Thuốc Colchicine: Cơ chế tác dụng, cách dùng – liều dùng, tác dụng phụ

5/5 - (2 bình chọn)

Colchicine là một loại thuốc trị gout và bệnh Behçet (hay còn gọi là hội chứng Adamantiades). Trong điều trị bệnh gút, nó ít được ưu tiên hơn so với NSAID hoặc steroid . Các tác dụng khác nổi bật của Colchicine bao gồm phòng ngừa viêm màng ngoài tim và điều trị bệnh sốt Địa Trung Hải. Thuốc Colchicine được sử dụng bằng đường uống.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm rối loạn tiêu hóa, đặc biệt ở liều cao tác dụng phụ này dễ xảy ra hơn, mạnh hơn. Tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng Colchicine có thể có bao gồm tiêu cơ vân và giảm tế bào máu.
Colchicine hoạt động bằng cách làm giảm viêm thông qua nhiều cơ chế.
Colchicine đã được sử dụng từ đầu những năm 1500 trước Công nguyên để điều trị sưng khớp. Colchicine đã được phê duyệt để sử dụng trong y tế tại Hoa Kỳ vào năm 1961.  Nó có sẵn như là một thuốc generic ở Vương quốc Anh, nơi chi phí cung cấp một tháng NHS khoảng £ 7.27, tính đến năm 2019. Ở Hoa Kỳ, chi phí bán buôn của số tiền này là khoảng US $ 252,20. Dữ liệu thống kê năm 2016 cho thấy đây là loại thuốc được kê đơn nhiều thứ 251 tại Hoa Kỳ với hơn một triệu đơn thuốc.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Colchicine là một loại thuốc cổ điển đã được phát hiện từ lâu, nhưng cho đến hiện nay, nó vẫn là thuốc không thể thiếu được với bệnh nhân gout.
Colchicine là một alkaloid được chiết xuất từ thực vật thuộc chi Colchicum. Colchicum autumnale đã được sử dụng để điều trị thấp khớp và sưng tấy trong Ebers Papyrus (khoảng 1500 năm trước Công nguyên), một loại giấy cói y học của người Ai Cập. Nó là là một chất độc và là chất  chuyển hóa thứ cấp. Dịch chiết Colchicum lần đầu tiên được mô tả là một phương pháp điều trị bệnh gout ở De Materia Medica bởi Pedanius Dioscorides, vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Sử dụng thân hành của Colchicum để điều trị gout có lẽ có niên đại khoảng năm 550 sau Công nguyên. Thân hành của Colchicum được sử dụng bởi bác sĩ Ba Tư Avicenna, được Ambroise Paré khuyên dùng vào thế kỷ 16, và xuất hiện trong Dược điển London năm 1618. Colchicum được đưa đến Bắc Mỹ bởi Benjamin Franklin, chính bản thân ông cũng bị gout.

Hoa của loài Colchicum autumnale
Ảnh: Hoa của loài Colchicum autumnale.

Colchicine được phân lập lần đầu tiên vào năm 1820 bởi các nhà hóa học người Pháp P.S.Pelletier và J.B.Caventou. Năm 1833, P.L.Geiger đã tinh chế được hoạt chất, ông đặt tên nó là colchicine. Việc xác định cấu trúc của colchicine cần nhiều thập kỷ, mặc dù năm 1945, Michael Dewar đã có một đóng góp quan trọng khi ông đề xuất rằng, trong số ba vòng của phân tử, có hai vòng là vòng 7 cạnh.
Colchicine
Hình ảnh: Công thức cấu tạo của Colchicine

Dược lực học

Cơ chế hoạt động của colchicine rất phức tạp.

Ức chế trùng hợp tubulin và chống phân bào

Cơ chế hoạt động điều trị được nghiên cứu nhiều nhất của colchicine là khả năng liên kết với tubulin, do đó ngăn chặn sự lắp ráp và trùng hợp các vi ống.
Các vi ống – thành phần chính của khung xương tế bào – được tạo ra từ các αβ-tubulin heterodimers. Chúng có liên quan đến các quá trình khác nhau của tế bào bao gồm duy trì hình dạng tế bào, bài tiết cytokine và chemokine, di chuyển tế bào, điều hòa các kênh ion và phân chia tế bào.
Colchicine là một loại thuốc chống phân bào cổ điển, nó ức chế phân bào ở kì giữa nguyên phân. Nó liên kết với tubulin hòa tan để tạo thành phức hợp tubulin-colchicine (gần như không thuận nghịch), sau đó liên kết với các đầu của vi ống để ngăn chặn sự kéo dài của polymer vi ống. Ở nồng độ thấp, colchicine ngăn chặn sự tăng trưởng vi ống và ở nồng độ cao hơn, colchicine thúc đẩy quá trình depolymer hóa vi ống.
Nó gây độc tính nghiêm trọng cho các mô bình thường ở liều cao nên bị hạn chế sử dụng trong các liệu pháp điều trị ung thư. Mặc dù chưa có ứng dụng nào từ cơ chế này trong điều trị ung thư, nhưng nhiều hợp chất có khả năng tương tác với vị trí gắn colchicine đã được mô tả trong thập kỷ qua.
Các tác dụng khác của colchicine với bệnh ác tính bao gồm ức chế sự di chuyển tế bào ung thư cũng như khả năng di căn, bóng nước tế bào (cell blebbing) thông qua con đường Rho/Rho effector kinase (ROCK)/myosin light chain kinase (MLCK), ức chế quá trình tạo mạch, hạn chế dòng adenosine triphosphate (ATP) vào ty thể, giải phóng các protease hướng aspartate phụ thuộc cysteine ​​(caspases) và cytochrome-c, dẫn đến chết tế bào theo chương trình (apoptosis).
Colchicine cũng có tác dụng chống viêm, chủ yếu liên quan đến sự phá vỡ các vi ống và điều hòa xuống chức năng bạch cầu.

Tóm tắt cơ chế chống viêm của colchicine
Ảnh: Tóm tắt cơ chế chống viêm của colchicine.

Tác động lên hệ miễn dịch

Những tiến bộ gần đây trong sự hiểu biết về sinh lý bệnh của viêm do tinh thể, được tóm tắt bởi Nuki và các cộng sự, đã cung cấp những hiểu biết mới về cơ chế hoạt động của colchicine trong viêm khớp do tinh thể. Các cơ chế chính là ức chế sự huy động, kết dính và hóa ứng động của bạch cầu trung tính, và sản xuất superoxide ngoài ức chế protein 3 chứa NACHT-LRRPYD (NALP3) inflammasomes và quá trình xử lý và giải phóng interleukin (IL) 1β.
Tác động lên bạch cầu trung tính
Ức chế hóa ứng động bạch cầu trung tính
Colchicine tập trung nhiều trong bạch cầu. In vitro, colchicine ở nồng độ thấp 0.1nM ức chế hóa ứng động bạch cầu trung tính và giải phóng một glycopeptide yếu tố hóa học có nguồn gốc tinh thể (CCF) từ lysosome sau quá trình thực bào tinh thể mononatri urate (MSU). Một yếu tố hóa học gây ra do MSU S100A8/9 (được cho là cùng cấu trúc phân tử với CCF) được giải phóng từ bạch cầu trung tính đã được chứng minh là làm tăng đáng kể sự tập trung các bạch cầu trung tính khác.
Gần đây, colchicine đã được chứng minh là làm giảm viêm thông qua sự điều hòa receptor kiểu lectin type C ức chế myeloid (MICL), được biểu hiện bởi đại thực bào, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính và tế bào tua. Gagné và các cộng sự đã chứng minh rằng colchicine ức chế sự mất MICL bề mặt tế bào do MSU trong bạch cầu trung tính và sản xuất IL8 sau đó.
Tác động lên sự huy động, kết dính và tập trung bạch cầu trung tính
Thông qua quá trình depolymer hóa vi ống, colchicine can thiệp vào sự kết dính và tập trung bạch cầu trung tính ở mô viêm. Ở nồng độ nano (nồng độ ức chế 50%, IC50 = 3 nM) hoặc liều thường được sử dụng để dự phòng, colchicine làm thay đổi sự phân bố E-selectin trên bề mặt tế bào nội mô và loại bỏ sự kết dính của bạch cầu trung tính. Ở nồng độ micro (IC50 = 300 nM), colchicine gây ra sự bong tróc các phân tử kết dính bạch cầu trung tính (L-selectin) và ngăn chặn sự tập trung thêm bạch cầu trung tính khác.
Colchicine đã được chứng minh là ức chế sự kết dính và di động của bạch cầu trung tính trong hoạt hóa bạch cầu trung tính do tinh thể bởi sự ức chế chọn lọc phosphoryl hóa tyrosine. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng colchicine làm giảm quá trình phosphoryl hóa tyrosine do tinh thể của Tec, gần như là kinase chủ yếu trong hoạt hóa bạch cầu trung tính do tinh thể.
Paschke và các cộng sự đã phát hiện ra rằng colchicine có tác dụng ức chế sự biến dạng và khả năng di động của bạch cầu trung tính ở người trong không gian hạn chế, điều này rất quan trọng với sự thoát mạch của bạch cầu trung tính trong quá trình viêm.
Ức chế sản xuất superoxide từ bạch cầu trung tính
Colchicine ức chế chọn lọc sự sản xuất superoxide do MSU gây ra bởi bạch cầu trung tính in vitro, tác dụng này có được qua trung gian ức chế vi ống.
Gần đây, Chia và các cộng sự đã chứng minh colchicine ức chế sản xuất superoxide do MSU gây ra bởi đại thực bào phúc mạc chuột in vivo ở liều thấp hơn 100 lần so với yêu cầu ức chế sự xâm nhập của bạch cầu trung tính. Điều này cho thấy sự sản xuất superoxide anion nhạy cảm với sự ức chế bởi colchicine hơn là sự hình thành vi ống liên quan đến vận động tế bào. Colchicine đã được chứng minh là làm giảm stress oxy hóa bằng cách giảm dòng ion calci (Ca2+) vào bạch cầu trung tính.

Ức chế NALP3 inflammasome và đáp ứng miễn dịch bẩm sinh

Tinh thể MSU và calcium pyrophosphate dihydrate (CPPD) đã được chứng minh là hoạt hóa cụ thể NALP3 inflammasome, còn được biết đến là cryopyrin inflammasome. Ở nồng độ cao (5 µM), colchicine ngăn chặn NALP3 inflammasomes gây ra bởi MSU, chịu trách nhiệm hoạt hóa caspase-1 cũng như xử lý và giải phóng IL1β và IL18 sau đó. Cơ chế mà colchicine ức chế sự hoạt hóa NALP3 inflammasome này chưa rõ ràng. Nó có thể liên quan đến sự gián đoạn vận chuyển phụ thuộc vi ống của ty thể đến lưới nội chất. Sự lắp ráp NALP3 trong lưới nội chất với đầu nối của nó là cần thiết để hoạt hóa các inflammasomes. Ức chế hoạt động của NALP3 inflammasome gây ra bởi MSU xảy ra ở liều cao hơn nhiều so với sử dụng trong điều trị và do đó đây có thể không phải là cơ chế hoạt động điều trị chính của colchicine, chịu trách nhiệm cho loại bỏ các đợt bùng phát của viêm khớp cấp do tinh thể.
Tuy nhiên, nồng độ colchicine trong bạch cầu trung tính có thể cao gấp 16 lần so với nồng độ đỉnh trong huyết tương. Có thể dùng một liều thấp colchicine dự phòng liên tục để đạt được nồng độ nội bào đủ cao trong các đại thực bào để ức chế sự hoạt hóa NALP3 inflammasome. Colchicine có thể làm tăng ngưỡng bắt đầu hoạt hóa NALP3 inflammasome một phần bằng cách giảm bớt (không loại trừ) viêm cận lâm sàng.
Điều trị dự phòng bằng colchicine cũng điều hòa đáp ứng viêm bẩm sinh bằng ngăn chặn con đường truyền tin nội bào bằng cách nhắm vào yếu tố nhân κB (NF-κB) hoặc caspase-1.
Tác dụng của colchicine với các đại thực bào đã nhận được nhiều sự chú ý (Hình dưới). Colchicine đã được chứng minh là điều chỉnh sự bài tiết yếu tố hoại tử khối u (TNFα) do lipopolysaccharide bởi các đại thực bào gan trên mô hình chuột. Trong một dòng tế bào đại thực bào não chuột, colchicine đã ức chế sự giải phóng IL1β do ATP thông qua ngăn chặn sự tái cấu trúc vi ống và ức chế sự hoạt hóa họ gen tương đồng Ras, thành viên con đường A (RhoA)/Rho-associated, coiled-coil containing protein kinase (ROCK). Marques-da-Silva và các cộng sự gần đây đã chứng minh colchicine là một chất ức chế mạnh sự hình thành lỗ hổng gây ra bởi sự hoạt hóa cả hai receptors purinergic P2X7 và P2X2 cả in vitroin vivo. Với sự hiện diện của colchicine, đại thực bào phúc mạc chuột cho thấy tính thấm ATP ít hơn với ethidium bromide, và sự hình thành các loại oxy phản ứng (ROS), nitric oxide (NO) và giải phóng IL1β ít hơn. Sau khi điều trị bằng colchicine, những con chuột được tiêm lipopolysacarit và ATP cũng giảm sản xuất ROS, IL1β, interferon- γ và NO. Sự hình thành lỗ P2X7 là một bước cần thiết trong đáp ứng miễn dịch bẩm sinh để gây ra sự hoạt hóa NALP3 inflammasome do ATP. Sự kiện này ngược với sự depolymer hóa vi ống và có thể là một mục tiêu điều trị mới trong viêm mạn tính.

Tóm tắt tác dụng của colchicine trên với đại thực bào
Ảnh: Tóm tắt tác dụng của colchicine trên với đại thực bào.

Kích thích trình diện kháng nguyên

Ở nồng độ tương đối thấp (3 µg/mL), colchicine trên chuột thúc đẩy sự trưởng thành của các tế bào tua, tạo ra các cytokine và trình diện kháng nguyên với tế bào lympho T-CD4+ non dị sinh. Nhấn mạnh tầm quan trọng của vi ống trong quá trình xử lý tế bào của kháng nguyên, tác dụng kích thích này của colchicine với tế bào tua (như tế bào trình diện kháng nguyên) đã được chứng minh thêm trên tế bào tua của người.

Tác dụng chống xơ hóa và bảo vệ tim mạch

Colchicine có tác dụng chống xơ hóa. Trong một mô hình trên chuột về độc tính trên thận của cyclosporine, colchicine ức chế xơ hóa ống thận kẽ bằng cách kích thích biểu hiện tế bào B lymphoma 2 (Bcl-2), ức chế caspase-3 và do đó ức chế apoptosis tế bào thận. Trong một mô hình chuột bệnh thận mạn tính tăng huyết áp, colchicine đã ức chế xơ hóa thận thông qua sự ức chế tín hiệu RhoA và sự xâm nhập của các tế bào viêm.
Trong một mô hình chuột khác, colchicine đã ức chế xơ gan bằng cách ức chế sự hoạt hóa các tế bào hình sao ở gan và gây ra apoptosis các tế bào này. Trong một mô hình xơ cứng màng bụng kín, colchicine đã ức chế hoạt động của yếu tố tăng trưởng chống biến đổi (TGF)- β1.
Trong một nghiên cứu in vitro sử dụng nguyên bào sợi phổi người, colchicine đã ức chế sự biệt hóa nguyên bào sợi cơ thông qua phụ thuộc Rho/yếu tố đáp ứng huyết thanh (SRF), ngoài tín hiệu độc lập Smad.
Các ứng dụng tim mạch của colchicine đã được phát triển trong thập kỷ qua. Bệnh nhân sốt Địa Trung Hải có tính gia đình (FMF) được điều trị bằng colchicine đã quan sát thấy có dấu hiệu rối loạn chức năng nội mô và nguy cơ tim mạch thấp hơn như β-thromboglobulin và thể tích tiểu cầu trung bình. Colchicine đã ức chế sự tăng sản nội mạc mạch và biểu hiện yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) trong một mô hình nong mạch vành ở chó. Trong một mô hình tăng huyết áp động mạch phổi ở chuột, colchicine đã ức chế sự tăng sinh tế bào cơ trơn, tăng apoptosis tế bào và giảm biểu hiện của protein viêm (TNF-α và NF-κB).
Colchicine đã được chứng minh là hiệp đồng tác dụng bảo vệ với atorvastatin trên chức năng nội mô, giảm protein phản ứng C (CRP), lipoprotein liên quan đến phospholipase A2 (Lp-PLA2) và tăng cường sản xuất NO ở chuột. Các ứng dụng lâm sàng của colchicine trong viêm ngoại tâm mạc và xơ vữa động mạch đã được nghiên cứu mạnh mẽ.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm ngẫu nhiên về colchicine trên viêm ngoại tâm mạc cấp.
Tác giả: Imazio M, Brucato A, Cemin R, Ferrua S, Maggiolini S, Beqaraj F, Demarie D, Forno D, Ferro S, Maestroni S, Belli R, Trinchero R, Spodick DH, Adler Y, các điều tra viên ICAP đến từ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Maria Vittoria, Turin, Italy.
Phương pháp: Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, đa trung tâm. Những người trưởng thành đủ điều kiện bị viêm ngoại tâm mạc cấp được chỉ định ngẫu nhiên nhận colchicine (0.5 mg 2 lần/ngày trong 3 tháng cho bệnh nhân nặng > 70 kg hoặc 0.5 mg 1 lần/ngày với bệnh nhân nặng ≤ 70 kg) hoặc giả dược ngoài liệu pháp chống viêm thông thường bằng aspirin hoặc ibuprofen. Điểm kết thúc chính là viêm ngoại tâm mạc liên tục hoặc tái phát.
Kết quả: Tổng cộng có 240 bệnh nhân được ghi danh và 120 người được chỉ định ngẫu nhiên cho mỗi nhóm. Kết cục chính xảy ra ở 20 bệnh nhân (16.7%) trong nhóm colchicine và 45 bệnh nhân (37.5%) trong nhóm giả dược (giảm nguy cơ tương đối ở nhóm colchicine 0.56; khoảng tin cậy [CI] 95% 0.30-0.72, số người cần điều trị [NNT] 4, P < 0.001). Colchicine đã làm giảm tỷ suất tồn tại triệu chứng sau 72 giờ (19.2% vs. 40.0%, P = 0.001), số lần tái phát trên mỗi bệnh nhân (0.21 vs. 0.52, P = 0.001) và tỷ suất nhập viện (5.0% vs. 14.2%, P = 0.02). Colchicine cũng cải thiện tỷ suất thuyên giảm sau 1 tuần (85.0% vs. 58.3%, P < 0.001). Các tác dụng phụ tổng và tỷ suất ngừng thuốc nghiên cứu là như nhau ở các 2 nhóm. Không quan sát thấy các biến cố bất lợi.
Kết luận: Ở những bệnh nhân bị viêm ngoại tâm mạc cấp tính, colchicine khi được thêm vào liệu pháp chống viêm thông thường làm giảm đáng kể tỷ lệ viêm ngoại tâm mạc không liên tục hoặc tái phát.

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng thuốc không cao (45%). Thời gian khởi phát tác dụng là 18-24 giờ và thời gian đạt tác dụng cực đại là 48-72 giờ.
Phân bố: Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 39%. Thể tích phân bố (Vd) là khoảng 1420 L. Colchicine qua được hàng rào nhau thai (nồng độ trong huyết tương của thai nhi được báo cáo là khoảng 15% nồng độ trong huyết tương mẹ).
Chuyển hóa: Chuyển hóa bởi P-gp và CYP3A4. Thuốc cũng có thể được chuyển hóa bằng liên hợp glucuronide. Các chất chuyển hóa được deacetyl hóa thành 2 chất chuyển hóa chính và 1 chất chuyển hóa phụ.
Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) khoảng 31 giờ (có dao động). Bài xuất qua nước tiểu 40-65%.

Tác dụng

Với cơn gout cấp, thuốc có tác dụng giảm đau, giảm viêm nhanh và mạnh trong vòng 12-24 giờ. Thuốc ít tác động lên tổng hợp acid uric trong máu.
Với chỉ định cho dự phòng cơn gout cấp, thuốc là lựa chọn hàng thứ hai sau các NSAIDs.
Một số tác dụng khác đã được nêu trong phần Dược lực học.

Chỉ định

Thuốc có chỉ định điều trị cơn gout cấp, giảm đau nhanh chóng. Thuốc cũng có thể được sử dụng để dự phòng cơn gout cấp.
Ngoài ra thuốc còn có chỉ định cho FMF, viêm ngoại tâm mạc sau STEMI và hội chứng Behcet.

Cách dùng và liều dùng

Điều trị cắt cơn gout cấp

Đầu tiên dùng 1.2 mg khi có dấu hiệu bùng phát cơn gout cấp đầu tiên, sử dụng 0.6 mg 1 giờ sau đó. Không vượt quá 1.8 mg trong khoảng thời gian 1 giờ.

Dự phòng bùng phát cơn gout cấp

0.6 mg hàng ngày hoặc mỗi 12 giờ, không vượt quá 1.2 mg/ngày. Sau bùng phát, đợi 12 giờ để tiếp tục điều trị dự phòng.

FMF

1.2-2.4 mg/ngày liều duy nhất hoặc chia ra mỗi 12 giờ. Tăng liều 0.3 mg/ngày nếu cần thiết để kiểm soát bệnh, giảm liều 0.3 mg/ngày nếu các tác dụng phụ không dung nạp phát triển, không vượt quá 2.4 mg/ngày.

Viêm ngoại tâm mạc sau STEMI (chỉ định ngoài nhãn)

Điều trị viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim có ST chênh lên.
Dùng 0.6 mg mỗi 12 giờ.

Hội chứng Behcet (chỉ định mồ côi)

Chỉnh liều
Suy giảm chức năng thận (gout):

  •       Nhẹ đến trung bình (CrCl < 80 mL/phút): Không cần thiết chỉnh liều, theo dõi các tác dụng phụ.
  •       Nặng (< 30 mL/phút): Không lặp lại thường xuyên hơn mỗi 2 tuần.
  •       Chạy thận nhân tạo: 0.3 mg 1 lần, việc tăng liều nên được thực hiện khi có sự theo dõi đầy đủ các tác dụng phụ.

Suy giảm chức năng thận (FMF):

  •       Nhẹ đến trung bình (CrCl < 80 mL/phút): Theo dõi các tác dụng phụ, chỉnh liều có thể cần thiết.
  •       Nặng (< 30 mL/phút): 0.3 mg/ngày khởi đầu, việc tăng liều nên được thực hiện khi có sự theo dõi đầy đủ các tác dụng phụ.
  •       Chạy thận nhân tạo: 0.3 mg 1 lần, việc tăng liều nên được thực hiện khi có sự theo dõi đầy đủ các tác dụng phụ.

Suy giảm chức năng gan (gout):

  • Nhẹ đến trung bình: Không cần thiết chỉnh liều, theo dõi các tác dụng phụ.
  • Nặng: Không lặp lại thường xuyên hơn mỗi 2 tuần. Xem xét các liệu pháp khác nếu dùng lặp lại nhiều lần là bắt buộc.

Suy giảm chức năng gan (FMF):

  • Nhẹ đến trung bình: Theo dõi các tác dụng phụ.
  • Nặng: Xem xét giảm liều. Không lặp lại thường xuyên hơn mỗi 2 tuần.

Phối hợp với các chất ức chế CYP3A4 mạnh:

  • Điều trị cắt cơn gout cấp: 0.6 mg, dùng 0.3 mg 1 giờ sau đó, lặp lại không sớm hơn 3 ngày sau.
  • Điều trị dự phòng gout cấp: Nếu chế độ liều colchicine ban đầu là 0.6 mg mỗi 12 giờ, giảm liều xuống 0.3 mg/ngày. Nếu chế độ liều colchicine ban đầu là 0.6 mg/ngày, giảm liều xuống 0.3 mg mỗi 2 ngày.
  • FMF: Không quá 0.6 mg/ngày, 0.6 mg có thể chia thành 0.3 mg mỗi 12 giờ.

Phối hợp với các chất ức chế CYP3A4 trung bình:

  • Gout: 1.2 mg 1 lần, lặp lại không sớm hơn 3 ngày sau.
  • FMF: Không quá 1.2 mg/ngày, 1.2 mg có thể chia thành 0.6 mg mỗi 12 giờ.

Phối hợp với các chất ức chế P-gp:

  • Gout: 0.6 mg 1 lần, lặp lại không sớm hơn 3 ngày sau.
  • FMF: Không quá 0.6 mg/ngày, 0.6 mg có thể chia thành 0.3 mg mỗi 12 giờ.

Tác dụng không mong muốn

Rất thường gặp (> 10%):

  • Tác dụng phụ trên tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, chuột rút, đau bụng, nôn.

Thường gặp (1-10%):

  • Mệt mỏi, đau đầu.
  • Đau họng.

Tỉ lệ không xác định:

  • Độc tính thần kinh cơ (đau cơ, yếu cơ).
  • Ức chế tủy xương.
  • Đông máu nội mạch rải rác.
  • Chấn thương tế bào trong các hệ thống thần kinh trung ương, gan, thận và tuần hoàn.

Báo cáo hậu mãi:

  • Thần kinh: Bệnh lý thần kinh vận động cảm giác.
  •  Da liễu: Rụng tóc, ban xuất huyết, phát ban sần.
  • Tiêu hóa: Không dung nạp lactose, đau quặn bụng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, buồn nôn.
  • Huyết học: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản.
  • Gan mật: Transaminase gan tăng cao.
  • Cơ xương khớp: Yếu cơ, bệnh cơ, tăng creatine phosphokinase, đau cơ, tiêu cơ vân.
  • Sinh sản: Bế tinh, giảm tinh trùng.

Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc

Tính an toàn và hiệu quả của điều trị lặp lại trong các đợt bùng phát gout cấp chưa được đánh giá.
Không được sử dụng để điều trị đau do các nguyên nhân khác, thuốc này không phải là thuốc giảm đau.
Để xa tầm tay trẻ em. Quá liều dẫn đến tử vong được báo cáo ở cả người lớn và trẻ em.
Chứng loạn sắc máu (giảm bạch cầu, suy tủy xương, giảm tiểu cầu, thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu hạt) được báo cáo ở liều điều trị.
Tiêu cơ vân và độc tính thần kinh cơ được báo cáo ở liều điều trị khi điều trị lâu dài, nguy cơ tăng ở bệnh nhân rối loạn chức năng thận, người cao tuổi hoặc điều trị đồng thời với thuốc độc với cơ. Các triệu chứng thường hết trong vòng 1 tuần đến vài tháng sau khi ngừng thuốc.

Tương tác thuốc

Colchicine là cơ chất của CYP3A4 cũng như P-gp.
Phối hợp colchicine với các thuốc ức chế cả hai yếu tố trên (clarithromycin) đã được báo cáo là gây độc tính đe dọa tính mạng hoặc tử vong do tăng đáng kể nồng độ colchicine trong cơ thể.
Dùng đồng thời colchicine với các chất ức chế P-gp hoặc CYP3A4 mạnh có thể cần giảm liều hoặc điều trị gián đoạn.
Khi phối hợp colchicine với các statin (thuốc ức chế HMG-CoA reductase) hoặc fibrates, nguy cơ bệnh cơ tăng lên do tương tác dược lực học. Kiểm tra nồng độ creatine kinase trong huyết thanh nếu bệnh nhân báo cáo có đau hoặc yếu cơ.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với colchicine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Phối hợp với chất ức chế P-gp hoặc CYP3A4 mạnh trên bệnh nhân suy giảm chức năng gan hoặc thận.
Bệnh nhân bị suy giảm cả chức năng gan và thận.

Một số chế phẩm trên thị trường

Colcrys

Nhà sản xuất: TAKEDA
Dạng hàm lượng: 0.6 mg.

Mitigare

Nhà sản xuất: HIKMA
Dạng hàm lượng: 0.6 mg.

Gloperba

Nhà sản xuất: AVION
Dạng hàm lượng: 0.6 mg/5 mL.

Colchicin 1mg

Colchicin 1mg
Colchicin 1mg

Nhà sản xuất: TRAPHACO
Dạng hàm lượng: 1 mg.
SĐK: VD-27365-17.
Giá bán: 32,000 VNĐ/hộp 20 viên nén.

Colchicine RVN

Colchicine RVN
Colchicine RVN

Nhà sản xuất: ROUSSEL VIETNAM
Dạng hàm lượng: 1 và 0.5 mg.

Colchicine STADA

Colchicine STADA
Colchicine STADA

Nhà sản xuất: STADA-VN
Dạng hàm lượng: 1 mg.
SĐK: VD-24573-16.
Giá bán: 22,000 VNĐ/hộp 20 viên nén.

Cocilone

Nhà sản xuất: BRAWN
Dạng hàm lượng: 1 mg.
SĐK: VN-21687-19.
Giá bán: 60,000 VNĐ/hộp 10 viên nén.

Colchicine liều thấp có thể ngăn ngừa biến cố sau nhồi máu cơ tim?

Viêm (inflammation) có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (COLCOT; NCT02551094) để xác định liệu một thuốc kháng viêm đường uống. Hiệu lực cao và rẻ như colchicine có thể giúp cải thiện kết cục ở 4745 bệnh nhân (tuổi trung bình 61; 19% nữ, 73% da trắng) trải qua nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp gần đây.

  • Loại trừ đối tượng có EF<35%, tiền sử đột quỵ gần đây, chỉ số NMCT type 2 hoặc trải qua CABG gần đây.
  • Khoảng 30% hút thuốc, 20% mắc đái tháo đường, 93% trải qua PCI và hầu hết (98-99%) đang dùng statin kèm liệu pháp kết tập tiểu cầu kép và 89% đang dùng chẹn beta.
  • Liều colchicine được nghiên cứu là liều thấp 0.5 mg/ngày. Sau khoảng thời gian trung vị 22.6 tháng, tiêu chí gộp chính (tử vong do nguyên nhân tim mạch, ngưng tim đã hồi sức, NMCT, đột quỵ hoặc nhập viện khẩn cấp do đau thắt ngực cần phải can thiệp mạch vành) xảy ra ít hơn ở nhóm colchicine so với nhóm giả dược (5,5% vs 7,1%; HR = 0,77).
  • Tiêu chí có lợi nhất được ghi nhận do colchicine mang lại là đột quỵ (HR = 0,26) và nhập viện khẩn cấp do đau thắt ngực (HR = 0,50).
  • Các biến cố có hại tương tự giữa 2 nhóm (16%).
  • Phân tích nhóm nhỏ (n=207) cho thấy không có sự khác biệt về độ giảm chỉ số hsCRP (mean high-sensitivity C-reactive protein) – một chỉ dấu viêm, ở nhóm colchicine so với nhóm giả dược (70% vs 67%), từ mức nền là 4,3 mg/L. Kết quả tương tự với độ giảm số lượng bạch cầu.

Đây là 1 nghiên cứu được thiết kế tốt, đề xuất một kết quả có thể làm thay đổi thực hành, rằng 1 thuốc lâu đời như Colchicine có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch sau NMCT. Bên cạnh đó, việc chỉ số hsCRP không có sự khác biệt ở phân tích nhóm nhỏ đặt ra câu hỏi về cơ chế tác động thật sự của colchicine.
Tuy vậy, nghiên cứu này nhận được sự quan tâm lớn bởi vì colchicine đã có dữ liệu rất lâu đời và rất rẻ, nếu có thể áp dụng được trong lĩnh vực dự phòng tim mạch là tín hiệu tốt. Cần thêm các nghiên cứu xác nhận kết quả khả quan nói trên, với số lượng bệnh nhân lớn hơn và thời gian theo dõi dài hơi hơn.
Ý kiến chuyên gia cho rằng, colchicine liều thấp nên được cân nhắc cho những bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao, khả dĩ hơn khi mắc kèm gout, thỏa mãn các tiêu chuẩn lựa chọn của nghiên cứu. [2] [3].
Phần này của bài viết được biên soạn từ tài liệu nước ngoài bởi dược sĩ Phan Khải – Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh.

Hướng dẫn sử dụng thuốc Colchicine bằng hình ảnh minh họa

Colchicine
Cách dùng thuốc Colchicine

Colchicine
Liều dùng thuốc Colchicine

Đối tượng đặc biệt và Chống chỉ định khi dùng thuốc Colchicine

Colchicine
Tác dụng phụ của thuốc Colchicine

 
Colchicine
Lời khuyên của dược sĩ khi sử dụng thuốc Colchicine

Tài liệu tham khảo chính

  1. Colchicine trên Wikipedia nước Anh: https://en.wikipedia.org/wiki/Colchicine
  2. Tardif J-C et al. Efficacy and safety of low-dose colchicine after myocardial infarction. N Engl J Med 2019 Nov 16; [e-pub]. (https://doi.org/10.1056/NEJMoa1912388).
  3. Newby LK. Inflammation as a treatment target after acute myocardial infarction. N Engl J Med 2019 Nov 16; [e-pub]. (https://doi.org/10.1056/NEJMe1914378).
  4. Fanpage Facebook Cách Dùng Thuốc.
  5. A randomized trial of colchicine for acute pericarditis. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23992557)
  6. The Low Dose Colchicine after Myocardial Infarction (LoDoCo-MI) study: A pilot randomized placebo controlled trial of colchicine following acute myocardial infarction.( https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31706144 )
  7. The Low Dose Colchicine after Myocardial Infarction (LoDoCo-MI) study: A pilot randomized placebo controlled trial of colchicine following acute myocardial infarction. ( https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31284074 )
  8. Efficacy and Safety of Low-Dose Colchicine after Myocardial Infarction. ( https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31733140 )

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây