Thuốc Drospirenone: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Drospirenone tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Drospirenone là gì? Drospirenone có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Drospirenone là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Drospirenone là 1 progestin khá mới được sử dụng làm thuốc tránh thai đường uống dạng đơn độc hoặc kết hợp với estrogen khác (ethinylestradiol).

Cấu trúc hóa học của drospirenone
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của drospirenone

Cấu trúc hóa học của ethinylestradiol
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của ethinylestradiol

Drospirenone được được cấp bằng sáng chế năm 1976 nhưng phải mãi 24 năm sau, nó mới được phế duyệt cho sử dụng trong y tế. Đôi khi nó cũng được coi là progestin thế hệ thứ tư.

Dược lực học

Drospirenone là chất chủ vận receptor progesterone, nhưng lại là chất đối vận receptor mineralocorticoid và androgen, do đó thuốc có tác dụng của progesterone nội sinh nhưng lại có hoạt tính kháng mineralocorticoid và kháng androgen.

Receptor Progesterone
Hình ảnh: Receptor Progesterone

Receptor Mineralocorticoid
Hình ảnh: Receptor Mineralocorticoid

Receptor Androgen
Hình ảnh: Receptor Androgen

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin nói chung và drospirenone nói riêng đều có cơ chế tác dụng chung giống nhau:

  • Làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại, tinh trùng khó di chuyển.
  • Làm nội mạc tử cung teo lại, tạo môi trường không phù hợp cho hợp tử làm tổ.
  • Làm ức chế quá trình phóng noãn.

Ngoài ra drospirenone còn có thể được sử dụng kết hợp với ethinylestradiol trong thuốc tránh thai phối hợp (COC) tuy nhiên ta sẽ không bàn đến ở đây.
Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin sẽ không gây tác dụng phụ do estrogen gây ra nên số lượng tác dụng phụ giảm đi đáng kể. Đồng thời chúng dễ sử dụng hơn loại phối hợp vì không có các giai đoạn “on” và “off”. Nhưng bù lại, hiệu lực của loại thuốc này kém hơn loại COC.
Drospirenone có tác dụng kháng mineralocorticoid nên ít gây giữ muối và nước hơn các thuốc khác cùng nhóm. Tuy nhiên cũng vì vậy thuốc gây tăng kali máu nhiều hơn.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thuốc tránh thai chỉ chứa drospirenone: Kết quả từ 1 thử nghiêm đa trung tâm, không so sánh về hiệu quả, an toàn và khả năng dung nạp.

Thử nghiệm lâm sàng Drospirenone
Hình ảnh: Thử nghiệm lâm sàng Drospirenone

Các tác giả: Archer DF, Ahrendt HJ và Drouin D.
Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả tránh thai của thuốc tránh thai chỉ chứa drospirenone (DRSP) và cung cấp thông tin về hồ sơ an toàn và kiểm soát chu kỳ của nó.
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu triển vọng, đa trung tâm và không so sánh này được thực hiện tại 41 địa điểm ở châu Âu trên những phụ nữ khỏe mạnh có nguy cơ mang thai, tuổi từ 18 đến 45. Thuốc nghiên cứu là DRSP 4 mg mỗi ngày trong 24 ngày, sau đó dùng giả dược trong 4 ngày (DRSP 4 mg 24/4, Exeltis, Tây Ban Nha) trong 13 chu kỳ điều trị 28 ngày. Điểm cuối hiệu quả chính là chỉ số thất bại Pearl-Index (PI) tổng thể. Mô hình chảy máu, thay đổi trong các dấu hiệu quan trọng và giá trị xét nghiệm cũng được phân tích.
Kết quả: Tổng cộng có 713 người tham gia với 7638 chu kỳ điều trị bằng DRSP đã được phân tích. PI tổng thể là 0.51 (khoảng tin cậy 95%, 0.1053-1.4922). Tỉ lệ người tham gia bị chảy máu giảm từ 72.7% ở chu kỳ 1 xuống 40% ở chu kỳ 6 và 32.1% ở chu kỳ 13. Chảy máu bất thường giảm từ 49.1% ở chu kỳ 1 xuống 27.8% ở chu kỳ 6 và xuống còn 22.8% ở chu kỳ 13. Chảy máu kéo dài được báo cáo là 6.5% trong chu kỳ 2 đến 4 và giảm xuống còn 4.2% trong chu kỳ 11 đến 13. Không có báo cáo về huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi hoặc tăng kali máu. Không quan sát được các thay đổi liên quan đến các thông số xét nghiệm, trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), huyết áp hoặc nhịp tim. Khả năng chấp nhận thuốc nghiên cứu được coi là “xuất sắc / tốt” bởi hơn 82% đối tượng.
Kết luận: Thuốc tránh đường uống chỉ chứa DRSP mới này có tác dụng tránh thai trên lâm sàng hiệu quả tương tự thuốc tránh thai kết hợp estrogen với proestin hiện có trên thị trường, với hồ sơ an toàn tốt và kiểm soát chu kỳ thuận lợi.

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng (F) đường uống 76-85%. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 1-2 giờ. Nồng độ đỉnh trong huyết tương (Cmax) là 27 ng/mL (liều đơn) và 41 ng/mL (trạng thái ổn định [khoảng 10 ngày]).
Phân bố: Thể tích phân bố (Vd) khoảng 4 L/kg. Tỉ lệ liên kết với protein huyết tương 95-97% (chủ yếu là albumin).
Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa rộng. Các chất chuyển hóa không hoạt động: Dạng acid của drospirenone (được hình thành bằng cách mở vòng lacton) và 4,5-dihydrodrospirenone (được hình thành bằng cách khử) và sau đó liên hợp sulfate. Drospirenone cũng dễ bị oxy hóa., phản ứng được xúc tác bởi CYP3A4.

Chuyển hóa Drospirenone
Hình ảnh: Chuyển hóa Drospirenone

Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) xấp xỉ 30 giờ. Bài tiết qua phân và nước tiểu (trong phân nhiều hơn một chút). Tốc độ thanh thải drospirenone trong huyết thanh dao động 1.2-1.5 mL/phút/kg, tuy nhiên, giá trị này có thể thay đổi tới 25% tùy từng bệnh nhân.

Chỉ định và liều dùng

Biệt dược Slynd (drospirenone 4 mg): 28 viên gồm 24 viên trắng (có hoạt tính) và 4 viên xanh (không có hoạt tính).
Tránh thai:
Uống 1 viên/ngày trong 28 ngày liên tiếp, trong đó 1 viên trắng/ngày trong 24 ngày đầu tiên và 4 viên xanh/ngày trong 4 ngày tiếp theo.
Bắt đầu khi không sử dụng thuốc tránh thai hormon nào hiện tại:

  • Uống viên trắng đầu tiên vào ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt.
  • Uống các viên trắng tiếp theo hằng ngày vào cùng thời điểm mỗi ngày trong 24 ngày.
  • Uống 1 viên xanh mỗi ngày trong 4 ngày và vào cùng thời điểm với viên trắng.
  • Sau ngày uống viên xanh cuối cùng, bắt đầu 1 chu kì uống thuốc mới vào ngày ngay sau đó.

Chuyển từ phương pháp tránh thai khác:

  • COC: Bắt đầu vào ngày ngay sau ngày cuối cùng của liệu trình dùng COC.
  • Miếng dán qua da: Bắt đầu vào ngày mà đáng lẽ lần dán tiếp theo sẽ được bắt đầu tiến hành.
  • Vòng đặt âm đạo: Bắt đầu vào ngày mà đáng lẽ lần đặt vòng tiếp theo sẽ được bắt đầu tiến hành.
  • Thuốc tiêm: Bắt đầu vào ngày mà đáng lẽ lần tiêm tiếp theo sẽ được bắt đầu tiến hành.
  • Dụng cụ tử cung: Bắt đầu vào ngày loại bỏ vòng đặt tử cung.
  • Que cấy tránh thai: Bắt đầu vào ngày loại bỏ que cấy.

Tác dụng phụ

Rất thường gặp (> 10%):

  • Cháy máu bất thường, chu kì 1 (64.4%).
  • Cháy máu bất thường, chu kì 13 (40.3%).

Thường gặp (1-10%):

  • Mụn trứng cá (3.8%).
  •  Băng huyết (2.8%).
  • Đau đầu (2.7%).
  • Đau (2.2%).
  • Tăng cân (1.9%).
  • Đau bụng kinh (1.9%).
  • Buồn nôn (1.8%).
  • Cháy máu âm đạo (1.7%).
  • Giảm ham muốn tình dục (1.3%).
  • Nhạy cảm ở vú (1.2%).
  • Kinh nguyệt không đều (1.2%).

Lưu ý và thận trọng

Làm giảm nồng độ estradiol huyết thanh. Không rõ có thể xảy ra mất mật độ xương liên quan đến lâm sàng hay không.
Một số nghiên cứu cho thấy COC chứa proestin và estradiol có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư hoặc tân sinh nội mô cổ tử cung. Tuy nhiên, những tranh cãi vẫn đang tiếp diễn.
Ngừng sử dụng thuốc nếu có vàng da hoặc các rối loạn cấp hoặc mạn tính về chức năng gan phát triển. Không dùng thuốc cho đến khi các chỉ số xét nghiệm chức năng gan trở về bình thường và xác định được nguyên nhân.
Xem xét nguy cơ thai ngoài tử cung ở những phụ nữ mang thai hoặc báo cáo có đau bụng dưới.
Progestin có thể làm giảm độ nhạy cảm insulin, tăng sự đề kháng insulin và gây tăng đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ tăng đường huyết cao hơn và có thể cần chỉnh liều hoặc bổ sung thuốc nếu cần.
Chảy máu bất thường có thể xảy ra, đặc biệt trong 3 tháng đầu dùng thuốc. Giải quyết bằng cách đợi thêm một thời gian (khi dùng thuốc đều đặn tác dụng phụ này sẽ giảm dần) hoăc đổi sang biện pháp tránh thai khác. Nếu vẫn còn chảy máu bất thường, cần tập trung tìm ra nguyên nhân.
Thận trọng với phụ nữ có tiền sử trầm cảm. Ngừng dùng drospirenone nếu trầm cảm tái phát ở mức độ nghiêm trọng.
Nguy cơ huyết khối:

  • Nguy cơ huyết khối nghẽn mạch khi dùng thuốc tránh thai kết hợp có chứa drospirenone và ethinylestradiol cao hơn những thuốc có chứa một số progestin khác cộng với ethinylestradiol.
  • Các nghiên cứu dịch tễ học đã không chỉ ra mối liên quan giữa các chế phẩm chỉ chứa progestin và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, huyết khối não hoặc huyết khối tĩnh mạch.
  • Ngừng sử dụng thuốc nếu xảy ra huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch. Xem xét ngừng sử dụng thuốc với bệnh nhân bất động kéo dài do phẫu thuật hoặc bệnh khác.

Tăng kali máu:

  • Drospirenone có hoạt tính kháng mineralocorticoid, có khả năng gây tăng kali máu ở phụ nữ có nguy cơ cao, tương đương với liều spironolactone 25 mg.
  • Chống chỉ định ở phụ nữ có nguy cơ tăng kali máu cao (ví dụ: suy thận, suy gan, thiểu năng thượng thận, phối hợp lâu dài với thuốc ức chế CYP3A4 mạnh).

Phụ nữ có thai: Dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học và phân tích tổng hợp, có rất ít hoặc không có nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi ở phụ nữ vô tình sử dụng progestin đường uống thời kì đầu mang thai.
Ngừng sử dụng thuốc khi có thai, vì không có lí do gì để sử dụng biện pháp tránh thai bằng hormon trong thai kì.
Phụ nữ đang cho con bú: Drospirenone được bài tiết không đáng kể vào sữa mẹ. Ở liều điều trị, thuốc không có tác dụng với trẻ bú mẹ. Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin là thuốc tránh thai được chỉ định sử dụng cho phụ nữ sau sinh.

Tương tác thuốc

Dùng cùng các thuốc giữ kali (lợi tiểu tiết kiệm kali, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin…): Làm hiệp đồng tác dụng tăng kali huyết thanh gây nguy hiểm. Tránh phối hợp này.
Dùng cùng eplerenone: Hiệp đồng tác dụng dược lực học. Không nên phối hợp.

Tương tác thuốc yasmin(drospirenone) và eplerenone
Hình ảnh: Tương tác thuốc yasmin(drospirenone) và eplerenone

Dùng cùng fedratinib: Làm tăng nồng độ huyết tương của fedratinib. Tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ. Tránh phối hợp này.
Dùng cùng kháng sinh: Có thể làm giảm tác dụng các thuốc tránh thai đường uống do làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột dẫn đến mất chu kì gan – ruột của thuốc tránh thai.
Dùng cùng aldesleukin: Tăng tác dụng của drospirenone. Nguy cơ hạ huyết áp. Sử dụng thận trọng.
Tương tác thuốc yasmin(drospirenone) và aldesleukin
Hình ảnh: Tương tác thuốc yasmin(drospirenone) và aldesleukin

Dùng cùng albiglutide: Giảm tác dụng của thuốc này. Sử dụng thận trọng.
Dùng cùng các các thuốc hoặc sản phẩm khác cảm ứng một số enzyme gan nhất định, bao gồm cả CYP3A4: Có thể làm giảm nồng độ các biện pháp tránh thai bằng hormon và có khả năng làm giảm hiệu quả tránh thai.
Dùng cùng các thuốc ức chế CYP3A4 mạnh: Có thể dẫn đến tăng nồng độ drospirenone trong máu, tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc độc tính.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với drospirenone hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Suy gan hoặc thận.
U gan (lành tính hoặc ác tính).
Thiểu năng thượng thận.
Có tiền sử hoặc sự hiện diện của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư khác nhạy cảm với progestin.
Chảy máu tử cung bất thường không được chẩn đoán.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4588845/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2971718/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2971705/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2504056/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3439798/
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây