Chóng mặt là bệnh gì? Nguyên nhân và cách xử lý

5/5 - (1 bình chọn)

Ai trong chúng ta cũng có thể bị chóng mặt. Tình trạng này có thể làm chúng ta có cảm giác mất thăng bằng thậm chí là nôn ói, ngất, té ngã hoặc khó chịu đến mức không làm được gì cả. Chóng mặt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, việc điều trị sẽ phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như cơ chế bệnh sinh của từng người. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đầy đủ hơn về chóng mặt để bạn có cách xử trí khi mình và người thân rơi vào tình trạng này.

Chóng mặt là bệnh gì?

Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Đây là một cảm giác đôi khi rất khó để mô tả. Đó là cảm giác mất cân bằng, khiến bạn có thể cảm thấy như bản thân đang di chuyển quay vòng hoặc mọi thứ xung quanh đang quay cuồng, điều này nhiều lúc làm bạn không thể giữ thăng bằng và té ngã.

Chóng mặt là một biểu hiện bất thường do cảm nhận sai sót của hệ tiền đình (hệ thống đảm nhận vai trò giữ thăng bằng của cơ thể). Khi có sự rối loạn ở hệ tiền đình, não bộ sẽ không thể cảm nhận được thăng bằng dẫn đến tình trạng chóng mặt và có cảm giác chao đảo như muốn té ngã. Tình trạng chóng mặt có thể khiến cho người bệnh có nhiều cảm giác khác nhau. Bạn có thể cảm thấy như chính mình đang quay vòng, lắc lư hoặc có cảm giác như là mọi thứ đang di chuyển xung quanh mình. Những cảm giác này đến và đi, có thể kéo dài trong vài giây, vài giờ hoặc thậm chí là vài ngày. Đôi lúc, bạn cảm thấy tình trạng tồi tệ hơn khi thay đổi tư thế, di chuyển phần đầu hoặc ho, hắt hơi.

Bên cạnh đó, theo các bác sĩ chuyên khoa, nhiều người bệnh thường nhầm lẫn giữa hai triệu chứng chóng mặt và hoa mắt với nhau. Trên thực tế, hai triệu chứng này là khác nhau. Chóng mặt là cảm giác chính bản thân người bệnh hoặc là mọi vật xung quanh bị xoay tròn còn hoa mắt lại là cảm giác không gian xung quanh bỗng tối sầm lại, người bệnh có thể ngã xuống hoặc bị ngất đi. Bạn nên phân biệt hai triệu chứng này với nhau để xác định đúng nguyên nhân và tiến hành điều trị đúng cách.

Bệnh chóng mặt có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trong hầu hết các trường hợp, chóng mặt không mang tính nghiêm trọng và thường sẽ hết nếu người bệnh được chữa trị hợp lý, đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chóng mặt là dấu hiệu của một số căn bệnh rất nguy hiểm như thiếu máu ác tính, tai biến mạch máu não, đột quỵ.

Hiện tượng chóng mặt có thể được điều trị và hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân của từng người bệnh, Thông thường, tình trạng này sẽ hết nếu như căn nguyên được chữa khỏi, tuy nhiên bạn cần biết là triệu chứng này hoàn toàn có thể tái phát lại. Trong nhiều trường hợp, nếu triệu chứng chóng mặt ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bạn, bạn có thể lựa chọn sử dụng một số loại thuốc để làm thuyên giảm tình trạng này.

Phân loại chóng mặt

Phân loại
Phân loại

Có thể phân loại chóng mặt theo nhiều tiêu chí khác nhau. Theo mức độ ảnh hưởng và thời gian tiếp diễn, chóng mặt được chia làm hai loại là chóng mặt lành tính và chóng mặt ác tính. Với những cơn chóng mặt lành tính, đó là cảm giác mất thăng bằng xuất hiện thoáng qua, bệnh nhân ngồi xuống nhắm mắt lại và nghỉ ngơi khoảng 1 đến 2 phút hoặc đôi khi là từ 10 – 15 phút thì bình thường trở lại. Nếu rơi vào trường hợp này thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Trong khi đó, những cơn chóng mặt ác tính thường là những cơn chóng mặt kéo dài hơn 20 phút, dù bạn đã ngồi xuống nghỉ ngơi nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Lúc này, những cơn chóng mặt này là dấu hiệu cho bạn biết mình đang mắc phải một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Ngoài ra, nếu chóng mặt do bệnh lý thì người bệnh thường có triệu chứng kèm theo như hoa mắt, đau đầu, buồn nôn. Nếu gặp tình trạng này, bạn nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để kiểm tra xác định nguyên nhân, từ đó có hướng xử trí điều trị kịp thời.

Theo nguyên nhân, chóng mặt được chia thành một số loại như: Chóng mặt ngoại biên, chóng mặt trung ương, chóng mặt do nguyên nhân tâm thần và chóng mặt không rõ nguồn gốc. Trong đó, chóng mặt ngoại biên và chóng mặt trung ương là hai loại chóng mặt thường gặp trên lâm sàng nhất. Bạn cần phân biệt được hai loại chóng mặt này để có hướng điều trị tốt hơn. Chóng mặt ngoại vi là những cơn chóng mặt khởi phát đột ngột với cường độ nặng và dữ dội, diễn ra theo từng đợt với thời gian kéo dài chỉ trong vài giây hoặc vài phút. Việc cử động đầu trong trường họp này có thể khiến tình trạng chóng mặt trở nên trầm trọng hơn. Nhãn cầu rung giật theo chiều xoay ngang xoắn với tính chất tắt dần, có các triệu chứng về tai và một số bất thường về màng nhĩ. Tuy nhiên, chóng mặt ngoại vi không có các triệu chứng về thần kinh trung ương. Trong khi đó, chóng mặt trung ương thường khởi phát chậm với cường độ nhẹ và âm ỉ, thường mạn tính và kéo dài trong hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí là hơn. Cử động đầu trong trường hợp này không ảnh hưởng đến tình trạng của người bệnh. Nhãn cầu rung giật theo chiều thẳng đứng hoặc khó xác định và không mang tính tắt dần, không có các triệu chứng về tai và màng nhĩ bình thường. tuy nhiên lại thường gặp các triệu chứng về thần kinh trung ương.

Nguyên nhân gây chóng mặt

Nguyên nhân gây nên bệnh chóng mặt?
Nguyên nhân gây nên bệnh chóng mặt?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt, nhưng thường có hai loại phổ biến. Loại thứ nhất là những nguyên nhân xuất phát từ tai trong, nhân thần kinh tiền đình hoặc dây thần kinh tiền đình. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến thường gặp:

  • Các vấn đề về tai trong: Thông thường, hiện tượng chóng mặt chủ yếu thường được gây ra bởi các vấn đề về tai trong. Tai trong là bộ phận có vai trò gửi tín hiệu đến não về chuyển động của đầu và cơ thể so với trọng lực nhằm giúp bạn có khả năng giữ thăng bằng. Sâu bên trong tai có một hệ thống các ống nhỏ chứa đầy chất lỏng, trôi nổi bên trong chất lỏng đó là các khối canxi đặc biệt. Cùng với nhau, các ống và khối chất này tạo nên “hệ thống tiền đình”. Hệ thống tiền đình cho não biết vị trí của cơ thể và các vật thể xung quanh trong không gian ba chiều. Do đó nó giúp cơ thể con người giữ được thăng bằng. Nếu các ống bên trong tai bị sưng hoặc có sự tích tụ của chất lỏng hay các cặn canxi không cần thiết, bạn có thể gặp phải những vấn đề về thăng bằng và gây ra hiện tượng chóng mặt. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị chóng mặt nếu tình trạng sưng viêm này gây áp lực lên dây thần kinh ở tai trong.
  • Bệnh Meniere – bệnh rối loạn thính lực: Đây là một căn bệnh hiếm gặp xảy ra ở tai trong. Mặc dù bệnh Ménière thường rất hiếm gặp, nhưng bệnh lý này có thể là nguyên nhân gây ra những cơn chóng mặt kéo dài nghiêm trọng. Ngoài các triệu chứng chóng mặt, Meniere còn có thể gây ra các triệu chứng kèm theo như ù tai, giảm thính lực, buồn nôn hoặc có thể là nôn mửa liên tục. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày. Mặc dù khá nguy hiểm, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm nguyên nhân xác định gây ra bệnh Ménière.
  • Viêm dây thần kinh tiền đình, viêm mê nhĩ: Viêm dây thần kinh tiền đình, viêm mê nhĩ là vấn đề xuất hiện ở tai trong và thường liên quan đến nhiễm trùng mà nguyên nhân gây ra chủ yếu là do virus. Nhiễm trùng gây viêm ở tai trong và vị trí xung quanh dây thần kinh đảm nhận vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể có được cảm giác thăng bằng bằng. Tình trạng này thường xuất hiện đột ngột mà không kèm theo triệu chứng hoặc dấu hiệu khác, thậm chí không phát sinh vấn đề về khả năng nghe. Lúc này, người bệnh cũng có thể bị chóng mặt, mất cân bằng thậm chí là có cảm giác đau đầu và buồn nôn.
  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV): Hiện tượng chóng mặt lành tính do tư thế xuất hiện khi các hạt canxi nhỏ co lại trong các kênh của tai trong hoặc liên quan đến việc hệ tiền đình tai trong bị suy giảm do sự thay đổi đột ngột về vị trí đầu và chuyển động như thay đổi tư thế thẳng đầu sang cúi đầu, ngước nhìn lên cao hoặc là thức dậy đột ngột. Chóng mặt lành tính do tư thế cũng thường có nguy cơ xảy ra lớn hơn đối với nhóm người bệnh đã trải qua phẫu thuật tai hoặc có tiền sử nhiễm trùng tai, chấn thương ở đầu, bệnh lý này cũng có thể xảy ra trong thời gian chữa và dưỡng bệnh. BPPV thường diễn biến trong một thời gian ngắn và ở những người ở lứa tuổi trung niên trên 50 tuổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị chóng mặt mà không rõ lý do.
  • Các nguyên nhân khác: Bên cạnh các nguyên nhân đã trình bày ở trên, một người đột ngột bị chóng mặt hoặc thỉnh thoảng cảm thấy hoa mắt xây xẩm có thể là do bị chấn thương đầu hoặc cổ hoặc gặp phải một số vấn đề tổn thương ở não như đột quỵ, khối u, tổn thương ở tai hoặc do căn bệnh đau nửa đầu gây ra. Ngoài ra, chóng mặt cũng có thể do một số nguyên nhân khác như: viêm dây thần kinh VIII do thuốc, tác dụng phụ của thuốc Tây, rượu, ma túy.

Loại thứ hai là những nguyên nhân xuất phát từ nhân tiền đình đến thân não. Bạn có thể gặp phải một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Đau đầu Migraine – Migraine sống nền: Đây là tình trạng thường xuất hiện ở những người trẻ tuổi, làm cho người bệnh đau nửa đầu từng cơn. Bệnh nhân không chỉ bị chóng mặt đau đầu dữ dội mà thường kèm theo tình trạng đau nhói không thể chịu được. Nếu tránh khỏi được các nguyên nhân và điều trị chứng đau nửa đầu thường xuyên có thể giúp người bệnh giảm bớt tình trạng chóng mặt này.
  • U dây thần kinh VIII: Đây là một khối u lành tính phát triển trên các dây thần kinh hệ tiền đình, hệ thống dây thần kinh từ tai đến não. Cho đến nay, u dây thần kinh thính giác được cho là được gây ra bởi các rối loạn di truyền.
  • Đa xơ cứng: Đây là một rối loạn hệ của thần kinh xảy ra trong hệ thống thần kinh trung ương – não và tủy sống, bệnh lý này được gây ra bởi sự sai sót trong hệ thống miễn dịch của con người.
  • Các khối u ở thân não, tiểu não, thoái hóa tiểu não: Các khối u tấn công vào não bộ khiến cho não không kiểm soát và đưa ra các tín hiệu phối hợp hợp lý được với chuyển động của cơ thể. Do đó, làm cho cơ thể có cảm giác chóng mặt, mất cân bằng.
  • Đột quỵ và thiếu máu cục bộ thoáng qua: Sự tắc nghẽn các mạch máu xảy ra trong não làm cho người bệnh bị đau đầu chóng mặt thậm chí là hoa mắt và ngất xỉu.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng chóng mặt như: dị ứng, bị cảm lạnh hoặc cúm, say tàu xe, lượng đường trong máu thấp, tác dụng phụ của một số loại thuốc, mất nước kéo dài hoặc tiếp xúc lâu với thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, nếu có tình trạng mất máu, chảy máu trong hoặc bị một số tình trạng liên quan đến thần kinh cũng có thể gây ra tình trạng chóng mặt.

Đối tượng nguy cơ của bệnh chóng mặt

Chóng mặt là tình trạng xảy ra rất phổ biến ở nhiều đối tượng và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nó thường nhanh hết mà không có ảnh hưởng lâu dài. Trong một số trường hợp, chóng mặt có thể xảy ra do một số nguyên nhân, bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Tuy nhiên, chóng mặt thường có nguy cơ xảy ra lớn hơn ở những người có tuổi tác cao, tức là tình trạng này thường gặp ở người già, lớn tuổi và người lớn thường mắc phải nhiều hơn so với ở trẻ em. Chóng mặt cũng dễ xảy ra hơn đối với những người đã phẫu thuật tai, nhiễm trùng tai có tiền sử chấn thương ở đầu và trong thời gian chữa và dưỡng bệnh.

Đối với những người mắc một số bệnh lý như hội chứng tiền đình ốc tai, giảm máu lên cơ quan tiền đình hoặc thiếu máu mãn tính, xơ cứng mạch máu, xơ vữa mạch máu, … thì rất dễ gặp phải tình trạng chóng mặt thường xuyên.

Biểu hiện của chóng mặt

Biểu hiện của chóng mặt
Biểu hiện của chóng mặt

Cơn chóng mặt thường được kích hoạt khi bạn đột ngột thay đổi vị trí của đầu. Những người bị chóng mặt có thể cảm thấy nhiều cảm giác khác nhau, một số các biểu hiện chính của chóng mặt như:

  • Chóng mặt, đầu óc quay cuồng hoặc cảm thấy mờ nhạt, mệt mỏi.
  • Đứng không vững hay cảm giác mất thăng bằng.
  • Người nghiêng ngả, đung đưa, đôi khi như bị ngã về một hướng.
  • Cảm giác bồng bềnh, chao đảo như nổi hoặc bơi.

Bên cạnh đó, chóng mặt cũng có thể kèm theo một số dấu hiệu như cảm giác buồn nôn, nôn mửa, mắt chuyển động bất thường hoặc có hiện tượng giật nhãn cầu, đau đầu, toát mồ hôi, ù tai, suy giảm thính lực. Chóng mặt thường không kéo dài lâu mà chỉ kéo dài trong khoảng vài giây hoặc vài phút. Đôi khi, chóng mặt có thể kéo dài lâu đến hàng giờ đồng hồ hoặc thậm chí là cả ngày rồi biến mất bất chợt. Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt gặp một số biểu hiện bất thường khác không được đề cập. Bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ nếu các triệu chứng kể trên kéo dài hoặc có bất kỳ một dấu hiệu dẫn đến bệnh lý hoặc có thắc mắc nào khác.

Chẩn đoán chóng mặt

Việc cần thiết nhất là phải chẩn đoán được nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chóng mặt của bệnh nhân bởi có rất nhiều bệnh có thể dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc khám lâm sàng trước, sau đó mới đi đến quyết định cho chỉ định cho bạn làm các thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng khác.

Ban đầu, bác sĩ sẽ hỏi bất cứ thông tin liên quan đến tình trạng như bạn bị chóng mặt khi nào, tần xuất xuất hiện và yếu tố gây ra chóng mặt. Sau đó sẽ tiến hành một số bước thăm khám như:

  • Kiểm tra khả năng nghe.
  • Kiểm tra cách đi bộ và giữ thăng bằng khi đi lại của bạn.
  • Kiểm tra thính lực và khả năng thăng bằng, bao gồm cách mà mắt bạn hoạt động khi bạn nhìn theo một vật thể chuyển động hoặc khi đầu của bạn quay từ bên này sang bên kia. Kiểm tra cử động của đầu hoặc cử động của bạn khi thay đổi tư thế.
  • Khám và kiểm tra hệ thần kinh trung ương.

Tùy thuộc vào những thông tin thu được qua việc thăm khám trực tiếp, bác sĩ có thể yêu cầu nhiều xét nghiệm hơn để hiểu rõ các vấn đề về thính giác hoặc thăng bằng của bạn. Trong đó, Chụp CT-Scanner sọ não hoặc MRI não là phương pháp thường hay được sử dụng nhất. Bằng việc sử dụng sóng từ để ghi lại các hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể, từ đó có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân cũng như bệnh lý gây nên tình trạng chóng mặt một cách chính xác hơn.

Tìm hiểu thêm: [Review] Viên sủi Nano Head tốt cho bệnh nhân tiền đình không, Giá bán

Cách chữa trị chóng mặt

Một số trường hợp tình trạng chóng mặt có thể tự mất đi mà không cần tiến hành điều trị. Nguyên nhân là do bộ não đã dần thích nghi với sự thay đổi của tai trong và có thể dựa vào một cơ chế khác giúp cơ thể của người bệnh có thể duy trì được sự cân bằng. Nếu cần thiết, điều trị sẽ dựa trên nguyên nhân gây ra chóng mặt và các triệu chứng kèm theo. Điều trị có thể bao gồm:

  • Điều trị nội khoa: Đối với một số trường hợp có tình trạng chóng mặt, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để điều trị triệu chứng. Nếu chứng chóng mặt là do nhiễm trùng hoặc viêm thì thuốc kháng sinh hoặc steroid có thể mang lại hiệu quả điều trị vì có tác dụng làm giảm sưng và chữa nhiễm trùng. Một số loại thuốc có thể được kê đơn để giảm các triệu chứng như buồn nôn hoặc say tàu xe liên quan đến chóng mặt. Các loại thuốc giảm chóng mặt thường được sử dụng như thuốc kháng histamine, thuốc kháng cholinergic, các miếng dán chứa scopolamine. Đối với bệnh Meniere, thuốc lợi tiểu đôi lúc cũng được chỉ định để làm giảm áp lực từ sự tích tụ chất lỏng.
  • Phẫu thuật ngoại khoa: Trong nhiều trường hợp người bị tình trạng chóng mặt đòi hỏi phải thực hiện phẫu thuật mới điều trị dứt điểm được. Nếu chứng chóng mặt của bạn được gây ra bởi một vấn đề tiềm ẩn nào đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khối u hoặc chấn thương não hay ở cổ, bạn sẽ phải tập trung điều trị những vấn đề gốc đó để kiểm soát chứng chóng mặt của mình.
  • Các biện pháp khác: Ngoài việc sử dụng thuốc và thực hiện phẫu thuật để điều trị chứng chóng mặt, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp khác như: phục hồi chức năng tiền đình, thực hiện thủ thuật tái định vị Canalith,…

Trong đó phục hồi chức năng tiền đình là một biện pháp vật lý trị liệu nhằm giúp củng cố hoạt động của hệ thống tiền đình. Như đã biết, hệ tiền đình có vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu và các thông tin đến não để cơ thể có thể giữ được thăng bằng. Phục hồi chức năng tiền đình có thể được đề nghị thực hiện nếu chứng chóng mặt của bạn bị tái phát. Biện pháp này giúp rèn luyện các giác quan khác của bạn để giúp cơ thể giữ được cân bằng và thích nghi được với chứng chóng mặt.

Một số cách điều trị
Một số cách điều trị

Với thủ thuật tái định vị Canalith, Viện Hàn lâm Thần kinh học trực thuộc Hoa Kỳ đã nghiên cứu và liệt kê ra một danh sách hướng dẫn về các chuyển động của đầu và cơ thể chi tiết cho những người bệnh mắc BPPV. Những động tác này được thực hiện với mục đích di chuyển cặn canxi từ ống tai vào khoang tai trong để được đào thải qua sự hấp thụ của cơ thể. Trong quá trình thực hiện biện pháp này, bạn có thể sẽ gặp tình trạng chóng mặt do ống tủy đang di chuyển. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn cho bạn thực hiện các động tác một cách đúng đắn để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.

Trên thực tế, chóng mặt không phải là một bệnh lý mà thường là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau mà bạn có thể đang mắc phải. Tình trạng này có thể được điều trị dựa vào căn nguyên và cơ chế bệnh sinh nhưng thường rất dễ tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, chứng chóng mặt là không nguy hiểm, sẽ tự biến mất nếu tìm ra nguyên nhân và thực hiện chữa trị đúng cách.

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh chóng mặt

Chóng mặt thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc nếu bạn mắc phải. Ngoài thực hiện các biện pháp điều trị thì bạn cũng có thể kiểm soát chóng mặt nếu thực hiện một chế độ sinh hoạt hợp lý. Bạn có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp sau:

Chóng mặt có thể khiến bạn mất thăng bằng do đó bạn hãy cẩn thận trong quá trình đi lại. Bạn cũng nên tránh xoay đầu, cúi đầu xuống hoặc thay đổi tư thế một cách đột ngột vì hành động này sẽ gây chèn ép các mạch máu, lượng máu đưa lên não bị giảm và sẽ làm chứng chóng mặt của bạn trầm trọng hơn. Nếu triệu chứng quá nặng bạn có thể chống gậy để hỗ trợ trong quá trình sinh hoạt hàng ngày của mình.

Bạn cũng nên tránh đặt các đồ vật dễ gây vấp ngã trong nhà để tránh gây các tai nạn không mong muốn khi xuất hiện các cơn chóng mặt. Đồng thời bạn không nên lái xe hoặc vận hành máy móc nếu thường xuyên bị chóng mặt.

Nếu có dấu hiệu chóng mặt, bạn hãy tìm một vị trí an toàn để ngồi xuống ngay sau đó hãy hít sâu và thở ra nhẹ nhàng, thư giãn để cơ thể nhanh chóng trở lại bình thường.

Bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời nên nghỉ ngơi điều độ hợp lý và ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và không để cơ thể bị stress hoặc căng thẳng quá mức. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê hoặc các chất kích thích khác.

Nếu phải sử dụng thuốc, bạn nên tìm hiểu trước các tác dụng phụ của thuốc và nếu có tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thì bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để có cách xử trí hợp lý.

Bạn cũng nên dành nhiều thời gian để giải trí và thư giãn ở không gian trong lành, thoáng mát. Đồng thời bạn nên uống đủ nước và nếu có thể, bạn nên uống loại nước cung cấp các loại chất điện giải.

Tìm hiểu thêm: Viên Tiền đình Six Day có thực sự hiệu quả không, Giá bao nhiêu?

Phòng tránh chóng mặt

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều phải trải qua những cơn chóng mặt. Tình trạng này đa phần có thể tự hết mà không cần điều trị, tuy nhiên, để không để cho triệu chứng chóng mặt không làm phiền bạn thì bạn nên thực hiện một số biện pháp để phòng tránh như:

Uống đầy đủ nước mỗi ngày (ít nhất khoảng 2 lít nước/ngày) để tránh tình trạng cơ thể thiếu nước hoặc mất nước từ đó ra gây chóng mặt. Ngoài ra, bạn nên bộ sung các loại nước ép trái cây như nước cam, nước chanh bởi các loại nước này bổ sung rất nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể.

Bạn nên cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như vitamin B, C, các loại protein và chất xơ. Tăng cường bổ sung những thức ăn giàu sắt và các thức ăn dễ tiêu hóa như đậu, cải bó xôi, … để tránh tình trạng thiếu máu.

Nếu có dấu hiệu của tình trạng chóng mặt thường xuyên hoặc do các bệnh lý tiềm ẩn thì bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ để điều trị sớm và kịp thời.

Một số câu hỏi thường gặp

Chóng mặt khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi nào thì bạn nên đi khám bác sĩ?
Khi nào thì bạn nên đi khám bác sĩ?

Đa phần các trường hợp, tình trạng chóng mặt sẽ tự biến mất mà không cần đến sự thăm khám của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu có một trong hoặc kết hợp các triệu chứng sau bạn nên tìm ngay đến sự giúp đỡ của bác sĩ:

  • Đau ngực hoặc đau đầu đột ngột.
  • Nói lắp hoặc tê cánh tay, bàn chân. Đau ở cổ, hàm hoặc cánh tay.
  • Co giật, nhịp tim nhanh hoặc không đều.
  • Nôn, mặt có biểu hiện gục hoặc tê.
  • Ngất xỉu.

Ngoài ra, nếu có tình trạng chóng mặt cùng với các chấn thương ở đầu thì bạn nên đến cơ sở y tế khám bệnh càng sớm càng tốt.

Chóng mặt nên ăn gì?

Khi có triệu chứng chóng mặt, bạn nên bổ sung đầy đủ cơ thể các dưỡng chất cần thiết nhất là các loại vitamin B, C, các loại protein thiết yếu và các loại thức ăn giàu sắt. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C mà bạn nên dùng như các loại quả họ cam quýt, đu đủ, cà chua, ớt chuông và các loại rau xanh màu sậm. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn nhiều các loại thực phẩm chứa vitamin B6 như ngũ cốc, thịt gà, thịt lợn, cá hồi, …

Chóng mặt có tự khỏi được không?

Như đã trình bày ở trên, chóng mặt không phải là bệnh lý mà là một triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe khác nhau. Do đó, trong nhiều trường hợp, chóng mặt có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn bị chóng mặt mà liên quan đến các bệnh lý nền khác thì bạn nên đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để được kiểm tra và tìm được đúng căn nguyên gây bệnh, từ đó để kết quả điều trị đạt được là tốt nhất.

Tìm hiểu thêm: Bệnh đau nửa đầu Migraine: Có nguy hiểm không, Cách điều trị

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây