Thuốc Domperidone: Công dụng, Liều dùng, Lưu ý tác dụng phụ

5/5 - (3 bình chọn)

Domperidone thuộc nhóm chất đối kháng thụ thể dopamin có tác dụng trên đường tiêu hóa. Sử dụng Domperidone có tác dụng chống nôn, giảm buồn nôn và nôn, tăng nhu động đường tiêu hóa, thúc đẩy quá trình vận chuyển thức ăn qua dạ dày; kích thích quá trình giải phóng prolactin làm tăng quá trình tiết sữa mẹ. Hiện nay Domperidone có thể được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như dạng viên nén, viên nang, dạng thuốc đặt hoặc dạng huyền phù. Trong bài viết này, Heal Central sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể và chi tiết về hoạt chất Domperidon.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển Domperidon

  • Domperidone được tổng hợp lần đầu tiên tại Janssen Pharmaceutica vào năm 1974 bởi nhà dược học Janssen và các cộng sự. Bắt nguồn từ nghiên cứu tổng hợp các chất chống loạn thần, Janssen phát hiện ra tác động của 1 số thuốc loạn thần đối với dopamine và kích thích trung tâm gây nôn tại trung khu thần kinh chemoreceptor. Từ vấn đề này mà janssen mong muốn tìm được hoạt chất đối kháng với thụ thể của dopamine và không có khả năng đi qua hàng rào máu não, và sau này đã tổng hợp thành công hợp chất Domperidone.
  • Ngày 17 tháng 5 năm 1976, Domperidone được nộp đơn đăng ký dưới tên nhà phát minh bao gồm Jan Vandenberk, Ludo EJ Kennis, Marcel JMC Van der Aa và những người khác đã được trích dẫn. Vào ngày 3 tháng 1 năm 1978, Domperidone được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, số đăng ký bằng sáng chế US4066772 A.
  • Bắt đầu từ năm 1979, Domperidone được bán dưới tên thương mại Motilium tại Thụy Sĩ và Đức.
  • Những năm 1990, công ty dược phẩm Janssen nhiều lần đưa Domperidone trước cục quản lý dược liên bang Hoa Kỳ (FDA).
  • Năm 1999, Domperidone được bào chế dưới dạng mới viên nén giải phóng kiểm soát dựa trên công nghệ Zydis (công nghệ được sản xuất bằng cách đông khô thuốc trong môi trường bao gồm gelatin và một số thành phần khác; tạo ra sản phẩm rất nhẹ và dễ vỡ, cần bao gói đặc biệt khi bảo quản và vận chuyển).
  • Domperidone được lưu hành phổ biến trên thị trường vào thời gian sau đó. Tuy nhiên tới tháng 4 năm 2014, Domperidone chính thức bị đề nghị hạn chế sử dụng và được chấp thuận sau đó do có thể gây ra nhiều rủi ro khi sử dụng, đã được Ủy ban đánh giá rủi ro cảnh giác dược (PRAC) cảnh báo. Sau này, Domperidone chỉ được sử dụng để chữa buồn nôn và nôn, liều tối đa được phép sử dụng là 10 mg/ ngày.
  • Quy định sử dụng Domperidone ở các quốc gia khác nhau là khác nhau. Domperidone có sẵn tại 58 quốc gia (số liệu năm 2007), bao gồm Canada. Tại Ý, Domperidone được chỉ định sử dụng trong quá trình điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Tại Canada, Domperidone được chỉ định điều trị rối loạn vận động đường tiêu hóa, ngăn ngừa chứng rối loạn tiêu hóa khi sử dụng các thuốc chống ức chế chất chủ vận dopamine. Tại Anh, Domperidone được chỉ định điều trị làm giảm buồn nôn và nôn, thời gian sử dụng không quá 1 tuần. Tại Hoa Kỳ, Domperidone không được phép bán, việc lưu hành Domperidone trên thị trường thuộc danh mục các việc bất hợp pháp đã được FDA đưa ra cảnh báo vào ngày 7 tháng 6 năm 2004. Tại Ireland, Hà Lan, Ý, Nam Phi, Mexico, Chile và Trung Quốc, Domperidone thuộc danh mục thuốc không kê đơn để điều trị trào ngược dạ dày thực quản và rối loạn chức năng tiêu hóa.
Công thức hóa học của Domepridone
Công thức hóa học của Domepridone

Dược lực học

  • Domperidone là một chất đối kháng thụ thể dopamine có tác dụng chống nôn. Hoạt chất này không có khả năng đi quá hàng rào máu não và hiếm khi gây ra tác dụng không mong muốn ngoại tháp.
  • Trong các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh được tác dụng của Domperidone đối với sự phân ly rộng giữa tác dụng ngoại biên và trung tâm. Sau khi dùng Domperidone trên đối tượng thí nghiệm nhận thấy nồng độ hoạt chất tại não thấp, không ảnh hưởng tới nồng độ các chất trong huyết tương như chất chuyển hóa dopamine, acid homovanilic và một vài các hoạt chất khác; thể hiện rõ tác dụng đối kháng với thụ thể dopamine. Sử dụng Domperidone với các liều tiêm tĩnh mạch khác nhau cũng mang tới sự khác nhau khi đối kháng với tác dụng ngoại biên và tác dụng trung tâm.
  • Trong nghiên cứu trên người, Domperidone đã được thử sử dụng đường uống và đường tiêm tĩnh mạch đều cho thấy tác dụng trong việc tăng co thắt thực quản ở người bình thường, tăng thời gian co bóp tá tràng, giảm lượng chất lỏng và bán lỏng trong dạ dày, tăng nhu động đường tiêu hóa. Khi sử dụng Domperidone cho những bệnh nhân gặp tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thì các tác dụng liệt kê trên không được thể hiện rõ ràng. Mặt khác, Domperidone còn thể hiện tác dụng kích thích quá trình giải phóng prolactin ở cả nam giới và nữ giới (nồng độ prolactin ở nữ giới thường cao hơn ở nam giới). Thông thường, nồng độ prolactin huyết tương tăng sau khi nữ giới sinh con, đối tượng gặp tình trạng suy giáp, bệnh nhân có khối u tiết prolactin. Khi nồng độ prolactin tăng, ở nữ giới gặp hiện tượng tăng tiết sữa còn ở nam giới có thể gặp chứng to. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng Domperidone không có tác động đến sự thay đổi của các nồng độ hoormon tăng trưởng và hoormon aldosterone.

Thử nghiệm lâm sàng của Domperidon

  • Domperidone được nghiên cứu để ứng dụng trong các liệu trình điều trị phòng ngừa chứng buồn nôn và nôn do nhiều nguyên nhân, trong một số trường hợp còn sử dụng để trị chứng khó tiêu mãn tính. Domperidone thường được sử dụng để làm giảm thiểu các triệu chứng của bệnh lý.
  • Ở các nghiên cứu so sánh ban đầu đối với việc sử dụng Domperidone và việc sử dụng giả dược ( hoặc một liều metoclopramide tương đương) đối với những người bị chứng khó tiêu mãn tính ( thường là sau khi ăn), Domperidone thể hiện rõ ưu thế của mình so với giả dược, hoặc được đánh giá cho kết quả tương đương với cả hoạt chất metoclopramide khi điều trị làm giảm các triệu chứng.
  • Ở các nghiên cứu so sánh ban đầu đối với việc sử dụng Domperidone và việc sử dụng giả dược đối với những người bị trào ngược dạ dày thực quản, hai nhóm đối tượng sử dụng Domperidone và giả dược không có quá nhiều sự khác biệt. Tuy nhiên ở nhóm thử sử dụng Domperidone thì các triệu chứng được điều trị tốt hơn so với nhóm thử dùng giả dược.
  • Đối với bệnh nhân đang điều trị loét dạ dày, sử dụng Domperidone liều 60 mg cho kết quả khả quan hơn so với dùng giả dược. Domperidone thúc đẩy quá trình lành bệnh, rút ngắn thời gian điều trị, thúc đẩy quá trình làm lành các vết loét dạ dày.
  • Đối với bệnh nhân bị nôn sau phẫu thuật, Domperidone có tác dụng chống nôn hiệu quả khi dùng ngay sau đợt nôn đầu tiên. Tuy nhiên không đảm bảo được độ ổn định của tác dụng thuốc khi sử dụng trước khi gây mê hoặc khi gần hết thuốc mê do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đường dùng, giai đoạn tiền mê, giai đoạn gây mê sâu, giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật.
  • Đối với bệnh nhân điều trị bằng các thuốc gây độc tế bào thường xảy ra tác dụng phụ buồn nôn và nôn. Sử dụng Domperidone đường tiêm có thể kiểm soát được phản ứng phụ hiệu quả và ngay lập tức. Domperidone cũng có hiệu quả tương tự khi sử dụng sau các thuốc gây nôn mạnh như mustine, mechlorethamine và dacarbazine.
  • Đối với bệnh nhân là trẻ em, Domperidone có tác dụng chống buồn nôn và nôn khi sử dụng các thuốc độc tế bào, buồn nôn sau bữa ăn, chứng nôn liên quan đến các bệnh lý khác như viêm dạ dày, viêm đường ruột, acetonaemia, trào ngược dạ dày thực quản. Khi sử dụng cho trẻ em không gây ra tác dụng phụ ngoại tháp.
  • Các triệu chứng khó tiêu hóa gây ra khi sử dụng Levodopa cũng được khắc phục khi uống Domperidone.
Thuốc Motilium có chứa thành phần Domepridone với hàm lượng 1 mg/ml
Thuốc Motilium có chứa thành phần Domepridone với hàm lượng 1 mg/ml

Dược động học

Hấp thu

Domperidone được hấp thu nhanh chóng sau khi uống và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 1 giờ sau khi uống. Theo khảo sát nhận thấy nồng độ đỉnh và lượng thuốc hấp thu tăng tỷ lệ thuận khi liều nằm trong khoảng từ 10 cho đến 20 mg. Sự tích lũy của Domperidone trong cơ thể tăng dần khi sử dụng liên tiếp trong 4 ngày.

Domperidone sau khi vào cơ thể trải qua quá trình trao đổi chất lần đầu tại ruột và gan khiến cho sinh khả dụng của Domperidone tương đối thấp, khoảng 15%. Sinh khả dụng tăng khi sử dụng Domperidone, nhưng đối với những bệnh nhân có các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa thì lại được khuyến cáo sử dụng Domperidone trước bữa ăn từ 15 cho đến 30 phút. Khi nồng độ acid trong dạ dày giảm thì quá trình hấp thu của Domperidone cũng giảm theo, khi đó sinh khả dụng đạt được của Domperidone sẽ thấp.

Phân phối

Domperidone liên kết 91-93% với protein huyết tương, không tích lũy và trao đổi chất với chính nó, có thể tích phân bố trong cơ thể lớn nhưng nồng độ tại não thấp do Domperidone không có khả năng đi qua hàng rào máu não. Một lượng nhỏ Domperidone được tìm thấy trong nhau thai.

Chuyển hóa

Domperidone chuyển hóa lần đầu qua gan qua quá trình hydroxyl hóa và N-dealkyl hóa. Thông qua các thí nghiệm chuyển hóa in vitro nhận thấy CYP3A4 là một dạng chính của cytochrom P-450 liên quan đến N-dealkylation của domperidone, trong khi CYP3A4, CYP1A2 và CYP2E1 có liên quan đến domperidone.

Thải trừ

Domperidone thải trừ chủ yếu qua nước tiểu và phân (với tỷ lệ tương ứng 31% và 66%). Thời gian bán hủy của hoạt chất kéo dài từ 7 cho đến 9 giờ ở những người bình thường và có xu hướng tăng dần ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng.

Các thông số dược động học của Domperidone thay đổi đáng kể ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan và bệnh nhân suy giảm chức năng thận.

AUC (so với người bình thường) Cmax (so với người bình thường) Thời gian bán thải (so với người bình thường) Tỷ lệ hoạt chất không liên kết
Bệnh nhân suy giảm chức năng gan trung bình (điểm Pugh từ 7 đến 9, xếp loại Pu-Pugh B) Tăng 2.9 lần Tăng 1.5 lần Kéo dài từ 15 cho đến 23 giờ Tăng 25%
Bệnh nhân suy giảm chức năng thận (độ thanh thải creatinin <30 ml / phút / 1,73m2) Nồng độ thuốc trong huyết tương thấp hơn so với bình thường. Kéo dài 20.8 giờ

 

Chỉ định

Domepridone được chỉ định để làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn. Một số trường hợp được chỉ định trong liệu trình điều trị trào ngược dạ dày thực quản và chứng khó tiêu mãn tính.

Thuốc Domperidone được chỉ định để điều trị buồn nôn, nôn ói và khó tiêu do các rối loạn ở đường tiêu hóa.
Thuốc Domperidone được chỉ định để điều trị buồn nôn, nôn ói và khó tiêu do các rối loạn ở đường tiêu hóa.

Cách sử dụng thuốc Domepridone

Cách dùng

  • Domepridone có thể được bào chế dưới dạng viên, dạng dung dịch uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch.
  • Đối với dạng viên, Domepridone sử dụng đường uống, uống nguyên viên với nhiều nước lọc. Không nên bẻ đôi hay nhai vỡ viên thuốc trong quá trình sử dụng vì ảnh hưởng khá lớn tới quá trình giải phóng của dược chất, làm giảm sinh khả dụng của Domepridone. Một số loại nước khác như nước hoa quả hay sữa có thể làm giảm hấp thu của Domepridone vào cơ thể nên hạn chế sử dụng cùng.
  • Đối với dạng dung dịch, Domepridone sử dụng đường uống, sử dụng trực tiếp và không cần pha loãng. Sử dụng các dụng cụ định mức đi kèm để sử dụng liều chính xác như bác sĩ đã kê đơn.
  • Đối với dạng tiêm tĩnh mạch, tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ điều trị.
  • Việc sử dụng Domepridone tốt nhất nên diễn ra sau bữa ăn để quá trình hấp thu dược chất đạt sinh khả dụng cao hơn. Tuy nhiên với những bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hóa thì được khuyên rằng sử dụng Domepridone trước bữa ăn từ 15 cho đến 30 phút.
  • Sử dụng Domepridone nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để làm giảm triệu chứng buồn nôn và nôn. Tăng liều từ từ để bệnh nhân đạt được đáp ứng điều trị.
  • Sử dụng Domepridone đúng liều lượng và thời gian đã quy định. Khi quên liều, nên bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp như bình thường. Không nên sử dụng 2 liều quá gần nhau hoặc tăng gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.

Liều dùng

  • Liều dùng Domepridone được quy định theo các độ tuổi khác nhau.
  • Đối với người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên ( và nặng từ 35 kg trở lên): Mỗi ngày sử dụng 30 mg Domepridone, có thể chia thành 3 lần trong ngày. Liều tối đa mỗi ngày là 30 mg hoạt chất Domepridone.
  • Đối với trẻ em dưới 12 tuổi (hoặc dưới 35 kg): Không sử dụng Domepridone cho nhóm đối tượng này.
Thuốc Domepridone được sản xuất bởi Công ty cổ phần dược phẩm Khánh Hoà
Thuốc Domepridone được sản xuất bởi Công ty cổ phần dược phẩm Khánh Hoà

Hiệu chỉnh liều

  • Đối với bệnh nhân suy giảm chức năng gan nhẹ: Không cần hiệu chỉnh liều cho nhóm đối tượng này.
  • Đối với bệnh nhân suy giảm chức năng gan từ trung bình cho đến nặng: Chống chỉ định sử dụng Domepridone.
  • Đối với bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng: giảm liều sử dụng thuốc, mỗi ngày sử dụng thuốc từ 1 cho đến 2 lần, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và khả năng đáp ứng thuốc trên cơ thể. Cần theo dõi và kiểm soát nhóm bệnh nhân này trong suốt quá trình điều trị.

Chống chỉ định

Domepridone chống chỉ định sử dụng trong một số trường hợp:

  • Bệnh nhân gặp tình trạng suy giảm chức năng gan ở mức độ từ trung bình cho đến nặng.
  • Bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch như kéo dài thời gian dẫn truyền tim, rối loạn điện giải trầm trọng, suy tim sung huyết.
  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với Domepridone hoặc bất kỳ thành phần nào đi kèm hoạt chất.
  • Đối tượng suy giảm chức năng thận nặng không thể kiểm soát.
  • Đối tượng có nguy cơ cao bị xuất huyết dạ dày, xuất huyết ruột, tắc nghẽn cơ học, thủng dạ dày khi bị kích thích nhu động ruột quá mức.
  • Bệnh nhân gặp tình trạng khối u tuyến yên tăng giải phóng prolactin quá mức.
  • Bệnh nhân đang điều trị bởi các thuốc kéo dài QT, thuốc ức chế CYP3A4.
Thuốc Domepridon Stada có chứa thành phần Domepridone
Thuốc Domepridon Stada có chứa thành phần Domepridone

Tác dụng phụ của Domperidon

Trong quá trình sử dụng Domepridone có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Tác dụng không mong muốn trên hệ thống miễn dịch: shock phản vệ
  • Tác dụng không mong muốn trên hệ tâm thần: suy giảm ham muốn, dễ kích động, lo âu, căng thẳng.
  • Tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh: đau đầu, co giật, rối loạn ngoại tháp.
  • Tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa: khô miệng, tiêu chảy.
  • Tác dụng không mong muốn trên hệ da và mô dưới da: hồng ban đa dạng, ngứa, mề đay, phù mạch.
  • Tác dụng không mong muốn trên hệ tiết niệu: bí tiểu.
  • Tác dụng không mong muốn trên hệ tim mạch: rối loạn nhịp tim, kéo dài khoảng QT.

Lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc Domepridone

Trong quá trình sử dụng Domepridone cần chú ý một số điểm sau:

  • Thận trọng khi sử dụng cho đối tượng không dung nạp galactose hoặc kém hấp thu glucose-galactose.
  • Không có nghiên cứu sử dụng Domepridone cho trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Theo dõi khi sử dụng Domepridone cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
  • Thận trọng khi sử dụng Domepridone cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch như suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim, kéo dài khoảng QT, rối loạn điện giải trầm trọng.
  • Domperidone không có hoặc có ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe hoặc sử dụng máy móc.
Thuốc Flamilium có chứa thành phần Domepridone với hàm lượng 10 mg
Thuốc Flamilium có chứa thành phần Domepridone với hàm lượng 10 mg

Ảnh hưởng trên phụ nữ có thai và cho con bú

Hoạt chất Domepridone có khả năng gây độc cho thai nhi và trẻ sơ sinh do có thể đi qua hàng rào nhau thai và một phần nhỏ được bài tiết qua sữa mẹ, cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng cho phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc đang cho con bú. Trong trường hợp không thực sử cần thiết, không sử dụng Domepridone cho nhóm đối tượng này.

Tương tác thuốc

Chống chỉ định sử dụng đồng thời Domepridone với các nhóm thuốc sau:

Một số biệt dược được cấp phép hiện nay

  1. Motilium (Domperidone siro)
  • Số đăng ký: VN-19989-16
  • Hoạt chất- Hàm lượng: Domepridone với hàm lượng 1 mg/ml
  • Dạng bào chế: Hỗn dịch uống
  • Công ty sản xuất: Janssen Pharmaceutica NV

2. Flamilium

  • Số đăng ký: VN-16363-13
  • Hoạt chất- Hàm lượng: Domepridone với hàm lượng 10 mg
  • Dạng bào chế: Viên nén
  • Công ty sản xuất: Flamingo Pharmaceuticals Ltd.

3. Domperidon

  • Số đăng ký: VD-28972-18
  • Hoạt chất- Hàm lượng: Domepridone (dưới dạng Domperidone maleate) với hàm lượng 10 mg
  • Dạng bào chế: Viên nén
  • Công ty sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Khánh Hoà

4. Gasompel-M

  • Số đăng ký: VN-20155-16
  • Hoạt chất- Hàm lượng: Domepridone (dưới dạng Domperidone maleate) với hàm lượng 10 mg
  • Dạng bào chế: Viên nén
  • Công ty sản xuất: Samchundang Pharm Co., Ltd.

5. Motidone

  • Số đăng ký: VN-18293-14
  • Hoạt chất- Hàm lượng: Domepridone với hàm lượng 10 mg
  • Dạng bào chế: Viên nén
  • Công ty sản xuất: Duopharma (M) Sdn. Bhd.
Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây