Thuốc ho Theralene 5mg có phải kháng sinh? Chống chỉ định & SĐK

Đánh giá post

Bạn có từng bị áp lực cuộc sống hoặc những vẫn đề khác làm mất ngủ, lo lắng?
Bạn có phải là người có cơ địa dị ứng với phấn hoa, mùi, khói bụi hay thậm chí là không rõ nguyên nhân?
Hai vấn đề trên gần như hoàn toàn không liên quan gì đến nhau nhưng bạn có biết thực chất chúng đều chịu sự chi phối của một loại receptor có tên là thụ thể histamin nhóm 1 (thụ thể H1). Thực tế thụ thể này có mặt ở khá nhiều cơ quan trong cơ thể, có tác dụng làm co thắt cơ trơn của phế quản và cơ trơn ruột, làm tăng tính thấm mạch máu và kích thích thần kinh gây ngứa…
Vì hai vấn đề trên chịu sự chi phối chung của một loại receptor nên các nhà khoa học đã tìm ra cách để có thể giải quyết cả hai cùng một lúc. Và dưới đây Heal Central xin mang đến cho độc giả một loại thuốc điển hình cho hai tác dụng kể trên: Thuốc Theralene.

Theralene là thuốc gì?

Thuốc Theralene dạng siro
Hình ảnh: Thuốc Theralene dạng siro

Theralene là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc chống dị ứng và thuốc chống các phản ứng quá mẫn.
Thực tế Theralene được dùng trong các trường hợp bệnh nhân bị mất ngủ do lo lắng mệt mỏi hoặc bị các triệu chứng dị ứng như viêm mũi, viêm kết mạc, nổi mẩn ngứa mề đay, ho khan hoặc ho dị ứng do nhiều nguyên nhân (như bụi, phấn hoa, thời tiết …).
Trên thị trường hiện nay có 2 loại Theralene khác nhau với 2 dạng bào chế khác nhau nhưng đều là sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanofi – Aventis của Việt Nam. Cụ thể như sau:

Thuốc Theralene 5mg

Thuốc Theralene này có dạng viên nén bao phim, mỗi viên gồm 5 mg Alimemazin (dưới dạng Alimemazin tartrat) cùng các tá dược vừa đủ 1 viên. Mỗi hộp Theralene 5g sẽ có 40 viên thuốc và chia thành 2 vỉ.

Thuốc Theralene siro

Dạng thuốc Theralene này là dạng siro cũng chứa thành phần Alimemazin. Mỗi chai Theralene Siro 90ml sẽ có thành phần Alimemazin hàm lượng là 0.050g/100ml.
Siro điều trị mất ngủ và các triệu chứng dị ứng Theralene (90ml).
Tham khảo: Thuốc Kacerin: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng

Số đăng ký thuốc Theralene 5mg

Thuốc Theralene loại viên nén bao phim 5mg và dạng siro sẽ có số đăng kí là khác nhau.
Thực tế 2 thuốc này đều đủ điều kiện đăng kí là thuốc tại Việt Nam.
Thuốc Theralane đã được trải qua sự kiểm nghiệm của Bộ Y tế và được cấp số đăng ký đối với sản phẩm dạng viên nén là VD-23403-15, còn với đối dạng siro là VD-24037-15.
Tham khảo: Thuốc Desloratadine: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng

Một số thuốc khác có thành phần Alimemazin

Siro Alimemazin DHG

Siro Alimemazin DHG
Hình ảnh: Siro Alimemazin DHG

Alimemazin DHG là một loại thuốc chống dị ứng, điều trị mất ngủ và giảm ho.
Tương tự như Theralene Siro, Siro Alimemazin DHG cũng được bào chế dưới dạng siro với hàm lượng là 50mg/100ml và cũng được đóng gói dưới dạng chai 90ml.
Siro Alimemazin được sản xuất ở Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang – top 2 công ty dược phẩm lớn nhất nước ta. Số đăng kí của Alimemazin Siro DHG là VNB-1107-02.

Acezin DHG 5

Thuốc Acezin DHG 5
Hình ảnh: Thuốc Acezin DHG 5

Acezin DHG 5 cũng có công dụng, chỉ định, dược chất và nhà sản xuất tương tự như Siro Alimemazin DHG.
Tuy nhiên Acezin DHG 5 lại có dạng bào chế giống Theralene 5mg, thuốc này được bào chế dưới dạng viên nén, mỗi viên này cũng có hàm lượng hoạt chất Alimemazin (dưới dạng Alimemazin Tartrat) 5mg.
Mỗi hộp Acezin DHG 5 có 50 viên thuốc, được đóng thành 2 vỉ.
Số đăng kí của Acezin DHG 5 là VD-22364-15.

Themaxtene 5mg

Thuốc Themaxtene 5mg
Hình ảnh: Thuốc Themaxtene 5mg

Themaxtene cũng là một thuốc chống dị ứng và quá mẫn, thành phần hoạt chất chính của Themaxtene vẫn là Alimemazin, cũng có hàm lượng là 5mg nhưng đây lại là một thuốc do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha – VIỆT NAM sản xuất.
Thuốc Themaxtene có 2 dạng đóng gói chính: dạng hộp 50 viên được đóng trong 2 vỉ và dạng lọ trong đó có 100 viên.
Số đăng kí của thuốc Themaxtene là VNB-2311-04.
Vì tên của thuốc này khá giống với Theralene nên bạn cần chú ý phân biệt.

Thuốc Theralene có tác dụng gì?

Cả 2 loại thuốc Theralene dạng viên uống (Theralene 5mg) và dạng siro (Theralene Siro) đều có hoạt chất chính là Alimemazin, do vậy chúng đều có tác dụng tương tự nhau, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở dạng bào chế nên dạng siro sẽ dùng được cho nhiều đối tượng hơn mặc dù cách uống thuốc này có thể sẽ khác biệt hơn và cách đo liều lượng cũng khó hơn dạng viên uống. Các tác dụng của thuốc này đều dựa trên hoạt chất chính của chúng – Alimemazin. Hãy cùng tìm hiểu một vài điều cơ bản về hoạt chất Alimemazin có trong thuốc này.

Alimemazin là thành phần chính tạo nên tác dụng của thuốc Theralene
Alimemazin là thành phần chính tạo nên tác dụng của thuốc Theralene

Alimemazin còn được gọi với tên khác là Trimeprazine. Đây là một dẫn chất của Phenothiazin. Chất này được xem là một thuốc ức chế thụ thể histamin H1 và thụ thể Serotonin rất mạnh. Các thụ thể histamin và serotonin này có vai trò rất lớn trong việc co thắt cơ trơn phế quản (góp phần gây ra phản ứng ho), kích thích thần kinh gây ngứa (tạo nên cảm giác ngứa ngáy khó chịu trên da, niêm mạc và một số cơ quan khác).
Bạn có thể hiểu một cách đơn giản là khi histamin (một chất hóa học có trong cơ thể) được sản sinh và gắn với thụ thể của nó trên các tế bào trong cơ thể (gọi là các thụ thể của histamin H1) thì sẽ kích thích tạo ra các phản ứng nói trên. Còn khi Alimemazin gắn vào các thụ thể trên thay thế cho Histamin thì chúng sẽ tạo nên các tác dụng ngược lại. Nói tóm lại, tức là khi dùng Alimemazin thì bệnh nhân sẽ giảm ngứa, mề đay do dị ứng, giảm ho do bớt co thắt cơ trơn phế quản.
Alimemazin còn có khả năng an thần, tạo cảm giác buồn ngủ nhờ 2 cơ chế chính:

  • Thứ nhất là nhờ tác dụng ức chế enzym phân hủy histamin trong hệ thần kinh trung ương có tên: Histamin N – methyltransferase.
  • Thứ hai là tác dụng chẹn các receptor nằm ở trung tâm tiết histamin và receptor serotoninergic. Chính nhờ tác dụng này mà Alimemazin đang được dùng trong một số chế phẩm khác để làm thuốc tiền mê.

Một số công ty và doanh nghiệp dược còn nghiên cứu bào chế dạng khác của Alimemazin để làm thuốc chống nôn mặc dù cơ chế tác dụng của Alimemazin trong trường hợp này còn chưa được kiểm chứng thực nghiệm.
Alimemazin được hấp thu qua đường tiêu hóa một cách nhanh chóng sau khi uống chỉ khoảng 15 đến 20 phút nhưng có tác dụng kéo dài trong khoảng 6 đến 8 giờ sau đó. Thời gian bán thải của thuốc cũng khá nhanh, chỉ khoảng 3,5 đến 4 giờ nên thuốc nhanh chóng được thải trừ qua thận ở dạng sulfoxid.
Tham khảo: [SỰ THẬT] Cường Phế có thực sự tốt không? Tác dụng và cách dùng

Thuốc Theralene có phải kháng sinh không?

Thuốc Theralene hoàn toàn không phải là một thuốc kháng sinh, đây là một thuốc có tác dụng ức chế cảm giác ho, cảm giác ngứa và có tác dụng an thần, gây ngủ.
Nếu như các kháng sinh có thể điều trị căn nguyên của bệnh do vi khuẩn gây ra nhưng Theralene chỉ tập trung vào điều trị những triệu chứng khó chịu của bệnh nhân mà không giải quyết được nguyên nhân gây ra bệnh.
Như vậy, nếu bệnh nhân viêm nhiễm hầu họng, bị viêm phế quản, viêm họng hay bất kì nguyên nhân nào mà bị ho, sử dụng Theralene thấy đỡ thì không có nghĩa là thuốc này là kháng sinh tiêu diệt được vi khuẩn rồi mà nó chỉ ức chế phản xạ ho khiến bệnh nhân không ho nữa thôi. Những trường hợp này, bệnh nhân vẫn cần sử dụng thêm kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Đối tượng sử dụng thuốc Theralene

Đối tượng sử dụng của thuốc Theralene
Đối tượng sử dụng của thuốc Theralene

Có 3 nhóm bệnh nhân chính thường được chỉ định dùng Theralene bao gồm:

  • Bệnh nhân thỉnh thoảng bị mất ngủ, hoặc mất ngủ do lo lắng hoặc sang chấn tâm lý thoáng qua.
  • Bệnh nhân bị dị ứng với các biểu hiện viêm mũi, viêm kết mạc mắt, trên da như nổi mề đay, mẩn ngứa.
  • Các bệnh nhân bị dị ứng nên ho quá nhiều, đặc biệt là về chiều và đêm.

Cách sử dụng thuốc Theralene

2 dạng thuốc Theralene có dạng bào chế khác nhau nên cách sử dụng thuốc và liều dùng thuốc cũng có sự khác nhau nhất định, cụ thể như sau:

Với thuốc Theralene 5mg

Cách dùng

Theralene 5mg có dạng viên nén bao phim chứa hoạt chất Alimemazin, viên thuốc lại khá nhỏ và được bao phim do vậy thuốc này khá dễ uống với đa số bệnh nhân.
Bệnh nhân chỉ cần chuẩn bị sẵn một cốc nước ấm và sử dụng thuốc với cốc nước đó. Tuy nhiên lưu ý là bệnh nhân không được uống thuốc cùng với các nước có ga hay nước có cồn vì tương tác thuốc có thể xảy ra (xem thêm ở phần tương tác thuốc bên dưới).
Thuốc Theralene 5mg có tác dụng gây buồn ngủ nên bệnh nhân nên uống trước khi đi ngủ là tốt nhất để không ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày mà lại có giấc ngủ ngon hơn.
Thuốc chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ và chỉ nên dùng ngắn ngày, không nên kéo dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ khác (xem phẩn tác dụng phụ bên dưới).

Liều dùng

Liều dùng tham khảo cho bệnh nhân là:
Dùng với tác dụng kháng histamin và chống ho dị ứng: Mỗi ngày bệnh nhân uống từ 2 đến 4 liều tùy chỉ định của bác sĩ.
Với người lớn thì mỗi lần như vậy bệnh nhân uống 1 đến 2 viên.
Với trẻ em từ 6 tuổi trở lên và cân nặng trên 20 kg: Mỗi lần chỉ uống 1 nửa đến 1 viên theo hướng dẫn và giám sát của người nhà.
Dùng với tác dụng an thần gây ngủ: Mỗi đối tượng chỉ uống 1 lần duy nhất mỗi ngày trước khi đi ngủ với liều dùng khác nhau:

  • Với người lớn: Mỗi lần uống khoảng 1 đến 4 viên.
  • Với trẻ em trên 6 tuổi: 0,25 đến 0,5mg/kg, tức là
  • Nếu trẻ nặng từ 20 đến 40 kg ( tức là từ 6 đến 10 tuổi): Mỗi lần uống 1 viên.
  • Nếu trẻ nặng từ 40 đến 50 kg ( tức là từ 10 đến 15 tuổi): Mỗi lần uống 2 viên.

Với thuốc Thealene Siro

Cách dùng

Cách sử dụng thuốc Theralene
Cách sử dụng thuốc Theralene

Thealene Siro được bào chế dưới dạng siro, thuận tiện hơn rất nhiều cho những bệnh nhân đang bị khó nuốt, đặc biệt là những bệnh nhân đang bị ho, đau rất họng và đối tượng người già, trẻ em.
Tuy nhiên dạng bào chế này đòi hỏi người sử dụng thuốc phải biết cách đong đếm liều lượng thuốc sao cho phù hợp, tránh quá liều gây tác dụng phụ hay thiếu liều khiến việc dùng thuốc không hiệu quả.
Tốt nhất bạn nên đo lượng thuốc cần uống bằng cốc đo có vạch đi kèm và uống trực tiếp. Sau khi uống thuốc thì tráng lại cốc đo bằng nước ấm và uống luôn để tránh thiếu liều.
Thuốc Theralene Siro có tác dụng gây ngủ nên bệnh nhân nên uống trước khi đi ngủ là tốt nhất để không ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày mà lại có giấc ngủ ngon hơn.
Thuốc chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ và chỉ nên dùng ngắn ngày, không nên kéo dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ khác (xem phẩn tác dụng phụ bên dưới).

Liều dùng

Liều dùng tham khảo cho bệnh nhân là:
Dùng với tác dụng kháng histamin và chống ho dị ứng: Mỗi ngày bệnh nhân uống từ 2 đến 4 liều tùy chỉ định của bác sĩ.
Với người lớn thì mỗi lần như vậy bệnh nhân uống 10 đến 20 ml siro.
Với trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên: Mỗi lần chỉ uống 0,25 đến 0,5ml/kg cân nặng dưới sự hướng dẫn và giám sát của người lớn.
Dùng với tác dụng an thần gây ngủ: Mỗi đối tượng chỉ uống 1 lần duy nhất mỗi ngày trước khi đi ngủ với liều dùng khác nhau:

  • Với người lớn: Mỗi lần uống khoảng 10 đến 40ml siro.
  • Với trẻ em trên 3 tuổi: 0,5 đến 1ml siro /kg cân nặng.
  • Với trẻ em từ 2 đến 3 tuổi: Dùng thuốc hoàn toàn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chống chỉ định của thuốc Theralene

Những bệnh nhân không được dùng Theralene bao gồm:
Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với các thuốc kháng histamin các thế hệ, ví dụ như Loratadin, cetirizin hydroclorid, fexofenadin, brompheniramin maleat, diphenhydramin hydroclorid,…
Các bệnh nhân có tiền sử thiếu hụt bạch cầu hạt, bao gồm bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu ưa acid, bạch cầu ưa base.
Bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan thận cũng không được sử dụng Theralene do có thể bị tích lũy thuốc gây độc cho cơ thể.
Các bệnh nhân bị thiểu niệu do các nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới cũng không nên dùng Theralene.
Các bệnh nhân có dấu hiệu bệnh thần kinh như động kinh, Parkinson, … cũng chống chỉ định dùng Theralene.
Các bệnh nhân đang điều trị thuốc an thần nhóm barbituric, thuốc an thần gây nghiện nhóm opioic, hoặc đang dùng rượu mà bị quá liều thì không được dùng Theralene.
Trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu và phụ nữ đang cho con bú không dùng được sản phẩm này.

Tác dụng phụ của thuốc Theralene

Một số tác dụng phụ phải kể tới của Theralene bao gồm:
Vì thành phần Alimemazin cũng có tác dụng ức chế nhất định lên thụ thể Cholinergic ngoại vi (mặc dù tác dụng này rất yếu) nên một số bệnh nhân có biểu hiện khô miệng, nhìn mờ hoặc thậm chí là bí tiểu tiện hoặc táo bón.
Một số bệnh nhân bị dị ứng với các thành phần của thuốc với các biểu hiện nổi mẩn ngoài da (các mức độ từ đỏ, mẩn ngứa, ban xuất huyết đến đốm xuất huyết trên da); một số bệnh nhân gặp tình trạng sưng phù mặt và cổ mức độ nặng (gọi là phù Quincke), hiếm gặp có thể bị sốc phản vệ.
Đã từng ghi nhận trường hợp trẻ em bị ngừng hô hấp khi dùng thuốc, trường hợp này cần cấp cứu hô hấp nhân tạo cho trẻ ngay lập tức và đưa đến cơ sở y tế để kịp thời can thiệp.
Có hiện tượng da có phản ứng mẫn cảm ánh nắng nhưng có hồi phục khi ngừng thuốc.
Đã ghi nhận có bệnh nhân bị bạch cầu nghiêm trọng trong máu với biểu hiện là sốt, sốt không nghỉ hoặc lặp lại kèm theo / không kèm theo các biểu hiện nhiễm khuẩn.
Ghi nhận có bệnh nhân còn giảm cả tiểu cầu một cách bất thường trong máu (thiếu một lượng lớn) và có thể phát hiện khi bằng chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng khó cầm máu.
Một số tác dụng trên thần kinh trung ương như buồn ngủ, giảm tỉnh táo, một số bệnh nhân có thể còn giảm trí nhớ hoặc chóng mặt, thậm chí là lú lẫn (thường gặp ở bệnh nhân là người già), hiếm gặp hơn, bệnh nhần còn có thể bị loạn thị giác, co giật.

Chú ý và thận trọng khi dùng Theralene

Trong thuốc Theralene dạng siro có 4,8% độ cồn sẵn có để duy trì dạng dược dụng của thuốc. Do vậy bệnh nhân đang bị ngộ độc rượu cần chú ý. Đồng thời khi dùng thuốc không nên dùng thêm các loại chất có cồn khác.
Nếu bệnh nhân bị sốt không rõ nguyên nhân đột ngột hoặc dai dẳng mà kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn khi đang dùng thuốc thì cần báo với bác sĩ đề phòng trường hợp giảm bạch cầu hạt.
Đề phòng trường hợp bệnh nhân bị dị ứng: Do thuốc Theralene thuộc nhóm thuốc điều trị dị ứng và quá mẫn, do vậy nếu biểu hiện dị ứng còn diễn ra thì chứng tỏ có vấn đề với chỉ định này, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để can thiệp.
Thực tế Theralene không phải là thuốc chữa nguyên nhân gây ho. Đặc biệt bạn cần phải hiểu ho là phản ứng của cơ thể để đẩy các dị vật trên đường thở ra ngoài, bao gồm cả vi khuẩn, virus, các kí sinh trùng … bao gồm cả đờm do đường thở tiết ra. Do vậy nếu hạn chế ho thì các vi sinh vật và chất này rất dễ bị ứ lại và gây bệnh. Đặc biệt ở bệnh nhân ho có đờm thì dùng Theralene làm cho đờm bị ứ lại, có thể gây ùn tắc ở phế quản và gây viêm nặng hơn. Cần hỏi ý kiến bác sĩ để xử lý trong trường hợp này.
Không nên kết hợp dùng thuốc chống ho Theralene với các thuốc long đờm vì như vậy chỉ làm đờm nhanh ứ tắc hơn.
Khi dùng với bệnh nhân bị mất ngủ, cần chú ý dùng cho đối tượng trẻ nhỏ để tìm nguyên nhân gây mất ngủ trước đó đã rồi mới quyết định nên dùng thuốc hay không.
Các đối tượng sau cần thận trọng khi dùng thuốc:

  • Bệnh nhân làm những công việc cần đòi hỏi tập trung cao độ như người điều khiển các phương tiện máy móc, thiết bị, điều khiển phương tiện giao thông.
  • Bệnh nhân đã từng bị co giật hoặc động kinh trước đó.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch.
  • Bệnh nhân bị táo bón, hay chóng mặt và tụt huyết áp.
  • Bệnh nhân bị tiểu đường (vì trong thành phần thuốc có chứa đường saccarose).

Tương tác của thuốc Theralene với các thuốc khác

Các tương tác có hại của Theralene với các thuốc khác bao gồm:
Rượu bia và các chất uống có cồn khác: Tương tác này làm tăng tác dụng an thần gây ngủ của Alimemazin. Do đó nếu bệnh nhân đang điều khiển phương tiện giao thông và máy móc thì sẽ rất dễ bị tai nạn.
Dạng siro của Theralene có thành phần cồn 4,8%, do vậy các thuốc mà phản ứng với cồn tạo disulfiram sẽ cần tránh dùng chung với Theralene. Các thuốc này bao gồm:

  • Thuốc Cefamandole (kháng sinh Cephalosporin).
  • Latamoxef – kháng sinh nhóm Beta lactam phổ rộng.
  • Chloramphenicol: Kháng sinh nhóm Phenicol.
  • Chlorpropamide, tolbutamide và glibendamide : Thuốc điều trị tiểu đường nhóm Sulfonyl ure.
  • Griseofulvine – Một thuốc dùng trong điều trị bệnh da liễu.
  • Ornidazole, secnidazole, tinidazole và ketoconazole – kháng sinh thuộc nhóm 5-nitroimidazole.
  • Đặc biệt, thuốc sultopride (thuốc chống loạn thần không điển hình của nhóm hóa chất benzamide) dùng chung với Alimemazin có nguy cơ rối loạn hoạt động tim có thể nhìn thấy trên điện tâm đồ như xoắn đỉnh, loạn nhịp tim.

Thuốc Theralene có dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú được không?

Đối với phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai giai đoạn cuối thai kì rất dễ bị mất ngủ. Rất may cho các bệnh nhân này là Theralene đã được chứng minh là có thể dùng cho bệnh nhân ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kì. Tuy nhiên bệnh nhân không được lạm dụng thuốc này, chỉ được dùng dưới chỉ định của bác sĩ với liều lượng hợp lý và thời gian dùng thuốc không quá 4 ngày.
Nếu bà mẹ lạm dụng thuốc trong các tháng cuối thai kì, thai nhi sinh ra có thể mắc các bệnh lý khác bất lợi cho chúng. Do vậy đối tượng này cần phải hỏi bác sĩ kĩ để cân nhắc liều lượng và tuyệt đối không lạm dụng, không dùng quá liều. Các bà mẹ mang thai 3 tháng đầu cũng tuyệt đối không dùng thuốc vì có bằng chứng cho thấy tác dụng không mong muốn cho cả mẹ và bé nếu dùng như vậy.

Đối với phụ nữ đang cho con bú

Thực tế nghiên cứu cho thấy Alimemazin rất dễ tiết vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì thuốc này có khả năng gây ngủ nên bé uống sữa mẹ lúc này sẽ bị ngủ lịm đi hoặc mất trương lực cơ và hoàn toàn có nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn như một người bình thường uống thuốc, điều này là rất nguy hiểm.

Cách xử trí khi quá liều thuốc Theralene

Bệnh nhân dùng quá liều Theralene có thể bị co giật (đặc biệt nếu trẻ em bị quá liều), một số bệnh nhân bị rối loạn tri giác như mất phản xạ nghe nhìn, cảm giác choáng váng, hôn mê và buồn ngủ, huyết áp bị tụt và nhịp tim loạn, thân nhiệt hạ.
Các bệnh nhân này cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Thuốc Theralene giá bao nhiêu?

Thuốc Theralene 5mg

Hộp thuốc Theralene 5mg
Hình ảnh: Hộp thuốc Theralene 5mg

Mỗi hộp Theralene 5mg có 2 vỉ, mỗi vỉ 20 viên sẽ có giá rất rẻ, chỉ khoảng 500 đồng 1 viên, 1 hộp là 20.000 đồng.

Thuốc Theralene Siro

Hộp thuốc Theralene Siro
Hình ảnh: Hộp thuốc Theralene Siro

Mỗi hộp Theralene Siro gồm 1 lọ 90ml thuốc. Mỗi hộp này sẽ có giá là 15.000 đồng.
Giá tiền như vậy là hoàn toàn hợp lý và có thể coi là rẻ với một loại thuốc có khá nhiều tác dụng tốt như Theralene. Tuy nhiên các tác dụng phụ của loại thuốc trên cũng là không nhỏ. Do vậy bệnh nhân cần chú ý không được vì thấy thuốc rẻ mà nghĩ uống nhiều không việc gì, đặc biệt là những bệnh nhân mất ngủ, bởi các tác dụng phụ hoàn toàn có thể xảy ra và quá liều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bản thân  người dùng.

Thuốc Theralene mua ở đâu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng?

Do nhu cầu của rất nhiều bệnh nhân về chữa trị dị ứng và mất ngủ một cách nhanh chóng, hiện nay Theralene nói riêng và các chế phẩm có thành phần Alimemazin nói chung đều rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Bạn có thể dễ dàng mua được thuốc này ở các cửa hàng thuốc tây trên thị trường. Dưới đây là một số điểm có bán Theralene uy tín chất lượng mà giá cả phải chăng các bạn có thể tham khảo:

Tại Hà Nội

Nhà thuốc bệnh viện Da liễu Trung ương, nhà thuốc bệnh viện Bạch Mai, các quầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhà thuốc Minh Tâm, nhà thuốc Hạnh Phúc, nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Hiền Hà…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh

Các nhà thuốc bệnh viện Từ Dũ, nhà thuốc bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Chợ Rẫy, nhà thuốc bệnh viện Nhiệt đới, nhà thuốc Long Châu, nhà thuốc Pharmacity…

Tại Đà Nẵng

Nhà thuốc bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nhà thuốc Phước Thiện, Nhà thuốc Hưng Thịnh, nhà thuốc Minh Huyền ….

Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây