Thuốc Statripsine 4,2mg STADA: Công dụng, liều dùng & giá bán

4.5/5 - (2 bình chọn)

Viêm là một sinh lí hoàn toàn tự nhiên của con người nhằm mục đích khu trú các tác nhân gây bệnh tại một vị trí nhất định trên cơ thể để hạn chế tối đa sự lây lan mầm bệnh, tấn công làm thương tổn tế bào cơ thể. Có thể nói nơi xảy ra phản ứng viêm là “mặt trận tuyến đầu” của cơ thể chống lại các căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên phản ứng viêm nếu diễn biến quá mức dễ gây ra những tác động bất lợi đối với cơ thể. Một số trường hợp, làm thuyên giảm phản ứng viêm kết hợp với đánh trúng tác nhân gây bệnh là điều cần thiết để tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều những lựa chọn chống viêm, tuy nhiên có một chế phẩm tuy không hề mới nhưng không hẳn ai cũng biết đến và nắm rõ thông tin. Đó là chế phẩm Statripsine của Công ty Cổ phần Dược phẩm liên doanh STADA. Vậy Statripsine là gì? Statripsine có thực sự tốt không? Statripsine giá bao nhiêu? Sau đây Heal Central xin cung cấp cho người đọc thông tin chi tiết về loại thuốc này.

Statripsine là thuốc gì?

Hộp thuốc Statripsine
Hình ảnh: Hộp thuốc Statripsine

Statripsine là một loại thuốc chống viêm hoạt động dựa trên cơ chế thủy phân cắt đứt các protein viêm trong ổ viêm, làm bất hoạt các protein tham gia gián tiếp quá trình hoạt hóa phản ứng viêm, ngoài ra chúng còn được ứng dụng trong làm tan một số loại dịch tiết nhầy trong cơ thể điển hình là dịch nhầy được hô hấp và niêm mạc mắt.
Statripsine có số đăng kí là VD-21117-14.
Statripsine có thành phần chính là alpha – chymotrypsin với hàm lượng 4.2mg cùng với tá dược gồm một số thành phần như aspartam, magnesi stearat, hương bạc hà,… vừa đủ 1 viên.
Statripsine được bào chế dưới dạng viên nén.
Quy cách đóng gói: Statripsine được đóng gói trong hộp 2 vỉ x 10 viên nén hoặc hộp 5 vỉ x 10 viên nén.
Statripsine được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm liên doanh STADA (Việt Nam – Đức).
Tham khảo: Thuốc Chymodk: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng

Phản ứng viêm là gì?

Viêm là một quá trình phức tạp gồm nhiều bước, xảy ra ở mô liên kết có ở mọi vị trí và cơ quan trong cơ thể. Đặc trưng của viêm chính là sự tham gia của các tế bào gây viêm, khu trú tác nhân gây bệnh, thực bào, bài tiết các yếu tố trung gian hóa học gây viêm, hình thành dịch gỉ viêm, thực bào với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau điển hình.
Viêm thực chất là quá trình sinh lí của cơ thể chứ không phải là một bệnh lí cụ thể nào cả. Viêm là phản ứng kéo theo của các tổn thương tế  bào trong cơ thể. Cứ tế bào trong cơ thể bị tổn thương ở đâu thì ở đó sẽ hình thành một phản ứng viêm gây nên cảm giác đau nhức nóng ran cho cơ thể tại nơi đó.

Phản ứng viêm là gì?
Minh họa: Phản ứng viêm là gì?

Tuy viêm là quá trình sinh lí với mục đích bảo vệ cơ thể, nhưng khi biểu hiện viêm quá mức sẽ gây ra tình trạng bệnh lí. Trong phản ứng viêm có sự cân bằng giữa sự bảo vệ phát triển tế bào mới và sự phá hủy các tế bào đã bị tổn thương, đây là phản ứng viêm sinh lí, nếu như cán cân này nghiêng về phía phá hủy tế bào nhiều hơn, thì viêm này đã trở thành bệnh lí cần can thiệp.
Viêm là phản ứng của toàn bộ cơ thể nhưng lại biểu hiện tại một vị trí nhất định. Viêm là phản ứng không đặc hiệu gây ra bởi vô số các yếu tố cụ thể khác nhau, ở mọi vị trí hay cơ quan trong cơ thể. Mức độ nặng hơn, phản ứng viêm có thể lan tràn ra khắp cơ thể và gây ra viêm toàn thân.
Vậy các nguyên nhân thường gặp gây viêm là:
Bất cứ nguyên nhân nào làm tổn hại đến tế bào trong cơ thể, gây tổn thương hoặc chết tế bào đều có thể gây viêm như:

  • Nguyên nhân bên ngoài:

Chủ yếu liên quan đến các yếu tố cơ học như các tình trạng bị chấn thương, tạo ra vết thương hở hoặc không, nhiệt độ cao gây bỏng mô và da, các tia bức xạ độc hại như ánh nắng mặt trời (tia UV) hay phơi nhiễm với tia X, các chất độc hóa học từ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, khí đốt, acid mạnh,… Những tác nhân này sẽ làm hại tế bào lành của cơ thể, khiến cho một số tế bào bị tổn thương hoặc thậm chí vỡ ra, giải phóng các chất hóa học nội bào – yếu tố gây viêm nội sinh, để hoạt hóa phản ứng viêm, kêu gọi thực bào tại chỗ và sửa chữa ổ viêm.
Ngoài ra nguyên nhân còn là những loại vi sinh vật như nấm kí sinh, vi khuẩn hay virus,… Những tác nhân này được coi là những yếu tố bất thường xâm nhập, bị phát hiện bởi các tế bào bảo vệ liên tục tuần hành. Sự xâm nhập của các căn nguyên này vào bên trong cơ thể sẽ bị hệ thống miễn dịch chặn đứng lại, khu trú tại chỗ tạo thành ổ viêm bao trọn lấy tác nhân gây bệnh, tấn công, tiêu diệt chúng.

  • Nguyên nhân đến từ sự bất thường bên trong cơ thể:

Thiếu nguồn cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tế bào sống và hoạt động sẽ gây ra tổn thương làm hoại tử tế bào.
Sự bất thường của hệ thống miễn dịch, nhận diện nhầm các yếu tố lành trong cơ thể là các yếu tố lạ và tấn công làm tổn thương và hoại tử mô.
Các khối u ác tính thường gây tổn thương tế bào lành xung quanh, gây ra viêm.
Viêm được chia thành 2 loại theo thời gian viêm:

  • Viêm cấp: Là phản ứng viêm thường gặp trong hầu hết các trường hợp, đáp ứng nhanh, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, có sự tham gia của bạch cầu trung tính và đại thực bào, các chất trung gian hóa học, dọn dẹp ổ viêm và làm lành các tổn thương bằng cách hình thành mô sẹo.
  • Viêm mạn tính: Là phản ứng viêm thường gặp trong các cơ quan nội tạng. Phản ứng viêm này thường do sự tham gia của hệ thống tế bào miễn dịch của cơ thể, tăng sinh các mô xơ và hệ thống mạch máu.

Các yếu tố tham gia vào một phản ứng viêm hoàn chỉnh gồm: Bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm, tế bào mast, tiểu cầu, hệ thống protein huyết tương tham gia hình thành phản ứng viêm như hệ thống bổ thể, hệ thống kinin, hệ thống hình thành quá trình đông máu, các chất trung gian hóa học như histamine, serotonin, leukotrien, prostaglandin. Trong đó hệ thống protein tham gia phản ứng viêm thường tồn tại dưới dạng tiền hoạt động khi cơ thể bình thường. Chúng được hoạt hóa bởi các protease trong huyết tương tạo ra các dạng hoạt động để tham gia tích cực vào phản ứng viêm, tấn công tác nhân gây bệnh và có thể tấn công vào chính các tế bào lành của cơ thể.
4 giai đoạn chính của quá trình viêm gồm:

  • Rối loạn quá trình vận mạch.
  • Hình thành dịch gỉ viêm.
  • Bạch cầu xuyên mạch.
  • Bạch cầu thực bào.

Các triệu chứng điển hình của một tổn thương viêm là:

Các triệu chứng điển hình của một tổn thương viêm
Các triệu chứng điển hình của một tổn thương viêm

  • Sưng: Do hiện tượng giãn mạch quá mức dẫn tới phù nề mô tại chỗ. Nước thoát vào khoảng gian bào và ứ đọng tại chỗ nhiều nhằm cung cấp các yếu tố bảo vệ trong dòng máu vào tận nơi có nhiễm khuẩn.
  • Nóng: Do giãn mạch, tăng lượng máu đến, gia tăng các phản ứng chuyển hóa, tăng cường cung cấp  năng lượng cho bạch cầu hoạt động.
  • Đỏ: Chủ yếu là do quá trình giãn mạch tại chỗ viêm.
  • Đau: Do sự tổn thương tế bào tại ổ viêm.

Trong quá trình xảy ra phản ứng viêm, luôn luôn có sự gia tăng nồng độ của các protein gây viêm trong cơ thể, cùng với đó là quá trình bài tiết các dịch nhầy tại những nơi có tế bào tiết nhầy điển hình là mắt và đường dẫn khí. Sự gia tăng của những loại protein và peptid này tại những vị trí bị viêm nhiễm thường gây ra những thương tổn cho chính tế bào và tạo nên triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Đồng thời những yếu tố này làm cho phản ứng viêm, quá trình làm lành tổn thương trở nên kéo dài hơn. Do đó không chỉ xử lí nguyên nhân gây viêm, mà xử lí các yếu tố kéo theo phản ứng viêm cũng là điều quan trọng để cải thiện sức khỏe cho cơ thể.
Trong phản ứng viêm tại một số vị trí như đường hô hấp hay niêm mạc mắt, các tế bào bài tiết chất nhầy cũng được hoạt hóa để góp phần tham gia tích cực vào phản ứng viêm. Những chất nhầy dính có khả năng bắt giữ và tóm gọn những yếu tố gây bệnh. Tuy nhiên trong trường hợp những chất tiết này quá nhiều sẽ gây ra những tác dụng bất lợi cho chính cơ thể chúng ta. Giống như đờm đặc ở cổ họng sẽ tạo ra cảm giác kích ứng, khó chịu, khó thở và ho nhiều, hay những dịch tiết ở niêm mạc mắt sẽ cản trở tầm nhìn. Đặc biệt, trong phẫu thuật nhãn khoa, sự xâm nhập của các dụng cụ y tế vào mắt cũng khiến mắt lập tức tiết ra dịch nhầy để chống lại yếu tố ngoại lai. Việc dịch nhầy bám trên dụng cụ phẫu thuật cản trở rất nhiều tới thành công của quá trình, ngoài ra chúng còn là yếu tố nguy cơ gây viêm nhiễm các vị trí khác tại mắt và dụng cụ này chạm tới.
Tham khảo: Thuốc Alphachymotrypsin: Lịch sử nghiên cứu, tác dụng, cơ chế tác dụng

Tác dụng của Statripsine là gì?

Statripsine có chứa thành phần chính là Alpha – chymotrypsin. Đây là một enzyme được chiết xuất từ tụy bò, có bản chất là chuỗi peptid, được tổng hợp bằng cách hoạt hóa thành phần chymotrypsinogen – dạng không hoạt động thành chymotrypsin – dạng hoạt động. Chymotrypsin là tên gọi chung của hai dạng enzyme trong tụy gia súc là dạng chymotrypsin A và dạng chymotrypsin B, chúng được phân lập với tỉ lệ tương đương nhau.

Cơ chế phân cắt liên kết peptide trong một phân tử Alpha Chymotrypsine
Cơ chế phân cắt liên kết peptide trong một phân tử Alpha Chymotrypsine

Việc nảy sinh ý tưởng chiết xuất enzyme từ tụy bò được bắt đầu vào năm 1900. Nhưng ý tưởng lạ kì này có vẻ không khả thi và đã bị bác bỏ. Việc nghiên cứu lấy tụy bò và tách chiết vẫn được tiếp diễn, nhà khoa học đã phân lập được ít nhất là 2 loại enzyme trong tụy bò. Sau khi được xác nhận việc tồn tại của 2 loại enzyme khác ngoài trypsin trong thành phần dịch tụy, nghiên cứu này đã được chấp thuận và bắt đầu triển khai từ năm 1934. Sáu năm sau đó, các nhà khoa học đã hoàn thành cơ bản các nghiên cứu về tính chất hoạt động của enzyme chymotrypsin trên các cơ chất của nó.
Vai trò của chymotrypsin là rất điển hình trong đường tiêu hóa của cơ thể. Chymotrypsin là thành phần protein được bài tiết nhiều nhất ở thành phần tuyến tụy ngoại tiết, chúng là một thành phần của dịch tụy. Việc tiêu hóa thức ăn trong ruột cần sự tham gia thiết yếu của dịch tụy, chúng có chứa hầu hết các loại enzyme để thủy phân 3 loại chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể. Trong đó protid cũng là một thành phần được tiêu hóa và hấp thu, chúng được phân cắt chủ yếu bởi 3 loại enzyme tụy là trypsin, chymotrypsin và carboxypeptidase. Mỗi loại enzyme sẽ có đặc tính chọn lọc các vị trí cắt khác nhau trên một đoạn peptid khác nhau. Với Chymptrypsin, chúng thường lựa chọn phân cắt chuỗi peptid tại vị trí cạnh acid amin có chứa nhân thơm.
Tuy nhiên chymotrypsin được sử dụng trong thuốc này lại không nhằm mục đích tiêu hóa thức ăn, bởi chúng chủ yếu tham gia vào việc phân cắt các protein serin gây viêm và các glycopeptid – bản chất của các loại dịch tiết nhầy.
Sau khi sử dụng thuốc Statripsine, thuốc sẽ giải phóng chymotrypsin dưới dạng hoạt động tại ổ viêm, sau đó chúng sẽ tiếp nhận cơ chất là các protein gây viêm có chứa nhiều liên kết peptid tạo bởi acid amin có nhân thơm. Phản ứng thủy phân sẽ diễn biến thành 2 pha chính. Pha đầu tiên, phản ứng acyl hóa được thực hiện, tạo nên phức hợp acylenzym, gây ra sự liên kết của enzyme với cơ chất trong trung tâm hoạt động. Pha hai sẽ xảy ra phản ứng thủy phân cắt đứt liên kết ester của cơ chất nằm giữa 1 nhóm amino và 1 nhóm carboxy ở hai acid amin khác nhau trong cùng một đoạn peptid. Sau đó enzyme sẽ nhả cơ chất, thực hiện phản ứng deacyl của chính nó để giải phóng enzyme dưới dạng hoạt động và tiếp tục chu kì hoạt động mới để cắt đứt các liên kết của các chuỗi protein có hoạt tính trong phản ứng viêm. Kết quả là các protease hoạt hóa phản ứng viêm bị phân cắt, làm cho phản ứng viêm dần ngưng lại, ngăn cản quá trình làm tổn thương phá hủy tế bào lành, huy động bạch cầu tới ổ viêm để thực bào, dọn dẹp sạch ổ viêm, chuẩn bị các yếu tố để tái tạo mô, hình thành sẹo, làm lành tổn thương. Ngoài ra thuốc còn có khả năng cắt đứt hệ thống lưới fibrin bao cục máu đông nên làm tan được các cục máu bầm, máu tụ.
Trong phản ứng viêm, các tế bào tiết nhầy sẽ được thúc đẩy hoạt động để gia tăng tình trạng bài tiết các chất nhầy dính. Các chất này thường chằng chịt lại chỗ, gắn chắc với niêm mạc gây kích ứng và khó chịu, đặc biệt ở đường hô hấp và tại niêm mạc mắt, chúng sẽ làm giảm khả năng thị lực, đồng thời gây ra sự kích ứng ho và khó thở. Không chỉ có cơ chất là các protease hoạt hóa hệ thống protein tham gia hình thành phản ứng viêm, mà chymotrypsin còn có khả năng tiếp cận các loại cơ chất là các loại chất nhầy tại nơi xảy ra viêm như dịch tiết phế quản, dịch tiết nhãn khoa,… Bởi những dịch tiết này cũng có bản chất là các glycopeptid, nên chúng cũng dễ dàng bị thủy phân cắt đứt các liên kết ester trong phân tử peptid. Do đó chúng làm lỏng các dịch tiết này, khiến cho chúng bị cắt thành những đoạn ngắn không thể liên kết với nhau, dễ bị rửa trôi bởi niêm dịch. Từ đó thuốc làm giảm lượng dịch tiết này, hạn chế tác hại của những dịch tiết này đến cơ thể và quá trình phẫu thuật nhãn khoa.
Alpha chymotrypsin là thuốc hỗ trợ chống viêm, làm lỏng các dịch tiết nhầy, được sử dụng khá lâu trong việc chữa bệnh. Tuy hiện nay đã có nhiều nhóm thuốc khác thay thế nhưng alpha chymotrypsin vẫn có những ưu điểm mà con người vẫn muốn tận dụng nó.
Alpha chymotrypsin tồn tại trong huyết tương trong thời gian khá ngắn dưới 24 giờ. Bởi chúng bị bất hoạt bởi 1 enzym nội sinh có mặt trong cơ thể, có tên là anti trypsin. Vậy nên ở những người có suy giảm nồng độ của enzyme đối kháng với Alpha chymotrypsin trong cơ thể, hoạt tính của Alpha chymotrypsin sẽ gia tăng và kéo dài có thể gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể, điển hình là xuất huyết.
Tham khảo: Thuốc Mekocetin: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng

Công dụng thuốc Statripsine 4,2mg

Thuốc Statripsine có tác dụng hỗ trợ thuyên giảm phản ứng viêm
Thuốc Statripsine có tác dụng hỗ trợ thuyên giảm phản ứng viêm

Như vậy thuốc Statripsine có tác dụng quan trọng trong việc hỗ trợ làm thuyên giảm phản ứng viêm. Chúng tham gia vào việc cắt đứt 1 trong những khâu quan trọng hình thành phản ứng viêm bằng cách thủy phân một số liên kết ester của các protease đặc hiệu (yếu tố hoạt hóa hệ thống protein gây viêm) làm mất hoạt tính của những phân tử này. Từ đó phản ứng viêm không thể tiếp diễn.
Bên cạnh đó chúng còn làm giảm tình trạng dịch nhầy chằng chịt tại chỗ niêm mạc nơi xảy ra phản ứng viêm, làm lỏng dịch nhầy, giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ những chất nhầy dính này.
Ngoài ra thuốc còn hỗ trợ đắc lực trong phẫu thuật nhãn khoa.

Chỉ định của thuốc Statripsine

Thuốc được chỉ định chủ yếu trong các trường hợp:

  • Hỗ trợ điều trị tình trạng viêm do nhiễm khuẩn như viêm da và mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.
  • Hỗ trợ điều trị ho có đờm.
  • Hỗ trợ trong phẫu thuật nhãn khoa.
  • Chống viêm, sử dụng sau khi phẫu thuật.
  • Chống phù nề trong các trường hợp chấn thương mô mềm.
  • Phá tan cục máu đông, vết bầm tím.

Cách sử dụng thuốc Statripsine

Cách dùng thuốc Statripsine

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, tuy nhiên thuốc có bản chất là chuỗi peptid nên khi vào trong dạ dày thuốc sẽ bị phân cắt thành các acid amin làm mất hết tác dụng của thuốc. Do đó người bệnh chỉ dùng thuốc bằng cách đặt viên dưới lưỡi và ngậm. Để thuốc tan từ từ trong lưỡi.
Khi dùng thuốc, bệnh nhân lưu ý không được nhai thuốc, uống nước hay nuốt thuốc vì sẽ đưa một lượng thuốc đáng kể xuống đường tiêu hóa làm giảm nồng độ của thuốc đi vào tuần hoàn chung.

Liều dùng thuốc Statripsine

Liều thông thường để chống viêm, giảm phù nề, làm lỏng dịch tiết: N
gậm dưới lưỡi 4 viên đến 6 viên mỗi ngày, mỗi lần ngậm từ nửa viên đến 1 viên, để cho viên tan từ từ dưới lưỡi. Người bệnh có thể sử dụng thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Thời gian sử dụng thuốc thường tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu không thì người bệnh sẽ dùng thuốc trong khoảng vài ngày, dừng thuốc khi thấy triệu chứng viêm đã thuyên giảm đáng kể.

Tác dụng phụ của thuốc Statripsine

Thời gian bất hoạt và thải trừ của thuốc khá nhanh, đo nồng độ của thuốc trong máu vào thời điểm 24 giờ đến 48 giờ không phát hiện nồng độ đáng kể của thuốc khi dùng ở mức liều điều trị. Do đó thuốc có khả năng gây ra tác dụng phụ nhưng các tác dụng phụ này sẽ giảm và hết nhanh theo sự giảm nồng độ thuốc có hoạt tính trong huyết tương.
Do thuốc có nguồn gốc từ tụy bò nên có thể gây ra phản ứng dị ứng trong một số trường hợp dùng liều cao. Phản ứng dị ứng thường có những biểu hiện như xuất hiện mẩn ngứa, ban đỏ trên da.
Trên tiêu hóa: đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, thay đổi màu sắc phân, thay đổi mùi của phân.

Chống chỉ định của thuốc Statripsine

Đối với những người quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc và tá dược.
Đối với những người có giảm nồng độ anti trypsin – 1 (enzyme tham gia vào việc bất hoạt chymotrypsin trong huyết tương) như các bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, bệnh nhân có khí phế thũng, hội chứng thận hư,…

Tương tác với của thuốc Statripsine các thuốc và sản phẩm khác

Không dùng cùng với các thuốc chống đông máu do làm gia tăng tác dụng và độc tính của thuốc, có thể gây ra tình trạng xuất huyết.
Không dùng cùng với các thuốc long đờm khác như acetylcystein.
Khi sử dụng thuốc, người bệnh nên bổ sung thêm vào bữa ăn các loại thức ăn giàu vitamin và khoáng chất như các loại rau xanh, sữa,… để làm gia tăng hoạt tính của thuốc.

Chú ý và thận trọng khi dùng thuốc Statripsine

Chú ý

Trong quá trình ngậm thuốc dưới lưỡi, người bệnh không nên uống kèm với nước, có thể uống nước sau khi viên thuốc đã tan hoàn toàn dưới lưỡi. Để hạn chế sự bất tiện này, người bệnh có thể ngậm viên thuốc sau khi uống nước, điều này vừa làm giảm tần suất khát nước, vừa gia tăng khả năng hòa tan và hấp thu dược chất vào vòng tuần hoàn chung.
Đây là thuốc kê đơn, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thận trọng

Đối với những bệnh nhân đang có loét dạ dày tá tràng.
Đối với bệnh nhân đang có tình trạng xuất huyết trong đường tiêu hóa bao gồm xuất huyết dạ dày, xuất huyết trực tràng, chảy máu trĩ.
Đối với bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu, người mắc bệnh ưa chảy máu.
Đối với bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân có dị ứng với các thuốc có bản chất protein.

Ảnh hưởng của thuốc Statripsine lên phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú

Đối với phụ nữ có thai: Hiện nay chưa có những bằng chứng an toàn về sử dụng thuốc này trên một số đối tượng bệnh nhân đặc biêt. Do không nắm chắc được mức độ nguy cơ nên thuốc được khuyến cáo không nên sử dụng trên phụ nữ có thai. Đặc biệt là trong thời kì 3 tháng cuối và gần lúc sinh. Bởi việc sử dụng thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ chảy máu trên mẹ, giảm cung cấp máu cho thai nhi, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai kì.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Khi sử dụng thuốc có thể ngưng cho con bú tạm thời trong vài ngày sử dụng thuốc.

Thuốc Statripsine giá bao nhiêu?

Vỉ thuốc Statripsine
Hình ảnh: Vỉ thuốc Statripsine

Hiện nay, giá thuốc Statripsine được bán với giá dao động khoảng 60.000 đồng đến 70.000 đồng 1 hộp gồm 2 vỉ x 10 viên nén.
Trên đây chỉ là mức giá tham khảo. Gía bán có thể khác nhau tại những cơ sở bán thuốc khác nhau. Khi mua thuốc, người bệnh nên mang theo đơn thuốc được kê bởi bác sĩ để mua được đúng loại thuốc cần dùng.

Thuốc Statripsine stada bán ở đâu Hà Nội và Tp HCM?

Thuốc Statripsine alphachymptrypsin có bán ở hầu khắp các nhà thuốc trên toàn quốc. Người mua có thể mua thuốc ở các nhà thuốc uy tín như nhà thuốc Lưu Anh, nhà thuốc Ngọc Anh. Bên cạnh hình thức mua thuốc truyền thống tại nhà thuốc, người mua có thể tham khảo trang web của nhà thuốc và mua thuốc trực tuyến bằng cách liên hệ trực tiếp qua số hotline trên màn hình để được tư vấn hỗ trợ và giao hàng tận nơi.

Thuốc Statripsine có dùng được cho bà bầu không?

Hiện nay, các nghiên cứu lâm sàng sử dụng Statripsine trên đối tượng phụ nữ đang mang thai còn đang thiếu các dữ liệu. Do đó việc sử dụng thuốc không thể loại trừ chắc chắn các nguy cơ xảy ra trên thai nhi bao gồm các dị tật bẩm sinh hoặc sự thiếu sót trong phát triển cơ quan.
Đồng thời việc sử dụng thuốc trong 3 tháng cuối thai kì và gần đến lúc sinh sẽ làm gia tăng nguy cơ chảy máu cho mẹ. Những tác dụng phụ vừa đề cập trên đây thường chưa được các dữ liệu ghi nhận. Thuốc được sử dụng ngắn ngày và tương đối an toàn hơn so với các thuốc chống viêm khác.
Vậy nên khi sử dụng thuốc cần phải tham khảo tư vấn của bác sĩ, phân tích kĩ lưỡng những lợi ích hay nguy cơ gặp phải khi sử dụng thuốc.
Trong quá trình sử dụng thuốc nếu cần thiết, người bệnh cần tự theo dõi những dấu hiệu bất thường để xử trí kịp thời.
Hi vọng qua bài viết trên, Heal Central đã cung cấp đầy đủ những thông tin về cách sử dụng thuốc an toàn cho độc giả.

Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây