Thuốc kháng sinh Naphacogyl thuộc nhóm nào? Có dùng cho trẻ em không?

5/5 - (2 bình chọn)

Naphacogyl là thuốc rất hay được sử dụng mỗi khi có nhiễm khuẩn hay có nguy cơ nhiễm khuẩn răng miệng. Hiểu biết đầy đủ về thuốc giúp sử dụng thuốc hiệu quả hơn và ngăn ngừa nguy cơ đề kháng với thuốc. Bài viết sau đây Heal central sẽ cung cấp các thông tin về Naphacogyl cho người đọc.

Naphacogyl là thuốc gì ?

  • Naphacogyl là loại kháng sinh gồm 2 thành phần được sử dụng rất phổ biến để điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn răng miệng.
  • Naphacogyl thuộc nhóm thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus, nhiễm kí sinh trùng.
  • Thuốc Naphacogyl có số đăng kí (SDK): VNB-2711-05
  • Mỗi viên thuốc được sản xuất dưới dạng viên nén bao phim màu hồng nhạt.
  • Mỗi hộp thuốc Naphacogyl có chứa 2 vỉ x 10 viên nén bao phim.
  • Mỗi viên nén Naphacogyl có chứa 2 thành phần chính: Spiramycin hàm lượng 100mg (tương đương 100.000 IU) va Metronidazole hàm lượng 125mg
  • Cùng với tá dược gồm các thành phần đường Lactose, Aerosil, cellulose vi tinh thể Avicel, Gelatin, Glycerin , Magie stearat, tinh bột biến tính Eratab, Eudragit E100, Titan dioxyd, PEG 6000, chất tạo màu đỏ erythrosin lake, chất tạo màu vàng sunset yellow lake vừa đủ 1 viên .
  • Naphacogyl được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà.

Tác dụng của thuốc Naphacogyl

Thuốc gồm 2 thành phần chính là Spiramycin và Metronidazole, trong đó:

Spiramycin là một kháng sinh thuộc nhóm Macrolid. Spiramycin được phân lập từ Streptomyces ambofaciens vào năm 1954. Spiramycin là kháng sinh kìm khuẩn, có phổ tác dụng tương tự như các thuốc còn lại trong nhóm nhưng độ nhạy kém hơn trên những vi khuẩn còn nhạy cảm. Đặc biệt, Spiramycin có khả năng tác động lên vi khuẩn Toxoplasma gondii nên được sử dụng như một kháng sinh điều trị thay thế trong thai kì ở phụ nữ có thai.

Công thức hóa học của Spiramycin
Công thức hóa học của Spiramycin

Spiramycin có cơ chế tác dụng điển hình của nhóm Macrolid: với bản chất là kháng sinh ít tan trong nước, tương đối thân dầu, do đó kháng sinh có thể thấm qua thành tế bào vi khuẩn vốn thân dầu. Sau khi qua được thành tế bào, kháng sinh đã bước đầu thành công nhờ xâm nhập vào bên trong vi khuẩn. Tại bào tương của vi khuẩn, kháng sinh tiếp tục vượt qua màng nhân để xâm nhập vào vùng riboxom – đơn vị gánh trọng trách tổng hợp các loại protein – thành phần chính đảm nhiệm mọi hoạt động cấu trúc và chức năng của mọi loại tế bào. Trên riboxom của vi khuẩn, cụ thể là tiểu phần 50S của Riboxom, có 1 vị trí phù hợp với cấu trúc của các kháng sinh Macrolid nói chung và của Spiramycin nói riêng. Spiramycin gắn trực tiếp vào vị trí “đích” đó và gây ra tác dụng ức chế tiểu phần 50S, ức chế sự tạo thành phức hợp Riboxom hoàn chỉnh. Do đó, riboxom sẽ không thể thực hiện chức năng dịch mã để tạo ra các chuỗi polyprotein dài. Tế bào sẽ không có những protein cần thiết cho những hoạt động cấu trúc và chức năng tiếp theo, điều này làm cho tế bào vi khuẩn chết dần chết mòn theo thời gian tương ứng với sự thiếu trầm trọng protein của chúng. Do tác dụng phụ thuộc vào thời gian, tác dụng chậm nên Spiramycin được xếp vào loại kháng sinh kìm khuẩn. Tuy nhiên ở nồng độ cao, Spiramycin có khả năng diệt khuẩn khá mạnh trên những loại vi khuẩn còn nhạy cảm nhiều.

Tuy cơ chế tác dụng tương đối rõ ràng, nhưng Spiramycin hiện nay đã có tỉ lệ đề kháng tương đối cao. Spiramycin có tác dụng tốt trên một số loại vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn nội bào như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, não mô cầu, lậu cầu, 75% các chủng cầu khuẩn ruột, Mycoplasma, Chlamydia, Actinomyces,… Tuy nhiên Spiramycin không có tác dụng trên các loại vi khuẩn Gram âm, hay nói cách khác là các chủng vi khuẩn Gram âm đề kháng tự nhiên với Spiramycin. Nhờ sự tác động trên phần lớn các chủng vi khuẩn gây bệnh ở khoang miệng như vi khuẩn không điển hình, vi khuẩn Gram dương, Spiramycin được lựa chọn để có tác dụng tối ưu trong điều trị nhiễm khuẩn răng miệng.

Spiramycin hấp thu không hoàn toàn qua đường tiêu hóa, thức ăn ảnh hưởng nhiều tới hấp thu. Spiramycin phân bố nồng độ cao bên trong tế bào nên có tác dụng rất tốt đối với các vi khuẩn nội bào. Thời gian bán thải của thuốc khá dài và thuốc thải trừ chủ yếu qua mật, chỉ 10% thải trừ qua nước tiểu.

Công thức hóa học của Metronidazole
Công thức hóa học của Metronidazole

Metronidazole: đây là một loại kháng sinh khá độc đáo, là dẫn chất của 5 – nitro –imidazole, 1 dẫn xuất tổng hợp lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1959 để điều trị chứng ngứa âm đạo do trùng roi trichomonas.

Cơ chế tác dụng: Metronidazole có cơ chế tác dụng tương tự các thuốc còn lại trong nhóm. Đối với các tế bào đích (vi khuẩn kị khí và một số loại vi sinh vật đơn bào), phân tử thuốc với nhóm 5 – nitro sẽ bị khử hoạt dưới tác dụng của men nitroredutase chỉ có ở những tế bào đích. Sau đó biến đổi thành chất gây độc với tế bào theo cách gắn lên cấu trúc xoắn của phân tử AND, ngăn cản quá trình sao chép AND, làm ngưng hoạt động của nhân tế bào và ngừng toàn bộ hoạt động của tế bào. Do đó tế bào vi khuẩn sẽ dần bị tiêu diệt.

Phổ tác dụng của Metronidazole tập trung trên các vi khuẩn kị khí như B.fragilis, B. vulgaris, Clostridium, C. difficile, C. perfringens, Peptococus, và Peptostreptococus – vi khuẩn kị khí khoang miệng và kị khí hầu họng. Ngoài ra Metronidazole còn có tác dụng trên một số động vật nguyên sinh đơn bào như trùng roi Giardia, amip. Metronidazole cũng có tác dụng trên chủng E.coli khi có mặt của chủng kị khí Gram âm là B.fragilis. Hoạt tính kháng khuẩn của Metronidazole cũng tăng lên khi có mặt của E.coli.

Ngoài tác dụng kháng khuẩn, Metronidazole còn có tác dụng chống viêm nhẹ, thích hợp điều trị các loại nhiễm khuẩn có kèm các triệu chứng sưng, viêm.

Metronidazole hấp thu tốt qua đường uống với sinh khả dụng lên đến 80%. Thời gian bắt đầu có tác dụng kể từ khi dùng thuốc là 1 giờ đến 3 giờ. Metronidazole có khả năng xâm nhập tốt vào mô và đạt được nồng độ điều trị ở cả dịch và mô trong cơ thể. Metronidazole còn xâm nhập rất tốt qua hàng rào máu não ngay cả khi hàng rào máu não không bị tổn thương hay viêm. Thời gian duy trì của Metronidazole khá dài do tồn tại nhiều trong các mô ít thân nước, trong mật, xương, dịch màng bụng,… Thời gian bán thải của Metronidazole khoảng từ 6 giờ đến 8 giờ. Metronidazole được chuyển hóa qua gan ở dạng không còn hoạt tính và chất chuyển hóa này được thải trừ chủ yếu qua thận lên đến 90% và chỉ có 10% còn lại thải trừ qua mật. Sự thải trừ của Metronidazole ra khỏi cơ thể hầu như không bị ảnh hưởng nhiều ở những người có suy giảm chức năng thận. Nên lưu ý chỉnh liều, cụ thể là giảm liều ở những người có suy giảm chức năng gan.

Hình ảnh: Hộp thuốc Naphacogyl
Hình ảnh: Hộp thuốc Naphacogyl

Hai thành phần Metronidazole và Spiramycin rất hay được phối hợp với nhau và là những lựa chọn tối ưu cho nhiễm khuẩn răng miệng. Bởi phổ tác dụng của chúng khi phối hợp đã bao trùm lên các chủng vi khuẩn Gram Dương, chủng vi khuẩn kị khí đặc biệt là kị khí khoang miệng, kị khí hầu họng, vi khuẩn nội bào. Do đó kháng sinh có thể tác động lên hầu hết các loại vi khuẩn có khả năng cao gây bệnh ở khoang miệng. Nhờ đó hiệu quả diệt khuẩn được phát huy tối đa. Ngoài ra sự phối hợp còn mang lại ưu điểm lớn là hiệp đồng tác dụng và giảm đề kháng thuốc. Spiramycin và Metronidazole là hai kháng sinh có cơ chế tác dụng hoàn toàn khác nhau, chúng đều có khả năng xâm nhập vào nội bào tuy nhiêu Spiramycin vào nội bào tốt hơn Metronidazole, do đó sự phối hợp này giúp tiêu diệt vi khuẩn cả trong và ngoài tế bào. Cơ thế tác dụng khác nhau làm giảm tần suất đề kháng của vi khuẩn bởi muốn đề kháng được thì vi khuẩn phải đột biến 2 lần – điều này khó thực hiện. Ngoài ra, Spiramycin tác dụng phụ thuộc vào thời gian nên có tác dụng chậm, kiểm soát và tiêu diệt lượng vi khuẩn còn sót lại ngăn cản chúng tái phát triển và gây bệnh, hạn chế kháng thuốc. Đồng thời, khả năng xâm nhập vào khoang miệng cũng rất tốt khiến cho 2 loại kháng sinh này thường xuyên đi cặp với nhau trong điều trị nhiễm khuẩn răng miệng mà ít được ứng dụng trong điều trị nhiễm khuẩn ở những vị trí khác trong cơ thể.

Cách sử dụng thuốc Naphacogyl của dược phẩm Nam Hà

Từ những đặc tính phổ tác dụng và khả năng hấp thu của từng thành phần của thuốc Naphacogyl, cách sử dụng thuốc cũng là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị của thuốc.

Cách dùng: các viên thuốc được thiết kế dạng viên nén bao phim, do đó người dùng nên dùng thuốc bằng cách uống nguyên viên với nước. Thuốc Naphacogyl được khuyến cáo dùng vào bữa ăn để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc trên đường tiêu hóa.

Liều dùng: với mỗi độ tuổi và đối tượng khác nhau, thuốc sẽ được dùng với liều khác nhau.

Cách sử dụng thuốc Naphacogyl của dược phẩm Nam Hà
Cách sử dụng thuốc Naphacogyl của dược phẩm Nam Hà
  • Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi: uống 2 viên đến 3 viên mỗi lần, ngày uống 2 lần.
  • Trẻ em từ 10 tuổi đến 15 tuổi: uống 3 viên mỗi ngày chia 1 lần đến 2 lần.
  • Trẻ em từ 5 tuổi đến 10 tuổi: uống 2 viên mỗi ngày chia 1 lần đến 2 lần.
  • Chưa có dữ liệu dùng thuốc cho trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Đối với người bệnh có suy giảm chức năng thận: không cần phải chỉnh liều
  • Đối với người bệnh có suy giảm chức năng gan: nên cân nhắc giảm liều theo khuyến cáo của bác sĩ điều trị.

Tham khảo thêm: Kháng sinh Metronidazole: Tác dụng, cơ chế diệt khuẩn, thận trọng khi sử dụng

Tác dụng phụ của thuốc Naphacogyl

Tác dụng phụ của thuốc Naphacogyl có khả năng xảy ra ở hầu hết các bệnh nhân, đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng, quá mẫn với thuốc, dùng liều cao, lâu ngày, dùng kéo dài. Tác dụng phụ của Naphacogyl đến từ tác dụng phụ của từng thành phần chính trong công thức thuốc:

Một số tác dụng không mong muốn thường gặp là:

  • Tiêu hóa: chán ăn, miệng có vị kim loại, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đôi khi có táo bón, đau bụng vùng thượng vị, khó tiêu.
  • Thần kinh: chóng mặt, đau đầu.
  • Một số tác dụng phụ ít gặp và hiếm gặp khác như:
  • Máu: giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.
  • Da: ban đỏ trên da, mề đay, ngứa.
  • Tim mạch: kéo dài khoảng QT, loạn nhịp, chậm nhịp tim.
  • Thận tiết niệu: nước tiểu sẫm màu.
  • Thần kinh: dị cảm, viêm đa dây thần kinh, có thể xuất hiện cơn động kinh, giảm khả năng phối hợp động tác.
  • Một số những tác dụng phụ nhẹ trên đường tiêu hóa , người bệnh có thể tự khắc phục được thì chưa cần phải điều chỉnh thuốc. Tuy nhiên nếu gặp bất cứ tác dụng phụ nào khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đã được nêu ở trên hoặc chưa nêu, người bệnh nên báo cáo với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí phù hợp.
Naphacogyl gây tác dụng không mong muốn trên Thần kinh như: chóng mặt, đau đầu...
Naphacogyl gây tác dụng không mong muốn trên Thần kinh như: chóng mặt, đau đầu…

Naphacogyl có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Hiện nay cả hai thành phần của thuốc đều chưa ghi nhận trường hợp dị tật thai nhi khi sử dụng cho phụ nữ thai kì. Các hoạt chất trong thuốc đều có khả năng đi qua hàng rào nhau thai vào trong thai nhi ở mức độ thấp hơn so với nồng độ của chúng trong máu người mẹ. Tuy nhiên một vài nghiên cứu mới đây đã cho thấy thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật thai khi dùng cho phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kì. Do đó cần tránh sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu thai kì. Trong trường hợp bắt buộc cần cân nhắc lợi ích cho mẹ và nguy cơ cho thai nhi.

Phụ nữ cho con bú có thể sử dụng thuốc kháng sinh Naphacogyl không?

Đối với phụ nữ đang cho con bú: cả 2 thành phần trong thuốc đều có khả năng đi qua hàng rào tế bào biểu mô tuyến để vào trong sữa mẹ với lượng tương đương  hoặc gần tương đương nồng độ thuốc trong máu mẹ. Lượng thuốc trong sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày của mẹ và khả năng thải trừ thuốc. Sự có mặt những hoạt chất lạ trong sữa mẹ có thể ít nhiều gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe thai nhi. Do đó thuốc được khuyến cáo tránh sử dụng trên phụ nữ đang cho con bú. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng ngắn hạn thuốc này và dùng vào thời điểm ngay sau khi cho con bú hoặc ngay trước cữ ngủ dài nhất của con trong ngày. Tuy nhiên mọi biện pháp chỉ là tương đối, không sử dụng thì sẽ tránh được ảnh hưởng của thuốc lên cơ thể trẻ bú mẹ.

Naphacogyl có sử dụng cho phụ nữ có thai không?
Naphacogyl có sử dụng cho phụ nữ có thai không?

Chống chỉ định của thuốc Naphacogyl

  • Đối với phụ nữ đang cho con bú.
  • Đối với người có cơ địa dị ứng, có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc và tá dược.
  • Đối với người có tiền sử dị ứng với hoạt chất Acetyl Spiramycin cũng như các thuốc khác cùng nhóm kháng sinh Macrolid như Erythromycin, Clarithromycin.
  • Đối với người có tiền sử dị ứng với các thuốc có cấu trúc tương tự Metronidazole (cấu trúc Imidazole).

Tương tác thuốc giữa Naphacogyl và các thuốc khác

Khi sử dụng Naphacogyl, cần phải lưu ý các tương tác với các loại thuốc, thức ăn và nước uống để tránh làm giảm hiệu quả hoặc tăng độc tính của các thuốc sử dụng.

Đối với thuốc chống đông kháng vitamin K đường uống (coumarin): việc sử dụng cùng có khả năng gây ra nguy cơ chảy máu do thuốc Naphacogyl làm kéo dài thời gian prothrombin. Do đó khi sử dụng đồng thời cả 2 thuốc này cần phải kiểm soát hoạt tính chống đông của thuốc chống đông kháng vitamin K đường uống, hoặc cân nhắc giảm liều loại thuốc này dựa trên nguy cơ gây ra chảy máu.

Đối với thuốc Cimetidin (kháng Histamin H2): dùng cùng 2 thuốc có thể làm tăng thời gian và nồng độ tác dụng của Metronidazole, làm tăng phản ứng độc hại của Metronidazole. Do đó nên tránh dùng đồng thời 2 thuốc.

Đối với Phenobarbital và các thuốc gây cảm ứng enzyme gan: tăng chuyển hóa 2 hoạt chất của thuốc qua gan gây ra mất hoạt tính của thuốc.

Thuốc Naphacogyl vỉ 10 viên nén
Thuốc Naphacogyl vỉ 10 viên nén

Lithi: dùng cùng Naphacogyl với Lithi có thể làm tăng độc tính của Lithi trong cơ thể.

Đối với các loại thuốc tránh thai đường uống: dùng cùng với Naphacogyl sẽ làm giảm hiệu quả của các thuốc tránh thai này.

Rượu và đồ uống có cồn: Naphacogyl hay thành phần Metronidazol là chất điển hình gây ra phản ứng cai rượu với các triệu chứng mệt mỏi, đỏ bừng mặt, chóng mặt, nôn nao, mệt mỏi, không thể đứng vững, khó phối hợp động tác,… Do đó người bệnh nên tránh sử dụng rượu hay các đồ uống có cồn trong quá trình sử dụng Naphacogyl cho tận đến khi ngưng sử dụng thuốc khoảng vài ngày.

Tham khảo thêm: Thuốc Rodogyl Sanofi Aventis: Tác dụng, Liều dùng, Lưu ý tác dụng phụ

Triệu chứng quá liều của thuốc Naphacogyl

Một số trường hợp quá liều (sử dụng ở mức liều cao hơn khuyến cáo 1 lần, hoặc trong ngày) thường có những biểu hiện trên tiêu hóa hoặc thần kinh như:

  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quặn, đau vùng thượng vị.
  • Thần kinh: chóng mặt, mệt mỏi, mất khả năng điều hòa, khó khăn trong phối hợp động tác, đôi khi xảy ra co giật, xuất hiện cơn động kinh hoặc viêm đa dây thần kinh ngoại vi.
  • Trong trường hợp quá liều, kể cả có hoặc chưa có triệu chứng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Hiện nay thuốc Naphacogyl chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, mọi biện pháp xử trí chỉ là điều trị triệu chứng và loại chất độc ra khỏi cơ thể để giảm thiểu tác động của thuốc lên người bệnh.

Thuốc Naphacogyl có giá bao nhiêu?

Thuốc Naphacogyl hiện nay đang được bán với giá dao động từ 20.000 VNĐ đến 25.000 VNĐ / hộp 2 vỉ x 10 viên nén bao phim.

Thuốc Naphacogyl được bán ở đâu?

Hiện nay, thuốc Naphacogyl được bán ở hầu khắp các nhà thuốc và các đại lí thuốc trên toàn quốc. Ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, người mua có thể ghé mua tại các nhà thuốc lớn như nhà thuốc Lưu Anh, Nhà thuốc Ngọc Anh tại địa chỉ hiển thị trên trang web. Hoặc người mua có thể mua trực tiếp qua website nhà thuốc để được tư vấn miễn phí và giao hàng tận nơi. Lưu ý, thuốc Naphacogyl là thuốc kê đơn, do đó khi mua thuốc người mua nên cầm theo đơn thuốc đã được kê bởi bác sĩ để mua đúng loại thuốc.

Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây