Thuốc Nicardipine: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Nicardipine tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Nicardipine là gì? Nicardipine có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Nicardipine là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Nicardipine là 1 thuốc chẹn kênh calci có cấu trúc dihydropyridine được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực ổn định mạn tính.

Cấu trúc hóa học của nicardipine.
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của nicardipine.

Nicardipine được Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt tháng 12/1988. Nó được cấp bằng sáng chế năm 1973 và được sử dụng trong  y tế từ năm 1981. Bằng sáng chế cho cả CardeneCardene SR đã hết hiệu lực tháng 10/1995.

Dược lực học

Nicardipine là thuốc chẹn kênh calci nhóm dihydropyridine có tác dụng chủ yếu trên kênh calci cơ trơn mạch máu. Nó đặc biệt chọn lọc trên mạch não và mạch vành.
Thuốc hoạt động như cơ chế chung của các thuốc nhóm này. Nó chẹn kênh calci điện áp type L trên cơ trơn mạch máu. Do đó, ion Ca2+ không vào được nội bào, không gắn được với calmodulin, từ đó MLCK (myosin light chain kinase) không được hoạt hóa, không hoạt hóa được myosin chuỗi nhẹ, và do vậy cũng không có sự trượt của sợi myosin trên sợi actin, kết quả là không có sự co cơ.

Cơ chế tác dụng của thuốc chẹn kênh calci.
Hình ảnh: Cơ chế tác dụng của thuốc chẹn kênh calci.

Cơ trơn mạch máu giãn (đặc biệt là động mạch) giúp giảm hậu gánh, giảm huyết áp. Giãn động mạch vành giúp giảm cơn đau thắt ngực, tăng cung cấp oxy cho cơ tim và tái phân phối máu cho vùng thiếu máu.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm ngẫu nhiên CLUE so sánh hiệu quả của nicardipine IV so với sử dụng labetalol trong khoa cấp cứu.

So sánh thuốc nicardipine và labetalol
Hình ảnh: So sánh thuốc nicardipine và labetalol

Các tác giả: Peacock WF, Varon J, Baumann BM, Borczuk P, Cannon CM, Chandra A, Cline DM, Diercks D, Hiestand B, Hsu A, Jois-Bilowich P, Kaminski B, Levy P, Nowak RM và Schrock JW tới từ Khoa Cấp cứu, Phòng khám Cleveland, 9500 Euclid Avenue, Cleveland, OH 44195 Hoa Kỳ. peacocw@ccf.org.
Mục đích: So sánh độ an toàn và hiệu quả của nicardipine IV so với labetalol IV để kiểm soát tăng huyết áp cấp tính.
Phương pháp: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đa trung tâm, những bệnh nhân đủ điều kiện đã có 2 lần đo huyết áp tâm thu (SBP) ≥180 mmHg và không có chống chỉ định với nicardipine hoặc labetalol. Trước khi chỉ định ngẫu nhiên, bác sĩ xác định SBP mục tiêu ± 20 mmHg (phạm vi mục tiêu: TR). Điểm cuối chính là phần trăm đối tượng đạt được TR trong 30 phút điều trị đầu tiên.
Kết quả: Trong số 226 bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên, 110 người được nhận nicardipine và 116 nhận labetalol. Kết thúc tổn thương nội tạng trước điều trị là 143 (63.3%) bệnh nhân: 71 bệnh nhân với nicardipine và 72 bệnh nhân với labetol. SBP ban đầu trung bình tương ứng lần lượt là 212.5 (IQR 197, 230) và 212 mmHg (IQR 200, 225) ở bệnh nhân dùng nicardipine và labetalol (P = 0.68). Trong vòng 30 phút, bệnh nhân dùng nicardipine đạt được TR thường xuyên hơn so với labetalol (91.7 so với 82.5%, P = 0.039). Trong số 6 lần đo huyết áp (được thực hiện cứ sau mỗi 5 phút) trong suốt thời gian nghiên cứu, bệnh nhân dùng nicardipine có tỉ lệ cao hơn 5 và 6 trường hợp về TR so với labetalol (47.3% so với 32.8%, P = 0.026). Nhu cầu thuốc cứu nguy không khác nhau giữa nicardipine và labetalol (15.5 so với 22.4%, P = 0.183). Bệnh nhân dùng labetalol có nhịp tim chậm hơn tại mọi thời điểm (P < 0.01). Mô hình đa biến cho thấy bệnh nhân dùng nicardipine có nhiều khả năng đạt được TR hơn so với bệnh nhân dùng labetol sau 30 phút (OR 2.73, P = 0.028; C stat cho mô hình = 0.72).
Kết luận: Bệnh nhân được điều trị bằng nicardipine có nhiều khả năng đạt được phạm vi mục tiêu SBP do bác sĩ xác định trong vòng 30 phút hơn so với những bệnh nhân được điều trị bằng labetalol.

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng (F) đường uống là 35%. Thời gian khởi phát tác dụng là 0.5-2 giờ PO hoặc 10-20 phút IV. Thời gian tác dụng là 8 giờ (IV hoặc viên giải phóng ngay) hoặc 8-12 giờ (viên giải phóng kéo dài). Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) của dạng giải phóng ngay là 0.5-2 giờ, dạng giải phóng kéo dài là 2-4 giờ.
Phân bố: Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 95%. Thể tích phân bố (Vd) là 8.3 L/kg.
Chuyển hóa: Nicardipine được chuyển hóa ở gan bởi enzyme gan CYP3A4. Chất chuyển hóa không hoạt động là dẫn chất pyridine.

Chuyển hóa Nicardipine
Hình ảnh: Chuyển hóa Nicardipine

Thải trừ: Thời gian bán hủy (t1/2) là 2-4 giờ. Bài xuất qua nước tiểu (60%) và phân (35%). Độ thanh thải tổng (ClT) là 0.3-0.9 L/h/kg với IV hoặc 1.62-7.86 L/h/kg với PO.
Chú thích:  

  • PO: đường uống.
  • IV: đường tĩnh mạch.

Chỉ định và liều dùng
Tăng huyết áp:
PO: 20-40 mg (dạng thường) mỗi 8 giờ hoặc 30-60 mg (dạng giải phóng kéo dài) mỗi 12 giờ.
Dạng giải phóng kéo dài được ưa thích vì thuốc phải dùng ít thường xuyên hơn, có khả năng kiểm soát huyết áp tốt hơn.
IV: 5 mg/h truyền IV chậm (50 mL/h) khởi đầu. Sau đó tăng lên 2.5 mg/h mỗi 15 phút, không quá 15 mg/h.
Đau thắt ngực ổn định mạn tính:
20-40 mg (dạng thường) PO mỗi 8 giờ.
Bắt đầu ở liều 20 mg và cách 3 ngày giữa các lần tăng liều để nồng độ thuốc trong huyết tương đạt trạng thái ổn định. Phạm vi liều thông thường 60-120 mg/ngày.

Đau thắt ngực ổn định mạn tính
Hình ảnh: Đau thắt ngực ổn định mạn tính

Chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận:

  • Dạng giải phóng ngay: Khởi đầu 20 mg PO mỗi 8 giờ, chuẩn độ liều mỗi 3 ngày.
  • Dạng giải phóng kéo dài: Khởi đầu 30 mg PO mỗi 12 giờ, chuẩn độ liều mỗi 3 ngày.
  • IV: Sử dụng thận trọng. Không có hướng dẫn chỉnh liều. Theo dõi và điều chỉnh khi cần thận.

Chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan:

  • Dạng giải phóng ngay: Khởi đầu 20 mg PO mỗi 12 giờ, chuẩn độ liều mỗi 3 ngày.
  • Liều giải phóng ngay hàng ngày có thể không tương đương trực tiếp với liều giải phóng kéo dài hàng ngày. Thận trọng khi chuyển đổi liều.
  • IV: Sử dụng thận trọng. Không có hướng dẫn chỉnh liều. Theo dõi và điều chỉnh khi cần thận.

Tác dụng phụ

Rất thường gặp (> 10%):

  • Đau đầu (IV: 15%).

Đau đầu
Hình ảnh: Đau đầu

Thường gặp (1-10%):

  • Đỏ bừng (6-10%).
  • Phù: Phù ngoại biên (PO: 6-8%), phù bàn chân (PO: 6.8%).
  • Rối loạn thần kinh trung ương: Đau đầu (PO: 8.3%), suy nhược (PO: 3%), chóng mặt (1%).
  • Rối loạn tim mạch: Hạ huyết áp (IV: 6%), trầm trọng hơn cơn đau thắt ngực (6%), ngoại tâm thu thất (IV: 1%).
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn (PO: 1.6%).
  • Phản ứng dị ứng: Phát ban (1%: PO).
  • Đa niệu (IV: 1%).

Tác dụng phụ < 1%:

  • Suy nhược (IV).
  • Phù mặt.
  • Hạ huyết áp (PO), ngất xỉu (IV), nhịp tim nhanh.
  • Đau cơ (PO).

Lưu ý và thận trọng

Nicardipine có thể gây hạ huyết áp triệu chứng hoặc nhịp tim nhanh. Chuẩn độ liều chậm để tránh hạ huyết áp hệ thống và các tác dụng âm tính ảnh hưởng tới sự co thắt cơ tim có thể có với suy tim sung huyết, đau thắt ngực và rối loạn chức năng thất trái (đặc biệt là khi bắt đầu điều trị, sau khi tăng liều hoặc ngừng sử dụng thuốc chẹn β). Đặc biệt với bệnh nhân suy tim sung huyết, nicardipine không bảo vệ chống lại những tác dụng phụ nguy hiểm do ngừng thuốc chẹn β đột ngột, do đó cần giảm liều các thuốc này dần dần, tốt nhất là từ 8-10 ngày.

Bệnh tim mạch
Hình ảnh: Bệnh tim mạch

Để giảm khả năng huyết khối tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch và suy mạch máu, không sử dụng các tĩnh mạch nhỏ để truyền IV.
Theo dõi chặt chẽ đáp ứng ở bệnh nhân đau thắt ngực, suy tim sung huyết, chức năng gan suy giảm, tăng huyết áp, suy thận và u tủy thượng thận.
Sự trầm trọng thêm cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim đã được báo cáo khi sử thuốc chẹn kênh calci nhóm dihydropyridine.
Khi bị xuất huyết hoặc nhồi máu não cấp tính, chuẩn độ chậm để tránh tụt huyết áp hệ thống.
Thận trọng với bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại và hẹp động mạch chủ từ nhẹ đến trung bình.
Thận trọng với bệnh nhân suy gan hoặc thận do giảm chuyển hóa hoặc thanh thải thuốc. Cần chỉnh liều.
Thận trọng với tăng huyết áp liên quan đến u tủy thượng thận và tăng huyết áp kịch phát khi truyền IV.
Thay đổi vị trí truyền IV mỗi 12 giờ để giảm nguy cơ kích thích tĩnh mạch ngoại biên.
Dạng giải phóng kéo dài không được khuyến cáo cho đau thắt ngực.
Phụ nữ mang thai: Chỉ sử dụng thuốc khi các lợi ích thuốc đem lại là vượt trội hơn so với rủi ro. Phân loại thai kì: C.
Cẩn thận sử dụng Nicardipine cho phụ nữ có bầu
Hình ảnh: Cẩn thận sử dụng Nicardipine cho phụ nữ có bầu

Phụ nữ đang cho con bú: Tránh sử dụng do không biết thuốc có được bài tiết vào sữa hay không.

Tương tác thuốc

Dùng cùng các thuốc hạ huyết áp khác: Tăng cường tác dụng hạ huyết áp. Cần chỉnh liều cho phù hợp.
Dùng cùng dantrolene: Tránh phối hợp do tăng độc tính mỗi thuốc do tương tác dược lực học. Tỉ lệ hiếm gặp của trụy tim mạch và tăng kali máu rõ rệt khi phối hợp 2 thuốc này. Nguy cơ cao hơn với các thuốc chẹn kênh calci nhóm non-dihydropyridine.

Tương tác thuốc nicardipine và dantrium (dantrolene)
Hình ảnh: Tương tác thuốc nicardipine và dantrium (dantrolene)

Dùng cùng các thuốc là cơ chất của CYP3A4 và cả CYP2D6 (cobimetinib, conivaptan, dihydroergotamine, eliglustat, flibanserin, ivabradine, lomitapide, lovastatin, lurasidone, naloxegol, regorafenib, venetoclax…): Làm tăng nồng độ thuốc dùng cùng và tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ cũng như độc tính.
Dùng cùng thuốc ức chế CYP3A4 (thuốc ức chế protease HIV, nước bưởi chùm, kháng nấm azole đường uống…): Làm tăng nồng độ nicardipine trong huyết tương. Nguy cơ hạ huyết áp quá mức.
Dùng cùng thuốc cảm ứng CYP3A4 (efavirenz, rifampicin, phenobarbital, tolbutamide…): Làm giảm nồng độ nicardipine trong huyết tương. Nguy cơ không kiểm soát được huyết áp của bệnh nhân.
Dùng cùng các thuốc là cơ chất của P-gp (edoxaban, everolimus…): Làm tăng hấp thu thuốc dùng cùng, dẫn đến tăng nồng độ thuốc đó trong máu, tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc độc tính.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với nicardipine, các thuốc chẹn kênh calci khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Hẹp động mạch chủ tiến triển.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1400784/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1401043/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3471255/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1401045/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1400790/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây