Tác dụng phụ của các thuốc tránh thai

5/5 - (1 bình chọn)

Thuốc tránh thai là nhóm thuốc dùng cho phụ nữ trước hoặc sau khi quan hệ tình dục nhằm ngăn ngừa sự thụ thai. Đây là nhóm thuốc phổ biến và được nhiều phụ nữ trên thế giới sử dụng. Tuy nhiên các tác dụng phụ mà chúng gây ra cho người sử dụng thì không phải là hiếm gặp. Bài viết này sẽ trình bày các tác dụng phụ mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng các thuốc này.
Tròng bài viết này chúng ta sẽ tạm thời chia thuốc tránh thai thành 4 loại, với 3 loại đầu là dùng theo đường uống:

  • Thuốc tránh thai 2 thành phần: Có chứa estrogen và progestin, dùng hàng ngày.
  • Thuốc tránh thai 1 thành phần: Chỉ chứa progestin, dùng hàng ngày.
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp: Dùng sau khi quan hệ tình dục.
  • Thuốc tránh thai đường tiêm.

Thuốc tránh thai 2 thành phần

Thuốc chứa 2 thành phần là estrogen và progestin nên các tác dụng phụ của thuốc cũng là do 2 thành phần này gây nên.

 Một vỉ thuốc tránh thai kết hợp gồm 21 viên tránh thai và 7 viên bổ sung sắt và vitamin.
Hình ảnh: Một vỉ thuốc tránh thai kết hợp gồm 21 viên tránh thai và 7 viên bổ sung sắt và vitamin.

Tăng cân: Tác dụng phụ này hiếm gặp, nguyên nhân chủ yếu là do các hormon này gây giữ muối và nước nên gây tình trạng tăng cân giả.
Đau đầu: Tác dụng phụ này có thể xảy ra, đặc biệt ở người đã bị đau đầu từ trước. Phụ nữ trong độ tuổi 30-45 có khả năng gặp tác dụng phụ này cao nhất. Tuy nhiên ở những phụ nữ không có yếu tố nguy cơ thì tác dụng phụ này thường không đáng kể. Tác dụng phụ này thường giảm dần khi dùng thuốc lâu dài và có thể phục hồi khi ngừng thuốc.
Buồn nôn và nôn: Tác dụng phụ này ít gặp (< 1%) và thường chỉ kéo dài trong 2-3 tháng rồi hết. Nếu bị nôn trong vòng 2 giờ sau khi dùng thuốc, bạn cần uống lại liều mới. Nhưng nếu đã qua 2 giờ thì bạn không cần uống lại liều mới nữa. Trường hợp cứ uống thuốc là nôn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ phù hợp.
Chuột rút chân: Tác dụng phụ này chỉ diến ra trong thời gian ngắn và không gây nguy hiểm. Khi bị chuột rút chân, bạn có thể nhờ một người hỗ trợ bằng cách nâng chân bạn cao lên và thẳng ra, nâng gót chân và ấn đầu gối xuống (như hình dưới). Có thể sử dụng một thuốc điều trị nếu cần.
Chuột rút
Hình ảnh: Chuột rút

Ngực đau và căng, nặng hoặc đau : Tác dụng phụ này thường chỉ xảy ra khi mới dùng thuốc và sẽ nhanh chóng biến mất sau một thời gian dùng thuốc. Nguyên nhân có thể là do sư thay đổi bất thường của lượng hormon đưa vào cơ thể lúc ban đầu.
Nám da, mụn trứng cá: Sự thay đổi bất thường các hormon sinh dục trong có thể người phụ nữ có thể gây nám da. Đồng thời các tuyến bã nhờn tăng cường hoạt động mà chất nhờn lại không được đào thải kịp có thể gây nên mụn trứng cá. Các tác dụng phụ này tuy lành tính nhưng lại để lại có thể làm cho người dùng tự ti, mặc cảm về bề ngoài của mình. Có thể cần xem xét đổi thuốc hoặc đổi sang các biện pháp tránh thai khác cho phù hợp.
Băng huyết: Sự thay đổi bất thường nồng độ hormon trong máu có thể gây chảy máu bất thường. Tuy nhiên việc chảy máu vùng kín các tháng về sau sẽ dần trở nên bình thường.
Kinh nguyệt ra ít: Tác dụng phụ này có thể gặp. Người sử dụng không cần lo lắng vì nó không có gì quá quan trọng, trừ khi chính bản thân họ đã gặp vấn đề về sức khỏe từ trước: Tâm lí bất ổn, chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hoặc các bệnh sinh dục không lây khác, rối loạn nội tiết tố…
Rong kinh: Thường rối loạn kinh nguyệt khi mới sử dụng thuốc có thể dẫn đến vấn đề này. Rong kinh thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, tuy nhiên nếu nó xảy ra kéo dài, cần đến khám bác sĩ. Cần thận trọng với nguy cơ thiếu máu do rong kinh kéo dài.
Tắt kinh: Tác dụng phụ này ít gặp và thường xảy ra trên nền những bệnh nhân có rối loạn kinh nguyệt từ trước.
Khí hư: Do viêm nhiễm âm đạo nhưng cũng có thể là do dịch nhầy cổ tử cung bị tăng tiết quá mức.
Thay đổi ham muốn tình dục: Ham muốn tình dục ở phụ nữ dùng thuốc có thể giảm (do khô âm đạo làm người dùng ngại quan hệ) hoặc tăng (do giảm lo sợ về việc mang thai).
Hình thành huyết khối: Nguy cơ hình thành huyết khối động mạch và tĩnh mạch của thuốc tránh thai là một tác dụng phụ nguy hiểm. Nguy cơ tăng lên ở phụ nữ trên 35 tuổi, có tiền sử cá nhân hoặc gia đình có huyết khối, hút thuốc lá, béo phì (BMI ≥ 30 kg/m2), phải bất động trong thời gian dài… Thuốc tránh thai phối hợp estradiol và levonorgestrel có nguy cơ gây huyết khối là 5-7 ca / 10,000 phụ nữ / năm.
Hình thành khối u: Mặc dù thuốc tránh thai có thể bảo vệ cơ thể trước một vài nguy cơ ung thư như ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung (do giảm tăng sản buồng trứng và giảm sinh trưởng nội mạc tử cung), nhưng có vẻ như thuốc lại làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung (do tăng sản cổ tử cung), ung thư vú (các nghiên cứu không thống nhất) và u gan lành tính.
Tăng huyết áp: Cơ chế này của thuốc tránh thai chưa được hiểu rõ. Thuốc làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ và nhồi máu cơ tim (có liên quan đến nguy cơ hình thành huyết khối).
Vàng da ứ mật: Thuốc có thể gây ứ mật, dẫn đến mật không đổ được vào tá tràng mà ngấm vào máu, đến da gây vàng da. Tác dụng phụ này thường chỉ xảy ra với những bệnh nhân quá nhạy cảm với estrogen.
Vàng da ứ mật
Hình ảnh: Vàng da ứ mật

Trầm cảm: Nguyên nhân có thể là do sự tác động của các hormon đến tâm trạng người sử dụng. Nguy cơ này đặc biệt cao ở những người đang trong độ tuổi 15-19 (thanh thiếu niên), độ tuổi tâm trạng thường có nhiều bất ổn.
Tác dụng phụ trên chuyển hóa:
Tăng nồng độ vitamin A và K (có thể nó đóng góp một phần nguyên nhân cho sự hình thành các huyết khối).
Vitamin C, B6, B9 (acid folic), B12, calci (Ca), các nguyên tố vi lượng mangan (Mn) và kẽm (Zn) giảm. Cần xem xét bổ sung nếu cần thiết.
Progestin làm giảm dung nạp glucose, tăng cường sự đề kháng insulin nên tăng nguy cơ đái tháo đường, thận trọng với người đã có đái tháo đường trước đó.
Progestin làm đến tăng nồng độ lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL-C) và giảm nồng độ lipoprotein tỉ trọng cao (HDL-C), do đó cần thận trọng trên người rối loạn lipid máu.
Chức năng gan có thể giảm.
Tỉ lệ nhiễm trùng tiết niệu tăng lên.
Thuốc không cho thấy nguy cơ dị tật thai nhi nếu lỡ dùng khi mang thai.
Thuốc tránh thai loại này không được khuyên dùng cho phụ nữ đang cho con bú. Nếu có dùng, nên để qua thời gian 6 tháng cho con bú vì khi này trẻ đã ăn nhiều nguồn thức ăn đa dạng hơn ngoài sữa.

Thuốc tránh thai 1 thành phần

Thuốc chỉ chứa 1 thành phần progestin nên chỉ có tác dụng phụ do progestin gây ra.

Một biệt dược thuốc tránh thai 1 thành phần chứa levonorgestrel
Hình ảnh: Một biệt dược thuốc tránh thai 1 thành phần chứa levonorgestrel

Các tác dụng phụ tương tự thuốc tránh thai 2 thành phần: đau đầu, đau và căng ngực, đau vú, mụn trứng cá, băng huyết, tắt kinh, rong kinh, khí hư. Tương tự như trên thì các tác dụng phụ này sẽ giảm dần khi dùng thuốc lâu dài, nếu như sau một thời gian dài mà các triệu chứng này không hết thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các tác dụng phụ khác: trầm cảm, đau và nhiễm trùng vùng chậu không thể đảo ngược và cần có sự chăm sóc của các bác sĩ.
Các tác dụng phụ trên chuyển hóa glucose và lipid tương tự như thuốc tránh thai 2 thành phần.
Phát hiện u nang buồng trứng.
Có thể gặp thai lạc vị trí (ngoài tử cung).
Tỉ lệ thất bại cao hơn thuốc tránh thai 2 thành phần, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ.
Thuốc có thể dùng được cho phụ nữ đang cho con bú.

Thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa ulipristal.
Hình ảnh: Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa ulipristal.

Thuốc gây buồn nôn nhiều. Nếu nôn trong vòng 2 giờ sau khi dùng thuốc, nên dùng liều thay thế ngay. Nếu đã qua 2 giờ thì không cần dùng liều thay thế nữa.
Các tác dụng tương tự như trên: đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đau ngực, đau vú, kinh nguyệt bất thường, cháy máu âm đạo, rong kinh, tắt kinh. Các tác dụng phụ này sẽ nhanh chóng biến mất sau một khoảng thời gian ngưng dùng thuốc.
Có thể gặp thai lạc vị trí (ngoài tử cung).
Thuốc không có tác dụng nếu người uống đã mang thai.
Không được sử dụng thường xuyên (quá 2 lần/tháng). Việc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ dẫn đến các hậu quả về sau như kinh nguyệt bất thường, khó thụ thai, vô sinh, dễ sấy thai nếu mang thai.

Thuốc tránh thái đường tiêm

Thuốc tránh thai đường tiêm Depo-Provera.
Hình ảnh: Thuốc tránh thai đường tiêm Depo-Provera.

Thuốc chứa 1 thành phần và có thể ngừa thai lâu hơn chỉ với 1 liều.
Các tác dụng phụ tương tự như trên có thể xảy ra bao gồm: đau đầu, băng huyết, vô kinh, tăng cân và có thể đảo ngược.
Phát triển đề kháng insulin và tiến triển thành đái tháo đường. Thận trọng với người có đái tháo đường trước đó.
Thuốc làm giảm mật độ xương khi dùng lâu dài nhưng có thể đảo ngược. Thận trọng với người bị loãng xương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây