Thuốc Lansoprazole: Cơ chế tác dụng, cách dùng, tác dụng phụ & giá bán

5/5 - (1 bình chọn)

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Lansoprazole là 1 thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến tăng tiết acid dạ dày. Thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton (Proton Pump Inhibitors – PPIs), là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất hiện nay cho các bệnh lý đường tiêu hóa.

Lansoprazole được cấp bằng sáng chế năm 1984, ra thị trường năm 1991 và được phê duyệt để chính thức sử dụng trong y khoa vào năm 1995 tại Hoa Kỳ. Biệt dược gốc của thuốc là Prevacid của Takeda Pharmaceuticals (tên phát triển là AG 1749).

Cấu trúc hóa học của Lansoprazole
Ảnh: Cấu trúc hóa học của Lansoprazole

Lansoprazole là hỗn hợp racemic của 2 đồng phân quang học: Dexlansoprazole và Levolansoprazole, trong đó Dexlansoprazole đã được phát triển và thương mại hóa trở thành 1 PPI riêng.

Xem thêm: Thuốc Gastevin 30mg: Tác dụng, Tương tác thuốc, SĐK, Giá bán

Dược lực học

Cơ chế tác dụng của Lansoprazole cũng ức chế bơm proton không hồi phục, tương tự như các PPIs khác. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo bài viết Thuốc ức chế bơm proton.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng của thuốc Lansoprazole
Ảnh: Thử nghiệm lâm sàng của thuốc Lansoprazole

Lansoprazole trong dự phòng biến chứng loét tái phát trong sử dụng Aspirin liều thấp dài hạn.

Vai trò của liệu pháp ức chế bài tiết acid dạ dày trong việc ngăn ngừa sự tái phát của các biến chứng loét sau khi loại bỏ nhiễm trùng do H.pylori ở những bệnh nhân dùng aspirin liều thấp dài hạn là không chắc chắn.

Phương pháp: Các tác giả đã ghi danh 123 bệnh nhân bị biến chứng loét sau khi sử dụng aspirin liều thấp liên tục trong hơn 1 tháng và bị nhiễm trùng H.pylori. Sau khi vết loét đã lành và nhiễm trùng H.pylori đã được loại bỏ, bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên điều trị bằng 30 mg Lansoprazole mỗi ngày hoặc giả dược, ngoài 100 mg Aspirin/ngày, trong 12 tháng. Điểm kết thúc sơ cấp là sự tái phát của các biến chứng loét.

Kết quả: Trong suốt thời gian theo dõi trung vị 12 tháng, 9 trong số 61 bệnh nhân trong nhóm dùng giả dược (14.8%), so với 1 trong số 62 bệnh nhân trong nhóm dùng Lansoprazole (1.6%) đã tái phát các biến chứng loét (tỷ số tỷ suất điều chỉnh [HR] 9.6, khoảng tin cậy [CI] 95% 1.2-76.1). Trong số 10 bệnh nhân này, 4 người có bằng chứng tái nhiễm H.pylori và 2 người đã dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) trước khi bắt đầu có biến chứng. Bệnh nhân trong nhóm dùng Lansoprazole ít có khả năng tái phát biến chứng loét hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược (P = 0.008). Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong giữa hai nhóm.

Kết luận: Ở những bệnh nhân bị biến chứng loét liên quan đến việc sử dụng Aspirin liều thấp trong thời gian dài, điều trị bằng Lansoprazole ngoài loại trừ nhiễm trùng H.pylori còn làm giảm đáng kể tỷ suất tái phát biến chứng loét.

Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về Lansoprazole trên hen phế quản kiểm soát kém ở trẻ em.

Trào ngược dạ dày – thực quản (GER) không triệu chứng phổ biến ở trẻ em bị hen phế quản. Người ta không biết liệu điều trị GER bằng thuốc ức chế bơm proton (PPIs) có cải thiện kiểm soát hen hay không.

Mục tiêu: Để xác định xem Lansoprazole có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng hen suyễn ở trẻ em không có GER hiển nhiên hay không.

Thiết kế, thiết lập và bệnh nhân: Thử nghiệm lâm sàng song song, đa trung tâm, ngẫu nhiên, che đậy, đối chứng giả dược so sánh Lansoprazole với giả dược ở trẻ em kiểm soát hen kém trong điều trị bằng corticosteroid dạng hít được tiến hành tại 18 trung tâm lâm sàng học thuật. Những người tham gia được theo dõi trong 24 tuần. Một phân nhóm đã có 1 nghiên cứu pH thực quản trước khi ngẫu nhiên hóa.

Can thiệp: Trẻ em nhận Lansoprazole (15 mg/ngày nếu < 30 kg; 30 mg nếu ≥ 30 kg) hoặc giả dược, tỷ lệ phân bổ 1:1.

Kết quả chính: Kết quả sơ cấp là sự thay đổi điểm kiểm soát hen (ACQ, phạm vi 0-6). Kết quả thứ cấp bao gồm đo lường chức năng phổi, chất lượng cuộc sống liên quan đến hen và các đợt cấp của hen kiểm soát kém.

Kết quả: 306 trẻ đã được ghi danh từ tháng 4/2011 đến tháng 8/2010, tuổi trung vị là 11. Thay đổi trung bình (95% CI) trong điểm ACQ là -0.1 (-0.2, 0.1) và -0.2 (-0.4, -0.1) đơn vị cho các nhóm dùng Lansoprazole và giả dược tương ứng (P = 0.12). Không có sự khác biệt điều trị có thể phát hiện trong các kết quả thứ cấp (trung bình (95% CI) với FEV1 (0.00 (-0.08, 0.08)), chất lượng cuộc sống liên quan đến hen (-0.1 (-0.4, 0.1) hoặc các đợt kiểm soát hen kém, HR 1.18 (95% CI 0.91-1.53). Trong số 115 trẻ có nghiên cứu pH thực quản, tỷ lệ hiện mắc GER là 43%. Trong phân nhóm có nghiên cứu pH dương tính, không thấy hiệu quả điều trị của Lansoprazole so với giả dược với bất kỳ kết quả hen nào. Trẻ em được điều trị bằng Lansoprazole báo cáo nhiễm trùng đường hô hấp trên nhiều hơn (63% vs 49%, P = 0.02), viêm họng (52% vs 39%, P = 0.02) và viêm phế quản (7% vs 2%, P = 0.05).

Kết luận: Trong số những trẻ bị hen kiểm soát kém không có triệu chứng GER đang sử dụng corticosteroid dạng hít, bổ sung Lansoprazole, so với giả dược, không cải thiện triệu chứng cũng như chức năng phổi nhưng có liên quan đến các biến cố bất lợi tăng lên.

Xem thêm: Thuốc Nexium Mups 40mg của Astrazeneca: Tác dụng và Cách dùng

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng (F) của thuốc khá cao, đạt 81-91%. Tuy nhiên sinh khả dụng sẽ bị giảm 50—70% nếu dùng thuốc 30 phút sau ăn. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 1.7 giờ. Thời gian làm tăng Tmax lên 3.7 giờ. Thời gian tác dụng ở trạng thái cân bằng > 24 giờ với loét dạ dày, viêm thực quản và đạt đến 40 giờ với hội chứng Zollinger-Ellison. Thức ăn làm giảm diện tích dưới đường cong (AUC) của thuốc một nửa. Thời gian khởi phát tác dụng: Với ức chế tiết acid là 1-3 giờ, với bệnh loét dạ dày là khoảng 1 tuần, đạt đỉnh sau 4-8 ngày; với viêm thực quản là 1-4 tuần, đạt đỉnh sau 8 tuần.

Phân bố: Thể tích phân bố (Vd) là 14-18 L. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương là 97-99%.

Chuyển hóa: Thuốc được chuyển hóa bởi hệ enzyme gan cytochrome P450, chủ yếu là CYP2C19 và một phần qua CYP3A4. Với người có kiểu hình chuyển hóa chậm do thiếu CYP2C19, chuyển hóa Lansoprazole bị chậm lại và nồng độ thuốc trong huyết tương có thể cao gấp 5 lần trở lên so với kiểu hình bình thường. Các chất chuyển hóa không hoạt động: 5-hydroxy-lansoprazole, chất chuyển hóa sulfide, chất chuyển hóa sulfone, chất chuyển hóa hydroxysulfide, chất chuyển hóa hydroxysulfone. Lansoprazole cũng ức chế CYP2C19 như nhiều PPIs khác.

Thải trừ: Thời gian bán thải (t1/2) 0.9-1.5 giờ. Thẩm tách máu không loại được thuốc. Tổng thanh thải thận (ClR) là 517 mL/phút. Tổng thanh thải toàn cơ thể (ClT) là 0.7 L/h/kg. Bài xuất qua phân (mật) 67% và nước tiểu 33%.

Tác dụng

Lansoprazole cũng như các PPIs khác, nó ức chế sự bài tiết ion hydrogen từ tế bào thành vào lòng dạ dày do ức chế bơm proton, do đó thuốc làm tăng pH dịch dạ dày.

Chỉ định

Lansoprazole được chỉ định cho các trường hợp: Loét dạ dày – tá tràng (do stress, Helicobacter pylori, thuốc kháng viêm không steroid [NSAIDs]…), dự phòng loét khi phải sử dụng các thuốc có thể gây loét, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), viêm thực quản bào mòn và các tình trạng tăng tiết acid khác (như hội chứng Zollinger-Ellison).

Cách sử dụng

Cách dùng

Cách dùng thuốc Lansoprazole
Ảnh: Cách dùng thuốc Lansoprazole

Dùng thuốc 30 phút trước bữa ăn nhằm 2 mục đích:

  • Tránh ảnh hưởng của thức ăn đến sinh khả dụng của thuốc.
  • Quan trọng hơn, tất cả các PPIs đều chỉ ức chế bơm proton hoạt động (trạng thái nghỉ thuốc không ức chế được). Số lượng bơm hoạt động nhiều nhất là khi chúng ta ăn. Do vậy, uống khoảng 30 phút trước bữa ăn sẽ giúp nồng độ thuốc tối đa trong huyết tương (Cmax) rơi vào lúc có nhiều bơm hoạt động nhất, từ đó tác dụng của thuốc đạt ngưỡng cao nhất.

Với dạng thuốc giải phóng tại ruột (không tan trong dạ dày), khi uống nuốt nguyên viên, không cắn, nhai hay nghiền thuốc.

Liều dùng

Người trưởng thành

Loét dạ dày

  • Uống 30 mg hàng ngày trong 8 tuần.

Loét tá tràng

  • Loét hoạt động: Uống 15 mg hàng ngày trong 4 tuần.
  • Duy trì: Uống 15 mg hàng ngày.

Loét dạ dày liên quan đến NSAIDs

  • Điều trị: Uống 30 mg hàng ngày trong 8 tuần.
  • Dự phòng: Uống 15 mg hàng ngày trong 12 tuần.

GERD

  • Uống 15 mg hàng ngày trong 8 tuần.

Viêm thực quản bào mòn

  • Uống 30 mg hàng ngày trong 8-16 tuần.
  • Duy trì: Uống 15 mg hàng ngày.

Hội chứng Zollinger-Ellison

  • Khởi đầu uống 60 mg hàng ngày, có thể tăng liều lên đến 180 mg mỗi 12 giờ.
  • Nếu liều vượt quá 120 mg mỗi ngày, cần chia liều ra mỗi 12 giờ.

Nhiễm trùng H.pylori

  • Uống 30 mg hàng ngày trong 10-14 ngày kết hợp với kháng sinh diệt H.pylori.

Ợ nóng

  • Uống 15 mg hàng ngày trong 14 ngày. Có thể lặp lại mỗi 4 tháng.

Chỉnh liều:

Bệnh nhân suy giảm chức năng gan:

  • Nhẹ hoặc trung bình (Tiêu chuẩn Child-Pugh A hoặc B): Không cần chỉnh liều.
  • Nặng (Tiêu chuẩn Child-Pugh C): Uống 15 mg hàng ngày.

Trẻ em

GERD và viêm thực quản bào mòn

< 1 tuổi: An toàn và hiệu lực chưa được xác lập.

1-12 tuổi:

  • < 30 kg: Uống 15 mg hàng ngày trong 8-12 tuần.
  • > 30 kg: Uống 30 mg hàng ngày trong 8-12 tuần.
  • Có thể tăng liều lên đến 30 mg mỗi 12 giờ sau hơn 2 tuần nếu vẫn có triệu chứng.

> 12 tuổi: Uống 30 mg hàng ngày trong 8 tuần.

GERD không bào mòn

< 12 tuổi: An toàn và hiệu lực chưa được xác nhận.

≥ 12 tuổi: Uống 15 mg hàng ngày trong tối đa 8 tuần.

Tác dụng phụ

Thường gặp (1-10%)

  • Đau đầu, đau bụng.
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.

Ít gặp (< 1%)

  • Tim mạch: Đau thắt ngực, đánh trống ngực
  • Lo lắng, ngất xỉu.
  • Phù, phản ứng dị ứng.
  • Tiêu hóa: Chán ăn, khô miệng, buốt mót, đầy hơi, đại tiện phân đen.
  • Đau cơ, ù tai.

Các báo cáo hậu mãi

  • Gãy xương.
  • Polyp tuyến đáy vị.

Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc

Nếu bị tiêu chảy kéo dài không đỡ, nghĩ ngay đến tiêu chảy do Clostridium difficile (CDAD).

Thận trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Bệnh nhân có tiêu chuẩn Child-Pugh C (tiên lượng xấu) cần giảm liều.

Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như lupus ban đỏ da (CLE) và lupus ban đỏ hệ thống (SLE) có thể xảy ra. Khi có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, tạm thời ngừng thuốc và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Loãng xương và nguy cơ gãy xương với PPIs nói chung khi dùng liều cao, kéo dài (> 1 năm): Kết quả không đồng đều giữa các nghiên cứu quan sát.

Có thể giảm nồng độ chromogranin A (CgA) huyết thanh và gây dương tính giả khi chẩn đoán khối u thần kinh nội tiết. Cần ngừng Lansoprazole một thời gian trước khi tiến hành xét nghiệm chẩn đoán.

Co giật, loạn nhịp tim do hạ magie máu đã được báo cáo, tuy nhiên hiếm gặp. Bổ sung magie khi cần thiết, đặc biệt khi sử dụng liều cao và kéo dài. Một vài trường hợp bổ sung magie không đem lại hiệu quả dẫn đến phải ngừng sử dụng Lansoprazole.

Dù có giảm các triệu chứng bệnh dạ dày khi dùng Lansoprazole, vẫn không thể loại trừ nguy cơ các bệnh ác tính như ung thư dạ dày.

Nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa do Salmonella và Campylobacter, nguy cơ viêm phổi: Nguy cơ chỉ mang tính lý thuyết.

Viêm thận kẽ cấp đã được báo cáo khi sử dụng PPIs, ngừng sử dụng Lansoprazole ngay lập tức nếu xuất hiện viêm thận kẽ cấp tính.

Nguy cơ giảm hấp thu calci, sắt, cyanocobalamin (vitamin B12) khi sử dụng liều cao và kéo dài: Nguy cơ chỉ mang lý thuyết và thường không có sự thay đổi đáng kể trên lâm sàng. Tuy nhiên nếu thiếu một trong các chất dinh dưỡng này, nên bổ sung đầy đủ.

Có thể làm tăng nồng độ Methotrexate và chất chuyển hóa của nó trong huyết thanh, dẫn đến nguy cơ độc tính. Xem xét ngừng tạm thời Lansoprazole khi sử dụng Methotrexate liều cao.

Một số công thức bào chế có chứa phenylalanine, có thể gây bất lợi cho bệnh nhân bị bệnh phenylketone niệu. Trước khi kê đơn dạng bào chế này cho bệnh nhân bị phenylketone niệu, bác sĩ cần xem xét lượng phenylalanine nạp vào hàng ngày từ tất cả các nguồn, bao gồm cả thuốc.

Một số dạng bào chế khác có chứa thành phần alcol benzylic, có liên quan đến hội chứng thở gấp ở trẻ sơ sinh. Tránh hoặc sử dụng thận trọng các dạng bào chế như này cho trẻ sơ sinh.

Sử dụng lâu dài PPIs (> 1 năm) làm tăng nguy cơ polyp tuyến đáy vị. Bệnh nhân thường không có triệu chứng và tình cờ phát hiện khi nội soi. Điều trị trong thời gian ngắn nhất phù hợp với tình trạng đang điều trị.

Phụ nữ có thai: Các kết quả của các nghiên cứu quan sát không thể chỉ ra được mối tương quan giữa Lansoprazole với các kết quả thai kỳ bất lợi. Các nghiên cứu trên chuột và thỏ với liều cao hơn liều của người nhiều lần đã không cho thấy tác dụng phụ trên sự phát triển phôi thai.

Phụ nữ đang cho con bú: Không có thông tin liên quan đến sự xuất hiện của Lansoprazole trong sữa mẹ. Tuy nhiên, Lansoprazole và các chất chuyển hóa của nó có trong sữa chuột. Cân nhắc giữa lợi ích của việc cho con bú với nhu cầu điều trị lâm sàng của người mẹ và bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào với trẻ bú mẹ do điều trị hoặc do tình trạng của mẹ.

Tương tác thuốc

Tương tác của Lansoprazole với các thuốc khác
Ảnh: Tương tác của Lansoprazole với các thuốc khác

Tương tác dược động học giai đoạn hấp thu

Lansoprazole làm tăng pH dạ dày, do đó có thể làm ảnh hưởng đến hấp thu của nhiều thuốc thông qua thay đổi khả năng hòa tan của thuốc dùng cùng, hay thay đổi độ bền của phân tử thuốc đó trong môi trường dịch vị dạ dày.

Phối hợp với Erlotinib, Rilpivirine và Nelfinavir: Chống chỉ định. Sinh khả dụng của cả 3 thuốc đều giảm do thay đổi pH dạ dày. Ngoài ra, Nelfinavir còn bị ức chế chuyển hóa qua CYP2C19 thành chất chuyển hóa hoạt động M8.

Phối hợp với các thuốc dùng đường uống Acalabrutinib, Dasatinib, Neratinib, Nilotinib, Pazopanib, Pexidartinib, Ponatinib, Delavirdine, Atazanavir, Indinavir, Itraconazole, Ketoconazole, Dapsone, Mesalamine (dạng giải phóng duy trì): Sinh khả dụng thuốc giảm do độ tan thuốc giảm khi pH dạ dày tăng. Tránh hoặc sử dụng thuốc thay thế.

Phối hợp với Dacomitinib: Nồng độ huyết tương của thuốc giảm và do đó hiệu lực có thể giảm. Cơ chế không rõ. Nên thay thế Lansoprazole bằng thuốc kháng histamine H2. Sử dụng Dacomitinib ít nhất 6 giờ trước hoặc 10 giờ sau khi dùng thuốc kháng histamine H2.

Phối hợp với các thuốc đường uống Digoxin, Nisoldipine: Sinh khả dụng thuốc tăng lên (Digoxin không bền trong môi trường acid mạnh). Digoxin là thuốc có cửa sổ điều trị hẹp. Tránh hoặc sử dụng thuốc thay thế.

Sử dụng PPIs có thể gây ra tăng tiết gastrin quá mức trong xét nghiệm kích thích với secretin, gây ra gợi ý sai lệch về u tiết gastrin. Thời gian cần thiết để nồng độ gastrin huyết thanh trở về ban đầu sau khi ngừng PPIs là đặc hiệu cho từng PPI. Tạm thời ngừng điều trị bằng Lansoprazole ít nhất 30 ngày trước khi đánh giá để cho phép nồng độ gastrin trở về ban đầu.

Tương tác dược động học giai đoạn chuyển hóa

Do Lansoprazole ức chế CYP2C19, các thuốc khác chuyển hóa qua CYP2C19 có thể bị ức chế, hoặc Lansoprazole có thể chịu ảnh hưởng của các thuốc cảm ứng hoặc ức chế CYP2C19 và CYP3A4.

Phối hợp với Apalutamide, Phenytoin và Idelalisib: Apalutamide và Phenytoin là thuốc cảm ứng CYP2C19 và CYP3A4 mạnh, còn Idelalisib cảm ứng CYP3A mạnh, sẽ làm giảm nồng độ trong huyết tương và theo đó là tác dụng của Lansoprazole. Tránh phối hợp hoặc thay thế thuốc khác.

Phối hợp với Fedratinib: Lansoprazole làm tăng nồng độ trong huyết tương và có thể là tác dụng của Fedratinib (Do Fedratinib được chuyển hóa qua CYP2C19 và CYP3A4, Lansoprazole có ức chế CYP2C19). Tránh phối hợp hoặc thay thế thuốc khác.

Phối hợp với Lasmiditan: Nồng độ Lansoprazole trong huyết tương tăng do ức chế bơm tống thuốc P-gp (MDR1). Tránh phối hợp này hoặc sử dụng thuốc thay thế.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với Lansoprazole, các PPIs khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Phối hợp với các sản phẩm chứa Rilpivirine, Erlotinib hoặc Nelfinavir.

Một số chế phẩm trên thị trường – Giá bán

Prevacid

Prevacid
Ảnh: Prevacid

Nhà sản xuất: Takeda Pharmaceuticals.

Các dạng hàm lượng: 15 và 30 mg (viên nang giải phóng trì hoãn hoặc viên nén phân rã trong miệng), 3 mg/mL (hỗn dịch uống).

Lansoprazol STADA

Lansoprazol STADA
Ảnh: Lansoprazol STADA

Nhà sản xuất: STADA-VN.

Các dạng hàm lượng: 15 và 30 mg.

Giá bán: 55,000 VNĐ/hộp Lansoprazol STADA 30 mg.

Lanazol

Lanazol
Ảnh: Lanazol

Nhà sản xuất: DHG Pharma.

Các dạng hàm lượng: 30 mg.

Giá bán: 65,000 VNĐ/hộp.

Gastevin

Gastevin
Ảnh: Gastevin

Nhà sản xuất: KRKA.

Các dạng hàm lượng: 30 mg.

Giá bán: 130,000 VNĐ/hộp.

Agi-Lanso

Agi Lanso
Ảnh: Agi Lanso

Nhà sản xuất: Agimexpharm.

Các dạng hàm lượng: 30 mg.

Giá bán (tính theo viên): 720 VNĐ/viên.

Lansotrent

Lansotrent
Ảnh: Lansotrent

Nhà sản xuất: Medopharm.

Các dạng hàm lượng: 30 mg.

SĐK: VN-19736-16.

Giá bán (tính theo viên): 900 VNĐ/viên.

Lomerate

Lomerate
Ảnh: Lomerate

Nhà sản xuất: Công ty cổ phần SPM.

Các dạng hàm lượng: 30 mg lansoprazole + 10 mg domperidone maleate.

Giá bán: 84,000 VNĐ/hộp.

Tài liệu tham khảo

Kam Chuen Lai, M.R.C.P., Shiu Kum Lam, M.D., Kent Man Chu, F.R.C.S., Benjamin C.Y. Wong, M.D., Wai Mo Hui, M.D., Wayne H.C. Hu, M.R.C.P., George K.K. Lau, M.D., Wai Man Wong, M.R.C.P., Man Fung Yuen, M.R.C.P., Annie O.O. Chan, M.R.C.P., Ching Lung Lai, M.D., and John Wong, F.R.A.C.S., Lansoprazole for the Prevention of Recurrences of Ulcer Complications from Long-Term Low-Dose Aspirin Use,

https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa012877

Janet T. Holbrook, MPH, PhD, Robert A. Wise, MD, Benjamin D. Gold, MD, Kathryn Blake, PharmD, Ellen D. Brown, MS, Mario Castro, MD, Allen J. Dozor, MD, John Lima, PharmD, John G. Mastronarde, MD, Marianna Sockrider, MD, DrPH, and W. Gerald Teague, MD, Randomized Clinical Trial of Lansoprazole for Poorly Controlled Asthma in Children, The American Lung Association Asthma Clinical Research Centers,

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4153372/

Ngày viết:
Tôi là dược sĩ Quang, hiện đang theo học tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Ngôi trường đào tạo dược sĩ hàng đầu Việt Nam. Tôi viết những bài này nhằm cung cấp tới các bạn những thông tin hữu ích và chính xác nhất về sức khỏe.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây