Suy giãn tĩnh mạch là bệnh gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Phòng ngừa

Đánh giá post

Các tĩnh mạch đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ thể của chúng ta, hệ thống tĩnh mạch là phần không thể thiếu, có nhiệm vụ hoàn tất chu trình vận chuyển máu và các dưỡng chất cùng máu đi từ tim đến cơ thể và trở về tim. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn có thể xảy ra với tĩnh mạch. Một trong những căn bệnh thường thấy là suy giãn tĩnh mạch. Trên thực tế, cứ 3 người, sẽ có 1 người có các vấn đề về tĩnh mạch. Các triệu chứng ban đầu có thể là khá nhỏ, tuy nhiên, nếu không được điều trị sẽ trở nên trầm trọng hơn. Do đó, trong bài viết dưới đây, Heal central sẽ nói một vài vấn đề chính về bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh gì?

Suy tĩnh mạch (Varicose vein) là tình trạng tĩnh mạch bị giãn xoắn, tĩnh mạch sưng gần bề mặt da và xảy ra khi van yếu hoặc bất thường cho phép máu chảy ngược hoặc ứ đọng trong tĩnh mạch.

Bệnh giãn tĩnh mạch là một bệnh khá phổ biến, với tỉ lệ mắc ở nữ giới gấp đôi nam giới. Giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân, tuy nhiên, bệnh này cũng có thể xảy ra ở các tĩnh mạch khác như hậu môn, tay, thừng tinh, tiểu khung.

Nguyên nhân gây bệnh giãn tĩnh mạch

Phân loại bệnh theo cơ chế bệnh sinh, người ta chia suy giãn tĩnh mạch làm 2 nhóm: Giãn tĩnh mạch nguyên phát và giãn tĩnh mạch thứ phát        .

Với giãn tĩnh mạch nguyên phát

Lý thuyết được đưa ra là sự bất thường bẩm sinh hoặc mắc phải của các van tĩnh mạch. Một nghiên cứu bệnh lý gần đây hơn về 65 van hoại tử lớn bị cắt bỏ trong phẫu thuật giãn tĩnh mạch đã chứng minh sự mở rộng của vành van liên quan đến giảm sản trung gian. Tuy nhiên, sự bất thường này chưa được giải thích cụ thể bằng cơ chế phân tử hay xác định được gen gây nên tình trạng này.

Một số bất thường trong các protein cấu trúc của tĩnh mạch đã được chứng minh. Chúng bao gồm hàm lượng collagen và elastin bất thường, tăng sản nội tạng và thay đổi enzyme kiểm soát điều hòa tổng hợp và phân giải các thành phần trên.

Sự suy giảm về khả năng co giãn của tĩnh mạch cũng là một nguyên nhân được nghi ngờ gây giãn tĩnh mạch nguyên phát. Cụ thể: Tĩnh mạch không có khả năng co bóp đầy đủ do hậu quả của rối loạn tế bào cơ trơn hoặc rối loạn chức năng nội mô.

Giãn tĩnh mạch nguyên phát
Giãn tĩnh mạch nguyên phát

Với giãn tĩnh mạch thứ phát

Bị chèn ép về mặt huyết động và biến đổi về tĩnh mạch: Thay đổi của tĩnh mạch đã được ghi nhận trong thai kỳ. Các nghiên cứu đã báo cáo sự gia tăng đường kính của các tĩnh mạch nông chính trong giai đoạn giữa đến cuối của thai kì. Kết quả của các nghiên cho thấy nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ có thai không chỉ là do thai kì mà còn do những thay đổi của nội tiết tố ảnh hưởng lên trương lực tĩnh mạch.

Lực nén xuống do bị chèn ép về mặt vật lí cũng là một nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch như khối u hay hội chứng Cockett (Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu bởi động mạch). Những “vật cản” này tạo ra những áp lực ngăn cản dòng máu lưu thông, từ đó, gây tích tụ và phình tĩnh mạch dần dần gây suy.

Bệnh lý huyết khối tĩnh mạch được cho là một nguyên nhân khá nguy hiểm gây suy giãn tĩnh mạch vì nó còn gợi ý về những nguy cơ tiềm ẩn của bệnh lý. Huyết khối tĩnh mạch khi di chuyển đến phần thắt (hoặc van tĩnh mạch) bị giữ lại, ngày càng phát triển ngăn cản dòng máu từ trong lòng tĩnh mạch, gây ứ đọng máu và gây ra tình trạng giãn và suy tĩnh mạch nơi nó làm tắc.

Các yếu tố gây dị sản tĩnh mạch, dị sản van: Một số các chất đã được nghiên cứu và chứng minh gây ra tình trạng này như: Phenylephrine, Nitroprusside, Endotheline B, Oxid nitric.

Nhìn chung, cơ chế bệnh sinh của bệnh suy giãn tĩnh mạch đã được nghiên cứu tương đối đầy đủ. Các nghiên cứu bệnh lý chứng minh sự bất thường trong thành tĩnh mạch trong các tế bào nội mô, tế bào cơ trơn và hệ thống ngoại bào là cơ chế quan trọng trong sự phát triển của sự suy giãn của tĩnh mạch. Cũng có khả năng bệnh lý van trực tiếp xảy ra có thể liên quan đến viêm và huyết khối cận lâm sàng.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Có thể do tỷ lệ mắc bệnh là khá cao, sự phổ biến của căn bệnh có thể gây ra tâm lý xem nhẹ ở nhiều người. Nhiều bệnh nhân cho rằng bệnh chỉ gây ra những khó chịu về mặt thẩm mĩ (như sự nổi rõ của các tĩnh mạch, hoặc thay đổi sắc tố da), từ đó, không để ý đề dự phòng và điều trị. Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch có thể nguy hiểm hơn bạn nghĩ.

Trong những giai đoạn đầu của bệnh, suy giãn tĩnh mạch có thể chỉ gây thay đổi về ngoại hình chứ không hề có bất cứ một triệu chứng lâm sàng nào khác. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, nó có thể khiến bạn cảm thấy đau, sưng, nóng, đỏ ở ví trị tĩnh mạch bị giãn. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt của bạn.

Nguy hiểm hơn, sự căng giãn quá mức có thể dẫn đến chảy máu tĩnh mạch. Tình trạng này cần được cấp cứu kịp thời.

Bất thường lưu động tuần hoàn này là yếu tố nguy cơ gây ra những huyết khối. Huyết khối trong tĩnh mạch sâu được gọi là tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu. Tĩnh mạch này có thể ở tại vị trí tắc gây viêm giãn, hoặc có thể theo tuần hoàn đến những vị trí khác, nguy hiểm nhất là phổi, gây thuyên tắc phổi.

Giãn tĩnh mạch cũng có thể là giai đoạn đầu tiên của bệnh nghiêm trọng hơn: Bệnh tĩnh mạch mạn tính, được đặc trưng bởi sự biến đổi màu da, đặc biệt hay gặp ở bắp chân và mắt cá chân. Máu trong các tĩnh mạch giãn có thể rò rỉ vào các mô của chân dưới và mắt cá chân, dẫn đến sậm màu và cứng da và có khả năng gây loét da khó lành.

Các biến chứng có thể gặp ở bệnh suy giãn tĩnh mạch là không thể coi thường. May mắn rằng, bệnh có thể được điều trị và quản lý từ những thói quen sinh hoạt của bạn. Nhận biết và có thái độ đúng đắn, cũng như tích cực điều trị bệnh sẽ là yếu tố quyết định giúp bạn tránh được những biến chứng không mong muốn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc giãn tĩnh mạch

Các nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy: Không có mối liên hệ mạnh mẽ giữa các yếu tố môi trường và chứng giãn tĩnh mạch.

Tuy nhiên, một số các yếu tố khác đã được tìm thấy như một yếu tố nguy cơ của bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Tuổi tác: Sự suy giảm chức năng của hệ thống tim mạch, tuần hoàn cũng chuyển hóa cơ sở chung là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh tim mạch, và suy giãn tĩnh mạch cũng không phải ngoại lệ. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra được những chứng cứ chứng minh nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch tăng sau 40 tuổi.

Giới tính: Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh lý này cao hơn nam giới. Đây có thể do tổ hợp các yếu tố khác như: Sự thay đổi đột ngột hormone trong thời kỳ mang thai, thời kì tiền mãn, sự sử dụng thuốc tránh thai, và bản thân hormone giới tính nữ (estrogen, progesterone).

Chủng tộc: Chủng tộc da trắng có vẻ như có tỷ lệ mắc suy giãn tĩnh mạch cao hơn so với các chủng tộc da vàng và da đen. Đây có thể là hệ quả của yếu tố di truyền trong các yếu tố nguy cơ gây tăng tỷ lệ mắc phải bệnh lý này.

Béo phì: Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ của khá nhiều bệnh, do đó, luôn được để ý trong các nghiên cứu. Đối với suy giãn tĩnh mạch, người có chỉ số khối cơ thể BMI trên 30 là nhóm có nguy cơ cao hơn so với những người có BMI nhỏ hơn 30 khoảng 20%.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp như đòi hỏi đứng lâu, đòi hỏi bất động, cũng được cho là có mối quan hệ với tỷ lệ mắc suy giãn tĩnh mạch.

Tham khảo thêm: Thuốc Savi Dimin: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng

Triệu chứng một số loại suy giãn tĩnh mạch thường gặp

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là là tình trạng bệnh lý giãn tĩnh mạch ở tinh hoàn. Từ đó, gây ra rối loạn sự phát triển của tinh hoàn, với triệu chứng dễ nhận thấy nhất là đau. Tỷ lệ mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh không hề nhỏ, ước tính khoảng 15% dân số chung.

Bệnh lý này có thể gây ra nguy cơ vô sinh Có đến 40% nam giới vô sinh có liên quan đến giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Suy giãn tĩnh mạch chân

Đây là tình trạng bệnh lý suy giãn tĩnh mạch hay gặp nhất do tĩnh mạch chân ở khá xa tim, chịu tác dụng của trọng lực lớn. Các triệu chứng lâm sàng ban đầu thường là sự nổi rõ của các tĩnh mạch nhưng không kèm triệu chứng cơ năng. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng cơ năng dần xuất hiện theo độ nặng tăng dần. Tĩnh mạch giãn dần, gây ra phù chi dưới. Nếu tình trạng không được quản lý, tĩnh mạch không thể giãn, các dịch trong lòng mạch sẽ thoát ra, gây thay đổi sắc tố da như rối loạn sắc tố, chàm tĩnh mạch. Lớp mỡ dưới da bị xơ hóa, khiến vùng da này cứng và sạm màu. Nặng nề nhất là tình trạng loét, loét này có thể không liền hoặc rất khó liền.

Giãn tĩnh mạch tay

Giãn tĩnh mạch tay khá lành tính với người bệnh
Giãn tĩnh mạch tay khá lành tính với người bệnh

Nhìn chung, giãn tĩnh mạch tay là tình trạng lành tính nhất của chứng suy giãn tĩnh mạch. Đa số các trường hợp chỉ gây ra tình trạng giãn dẫn đến nổi rõ tĩnh mạch, gây mất thẩm mỹ. Đôi khi, bệnh có thể khiến bạn cảm thấy tê tay.

Giãn tĩnh mạch thực quản

Đây là một tình trạng giãn tĩnh mạch tuy nhiên không được xếp cùng nhóm bệnh học với các trường hợp trên do giãn tĩnh mạch thực quản là một biến chứng thường gặp phải khi người bệnh có bệnh xơ gan nặng. Ở bệnh nhân xơ gan, sự ứ máu ở gan gây ra áp lực lớn lớn lên vòng nối tâm vị thực quản. Áp lực này khiến cho tĩnh mạch thực quản và có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, nổi bật là xuất huyết tiêu hóa.

Khi có giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, các triệu chứng sẽ là những triệu chứng điển hình của xuất huyết tiêu hóa như: Nôn liên tục, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, nặng có thể dẫn đến mất ý thức. Đây là tình trạng cần dự phòng khi người bệnh có nguy cơ cao.

Giãn tĩnh mạch hậu môn

Đây là tình trạng bệnh còn được biết đến với tên gọi là bệnh trĩ.     Bệnh do sự suy giãn của các tĩnh mạch xung quanh hậu môn hoặc dưới trực tràng. Đây là một thể bệnh khá phổ biến nhưng lại gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Triệu chứng lâm sàng thường thấy của bệnh suy giãn tĩnh mạch hậu môn là: Ngứa quanh hậu môn, thường bị đau khi có kích thích tại hậu môn (khi đi đại tiện), có máu khi đi đại tiện. Trường hợp nặng của trĩ ngoại, bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngay cả khi ngồi xuống bề mặt cứng.

Biến chứng của bệnh giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch ở bất cứ vị trí nào cũng có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu như không được điều trị và quản lý đúng đắn.

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) được cho là cục máu đông trong tĩnh mạch sâu ở chân nhưng không đi đến các vị trí khác trong cơ thể. Hầu hết các huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra ở các tĩnh mạch ở bắp chân, nhưng đôi lúc cũng có thể xảy ra ở tĩnh mạch đùi và vùng hông. Dấu hiệu ban đầu của huyết khối tĩnh mạch sâu là sưng, nóng, đỏ, đau ở vị trí có huyết khối. Tình trạng này có thể gây ra tình trạng sau huyết khối, một loại tắc nghẽn tĩnh mạch gây tắc nghẽn lưu thông khác. Biến chứng này xảy ra ở 2/3 số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra đau, tích tụ chất lỏng, thay đổi màu sắc da và loét. Trong một số trường hợp, cục huyết khối này có thể bị bào mòn bởi lưu lượng dòng chảy trong tuần hoàn, huyết khối này sẽ di chuyển và có thể gây ra thuyên tắc ở phổi.

Thuyên tắc phổi (PE) là tắc nghẽn trong động mạch phổi. Nó xảy ra khi một cục máu đông thường là từ chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) – vỡ ra, được đưa qua dòng máu và lưu lại trong các động mạch trong phổi. Điều này ngăn chặn dòng chảy của máu qua tim, có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi là rất rầm rộ như: Hụt hơi đột ngột, đau ngực, cơn đau nhói khi hút một hơi sâu, ho ra máu.

Bệnh tĩnh mạch mạn tính (CDV) đây là biến chứng được miêu tả gồm các tình trạng khác như loét chân, viêm tĩnh mạch, dị dạng mạch máu.

Các biến chứng riêng của từng vị trí giãn tĩnh mạch. Với tĩnh mạch thừng tinh, biến chứng nặng nề nhất có thể là gây vô sinh. Nguyên nhân được cho là việc ứ đọng máu trong tĩnh mạch trong bìu gây tăng nhiệt độ tại bìu, gây suy giảm tinh trùng về cả số lượng và chất lượng.

Trong bệnh lý giãn tĩnh mạch hậu môn, búi trĩ thường xuyên lò ra sẽ dễ gây ra viêm nhiễm, lở loét các mô xung quanh. Loét lâu ngày có thể gây hoạt tử.

Điều trị giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh không thể tự khỏi. Không dự phòng hoặc không điều trị có thể gây ra tiến triển nặng hơn của bệnh. Tuy nhiên, khá may mắn rằng, suy giãn tĩnh mạch giai đoạn bệnh chưa nặng, các liệu pháp điều trị là khá đơn giản và không cần can thiệp xâm lấn. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị hỗ trợ cũng là thuốc khá lành tính, ít tác dụng phụ.

Điều trị ban đầu sẽ là những biện pháp thay đổi lối sống sinh hoạt, thói quen như luyện tập thể dục, chú ý tư thế, điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ ít mỡ động vật.

Tiếp theo đó là sử dụng vớ nén hoặc băng cuốn áp lực. Biện pháp nén vật lí này có thể được áp dụng với suy giãn tĩnh mạch ở chân và tay. Đây là một biện pháp cơ bản nhưng có tác dụng tốt, hiệu quả cao và có ý nghĩa trong điều trị lâm sàng từ những giai đoạn đầu đến những giai đoạn bệnh nặng hơn. Tùy theo giai đoạn bệnh mà vớ nén nên dùng với những lực ép tương đương.

Dưới đây, sẽ giới thiệu một số phương pháp điều trị phổ biến hay được sử dụng khác:

Điều trị bằng thuốc

Thuốc Daflon 500mg giúp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch rất hiệu quả
Thuốc Daflon 500mg giúp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch rất hiệu quả

Thuốc trợ giãn tĩnh mạch có thể được sử dụng với nhiều vị trí giãn do thuốc uống có tác dụng toàn thân. Loại thuốc kinh điển trong hỗ trợ điều trị các tình trạng suy giãn tĩnh mạch là thuốc Daflon 500 với thành phần là dịch chiết flavonoid tinh khiết (bao gồm Hesperidin và Diosmin). Đây là 2 trong số những hoạt chất được chứng minh là có tác dụng trong tình trạng tĩnh mạch bị suy yếu do tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và tăng sức bền thành mạch. Trong nhiều thử nghiệm lâm sàng, 60 ngày điều trị bằng Daflon với liều 500 mg 2 viên mỗi ngày được nhận thấy là có hiệu quả, bổ trợ cùng phương pháp sử dụng tất nén, giúp đẩy nhanh quá trình lành vết loét tĩnh mạch.

Ngoài Daflon, một số hoạt chất khác đã được công nhận là có tác dụng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch như: Chiết xuất nhỏ (từ lá, dầu, hạt và quả), chiết xuất cỏ ngọt 3 lá. Tất cả các hoạt chất này đều có nguồn gốc thảo dược, do đó, khá lành tính và thích hợp cho việc sử dụng lâu dài.

Trong một số trường hợp đặc biệt như giãn tĩnh mạch hậu môn, thuốc có thể được dùng ở dạng bôi thay vì uống để đạt được tác dụng tại chỗ.

Điều trị bằng phương pháp dân gian

Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch theo đông y nhìn chung có nguyên lý khá giống với các phương pháp điều trị tây y. Thường là sự kết hợp của rèn luyện các thói quen, các thủ thuật nén áp lực và các vị thuốc giàu flavonoid. Ngoài ra, các thảo dược có tác dụng hoạt huyết, hành khí sẽ được bổ sung để cải thiện tuần hoàn của bệnh nhân. Trong những giai đoạn đầu của bệnh, điều trị bằng đông y cũng có thể là một lựa chọn khá phù hợp.

Các vị thuốc nam thường được dùng là: Ớt sừng – với vị nóng tính nhiệt giúp cải thiện tuần hoàn máu, Cúc hoa – thanh nhiệt giải độc hành khí hành huyết, hạn chế viêm sưng, Tỏi – giàu lượng Flavonoid.

Bên cạnh đó, dầu ô liu, giấm táo có thể được sử dụng để làm dầu mát xa để cải thiện tình trạng bệnh.

Các phương pháp Can thiệp ngoại khoa

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị trên, bệnh tiến triển trầm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp can thiệp ngoại khoa cho bạn. Một số biện pháp can thiệp như sau:

Điều trị xơ cứng: Với thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm vào tĩnh mạch bị giãn (thường là tĩnh mạch nhỏ và vừa) một chất gây xơ ở dạng dung dịch hoặc dạng bọt để gây xơ hóa từ đó hình thành sẹo và đóng các tĩnh mạch suy giãn này. Thủ thuật này khá phổ biến do tiến hành khá đơn giản, không cần gây mê. Tuy nhiên tỷ lệ tái suy giãn là khá cao, bệnh nhân có thể phải tiêm lại nhiều lần sau đó. Ngoài ra, tiêm tĩnh mạch lớn bằng dung dịch bọt cũng là một phương pháp điều trị khả thi để bất hoạt tĩnh mạch bị suy.

Điều trị bằng laser: Kĩ thuật laser được sử dụng để loại bỏ chứng giãn tĩnh mạch nhỏ dưới da và tĩnh mạch mạng nhện. Điều trị bằng laser hoạt động bằng cách dùng nhiệt của các luồng ánh sáng mạnh chiếu vào tĩnh mạch, “đốt” tĩnh mạch bị suy khiến nó từ từ mờ dần và biến mất. Thủ thuật này có ưu điểm lớn nhất là không có vết mổ do đó bình phục rất nhanh.

Các thủ tục hỗ trợ thông ống sử dụng sóng cao tần hoặc năng lượng laser. Trong phương pháp điều trị này, bác sĩ sẽ chèn một ống mỏng (ống thông) vào tĩnh mạch mở rộng và làm nóng đầu ống thông bằng cách sử dụng năng lượng của sóng cao tần hoặc tia laser. Khi ống thông được rút ra, nhiệt sẽ phá hủy tĩnh mạch bằng cách làm cho nó teo lại. Thủ tục này là chỉ định đầu tay trong các trường hợp giãn tĩnh mạch lớn hơn.

Thắt cao và tước tĩnh mạch. Thủ thuật có mục đích buộc một tĩnh mạch (thường là tĩnh mạch xuyên) đồng thời loại bỏ tĩnh mạch xuyên. Đây là một phẫu thuật ngoại khoa có thể được dùng trong hầu hết các trường hợp. Việc loại bỏ tĩnh mạch nhỏ sẽ không ảnh hưởng xấu đến lưu thông của dòng máu.

Phẫu thuật cắt bỏ túi thừa (fluh-BEK-tuh-me). Bác sĩ sẽ loại bỏ các tĩnh mạch nhỏ hơn thông qua nhiều lỗ thủng nhỏ. Sẹo ở thủ thuật này nói chung là tối thiểu. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ.

Phẫu thuật tĩnh mạch nội soi: Đây là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp điều trị và các thủ thuật khác thất bại. Thủ thuật được áp dụng khi chân bệnh nhân có tình trạng loét tiến triển, không thể lên sẹo và có nguy cơ hoại tử cao.

Tham khảo thêm: Thuốc Daflon (diosmin + hesperidin): Tác dụng, chỉ định, liều dùng, giá bán

Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch

Dù đã xác định được khá rõ ràng các nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch, tỷ lệ mắc bệnh cao khiến cho việc dự phòng bệnh lý này là vô cùng cần thiết. Biện pháp dự phòng này nên được áp dụng với tất cả mọi người.

Luyện tập thể dục thể thao giúp hỗ trợ phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch
Luyện tập thể dục thể thao giúp hỗ trợ phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch

Tập luyện thể dục thể thao: Đây không chỉ là liệu pháp dự phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch mà còn dự phòng cho rất nhiều bệnh khác nữa. Thể dục đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn, lưu thông mạch máu, tăng cường sức khỏe tim mạch và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân oxy hóa. Tuy nhiên, mức độ nặng của tập luyện nên vừa sức, do tập luyện quá nặng cũng có thể gây phình giãn mạch máu.

Hạn chế lối sống tĩnh tại: Lười vận động, ngồi quá lâu hoặc đứng quá lâu đều là những yếu tố rủi ro gây tăng nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nếu công việc yêu cầu bắt buộc bạn cần ngồi hoặc đứng lâu, hãy tự nhắc nhở bản thân thay đổi tư thế sau một khoảng thời gian.

Kiểm soát cân nặng: Béo phì là nguy cơ của nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là những bệnh lý tim mạch. Một chế độ ăn cân bằng cùng cân nặng lí tưởng là một nền tảng tốt cho cơ thể khỏe mạnh.

Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu Flavonoid vào trong chế độ ăn như Tỏi, Hành, Ớt, … để tăng cường sức bền cho thành mạch.

Tài liệu tham khảo

  1. Pathogenesis of varicose veins, J.GolledgeF.G.Quigley, European Journal of Vascular and Endovascular Surgery (2013)
  2. Cập nhật điều trị suy giãn tĩnh mạch của bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải trong hội nghi tim mạch toàn quốc lần thứ XIII.
  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch của NICE 2013
  4. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16193222/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây