Cây bạch quả có tác dụng gì? Cách dùng & phân bố

Đánh giá post

Hiện nay, các loại thuốc nói riêng và dược phẩm nói chung có 3 nguồn gốc chính: tổng hợp hóa dược; bán tổng hợp từ thảo dược; vi sinh vật. Trong đó, có một loài cây không thể không nhắc đến, thường được dùng trong các thuốc bổ não, đó là cây Bạch Quả. Heal Central xin được gửi tới độc giả những thông tin khoa học chi tiết nhất về loài cây này.

Cây bạch quả là cây gì?

Ginkgo Biloba là tên khoa học của loài cây bạch quả, hay còn có tên gọi khác là cây ngân hạnh, thuộc họ Bạch quả Ginkgoaceae. Từ “Ginkgo” đã được sử dụng đầu tiên bởi một bác sĩ phẫu thuật người Đức, ông Engelbert Kaempfer. Từ “Ginkgo” được phiên âm từ tên tiếng Nhật cổ của loài cây này. Đây là một loài cây có lịch sử tự nhiên rất lâu đời, nó đã có mặt từ trên Trái Đất khoảng 200 triệu năm trước, từ thời mà loài khủng long vẫn còn đi lại và thống trị trên mặt đất. Loài này được coi là một “hóa thạch sống” thực sự và cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên.

Góc nhìn từ dưới lên của một cây bạch quả
Góc nhìn từ dưới lên của một cây bạch quả

Cây bạch quả trồng ở đâu?

Cây bạch quả có nguồn gốc từ khu vực Đông Á, bao gồm 2 quốc gia là Nhật Bản và Trung Quốc. Bạch quả đã được sử dụng từ lâu đời trong nền y học cổ truyền Trung Hoa. Hiện nay, y học hiện đại cũng đã phát hiện ra các tác dụng rất tốt của bạch quả, nên loài cây này hiện nay đã được nhân giống và trồng ở nhiều nơi trên châu Âu và châu Mỹ. Bạch quả ngoài tác dụng là một loại cây thuốc, nó còn là một loại cây cảnh được trồng rất phổ biến trong các công viên hay trồng 2 bên đường.

Cách trồng cây bạch quả

Trồng cây bạch quả nên chọn khu vực trồng có đất tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng, không có các công trình dưới lòng đất như đường ống nước vì rễ cây mọc rất sâu.
Cách trồng cây bạch quả cũng tương tự giống với nhiều cây thông thường khác, có quy trình như sau:

  • Bước 1: Đào một hố lớn hơn so với bầu cây (phải đảm bảo về độ sâu và độ rộng thích hợp) sau đó trải một lớp đất có chất lượng tốt xuống đáy nhằm giúp cây có nhiều chất dinh dưỡng để phát triển.
  • Bước 2: Xé bỏ lớp nilon bọc ở bầu cây, sau đó đặt vào hố vừa đào sao cho miệng của bầu cây phải thấp hơn miệng hố từ 2 đến 4 cm. Một điều cần lưu ý trong bước này là thật cẩn trọng để tránh làm vỡ bầu gây ảnh hưởng đến rễ cây.
  • Bước 3: Lấp kín đất vào hố, sau đó tưới một chút nước cho cây.

Bộ phận dùng của cây bạch quả Việt Nam, Trung Quốc

Bạch quả có 2 bộ phận có thể dùng làm thuốc là lá (Ginkgo Folium) và hạt già (Ginkgo Semen). Trong đó lá bạch quả được sử dụng để làm nguyên liệu làm thuốc phổ biến ở các nước phương Tây như Hoa Kỳ và châu Âu. Dược điển các nước trong khu vực này cũng đã có những tiêu chuẩn để chuẩn hóa nguồn dược liệu quý này. Còn hạt già của bạch quả lại được sử dụng chủ yếu trong y học cổ truyền phương Đông, bao gồm chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam.

Lá khô của cây bạch quả
Hình ảnh: Lá khô của cây bạch quả

Bài viết này sẽ trình bày cho bạn đọc hiểu rõ công dụng của 2 bộ phận này.
Tham khảo: [Review] Hoạt Huyết Ngọc Thanh: Thành phần, Công dụng, Giá bán

Bạch quả Việt Nam hay Trung Quốc tốt hơn

Ở Việt Nam trước đây có nhiều nhà khoa học cho rằng có thấy cây bạch quả ở nhiều chùa ở các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên sau quá trình tìm kiếm thì  không phát hiện. Do đó đến năm 1995 nước ta đã  nhập giống cây bạch quả của Nhật Bản về trồng tại Sapa, tuy nhiên cây không phát triển tốt.
Hiện nay, mặc dù biết được nhiều công dụng của loài cây này, xong cây bạch quả chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, chỉ một vài nơi trồng làm cảnh. Hầu hết, các nguyên liệu sản xuất thuốc từ cây này của Việt Nam đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam cũng chưa có các nghiên cứu đánh giá hàm lượng thành phần hoạt chất có trong cây. Do đó chưa thể khẳng định được bạch quả của Việt Nam hay Trung Quốc tốt hơn.

Cách lựa chọn bạch quả

Hiện nay, mặc dù bạch quả chưa được phổ biến ở Việt Nam nhưng nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực và chữa bệnh của khách hàng ngày càng tăng thì tại nhiều quầy thuốc đông y và một số cửa hàng thực phẩm cũng có bán bạch quả.
Khi chọn mua bạch quả bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Chọn những hạt to đều, còn nguyên lớp vỏ ngoài.
  • Nên mua các hạt có màu trắng đục, mùi đặc trưng (hôi, khét đặc). Không nên mua các hạt bạch quả màu sắc trắng tinh, không mùi, trông đẹp mắt vì rất nhiều khả năng chúng đã được tẩy trắng bằng hóa chất.
  • Loại bỏ các hạt có vết nứt kẽ bởi vì nhiều khả năng đã  bị mọc nấm mốc bên trong, gây ảnh hưởng đến tác dụng của hạt cũng như sức khỏe người dùng.

Lá bạch quả

Thành phần hóa học của lá bạch quả

Bạch quả là một trong những dược liệu hiếm hoi được nghiên cứu dày công trong suốt hàng chục năm qua ở các nước phương Tây, nơi vốn dĩ các loại thuốc từ dược liệu rất khó phát triển và cạnh tranh với các thuốc hóa dược (hay thuốc tân dược). Trong một thời gian dài nghiên cứu, lá bạch quả đã được các nhà khoa học tìm hiểu rất chi tiết về các thành phần hóa học, tác dụng dược lý, cũng như đã được tiêu chuẩn hóa trong Dược điển của nhiều nước.
Các thành phần hóa học chính trong lá bạch quả mà các nhà khoa học đã xác định được là các hợp chất flavonoid và các terpenoid (đặc biệt là các diterpen lacton). Một số thành phần hóa học khác chiếm tỷ lệ ít hơn là các hợp chất steroid và các acid hữu cơ.
Các hợp chất diterpen lacton trong lá bạch quả có cấu trúc rất đặc trưng. Các dẫn chất terpen có hoạt tính đã được phát hiện bao gồm các ginkgolid A, B và C (được tìm ra năm 1996 bởi Budavari), J và M (được tìm ra năm 1999 bởi Huang và năm 1996 bởi Leung và Foster). Ngoài ra, trong các công trình của Huang năm 1999, của Leung và Foster năm 1996 và của Boralle và các cộng sự năm 1988, các nhà khoa học này cũng tìm ra một sesquiterpen là Bilobalid.

Cấu trúc hóa học của các hợp chất Ginkgolid A, B, C, J, M và bilobalid
Ảnh: Cấu trúc hóa học của các hợp chất Ginkgolid A, B, C, J, M và bilobalid

Về thành phần flavonoid, các hợp chất flavonoid trong lá bạch quả đều thuộc nhóm flavonol, với các flavonoid chính là quercetin, kaempferol và isorhamnetin. Các flavonol này thường tồn tại dưới dạng liên kết với các phân tử đường thông qua các cầu nối glycosid. Ngoài ra, còn có các thành phần flavonoid khác như luteolin (nhóm flavon, nó khác nhóm flavonol ở chỗ không có nhóm hydroxy [–OH] nằm ở carbon [C] số 3).
Cấu trúc hóa học của 3 hợp chất flavonoid chính trong lá bạch quả
Ảnh: Cấu trúc hóa học của 3 hợp chất flavonoid chính trong lá bạch quả

Ngoài ra, các flavonoid trong lá bạch quả cũng có thể tồn tại dưới dạng biflavon (dạng dimer của flavon, tức là 2 phân tử flavon ngưng tụ với nhau).
Cấu trúc Biflavon được tìm thấy trong lá bạch quả
Ảnh: Cấu trúc Biflavon được tìm thấy trong lá bạch quả

Sản phẩm cao chiết lá bạch quả được biết đến nhiều nhất, đồng thời cũng là sản phẩm nổi tiếng và đã được chuẩn hóa, là EGb 761. Đây là một sản phẩm của một công ty của Đức tại Karlsruhe là Dr Willmar Schwabe Pharmaceuticals (Dr Willmar Schwabe Group). Nó đã được sử dụng ở châu Âu từ những năm 1990. Tỷ lệ các thành phần xấp xỉ như sau: Flavonol glycosid 24% (chủ yếu là quercetin, kaempferol và isorhamnetin), terpen lacton 6% (với ginkgolid A, B và C chiếm khoảng 2.8-3.4%, bilobalid chiếm khoảng 2.6-3.2%), ginkgolid B chiếm 0.8% tổng lượng dịch chiết, con số này đối với bilobalid là 3%. Lượng acid ginkgolic không được chiếm quá 5 ppm (5 phần triệu) vì đây là thành phần độc.
Biệt dược Tanakan có chứa chiết xuất Ginkgo Biloba
Biệt dược Tanakan có chứa chiết xuất Ginkgo Biloba

Tham khảo: Thuốc bổ não Tanakan 90 viên 40mg của Pháp: Công dụng & cách dùng

Tác dụng của lá bạch quả

Trước tiên phải nói rõ ràng rằng các tác dụng dược lý mà chiết xuất lá bạch quả đem lại là tổng hòa các tác dụng của từng thành phần, tác dụng này lớn hơn tác dụng của từng thành phần riêng lẻ. Việc cố gắng chiết xuất từng thành phần riêng rẽ trong lá bạch quả không có ý nghĩa.
Các tác dụng của chiết xuất lá bạch quả bao gồm:

  • Giảm thiểu các tổn thương và thúc đẩy sự phục hồi trong trường hợp phù não do chất độc hay chấn thương.
  • Ức chế sự suy giảm về số lượng các thụ thể muscarinic (hệ M của thần kinh phó giao cảm) và thụ thể α (hệ thần kinh giao cảm) do sự lão hóa theo tuổi tác.
  • Tăng cường khả năng chống lại sự thiếu oxy của mô não. Tăng cường khả năng ghi nhớ, nhận thức cũng như học tập (có khả năng là do các thành phần trong chiết xuất lá bạch quả làm tăng giải phóng và ức chế tái thu hồi các chất dẫn truyền thần kinh như adrenalin [epinephrin], noradrenalin [norepinephrin], dopamin và serotonin).
  • Bảo vệ các tế bào võng mạc.
  • Điều hòa trương lực mạch máu, chống lại những hiện tượng gây co hoặc giãn mạch bất thường.
  • Ức chế kết tập tiểu cầu (các ginkgolid thể hiện tác dụng ức chế yếu tố hoạt hóa tiểu cầu PAF), giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Từ đó có tác dụng bảo vệ tim mạch, chống nguy cơ thiếu máu cục bộ, đặc biệt là ở cơ tim.
  • Các flavonoid trong chiết xuất lá bạch quả có tác dụng trung hòa các gốc tự do, do đó có tác dụng bảo vệ thành mạch, chống peroxy hóa phospholipid màng tế bào, làm chậm sự lão hóa.

Chiết xuất lá bạch quả có độc tính rất thấp. LD50 (liều gây chết 50% động vật thí nghiệm) ở chuột nhắt là 7725 mg/kg nếu dùng theo đường uống và là 1100 mg/kg nếu dùng theo đường tĩnh mạch.
Các thành phần terpenoid trong chiết xuất lá bạch quả có khả năng hấp thu tốt qua đường uống, đi kèm khả dụng sinh học cao. Sinh khả dụng của bilobalid tối thiểu là 70%, của ginkgolid A lên đến gần 100% (gần như tuyệt đối), của ginkgolid B là 79-93% (lưu ý các thông số này là của cao Ginkgo biloba đã được chuẩn hóa).
Chưa có nghiên cứu nào cho thấy chiết xuất lá bạch quả có thể gây ung thư hay quái thai khi dùng cho phụ nữ có thai. Cũng không quan sát thấy bất kì độc tính sinh sản nào của nó.
Liều dùng hàng ngày thường được sử dụng là 120-240 mg/ngày. Chiết xuất lá bạch quả cho thấy cải thiện khả năng ghi nhớ, giảm thiểu các triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não trong 2-3 tháng sử dụng. Tác dụng của nó trên bệnh nhân Alzheimer có được chứng minh trong một số nghiên cứu lâm sàng nhỏ, nhưng chưa đủ độ tin cậy.

Chỉ định

Chiết xuất lá bạch quả có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, sa sút trí tuệ.
  • Bệnh động mạch ngoại biên.
  • Ù tai, chóng mặt có nguyên nhân do mạch máu.

Một số bệnh khác cũng có thể sử dụng bạch quả: Hội chứng Raynaud, viêm tĩnh mạch.

Liều dùng

Liều thông thường 120-240 mg/ngày, chia làm 2-3 lần.

Hạt già của bạch quả

Hạt già của cây bạch quả
Hình ảnh: Hạt già của cây bạch quả

Hạt già của bạch quả phơi hay sấy khô là một vị thuốc thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa và Việt Nam. Bạch quả được phân loại vào nhóm thuốc bình suyễn trong y học cổ truyền.
Tính, vị và quy kinh:

  • Vị: Ngọt, đắng, sáp.
  • Tính: Bình.
  • Quy kinh: Phế (phổi) và vị (dạ dày).

Công năng và chủ trị

Bình suyễn hóa đàm: Chủ trị các trường hợp ho, hen suyễn.
Trong trường hợp này, nên dùng bạch quả phối hợp với các vị thuốc cũng có công năng hóa đàm chỉ ho và bình suyễn khác như ma hoàng hay hạnh nhân.

    • Ma hoàng tuy là một vị thuốc được phân loại vào nhóm thuốc tân ôn giải biểu (giải biểu cay ấm), nhưng nó cũng có tác dụng bình suyễn, rất tốt cho bệnh nhân hen phế quản hoặc viêm phế quản mạn. Lý do giải thích cho tác dụng này của ma hoàng là do thành phần alcaloid chiếm tỷ lệ chính trong ma hoàng là ephedrin, có tác dụng làm giãn cơ trơn khí phế quản. Ma hoàng gây ra mồ hôi, mất tân dịch nên không dùng cho người mồ hôi nhiều. Ephedrine là chất có tác dụng cường giao cảm nên không dùng cho người bị tăng huyết áp.
    • Hạnh nhân là một vị thuốc ôn phế chỉ khái, dùng tốt trong các trường hợp ho hàn. Đồng thời hạnh nhân cũng giúp thông phế bình suyễn, tốt cho bệnh nhân viêm khí – phế quản. Tuy nhiên hạnh nhân gây nhuận tràng nên những người ỉa chảy không nên dùng. Hạnh nhân cũng chứa chất độc cyanid (HCN) nên không nên dùng với lượng lớn, không dùng cho trẻ em.

Thu sáp chỉ đới: Chủ trị các trường hợp khí hư bạch đới ở phụ nữ, nước tiểu đục, hay đái dầm. Nên phối hợp với một số thuốc lợi thấp khác như tỳ giải, xa tiền tử, chi tử.

    • Tỳ giải: Tận dụng lợi thấp của tỳ giải, tốt cho người tiểu đục, tiểu tiện vàng đỏ, nước tiểu ít, tiểu buốt, tiểu rắt, phụ nữ bạch đới.
    • Xa tiền tử: Vừa lợi thấp, vừa thanh nhiệt, tốt với các bệnh nhân tiểu tiện khó khăn, nước tiểu đỏ đục, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ít, nước tiểu nóng.
    • Chi tử: Vừa lợi thấp vừa thanh nhiệt như xa tiền tử, nhưng khác ở chỗ tác dụng thanh nhiệt mạnh (thanh nhiệt tả hỏa), hiệu quả cho các bệnh nhân có bàng quang thấp nhiệt, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu tiện ngắn đỏ.

Liều dùng

Thường được sử dụng 6-12 g/ngày.

Thận trọng và chú ý

Bạch quả sống có độc, không được dùng. Chỉ dùng bạch quả đã qua chế biến.

Tác dụng của cây bạch quả trong ẩm thực

Tại Trung Quốc, hạt cây bạch quả được gọi là ngân hạnh, nó được coi là một nguyên liệu thực phẩm truyền thống. Ngân hạnh thường được sử dụng để nấu cháo, chè và nhiều món ngọt khác. Đặc biệt, ngân hạnh thường được sử dụng để chế biến các món ăn đặc biết các dịp lễ, tết bởi lẽ họ tin rằng loại hạt này mang lại nhiều công dụng thần kỳ cho sức khỏe.

  • Tại Nhật Bản, hạt bạch quả được chế biến sẵn để ăn cùng với một vài món ăn khác hoặc thêm vào món trứng sữa hấp để tăng hương vị và dinh dưỡng.
  • Tại Việt Nam, loại hạt này không phổ biến, hầu hết thì chưa thấy sử dụng để trong ẩm thực
  • Tại phương Tây, hạch quả được đóng hộp và bán nhiều trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm Châu Á.

Ngộ độc có thể xảy ra khi sử dụng quá mức hạt bạch quả: trẻ em khi ăn quá năm hạt mỗi ngày, người lớn ăn quá 10 hạt mỗi ngày hoặc ăn ít trong thời gian kéo dài có thể bị ngộ độc 4-methoxy pyridoxin (MNP).

Một số bài thuốc từ cây bạch quả

Chữa viêm đường tiết niệu cấp

Nguyên liệu: bạch quả, ý dĩ nhân
Tiến hành: Dùng 6 gam bạch quả và 30 gam ý dĩ nhân cho vào nồi nấu nhừ. Sau đó cho thêm 15 gam đường phèn và khuấy cho tan hết đường là được. Ăn hai lần trong ngày, thực hiện liên tục trong vòng 3-7 ngày.

Chữa viêm họng có đờm, cảm lạnh

Nguyên liệu: bạch quả, lá ngải cứu
Tiến hành: Dùng lá ngải cứu bọc kín bên ngoài 3, 4 hạt bạch quả rồi đem nướng chín. Lưu ý là chỉ sử dụng phần hạt bạch quả, phần lá ngải cứu bên ngoài bỏ đi. Thực hiện phương pháp này liên tục trong khoảng 3 ngày.

Chữa phụ nữ bị sa tử cung

Nguyên liệu: bạch quả, liên nhục, gà, gạo, gia vị.
Tiến hành: Dùng 6 gam bạch quả và 15 gam  liên nhục đem nghiền nhỏ thành bột mịn. Sau đó nhồi toàn bộ lượng bột đã nghiền vào bụng gà ( gà đã được bỏ hết nội tạng bên trong) rồi khâu lại. Đem gà cho vào nồi rồi đã có sẵn gạo và nước, thêm gia vị vừa ăn và hầm đến khi chín. Sử dụng hết trong một ngày và thực hiện như vậy 1-2 lần/ tuần.

Chữa nóng trong

Nguyên liệu: bạch quả, bột sắn
Tiến hành: bóc bỏ lớp vỏ cứng và lớp vỏ lụa của bạch quả, tách đôi hạt để loại bỏ nhụy đắng bên trong rồi đem đi luộc chín. Tiến hành đun sôi nước, cho bột sẵn đã hòa nước vào nồi, sau đó cho tiếp luôn đường và hạt bạch quả đã luộc chín vào đun đến sôi thì tắt bếp. Ăn trong ngày.

Một số loại thực phẩm chức năng có thành phần từ cao bạch quả

Viên Uống Ginkgo Biloba 60mg Nature’s Bounty 200 viên

Nature's Bounty Ginkgo Biloba 60mg
Hình ảnh: Nature’s Bounty Ginkgo Biloba 60mg

Viên Uống Ginkgo Biloba 60mg Nature’s Bounty 200 viên được sản xuất dưới dạng viên, đóng gói 200 viên/ lọ. Sản phẩm được sản xuất bởi nhà sản xuất  Nature’s Bounty của Mỹ. Hiện nay, trên thị trường, sản phẩm được bán với giá khoảng 340.000 VNĐ/ lọ
Viên Uống Ginkgo Biloba 60mg Nature’s Bounty 200 viên có thành phần chính được chiết xuất từ lá bạch quả có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng cường sức khỏe cho não, tăng cường lưu thông máu. Hơn nữa, thành phần Viên Uống Ginkgo Biloba 60mg Nature’s Bounty  hoàn toàn không chứa hương liệu, chất tạo màu, chất tạo ngọt nên hoàn toàn an toàn cho người sử dụng.
Viên Uống Ginkgo Biloba 60mg Nature’s Bounty 200 viên được chỉ định sử dụng cho người lớn trong các trường hợp bị suy giảm trí nhớ, suy giảm minh mẫn, khó tập trung.  Ngoài ra, sản phẩm còn được sử dụng để hỗ trợ lưu thông máu, cải thiện tình trạng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt và tăng cường sức khỏe cho não bộ.
Liều dùng: 1-2 viên/ ngày, 1 lần/ ngày và nên uống sau ăn để thuốc được hấp thu tối đa nhất. Không nên sử dụng quá liều khuyến cáo.
Một số tác dụng phụ hiếm gặp khi sử dụng Viên Uống Ginkgo Biloba 60mg Nature’s Bounty 200 viên mà bạn có thể gặp phải như nổi mẩn, phát ban, dị ứng, ngứa do thuốc không phù hợp với cơ địa. Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngừng dùng sản phẩm và thông báo ngay cho bác  sĩ/ dược sĩ để được hỗ trợ xử lý.
Viên Uống Ginkgo Biloba 60mg Nature’s Bounty 200 viên không được sử dụng cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, người mẫn cảm với bất kì  thành phần nào của sản phẩm, phụ nữ đang có thai và cho con bú.

Thuốc bổ não Healthy Care Ginkgo Biloba 2000mg 100 viên của Úc

Healthy Care Ginkgo Biloba 2000mg
Hình ảnh: Healthy Care Ginkgo Biloba 2000mg

Thuốc bổ não Healthy Care Ginkgo Biloba 2000mg 100 viên của Úc được sản xuất dưới dạng viên. Sản phẩm được sản xuất bởi nhà sản xuất Healthy Care của Úc, đang được lưu hành trên thị trường với mức giá khoảng 230 VNĐ/ hộp 100 viên.
Thuốc bổ não Healthy Care Ginkgo Biloba có thành phần chính được chiết xuất từ 2000mg lá Ginkgo biloba (lá bạch quả) có  tác dụng hiệu quả trong cải thiện chức năng não bộ và tăng cường trí nhớ.
Thuốc bổ não Healthy Care Ginkgo Biloba được khuyến cáo sử dụng để hỗ trợ cho cả trẻ em (trên 12 tuổi) và người lớn trong các trường hợp: đối tượng bị suy giảm trí nhớ; người già kém minh mẫn, hay quên; người bị stress, làm việc trí óc căng thẳng. Ngoài ra, sản phẩm còn được sử dụng để cải thiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho não cho học sinh trong thời gian thi cử áp lực.
Liều dùng thuốc đối với trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: 3 viên/ ngày, 1 lần/ ngày và nên uống sau ăn để thuốc được hấp thu tối đa nhất.
Sản phẩm được chống chỉ định cho các trường hợp: trẻ em dưới 12 tuổi, người bị dị ứng với các thành phần của sản phẩm, phụ nữ đang có thai, phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.
Lưu ý rằng, sản phẩm không phải thuốc, không có tác dụng thay thế các loại thuốc chữa bệnh. Mặc dù, sản phẩm được chiết xuất hoàn toàn từ các thành phần tự nhiên nhưng vẫn có một số rất ít trường hợp sau khi sử dụng gặp phải tác dụng không mong muốn: dị ứng, nổi mẩn, ngứa… Do đó, cách xử trí trong trường hợp này là ngừng dùng sản phẩm và thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn.

Thuốc bổ não Ginkgo Biloba Maruman tốt nhất của Nhật Bản

Thuốc bổ não Ginkgo Biloba Maruman
Hình ảnh: Thuốc bổ não Ginkgo Biloba Maruman

Thuốc bổ não Ginkgo Biloba Maruman được sản xuất dưới dạng viên. Sản phẩm được sản xuất bởi nhà sản xuất Maruman của Nhật Bản. Hiện nay, trên thị trường sản phẩm có giá dao động trong khoảng 550.000 (VNĐ/ hộp 100 viên) đến 950 (VNĐ/ hộp 100 viên)
Thuốc bổ não Ginkgo Biloba Maruman có thành phần chính là hoạt chất được chiết từ cây bạch quả, đậu nành lecithin, sáp ong, tinh dầu cá DHA, dầu cây Rum.
Sản phẩm có tác dụng bổ não, tăng cường sức khỏe não, giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng tập trung, ngăn chặn các vấn đền về não bộ ở người già như giảm trí nhớ, hay quên, đau đầu. Ngoài ra, sản phẩm còn có tác dụng tăng cường lưu thông máu đến não vào cơ quan, do đó giúp hạn chế tình trạng thiếu máu não, tắc nghẽn mạch máu.
Dựa trên các tác dụng mà sản phẩm mang lại, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng thuốc bổ não Ginkgo Biloba Maruman cho các đối tượng: người có vấn đề thần kinh, người già kém minh mẫn, hay quên; học sinh, sinh viên trong thời  kỳ thi cử áp lực, người bị stress.
Liều dùng hàng ngày: 3 viên/ lần và nên uống sau khi ăn để thuốc được hấp thu hiệu quả. Sản phẩm được chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, người mẫn cảm, dị ứng với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.
Lưu ý rằng thuốc bổ não Ginkgo Biloba Maruman chỉ là sản phẩm hỗ trợ không phải thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Đồng thời trong quá trình sử dụng, nếu gặp phải bất kỳ  tác dụng không mong muốn nào, hãy thông báo ngay với bác sĩ/ dược sĩ để được hướng dẫn xử lý.

Sử dụng cây bạch quả có tác dụng phụ không?

Sử dụng bạch quả có thể gây một số tác dụng phụ: trên hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, cồn cào ruột, tiêu chảy; trên thần kinh như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.
Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy ngừng ngay sử dụng bạch quả và thông báo cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Các nghiên cứu đánh giá cho thấy, khi sử dụng đồng thời bạch quả với các thuốc chống đông máu (aspirin, warfarin) có thể gây ảnh hưởng rất nhỏ, hoặc hầu như không với thuốc, tuy nhiên vẫn không nên sử dụng chung thuốc này với bạch quả để tránh các tác dụng không mong muốn.

Phụ nữ có thai có thể sử dụng cao bạch quả không?

Bạch quả tuy là một loại dược liệu được biết đến có nhiều công dụng trong hỗ trợ cải thiện các bệnh thần kinh nhưng chúng lại không được sử dụng cho bà bầu vì:

  • Như thông tin phía trên, ăn bạch quả ít trong thời gian dài hoặc ăn quá 5 hạt đối với trẻ nhỏ, quá 10 hạt đối với người lớn có thể gây ngộ độc 4-methoxy pyridoxin. Đồng thời, khi các bà bầu ăn như vậy còn khiến cho quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh trong não là GABA bị hạn chế, ảnh hướng không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
  • Đặc biệt, nếu như phụ nữ mang thai ăn bạch quả vào những ngày cuối thai kỳ có thể dẫn tới đẻ non do bị kích thích dẫn đến chuyển dạ sớm.

Như vậy, sử dụng bạch quả cho phụ nữ có thai thì nguy cơ cao hơn lợi ích. Do đó, không nên sử dụng loại hạt này. Thay vào đó, có thể bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu bằng một số loại ngũ cốc khác như hạt óc chó, hạt dẻ, hạnh nhân.
Hi vọng bài viết trên cung cấp đủ cho độc giả của Heal Central những thông tin hữu ích về cây bạch quả.

Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây