Thuốc Pantocid: Công dụng, Cách dùng, Liều dùng, Giá bán

5/5 - (5 bình chọn)

Pantocid là thuốc gì?

Pantocid là chế phẩm thuốc đường uống hoặc đường tiêm chứa thành phần hoạt chất chính Pantoprazole dạng muối natri sesquihydrat với hàm lượng khác nhau tùy theo dạng thuốc. Thuốc được sản xuất bởi công ty Sun Pharmaceutical Industries Ltd. của Ấn Độ và được nhập khẩu vào Việt Nam.

Tham khảo thêm: Thuốc Pantoprazol: Tác dụng, liều dùng, những chú ý trong khi sử dụng

Các dạng Pantocid có trên thị trường

Pantocid

Thuốc Pantocid 40mg dạng viên nén
Thuốc Pantocid 40mg dạng viên nén

Pantocid là dạng thuốc viên nén bao tan trong ruột với thành phần hoạt chất chính Pantoprazol với hàm lượng 40mg tồn tại ở dạng muối natri sesquihydrate. Thuốc được đóng gói trong hộp chứa 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

Pantocid 20

Thuốc Pantocid 20mg
Thuốc Pantocid 20mg

Pantocid 20 là dạng thuốc viên nén bao tan trong ruột với thành phần hoạt chất chính Pantoprazol với hàm lượng 20mg tồn tại ở dạng muối natri sesquihydrate. Thuốc được đóng gói trong hộp chứa 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

Pantocid IV

Thuốc Pantocid đường tiêm
Thuốc Pantocid đường tiêm

Pantocid IV là dạng thuốc bột đông khô pha thuốc tiêm với thành phần hoạt chất chính Pantoprazol với hàm lượng 40mg tồn tại ở dạng muối natri sesquihydrate. Thuốc được đóng gói trong hộp chứa 1 lọ bột đi kèm với lọ chứa 10ml dung dịch NaCl 0,9% làm dung môi pha tiêm.

Thuốc Pantocid có tác dụng gì?

Pantoprazole là một thuốc thuộc nhóm benzimidazole có tác dụng ức chế bơm proton của các tế bào thành dạ dày giúp giảm bài tiết acid dịch vị. Khi được đưa vào cơ thể đến dạ dày, Pantoprazole sẽ được hoạt hóa chuyển thành chất chuyển hóa có hoạt tính sulphenamide. Chất này sau đó sẽ tạo thành liên kết cộng hóa trị không thuận nghịch trên hai vị trí của enzyme H+/K+– ATPase trên các tế bào thành dạ dày do đó ức chế quá trình sản xuất cũng như bài tiết acid vào dạ dày. Vì vậy Pantocid có tác dụng giảm acid dạ dày giúp giảm đi yếu tố tấn công trong bệnh lý loét dạ dày, tá tràng và giảm nhẹ triệu chứng ợ chua, trào ngược.

Chỉ định của thuốc Pantocid

Pantocid dạng viên nén bao tan trong ruột được sử dụng để điều trị cho các đối tượng bệnh nhân bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản trào ngược. Thuốc cũng được dùng để điều trị và dự phòng trường hợp loét dạ dày tá tràng (kể cả trường hợp do thuốc chống viêm nonsteroid gây ra). Viên nén Pantocid cũng được dùng phối hợp với kháng sinh trong phác đồ điều trị nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.

Pantocid dạng bột đông khô pha tiêm được sử dụng trong trường hợp cần giảm nhanh acid dịch vị hoặc đối với các bệnh nhân gặp khó khăn trong việc dùng thuốc đường uống do trào ngược, nôn hoặc hôn mê. Dạng thuốc bột pha tiêm còn được dùng cho đối tượng tăng tiết acid dịch vị nguyên nhân do bệnh Zollinger- Edison.

Cách sử dụng thuốc Pantocid

Cách sử dụng thuốc Pantocid
Cách sử dụng thuốc Pantocid

Cách dùng

Đối với dạng thuốc viên nén bao tan trong ruột: Bạn nên nuốt nguyên vẹn cả viên thuốc cùng với một cốc nước lọc. Do thuốc bao tan trong ruột nên không được bẻ, nhai hay làm vỡ viên do như vậy sẽ làm thuốc tan ra và bị phá hủy bởi acid dạ dày làm giảm hiệu quả và dẫn đến thất bại điều trị. Không dùng thuốc với các đồ uống khác ngoài nước lọc do chúng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc. Thời gian uống thuốc nên vào 1 tiếng trước bữa ăn và tốt nhất là trước bữa sáng mỗi ngày do sau khi ăn là thời điểm acid được bài tiết nhiều nhất gây ra cơn đau do loét dạ dày do đó dùng Pantoprazole 1 tiếng trước ăn để thuốc được hấp thu và cho hiệu quả ức chế tốt nhất sự bài tiết acid sau ăn.

Đối với dạng thuốc bột đông khô pha thuốc tiêm:

Trường hợp tiêm tĩnh mạch thì cần hòa tan hoàn toàn lượng bột thuốc trong lọ bột bằng cách tiêm 10ml dung môi NaCl 0,9% vào lọ bột để được dung dịch trong suốt đồng nhất. Sau đó sử dụng bơm tiêm mới, khô và sạch để tiêm tĩnh mạch.

Trường hợp truyền tĩnh mạch thì cần hòa tan hoàn toàn lượng bột thuốc trong lọ bột bằng cách tiêm 10ml dung môi NaCl 0,9% vào lọ bột để được dung dịch trong suốt đồng nhất. Sau đó pha loãng 10 lần dung dịch trên với dung dịch NaCl 0,9% hoặc Glucose 5 % rồi truyền tĩnh mạch trong khoảng 2-15 phút

Quá trình tiêm/ truyền thuốc cần được thực hiện bởi cán bộ y tế, các y bác sĩ. Lưu ý chỉ sử dụng Pantocid IV khi mà dạng viên nén không thích hợp. Thời gian dùng Pantoprazole đường tiêm tĩnh mạch tối đa 7 ngày. Ngưng dùng dạng thuốc tiêm và chuyển sang dạng thuốc viên nén ngay khi có thể điều trị bằng đường uống,

Liều dùng

Tùy theo đối tượng sử dụng, loại và tình trạng bệnh lý mắc phải và dạng thuốc dùng mà liều dùng thuốc có sự khác biệt.

Viên nén bao tan Pantocid 20mg

Liều dùng khuyến cáo cho người trưởng thành và thanh thiếu niên trên 12 tuổi như sau:

Để điều trị triệu chứng của hội chứng trào ngược dạ dày- thực quản thì liều dùng khuyến cáo là 20mg Pantoprazole (tương đương với 1 viên nén Pantocid 20mg) mỗi ngày liên tục trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần. Sau thời gian đó tình trạng bệnh thường được cải thiện. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp triệu chứng bệnh chưa được cải thiện sau 4 tuần sử dụng thì khuyến cáo dùng thêm 4 tuần nữa

Để dự phòng tái phát triệu chứng viêm thực quản trào ngược, thì liều khuyến cáo là 20mg Pantoprazole (tương đương với 1 viên nén 20mg) mỗi ngày, trong trường hợp tái phát có thể tăng liều lên 40mg Pantoprazole (tương đương 2 viên nén 20mg hoặc 1 viên nén 40mg).

Để phòng ngừa loét dạ dày tá tràng ở những bệnh nhân cần điều trị NSAID liên tục thì liều khuyến cáo mỗi ngày là 20mg Pantoprazole (tương đương với 1 viên nén 20mg)

Liều khuyến cáo với người già không có sự khác biệt với người trưởng thành

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi: Do chưa có dữ liệu đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả của thuốc trên trẻ dưới 12 tuổi nên không khuyến cáo dùng cho đối tượng này

Đối với bệnh nhân suy gan: Pantoprazole chủ yếu được chuyển hóa qua gan vì thế không nên dùng quá 20 mg Pantoprazole mỗi ngày cho bệnh nhân bị suy gan nặng.

Đối với bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều trên đối tượng này.

Viên nén bao tan Pantocid 40mg

Để điều trị bệnh lý viêm thực quản trào ngược với người trưởng thành và trẻ trên 12 tuổi thì liều dùng khuyến cáo là 40mg Pantoprazole (tương đương với 1 viên Pantocid 40mg) mỗi ngày, tùy trường hợp liều dùng có thể tăng đến 80mg Pantoprazole (tương đương với 2 viên Pantocid 40mg). Triệu chứng thường được cải thiện trong vòng 4 tuần.

Để điều trị trong trường hợp bệnh nhân nhiễm H. pylori thì thường dùng Pantocid trong phác đồ điều trị kết hợp với hai loại kháng sinh như sau: 40mg Pantoprazole+ 1000mg Amoxicillin+ 500mg Clarithromycin mỗi lần, ngày dùng 2 lần; hoặc 40mg Pantoprazole+ 400mg Metronidazol+ 250- 500mg Clarithromycin mỗi lần, ngày dùng 2 lần; hoặc 40mg Pantoprazole+ 1000mg Amoxicillin+ 400mg Metronidazole mỗi lần, ngày dùng 2 lần

Thời gian điều trị với các liệu pháp kết hợp trên thường được thực hiện trong 7 ngày để cải thiện được tình trạng bệnh. Nếu như sau 7 ngày điều trị mà các triệu chứng chưa giảm đi thì có dùng thuốc thêm 7 ngày nữa

Để điều trị loét dạ dày âm tính với H.pylori thì liều dùng khuyến cáo 40mg Pantoprazole (tương đương với 1 viên Pantocid 40mg) mỗi ngày, tùy trường hợp liều dùng có thể tăng đến 80mg Pantoprazole (tương đương với 2 viên Pantocid 40mg). Triệu chứng thường được cải thiện trong vòng 4 tuần.

Để điều trị loét tá tràng âm tính với H.pylori thì liều dùng khuyến cáo là 40mg Pantoprazole (tương đương với 1 viên Pantocid 40mg) mỗi ngày, tùy trường hợp liều dùng có thể tăng đến 80mg Pantoprazole (tương đương với 2 viên Pantocid 40mg). Triệu chứng thường được cải thiện trong vòng 2 tuần.

Để điều trị hội chứng Zollinger-Ellison thì chế độ liều khuyến cáo như sau: khởi phát với liều hàng ngày 80 mg Pantoprazole ( tương đương 2 viên nén 40 mg), sau đó có thể tăng hay giảm liều tùy thuộc vào từng đối tượng. Nếu sử dụng liều trên 80 mg mỗi ngày thì bạn nên chia nhỏ thành 2 lần uống

Liều khuyến cáo với người già không có sự khác biệt với người trưởng thành

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi: Do chưa có dữ liệu đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả của thuốc trên trẻ dưới 12 tuổi nên không khuyến cáo dùng cho đối tượng này

Đối với bệnh nhân bị suy gan, suy thận:

Do Pantoprazole chủ yếu được chuyển hóa và đào thải qua gan do đó không nên dùng quá 20 mg Pantoprazole mỗi ngày cho bệnh nhân suy gan nặng.

Lưu ý do chưa có đầy đủ dữ liệu chứng minh hiệu quả và an toàn của Pantocid trên bệnh nhân nhiễm H.pylori đồng thời bị suy gan mức độ trung bình đến nặng hoặc suy thận cho nên không sử dụng các phác đồ diệt H.pylori đã nêu ở trên cho đối tượng này.

Pantocid dạng bột đông khô

Liều khuyến cáo cho người trưởng thành là 40mg Pantoprazole mỗi ngày theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch chậm trên 15 phút. Thời gian dùng thuốc đường tiêm không nên quá 56 ngày, hãy chuyển sang dạng uống ngay khi dung nạp được.

Thời gian dùng thuốc cụ thể với từng loại bệnh lý như sau:

Thời gian dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân bị loét dạ dày thường trong 4 tuần, nếu như sau đó tình trạng chưa cải thiện thì tiếp tục dùng thêm vài tuần sau đó.

Thời gian dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân bị loét tá tràng thường trong 2 tuần, nếu như sau đó tình trạng chưa cải thiện thì tiếp tục dùng thêm vài tuần sau đó.

Thời gian dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày thực quản thường trong 4 tuần, nếu như sau đó tình trạng chưa cải thiện thì tiếp tục dùng thêm vài tuần sau đó.

Liều dùng đối với người già, trẻ dưới 12 tuổi và bệnh nhân suy gan, suy thận tương tự như dạng viên nén.

Tác dụng phụ của thuốc Pantocid

Tác dụng phụ của thuốc Pantocid
Tác dụng phụ của thuốc Pantocid

Một số tác dụng không mong muốn trên hệ tạo máu và bạch huyết mà bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc như mất bạch cầu hạt với tần suất hiếm gặp hay giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu với tần suất rất hiếm gặp.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh như ít gặp đau đầu, chóng mặt; hiếm gặp tình trạng rối loạn vị giác.

Một số tác dụng không mong muốn trên hệ miễn dịch mà bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc như các phản ứng dị ứng bao gồm cả sốc phản vệ với tần suất hiếm gặp.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa như tiêu chảy/ táo bón, buồn nôn, nôn, chướng bụng, đầy hơi, đau bụng, … với tần suất ít gặp.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn trên hệ cơ- xương- khớp như gãy xương hông, cổ tay,  cột sống với tần suất ít gặp; đau khớp, đau cơ hoặc co thắt cơ với tần suất hiếm gặp.

Một số tác dụng không mong muốn trên chuyển hóa mà bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc như tăng lipid máu, tăng hoặc giảm cân bất thường với tần suất hiếm gặp, ngoài ra thuốc có thể làm giảm nồng độ trong máu của các ion Na+, Ca++ và K+ với tần suất rất hiếm gặp. Trong đó bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng do hạ kali máu như mệt mỏi, đau quằn quại, co giật, hôn mê, loạn nhịp thất. Các dấu hiệu này thường không được chú ý tới. Tuy nhiên ở hầu hết các bệnh nhân này, tình trạng hạ kali máu được cải thiện sau khi ngừng PPI và thay thế với magie.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn trên da như phát ban, ngứa với tần suất ít gặp; nổi mày đay, phù mạch với tần suất hiếm gặp; hoặc một số bệnh lý nghiêm trọng hơn như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, bệnh lupus ban đỏ.

Một số tác dụng không mong muốn trên hệ tâm thần mà bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc như rối loạn giấc ngủ với tần suất ít gặp, nghiêm trọng hơn có thể gặp tình trạng trầm cảm với tần suất hiếm gặp, ngoài ra bệnh nhân có thể bị lú lẫn, mất phương hướng hoặc gặp ảo giác với tần suất rất hiếm gặp.

Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn trên gan như xét nghiệm thấy men gan tăng, tăng bilirubin huyết, vàng da, suy gan, …

Trên đây chỉ là một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi bạn sử dụng các chế phẩm thuốc chứa Pantoprazole. Nếu như trong quá trình dùng thuốc Pantocid mà bạn gặp phải các tác dung không mong muốn kể trên hoặc bất kỳ một triệu chứng bất thường nào khác thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Chống chỉ định của thuốc Pantocid

Chống chỉ định của thuốc Pantocid
Chống chỉ định của thuốc Pantocid

Không được dùng thuốc Pantocid với bất kỳ dạng thuốc nào cho những bệnh nhân bị mẫn cảm với hoạt chất Pantoprazole hoặc tá dược có trong thành phần công thức thuốc.

Tương tác của Pantocid với các thuốc khác

Do Pantoprazole là thuốc ức chế bơm proton có tác dụng làm giảm bài tiết acid dẫn đến làm tăng pH dạ dày cho nên nó có thể xảy ra tương tác dược động học làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ của một số thuốc phụ thuộc vào pH dạ dày. Cụ thể, một số thuốc nhóm azole như Itraconazole, Ketoconazole, … có thể bị giảm khả năng hấp thu khi sử dụng đồng thời với Pantoprazole dẫn đến làm giảm sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của thuốc. Pantoprazole ức chế tiết acid dạ dày trong thời gian tương đối dài do đó việc dùng cách khoảng hai loại thuốc không thể làm giảm được tương tác. Vì thế nếu như bạn đang điều trị với một thuốc kháng nấm kể trên thì hãy lựa chọn một loại thuốc khác thay thế (ví dụ như antacid) để tránh tối đa tương tác xảy ra.

Việc sử dụng đồng thời thuốc chống đông như Warfarin cùng với chế phẩm chứa Pantoprazole có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong một số trường hợp hiếm gặp với các dấu hiệu như chảy máu bất thường, đau đầu, chóng mặt, sưng tấy, …  Nếu như cần thiết phải dùng hai loại thuốc này cùng nhau, có thể cần điều chỉnh liều hoặc theo dõi thường xuyên hơn thời gian prothrombin hoặc chỉ số INR để quá trình dùng thuốc an toàn và hiệu quả.

Khi dùng đồng thời Pantoprazole với các thuốc điều trị HIV có tính acid như atazanavir thì sẽ xảy ra tương tác làm giảm đáng kể sinh khả dụng Atazanavir do sự hấp thu của thuốc phụ thuộc vào pH dạ dày dẫn đến nguy cơ thất bại điều trị. Vì vậy nếu như cần thiết phải kết hợp hai thuốc này thì bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và có thể cần hiệu chỉnh liều các thuốc kháng HIV. Chú ý liều dùng Pantocid không quá 20mg.

Tương tác mức độ nghiêm trọng giữa Methotrexate và Pantoprazole có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương đồng thời cũng làm tăng các tác dụng không mong muốn của Methotrexate. Trong khi bạn đang điều trị với Methotrexate, có thể xem xét một thuốc khác thay thế cho Pantoprazole nếu như bạn cần làm giảm acid dạ dày. Trường hợp cần thiết phải kết hợp hai thuốc này thì có thể phải điều chỉnh liều thuốc và/ hoặc cần tiến hành xét nghiệm đặc biệt để quá trình dùng thuốc an toàn và hiệu quả.

Pantoprazole được chuyển hóa chủ yếu nhờ CYP2C19 và CYP3A4 do đó các thuốc ức chế hai enzyme này có khả năng làm tăng tích lũy Pantoprazole trong cơ thể, ngược lại các thuốc có tác dụng cảm ứng sẽ làm giảm nồng độ trong máu của Pantoprazole.

Phụ nữ có thai, cho con bú sử dụng Pantocid được không?

Phụ nữ có thai không nên sử dụng thuốc Pantocid
Phụ nữ có thai không nên sử dụng thuốc Pantocid

Nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính của Pantoprazole trên bào thai. Tuy nhiên một nghiên cứu quy mô vừa trên lâm sàng không chỉ ra tác hại của thuốc trên thai nhi. Để tránh hoàn toàn các nguy cơ bất lợi có thể xảy ra thì phụ nữ mang thai tốt nhất không nên sử dụng thuốc trong thai kỳ.

Nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra Pantoprazole có khả năng bài tiết vào sữa mẹ như dữ liệu trên người vẫn chưa đầy đủ và đáng tin cậy. Vì thế không thể loại hoàn toàn nguy cơ đối với bú mẹ. Người mẹ cần cân nhắc lợi ích nguy cơ có thể xảy ra trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, phụ nữ cho con bú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Thuốc Pantocid giá bao nhiêu?

Pantocid 20mg có giá là 75.000VND/ hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

Pantocid 40mg có giá là 95.000VND/ hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

Pantocid IV có giá là 50.000VND/ lọ.

Thuốc Pantocid mua ở đâu?

Hiện nay, bạn có thể mua được Pantocid ở rất nhiều nhà thuốc ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Trong đó có các nhà thuốc như nhà thuốc Lưu Anh tại số 748 Kim Giang Hà Nội, nhà thuốc Ngọc Anh tại số 627 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là các nhà thuốc uy tín, đảm bảo chất lượng thuốc tốt, đạt được hiệu quả điều trị với giá cả thích hợp. Tại đây bạn cũng sẽ được nghe hướng dẫn cùng các lời khuyên bổ ích đến từ các dược sĩ chuyên môn. Ngoài ra bạn cũng có thể đến các nhà thuốc bệnh viện lớn như bệnh viện 108, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Chợ Rẫy, … hoặc nhắn tin trực tiếp với page để biết thêm thông tin chi tiết về các nhà thuốc.

 

Ngày viết:
Dược sĩ Nông Minh Tuấn hiện đang học tập và công tác tại trường Đại Học Dược Hà Nội - Một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ đào tạo dược sĩ. Với vai trò là một người quản lý cũng như biên tập viên của Tạp chí sức khỏe Heal Central, dược sĩ Tuấn luôn chia sẻ những kiến thức bổ ích cùng với kinh nghiệm của mình để giúp mọi người trang bị được những kiến thức khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc.

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây