Viêm da dị ứng là gì? Nguyên nhân, phòng bệnh và cách điều trị

Đánh giá post

Viêm da dị ứng là một trong những bệnh về da liễu phổ biến hiện nay. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi tuy không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân những bệnh không thể chữa khỏi và chúng cũng có thể mang đến những phiền toái không ngờ đến. Do đó viêm da dị ứng luôn là nỗi sợ của nhiều bệnh nhân khi nhắc đến. Vậy bệnh viêm da dị ứng là gì, nguyên nhân gây ra nó, các triệu chứng như thế nào, điều trị và phòng bệnh ra sao? Hãy cùng Heal Central (https://www.healcentral.org/) tìm hiểu để giải đáp các thắc mắc trên và trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về viêm da dị ứng nhé!

1, Viêm da dị ứng là gì

Viêm da dị ứng là một bệnh lý da liễu được hình thành khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên gây hại từ môi trường bên ngoài. Lúc này, trên bề mặt da của người bệnh sẽ xuất hiện nhiều nốt mẩn ngứa, sưng đỏ, đôi khi có cả tình trạng phát ban hoặc nổi mề đay dày đặc. 

Viêm da dị ứng là một trong những bệnh lý tiến triển mãn tính có thể khởi phát và biến mất sau một khoảng thời gian nhất định, sau đó tái phát. Những vị trí da thường bị tác động nhiều nhất là vùng da ở đầu, trán và mặt. Bệnh có thể chuyển biến từ mức độ nhẹ đến nặng, người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm. Căn bệnh viêm da dị ứng có yếu tố gia đình rõ rệt, nếu bố mẹ đều có bệnh viêm da cơ địa thì con cái khi đẻ ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh này lên đến 80% theo các nghiên cứu khoa học.

Viêm da dị ứng là một trong những bệnh về da liễu phổ biến hiện nay
Viêm da dị ứng là một trong những bệnh về da liễu phổ biến hiện nay

2, Phân loại viêm da dị ứng

Căn bệnh viêm da dị ứng là tên gọi chung và bệnh thường có các triệu chứng rất đa dạng nên được chia thành 3 nhóm bệnh sau đây:

  • Viêm da cơ địa: 

Đây là một thể bệnh lành tính có các đợt tiến triển xen giữa những đợt ổn định mạn tính bệnh, xuất hiện thường từ sớm thường là ở nhóm trẻ nhũ nhi, với các triệu chứng nổi bật là ngứa và các tổn thương dạng vết chàm trên da . Bệnh viêm da cơ địa có yếu tố di truyền cũng như tiền sử trẻ có yếu tố dị ứng như: viêm mũi xoang dị ứng, sẩn ngứa, hen, dị ứng thuốc hay thời tiết, mày đay.

  • Viêm da tiết bã: 

Viêm da dầu là một bệnh da mạn tính. Hình ảnh tổn thương là các tổn thương dát đỏ nằm phẳng trên bề mặt của da, có ranh giới rõ, trên nền da đỏ có các vảy da nhìn bóng mỡ, thường xuất hiện ở vùng da tiết nhiều dầu như da đầu, da mặt vị trí rãnh mũi má, giữa 2 cung mày, hay vùng ngực.

Khoảng 1 đến 3 % dân số mắc căn bệnh này và tỷ lệ ở nam giới nhiều hơn so với nữ, thường tập trung nhiều ở các đối tượng nhóm tuổi 18 đến 40, có thể gặp ở trẻ sơ sinh và hiếm gặp hơn ở nhóm người lớn tuổi . Ở trẻ sơ sinh, tuyến bã thường cõu hướng tăng hoạt động do tác dụng của androgen từ mẹ truyền sang còn tồn dư từ trong thai kì nên nhiều trẻ em mắc bệnh trong thời kỳ sơ sinh và thường hết khi qua 3 tháng đầu đời, lượng hormon ổn định trở lại.

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: 

Đây được coi là một dạng phản ứng viêm cấp tính hoặc mạn tính của da khi phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố lạ mang tính kháng nguyên. Các nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là các chất vật lí, hóa học, côn trùng… Có tới hơn 3700 dị nguyên được tìm thấy là nguyên nhân gây nên bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng.

Căn bệnh này rất thường gặp và chiếm tỉ lệ khoảng 1,5% – 5,4% dân số theo các nghiên cứu với mọi lứa tuổi và mọi giới tính.

Tổn thương cơ bản là các bọng nước, trợt loét gây ngứa trên nền da đỏ gây cho bệnh nhân đau rát và ngứa nhiều. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn khi tìm và loại bỏ được yếu tố gây bệnh hoặc dai dẳng, hoặc tiến triển thành mãn tính nếu không loại bỏ được nguyên nhân ấy. Đa số các trường hợp đều tiến triển thành mãn tính.

Căn bệnh viêm da dị ứng là tên gọi chung và bệnh thường có các triệu chứng rất đa dạng
Căn bệnh viêm da dị ứng là tên gọi chung và bệnh thường có các triệu chứng rất đa dạng

3, Nguyên nhân gây viêm da dị ứng là gì?

Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể xác định cụ thể các nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da dị ứng. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng dị ứng phát sinh do nhân tố histamin được sản sinh một cách quá mức, sẽ khiến cho cơ thể bị kích ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên từ môi trường bên ngoài.

Theo đó, các yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân làm bùng phát hiện tượng dị ứng:

  • Khói bụi, lông động vật, phấn hoa, hóa chất, nấm mốc,…là những tác nhân được nghiên cứu là có nguy cơ làm khởi phát bệnh khi để chúng vô tình tiếp xúc với da. Các bệnh nhân có cơ địa mẫn cảm sẽ càng có nguy cơ khởi phát đợt cấp của bệnh khi tiếp xúc với các nguyên nhân này.
  • Khi thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột từ mưa sang nắng hay từ nóng sang lạnh sẽ khiến cho làn da của bạn chưa kịp thích ứng, điều này cũng dễ khiến cho bệnh nhân bị bệnh viêm da dị ứng.
  • Sử dụng các loại thuốc bôi đông y, cao dán không rõ nguồn gốc cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này.
  • Dị ứng với các loại thức ăn cũng là một trong các vấn đề thường gặp, nhất là tình trạng dị ứng hải sản, dị ứng sữa bò, rất hay gặp ở trẻ giai đoạn bắt đầu ăn dặm.
  • Yếu tố di truyền cũng được đề cập đến nhiều trên lâm sàng, nếu trẻ có cả bố và mẹ đều mắc viêm da dị ứng thì đến 80% trẻ cũng sẽ mắc bệnh.
  • Những người làm việc trong các môi trường thường xuyên phải tiếp xúc nhiều với các loại kim loại, chất tẩy rửa hoặc dung môi,…cũng dễ bùng phát bệnh viêm da dị ứng thể viêm da  tiếp xúc dị ứng.

Người bệnh thường không nhận thấy hoặc bỏ qua các dấu hiệu dị ứng ngay khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, tuy nhiên nếu tình trạng tiến triển lâu dần sẽ khiến cho làn da trở nên nhạy cảm hơn. Khi đó, những triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện một cách rõ ràng, gây khó chịu cho cơ thể, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt thường ngày và sức khỏe người bệnh.

4, Triệu chứng của viêm da dị ứng

Mỗi loại viêm da dị ứng sẽ có các biểu hiện khác nhau, cụ thể như sau:

4.1, Viêm da cơ địa

  • Lâm sàng

Bệnh viêm da cơ địa thường phát triển từ giai đoạn sớm ở những đứa trẻ dưới từ 3 tuần tuổi với các dấu hiệu cấp tính bao gồm xuất hiện các nốt mụn nước nông dễ xuất tiết nhiều dịch trên nền đám da đỏ gây tình trạng ngứa nhiều và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn do kích thích trẻ gãi nhiều.

Vị trí xuất hiện tổn thương thường là ở hai má, vùng da đầu, vùng cổ, nếp gấp khuỷu tay hay khoeo, nếu trẻ ở độ tuổi đang bò thì còn có tổn thương ở vùng đầu gối hai bên.

Bệnh thường trở nên cấp tính khi trẻ ăn các loại thức ăn dễ dị ứng như là hải sản, thịt bò, khi thời tiết thay đổi đột ngột, tiếp xúc với lông động vật, lông gia cầm…

Thịt bò là một trong những loại thức ăn dễ gây dị ứng
Thịt bò là một trong những loại thức ăn dễ gây dị ứng

Nếu các tổn thương trên da lớn hơn 50% diện tích da thì trẻ thường có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em có thể tự khỏi khi qua độ tuổi lên 10 khi hệ miễn dịch dần ổn định vào khoảng 50% tổng số ca bệnh.

Sau giai đoạn này nếu bệnh viêm da cơ địa không có khả năng tự khỏi thì sẽ từ từ chuyển sang giai đoạn mãn tính với biểu hiện là các đám da lichen hóa dày sừng và khô xuất hiện ngày càng nhiều ở thanh thiếu niên và người lớn.

  • Cận lâm sàng

Điện di tìm Globulin IgE trong máu thấy tăng cao

bệnh học: lớp thượng bì có xốp bào xen kẽ với hiện tượng á sừng; trung bì

có sự xâm nhập của các tế bào bạch cầu lympho, mono, dưỡng bào, có hoặc không có các tế bào ái kiềm. Trường hợp da bị lichen hoá sẽ có hiện tượng tăng sản lớp thượng bì gây ra tình trạng dày sần trên da.

Các test da: giúp tìm ra các loại kháng nguyên gây bệnh như test áp bì, test lẩy da.

4.2, Viêm da tiết bã

  • Lâm sàng

Triệu chứng điển hình là những tổn thương có các phát ban đỏ thẫm mà phía trên có các lớp vảy khô màu trắng. 

Biểu hiện ở vùng da đầu là thường xuyên ra nhiều gàu và ở giai đoạn muộn hơn, da đầu trở nên đỏ hơn, tổn thương ở các nang lông lan rộng, liên kết với nhau và có thể lan xuống trán, sau tai, ống tai ngoài và cổ

Ở mặt xuất hiện các giác đỏ và có vảy da, tập trung nhiều ở vùng giữa hai cung lông mày mày và và rãnh mũi má

Các vùng da có nhiều nếp gấp như nách, bẹn, nếp gấp sẽ có biểu hiện của viêm kẽ da đỏ với giới hạn rõ gồm các vảy mỡ bong tróc.

  • Cận lâm sàng

Mô bệnh học: không có nhiều hình ảnh đặc hiệu cho thể bệnh này, có dấu hiệu tăng lớp tế bào gai và xốp bào nhẹ khiến tăng tạo các nốt vảy trên bề mặt da. 

Xốp bào là dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt viêm da tiết bã với bệnh vảy nến. Trung bì có hiện tượng thâm nhiễm các tế bào viêm như các tế bào bạch cầu ái toan, lympho bào nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.

Soi tươi bệnh phẩm có thể tìm thấy nấm M. furfur như một tác nhân kích thích của bệnh.

4.3, Viêm da tiếp xúc

  • Lâm sàng

Tổn thương trên da: phụ thuộc vào mức độ khi da tiếp xúc với dị nguyên, vị trí da tiếp xúc mỏng hay dày mà sẽ có các biểu hiện nặng nhẹ khác nhau.

Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể cấp hoặc mạn tính.

Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể cấp hoặc mạn tính.
Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể cấp hoặc mạn tính.

Viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính biểu hiện là các tổn thương mảng dát đỏ, ranh giới rõ, phù nề, trên mặt có các nốt mụn nước, sẩn, trường hợp nặng có thể xuất hiện các bọng nước lớn hoặc mảng bọng nước lớn. Bọng nước khi vỡ ra sẽ để lại các vết tổn thương trợt tiết nhiều dịch và khi khô để lại các vảy tiết màu vàng. Nếu các vết trợt không được chăm sóc tốt thì rất dễ dẫn đến tình trạng bội nhiễm trên da.

Viêm da tiếp xúc dị ứng thể bán cấp là những mảng dát đỏ nhẹ, kích thước nhỏ, được bao phủ bởi các lớp vảy da khô, đôi khi còn có kèm theo những đốm màu đỏ nhỏ hoặc những sẩn chắc, hình tròn.

Khi tiến triển thành thể mạn tính thì trên da thường có hiện tượng lichen hóa, da dày, nếp da sâu và bong vảy da nhiều, thâm da.

Cơ năng: người bệnh có cảm giác ngứa nhiều. Ngoài ra có thể có cảm giác nhức nhối và đau rát nhiều gây khó chịu cho người bệnh khi bệnh đột nhiên khởi phát giai đoạn cấp tính.

Khi loại bỏ được các yếu tố dị nguyên thì bệnh sẽ dần khỏi nhưng khi tiếp xúc trở lại với dị nguyên thì bệnh lại tái phát trong những lần tiếp theo.

  • Cận lâm sàng

Mô bệnh học: ở thể cấp tính thường có xuất hiện hình ảnh xốp bào rất mạnh, phù gian bào, tập trung lượng lớn các lympho bào và bạch cầu ái toan vùng thượng bì, bạch cầu đơn nhân và mô bào ở trung bì. Ở thể mạn tính, cùng với xốp bào là hiện tượng tăng sinh làm dày sừng và thâm nhiễm lympho bào mạn tính

Các test da: giúp tìm các kháng nguyên dễ gây dị ứng như test áp bì, test lẩy da.

5, Viêm da dị ứng có nguy hiểm không?

Viêm da dị ứng thường là một nhóm bệnh ngoài da tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng nếu không xử trí thì thường gây ra nhiều khó chịu cho bệnh nhân do những triệu chứng của bệnh như:

  • Ngứa mạn tính: viêm da cơ địa có thể tiến triển thành bệnh viêm da thần kinh và khiến cho những cơn ngứa kéo dài hơn nữa trên một vùng da nhất định bị ảnh hưởng, điều đó sẽ khiến cho bạn không thể ngừng gãi tại vùng da bị chà xát mạnh và kéo dài sẽ dễ bị đổi màu da sang thâm sạm và có thể gây nên tình trạng sẹo.
  • Nhiễm trùng trên da xảy ra khi da tổn thương vì lớp bảo vệ bên ngoài đã bị mất đi khiến cho các loại vi khuẩn hay virus trên bề mặt da dễ dàng xâm nhập vào bên trong gây nên các hiện tượng như đỏ da, viêm da, đau rát kèm theo mủ.

    Viêm da dị ứng thường là một nhóm bệnh ngoài da không gây nguy hiểm cho người bệnh
    Viêm da dị ứng thường là một nhóm bệnh ngoài da không gây nguy hiểm cho người bệnh
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ: các cảm giác ngứa kéo dài hay đau rát không thuyên giảm và thường nặng lên khi về đêm sẽ khiến cho giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng nhiều, từ đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
  • Cảm giác mất tự tin: Những vết thâm sạm sắc tố trên da hay các mảng lichen dày sừng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí của bạn khi chúng xuất hiện trên các vùng da hở. Phần lớn chúng sẽ làm mất thẩm mỹ khiến cho bạn mất tự tin khi tiếp xúc với người khác.

6, Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Các bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa trong những trường hợp sau đây:

  • Khi bệnh xuất hiện lần đầu tiên, bệnh nhân cần được đến với các chuyên gia da liễu để được thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh nhờ những phương pháp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng và được kê toa thuốc điều trị có hiệu quả.
  • Khi xuất hiện các dấu hiệu tăng nặng của bệnh như vết thương lan rộng, gây khó chịu nhiều cho người bệnh hay có dấu hiệu nhiễm khuẩn sưng nóng đỏ đau
  • Đối với những bệnh nhân là trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thì luôn cần được thăm khám sớm, vì tổn thương có khả năng sẽ bị bội nhiễm cao hơn, các loại vi khuẩn gây hại có thể xâm nhập sâu vào bên trong da của trẻ gây ra những tổn thương có mủ do trẻ chưa có hệ miễn dịch tốt. Khi các tổn thương nặng lên và lan rộng dễ gây nên tình trạng mất nước và chất dinh dưỡng qua dịch tiết gây tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ.

7, Điều trị bệnh da dị ứng

7.1, Điều trị dùng thuốc

7.1.1, Điều trị tại chỗ

Corticoid: được sử dụng nhiều để điều trị tình trạng viêm da dị ứng vì tác dụng nhanh chóng của chúng.

  • Trẻ nhỏ thì chỉ nên sử dụng các nhóm thuốc có hoạt tính yếu vì da trẻ mỏng và thuốc dễ thấm: hydrocortison 1-2,5%.
  • Người lớn dùng loại có hoạt tính trung bình sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn: desonide, clobetasone butyrate.

Với các tổn thương mạn tính, làn da bị dày sừng nhiều, lichen hoá thì việc sử dụng các loại thuốc có hoạt tính mạnh là tương đối cần thiết và đem lại hiệu quả, như: clobetasol propionate.

Lưu ý: đối với những vùng da mỏng, nhạy cảm như da mặt, vùng bụng, vùng đùi nên sử dụng các loại thuốc bôi tác dụng nhẹ và ngắn ngày, với các tổn thương mạn tính và vùng da dày, lichen hóa cần dùng thuốc có hoạt tính mạnh tác dụng chống viêm, giảm ngứa sẽ tốt hơn. Khi điều trị có kết quả nên giảm liều từ từ, không nên giảm đột ngột tránh tái phát bệnh.

Kháng sinh: Bôi thêm các loại thuốc kháng sinh hay dùng thêm một số sản phẩm phối hợp hai thành phần giữa kháng sinh và corticoid sẽ giúp bệnh nhân dễ sử dụng hơn và tác dụng chống bội nhiễm rất tốt.

Điều trị viêm da dị ứng bằng thuốc phù hợp
Điều trị viêm da dị ứng bằng thuốc phù hợp

Đắp dung dịch Jarish, thuốc tím 1/10.000, nước muối sinh lý 0,9% giúp tổn thương dịu và mát, giảm ngứa.

Làm ẩm da: vaseline giúp mềm da, hạn chế tình trạng lichen hoá xuất hiện trên da: loại bỏ lớp lichen hóa bằng mỡ salicyle 5%, 10%.

Thuốc ức chế miễn dịch, chống dị ứng: tacrolimus nồng độ 0,03-0,1% rất hiệu quả đối với viêm da dị ứng, tuy nhiên thuốc đắt tiền và hay gặp kích ứng da trong thời gian đầu sử dụng.

7.1.2, Điều trị toàn thân

Kháng histamin H1 giúp bệnh nhân giảm ngứa. Có thể sử dụng một trong các thuốc sau:

  • Chlorpheniramin 4mg × 1-2 viên /ngày.
  • Fexofenadin 180mg × 1 viên /ngày.
  • Certerizin 10mg × 1 viên /ngày

Kháng sinh chống nhiễm khuẩn đặc biệt là tụ cầu vàng, liên cầu vì dễ xâm nhập qua da. Lựa chọn kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 1 là ưu tiên hàng đầu, điều trị khoảng 2 tuần.

Corticoid: đường uống được dùng trong các đợt cấp có biểu hiện nặng của bệnh.

Prednisolon 5mg × 2-4 viên/ngày × 7 ngày

7.2, Điều trị không dùng thuốc

Sử dụng các loại lá thực vật để chữa các bệnh về da được sử dụng từ rất lâu đời vì đây cũng là một sự lựa chọn tiết kiệm nhưng mang đến hiệu tương đối tốt:

7.2.1, Điều trị viêm da dị ứng bằng lá lốt

Theo đông y cho thấy lá lốt là một loại thảo dược có vị cay nồng, tính ấm, có khả năng cải thiện các vấn đề bất thường do tình trạng viêm da dị ứng gây nên. Tây y qua nghiên cứu cũng tìm thấy các hoạt chất chống viêm trong lá lốt như ancaloit, benzyl axetat, flavonoid…

Cách sử dụng:

  • Rửa sạch 4-5 lá lốt với nước muối để loại bỏ chất bẩn.
  • Giã nhuyễn lá lốt vừa rửa sạch với muối hạt .
  • Vệ sinh vùng da bị viêm, lau khô rồi đắp hỗn hợp vừa giã lên.
  • Đợi cho tinh chất thẩm thấu vào da trong khoảng 7 đến 10 phút.
  • Rửa sạch vùng da vừa đắp lá thuốc với nước ấm .

Thực hiện một tuần 3 lần để đem lại hiệu quả tốt mà không gây kích ứng cho da

Điều trị viêm da dị ứng bằng lá lốt
Điều trị viêm da dị ứng bằng lá lốt

7.2.2, Tắm với nước từ lá bàng non để điều trị viêm da dị ứng

Chắc không phải ai trong chúng ta cũng biết được tác dụng của lá bàng non phải không nào. Lá bàng non trong thành phần có chứa nhiều chất tanin, flavonoid, phytosterol,… Những hoạt chất này có công dụng làm giảm tình trạng viêm nhiễm và giúp cho các vết thương trên da mau lành. Trong đó, hoạt chất Tanin còn có tác dụng vô cùng hữu hiệu trong việc tiêu diệt các loại khuẩn có hại trên da.

Cách dùng:

  • Rửa sạch búp lá với nước, sau đó cho vào nồi với 2 lít nước.
  • Đun sôi lá bàng với nước trong vòng 10 phút rồi thêm một thìa nhỏ muối hạt. 
  • Đổ nước ra chậu, pha thêm nước lạnh rồi dùng để tắm.
  • Xoa nhẹ nhàng phần lá bàng đã đun chín lên vùng da mẩn ngứa để có hiệu quả tốt nhất. 

7.2.3, Tắm với nước từ sài đất để điều trị viêm da dị ứng

Trong Y học cổ truyền, sài đất cây thân bò, thường mọc ở nhiều nơi, có vị ngọt, hơi chua, tính mát, quy kinh can- thận, hiệu quả trong điều trị thanh nhiệt, tiêu độc, tiêu viêm, chữa mụn nhọt và ngứa do dị ứng trên da.

Cách sử dụng: 

  • Sử dụng khoảng 100 gam sài đất tươi rửa sạch với nước muối để loại bỏ chất bẩn trên lá và thân cây.
  • Đun sài đất thành một nồi nước dùng để tắm hàng ngày giúp các triệu chứng viêm da, ngứa da giảm rõ rệt
  • Nước tắm từ cây sài đất tương đối an toàn và có thể sử dụng cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

7.2.4, Tắm với nước đun từ lá khế để điều trị viêm da dị ứng

Theo Đông y, lá khế là một loại dược liệu có tính mát, vị chát. Loại lá này mang lại hiệu quả tốt trong việc giải độc, trừ phong nhiệt, sát khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu.

 Cách sử dụng:

  • Rửa sạch một nắm lá khế.
  • Đun sôi lá khế với nước trong vòng 10 phút để các hoạt chất từ lá khế tiết ra. 
  • Đổ nước ra chậu, pha thêm nước lạnh rồi dùng để tắm.
  • Xoa nhẹ nhàng phần lá khế đã đun chín lên vùng da dị ứng để có hiệu quả tốt nhất.

    Tắm với nước đun từ lá khế để điều trị viêm da dị ứng
    Tắm với nước đun từ lá khế để điều trị viêm da dị ứng

8, Phòng bệnh

Phòng bệnh luôn là một bước quan trọng trong bất cứ bệnh lý nào của con người. Các bạn có thể phòng bệnh viêm da dị ứng bằng các cách như:

  • Các bác sĩ phải tư vấn đến bệnh nhân và người nhà về các nguy cơ, ảnh hưởng của bệnh cũng như cách phòng tránh bệnh kỹ càng để bệnh nhân hiểu và yên tâm điều trị.
  • Hạn chế tiếp xúc với các nguyên nhân khởi phát bệnh như: tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, ẩm ướt, nấm mốc, giữ nhà cửa đồ dùng luôn sạch sẽ thoáng mát, mặc đồ cotton thoáng mát
  • Khi phải tiếp xúc với các hóa chất cần sử dụng đồ bảo hộ như găng tay, mũ kính để tránh hóa chất tiếp xúc trực tiếp lên da, và tắm rửa ngay sau khi làm việc.
  • Giữ sạch da bằng việc tắm với nước ấm khoảng 37 độ đến 40 độ, và tránh việc sử dụng các sản phẩm xà phòng, sữa tắm làm khô da và có hoạt chất tẩy rửa mạnh.. 
  • Vệ sinh vùng tã lót, vùng nách, bẹn của trẻ để tránh trẻ bị hăm, kích thích bệnh tiến triển.
  • Dưỡng ẩm cho da để giúp làm mềm và bảo vệ da, đặc biệt là vào mùa đông, với các loại sản phẩm lành tính như vaseline, dầu oliu, dầu dừa…
  • Với trẻ nhỏ cần kiêng những loại thực phẩm đã được xác định là gây nên tình trạng viêm da ở trẻ qua các xét nghiệm cận lâm sàng.
  • Tăng cường sử dụng các loại rau quả chứa nhiều vitamin C như cam, bưởi, dâu tây vì vitamin C để giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, ức chế các phản ứng dị ứng, giúp cho da mau lành khi bị tổn thương. 

Qua bài viết trên, chúng ta đã cùng tìm hiểu một chút về căn bệnh viêm da dị ứng. Mong rằng qua bài viết này, các bạn có thể nắm được những thông tin cơ bản về bệnh viêm da dị ứng cũng như có cách phòng ngừa hiệu quả, xin cảm ơn.

Xem thêm: Tìm hiểu về bệnh da tự miễn – Những điều cần biết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây