Thuốc cai nghiện Buprenorphine: Cách sử dụng, Tác dụng phụ, Giá bán

4.7/5 - (8 bình chọn)

Buprenorphine hiện nay là hoạt chất đang được sử dụng ngày càng rộng rãi trong các phác đồ điều trị giảm đau và hỗ trợ cai nghiện các chất dạng thuốc phiện. Bài viết dưới đây Heal Central sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về đặc điểm cũng như cách dùng Buprenorphine.

Buprenorphine là thuốc gì?

Buprenorphine thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid (giảm đau gây nghiện), được dùng để làm giảm các cơn đau cấp và mạn tính, đau liên tục và đau nặng, dùng để hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện thuốc phiện, người bị lệ thuộc vào các opioid khác. Buprenorphine có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau chỉ khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ.

Buprenorphine có những dạng nào

Buprenorphine hiện được bào chế ở nhiều dạng thuốc như:

  • Miếng dán giải phóng thuốc qua da: hàm lượng Buprenorphine trong miếng dán qua da là 20mg, diện tích chứa Buprenorphine là 25 cm2 và được thiết kế giải phóng thuốc trong vòng 96 giờ (giải phóng 35 microgam Buprenorphine mỗi giờ)
  • Viên nén ngậm dưới lưỡi: chứa 2,16 mg Buprenorphine hydrochloride tương đương 2mg Buprenorphine, cùng một số tá dược vừa đủ 1 viên
  • Thuốc tiêm: chứa 300 microgram Buprenorphine dạng muối hydrochloride trong 1ml dùng tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
Buprenorphine dạng miếng dán
Buprenorphine dạng miếng dán

Thành phần trong Buprenorphine có tác dụng gì?

Tính chủ vận và tính đối kháng trên receptor opioid của Buprenorphine phụ thuộc liều. Với mức liều trên 1mg dùng đường tiêm, Buprenorphine có tác dụng giảm đau.

Buprenorphine là opioid có tác dụng dài, gây dung nạp chéo trên receptor opioid, giúp ngăn ngừa triệu chứng cai thuốc, cạnh tranh vị trí gắn trên receptor nên gây ức chế tác dụng của các opioid khác. Do đó, Buprenorphine có tác dụng điều trị phụ thuộc opioid.

Buprenorphine chủ vận từng phần trên receptor m của hệ thần kinh trung ương và các mô ngoại biên, có tác dụng giảm đau và các tác dụng khác trên thần kinh trung ương tương tự như Morphin với thời gian giảm đau thường dài hơn Morphin, có thể gây lệ thuộc thuốc nhưng tỉ lệ thấp hơn các chất chủ vận opioid như Morphin.

Xem thêm: Thuốc Ultracet Janssen 325mg: Công dụng, giá bán, chống chỉ định

Công dụng, Chỉ định

Buprenorphine được chỉ định trong các trường hợp:

  • Giảm đau vừa và đau nặng sau mổ trong nhiều loại phẫu thuật
  • Giảm đau vừa và nặng do ung thư, do đau dây thần kinh tam khoa, đau do chấn thương, tai nạn, đau do sỏi niệu quản và nhồi máu cơ tim.
  • Giảm đau trong trường hợp đau dữ dội không đáp ứng với các thuốc giảm đau không opioid.
  • Điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện trong một số trường hợp được chỉ định cụ thể.

Cách sử dụng thuốc cai nghiện Buprenorphine

Buprenorphine có thể được dùng đường tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, đặt dưới lưỡi hoặc dán trên da tùy thuộc dạng bào chế và chỉ định của bác sĩ.

Cách dùng và liều dùng cụ thể như sau:

Điều trị giảm đau mức độ vừa đến nặng

Không dùng kéo dài, dùng được qua đường tiêm, ngậm hoặc dán trên da. Liều dùng được điều chỉnh theo mức độ đau, đáp ứng cơ thể và đặc điểm người bệnh.

  • Đối với người lớn và trẻ từ 13 tuổi trở lên: liều tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch thường là 0.3 – 0.6 mg mỗi 6-8 giờ. Liều khởi đầu tối đa là 0.3 mg, dùng nhắc lại sau ½ – 1 giờ nếu cần thiết.
  • Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao bị ức chế hô hấp, khuyến cáo giảm 50% liều Buprenorphine.
  • Mức liều 0.6 mg nếu bắt buộc phải dùng, cần thực hiện đường tiêm bắp và không được dùng trên người có nguy cơ bị ức chế hô hấp.
Buprenorphine dạng ngậm dưới lưỡi
Buprenorphine dạng ngậm dưới lưỡi

Điều trị giảm đau sau phẫu thuật

  • Buprenorphine tiêm bắp liều đầu 0.3 mg, sau 30-60 phút tiêm nhắc lại một lần, sau đó cứ 4-6 giờ tiêm 1 lần nếu cần thiết.
  • Buprenorphine dạng viên ngậm dưới lưỡi: mỗi 6-8 giờ ngậm dưới lưỡi 1-2 viên (0.2 – 0.4 mg), đặt dưới lưỡi đến khi thuốc tan hoàn toàn, không được nuốt.

Điều trị đau mạn tính đối với người lớn từ 18 tuổi

Miếng dán giải phóng có thể được sử dụng.

  • Mức liều trên từng bệnh nhân phụ thuộc vào đặc điểm opioid bệnh nhân đã sử dụng trước đó: có các mức liều giải phóng gồm 35 microgam/giờ; 52,5 microgam/giờ và 70 microgam/giờ.
  • Mức liều thấp nhất luôn được khuyến cáo với bệnh nhân chưa dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào.
  • Với bệnh nhân chuyển từ opioid mạnh với liều lượng cao khi chuyển sang Buprenorphine có thể bắt đầu với miếng dán có tốc độ giải phóng thuốc cao.

Với miếng dán dùng trên da, nên được thay chậm nhất là 96 giờ (4 ngày), không nên dán nhiều hơn 2 miếng cùng lúc. Vị trí dán có thể trên lưng trên hoặc dưới xương đòn trên ngực.

Lưu ý khi dùng miếng dán

  • Dán trên vùng da sạch khô hoàn toàn không bị kích ứng, không dùng trên da có sẹo lớn
  • Không nên sử dụng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa trên vùng da dán miếng dán.
  • Không nên dán lại miếng dán khác vào cùng một vị trí đã dán trước đó

Đối với trẻ em từ 2 tuổi trở lên: Buprenorphine được khuyến cáo dùng liều 2-6 microgram/kg, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm, nhắc lại sau 6-8 giờ, không áp dụng khoảng cách cố định liều cho tới khi quan sát trên lâm sàng cho kết quả.

Buprenorphine có tác dụng giảm đau
Buprenorphine có tác dụng giảm đau

Chống chỉ định

Buprenorphine chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân đang trong tình trạng suy giảm chức năng hô hấp mức độ nặng hoặc có nguy cơ cao bị ức chế chức năng hô hấp.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan mức độ nặng.
  • Bệnh nhân bị mê sảng, bệnh nhân nghiện rượu cấp tính.
  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế men MAO hoặc trong vòng 2 tuần đã sử dụng IMAO.
  • Bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang trong thời gian nuôi con bú.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị cai nghiện Buprenorphine

Trong quá trình điều trị với Buprenorphine, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn được liệt kê dưới đây:

  • Đối với người nghiện thuốc phiện, Buprenorphine có thể gây độc gan cấp với các triệu chứng: viêm gan vàng da, suy giảm chức năng gan, tăng men gan, hoại tử gan, nặng hơn là hội chứng não gan, hội chứng gan thận. Tình trạng này có thể xảy ra trên bệnh nhân sử dụng Buprenorphine đường tiêm tĩnh mạch hoặc dùng liều cao.
  • Tác dụng phụ trên thần kinh trung ương: ngủ lơ mơ, chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, lú lẫn, có thể gây sảng khoái, kích động.
Buprenorphine gây chóng mặt, nhức đầu
Buprenorphine gây chóng mặt, nhức đầu
  • Tác dụng phụ trên tim mạch: hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim
  • Tác dụng phụ trên hô hấp: ức chế hô hấp, giảm thông khí, chứng xanh tím, khó thở, có thể gây ngừng thở.
  • Tác dụng phụ trên tiêu hóa: nôn, khô miệng, táo bón.
  • Tác dụng phụ trên sinh dục – tiết niệu: chứng bí tiểu
  • Tác dụng phụ trên da: viêm da dị ứng, nổi mề đay, ngoại ban.
  • Tác dụng phụ trên mắt: co đồng tử, mắt nhìn mờ, rối loạn thị giác.
  • Tác dụng phụ toàn thân: vã mồ hôi, cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

Khi bệnh nhân có xuất hiện các tác dụng không mong muốn hoặc bất cứ dấu hiệu khác lạ nào trong quá trình điều trị với Buprenorphine, bệnh nhân cần được theo dõi và báo lại với bác sĩ để được xử lý đúng cách và an toàn.

Ảnh hưởng của thuốc Buprenorphine đến phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ mang thai

  • Dữ liệu về sử dụng Buprenorphine trên phụ nữ mang thai chưa được cập nhật đầy đủ.
  • Một nghiên cứu khi sử dụng Buprenorphine nồng độ thấp trên mẹ mang thai đã chỉ ra rằng nồng độ Buprenorphine và các chất chuyển hóa của Buprenorphine trong sữa và huyết tương mẹ thấp, có thể hoặc không phát hiện được nồng độ thuốc trong huyết tương trẻ sơ sinh bú mẹ.
  • Tuy nhiên, có mối tương quan giữa liều dùng của mẹ và nồng độ Buprenorphine trong huyết tương mẹ cũng như trong sữa khi người mẹ được dùng Buprenorphine liều cao. Buprenorphine có thể gây ức chế hô hấp trên trẻ sơ sinh ngay cả sau một thời gian sử dụng thuốc. Việc sử dụng Buprenorphine trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây ra hội chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh.
  • Do đó, Buprenorphine chống chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai.

Phụ nữ cho con bú

  • Nghiên cứu trên chuột cho thấy Buprenorphine gây ức chế tiết sữa.
  • Buprenorphine bài tiết được qua sữa mẹ.
  • Buprenorphine không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

Tương tác thuốc của Buprenorphine

Trong quá trình điều trị với Buprenorphine, người bệnh cần chú ý các tương tác thuốc có thể xảy ra gồm:

  • Với đồ uống, sản phẩm chứa cồn: rượu làm tăng tác dụng an thần của Buprenorphine, làm tăng các tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh của Buprenorphine, do đó không kết hợp Buprenorphine với các đồ uống có cồn.
  • Benzodiazepin: Khi dùng đồng thời với Buprenorphine làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của thuốc, tăng nguy cơ ức chế hô hấp và có thể gây ra tử vong. Buprenorphine được khuyến cáo không phối hợp cùng với Benzodiazepin.
  • Các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác, các opioid khác (Methadone, thuốc giảm đau, thuốc trị ho gà); nhóm thuốc kháng Histamin; một số thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và các nhóm chất liên quan khác: thận trọng, cần quan sát bệnh nhân khi dùng đồng thời với Buprenorphine do Buprenorphine làm tăng nguy cơ trên thần kinh, cần điều chỉnh liều lượng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Các thuốc ức chế men MAO (monoamin oxidase): nhóm thuốc này có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh của Buprenorphine nên cần thận trọng khi sử dụng kết hợp.
  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin SSRI, nhóm ức chế tái hấp thu Serotonin norepinephrine SNRI hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng serotonin, đe dọa tính mạng nếu dùng đồng thời với Buprenorphine.
  • Buprenorphine làm tăng tác dụng của thuốc tê khi sử dụng đồng thời.
  • Ketoconazole kháng nấm làm tăng nồng độ Buprenorphine trong huyết tương do Ketoconazole có khả năng ức chế mạnh CYP3A4 – là enzym tham gia chuyển hóa chính Buprenorphine, do đó khi kết hợp 2 thuốc này, bệnh nhân cần được theo dõi và giám sát các biểu hiện chặt chẽ.
  • Naltrexone: là chất đối kháng opioid, có thể ức chế tác dụng và làm giảm hiệu quả điều trị của Buprenorphine.
  • Nhóm thuốc cảm ứng enzym CYP3A4 như Phenobarbital, Carbamazepin, Phenytoin, Rifampicin: dùng đồng thời với Buprenorphine có thể gây giảm nồng độ Buprenorphine trong huyết tương xuống dưới mức tối ưu, do đó bệnh nhân nên được theo dõi nếu dùng đồng thời các nhóm thuốc này, điều chỉnh liều nếu cần thiết.
  • Buprenorphine khi dùng đồng thời với các thuốc gây độc gan làm tăng nguy cơ gây độc tính trên gan.

Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng đồng thời các thuốc hoặc các sản phẩm khác với Buprenorphine.

Lưu ý và thận trọng khi sử dụng

Một số vấn đề cần lưu ý và thận trọng khi sử dụng Buprenorphine:

  • Buprenorphine chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ điều trị, quá liều có thể gây ra các nguy cơ ức chế hô hấp, tổn thương gan mức độ nặng, các triệu chứng cai nghiện không kiểm soát. Sử dụng sai cách Buprenorphine có thể gây ra tình trạng lạm dụng và phụ thuộc thuốc tương tự như các thuốc gây nghiện.
  • Không khuyến cáo ngừng điều trị đột ngột Buprenorphine do có nguy cơ gây ra hội chứng cai nghiện khởi phát chậm.
  • Tử vong do suy hô hấp khi sử dụng Buprenorphine có thể xảy ra, đặc biệt là khi bệnh nhân sử dụng đồng thời Buprenorphine với các thuốc nhóm an thần gây ngủ Benzodiazepin, sử dụng chung với rượu hoặc các opioid khác. Do đó, Buprenorphine chống chỉ định dùng chung với rượu, các thuốc nhóm Benzodiazepin.
  • Buprenorphine có thể làm tăng áp lực dịch não tủy, do đó thận trọng khi sử dụng cho người bệnh suy giảm hệ thần kinh trung ương, người có tổn thương nội sọ hay chấn thương sọ não, bệnh nhân có nguy cơ tăng áp lực nội sọ.
  • Dùng Buprenorphine thận trọng trên bệnh nhân suy giảm chức năng tuyến giáp, thiểu năng vỏ tuyến thượng thận, bệnh nhân là người cao tuổi, bệnh nhân suy thận nặng hoặc có phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo.
  • Do thuốc chuyển hóa trên gan, do đó thận trọng khi dùng trên bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng. Trước và trong thời gian điều trị với Buprenorphine, bệnh nhân cần được theo dõi và kiểm tra chức năng gan định kỳ.
Theo dõi chức năng gan khi sử dụng Buprenorphine
Theo dõi chức năng gan khi sử dụng Buprenorphine
  • Cần thận trọng và chú ý theo dõi bệnh nhân điều trị ngoại trú với Buprenorphine, bệnh nhân làm các công việc nguy hiểm cần sự tỉnh táo, tập trung như vận hành máy móc, lái xe do Buprenorphine gây ra một số tác dụng không mong muốn trên thần kinh, gây buồn ngủ, giảm tỉnh táo.
  • Trường hợp bệnh nhân dùng Buprenorphine miếng dán, nhiệt độ tăng có thể làm tăng giải phóng thuốc qua da, do đó bệnh nhân có thân nhiệt cao, bệnh nhân đang sốt cần được giám sát trong suốt thời gian sử dụng thuốc.
  • Đối tượng thanh thiếu niên từ 16-18 tuổi cần được theo dõi chặt chẽ nếu được điều trị với Buprenorphine. Bệnh nhân dưới 16 tuổi không được khuyến cáo dùng Buprenorphine do chưa có dữ liệu nghiên cứu an toàn đầy đủ.

Cách xử trí quá liều, quên liều

Triệu chứng khi quá liều: gồm ức chế thần kinh trung ương, co nhỏ đồng tử, hạ huyết áp, nhịp tim đập chậm và các triệu chứng trên đường hô hấp.

Cách xử trí:

  • Trường hợp quá liều Buprenorphine cấp tính, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, cẩn thận triệu chứng đường hô hấp, các biểu hiện tim mạch, chú ý duy trì đường thở thông suốt cho bệnh nhân, sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp hoặc hô hấp nhân tạo.
  • Bệnh nhân nên được đưa đến cơ sở y tế để thực hiện tiêm truyền tĩnh mạch, thở oxy, sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng tim mạch nếu cần.
  • Xử trí quá liều Buprenorphine có thể sử dụng Naloxone, tuy nhiên giải pháp này có thể không hiệu quả đối với suy giảm hô hấp so với biện pháp sử dụng thở oxy hoặc hô hấp nhân tạo.

Dược động học

Đặc điểm dược động học của Buprenorphine như sau:

Hấp thu: Buprenorphine hấp thu tương đối tốt qua các đường dùng, khoảng 40-90% liều được hấp thu sau khi tiêm bắp, khoảng 55% với đường ngậm dưới lưỡi.

  • Buprenorphine nhanh chóng đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau tiêm bắp.
  • Sau khoảng 90 phút ngậm dưới lưỡi, Buprenorphine được hấp thu qua niêm mạc và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương.
  • Với miếng dán: nồng độ đạt hiệu quả điều trị đạt được sau khoảng 12-24 giờ, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương đạt được sau khoảng 60 giờ.

Phân bố: Buprenorphine có thể tích phân bố lớn và tỉ lệ liên kết với protein huyết tương cao (khoảng 96%). Khi tiêm tĩnh mạch, thuốc có thể phân bố vào dịch não tủy trong vài phút.

Chuyển hóa và thải trừ:

  • Buprenorphine qua được nhau thai và được chuyển hóa tại gan bởi CYP3A4.
  • Buprenorphine và chất chuyển hóa của nó liên hợp với acid glucuronic, thải trừ qua phân và nước tiểu.
  • Thời gian bán thải của Buprenorphine dao động từ 3 giờ đến 44 giờ tùy thuộc vào đường dùng thuốc.

So sánh giữa Buprenorphine và Methadone trong điều trị lệ thuộc opioid khi mang thai

Kết quả sau các nghiên cứu về sử dụng Buprenorphine và Methadone cho bà mẹ mang thai khi điều trị lệ thuộc opioid đã được tổng hợp và kết luận:

  • Cả Buprenorphine và Methadone đều có hiệu quả khi điều trị lệ thuộc opioid trên mẹ mang thai, với độ an toàn cao hơn so với việc tiếp tục sử dụng các opioid không được kê đơn trong thai kỳ.
  • Có bằng chứng cho thấy Buprenorphine được cho là phát huy hiệu quả tương đương với Methadone, tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá đầy đủ những ưu điểm cũng như tính an toàn của Buprenorphine so với Methadone trong điều trị sản khoa.
So sánh giữa Buprenorphine và Methadone
So sánh giữa Buprenorphine và Methadone

Thuốc Buprenorphine giá bao nhiêu?

Buprenorphine hiện có các mức giá dao động trên thị trường khác nhau tùy thuộc vào dạng bào chế cũng như hàm lượng thuốc. Thông thường chi phí sử dụng thuốc Buprenorphine để cai nghiện là 10.000 VNĐ một ngày.

Tham khảo: Thuốc giảm đau Dolfenal 500mg có dùng được cho phụ nữ có thai?

Thuốc Buprenorphine mua ở đâu tại Hà Nội, TPHCM?

Bạn nên tìm mua tại các nhà thuốc bệnh viện hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để đảm bảo mua được thuốc chính hãng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không những không đem lại hiệu quả mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

16 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn dược sỹ rất nhiều. Tôi có người anh bị nghiện Heroin, rất mong muốn được nghe những lời chỉ dạy của Dược sỹ về việc sử dụng Buprenophine để điều trị thay thế. Xin Dược sỹ tư vấn giúp tôi quá email. Trân trọng biết ơn Dược sỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây