Bệnh rối loạn nhịp tim: Nguyên nhân, Cách điều trị, Có nguy hiểm không?

Đánh giá post

Rối loạn nhịp tim là gì?

Rối loạn nhịp tim là quá trình phát xung động ở nút xoang hoặc dẫn truyền của tim hoạt động không bình thường, dẫn tới tim của bạn đập không đều. Hậu quả là khiến tim đập quá nhanh (Tần số f > 100 nhịp/ phút) hoặc quá chậm (f < 60 nhịp/ phút).

Rối loạn nhịp tim gây cho người bệnh có cảm giác khó chịu, hồi hộp, đánh trống ngực, mất sức khi làm việc hoặc có thể gây ra những tai biến nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh xảy ra khá phổ biến và không có sự phân biệt về độ tuổi hay giới tính. Bệnh thường được phát hiện ra trong lần tình cờ bạn đi khám các bệnh khác như: Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận…vì có nhiều trường hợp bệnh không biểu hiện triệu chứng.

Thế nào là nhịp tim bình thường của cơ thể?

Một cơ thể khỏe mạnh là một cơ thể có trái tim khỏe mạnh. Trái tim sẽ biểu lộ hoạt động chức năng của mình thông qua sự co bóp hay còn gọi là nhịp tim. Nhịp tim được điều khiển nhờ những xung điện phát ra từ nút xoang ở tâm nhĩ phải.

Khi nút xoang phát tín hiệu sẽ xảy ra hiện tượng khử cực nhĩ, các cơ nhĩ sẽ co lại và tống máu xuống làm đầy các buồng thất. Sau đó, các xung điện sẽ lan truyền tới nút nhĩ thất – bó his và mạng lưới Purkinjer, khiến các cơ của tâm thất co lại đẩy máu tới các cơ quan khác trong cơ thể. Bình thường tất cả những hiện tượng trên đều hoạt động một cách nhịp nhàng và theo chu kỳ.

Khi tâm trạng thoải mái và cơ thể khỏe mạnh, bạn sẽ không cảm nhận thấy điều gì khi tim đập. Khi bạn hồi hộp, lo lắng hay vừa lao động nặng… bạn sẽ thấy tim mình đập nhanh hơn, qua giai đoạn đó những triệu chứng sẽ trở về bình thường.

Một trái tim khỏe mạnh có nhịp tim lúc nghỉ ngơi sẽ dao động từ 60 – 90 lần/ phút.

Triệu chứng của bệnh rối loạn nhịp tim?

Khi bạn mắc bệnh rối loạn nhịp tim, bạn có thể chỉ cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh hơn bình thường hoặc không có triệu chứng nào cả. Vì vậy, bạn không hề biết mình mắc bệnh, cho tới lúc bạn đi khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ. Bệnh sẽ biểu hiện ra những triệu chứng sau đây:

  • Cảm giác đánh trống ngực: Bình thường, bạn sẽ không cảm thấy gì khi tim đập. Khi nhịp tim bị rối loạn, tim sẽ đập mạnh hơn, khiến người bệnh cảm thấy như bị hẫng một vài giây rồi mới đập trở lại. Có thể kèm theo cảm giác tức ngực ở bên trái.
  • Khó thở: Hiện tượng khó thở xảy ra một cách đột ngột theo cơn, cơn dài ngắn khác nhau ở từng đối tượng. Thời gian trung bình từ vài giây tới vài phút. Kèm theo đó, người bệnh có thể bị tức ngực, hồi hộp là triệu chứng nguy hiểm của bệnh. Cơn khó thở sẽ tăng lên khi lao động nặng hoặc làm việc quá sức.
  • Chóng mặt: Rối loạn nhịp tim khiến khả năng bơm máu của tim bị ảnh hưởng, máu lên não có thể không đủ khiến tuần hoàn máu não bị ảnh hưởng theo. Bệnh nhân cảm thấy chóng mặt. Mọi vật xung quanh hoặc bản thân bị quay vòng, gây khó chịu, đầu óc choáng váng và không thể tập trung được tâm trí dẫn tới hiệu quả công việc bị giảm sút.
Rối loạn nhịp tim gây ra tình trạng chóng mặt
Rối loạn nhịp tim gây ra tình trạng chóng mặt
  • Ngất xỉu: Hiện tượng ngất xảy ra khi não bị thiếu máu, quá trình mất tri giác tạm thời này khởi phát nhanh chóng, diễn biến trong thời gian ngắn và bệnh nhân tự tỉnh lại hoàn toàn mà không cần can thiệp.
  • Ngoài ra, bạn có thể gặp triệu chứng khác như: Vã mồ hôi, cơ thể mệt mỏi và yếu ớt, hay lo lắng hồi hộp..Khi đó bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để được theo dõi sức khỏe của mình.

Xem thêm: Rối loạn lipid máu: Nguyên nhân, Triệu chứng, Chẩn đoán, Cách điều trị

Bệnh rối loạn nhịp tim được phân loại như thế nào?

Rối loạn nhịp tim được phân loại như sau:

  • Rung tâm nhĩ: Tim đập không đều và có những lúc bạn thấy tim mình đập khá nhanh, có thể kèm cảm giác hồi hộp.
  • Nhịp nhanh trên thất: Là tình trạng khi bạn đang nghỉ ngơi thư giãn, nhịp tim của bạn bị rối loạn, tim đập nhanh bất thường mà không hề có dấu hiệu gì báo trước.
  • Nhịp tim chậm: Là khi bạn cảm thấy hụt hơi, yếu sức do tim của bạn đập chậm hơn bình thường, khả năng tống máu của tim không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.
  • Block tim: Gồm có Block nhánh phải, nhánh trái và block phân nhánh…Nhịp tim thường chậm hơn bình thường và người bệnh có nguy cơ bị trụy mạch.
  • Rung tâm thất: Bệnh khá nguy hiểm đối với người bệnh vì tim có thể đập mạnh hỗn loạn và gây nên tình trạng mất ý thức, nguy cơ tử vong cao.

Nguyên nhân của bệnh rối loạn nhịp tim là gì?

Bệnh rối loạn nhịp tim gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Bệnh nhân bị cường giáp hoặc suy giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mạnh hoặc quá yếu. Hệ lụy là làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của cơ tim.
  • Người bệnh có bệnh nền là bệnh mạch vành. Bệnh này gây thiếu máu cơ tim, hoặc nhồi máu cơ tim…dẫn đến sự dẫn truyền các xung động trong tim hoạt động bất thường.
  • Do yếu tố tâm lý: Khi bạn gặp phải chuyện gì đó bất ngờ, sự kiện lớn trong đời hoặc một cú sốc cũng có thể gây rối loạn nhịp tim.
  • Dùng các chất kích thích: Khi bạn dùng các chất như rượu, bia, thuốc lào, thuốc lá…Độc tố của chúng sẽ đi vào cơ thể và trao đổi chất với tế bào, gây kích thích tăng cường sự hoạt động của các cơ quan.
Các chất kích thích có thể gây ra rối loạn nhịp tim
Các chất kích thích có thể gây ra rối loạn nhịp tim
  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người mắc bệnh rối loạn nhịp tim thì những đứa con của họ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
  • Sự trao đổi các yếu tố điện giải trong cơ thể bị rối loạn: Tình trạng tăng canxi máu, giảm Kali.
  • Cơ thể bị nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn có thể gây bệnh, tiêu biểu là vi khuẩn bạch hầu và thương hàn. Khi lây nhiễm vào cơ thể, độc tố của chúng sẽ phát tán và tác động vào hệ thống dẫn truyền, gây ảnh hưởng tới hoạt động co bóp của cơ tim.
  • Nhiễm độc: Nhịp tim cũng bị rối loạn khi dùng một số thuốc như procainamid, digitalis… quá liều lượng cho phép.
  • Ngoài ra, bệnh rối loạn nhịp tim còn gặp ở những người mắc bệnh tăng huyết áp, đái đáo đường hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.

Cách điều trị bệnh rối loạn nhịp tim?

Nếu bạn cảm thấy mình có những triệu chứng như trên, bạn nên đến cơ sở y tế để phát hiện những vấn đề về tim mạch. Các bác sĩ sẽ thăm khám, dựa trên những triệu chứng cơ năng và thực thể cùng với các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Bệnh rối loạn nhịp tim không phải lúc nào cũng cần phải điều trị.

Khi bệnh chưa có dấu hiệu nguy hiểm, không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, bạn chỉ cần theo dõi sức khỏe thường xuyên và tầm soát những yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng của bệnh. Nhưng khi có những triệu chứng nghiêm trọng như: Tim đập nhanh và đánh trống ngực thường xuyên, khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Khi đó cần phải đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.

Hiện nay, bệnh rối loạn nhịp tim được điều trị bởi nhiều phương pháp sau đây:

Sử dụng thuốc

Khi điều trị bệnh, điều trị nội khoa luôn được các bác sĩ lựa chọn đầu tiên cho người bệnh. Thuốc sử dụng gồm những nhóm sau đây:

  • Nhóm thuốc chống loạn nhịp như thuốc Dronedarone, propafenone, sotalol… Thuốc giúp ngăn cản sự tự phát xung động bất thường của tim.
  • Nhóm thuốc chẹn beta như thuốc Metoprolol, bisoprolol, atenolol….Thuốc tác động vào hệ thống dẫn truyền qua nút nhĩ thất của tim, làm giảm tần số đập của tim và giúp cơ tim được thư giãn.
  • Nhóm thuốc chẹn kênh canxi giúp mạch máu được giãn ra, tốc độ dẫn truyền xung điện bị cưỡng chế giúp kiểm soát nhịp tim tốt hơn.
  • Ngoài ra, thuốc Digoxin và thuốc Adenosine cũng là hai loại thuốc thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị.

Điều trị bằng điện

Sau khi dùng thuốc, tùy từng tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ dùng dòng điện để điều trị bằng một trong các biện pháp như: Sốc điện ngoài lồng ngực, sốc điện trong lồng ngực, cấy máy sốc tự động trong tim, đốt điện bằng sóng có tần số cao.

Điều trị rối loạn nhịp tim bằng điện
Điều trị rối loạn nhịp tim bằng điện

Ví dụ: Khi bạn bị nhịp chậm, ngoài việc dùng thuốc ra thì bác sĩ sẽ cấy dưới cơ ngực của bạn một thiết bị nhỏ. Thiết bị này sẽ tác động vào hệ thống dẫn truyền xung điện, kích thích tạo nhịp tim tự động tránh dẫn đến tình huống nguy hiểm cho cơ thể bạn.

Phẫu thuật

Khi các biện pháp khác không tỏ ra hiệu quả, bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp phẫu thuật cho người bệnh. Các biện pháp gồm:

  • Bắc cầu mạch vành: Các bác sĩ sẽ phẫu thuật để tạo ra một đường đi mới, có thể tạo thành 3 nhánh, 4 nhánh hoặc hơn. Biện pháp này áp dụng cho những người có mạch vành bị hẹp hoặc tắc do mảng xơ vữa, giúp mạch vành lưu thông, tăng lượng máu đến tim.
  • Phẫu thuật Maze: Phương pháp này nhằm tạo ra các vết sẹo trong cơ tim, vết sẹo không mang điện sẽ không thể dẫn truyền các xung điện. Điều này giúp cản trở những xung điện đi lạc gây rung nhĩ.

Bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm hay không?

Bệnh rối loạn nhịp tim gây tác hại khác nhau ở mỗi người bệnh. Có bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng cũng có nhiều trường hợp có biến chứng nghiêm trọng. Khi đó, nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ bệnh nặng hơn và dẫn tới những hậu quả như:

  • Đột quỵ: Cục máu đông có khả năng hình thành cao hơn ở những người có nhịp tim bị rối loạn. Khi cục máu di chuyển trong lòng mạch, có thể gây nghẹt những mạch máu cung cấp máu cho não gây đột quỵ cho người bệnh.
  • Suy tim: Khi tim bị loạn nhịp, lượng máu đến tim không ổn định, tim hoạt động trong tình trạng thiếu máu kéo dài có thể bệnh suy tim.

Bệnh bị ảnh hưởng bởi nhiều thói quen như: Khi bạn sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, chất cay nóng… hoặc hay bị stress, bệnh sẽ thường xuyên xảy ra hơn. Mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào các yếu tố như: Bệnh nền của bệnh nhân, sự hoạt động của các tế bào cơ tim, quá trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ, sự theo dõi sức khỏe thường xuyên và tầm soát tránh tai biến nguy hiểm tới tính mạng.

Tham khảo: Rối loạn nhịp tim nhanh trong Phòng cấp cứu: Phạm vi, Tỉ lệ mắc

Dự phòng bệnh rối loạn cơ tim như thế nào?

Khi phát hiện ra bệnh, bạn nên đi khám bệnh và theo sát lộ trình điều trị của các bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn nên hình thành thói quen lành mạnh cho cơ thể như sau:

  • Bệnh nhân rối loạn nhịp tim nên ưu tiên sử dụng các thực phẩm tốt cho tim như rau quả và ngũ cốc, ăn nhiều hoa quả và hạn chế ăn đồ chiên rán.
  • Hạn chế dùng đồ kích thích như rượu, bia, chất cay nóng.
  • Mỗi ngày nên dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng để tập thể dục thể thao rèn luyện cơ thể, giúp tim mạch khỏe mạnh và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
  • Kiểm soát cân nặng theo chỉ số cơ thể BMI.
  • Điều trị các bệnh nền ổn định, giúp cải thiện sức khỏe của bạn.
Rau củ quả tốt cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim
Rau củ quả tốt cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim

Ngoài ra, bạn nên tham gia các khóa học như thiền, yoga giúp giảm căng thẳng đầu óc, thoải mái tinh thần và có một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây