Bệnh van tim: Nguyên nhân, Triệu chứng, Chấn đoán, Cách điều trị

5/5 - (2 bình chọn)

Tổng quan về bệnh van tim

Bệnh van tim là các bất thường về van tim thường dưới hai dạng tổn thương chính là hẹp van tim hoặc hở van tim. Khi các van tim trở nên dày cứng hoặc các mép van dính nhiều lại làm hạn chế khả năng mở van tim thì được gọi là hẹp van tim.

Van tim là các cấu trúc giải phẫu tại tim có chức năng điều khiển dòng máu di chuyển theo chiều nhất định. Có 4 loại van tim chính bao gồm:

  • Van ba lá: Van tim được cấu tạo từ ba lá van ngăn cách tâm nhĩ phải và tâm thất phải. Van mở giúp dòng máu di chuyển một chiều từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải và van đóng lại khi tâm thất phải co để máu di chuyển lên động mạch phổi.
  • Van hai lá: Van tim được cấu tạo từ hai lá van ngăn cách tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Van mở ra giúp dòng máu di chuyển một chiều từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái và van đóng lại khi tâm thất trái co để máu di chuyển lên động mạch chủ.
  • Van động mạch phổi: Là van tim có dạng bán nguyệt ngăn cách tâm thất phải và động mạch phổi. Van mở ra để dòng máu đi từ tâm thất phải lên động mạch phổi trong vòng tuần hoàn phổi và van đóng lại trong thời kỳ tâm trương để máu đổ đầy tâm thất phải.
  • Van động mạch chủ: Là van tim có dạng bán nguyệt ngăn cách tâm thất trái và động mạch chủ. Van mở ra để dòng máu đi từ tâm thất trái lên động mạch chủ trong vòng tuần hoàn hệ thống và van đóng lại trong thời kỳ tâm trương để máu đổ đầy tâm thất trái.

Ngược lại khi các lá van tim tổn thương, lá van bị sa xuống hay giãn vòng van tim sẽ dẫn tới van tim hở ra trong thời kỳ van đóng tạo nên dòng trào ngược thì được gọi là hở van tim. Trên thực tế lâm sàng, ta chủ yếu gặp 4 loại bệnh van tim chính bao gồm: hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ. Các dạng tổn thương còn lại ít gặp hơn.

Hẹp van động mạch chủ

Nguyên nhân gây bệnh

Thấp tim: Tổn thương sau nhiễm liên cầu Beta tan huyết nhóm A đặc trưng bởi hình ảnh mép van dính lại, lá van bị xơ hóa, vôi hóa thường xảy ra ở mép van. Hẹp van động mạch chủ thường không đơn độc mà đi kèm với hở van động mạch chủ và hẹp van hai lá. Tần số mắc bệnh cao ở các nước đang phát triển như Việt Nam (>35%).

Thoái hóa vôi ở người cao tuổi: Thường xảy ra ở người cao tuổi (>65 tuổi) van bị vôi hóa ở thân van làm hạn chế vận động.

Van động mạch chủ hai lá vôi hóa: Bẩm sinh van động mạch chủ chỉ có 2 lá và vôi hóa xảy ra ở đường nối tại giữa dẫn tới hẹp van động mạch chủ.

Hẹp van bẩm sinh: thường xảy ra ở độ tuổi rất sớm. hình ảnh van 1 lá hoặc hình vòm. Tổn thương thường đơn độc không kết hợp với bệnh bẩm sinh nào khác.

Hẹp van động mạch chủ
Hẹp van động mạch chủ

Sinh lý bệnh

Diện tích mở van động mạch chủ bình thường là 3-5 cm^2, hẹp van động mạch chủ nặng khi diện tích mở van còn 1cm^2 và được xem là rất nặng khi diện tích còn dưới 0.75 cm^2. Ngoài ra người ta còn phân độ hẹp van động mạch chủ qua chênh lệch áp lực trung bình giữa thất trái và động mạch chủ.

Việc hẹp van động mạch chủ dẫn tới thất trái tăng cường co bóp lâu dần dẫn tới dày đồng tâm thất trái, gia tăng áp lực tâm trương thất trái. Tiếp đến làm tăng áp lực nhĩ trái, áp lực tĩnh mạch phổi, áp lực mao mạch phổi và biểu hiện ở bệnh nhân khó thở và thậm chí là phù phổi cấp.

Biểu hiện lâm sàng của hẹp van động mạch chủ

Triệu chứng cơ năng

  • Giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng do cơ tim có cơ chế bù trừ để đảm bảo được cung lượng tim ổn định nên bệnh nhân không có biểu hiện nào đáng kể trên lâm sàng.

Ở giai đoạn sau, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng như: khó thở khi gắng sức, cơn đau thắt ngực, mệt mỏi và có thể ngất khi gắng sức.

Khi đã có triệu chứng thì bệnh thường tiến triển nhanh chóng và có thể đe dọa tới tính mạng nếu không có các can thiệp kịp thời.

Triệu chứng thực thể

  • Sờ mạch cảnh thấy mạch cảnh nẩy trễ và yếu do khi hẹp van nặng thì tim cần thời gian lâu hơn để đạt được đỉnh áp lực tâm thu.
  • Mỏm tim đập mạnh và khu trú: Mỏm tim nẩy hơn bình thường và đa số không lệch khỏi đường trung đòn trừ trường hợp có suy tim trái.
  • Sờ thấy rung miu tâm thu ở KLS 2 bên phải, bờ trái xương ức và mỏm tim.
  • Tiếng click tâm thu (theo ngay sau T1) nghe rõ ở mỏm tim và hoặc đáy tim.
  • Có thể nghe thấy tiếng T4 do tâm nhĩ tống máu vào thành tâm thất lúc này đã xơ cứng giảm độ đàn hồi.
  • Tiếng thổi tâm thu nghe rõ ở KLS 2 bên phải lan lên mỏm tim và cổ. Âm thổi thô và không có tương quan giữa cường độ tiếng thổi với mức độ hẹp của van.
Biểu hiện lâm sàng của hẹp van động mạch chủ
Biểu hiện lâm sàng của hẹp van động mạch chủ

Triệu chứng cận lâm sàng

Điện tâm đồ:

  • Có hình ảnh dày thành thất trái, tăng gánh tâm thu thất trái.
  • Ngoài ra bệnh nhân có thể có hình ảnh rối loạn dẫn truyền như block nhánh hay block nhĩ thất và thường gặp khi đã có suy tim trái.

X- quang ngực:

  • Bóng tim thường không lớn nhưng cung thất trái cong tròn do dày đồng tâm thất trái.
  • Khi bóng tim lớn thì đã tiến triển thành suy tim hoặc có bệnh van tim khác kèm theo.

Siêu âm tim:

  • Giúp chẩn đoán xác định hẹp van
  • Xác định mức độ hẹp, khảo sát tình trạng lá van (mềm mại, dày, sợi hóa, vôi hóa), ảnh hưởng của hẹp van lên huyết động và tìm các tổn thương phối hợp.

Biện pháp điều trị

Điều trị nội khoa

  • Với trường hợp chưa có triệu chứng bao gồm: phòng ngừa thấp tim, phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng và thăm khám định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm.
  • Khi có tiến triển suy tim mà chưa được phẫu thuật thay van hoặc chống chỉ định thay van thì cần điều trị ổn định suy tim.
  • Khi có triệu chứng sung huyết phổi điều trị với digoxin, lợi tiểu và ức chế men chuyển với liều khởi đầu thấp.
  • Khi bệnh nhân có cơn phù phổi cấp cần truyền nitroprusside, thở oxy và theo dõi sát huyết động.
  • Bệnh nhân có rung nhĩ cần chuyển sớm về nhịp xoang bằng thuốc hoặc sốc điện chuyển nhịp.

Điều trị ngoại khoa

  • Can thiệp ngoại khoa thay van động mạch chủ là điều trị chính ở bệnh nhân hẹp van động mạch chủ giúp cải thiện rõ triệu chứng cũng như tỷ lệ sống sót.
  • Các chỉ định thay van động mạch chủ bao gồm: bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng có triệu chứng, bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng có chỉ định mổ bắc cầu động mạch vành, bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng có chỉ định mổ van động mạch chủ hoặc van tim khác, hẹp van động mạch chủ nặng và rối loạn chức năng thất trái (phân suất tống máu<50%).
  • Ngoài ra còn một số biện pháp can thiệp khác bao gồm: nong van động mạch chủ, thay van động mạch chủ qua da.

Hở van động mạch chủ

Nguyên nhân gây bệnh

Thấp tim: Van động mạch chủ bị tổn thương sau nhiễm liên cầu Beta tan huyết nhóm A trước đó dẫn tới tổn thương co rút mép van, các lá van đóng không kín tạo thành lỗ hở van động mạch chủ. Trong thấp tim thường ít khi có hở van động mạch chủ đơn thuần mà thường kết hợp với hẹp van hai lá.

Bẩm sinh: có thể gặp một số dị tật bẩm sinh như van động mạch chủ hai mảnh, thoái hóa dạng mucin van động mạch chủ hoặc thông liên thất phần phễu tổn thương cả van động mạch chủ

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Có thể do viêm nội tâm mạc cấp hoặc bán cấp gây rách van, tróc chỗ gắn của van tạo đường hầm động mạch chủ với thất trái.

Các bệnh lý khác như: Hội chứng Marfan, phình vòng van động mạch chủ, viêm động mạch chủ do giang mai hoặc bóc tách động mạch chủ.

Hở van động mạch chủ
Hở van động mạch chủ

Sinh lý bệnh

Hở van động mạch chủ mãn: Vào thời kỳ tâm trương máu sẽ đi ngược về tâm thất trái làm tăng thể tích cuối kỳ tâm trương ở thất trái lâu dần dẫn tới phì đại thất trái và suy tim trái.

Hở van động mạch chủ cấp hoặc bán cấp: Một khối lượng lớn máu sẽ dội ngược về tâm thất trái, thất trái lúc này không có đủ thời gian để giãn buồng tim và phì đại thành tim. Do đó áp lực thất trái gia tăng rất sớm. Hậu quả là triệu chứng suy tim sung huyết sớm.

Biểu hiện lâm sàng của hở van động mạch chủ

Triệu chứng cơ năng

  • Hở van động mạch chủ mạn: Chỉ có triệu chứng khi đã rơi vào giai đoạn cơ tim mất bù, cụ thể bệnh nhân có thể khó thở (từ nhẹ tới nặng), cơn đau thắt ngực về đêm, hồi hộp và vã mồ hôi đặc biệt khi làm việc nặng.
  • Hở van động mạch chủ cấp hoặc bán cấp: Khó thở cấp, hạ huyết áp.

Triệu chứng thực thể

  • Dấu hiệu Quincke: ấn nhẹ móng tay thấy móng tay đập theo nhịp tim thay đổi màu trắng và hồng hoặc ấn miếng kính mỏng vào môi bệnh nhân thấy mạch mao mạch.
  • Dấu hiệu Musset: Đầu gật gù theo nhịp tim.
  • Mỏm tim lệch xuống dưới và xuống dưới.
  • Có tiếng thổi tâm trương nghe rõ nhất ở KLS 3,4 bờ trái hoặc bờ phải xương ức. Cường độ tiếng thổi có liên quan đến mức độ hở van động mạch chủ. Tiếng thổi nghe rõ hơn khi ngồi.
  • Có tiếng rung tâm trương nghe rõ ở mỏm tim.
  • T2 có thể bình thường, đôi khi giảm hoặc tách đôi.

Hở van động mạch chủ nặng thường có triệu chứng khá nặng nề như tim đập nhanh, co mạch ngoại vi, tím và đôi khi có các triệu chứng sung huyết phổi và phù phổi.

Biểu hiện lâm sàng của hở van động mạch chủ
Biểu hiện lâm sàng của hở van động mạch chủ

Cận lâm sàng

  • ECG: Điện tâm đồ có thể bình thường ở bệnh nhân hở van động mạch chủ nhẹ hoặc mới mắc. Với trường hợp hở van nặng hoặc mãn có thể thấy hình ảnh trục điện tim lệch trái và tăng gánh tâm trương thất trái. Ngoài ra, trong hở van động mạch chủ đơn thuần xuất hiện rung nhĩ là tiên lượng xấu.
  • Xquang ngực thẳng: Có thể thấy hình ảnh bóng tim to với cung thứ 3 bên trái giãn nhiều.
  • Siêu âm tim: Giúp chẩn đoán xác định hở van động mạch chủ, ước lượng độ nặng, cơ chế hở van, định hướng điều trị và tiên lượng sau cuộc mổ nếu có. Trên siêu âm thấy hình ảnh tăng gánh thể tích thất trái, tăng động vách thất, đóng sớm van hai lá và ở giai đoạn muộn có thể thấy đường kính tâm thất trái tăng nhiều kèm theo sự giảm co bóp cơ tim.

Phương pháp điều trị hở van động mạch chủ

Điều trị nội khoa

  • Phòng ngừa thấp tim trên bệnh nhân hở van động mạch chủ mạn hậu thấp và còn trẻ.
  • Phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi can thiệp răng miệng hoặc ngoại khoa.
  • Kháng sinh điều trị bệnh giang mai nếu hở van động mạch chủ do giang mai.
  • Điều trị triệu chứng của suy tim trên bệnh nhân nếu có (digitalis, lợi tiểu, giãn mạch).

Điều trị ngoại khoa

  • Phẫu thuật điều trị hở van động mạch chủ bao gồm thay van và sửa van. Phẫu thuật thay van có thể sử dụng van kim loại, van sinh học hoặc van nhân tạo.
  • Chỉ định thay van động mạch chủ: Có triệu chứng cơ năng (NYHA II, III, IV hoặc đau thắt ngực), không có triệu chứng cơ năng nhưng EF<50%, bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật bắc cầu mạch vành, không có triệu chứng cơ năng EF>50% nhưng thất trái giãn nặng (đường kính thất trái cuối tâm trương >70mm).
  • Sau mổ chức năng tâm thu thất trái cải thiện dần trong vài tháng. Phân suất tống máu (EF) giảm nặng và không hồi phục sau mổ là tiên lượng xấu. Sau mổ bệnh nhân có thể bị các biến chứng như suy tim, tán huyết cơ học, viêm nội tâm mạc hay nhiễm trùng, huyết khối làm nghẽn van cơ học…. Ở bệnh nhân được thay van cơ học cần điều trị kháng đông kéo dài. Bệnh nhân cần được siêu âm tim trước khi ra viện và tái khám sau 3-6 tháng.

Hở van hai lá

Nguyên nhân gây bệnh

Hở hai lá cơ năng do giãn buồng thất trái dẫn tới vòng van giãn theo gặp trong các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh cơ tim phì đại.

Hở hai lá thực thể

  • Thấp tim: Là nguyên nhân chủ yếu gây hở van hai lá đơn thuần thường gặp ở nam giới. Hở hai lá trong trường hợp này ít khi đơn thuần mà thường phối hợp với các tổn thương khác như hẹp hai lá, hẹp hoặc hở van động mạch chủ.
  • Viêm nội tâm mạc: Do nhiễm khuẩn viêm nội tâm mạc gây tổn thương loét hoặc sùi.
  • Vôi hóa vòng van hai lá: Chủ yếu gặp ở người lớn tuổi và thường có tổn thương hẹp van hai lá kèm theo.
  • Bẩm sinh: Van hai lá có hình dù.
Hở van hai lá
Hở van hai lá

Sinh lý bệnh

Khi van hai lá hở gây ra dòng máu phụt ngược từ thất trái lên nhĩ trái trong thời kỳ tâm thu dẫn tới nhĩ trái giãn dần ra làm tăng lượng máu đổ xuống tâm thất trái trong thời kỳ tâm trương.

Lúc này tâm thất trái phải giãn ra nhiều hơn để co bóp và tống máu đi, lâu dài sẽ làm cả tâm nhĩ trái và tâm thất trái giãn ra gây nên suy tim trái. Ngoài ra, do tăng áp lực cuối kỳ tâm trương thất trái sẽ gây ứ huyết phổi dẫn tới tăng áp lực động mạch phổi gây tăng gánh nặng thất phải. Cuối cùng dẫn tới suy tim toàn bộ.

Triệu chứng lâm sàng của hở van hai lá

Triệu chứng cơ năng: Phụ thuộc vào mức độ hở van, áp lực động mạch phổi và các tổn thương van tim cũng như mạch máu phối hợp. Các triệu chứng có thế thấy bao gồm: khó thở khi gắng sức, ho ra máu, đánh trống ngực, có thể dẫn tới cơn phù phổi cấp.

Triệu chứng thực thể

  • Mỏm tim đập mạnh và lệch so với đường trung đòn về bên trái.
  • Âm lượng T1 nhỏ do van hai lá đóng kém, T2 tách đôi do van động mạch chủ đóng sớm.
  • Có tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim âm sắc thô ráp lan lên nách hoặc ra sau lưng và không thay đổi theo tư thế người bệnh.
  • Hở van hai lá nặng có thế nghe thấy tiếng T3 cùng tiếng rung tâm trương.

Triệu chứng cận lâm sàng

ECG: Trên điện tâm đồ chủ yếu thấy hình ảnh dày nhĩ trái hoặc rung nhĩ. Một số trường hợp nặng có thể thấy hình ảnh dày thất trái.

Xquang ngực: Thấy hình tim to, nhĩ trái giãn lớn. Khi suy tim có thể thấy hình ảnh phù mô kẽ (Đường Kerley). Phim lồng ngực chếch phải có thể thấy hình ảnh vôi hóa vòng van ở người lớn tuổi.

Siêu âm tim:

  • Xác định có hở van hai lá: Có dòng máu phụt ngược lên nhĩ trái trong thời kỳ tâm thu, van đóng không kín, van hai lá bị sa, vôi hóa vòng van hoặc đứt các dây chằng vòng van.
  • Xác định mức độ hở van hai lá dựa theo diện tích dòng hở của van.
  • Xác định nguyên nhân của hở van hai lá: Vôi hóa, đứt vòng van, nhiễm khuẩn.

Biện pháp điều trị hở van hai lá

Điều trị nội khoa

Hở van hai lá cấp: Bệnh nhân hở van hai lá cấp thường có huyết động không ổn định cần điều trị bằng thuốc vận mạch và có thể cần dùng đặt bóng đối xung động mạch chủ.Tùy theo nguyên nhân gây hở van hai lá cấp như đứt cơ trụ, thiếu máu cục bộ cơ tim hay viêm nội tâm mạc nhiễm trùng mà cần tiến hành phẫu thuật sớm hoặc điều trị nội khoa trước.

  • Hở van hai lá mãn: Chủ yếu bao gồm các thuốc làm giảm hậu gánh (Ức chế men chuyển, hydralazine), lợi tiểu, Digitalis. Ngoài ra bệnh nhân hở van hai lá có rung nhĩ kèm theo cần được sử dụng chống đông lâu dài duy trì INR ở mức từ 2-3.

Điều trị ngoại khoa:

  • Phẫu thuật hở van hai lá bao gồm thay van và sửa van.
  • Phẫu thuật sửa van có thể tác động lên lá van, vòng van, dây chằng và cột cơ.
  • Phẫu thuật thay van được chỉ định khi: hở van hai lá có triệu chứng, hở van hai lá không có triệu chứng nhưng kèm rung nhĩ, hở van hai lá không có triệu chứng kèm EF<60% và Ds >45mm, hở van hai lá không triệu chứng kèm tăng áp lực động mạch phổi.

Hẹp van hai lá

Nguyên nhân gây bệnh

  • Thấp tim: Là nguyên nhân chủ yếu của hẹp van hai lá do nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A. Sau một số đợt thấp tim tái phát sẽ gây tổn thương hẹp hai lá. Dạng tổn thương chính là thâm nhiễm xơ gây dày dính lá van, dính và co rút dây chằng ngoài ra có thể tạo vôi hóa lắng đọng trên lá van, dây chằng, vòng van làm hạn chế chức năng đóng của van.
  • Mảng sùi bám trên van: Gặp trong trường hợp nhiễm khuẩn nội tâm mạc bán cấp.
  • Vôi hóa vòng van, lá van: Các nốt vôi hóa gây hạn chế chức năng đóng của van.
  • Bẩm sinh: Thường ít khi là tổn thương đơn độc mà kèm theo thông liên nhĩ.
Hẹp van hai lá
Hẹp van hai lá

Sinh lý bệnh

Khi van hai là bình thường thì chênh áp lực giữa nhĩ và thất trái ở kỳ tâm trương từ 4-5 mmHg, áp lực trong cuối kỳ tâm trương trung bình thất trái vào khoảng 5 mmHg.

Sự gia tăng áp lực trong buồng nhĩ trái sẽ làm gia tăng áp lực tĩnh mạch phổi và mao mạch phổi. Khi tim đập mạnh độ chênh áp gia tăng nhiều hơn gây ra các triệu chứng cơ năng đầu tiên.

Sự gia tăng áp lực mao mạch phổi sẽ làm tăng áp lực động mạch phổi và khi áp lực này tăng thì tâm thất phải sẽ tăng co bóp để đảm bảo cung lượng tim. Ngoài ra, nhĩ trái dãn sẽ gây ra rung nhĩ trên bệnh nhân có hẹp van hai lá và các cấu trúc van bất thường cũng là yếu tố thuận lợi cho viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Triệu chứng lâm sàng của hẹp van hai lá

Triệu chứng cơ năng

  • Khó thở khi gắng sức, nặng dần tới khó thở kịch phát về đêm. Ngoài ra có thể có cơn hen tim và phù phổi cấp: bệnh nhân ho nhiều, khạc bọt màu hồng, khó thở kịch phát, hốt hoảng, kích thích và vã mồ hôi.
  • Ho ra máu do tăng áp lực mao mạch phổi.
  • Đánh trống ngực: Do các rối loạn của nhịp tim mà chủ yếu là rung nhĩ.
  • Đau ngực do tăng áp lực động mạch phổi hoặc nhồi máu phổi.
  • Các triệu chứng khác có thể thấy như nói khó, nuốt nghẹn.
Triệu chứng lâm sàng của hẹp van hai lá
Triệu chứng lâm sàng của hẹp van hai lá

Triệu chứng thực thể

  • Lồng ngực biến dạng do tim lớn phì đại, mỏm tim khó sờ thấy.
  • Tiếng T1 đanh, gọn nghe rõ ở mỏm tim và ổ van 3 lá.
  • Tiếng T2 mạnh và tách đôi nghe rõ ở ổ van động mạch phổi.
  • Tiếng click mở van hai lá: nghe tại mỏm hay bờ trái xương ức.
  • Tiếng thổi tiền tâm thu trầm, nhỏ khi dòng máu đi qua van hai lá hẹp.
  • Tiếng rung tâm trương tại mỏm tim khi bệnh nhân nằm nghiêng trái.
  • Ngoài ra có thể thấy phù chi dưới, gan to, tràn dịch màng bụng hay màng phổi.

Triệu chứng cận lâm sàng

ECG: ở bệnh nhân còn nhịp xoang thì có thể thấy hình ảnh giãn nhĩ trái. Ngoài ra thì thấy hình ảnh rung nhĩ do giãn nhĩ trái kéo dài. Khi hẹp nặng gây tăng áp lực động mạch phổi có thể thấy hình ảnh dày thất trái.

Xquang ngực: Thấy hình ảnh cung thứ 4 bên trái giãn. Phế quản trái có thể bị đẩy lên cao. Chụp phim nghiêng với chất cản quang có thể thấy thực quản bị đẩy ra phía sau. Tăng áp tĩnh mạch phổi biểu hiện bằng dấu hiệu tái phân bố máu tại phổi, đường Kerley A, B và phù mô kẽ. Có thể thấy động mạch phổi giãn lớn. Khi van hai lá bị vôi hóa có thể thấy ở phim ngực sau trước.

Siêu âm tim: Thấy hình ảnh lá trước van mất hình chữ M, lá sau di chuyển về phía trước, van hai lá di động cùng thì tâm trương. Dày lá van và hệ dây chằng dưới van, lá trước van mở có dạng gấp gối.

Biện pháp điều trị

Điều trị nội khoa

  • Điều trị dự phòng thấp tim thứ phát, nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì sử dụng kháng sinh dự phòng viêm nội tâm mạc .
  • Điều trị triệu chứng: Dùng thuốc lợi tiểu, chẹn Beta, chế độ ăn hạn chế muối và tránh các vận động gắng sức.
  • Với các bệnh nhân có rung nhĩ cần được điều trị dự phòng với thuốc chống đông và chống loạn nhịp như chẹn Ca hay chẹn Beta, amiodarone. Nếu tình trạng huyết động không ổn định có thể tiến hành sốc điện chuyển về nhịp xoang.

Điều trị phẫu thuật

  • Chỉ định nong van hai lá: hẹp hai lá khít (khi diện tích lỗ van <1.5 cm^2) và có triệu chứng, không có hình ảnh huyết khối trong nhĩ trái trên siêu âm, không có hở van hai lá hoặc hở van động mạch chủ kèm theo và chưa ảnh hưởng đến chức năng thất trái.
  • Chỉ định thay van: Có triệu chứng cơ năng (NYHA III-IV) nhưng không tiến hành được nong van hai lá, có triệu chứng cơ năng nhưng áp lực động mạch phổi tăng >60 mmHg, không có triệu chứng cơ năng nhưng có biến chứng tắc mạch tái phát dù đã điều trị chống đông.
  • Do khả năng tái hẹp sau nong van hai lá bệnh nhân dù đã được nong van bằng bóng hay phẫu thuật thì cần được theo dõi sức khỏe liên tục suốt đời. Trước khi ra viện bệnh nhân cần được siêu âm tim và tái khám 6 tháng sau đó.

Tham khảo:

Bệnh nhịp tim chậm: Triệu chứng, Xử trí và Chế độ ăn hàng ngày

Bệnh suy tim | Nguyên nhân, Triệu chứng, Biến chứng, Cách điều trị

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây