[Chia sẻ] Đau đầu, buồn nôn là dấu hiệu bệnh gì? Cách chữa tại nhà?

4/5 - (2 bình chọn)

Hiện nay, đau đầu buồn nôn là những triệu chứng khá thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này thường xảy ra đột ngột, gây cảm giác khó chịu, khiến cho người bệnh mất tập trung, giảm năng suất công việc.

Đau đầu buồn nôn là dấu hiệu của bệnh gì?

Đau đầu buồn nôn là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau đầu buồn nôn là dấu hiệu của bệnh gì?

Tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý:

Đau đầu buồn nôn có nguồn gốc ngoại vi

  • Bệnh Meniere (rối loạn thính lực): nguyên nhân hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Bệnh xuất hiện theo cơn, mỗi cơn kéo dài từ 5 phút – 5 giờ, bao gồm các triệu chúng như mất thính lực, ù tai, chóng mặt, nhức đầu ngoài ra còn kèm theo buồn nôn, đổ mồ hôi, không kiểm soát được cử động mắt.
  • Viêm dây thần kinh tiền đình: nguyên nhân do các loài virus zona, quai bị, thủy đậu chiếm 5%. Đây là bệnh lý tổn thương 1 phần dây thần kinh tiền đình – ốc tai dẫn đến ảnh hưởng đến thăng bằng với các triệu chứng nổi bật là mất thăng bằng, đột ngột chóng mặt dữ dội, cảm giác quay tròn và chao đảo, nhức đầu kèm buồn nôn, nôn.
  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: hầu hết các trường hợp là vô căn, thường xảy ra khi vị trí của đầu thay đổi đột ngột (ví dụ đang nằm ngồi dậy đột ngột). Bệnh lý này có các triệu chứng điển hình là chóng mặt, choáng váng, cảm giác mọi thứ xung quanh quay tròn, mất thăng bằng, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa.
  • Một số bệnh lý liên quan khác:  bệnh liên quan đến ốc tai tiền đình (ví dụ dị dạng tai trong, viêm tai giữa cấp và mạn tính, u dây thần kinh tiền đình – ốc tai), bệnh lý rối loạn thị giác (cận thị, viễn thị, loạn thị,…), sử dụng nhiều rượu, ma túy, chấn thương hoặc tiền sử phẫu thuật, say tàu xe, tổn thương dây thần kinh vùng cổ (vị trí cột sống cổ  số 2, 3),…

Đau đầu buồn nôn có nguồn gốc trung ương

  • Thiểu năng tuần hoàn não: tình trạng lượng máu cung cấp cho não không đủ dẫn đến giảm cung cấp oxi và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của não bộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng 1 số căn nguyên phổ biến là thiếu máu, vữa xơ động mạch, nhồi máu não, … Triệu chứng chính của bệnh này là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, giảm chú ý, hay quên, rối loạn cảm xúc (dễ cáu, dễ kích động),…
  • Hạ huyết áp tư thế: xảy ra khi bệnh nhân đột ngột thay đổi từ ngồi sang đứng, khi đó máu tập trung ở ngoại vi và chậm lưu thông trở lại tim dẫn đến hạ huyết áp. Triệu chứng chính của bệnh là chóng mặt, choáng váng, nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn,… và thường các biểu hiện này chỉ kéo dài vài giây.
  • Các bệnh lý liên quan khác: nhồi máu não, u tiểu não, hội chứng Wallenberg,…

Đau đầu buồn nôn do nguyên nhân khác

  • Đau nửa đầu Migraine: bệnh lý gây đau nửa đầu theo từng cơn kéo dài trong vòng vài giờ cho đến 2-3 ngày, cường độ đau từ nhẹ thoáng qua đến đau dữ dội, vị trí đau có thể đau nửa đầu trái hoặc phải hoặc cả 2 bên đầu hoặc luân chuyển hai bên. Triệu chứng chính là đau đầu,chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ, nhìn đôi,…
  • Bệnh Parkinson: cơ chế bệnh do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamine ở các tế bào não. Triệu chứng chính của bệnh là run tay chân, cứng khớp, mất thăng bằng, chóng mặt, nhức đầu, …
  • Giang mai thần kinh: là biến chứng của bệnh giang mai gây ra do xoắn khuẩn Treponema pallidum. Triệu chứng chính ban đầu là sốt, nhức đầu, buồn nôn,… Sau đó, người bệnh có thể giảm thính lực, giảm thị lực, liệt vận động, rối loạn tâm thần ….

Khi bị đau đầu buồn nôn thì nên làm gì?

Trong một số trường hợp, khi xuất hiện đau đầu buồn nôn bạn có thể áp dụng những biện pháp sau để cải thiện triệu chứng bệnh:

  • Nếu cảm thấy cơn đau nửa đầu sắp xuất hiện, bạn hãy dừng làm việc và nghỉ ngơi ở nơi phòng tối, yên tĩnh. Sau đó, bạn chườm một túi vải bọc đá ở gáy để giúp giảm bớt cơn đau.
  • Nếu cơ thể có biểu hiện mất nước hoặc hạ đường huyết, bạn hãy nghỉ ngơi và ăn uống bổ sung đầy đủ.
  • Nếu cơn đau đầu buồn nôn có thể là do căng thẳng, lo âu bạn hãy áp dụng những biệp pháp thư giãn như thiền, yoga, đi bộ, nghe nhạc, vận động nhẹ nhàng.

Đau đầu buồn nôn có nguy hiểm không?

Đau đầu buồn nôn có nguy hiểm không?
Đau đầu buồn nôn có nguy hiểm không?

Nếu trường hợp đau đầu buồn nôn là do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, hạ huyết áp tư thế, căng thẳng thần kinh thì bệnh không gây ra biến chứng gì nghiêm trọng. Tuy nhiên cần chú ý khi có triệu chứng như vậy người bệnh cần nghỉ ngơi một chỗ tránh đi lại nhiều, đặc biệt là lái xe sẽ nguy hiểm do không tập trung được.

Nếu trường hợp đau đầu buồn nôn là do các bệnh lý khác như bệnh lý tổn thương thần kinh ốc tai – tiền đình, giang mai thần kinh, bệnh lý mạch máu não,… bệnh có thể diễn tiến nặng lên nghiêm trọng và xuất hiện biến chứng, vì vậy, người bệnh cần đến gặp bác sỹ càng sớm càng tốt để nhận được liệu pháp điều trị thích hợp.

Cách điều trị đau đầu buồn nôn

Tùy thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn gây ra triệu chứng đau đầu buồn nôn mà việc điều trị sẽ là khác nhau. Nếu triệu chứng đau đầu buồn nôn diễn ra nhẹ nhàng thì có thể tự khỏi, còn nếu triệu chứng nặng hơn bạn cần đến khám bác sỹ. Khi đó, bác sỹ sẽ thăm khám đánh giá và kê đơn đồng thời tư vấn về chế độ sinh hoạt phù hợp. Bạn cần tuân thủ điều trị theo đơn kê của bác sỹ và lời khuyên về lối sống để đạt được hiệu quả điều trị tốt.

Bên cạnh đó cũng có những biện pháp chữa đau đầu buồn nôn không dùng thuốc khác:

Chườm nóng hoặc lạnh

  • Nếu cơn đau đầu bắt nguồn từ những vấn đề về xoang thì sử dụng khăn lạnh hoặc túi chườm lạnh là giải pháp tuyệt vời. Các túi chườm đá khi được đặt trên trán của bạn trong một vài phút sẽ làm tê vùng trán và ngăn chặn cơn đau. Bạn có thể tự làm một túi chườm bằng cách gói một vài viên đá trong một chiếc khăn mỏng. Lưu ý không được đặt đá trực tiếp lên đầu.
  • Sử dụng một túi chườm nóng sẽ giúp làm giãn các cơ bắp nên nếu bạn bị đau đầu do quá căng thẳng thì đây là sự lựa chọn phù hợp. Bạn có thể đặt một chiếc túi này vào sau gáy hoặc đổ nước nóng (không quá nóng để tránh bị bỏng) vào bồn tắm và đặt bàn tay của bạn trong đó khoảng 10 đến 15 phút.

Chữa đau đầu bằng xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp, bấm huyệt cũng là một phương pháp có khả năng chữa đau đầu hiệu quả. Trong khi xoa bóp, bạn có thể sử dụng thêm tinh dầu để gia tăng hiệu quả. Chọn vị trí tránh gió, yên tĩnh khi tiến hành xoa bóp, bấm huyệt. Cách bấm huyết rất đơn giản và bạn nào cũng có thể áp dụng. Đó là dùng ngón tay trỏ day ở phần huyệt thái dương theo vòng cung. Cùng lúc bấm huyệt ở hai bên thái dương rồi di chuyển lên vùng trán và kế thúc ở phần chân mày. Áp dụng cách này mỗi khi có đau đầu để tăng tuần hoàn máu lên não. Bấm huyệt cho đến khi giảm cơn đau là được. Cần lưu ý khi hết đau đầu, cần chờ một lát mới đứng dậy nếu không bạn có thể bị xây xẩm do ngồi lâu.

Gừng

Gừng có tác dụng đặc biệt tốt đối với chứng đau nửa đầu. Có thể dùng trà gừng hoặc bất cứ loại thực phẩm nào có gừng để giảm cơn đau đầu. Ngoài ra gừng còn có hiệu quả trong giảm buồn nôn và đặc biệt ở những phụ nữ có thai do tính an toàn của nó.

Chữa đau đầu bằng xông lá

Việc xông lá là một mẹo dân gian mà nhiều người thường áp dụng mỗi khi bị bệnh, kể cả đau đầu. Các tinh dầu trong các loại lá có khả năng giảm các cơn đau đầu nhanh chóng. Việc nấu nước xông thuốc lá để trị đau đầu rất đơn giản: Dùng các loại cây như lá bưởi, lá hương nhu, lá sả, lá chanh, …Tất cả đem đi rửa sạch và cho vào nồi xông. Đổ nước ngập lá và đậy vung rồi đun sôi khoảng 15 phút là được. Để trị cơn đau đầu, trùm người trong chăn rồi dần dần mở hé vung. Ban đầu chỉ nên mở hé để tránh bị bỏng. Xông thuốc lá cho đến khi nồi xông hết hơi nóng là được.

Tắm trong nước ấm dưới vòi sen hoặc ngâm người trong bồn tắm

Tắm dưới vòi hoa sen nước ấm sẽ giúp đả thông các mạch máu toàn thân, kể cả trên đầu. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thư thái, sảng khoái, giảm cảm giác đau đầu. Ngâm nước ấm cũng có tác dụng như việc bạn tắm dưới vòi hoa sen, giúp xóa tan cơn nhức mỏi, giảm đau đầu.

Một số phương pháp phòng bệnh đau đầu buồn nôn

Một số phương pháp phòng bệnh
Một số phương pháp phòng bệnh

Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đúng giờ giấc, đủ bữa, đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và cung cấp đủ lượng nước cho hoạt động hằng ngày của cơ thể. Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thực phẩm chứa caffein và không sử dụng ma túy.

Xây dựng chế độ nghỉ ngơi, làm việc cho hợp lý để cơ thể được nghỉ ngơi khi cần thiết. Tránh làm việc liên tục trong nhiều giờ dẫn đến căng thẳng thần kinh và quá sức. Trong giờ làm việc, bạn có thể dành ra 5-10 phút nghỉ ngơi giữa giờ để giảm bớt căng thẳng và đồng thời khi đầu óc thư thái hơn thì năng suất làm việc cũng tốt hơn.

Tránh thay đổi tư thế đột ngột với những người có tiền sử hạ huyết áp tư thế và chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Cụ thể là khi chuyển từ tư thế nằm để ngồi dậy, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu cũng phải thực hiện từ tốn, chậm rãi. Tốt nhất nên nhắm mắt lại để hạn chế thị giác thu nhận những tín hiệu thay đổi không gian, giảm kích thích tiền đình. Sau khi xác lập tư thế tại vị trí mới thì từ từ mở mắt ra. Nếu nhận thấy các cơn chóng mặt thường xảy ra lúc thức dậy thì trong giấc ngủ, nên sử dụng nhiều gối để kê đầu được ngay ngắn, nên nằm ngửa, tránh nghiêng về một bên.

Chuẩn bị không gian sống tránh ánh sáng, ồn ào và mùi cũng giúp giảm tần suất xuất hiện triệu chứng đau buồn nôn. Cụ thể là trong phòng không nên dùng ánh sáng chói quá, có sử dụng rèm cửa để tránh ánh sáng. Về mùi thì nên sử dụng tinh dầu xông trong nhà những mùi nhẹ nhàng, thư giãn không làm người bệnh khó chịu. Ngoài ra, phòng người bệnh cần bố trí yên tĩnh, tránh ồn ào sẽ làm kích động người bệnh.

Đau đầu buồn nôn có chữa được không?

Nếu trường hợp đau đầu buồn nôn được bác sỹ thăm khám và phát hiện ra căn nguyên rõ ràng thì điều trị khỏi nguyên nhân các triệu chứng sẽ hết. Nếu các triệu chứng đau đầu buồn nôn ở mức độ nặng thì bác sỹ sẽ thêm những thuốc làm giảm các triệu chứng này giúp người bệnh thoải mái hơn.

Trên thực tế có những trường hợp đau đầu buồn nôn vô căn, không rõ nguyên nhân bệnh là gì, khi đó thường chỉ có thể dùng các thuốc điều trị triệu chứng để thuyên giảm các triệu chứng này cho người bệnh, ngoài ra kết hợp thêm các biện pháp không dùng thuốc khác như thay đổi lối sống, chế độ ăn cho phù hợp.

Khi nào bị đau đầu buồn nôn phải đi gặp bác sỹ?

Trong nhiều trường hợp, triệu chứng đau đầu buồn nôn có thể diễn biến nhẹ và tự hết. Tuy nhiên cũng có những trường hợp khác đây lại có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, bạn cần đến gặp bác sỹ nếu đau đầu buồn nôn diễn ra nghiêm trọng, nặng nề.

Nếu đau đầu buồn nôn có kèm các triệu chứng sau đây, bạn cần đến gặp bác sỹ:

  • Nói lắp
  • Nhầm lẫn
  • Chóng mặt
  • Cứng cổ và sốt
  • Nôn kéo dài hơn 24 tiếng
  • Không đi tiểu được trong 8 tiếng hoặc hơn
  • Rối loạn ý thức, mất ý thức

Tìm hiểu thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây