Phác đồ điều trị Viêm Khớp dạng thấp của Bộ Y Tế

Đánh giá post

Nhận định chung về bệnh Viêm Khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là 1 trong số rất nhiều bệnh tự miễn thường gặp của cơ thể. Đây là bệnh tự miễn khá điển hình, xuất hiện đột ngột và tiến triển mạn tính. Bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ trong vòng vài tháng sau những triệu chứng đầu tiên, người bệnh đã cảm thấy rõ rệt những tổn thương do bệnh gây ra tại các khớp với các biểu hiện như cứng khớp thường vào buổi sáng kéo dài trên 1 giờ,viêm sưng và đau khớp theo kiểu đối xứng, tổn thương các khớp xương. Viêm khớp dạng thấp gây hậu quả nặng nề cho người bệnh nếu không được điều trị đầy đủ, đúng cách và kịp thời như gây cứng khớp, dính khớp, biến dạng khớp và cuối cùng dẫn đến tàn phế, mất khả năng vận động.

Nhận định chung về bệnh viêm khớp dạng thấp
Nhận định chung về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới, chiếm tỉ lệ khoảng 1% dân số trên toàn thế giới.

Bệnh Viêm khớp dạng thấp có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng thường phổ biến ở độ tuổi từ 35 tuổi đến 55 tuổi. Theo số liệu thực tế, ghi nhận tỉ lệ mắc Viêm khớp dạng thấp ở nữ giới cao hơn ở nam giới 3 lần.

Nguyên nhân gây bệnh được cho là có mối liên quan mật thiết đến sự hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, cùng với 1 số yếu tố thuận lợi làm khởi phát bệnh như sau khi bị nhiễm khuẩn, tiêm vaccine, nữ giới, yếu tố di truyền.

Cơ chế bệnh sinh: Hệ thống miễn dịch sinh ra các tự kháng thể là yếu tố dạng thấp RF và antiCCP lắng đọng nhiều tại các màng hoạt dịch của các khớp, được cơ thể nhận diện như là các yếu tố lạ nên huy động hệ miễn dịch tới đây để tấn công và loại bỏ. Cả 2 con đường đều tham gia vào quá trình này là miễn dịch dịch thể quan lympho B và miễn dịch qua trung gian tế bào qua lympho T. Cả 2 con đường này đều tăng huy động hoạt động của các bạch cầu, đại thực bào, các chất trung gian hóa học gây viêm, các cytokine,… tấn công màng hoạt dịch làm chúng bị thương tổn. Lâu ngày, ngay cả khi các yếu tố lạ đã được loại bỏ thì hoạt động miễn dịch tại các khớp này cũng vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng tự hủy hoại khớp, để lại hậu quả nặng nề cho khớp.

Cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp
Cơ chế bệnh sinh viêm khớp dạng thấp

Tham khảo thêm: Viêm khớp dạng thấp có thực sự nguy hiểm? Nguyên nhân và cách điều trị.

Nguyên tắc phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp

Nguyên tắc điều trị viêm khớp dạng thấp: bệnh diễn biến phức tạp và gây hậu quả nặng nề đòi hỏi các biện pháp điều trị toàn diện, tổng thể, điều trị tích cực và lâu dài kết hợp theo dõi liên tục, định kì những diễn biến mới của bệnh bằng các công cụ đánh giá thích hợp để có những hướng xử trí tiếp theo.

Bệnh viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn do bất thường của hệ miễn dịch nên không thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, các biện pháp điều trị được thực hiện theo nguyên tắc giảm triệu chứng sưng, đau, cứng khớp, làm giảm, chậm hay ngừng diễn tiến của bệnh, từ đó làm chậm lại quá trình phá hủy khớp và tàn tật.

Nguyên tắc điều trị viêm khớp dạng thấp
Nguyên tắc điều trị viêm khớp dạng thấp

Các nhóm thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay cũng tuân theo nguyên tắc trên bao gồm nhóm thuốc điều trị triệu chứng và nhóm thuốc làm chậm / ngừng tiến triển bệnh (thuốc điều trị cơ bản trong viêm khớp dạng thấp).

Nhóm thuốc làm chậm / ngừng diễn tiến của bệnh còn được gọi là các thuốc DMARDS. Hiện nay có 2 loại DMARDS đang được áp dụng trong y tế là DMARDS kinh điển gồm methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine, leflunomid,… và DMARDS sinh học gồm anti-IL1, anti-IL6, kháng lympho T, kháng lympho B, ức chế TNF alpha.

Các nhóm thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Các nhóm thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Nhóm thuốc điều trị triệu chứng: Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, Paracetamol, Glucocorticoid, Codein, Tramadol.

Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị chính: cải thiện triệu chứng và chức năng của các khớp tổn thương, duy trì chức năng của cơ thể, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mục tiêu điều trị viêm khớp dạng thấp
Mục tiêu điều trị viêm khớp dạng thấp

Mục tiêu cụ thể: điều trị bệnh để làm chậm và tối ưu là ngừng tiến triển của bệnh (hay nói cách khác là đạt được mức độ hoạt động bệnh thấp, trạng thái remission theo thang đánh giá DAS28), kiểm soát mức độ hoạt động bệnh đã đạt được kết hợp giảm đau khớp, duy trì chức năng hoạt động hàng ngày bình thường trong sinh hoạt cũng nhưng lao động, làm chậm quá trình phá hủy khớp dẫn tới tàn tật.

Phác đồ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp theo Bộ Y Tế

Các thuốc điều trị triệu chứng

Thuốc kháng viêm không steroid (KVKS – NSAIDs): điều trị viêm khớp dạng thấp là điều trị “đường dài” nên phải sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng khá dài cho đến khi các thuốc điều trị cơ bản có tác dụng (thường là vài tuần đến vài tháng). Mà các NSAIDs nói chung gây hại rất lớn cho đường tiêu hóa, thường gặp là loét dạ dày tá tràng nếu dùng thường xuyên ở các đối tượng có nguy cơ cao. Không chỉ thế mà các NSAIDs đó còn gây ra những tương tác bất lợi làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc điều trị cơ bản trong viêm khớp dạng thấp. Vậy nên trong điều trị viêm khớp dạng thấp, để vẫn đảm bảo sử dụng và tránh được các tác động bất lợi của NSAIDs, các NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 ít gây hại cho đường tiêu hóa thường được lựa chọn. Trong đó, liều dùng của 1 số loại NSAIDs được chọn như sau:

Celecoxib: thường dùng với hàm lượng 200mg (1 viên 200mg hoặc 2 viên 100mg Celecoxib) 1 đến 2 lần mỗi ngày tùy theo mức độ đau của người bệnh. Lưu ý: không vượt quá tổng lượng thuốc 400mg mỗi ngày.

Meloxicam: dùng với liều 15mg đường tiêm bắp hoặc đường uống, ngày dùng 1 lần. Lưu ý: không vượt quá 15mg tổng lượng thuốc mỗi ngày.

Etoricoxib: dùng với liều 60mg đến 90 mg, ngày dùng 1 lần.

Các thuốc kháng viêm được sử dụng hiệu quả trong điều trị triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Các thuốc kháng viêm được sử dụng hiệu quả trong điều trị triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Ngoài ra nếu không đủ điều kiện dùng những loại thuốc trên, còn 1 số lựa chọn NSAIDs không chọn lọc như:

Diclofenac: dùng đường uống hoặc tiêm bắp với liều 75mg mỗi lần, ngày dùng 2 lần, dùng trong 3 – 7 ngày. Sau đó chuyển sang chế độ uống: 50 mg mỗi lần, ngày dùng 2 – 3 lần trong 4 – 6 tuần.

Brexin (piroxicam + cyclodextrin): uống với liều uống mỗi ngày.

Ngoài ra có thể xem xét sử dụng 1 số NSAIDs khác thay thế với liều giảm đau tương đương.

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường gặp ở phụ nữ độ tuổi ngoài 40, do đó nguy cơ gặp các tổn thương dạ dày thường cao hơn. Một số bệnh nhân có nguy cơ cao với các tác dụng không mong muốn của thuốc như người già, có tiền sử loét dạ dày tá tràng hoặc xuất huyết đường tiêu hóa trên, điều trị với NSAIDs dài ngày cần đánh giá và theo dõi các tác dụng bất lợi và áp dụng biện pháp bảo vệ dạ dày bằng thuốc ức chế bơm Proton PPIs.

Corticosteroids

Corticosteroids hiện nay có rất nhiều loại, nhưng chỉ có 1 số loại được dùng phổ biến trong điều trị viêm khớp dạng thấp là Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone.

Corticosteroids là thuốc không thể thiếu trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Corticosteroids là thuốc không thể thiếu trong điều trị viêm khớp dạng thấp

Corticosteroids thường được sử dụng ngắn hạn như liệu pháp cầu nối với liều thấp nhất có hiệu quả để làm giảm và kiểm soát tạm thời các triệu chứng và diễn tiến bệnh (thường là tối đa 3 tháng, 1 số ít trường hợp có thể tới 6 tháng) trong quá trình chờ đợi các thuốc điều trị cơ bản có tác dụng.

Bên cạnh đó, khi DMARDs chưa phát huy tác dụng, Corticosteroids là 1 lựa chọn hợp lí để kiểm soát nhanh các đợt cấp tiến triển của bệnh.

Đối với thể vừa: có thể dùng Methylprednisolon liều 16 mg đến 32 mg (hoặc có thể dùng Prednisolone, Prednisone với mức liều tương đương), uống vào lúc 8 giờ sáng mỗi ngày sau khi ăn.

Đối với thể nặng: dùng Methylprednisolon liều 40 mg tiêm tĩnh mạch mỗi ngày (không nên tự thực hiện mà cần được thực hiện bởi người có chuyên môn)

Nếu thể bệnh tiến triển cấp, có nguy cơ đe dọa tính mạng với biểu hiện ngoài khớp nặng, viêm mạch máu: dùng Methylprednisolon liều 500 mg đến 1000 mg truyền tĩnh mạch trong khoảng 30 phút đến 45 phút mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp rồi giảm dần về mức liều thông thường. Có thể lặp lại mỗi tháng nếu cần.

Nếu bệnh nhân có các chỉ định dùng dài hạn Corticoid như thể bệnh nặng, phụ thuộc Corticoid, suy thượng thận do dùng Corticoid kéo dài: nên bắt đầu với liều 20 mg Methylprednisolon uống mỗi ngày vào lúc 8 giờ sáng sau ăn kết hợp theo dõi lâm sàng và xét nghiệm tình trạng diễn biến bệnh. Nếu đạt trạng thái mục tiêu thì có thể giảm dần liều và duy trì ở mức liều thấp nhất có hiệu quả là 5 mg đến 8 mg hàng ngày (có thể sử dụng chế độ dùng cách ngày), thậm chí ngừng sử dụng, đặc biệt là khi các thuốc điều trị cơ bản có tác dụng (thường là 6 tuần đến 8 tuần kể từ khi bắt đầu sử dụng).

Điều trị cơ bản bằng thuốc chống thấp (DMARDs)

Đây là nhóm thuốc chính được dùng để kiểm soát bệnh, làm chậm hay ngừng diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên nhóm thuốc này khởi phát tác dụng tương đối chậm, mất khoảng vài tuần mới bắt đầu có tác dụng, sau vài tháng mới thể hiện tác dụng đầy đủ.

Khi điều trị nhóm thuốc này cần điều trị kéo dài (ít nhất là 3 tháng), trong quá trình điều trị cần theo dõi các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng để đánh giá tiến triển của bệnh.

Thể mới mắc và thể thông thường: thường dùng DMARDs kinh điển đơn độc là Methotrexat với liều khởi đầu 10 mg mỗi tuần (uống vào 1 ngày trong tuần). Có thể tăng giảm liều trong khoảng từ 7,5 mg đến 15 mg mỗi tuần tùy theo đáp ứng với thuốc của bệnh nhân. Tuy nhiên không nên vượt quá mức liều 20 mg mỗi tuần.

Hoặc có thể sử dụng DMARD đơn độc là Sulfasalazin với liều khởi đầu là 500 mg mỗi ngày, tăng liều 500 mg mỗi tuần, và duy trì ở mức liều 2000 mg chia 2 lần mỗi ngày.

Có thể sử dụng 1 số DMARDs kinh điển đơn độc khác với liều tương đương nếu điều trị thể mới mắc.

Đánh giá hiệu quả của phác đồ tại thời điểm 3 tháng (có giảm mức độ hoạt động của bệnh theo thang DAS 28 hay không) và 6 tháng (có đạt được trạng thái bệnh hoạt động thấp hoặc ngừng hoạt động hay không)

Nếu điều trị ban đầu với phác đồ DMARDs kinh điển đơn độc không thể đạt được mục tiêu điều trị, có thể tiến hành phối hợp các DMARDs kinh điển như:

  • Phối hợp Methotrexat với Sulfasalazin
  • Phối hợp Methotrexat với Hydroxychloroquine
  • Phối hợp Methotrexat với Sulfasalazin với Hydroxychloroquine

Thể nặng, kháng điều trị DMARDs cơ bản (không mang lại hiệu quả sau 6 tháng điều trị), cần chuyển sang phác đồ sử dụng các DMARDs sinh học. Tuy nhiên trước khi sử dụng các DMARRD sinh học, cần phảo làm các bilan để sàng lọc lao, viêm gan.

Trước khi sử dụng các DMARD, nên làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận, kết hợp đánh giá mức độ hoạt động bệnh (thường dùng thang DAS28).

Có thể sử dụng DMARD sinh học đơn độc hoặc kết hợp với DMARD kinh điển (thường là Methotrexat), LƯU Ý: không phối hợp các DMARD sinh học với nhau.

Methotrexat dùng liều 10 mg đến 15 mg mỗi tuần kết hợp Tocilizumab liều 4 mg/kg đến 8mg/kg cân nặng, tương đương 200 mg đến 400 mg truyền tĩnh mạch mỗi tháng một lần.

Methotrexat dùng liều 10 mg đến 15 mg mỗi tuần kết hợp Etanercept liều 50mg tiêm dưới da mỗi tuần một lần.

Methotrexat dùng liều 10 mg đến 15mg mỗi tuần kết hợp Infliximab truyền tĩnh mạch liều 2mg/kg đến 3mg/kg mỗi 4 – 8 tuần.

Methotrexat dùng liều 10 mg đến 15mg mỗi tuần kết hợp Adalimumab 40 mg tiêm dưới da 2 tuần một lần.

Methotrexat dùng liều 10 mg đến 15mg mỗi tuần kết hợp Golimumab 50 mg mỗi tháng 1 lần tiêm dưới da.

Methotrexat dùng liều 10 mg đến 15 mg mỗi tuần kết hợp Rituximab truyền tĩnh mạch 500 mg đến 1000mg x 2 lần, cách 2 tuần, có thể nhắc lại một hoặc hai liệu trình mỗi năm.

Sau 3 tháng đến 6 tháng điều trị, nếu bệnh nhân sử dụng thuốc sinh học thứ nhất không hiệu quả, có thể xem xét chuyển đổi sang thuốc sinh học thứ 2. Bác sĩ có thể xem xét thuốc sinh học thứ 3 khi sau 3 – 6 tháng điều trị nếu thuốc sinh học thứ 2 không hiệu quả.

Điều trị phối hợp

Các biện pháp điều trị phối hợp

Các biện pháp hỗ trợ người bị Viêm Khớp dạng thấp
Các biện pháp hỗ trợ người bị Viêm Khớp dạng thấp

Bên cạnh biện pháp dùng thuốc, các biện pháp không dùng thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọn trong phục hồi chức năng cơ xương khớp.

− Các biện pháp hỗ trợ: có thể áp dụng một số biện pháp như

+ Tăng cường vận động, tập luyện để chống dính khớp , teo cơ, chống co rút gân khi khớp ở trạng thái đau nhẹ và có khả năng vận động được.

+ Trong đợt viêm cấp: nên để khớp nghỉ ngơi ở tư thế dễ chịu nhất, không kê hay độn tại khớp. Nếu như các triệu chứng viêm thuyên giảm, người bệnh nên tập vận động ngay, tăng dần cường độ theo sự giảm dần của triệu chứng viêm, có thể tập nhiều lần trong ngày, tập chủ động và thụ động theo đúng chức năng sinh lí của khớp.

+ Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tắm suối khoáng, phẫu thuật chỉnh hình (cắt xương sửa trục, thay khớp nhân tạo khi có chỉ định).

− Phòng ngừa và điều trị các biến chứng của điều trị, các bệnh kèm theo:

+ Do có sử dụng nhiều loại thuốc gây bất lợi trên đường tiêu hóa nên tình trạng viêm, loét dạ dày tá tràng là khó tránh khỏi: cần chủ động phát hiện và điều trị vì trên 80% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng.

+ Đánh giá, kiểm soát và phòng ngừa (khi có các yếu tố nguy cơ) , điều trị bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng bằng thuốc ức chế bơm proton, kèm thuốc điều trị Helicobacter Pylori (nếu có nhiễm H.p).

+ Sử dụng cortisteroid kéo dài gây tác động bất lợi lên xương, cụ thể là gây loãng xương. Do vậy khi sử dụng cortisteroid bất cứ liều nào trên 01 tháng, cần bổ xung calci, vitamin D để phòng ngừa loãng xương. Nếu bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cao (như những người tuổi trên 50, phụ nữ mãn kinh, phụ nữ tiền mãn kinh, người có tiền sử gãy xương lớn, gãy xương hông, gãy xương đốt sống, gãy nhiều xương,…) có thể sử dụng thuốc chống hủy xương Bisphosphonates. Khi đã có loãng xương, tùy theo các yếu tố cá thể mức độ nặng của loãng xương (điểm T score), tuổi, giới và điều kiện cụ thể của người bệnh để lựa chọn loại thuốc phù hợp.

+ Khi sử dụng Methotrexat kéo dài sẽ gây ra thiếu máu do Methotrexat đối kháng acid folic, do đó cần bổ sung những yếu tố như: acid folic, sắt, vitamin B12.

Tham khảo thêm: 10+ bài tập phòng ngừa viêm khớp dạng thấp hiệu quả

Theo dõi và tiên lượng

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lí mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, chữa trị nhằm mục đích cải thiện mức độ hoạt động của bệnh, làm chậm hoặc ngừng tiến triển bệnh, do đó bệnh nhân nên được điều trị lâu dài và theo dõi trong suốt quá trình điều trị để đánh giá hiệu quả của thuốc và dự phòng các tác dụng bất lợi của thuốc cho cơ thể.

Theo dõi tiên lượng là cách tốt nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả
Theo dõi tiên lượng là cách tốt nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả

Bệnh nhân nên được làm các xét nghiệm định kì như đánh giá số lượng tế bào máu ngoại vi, mức độ phản ứng viêm (tốc độ máu lắng, protein phản ứng C CRP), chức năng gan (SGOT, SGPT), chức năng thận (Creatinine) mỗi 2 tuần trong tháng đầu, sau đó làm hàng tháng trong 3 tháng tiếp theo, sau đó làm 3 tháng 1 lần.

Xét nghiệm khả năng ức chế tủy xương: xét nghiệm máu cấp, chụp X quang phổi nếu có các dấu hiệu tổn thương phổi,…

Tiến hành sinh thiết gan khi có nghi ngờ tổn thương gan (enzym gan tăng > 3 lần trong 3 lần xét nghiệm liên tiếp). Nếu enzym gan tăng gấp 2 lần và kéo dài nên xem xét ngừng Methotrexat.

− Các yếu tố tiên lượng nặng khi:

+ Tổn thương viêm nhiều khớp

+ Bệnh nhân nữ, yếu tố dạng thấp RF và /hoặc Anti-CCP (+) ở mức cao, HLADR4 (+).

+ Có các biểu hiện ngoài khớp

+ Tổn thương khớp tiến triển quan sát thấy trên X quang (dính khớp, bào mòn đầu xương, hẹp khe khớp)

+ Hoạt tính của bệnh (thông qua các chỉ số: DAS 28, VS, CRP, HAQ…): bệnh nhân có mức độ hoạt động bệnh mạnh hoặc trung bình.

Với những trường hợp này cần điều trị tích cực ngay từ đầu và xem xét việc dùng các DMARDs sinh học sớm.

Một số câu hỏi về điều trị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có tái phát không ?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, gây ra bởi sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch trong cơ thể, diễn biến mạn tính, không tự khỏi. Thuốc điều trị trong trường hợp này là để kìm hãm tạm thời chức năng của hệ thống miễn dịch chứ không thể làm mất hẳn những hoạt động tự tấn công khớp trong chính cơ thể của hệ miễn dịch. Một số trường hợp bệnh thoái lui rõ rệt sau khi dùng thuốc điều trị cơ bản, tuy nhiên một số trường hợp lại khó đạt trạng thái bệnh thoái lui.

Tuy nhiên bệnh chỉ thoái lui trong thời gian ngắn nếu như người bệnh không tuân thủ việc dùng thuốc, nếu tuân thủ điều trị, bệnh có thể thoái lui trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm, rồi tái phát trở lại và không đáp ứng với thuốc đã điều trị trước đó nữa.

Người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?

Chế độ ăn uống khoa học là rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những người có bệnh viêm khớp dạng thấp.

Những thực phẩm mà người bệnh nên ăn là:

Rau xanh: đây là thực phẩm vô cùng thân thiện với sức khỏe con người. Bởi chúng không chỉ bố sung chất xơ cho đường tiêu hóa, làm lành mạnh đường tiêu hóa, mà còn cung cấp những vitamin và khoáng chất cho cơ thể, điều hòa các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, giúp ngăn ngừa các bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp ở tuổi trung niên hiện nay như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, các bệnh lí tim mạch,… Trong rau xanh có chứa các chất chống oxy hóa, khi các chất này đi vào trong cơ thể, chúng trung hòa các chất oxy trong cơ thể, đặc biệt là chúng ức chế quá trình tổng hợp các cytokine (các chất gây độc do tế bào bài tiết) ở các bạch cầu, các tế bào lympho, nên hạn chế lượng cytokine trong khớp – đây chính là chất đóng vai trò chính trong quá trình gây viêm, làm tổn thương màng hoạt dịch, phá hủy sụn khớp.

Ngoài ra, trong rau xanh, hàm lượng đường, protein và chất béo rất thấp, gần như bằng 0, do đó hạn chế việc đưa các chất giàu dinh dưỡng vào trong cơ thể, duy trì cân nặng hợp lí – bớt áp lực lên các khớp bị tổn thương nên giảm triệu chứng đau và giảm phá hủy khớp.

Các loại rau nên sử dụng nhiều ở bệnh nhân viêm khớp là cải thìa, cải bắp, cải xoăn, rau bina.

Thực phẩm người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn
Thực phẩm người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn

Trái cây: trái cây là đồ ăn không thể thiếu trong cuộc sống của con người, chúng trở thành đồ tráng miệng quen thuộc sau mỗi bữa ăn. Trái cây không chỉ ngon mà chúng còn mang lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng và sức khỏe cho con người. Trái cây giúp bổ sung rất nhiều các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, làm đẹp da, giảm sản sinh các gốc tự do, ức chế quá trình oxy của các enzyme phá hủy, làm hư hại sụn khớp như Collagenase, Elastase, Stromelysin,… Các chất oxy hóa này còn ngăn chặn phản ứng viêm, làm giảm bệnh lí miễn dịch tại khớp.

Một số loại trái cây giàu vitamin và chất chống oxy hóa như: ổi, cam, quýt, bưởi, lê, táo.

Thực phẩm giàu Omega – 3: Đây thực chất là 1 loại acid béo chưa bão hòa rất cần thiết với cơ thể, tìm thấy nhiều trong cá thu, dầu oliv, cá hồi, hạt óc chó, … không chỉ tốt cho tim mạch và não bộ, mà Omega – 3 còn có hiệu quả trên bệnh lí viêm khớp. Bởi Omega – 3 được chứng minh là ức chế các yếu tố TNF alpha và IL-6 – các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong bệnh viêm khớp dạng thấp, gây viêm và phá hủy khớp. Do đó Omega – 3 có cơ chế tác dụng tương tự như 1 số thuốc điều trị cơ bản của bệnh, kích thích khả năng tiết dịch nhầy của màng hoạt dịch, giảm đau khớp và làm chậm tiến triển bệnh.

Thực phẩm giàu chất nhờn: Khi màng hoạt dịch bị tổn thương thường kèm theo tình trạng khô khớp, cứng khớp, khó khăn trong vận động. Do đó nên bổ sung các thực phẩm có khả năng kích thích màng hoạt dịch sản sinh ra chất nhờn bôi trơn các khớp như rau mồng tơi, quả bơ,… kết hợp bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Người bị viêm khớp dạng thấp nên kiêng gì?

Thực phẩm giàu đạm như các loại thịt đỏ. Bởi những thực phẩm này thường đẩy nhanh quá trình tạo gốc tự do tăng cường phá hủy khớp, làm tăng cường phản ứng viêm và tăng trọng lượng cơ thể – bất lợi cho bệnh xương khớp.

Thức ăn chế biến sẵn rất giàu đường làm tăng phản ứng viêm.

Đồ uống: nước ngọt, cà phê đều ảnh hưởng xấu đến chức năng của sụn, làm bào mòn sụn, làm giảm mật độ xương, có thể gây ra loãng xương ở người lớn tuổi. Bởi chúng làm giảm quá trình hấp thu canxi từ thức ăn, giảm tái hấp thu canxi ở thận, tăng cường rút canxi từ xương vào máu để duy trì nồng độ canxi huyết hằng định. Lâu ngày sẽ làm giảm khối lượng và chất lượng xương.

Rượu, bia và đồ uống có cồn: hoạt hóa quá trình chuyển purin thành acid uric – thủ phạm tạo các tinh thể lắng đọng tại các khớp làm nặng thêm tổn thương và phản ứng viêm tại các khớp.

Món ăn chứa nhiều muối: làm tăng lượng Natri clorid nạp vào cơ thể, gián tiếp gây giữ nước và kéo dài đợt sưng tại khớp do ứ dịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây