[CHIA SẺ] Chụp CT não có ảnh hưởng gì không? Giá bao nhiêu?

5/5 - (1 bình chọn)

Chụp CT não là một phương pháp ngày càng được phổ biến và mang lại những lợi ích lớn trong chẩn đoán và chữa bệnh hiện nay. Dưới đây sẽ là những kiến thức cơ bản về chụp CT sọ não để mọi người có thể hiểu đúng và hiểu đủ về phương pháp này.

Chụp CT (cắt lớp) não là gì?

Chụp CT (cắt lớp) – tên tiếng anh là Computed Tomography Scan là kỹ thuật sử dụng rất nhiều tia X quét lên một bộ phận của cơ thể theo lát cắt ngang, thông qua quá trình xử lý bằng máy tính để đưa ra các hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều về bộ phận đã chụp. Ở đây, chụp CT não là dùng tia X quét xung quanh vùng đầu của bệnh nhân để đưa được ra các hình ảnh về hộp sọ và các mô não bên trong một cách chính xác nhất

Trường hợp nào được chỉ định chụp CT não?

Các trường hợp được bác sĩ chỉ định chụp CT não bao gồm:

  • Những bệnh nhân có các dị tật bẩm sinh ở vùng đầu hoặc não, ví dụ: các bất thường về kích thước, chứng não to, tật không có hồi não (não trơn), teo một bên bán cầu….
  • Các loại viêm não, viêm màng não, áp xe não, lao não và màng não, các bệnh lý nhiễm trùng ở não
  • Các trường hợp bị nghi ngờ có khối u trong não (có thể là khối u lành tính hoặc ác tính)
  • Có các bất thường trong cấu trúc não như tật dính liền khớp sọ não hoặc bệnh não úng thủy (có dịch lỏng tích tụ ở trong não)
  • Chỉ định chụp CT não ở các trường hợp xuất hiện các tổn thương ở vùng đầu và mặt do có nguy cơ cao dẫn đến chấn thương sọ não và đa chấn thương
  • Bệnh nhân có dấu hiệu bị đột quỵ, bị chảy máu não hoặc tai biến mạch máu não (có thể đi kèm với các triệu chứng như: liệt mặt, liệt nửa người, méo miệng, khó phát ra tiếng nói)
  • Những trường hợp xuất hiện các cơn động kinh, co giật, bị đau nửa đầu hoặc chóng mặt, có thể dẫn đến ngất xỉu
  • Các trường hợp xuất hiện các triệu chứng liên quan đến vùng đầu và mặt như: đau đầu, suy giảm thị lực và thính lực, giảm trương lực cơ (cơ bắp mềm oặt, khó vận động), gặp khó khăn khi giao tiếp và cả khi nuốt thức ăn. Ngoài ra, cũng chỉ định chụp CT não ở những bệnh nhân có các biểu hiện lạ trong suy nghĩ và hành vi khác với bình thường
Chỉ định chụp CT não
Các trường hợp được chỉ định chụp CT não

Quy trình thực hiện chụp CT Scan sọ não

Chuẩn bị trước khi chụp CT

Những điều cần lưu ý trước khi thực hiện chụp CT sọ não bao gồm:

  • Không được mang bất cứ vật dụng có chứa kim loại nào trên người: kẹp tóc, vòng tay, vòng cổ, nhẫn, khuyên tai, kính, đồng hồ đeo tay, răng giả, cả áo ngực nếu có gọn bằng kim loại. Tháo bỏ tất cả trước khi chụp để tránh gây nhiễu kết quả
  • Đối với bệnh nhân cần tiêm thuốc cản quang khi chụp CT não, cần nhịn ăn ít nhất 4 – 6 giờ trước khi chụp, trong 2 giờ trước khi chụp người bệnh cần nhịn uống nước. Ngoài ra, khi thực hiện tiêm thuốc cản quang cần có sự cam kết của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân
  • Thông báo với bác sĩ nếu bản thân có tiền sử mắc các bệnh: hen suyễn, đái tháo đường, các bệnh lý thận, tĩnh mạch và tình trạng dị ứng thuốc nếu có
  • Đối với phụ nữ đang có thai hoặc đang nghi ngờ có thai cũng cần thông báo với nhân viên y tế trước khi tiến hành chụp
  • Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, nếu cần thực hiện chụp CT não, bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng thuốc an thần để trẻ có thể nằm yên ở vị trí chụp

Bắt đầu chụp CT

Thông thường, người bệnh được chụp CT não ở tư thế nằm ngửa, không động đậy. Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể yêu cầu các tư thế đặc biệt khác để phục vụ tốt hơn cho việc chẩn đoán

Trung bình một lần chụp CT não có thời gian vào khoảng 3 – 5 phút. Thời gian này có thể kéo dài hơn tùy vào tình trạng của bệnh nhân. Với những trường hợp thời gian chụp 15 – 30 phút, nhân viên y tế sẽ giải thích với bệnh nhân trong khi chụp

Đối với những trường hợp có sử dụng thuốc cản quang khi chụp, có thể xuất hiện các triệu chứng nóng rát ở cánh tay (dọc theo vị trí tiêm) hoặc thấy nóng ở mặt. Đây là hiện tượng phản ứng bình thường, người chụp cần cố gắng duy trì tư thế nằm yên không động đậy để cho ra kết quả chính xác nhất

Sau khi chụp CT

Thông thường, với bệnh nhân không phải tiêm thuốc cản quang, sau khi chụp CT bệnh nhân có thể hoạt động bình thường, có thể ăn uống ngay sau khi chụp

Đối với bệnh nhân có tiêm thuốc cản quang thì sau khi chụp, cần uống nhiều nước và uống liên tục để tăng thời gian đào thải thuốc ra khỏi cơ thể, tránh gây ra các hậu quả không tốt cho sức khỏe bản thân

Trong trường hợp bệnh nhân sau khi chụp CT có các biểu hiện bất thường như: chóng mặt, buồn nôn, ngứa ngáy, da xuất hiện các vệt đỏ, mệt mỏi, sốt, khó thở thì cần được theo dõi thêm ở các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời nếu có biến chứng xảy ra

Quy trình thực hiện chụp CT Scan sọ não
Quy trình thực hiện chụp CT Scan sọ não

TÌM HIỂU THÊM Thông khí cơ học ở bệnh nhân bị tổn thương não với tăng áp lực nội sọ

Ưu và nhược điểm của chụp CT

Ưu điểm

Phương pháp chụp CT não có những ưu điểm:

  • Với công nghệ hiện đại nên chụp CT cho ra được những hình ảnh rất rõ ràng, sắc nét
  • So với việc chụp X – quang thông thường, chụp CT cho kết quả hình ảnh các mô mềm có độ phân giải cao hơn nhiều
  • Thời gian thực hiện chụp CT rất nhanh chóng, điều này rất thích hợp để chẩn đoán các bệnh nhân cần cấp cứu (đặc biệt là các bệnh về não)
  • Phương pháp cho kết quả có độ phân giải không gian cao
  • Đối với những bệnh nhân không thể thực hiện phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) thì chụp CT là lựa chọn tối ưu nhất

Nhược điểm của phương pháp chụp CT

  • So với phương pháp chụp cộng hưởng từ thì chụp CT khó phát hiện các tổn thương ở những phần mềm hơn do khả năng xuyên của tia X trong chụp CT yếu hơn sóng từ trường, sóng radio trong chụp MRI
  • Với những tổn thương có cùng độ đậm, phương pháp chụp CT khó phát hiện và khó phân biệt được những tổn thương này
  • Chụp CT khó phát hiện các vết thương có kích thước nhỏ, nhất là ở các cấu trúc mô mềm trong khi chụp MRI cho kết quả chi tiết và chính xác hơn

Cách đọc kết quả khi chụp CT não

Kết quả của một trường hợp bệnh nhân chụp CT não thường có trong khoảng 30 – 60 phút sau khi chụp. Trong một số tình huống bệnh cần hội chẩn của các bác sĩ thì thời gian này có thể lâu hơn

Chụp CT não sẽ cho ra kết quả về các thông số: kích thước não, hình dáng và vị trí của não, mạch máu, phần xương ở não và mặt, các phần xuất hiện bên trong não. Dựa vào kết quả về các thông số này mà các bác sĩ đưa ra các kết luận về bệnh lý mà bệnh nhân gặp phải

Trường hợp kết quả chụp CT bình thường khi: các thông số trên đều bình thường, không xuất hiện dị vật trong não, không có hiện tượng chảy máu não hoặc xuất hiện các chất lỏng tích tụ ở trong não

Các trường hợp kết quả bất thường bao gồm:

  • Xuất hiện các khối u trong não
  • Có tình trạng chảy máu ở trong não, quanh não
  • Có hình ảnh dị vật xuất hiện bên trong não
  • Hình ảnh xương trong não không bình thường: biến dạng, bị gãy một phần
  • Có dịch lỏng tích tụ trong màng não
  • Có hiện tượng phình mạch máu não, xuất huyết mạch máu não
  • Não có hiện tượng sưng, phù, kích thước lớn hơn bình thường
Cách đọc kết quả chụp CT não
Cách đọc kết quả chụp CT não

TÌM HIỂU THÊM Bệnh mất trí nhớ: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị & Phòng ngừa

Trả lời một số câu hỏi thường gặp khi chụp CT não

Chụp CT não có nguy hiểm không?

Chụp CT não là phương pháp sử dụng tia X để quét lên một bộ phận của cơ thể (ở đây là não), do đó gây ra hiện tượng nhiễm xạ trong cơ thể. Tuy nhiên, mức độ xâm nhập của tia X vào cơ thể đã được nghiên cứu nằm trong giới hạn cho phép, vì vậy sự nhiễm xạ này không gây ra nguy hiểm cho sức khỏe của người chụp. Chụp CT được nhận định là một phương pháp khá an toàn và có tỉ lệ rủi ro rất thấp.

Chụp CT có nguy hiểm không
Chụp CT có nguy hiểm không?

Khoảng cách giữa 2 lần chụp CT là bao lâu?

Theo các nghiên cứu, các tia bức xạ được sử dụng để chụp CT khi chiếu vào cơ thể sẽ được thải ra ngoài theo đường da, nước tiểu, mồ hôi sau một thời gian chụp. Vì lượng bức xạ nhiễm vào cơ thể khi chụp CT là rất ít ở trong mức cho phép nên thời gian đào thải cũng thường khá ngắn. Vì vậy, không có quy định rõ ràng cần phải giữ khoảng cách giữa 2 lần chụp bao lâu là an toàn. Người bệnh có thể tiến hành chụp CT lần 2 sau vài ngày khi chụp lần 1 nếu có chỉ định của bác sĩ

Có nên chụp CT não cho trẻ em?

Hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện phương pháp chụp CT sọ não đối với trẻ em, do nguy cơ bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ là không lớn. Tuy nhiên khi thực hiện phương pháp này, các bác sĩ cần hướng dẫn kĩ lưỡng và cần sự phối hợp chặt chẽ của người nhà bệnh nhân do các bé dễ rơi vào trạng thái hoảng sợ và không phối hợp khi tiến hành chụp.

Chụp CT não có được bảo hiểm không?

Căn cứ vào điểm b Khoản 1 và Khoản 2, Điều 21 trong luật Bảo hiểm y tế quy định về phạm vi và các dịch vụ được hưởng bảo hiểm y tế, thì dịch vụ chụp CT não có được bảo hiểm y tế chi trả đối với những người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên điều này chỉ áp dụng đối với những người đi khám theo đúng tuyến, còn với các trường hợp khám trái tuyến thì sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả

Chụp CT não giá bao nhiêu?

Chụp CT não là một phương pháp hiện đại, sử dụng công nghệ và máy móc tiên tiến do đó đây là một dịch vụ có giá thành khá cao. Tùy vào các yếu tố kèm theo như thiết bị chụp, có hoặc không sử dụng thuốc cản quang, người thực hiện chụp mà mức giá này có thể thay đổi. Thông thường, chụp CT não có thể dao động trong khoảng 1 triệu đến 5 triệu tùy vào các yếu tố trên và nơi thực hiện.

Chụp CT não ở đâu an toàn nhất?

Chụp CT não là một phương pháp cần có kĩ thuật tiên tiến, do đó để an toàn nhất, người bệnh nên thực hiện ở các bệnh viện lớn có uy tín và có đầy đủ kĩ thuật, khả năng để thực hiện. Không nên đi chụp CT não ở các trung tâm y tế chưa có chứng chỉ đảm bảo để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”

Tìm hiểu thêm: Bệnh bại não: Dấu hiệu nhận biết, Phương pháp chẩn đoán và Điều trị

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây