Thuốc Perindopril: Cơ chế tác dụng, tác dụng, kết quả thử nghiệm lâm sàng

5/5 - (1 bình chọn)

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc gerneric có hoạt chất là Perindopri tuy nhiên lại rất ít thông tin liên quan đến hoạt chất này. Ở bài này HealCentral.org xin được chia sẻ các thông tin như: Cơ chế tác dụng của Perindopri là gì? Perindopri có tác dụng gì? Tác dụng phụ của Perindopri là gì?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Perindopri là thuốc ức chế hệ renin – angiotensin – aldosterone (hệ RAA) thuộc nhóm ức chế men chuyển angiotensin (Angiotensin Converting Enzyme Inhibitors – ACEIs). Thuốc được dùng trong các trường hợp tăng huyết áp, suy tim và bệnh mạch vành ổn định.
Perindopril được cấp bằng sáng chế năm 1980 và được chấp thuận sử dụng trong y tế năm 1988. Hiện nó được bào chế dưới 2 dạng muối chính khác nhau trên thị trường là perindopril erbumine và perindopril arginine. Chúng không khác nhau về hiệu quả trên lâm sàng, tuy nhiên liều dùng khác nhau do khác biệt về phân tử lượng.

Cấu trúc hóa học của perindopril.
Hình ảnh: Cấu trúc hóa học của perindopril.

Dược lực học

Perindopril là 1 tiền thuốc. Khi vào cơ thể, nó được thủy phân nhóm ester để chuyển thành perindoprilat có tác dụng dược lý. Nó hoạt động bằng cách ức chế men chuyển angiotensin ACE ở phổi thuận nghịch. Bằng cách bắt chước cấu trúc của angiotensin I, nó liên kết với trung tâm hoạt động của enzyme và hạn chế angiotensin I được chuyển thành angiotensin II, do đó các tác dụng sinh học của angiotensin II cũng giảm đi đáng kể.
Các hiệu ứng của perindopril giống như các ACEIs khác:

  • Hạ huyết áp: Giãn mạch do angiotensin II liên kết với thụ thể AT1­ trên mạch giảm và do tích lũy bradykinin. Ngoài ra còn do thể tích tuần hoàn giảm do vỏ thượng thận giảm tiết aldosterone và tuyến yên giảm tiết ADH giúp giảm giữ muối và nước.
  • Ức chế yếu tố tăng trưởng thất nên hạn chế phì đại thất, có lợi cho bệnh nhân suy tim.

Tích lũy bradykinin gây ho ở một số bệnh nhân. Ngoài ra, aldosterone giảm tiết nên kali không thải được, dẫn đến tăng kali máu.

Cơ chế tác dụng các ACEIs.
Hình ảnh: Cơ chế tác dụng các ACEIs.

Một số thử nghiệm lâm sàng

Nghiên cứu so sánh hiệu quả giữa 5 mg perindopril arginine và 4 mg perindopril tert-butylamine trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát từ nhẹ đến trung bình.

So sánh perindopril arginine và perindopril tert-butylamine
Hình ảnh: So sánh perindopril arginine và perindopril tert-butylamine

Các tác giả: Qi L, Zhao S, Li H, Guo Y, Xu G, Ge J, Wu S, Miao P, Jin Y, Yang J, Wu X, Ma C, Xu D, Luo J, Wang B, Li G, Wang F, Shen F, Shi H và Huo Y.
Mục tiêu: So sánh hiệu quả và độ an toàn của 5 mg perindopril arginine và 4 mg perindopril tert-butylamine trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát từ nhẹ đến trung bình.
Phương pháp: Nghiên cứu được thiết kế dưới dạng thử nghiệm đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chứng dược chất hoạt động với 2 nhóm song song gồm 524 người tham gia có tăng huyết áp nguyên phát từ nhẹ đến trung bình. Sau thời gian 2 tuần, 186 bệnh nhân đã được điều trị ngẫu nhiên với 5 mg perindopril arginine và 183 bệnh nhân được điều trị ngẫu nhiên với 4 mg perindopril tert-butylamine. Chuỗi ngẫu nhiên được tạo bởi I.R.I.S., và sự cân bằng được thực hiện ở mỗi trung tâm. Sau khi điều trị mù đôi trong 8 tuần, có thể tăng gấp đôi liều cho bệnh nhân huyết áp không kiểm soát được (huyết áp tâm thu (SBP) ≥ 140 mmHg (1 mmHg = 0.133 kPa) hoặc huyết áp tâm trương (DBP) ≥ 90 mmHg) và các bệnh nhân được điều trị thêm 4 tuần.
Kết quả: SBP khi ngồi giảm tương tự nhau ở cả 2 nhóm: 19.9 ± 17.2 mmHg ở nhóm perindopril arginine và 18,5 ± 14,7 mmHg (P = 0.0005) ở nhóm perindopril tert-butylamine sau 8 tuần điều trị. Liều được tăng gấp đôi ở 109 bệnh nhân (59.9%) trong nhóm perindopril arginine và 116 bệnh nhân (63.7%) trong nhóm perindopril tert-butylamine. Sau 12 tuần điều trị, SBP khi ngồi giảm 19.8 ± 16.2 và 19.6 ± 16.3 mmHg tương ứng ở 2 nhóm. Sự giảm DBP khi ngồi cũng tương tự nhau ở cả 2 nhóm -12.0 ± 10.0 mmHg và -11.0 ± 8.9 mmHg (P < 0.0001) tương ứng. Tỉ lệ kiểm soát hoặc tỉ lệ đáp ứng cũng tương tự giữa 2 nhóm (tỉ lệ kiểm soát trong 8 tuần là 38.5% so với 31.3%, 95% CI -2.6-16.9, tỉ lệ kiểm soát trong 12 tuần là 36.3% so với 35.7%, 95% CI -9.3-10.4, tỉ lệ đáp ứng trong 8 tuần là 64.3% so với 63.2%, 95% CI -8.8-11.0, tỉ lệ đáp ứng trong 12 tuần là 65.9% so với 64.8%, 95% CI -8.7-10.9). Tỉ lệ các tác dụng phụ thấp và tương tự nhau ở cả 2 nhóm điều trị.
Kết luận: Kết quả cho thấy perindopril arginine 5 mg có hiệu quả tương đương với perindopril tert-butylamine 4 mg trong hạ huyết áp cho bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát từ nhẹ đến trung bình. Cả 2 loại thuốc này đều có hồ sơ an toàn tốt và được dung nạp tốt bởi các bệnh nhân trong nghiên cứu này.

Dược động học

Hấp thu: Sinh khả dụng (F) đạt 75%. Thời gian khởi phát tác dụng là 1-2 giờ (đáp ứng cực đại PO trong tăng huyết áp). Thời gian tác dụng là 24 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 1 giờ (PO, perindopril) và 3-7 giờ (perindoprilat). Khoảng nồng độ điều trị là 80-150 ng/mL.
Phân bố: Tỉ lệ liên kết protein huyết tương là 60% (perindopril) và 10-20% (perindoprilat). Thể tích phân bố (Vd) là 0.22 L/kg (perindopril) và 0.16 L/kg (perindoprilat).
Chuyển hóa: Perindopril được chuyển háo tại gan (88-96%). Chất chuyển hóa là perindoprilat (hoạt động), dẫn chất glucuronide (không hoạt động).

Chuyển hóa của perindopril
Hình ảnh: Chuyển hóa của perindopril

Thải trừ: Thời gian bán thải (t1.2) là 1.5-3 giờ (perindopril) và 3-10 giờ (perindoprilat). Thanh thải thận (ClR) là 1.5 L/h (perindopril) và 6-10 L/h (perindoprilat). Thanh thải toàn cơ thể (Cl­T) là 21-31 L/h (perindopril) và 46 L/h (perindoprilat). Bài xuất qua nước tiểu (75%).
Chú thích: PO: đường uống.

Chỉ định và liều dùng

Tăng huyết áp:

Điều trị tăng huyết áp
Hình ảnh: Điều trị tăng huyết áp

4-8 mg PO 1 lần/ngày hoặc chia mỗi 12 giờ.
Tối đa: 16 mg/ngày PO chia mỗi 12 giờ.
Lợi tiểu có thể được thêm vào, chuẩn độ ban đầu cẩn thận để tránh hạ huyết áp triệu chứng.
Bệnh mạch vành (CAD) ổn định:
Bệnh mạch vành
Hình ảnh: Bệnh mạch vành

4 mg/ngày PO trong 2 tuần, sau đó tăng liều khi dung nạp thành 8 mg/ngày PO chia mỗi 12 giờ.
Giảm nguy cơ tử vong do tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân có CAD ổn định.
Suy tim (Chỉ định ngoài nhãn):
2 mg/ngày PO khởi đầu đến tối đa 8-16 mg/ngày PO.
Có lợi cho nhiều bệnh nhân có nguy cơ bệnh tim, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh thận đái tháo đường, microalbumin niệu, đái tháo đường khởi phát mới.
Cân nhắc bắt đầu dùng ACEIs ở bệnh nhân có nguy cơ cao, kể cả khi không có tăng huyết áp hoặc suy tim sung huyết.
Thuốc có thể kéo dài sự sống trong suy tim sung huyết, bảo tồn chức năng thận trong đái tháo đường.
Thuốc là lựa chọn tốt ở bệnh nhân lipid máu cao.
Cần sử dụng thuốc vài tuần để đạt được hiệu lực đầy đủ, bắt đầu với liều thấp và chuẩn độ mỗi 1-2 tuần.
Ngừng thuốc đột ngột không liên quan đến tăng huyết áp nhanh.

Tác dụng phụ

Rất thường gặp (> 10%):

  • Đau đầu (23%).
  • Ho (12%).

Đau đầu
Hình ảnh: Đau đầu

Thường gặp (1-10%):

  • Chóng mặt (8%), trầm cảm (2%), ngủ gà (1%), rối loạn giấc ngủ (3%).
  • Đau lưng (6%), đau chi dưới (5%), đau ngực (2%).
  • ECG bất thường (2%), đánh trống ngực (1%).
  • Rối loạn kinh nguyệt (1%), rối loạn chức năng tình dục (nam 1%).
  • Phù (4%).
  • ALT tăng (2%).
  • Buồn nôn / nôn (2%), đầy hơi (1%).
  • Phát ban (2%).
  • Tăng kali máu (1%).
  • Ù tai (2%).

Tỉ lệ không xác định:

  • Phù mạch ruột.
  • Suy gan (hiếm).
  • Giảm bạch cầu.
  • Ngứa.
  • Ngất.
  • Đột quỵ.
  • Bí tiểu.
  • Mất trí nhớ.
  • Phù mạch (môi, họng). Thường gặp ở bệnh nhân da đen (0.1%).

Lưu ý và thận trọng

Cảnh báo hộp đen:
Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai do thuốc gây ít dịch ối.

Không sử dụng thuốc perindopril cho phụ nữ có thai
Hình ảnh: Không sử dụng thuốc perindopril cho phụ nữ có thai

Thận trọng:
Thận trọng với bệnh nhân sử dụng dextran sulfate, có bệnh cơ tim phì đại, bệnh mạch máu collagen, hạ huyết áp quá mức, giảm thể tích tuần hoàn, chạy thận nhân tạo với màng lọc high-flux, hẹp động mạch chủ.
Tích lũy bradykinin gây phù mạch.
Hạ huyết áp triệu chứng có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị giảm thể tích máu hoặc thiếu muối do điều trị bằng lợi tiểu kéo dài, hạn chế muối trong chế độ ăn uống, lọc máu, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Ở những bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc bệnh mạch máu não, huyết áp hạ quá mức có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Nếu xảy ra hạ huyết áp quá mức, đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa và nếu cần thiết thì điều trị bằng truyền tĩnh mạch nước muối sinh lý (NaCl 0.9%). Điều trị bằng perinopril thường có thể tiếp tục sau khi phục hồi thể tích máu và huyết áp.
Thuốc ít hiệu quả hơn với người da đen.
Suy thận có thể xảy ra.
Giảm bạch cầu trung tính / mất bạch cầu hạt đã được báo cáo.
Ho có thể xảy ra trong vài tháng đầu.
Vàng da ứ mật có thể xảy ra.
Phụ nữ mang thai: Xem phần Cảnh báo hộp đen. Phân loại thai kì: D.
Phụ nữ đang cho con bú: Sử dụng thận trọng do không biết thuốc có vào sữa mẹ hay không.

Tương tác thuốc

Phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác (chẹn kênh calci, chẹn β-adrenergic, lợi tiểu…): Tăng cường tác dụng hạ huyết áp. Ưu tiên phối hợp với lợi tiểu thiazide do chúng bù trừ tác dụng phụ cho nhau. Với bệnh nhân suy tim, ưu tiên phối hợp với spironolactone ngay từ đầu do các thử nghiệm lâm sàng cho thấy spironolactone làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do suy tim (dùng thêm 1 thuốc tăng thải kali như furosemide).
Phối hợp với thuốc ức chế neprilysin (sacubitril), các thuốc ức chế mTOR (temsirolimus), pregabalin: Tăng nguy cơ phù mạch.
Ức chế kép hệ RAA bằng ARBs, ACEIs hoặc aliskiren: Tăng nguy cơ hạ huyết áp, tăng kali máu và thay đổi chức năng thận (bao gồm cả suy thận cấp) so với đơn trị liệu.
Phối hợp với các thuốc có thể gây tăng kali máu (thuốc chẹn β-adrenergic, thuốc chống viêm không steroid NSAIDs, spironolactone…): Có thể tăng kali máu nguy hiểm. Theo dõi thận trọng.
Phối hợp với NSAIDs (aspirin, diclofenac…): Giảm tác dụng hạ huyết áp, tăng độc tính trên thận.
Phối hợp với thuốc hạ đường huyết (metformin, các sulfonylurea, acarbose, insulin…): Tăng tác dụng hạ đường huyết. Theo dõi thận trọng.
Phối hợp với lithium: Giảm thải trừ lithium do đó tích lũy gây ngộ độc.
Phối hợp với allopurinol: Tăng nguy cơ sốc phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson.

Tương tác thuốc perindopril và allopurinol
Hình ảnh: Tương tác thuốc perindopril và allopurinol

Phối hợp với azathioprine: Tăng nguy cơ giảm bạch cầu trung tính.

Chống chỉ định

Quá mẫn cảm với perindopril, ACEIs khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Tiền sử phù mạch di truyền hoặc liên quan đến điều trị bằng ACEIs trước đó.
Phối hợp với các thuốc ức chế neprilysin (sacubitril).
Hẹp động mạch thận hai bên.
Dùng chung với aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3012553/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1993997/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4155991/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4310951/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây