Hormone Serotonin là gì? Tác dụng và cách tăng Serotonin tự nhiên

5/5 - (1 bình chọn)

Trải qua hàng nghìn năm tiến hóa, con người trở thành động vật cao cấp nhất, từ cấp độ nguyên tử cho tới tế bào, cơ quan nội tạng đều tạo nên sự hòa hợp cao nhất. Bạn sinh ra với đôi tay có thể cầm nắm được, bộ óc biết suy nghĩ, biết nói ngôn ngữ loài người, đó không phải là điều hiển nhiên, mà là kết quả của quá trình phát triển lâu dài. Để điều khiển được hoạt động của một cơ thể sống với hàng trăm tỷ tế bào, cần có một hệ thống điều khiển, kiểm soát để đảm bảo mọi thứ diễn ra bình thường, nếu có sự bất thường, khả năng cao là bạn sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe đấy.

Vậy hệ thống điều khiển đó là gì? Mọi tế bào trong cơ thể đều nằm dưới sự kiểm soát của hệ thần kinh và thể dịch( ta thường gọi là hormon). Bạn có biết loại hormone nào chịu trách nhiệm về tâm trạng và cảm xúc có trong cơ thể không. Đó chính là serotonin. Vậy Serotonin có vai trò gì? thiếu nó chúng ta sẽ gặp phải rắc rối gì? có thể bổ sung nếu thiếu hụt serotonin không? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Serotonin là gì?

Cấu trúc hóa học của Serotonin
Cấu trúc hóa học của Serotonin

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh trung ương và ngoại vi, có bản chất là dẫn chất của acid amin Tryptophan. Hormon này được phát hiện vào những năm 30 của thế kỷ IX bởi nhà khoa học người Ý Vittorio Erspamer. Serotonin được tiết ra khi con người nhận được lời khen, và sự công nhận của những người xung quanh, nó là khởi nguồn của cảm giác hạnh phúc, chính điều này sẽ không ngừng thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự tán thưởng của mọi người, thúc đẩy chúng ta cố gắng hơn nữa để có được hạnh phúc.

Nó giúp chúng ta nhận ra tại sao mình phải phát triển không ngừng, khiến mỗi người định vị được giá trị của mình trong cộng đồng và hiểu rõ bản thân sẽ đóng góp được gì vào ngôi nhà chung ấy.

Xét về chức năng tâm lý giá trị hormon này đối với loài người, có thể coi serotonin là nhân tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách, điều khiển cảm xúc, hành vi và đóng vai trò lớn trong việc nhìn nhận thế giới xung quanh của một cá nhân.

Đối với các cơ quan trong cơ thể, các nghiên cứu đã tìm ra được mối liên hệ giữa serotonin đối với quá trình chuyển hóa xương, quá trình thực hiện chức năng tiêu hóa, khả năng đông máu, tái tạo tế bào gan, phân chia tế bào và chức năng sinh dục. Vậy nếu thiếu nó thì sao, bạn sẽ gặp phải rắc rối to đấy.

Xem thêm: Trầm cảm sau sinh là gì? Dấu hiệu, hậu quả và biện pháp khắc phục

Serotonin có ở đâu trong cơ thể?

Serotonin chủ yếu được tìm thấy ở đường tiêu hóa do tế bào enterochromaffin tiết ra  với khoảng 80% trên tổng số serotonin toàn cơ thể, để điều chỉnh nhu động ruột và 20% còn lại do tế bào thần kinh Serotonergic trong thần kinh trung ương vùng dưới đồi, tiểu não tiết ra, đóng vai trò là chất trung gian liên quan đến sự hài lòng, hạnh phúc và lạc quan, liên quan tới sự thèm ăn, điều chỉnh giấc ngủ, ảnh hưởng tới trương lực cơ và một số chức năng thuộc về nhận thức. Ngoài ra tế bào mast và tiểu cầu cũng tiết ra serotonin.

Xem thêm: Bệnh Parkinson là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Hormone Serotonin có tác dụng gì lên cơ thể?

Tác dụng của Serotonin lên cơ thể người
Minh họa: Tác dụng của Serotonin lên cơ thể người

Mối liên hệ của serotonin đối với cảm xúc

Serotonin là một trong số những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nhất có liên quan đến tâm trạng tích cực và tiêu cực. Những cảm giác hạnh phúc mà ta nhận được khi nhận được lời khen, không phải ngẫu nhiên mà có, các nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy các tế bào thần kinh Serotonergic tăng hoạt động khi con người nhận được sự tán thưởng, dẫn đến lượng serotonin tăng cao so với mức bình thường.

Nếu thiếu hụt serotonin, bạn sẽ biết được muốn hạnh phúc khó khăn đến thế nào và thay vào đó là sự lo âu, rối loạn cảm xúc tồi tệ hơn là rơi vào trạng thái trầm cảm.

Giảm đau

Gần đây, serotonin được đề xuất chất dẫn truyền thần kinh có vai trò trong quan trọng việc điều chỉnh các cơn đau sau phẫu thuật ở cả hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại vi. Theo một bài báo nghiên cứu được đăng trên website của NCBI(Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ), những cơn đau thần kinh sau phẫu thuật đã được giảm thiểu bằng cách sử dụng các chất ức chế sự tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI-Selective serotonin reuptake inhibitors), serotonin do tế bào mast và tiểu cầu tiết ra do tổn thương mô trong quá trình phẫu thuật đã được chứng minh là liên quan đến khả năng ức chế cơn đau.

Tham gia vào quá trình cầm máu

Trong bào tương của tiểu cầu có các hạt chứa serotonin, khi thành mạch bị tổn thương hoặc xảy ra những bất thường ở thành mạch, sẽ kích hoạt tiểu cầu thoát hạt giải phóng serotonin cùng các hoạt chất hóa học khác như prostaglandin, thromboxan A2,… phối hợp hình thành nên cục máu đông, mặt khác, serotonin còn là yếu tố gây co những động mạch nhỏ, tạo điều kiện hình thành cục máu đông dễ dàng hơn, ngăn máu chảy khỏi thành mạch.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong cơ chế cầm máu, thế nhưng đã có bằng chứng cho thấy serotonin tăng giải phóng có thể dẫn hình thành nhiều cục máu đông trong phạm vi toàn cơ thể, đẩy các cơ quan vào tình trạng thiếu oxy, các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm. Cơ thể cần một lượng serotonin ở mức vừa phải.

Chữa lành vết thương

Trên website của NIH (Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ) có viết một báo cáo nghiên cứu mối liên quan giữa serotonin đối với tác dụng chữa lành vết thương sau bỏng. Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm và nhận thấy sự gia tăng đáng kể hàm lượng serotonin trong máu ở những bệnh nhân bị bỏng.

Tiến hành thí nghiệm chứng minh vai trò làm lành vết thương của loại hormon này trong môi trường in vitro và in vivo, kết quả cho thấy serotonin làm giảm quá trình apoptosis ( quá trình chết tự nhiên của tế bào) và tăng đáng kể khả năng sống sót trên hai loại tế bào: nguyên bào sợi và tế bào sừng sơ sinh.

Hơn nữa, kích thích giải phóng serotonin đã đẩy nhanh đáng kể sự di chuyển của tế bào lên vùng da bị tổn thương, dẫn đến thu hẹp vùng trầy xước.

Điều hòa hệ tiêu hóa

Các tế bào enterochromaffin tại ruột đảm nhiệm chức năng tiết serotonin để đáp ứng với thức ăn có trong lòng ruột. Trường hợp có các tác nhân xấu trong thực phẩm, chịu ảnh hưởng của chiếu xạ và hóa trị ung thư, serotonin được tăng tiết làm tăng nhu động ruột dẫn tới tiêu chảy, gắn đặc hiệu với thụ thể 5-HT3 ở các tế bào niêm mạc ruột gây cảm giác buồn nôn và nôn.

Do vậy thuốc chẹn receptor 5-HT3 rất có hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng như buồn nôn và nôn trong điều trị ung thư.

Ngoài ra hormon này còn  kích thích sự thèm ăn.

Chuyển hóa xương

Trên NCBI có 1 bài báo khoa học nói đến mối liên quan giữa sự tăng tiết serotonin và chuyển hóa xương, theo đó sự tăng tiết serotonin nguồn gốc ruột ức chế sự biểu hiện và chức năng của protein liên kết có trong nguyên bào xương, dẫn tới sự giảm tăng sinh nguyên bào xương.

Đối với serotonin nguồn gốc thần kinh trung ương, bản chất sinh hóa cụ thể liên quan đến vai trò của hormon này lên chuyển hóa xương vẫn chưa rõ ràng.

Mặc dù vậy, các dữ liệu tiền lâm sàng cho thấy tác động có thể có hại của serotonin đến xương, điều này có thể mở ra hướng đi mới trong quá trình điều trị loãng xương.

Nồng độ serotonin trong cơ thể bao nhiêu là bình thường?

Hiện nay không dùng các xét nghiệm định lượng nồng độ serotonin trong máu để chẩn đoán hội chứng serotonin mà chủ yếu dựa vào các triệu chứng xuất hiện đột ngột sau khi dùng các thuốc có thể gây ra hội chứng serotonin chỉ trong vòng vài phút hoặc vài giờ, hoặc dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của hội chứng serotonin để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên nếu bạn quan tâm đến nồng độ bình thường của hormon trong cơ thể, người ta xét nghiệm serotonin huyết thanh bằng công nghệ nano cho kết quả  phạm vi bình thường là 101- 283 (ng /mL).

Nguyên nhân gây thiếu hụt serotonin

Theo NCBI, thiếu hụt serotonin có liên quan đến các rối loạn tâm thần và cảm xúc  như trầm cảm, lo âu, hành vi cưỡng chế, gây hấn, rối loạn cảm xúc theo mùa… có thể liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn thần kinh thực vật, chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Tuy nhiên nguyên nhân gây ra thiếu hụt serotonin vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Thiếu hụt serotonin có hậu quả như thế nào?

Trầm cẩm là một trong những hậu quả của sự thiếu hụt Serotonin
Minh họa: Trầm cẩm là một trong những hậu quả của sự thiếu hụt Serotonin

Bất kể sự thiếu hụt hormone nào cũng dẫn tới những vấn đề bệnh lý, tùy thuộc vào lượng thiếu hụt, và tùy từng cá thể mà dẫn tới những biểu hiện triệu chứng khác nhau, có thể không có biểu hiện gì đến những rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của người bệnh. Serotonin có liên quan đến tâm thần và khả năng kiểm soát cảm xúc, vì vậy thiếu hụt hormone này sẽ dẫn tới những rối loạn tâm thần bao gồm:

  • Trầm cảm: chứng rối loạn tâm trạng khiến người bệnh buồn bã, mất động lực, hứng thú với những thứ xung quanh, kể cả những thứ mình từng rất yêu thích.
  • Rối loạn lo âu( sự lo âu không chỉ dừng lại ở mức phản xạ tự nhiên mà luôn thường trực trong tâm trí, kéo dài và gây ảnh hưởng tới sức khỏe).
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: có những hành vi và ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng, lặp lại các hành vi vô nghĩa, có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, biểu hiện căng thẳng quá mức cần thiết và gây đau khổ.
  • Mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
  • Lo lắng.
  • Dễ bị kích động.
  • Mệt mỏi.
  • Thường nhầm lẫn hoặc mất tập trung.
  • Mất trí nhớ.

Cách tăng nồng độ serotonin không dùng thuốc

Nồng độ serotonin có liên quan tới yếu tố di truyền, chế độ ăn uống, vận động, cảm xúc, tâm trạng…. yếu tố di truyền gia đình không thể tác động được, nhưng chúng ta có thể làm tăng nồng độ serotonin tự nhiên bằng cách tác động vào những yếu tố sau:

Chế độ ăn uống

Serotonin là dẫn chất của tryptophan, cơ thể có thể tổng hợp được serotonin từ nguồn tryptophan ngoại sinh. Tryptophan có nhiều trong những loại thực phẩm giàu protein như cá hồi, thịt gà, chuối, pho mát, chocolate, trứng, sữa, lúa mạch, hạt vừng, đậu nành… Theo một số nghiên cứu, tryptophan được hấp thu tốt hơn khi ăn cùng với thực phẩm giàu carbohydrate, thật may mắn bữa ăn người Việt Nam chứa rất nhiều carbohydrate có trong cơm.

Thể dục hàng ngày

Rèn luyện thể thao hỗ trợ tăng tiết serotonin
Rèn luyện thể thao hỗ trợ tăng tiết serotonin

Tập thể dục nhịp điệu ở mức độ phù hợp với điều kiện sức khỏe dường như có tác dụng tốt nhất đối với sự tăng tiết serotonin. Bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục khác như: bới lôi, đạp xe, đi bộ nhanh….

Theo các các bằng chứng thực nghiệm, dường như có mối liên hệ giữa sự thay đổi cường độ ánh sáng mặt trời theo mùa với mức serotonin được sản sinh, theo đó, các nhà khoa học cho rằng lượng serotonin tăng tiết vào mùa thu và mùa hè, giảm tiết vào mùa thu và xuân. Với những thay đổi có tính quy luật của thời tiết như vậy, những người có bệnh lý tâm thần rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng , gây nên chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.

Dành thời gian dưới ánh sáng mặt trời dường như có thể làm tăng serotonin. Bạn có thể dành 10-15 phút hoạt động ngoài trời mỗi ngày, để tránh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tia UV, bạn có thể ra ngoài nhà trước 9h sáng vì thời điểm đó cường độ tia UV không mạnh.

Bạn có thể thoa kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà 20 phút để tránh tác hại của tia UV, vì ở thời điểm nào ban ngày dù ít dù nhiều cũng đều có tia UV, có thể ảnh hưởng tới làn da.

Sử dụng thực phẩm chức năng

Ngoài bổ sung tryptophan từ thức ăn, bạn có thể kết hợp bổ sung với những thực phẩm chức năng cung cấp tryptophan. Thế nhưng hiện tại, thực phẩm chức năng được bán rất nhiều nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, liều lượng uống thế nào, uống vào thời điểm nào trong ngày, cần có những lưu ý gì đặc biệt khi sử dụng, vì vậy bạn nên tìm đến những quầy thuốc uy tín, làm theo chỉ dẫn của những dược sĩ có tâm tư vấn.

Những điều cần lưu tâm khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa tryptophan:

  • Nên thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng với người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm.
  • Bổ sung đúng liều lượng theo hướng dẫn của dược sĩ hoặc các bác sĩ kê đơn, quá nhiều có thể dẫn tới hội chứng serotonin, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
  • Nếu muốn thay thế các thuốc chống trầm cảm bằng thực phẩm bổ sung, cần đưa ra lộ trình cắt giảm thuốc trầm cảm, ít nhất kéo dài 2 tuần, nếu cắt đột ngột có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

Massage

Liệu pháp này giúp tăng nồng độ serotonin cùng với dopamin, đồng thời làm giảm tiết cortisol bởi tuyến vỏ thượng thận- một loại hormone tiết ra khi cơ thể trong trạng thái stress. Một nghiên cứu đối với 84 phụ nữ mang thai bị trầm cảm, những người được massage trên 20 phút bởi người chồng của mình cho biết họ bớt lo lắng hơn, từ tuần 16, đo được nồng độ serotonin tăng cao hơn so với những tuần mang thai trước đó.

Điều chỉnh cảm xúc

Khi nghĩ về điều gì đó làm bạn thấy vui hoặc hứng thú, nó có thể khiến cho nồng độ serotonin tăng cao hơn. Vì vậy nên tránh những suy nghĩ tiêu cực, học cách kiềm chế cảm xúc, mặc dù thay đổi cảm xúc hiện tại là khó, nhưng nếu bạn nghĩ tới nhưng người thân yêu, nghĩ tới dự định tương lai, hoặc bất kỳ sở thích nào đó đều có thể giúp tăng tiết serotonin.

Một số loại thực phẩm chức năng bổ sung serotonin

Một số thực phẩm cải thiện nồng độ serotonin
Một số thực phẩm cải thiện nồng độ serotonin

Chúng ta có những loại thực phẩm chức năng bổ sung tryptophan, dạng tiền chất sẽ được chuyển hóa trong cơ thể bạn, ví dụ như

St. john’s wort: thực phẩm chức năng hiện đã có mặt tại Việt Nam. Nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc là 1 loại thực vật có hoa, loại thuốc này được sử dụng để làm giảm bớt các triệu chứng trầm cảm trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) không phê duyệt sử dụng thực phẩm chức năng này cho bệnh trầm cảm, vì họ chỉ nghiên cứu độ an toàn và hiệu quả của thuốc. Jeremy Wolf, một bác sĩ trị liệu tự nhiên được cấp phép, khuyên chỉ nên sử dụng cho những người trầm cảm từ nhẹ đến trung bình, không nên dùng cho người trầm cảm nặng. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, gây cảm ứng các enzym gan.

Probiotics có trong men tiêu hóa, một số phát hiện tình cờ khi sử dụng Probiotics với mục đích cải thiện tiêu hóa và hấp thu, đồng thời cũng làm serotonin tăng cao trong máu.

SAMe (S-adenosyl-L-methionine): một loại thuốc có hiệu quả trong điều trị trầm cảm,chưa có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo. Lưu ý với những mắc mắc chứng rối loạn lưỡng cực không nên sử dụng SAMe.

Phòng tránh thiếu hụt serotonin

Với một cơ thể bình thường, nồng độ serotonin được điều chỉnh ở mức phù hợp nhất với cơ thể từng người. Không chỉ serotonin mà những loại hormone khác đều được điều hòa theo những cơ chế nhất định. Vì vậy bình thường, chúng ta có thể yên tâm rằng lượng serotonin là đủ cho cơ thể, thừa thậm chí còn gây nguy hiểm tới tính mạng, vì vậy các bạn không cần phòng trường hợp thiếu serotonin.

Bạn có thể hỗ trợ cơ thể duy trì khả năng tiết serotonin ở mức bình thường  thông qua bổ sung tryptophan từ thực phẩm, tập thể dục thường xuyên, dành thời gian hoạt động ngoài trời.

Serotonin và Dopamin có sự liên quan gì?

Các bằng chứng giải phẫu và dược lý cho thấy hệ thống serotonin raphe ở vùng lưng và hệ thống dopamine ở bụng và cơ bụng hoạt động đối lập với nhau. Tuy nhiên những nghiên cứu này còn chưa có bằng chứng rõ ràng. Có 1 điều chắc chắn rằng, 2 loại hormon này hỗ trợ nhau trong việc làm tăng cảm giác hạnh phúc của con người.

Mua TPCN bổ sung serotonin ở đâu?

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những loại thực phẩm chức năng trên các trang bán hàng online uy tín như tiki, shopee,…

Viên Uống Now St. John’s Wort (Hypericum perforatum) 300mg Tiêu Chuẩn Hóa (250 Viên Nang Thực Vật) ,giá tham khảo: 892.000đ

Probiotics có trong men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, bạn có thể tìm mua ở bất kỳ nhà thuốc uy tín nào trên toàn quốc

Viên Uống Now Same (S-Adenosyl-L-Methionine) 400mg Hỗ Trợ Hệ Thần Kinh (60 Viên), giá tham khảo: 1.652.000 ₫

Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây