Thuốc Desogestrel: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Desogestrel tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Desogestrel là gì? Desogestrel có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Desogestrel là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Desogestrel là 1 thuốc progestin có trong các chế phẩm tránh thai đường uống. Nó có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với 1 estrogen khác (thường là ethinylestradiol).

Cấu trúc hóa học của ethinylestradiol
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của ethinylestradiol

Desogestrel được tổng hợp tại Organon International của Hà Lan năm 1972, được mô tả lần đầu trong tài liệu năm 1975. Nó được phát triển sau khi người ta phát hiện ra rằng phép thế vào C11 làm tăng cường hoạt tính sinh học của norethisterone. Desogestrel được giới thiệu cho sử dụng trong y tế năm 1981 dưới tên thương mại MarvelonDesogen ở Hà Lan. Cùng với gestodene và norgestimate, nó được coi là progestin thế hệ thứ ba dựa trên thời gian được giới thiệu trên thị trường. Nó là progestin thế hệ thứ ba đầu tiên được giới thiệu. Mặc dù desogestrel được giới thiệu năm 1981 và được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước châu Âu từ thời điểm này, nhưng nó không được giới thiệu ở Hoa Kỳ cho đến năm 1992.
Thuốc Marvelon
Hình ảnh: Thuốc Marvelon

Thuốc Desogen
Hình ảnh: Thuốc Desogen

Cấu trúc hóa học của Desogestrel
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của Desogestrel

Dược lực học

Ta sẽ nói về tác dụng dược lí của thuốc tránh thai đường uống chỉ chứa 1 thành phần là desogestrel.
Desogestrel là tiền thuốc. Sau khi vào cơ thể, nó được chuyển hóa thành chất hoạt động là etonogestrel. Etonogestrel là 1 chất chủ vận receptor progesterone (PR). Etonogestrel có ái lực với PR gấp 1.5 lần promegestone và gấp 3 lần progesterone. Etonogestrel có khả năng ức chế rụng trứng ở liều rất thấp, cỡ microgram. Liều tối thiểu có tác dụng ức chế rụng trứng là 60 µg/ngày (đơn độc, không phối hợp với estrogen). Đây là 1 trong những progestogen mạnh nhất hiện nay.

Desogestrel chuyển hóa thành Etonogestrel
Hình ảnh: Desogestrel chuyển hóa thành Etonogestrel

Etonogestrel có tác dụng kháng estrogen mạnh ở một số mô xác định. Thuốc cũng có tác dụng kháng các hormon hướng sinh dục tiết ra từ tuyến yên. Nồng độ các hormon FSH và LH có thể trở về bình thường sau khoảng 4 tuần ngừng thuốc. Tác dụng tránh thai của thuốc không chỉ do ức chế sự rụng trứng, mà còn là do cả tác dụng progestogen và kháng estrogen trên chất nhầy cổ tử cung và nội mạc tử cung. Chất nhầy tử cung khi đặc lại sẽ làm tinh trùng khó di chuyển đến vị trí của trứng để thụ tinh và nội mạc tử cung kém phát triển làm cho hợp tử dù hình thành được cũng không có chỗ làm tổ thích hợp.
Etonogestrel cũng có tác dụng androgen nhưng rất yếu, hoạt tính glucocorticoid yếu.
Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin dễ tuân thủ liệu trình hơn vì không có thời gian nghỉ, dùng được cho cả phụ nữ đang cho con bú, ít tác dụng phụ hơn (do không có estrogen) nhưng hiệu lực tránh thai cũng thấp hơn thuốc tránh thai phối hợp (COC).

Một số thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng pha III với thuốc tránh thai đường uống mới chứa 150 µg desogestrel và 20 µg ethinylestradiol.

Thuốc desogestrel 150 µg và ethinylestradiol 20 µg
Hình ảnh: Thuốc desogestrel 150 µg và ethinylestradiol 20 µg

Các tác giả: Lammers P và Berg M tại Phòng Giám sát Sản phẩm và Dịch vụ Y tế, Organon International BV, Oss, Hà Lan.
Đây là 1 thử nghiệm đa trung tâm, đa quốc gia pha III nghiên cứu hiệu quả của một biện pháp tránh thai đường uống (OC) liều thấp mới chứa 20 µg ethinylestradiol và 150 µg desogestrel (Mercilon) về hiệu quả, kiểm soát chu kỳ, huyết áp và khả năng chấp nhận sử dụng thuốc. Tổng cộng 1684 phụ nữ từ 12 quốc gia châu Âu đã được đưa vào nghiên cứu. 4 trường hợp mang thai đã xảy ra, 3 trong số đó là lỗi của bệnh nhân, còn lại 1 là thất bại của thuốc. Chỉ số thất bại (Pearl Index, PI) tổng thể là 0.20. Tần suất xuất huyết bất thường tương đương với tần suất được ghi nhận với các OC liều thấp thường được sử dụng khác. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra. Tỉ lệ mắc các tác dụng phụ chủ quan được báo cáo thường xuyên nhất – đau đầu, buồn nôn và căng tức ở – ở mức thấp sau chu kỳ điều trị đầu tiên và giảm xuống dưới mức trước điều trị khi tiếp tục sử dụng. Có sự gia tăng nhỏ về trọng lượng cơ thể trung bình, chủ yếu ở phụ nữ trẻ. Chế phẩm không ảnh hưởng đến huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương trung bình. Do đó, sản phẩm mới này đã được chứng minh là một biện pháp tránh thai đường uống liều rất thấp hiệu quả, an toàn và được chấp nhận tốt.

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng (F) đường uống trung bình là 76%. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) với etonogestrel là 1.5 giờ (Nồng độ desogestrel rất thấp và đã biến mất sau 3 giờ sau 1 liều dùng thuốc). Nồng độ ổn định etonogestrel trong huyết tương đạt được sau 8-10 ngày dùng thuốc hàng ngày.
Phân bố: Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 99% với desogestrel (liên kết với albumin) và 95-98% với etonogestrel (liên kết với albumin và cả SHBG).
Chuyển hóa: Desogestrel được chuyển hóa thành etonogestrel hoàn toàn tại ruột và gan. Hydroxyl hóa vị trí C3 của desogestrel, được xúc tác bởi các enzyme phụ thuộc cytochrom P450, tạo thành các chất trung gian 3α-hydroxydesogestrel và 3β-hydroxydesogetrel, sau đó oxy hóa nhóm hydroxyl C3, sẽ tạo ra etonogestrel. Một tỉ lệ nhỏ desogestrel được chuyển hóa thành levonorgestrel, liên quan đến việc loại bỏ nhóm methylene ở C11. Quá trình chuyển hóa tiếp theo của etonogestrel xảy ra chủ yếu bằng cách khử nhóm Δ4-3-keto (nhờ 5α- và 5β-reductase) và hydroxyl hóa (nhờ monooxygenase). Chất chuyển hóa chính của desogestrel là 3α,5α-tetrahydroetonogestrel.

Thải trừ: Desogestrel có thời gian bán hủy (t1/2) rất ngắn khoảng 1.5 giờ trong khi đó etonogestrel có thời gian bán hủy dài khoảng 21-38 giờ. Desogestrel và etonogestrel được thải trừ hoàn toàn dưới dạng chất chuyển hóa 50% trong nước tiểu và 35% trong phân.

Chỉ định và liều dùng

Chúng ta xét thuốc tránh thai đơn thành phần chỉ chứa desogestrel. Biệt dược Cerazette (desogestrel 75 µg).

Thuốc Cerazette
Hình ảnh: Thuốc Cerazette

Tránh thai:
Uống 1 viên/ngày trong 28 ngày liên tiếp vào cùng một thời điểm trong ngày. Uống theo thứ tự chỉ dẫn trên vỉ thuốc.
Hết 28 ngày này bạn hãy bắt đầu một chu kỳ dùng thuốc mới luôn mà không cần ngày nghỉ.
Nếu mới bắt đầu sử dụng thuốc mà không sử dụng thuốc tránh thai hormon nào trước đó, bắt đầu uống thuốc vào ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt.
Nếu đang dùng COC, bắt đầu uống thuốc vào ngày sau khi bạn uống viên COC cuối cùng.
Nếu đang dùng vòng âm đạo, miếng dán qua da hoặc que cấy dưới da, bắt đầu uống thuốc vào ngày bạn tháo vòng, miếng dán hoăc que cấy.
Nếu làm được theo các hướng dẫn này thì biện pháp tránh thai bổ sung là không cần thiết.
Khi đang cho con bú, bắt đầu uống thuốc vào thời điểm 21-28 ngày sau khi sinh.

Tác dụng phụ

Nám da, mụn trứng cá có thể xuất hiện.
Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong kinh, tắt kinh có thể xảy ra nhưng thường hết sau một thời gian dùng thuốc đều đặn.
Buồn nôn, nôn cũng hay gặp nhưng thường hết sau một thời gian.
Đau đầu, chóng mặt, đau ngực, đau và nặng vú hoăc căng tức vú cũng xuất hiện thường xuyên trong thời gian đầu mới dùng thuốc nhưng sẽ nhanh chóng hết đi.
Trầm cảm có thể tiến triển ở những bệnh nhân có tiền sử từ trước. Các cơn hoảng loạn, có ý định tự tử và các hành vi làm bản thân bị thương đã xảy ra.
Progestin có thể làm tăng sự đề kháng insulin dẫn đến đái tháo đường type 2. Nó cũng có thể gây tăng lượng cholesterol “xấu” (LDL-C) và giảm tỉ lệ cholesterol “tốt” (HDL-C).
Có thể gây tăng cân giả do giữ muối nước.
Giảm ham muốn tình dục có thể xảy ra.
Các tác dụng phụ ít gặp khác: U nang buồng trứng, nhiễm trùng âm đạo, rụng tóc, mệt mỏi…

Lưu ý và thận trọng

Nếu nôn trong vòng 3-4 giờ sau khi uống thuốc, nên bắt đầu uống 1 liều mới. Nếu đã qua thời gian đó, không cần thiết phải dùng liều mới.
Nếu các tác dụng phụ liên quan đến rối loạn kinh nguyệt, đau đầu, đau vú, buồn nôn không mất đi sau vài tháng sử dụng thuốc đều đặn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xem xét đổi thuốc hoặc xác định các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng này.
Thân trọng với bệnh nhân có tiền sử trầm cảm.
Thận trọng với bệnh nhân mắc bệnh gan, ung thư gan.
Thận trọng với bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid.
Thận trọng với bệnh nhân động kinh, mắc bệnh lao hoặc tăng huyết áp.
Thận trọng nếu bạn bị nám da. Tránh tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời hoặc tia cực tím.
Các thuốc tránh thai hormon đểu làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Nguy cơ thai ngoài tử cung. Xem xét nguy cơ này ở những phụ nữ mang thai hoặc báo cáo đau bụng dưới.
Nguy cơ huyết khối động hoặc tĩnh mạch tăng lên, đặc biệt khi phối hợp với estrogen.
Thận trọng với bệnh nhân dị ứng với đường sữa vì một số chế phẩm có chứa đường sữa.
Phụ nữ có thai: Chưa có thông tin cho thấy thuốc có thể gây dị tật thai nhỉ nếu lỡ dùng thuốc trong những tháng đầu thai kì. Tuy nhiên khi có thai nên dừng thuốc ngay vì không có lí do gì để sử dụng thuốc tránh thai khi đã mang thai.
Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc đơn độc có thể dùng để tránh thai trong thời kì cho con bú. Thuốc được chứng minh là an toàn với phụ nữ đang cho con bú và trẻ bú mẹ. Có thể bắt đầu sử dụng thuốc sau 21-28 ngày sau sinh.

Tương tác thuốc

Dùng cùng các kháng sinh: Có thể làm giảm hiệu quả tránh thai của thuốc do kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, làm giảm tái hấp thu trong chu kì gan – ruột của thuốc.

Tương tác thuốc cerazette và kháng sinh
Hình ảnh: Tương tác thuốc cerazette và kháng sinh

Dùng cùng các thuốc ức chế CYP3A4: Làm tăng nồng độ etonogestrel trong huyết tương. Nguy cơ tích lũy thuốc và tăng tác dụng phụ cũng như độc tính của thuốc.
Dùng cùng các thuốc cảm ứng CYP3A4: Làm giảm nồng độ etonogestrel trong huyết tương. Nguy cơ giảm tác dụng tránh thai của thuốc.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với desogestrel hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Huyết khối hoạt động (Huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc tắc mạch phổi). Không dùng thuốc cho bệnh nhân bị bất động hoặc có yếu tố nguy cơ huyết khối khác.
Bệnh gan nặng, u gan lành hoặc ác tính, có vàng da.
Ung thu vú, các ung thư nhạy cảm với progestin.
Xuất huyết âm đạo chưa được chẩn đoán.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6046470/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3012005/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23560561
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8178905
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1825970
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/8447358

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây