn giản ( đường rò thẳng, ít ngoằn ngoèo) và rò phức tạp ( rò ngoằn ngoèo, nhiều ngóc ngách).
  • Dựa vào vị trí của đường rò: rò trong cơ thắt, rò qua cơ thắt và rò ngoài cơ thắt.

Nguyên nhân gây bệnh rò hậu môn

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh rò hậu môn là do nhiễm khuẩn gây ra các ổ áp xe ở trực tràng –  hậu môn, các ổ áp xe này không lành đúng cách sau khi hết mủ và vỡ ra gây ra đường dò. Ngoài ra, có một số nguyên nhân nữa có thể gây ra bệnh như:

  • Các bệnh lý như: viêm ruột thừa, viêm tuyến mồ hôi mủ, bệnh Crohn (IBD-là một bệnh viêm ruột).
  • Nhiễm virus như virus HIV.
  • Biến chứng hậu phẫu thuật ở vùng hậu môn –  trực tràng.

Hình ảnh rò hậu môn

Hình ảnh một số bệnh nhân bị rò hậu môn
Hình ảnh một số bệnh nhân bị rò hậu môn

Triệu chứng của bệnh rò hậu môn

Các triệu chứng ở bệnh nhân rò hậu môn hết sức đa dạng, tùy thuộc vào mức độ, vị trí của đường rò tuy nhiên triệu chứng thường gặp phải kể đến như:

  • Đau đớn đặc biệt là khi ngồi xuống, đi đại tiện, tiểu tiện: Mức độ đau đớn sẽ tăng dần nếu như không tiến hành điều trị do đường rò ngày càng được mở rộng về kích thước cũng như số lượng.
  • Sưng và ngứa ngáy khó chịu ở hậu môn: Có thể dễ dàng phát hiện các khối bìu ở hậu môn bằng tay và mức độ ngứa ngày càng tăng do sự kết hợp giữa các vi sinh vật sống ở hậu môn và phân ứ đọng lại ở các lỗ và đường rò sau mỗi lần đi ngoài làm bệnh ngày càng trở nên nặng hơn.
  • Xuất hiện mủ: do sự phát triển của các vi khuẩn có hại khiến da ở vùng hậu môn bị phồng lên và sinh mủ, đến một lúc nào đó, mủ sẽ vỡ ra và chảy ra ngoài.
  • Thăm khám hậu môn có thể thấy lỗ rò.

Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện sau khi các đường và lỗ dò đã được hình thành tức bệnh đã chuyển qua giai đoạn mạn tính.

Tìm hiểu thêm: Polyp hậu môn là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị Polyp hậu môn

Biến chứng thường gặp của bệnh rò hậu môn

Mặc dù không đe dọa tới tính mạng của người bệnh nhưng rò hậu môn cũng để lại nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm phải kể đến như:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Sự xuất hiện của các lỗ rò ở vùng hậu môn –  trực tràng tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các vi sinh vật gây hại. Về lâu dài, nhiễm trùng gây ra tình trạng lở loét cũng như chảy mủ ở hậu môn khiến bệnh nhân hết sức đau đớn đặc biệt khi đại tiện, mủ có mùi hôi khó chịu khiến bệnh nhân ngại tiếp xúc và giao tiếp với mọi người xung quanh đồng thời cũng gây suy nhược cơ thể.
  • Tạo điều kiện cho sự gia tăng về số lượng cũng như mức độ của các lỗ rò, đường rò: Việc này không chỉ gây đau đớn khi đi ngoài, đi tiểu tiện mà còn khiến người bệnh đi đại tiện, tiểu tiện hết sức khó khăn, đại tiện không tự chủ.
  • Nguy cơ ung thư: Rò hậu môn lâu dài có thể dẫn đến rò ở các vị trí khác như: trực tràng âm đạo, trực tràng bàng quang, trực tràng niệu đạo. Càng để lâu, bệnh sẽ càng tiến triển và lan ra, phát triển thành bệnh ung thư hết sức nguy hiểm.

Cách điều trị bệnh rò hậu môn

Điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật
Điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật

Với những biến chứng hết sức nguy hiểm được kể trên, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường và nghi ngờ mắc bệnh cần tới ngay các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chữa bệnh kịp thời. Mặc dù là một bệnh mạn tính, rất khó khăn trong điều trị triệt để tuy nhiên nếu được sớm điều trị thì các triệu chứng sẽ được cải thiện rõ rệt. Hiện nay có rất nhiều cách có thể sử dụng trong điều trị rò hậu môn, có thể kể đến như:

  • Các bài thuốc Đông y: Theo y học cổ truyền, rò hậu môn là do khí huyết không thông hay do nóng trong người hay do táo bón làm tích tụ chất độc. Vì vậy nên các thầy thuốc Đông y thường kê các bài thuốc có tác dụng đả thông khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng kích thích tiêu hóa. Tuy nhiên các bài thuốc này chỉ có hiệu quả khi bệnh còn ở thể nhẹ, khi bệnh tiến triển nặng, cách chữa trị bằng Đông y gần như không có tác dụng.
  • Phẫu thuật (Can thiệp ngoại khoa) như: Cắt mở đường rò (fistulotomy), Đặt seton, Bịt đường rò bằng keo fibrin, kỹ thuật xâm lấn tối thiểu HCPT thế hệ ba. Đây được xem là cách tốt nhất giúp bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không tái phát, nhất là khi bệnh đã tiến triển nặng.

Phòng tránh bệnh rò hậu môn

Rò hậu môn là một bệnh lý mạn tính do sự vỡ ra của các ổ áp xe ở hậu môn tạo thành các đường, lỗ rò. Là một bệnh khá nguy hiểm tuy nhiên bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng các cách hết sức đơn giản như sau:

  • Điều trị sớm và triệt để các ổ áp xe ở vùng hậu môn –  trực tràng để chúng không bị vỡ ra gây nên các lỗ rò.
  • Chế độ ăn uống khoa học và hợp lý: Bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin và chất xơ tốt cho cơ thể như các loại rau củ quả, trái cây, đậu phụ. Uống nhiều nước từ 2-4 lít mỗi ngày. Hạn chế ăn các thực phẩm giàu protid, lipid như các thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, các đồ chiên rán, thực phẩm cay nóng. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây hại.
  • Điều trị sớm và triệt để một số bệnh lý như viêm loét đại tràng, viêm ruột thừa, bệnh Crohn – cũng là các nguyên nhân có thể dẫn đến rò hậu môn.
  • Duy trì hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, bình thường, tránh tiêu chảy và táo bón do tiêu chảy làm ổ viêm ngày càng nghiêm trọng còn táo bón khiến trực tràng hậu môn tăng co bóp để tống phân ra ngoài, về lâu dài gây tổn thương hậu môn và tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại.
  • Vệ sinh hậu môn sạch sẽ hằng ngày bằng nước ấm hoặc nước muối pha loãng để diệt khuẩn.
  • Sử dụng các loại quần lót kháng khuẩn, mềm mại, thấm mồ hôi, vừa vặn không nên mặc quá rộng hoặc quá chật.

Một số câu hỏi thường gặp

Rò hậu môn khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi nào thì nên đi khám rò hậu môn?
Khi nào thì nên đi khám rò hậu môn?

Rò hậu môn là một bệnh lý mạn tính có thời gian tiến triển hết sức lâu dài và rất khó để điều trị triệt để hoàn toàn đặc biệt là khi bệnh đã chuyển sang thể nặng đồng thời về lâu dài bệnh cũng để lại nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Vì vậy khi phát hiện thấy các triệu chứng của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế chất lượng và các bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Quân đội 108, bệnh viện đại học Y Hà Nội để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời. Đừng vì ngại ngùng vì rò hậu môn là một bệnh “khó nói” mà tới các phòng khám và cơ sở kém chất lượng, nó sẽ khiến tình trạng của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

Mổ rò hậu môn bao lâu thì khỏi?

Đây là một vấn đề được khá nhiều người quan tâm hiện nay. Theo các bác sĩ chuyên khoa, thời gian hồi phục sau mổ rò hậu môn ngắn hay dài còn phụ thuộc vào nhiều các yếu tố khác nhau của bệnh như:

  • Mức độ bệnh: Khi người bệnh bị rò hậu môn ở mức độ nhẹ, đường rò còn nhỏ, tổn thương chưa lan rộng thì việc mổ hậu môn cũng đơn giản hơn đồng thời thời gian hồi phục cũng ngắn hơn. Tuy nhiên, khi bệnh đã tiến triển nặng, số lượng lỗ và đường rò đã tăng lên nhiều, đồng thời diện tích thương tổn cũng lan rộng ra xung quanh thì việc phẫu thuật cũng phức tạp hơn và thời gian hồi phục hậu phẫu cũng kéo dài.
  • Phương pháp chữa trị: Mỗi phương pháp mổ rò hậu môn khác nhau cũng sẽ ảnh hưởng tới thời gian hồi phục hậu phẫu. Nếu như người bệnh chọn mổ theo cách truyền thông (mổ đường rò) thì thường mất khá nhiều thời gian để khỏi bệnh do mổ đường rò tạo ra các vết thương lớn, tăng nguy cơ nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh ở khu vực hậu môn. Còn nếu lựa chọn mổ theo kỹ thuật xâm lấn tối thiểu HCPT thế hệ ba –  một trong các phương pháp chữa trị tiên tiến nhất hiện nay thì thời gian hồi phục nhanh hơn đồng thời giảm nguy cơ tái phát bệnh, tuy nhiên chi phí chữa trị cũng sẽ cao hơn các phương pháp truyền thống.
  • Tình trạng sức khỏe của người bệnh: Đây được coi là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất tới thời gian hồi phục, nếu bệnh nhân có sức đề kháng tốt, không mắc các bệnh lý và các viêm nhiễm khác thì thời gian hồi phục nhanh hơn, ngược lại nếu bệnh nhân có kèm nhiều các bệnh lý khác, bị nhiễm trùng hậu phẫu thì thời gian hồi phục sẽ kéo dài.
  • Một số các yếu tố khác có thể kể đến như: kỹ năng, trình độ chuyên môn của bác sĩ, chế độ chăm sóc hậu phẫu thuật, nơi thực hiện mổ rò hậu môn.

Chi phí mổ rò hậu môn

Rất khó để đưa ra một con số cụ thể cho chi phí mổ rò hậu môn vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

  • Phương pháp phẫu thuật: như đã đề cập ở trên, với sự phát triển của nền y học hiện nay, có rất nhiều phương pháp để mổ rò hậu môn. Với các phương pháp mổ truyền thống, chi phí sẽ thấp hơn các phương pháp hiện đại tuy nhiên người bệnh cảm thấy đau đớn do vết thương lớn đồng thời nguy cơ tái phát cũng cao hơn. Còn với các phương pháp hiện đại như kỹ thuật xâm lấn tối thiểu HCPT thế hệ ba, chi phí đắt đỏ hơn do đòi hỏi kĩ thuật cao hơn, cần các bác sĩ kinh nghiệm và thành thạo tay nghề, các trang thiết bị y tế cũng phải thật hiện đại thì mới có thể tiến hành được. Tuy nhiên với phương pháp này, bệnh nhân chịu ít đau đớn hơn, thời gian hồi phục hậu phẫu cũn nhanh hơn và nguy cơ tái nhiễm rất thấp.
  • Tình trạng bệnh nhân: Với các bệnh nhân ở thể nhẹ, đường rò còn nhỏ và sức đề kháng tốt, không có các bệnh lý khác đi kèm thì bệnh sẽ điều trị dễ dàng hơn đòng thời chi phí cũng sẽ thấp hơn do không bị phát sinh thêm nhiều các chi phí phụ khác. Ngược lại với các bệnh nhân ở thể nặng, suy giảm miễn dịch hay có nền các bệnh lý khác như đái tháo đường, trĩ thì sẽ phát sinh các chi phí khác làm tăng chi phí điều trị đồng thời thời gian hồi phục cũng kéo dài, nguy cơ tái nhiễm bệnh cũng cao hơn.
  • Cơ sở y tế tiến hành điều trị: Với các cơ sở y tế uy tín, chất lượng với đầy đủ các cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm trong phẫu thuật rò hậu môn thì tất nhiên các chi phí cũng cao hơn. Tuy nhiên bạn nên lựa chọn các cơ sở như vậy để đảm bảo an toàn trong và sau phẫu thuật, tránh bệnh tái nhiễm, đừng để “tiền mất tật mang”, lựa chọn các cơ sở kém chất lượng chỉ vì chi phí rẻ hơn.

Mổ rò hậu môn ở đâu?

Mổ rò hậu môn ở đâu tốt nhất?
Mổ rò hậu môn ở đâu tốt nhất?

Vì là một bệnh khá “tế nhị” vì vậy nhiều người khi mắc bệnh thường ngại tới các bệnh viện lớn mà thường tìm đến các phòng khám tư nhân và các cơ sở y tế ở ngoài. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều các cơ sở như thể không đủ các trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc phẫu thuật, các bác sĩ không đủ trình độ chuyên khoa đồng thời chăm sóc hậu phẫu thuật cũng không đảm bảo. Do đó nên lựa chọn mổ rò hậu môn ở các bệnh viện lớn có đầy đủ các trang thiết bị vật tư cần thiết với các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành có kinh nghiệm trong phẫu thuật mổ rò hậu môn. Một số bệnh viện lớn có thể kế đến như:

  • Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện 103, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, bệnh viện hữu nghị Việt Đức.
  • Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y Dược tp. Hồ Chí Minh.

Rò hậu môn có tái phát không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, rò hậu môn là một căn bệnh rất dễ bị tái phát dù cho đã được phẫu thuật đặc biệt là với các phẫu thuật theo phương pháp truyền thống thì nguy cơ tái phát khá là cao.

Một số nguyên nhân khiến rò hậu môn dễ tái phát như:

  • Mổ rò hậu môn ở các cơ sở y tế và các phòng khám tư nhân không có trang bị vật tư đầy đủ, bác sĩ không có chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm trong phẫu thuật rò hậu môn, chăm sóc không cẩn thận hậu phẫu thuật gây nhiễm trùng.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch, sức đề kháng yếu và sức khỏe không tốt vì tình trạng sức khỏe không tốt sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập trở lại của các vi khuẩn gây bệnh.
  • Bệnh nhân còn mắc các bệnh lý nền khác như: bệnh đái tháo đường, bệnh khác ở vùng hậu môn trực tràng như bệnh trĩ.
  • Làm sai yêu cầu của các bác sĩ ở giai đoạn hậu phẫu thuật.
  • Không điều trị được triệt để, chưa loại bỏ chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết rò hậu môn tái phát như:

  • Đau nhức, ngứa ngáy khó chịu ở hậu môn do vùng da ở đây bị kích ứng. Khó khăn khi thay đổi tư thế, nhất là ngồi xuống, đau khi đi đại tiện, tiểu tiện.
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đôi khi kèm sốt, trong người cảm thấy ớn lạnh.
  • Một số dấu hiệu khác như: hậu môn có mùi hôi khó chịu, có chảy mủ ở hậu môn.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây