Clarithromycin: Công dụng, Cách dùng, Liều dùng, SĐK, Tác dụng phụ

5/5 - (11 bình chọn)

Clarithromycin là một thuốc thuộc nhóm kháng sinh macrolid được dùng trong điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác nhau. Hiện nay, trên thị trường có một số các chế phẩm chứa Clarithromycin như: Acem 250, AsiClarithromycin 250, Baxpel 250, Agiclari 500, Clarithromycin Stada 250. Trong bài viết dưới đây, Heal central xin được cung cấp cho độc giả các thông tin liên quan đến thuốc này.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển của Clarithromycin

Năm 1980, Clarithromycin được nghiên cứu ra đời bởi các nhà khoa học từ công ty Dược phẩm Taisho Nhật Bản .Nó được phát minh thông qua sự cố gắng phát triển một thuốc thế hệ mới từ kháng sinh erythromycin nhưng có khả năng cải thiện được tình trạng không ổn định acid trong dạ dày và các tác dụng ngoại ý như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy của erythromycin.

Công thức cấu tạo của Clarithromycin
Công thức cấu tạo của Clarithromycin

Cùng năm 1980, Công ty Taisho đã nộp đơn xin bảo vệ bằng sáng chế cho Clarithromycin.

Năm 1985, Công ty Taisho đã cộng tác với công ty Abbott Lab Laboratory của Mỹ để cấp quyền quốc tế cho thuốc của mình.

Vào tháng 10 năm 1991, Công ty Abbott Lab Laboratory được FDA chấp thuận thuốc với tên thương mại là Biaxin. Cũng trong năm 1991, dưới cái tên Clarith, thuốc được Taisho đưa vào thị trường Nhật Bản.

Biaxin được đưa vào sử dụng chung ở châu Âu từ năm 2004 và ở Mỹ từ giữa năm 2005.

Dược lực học

Clarithromycin là kháng sinh thuộc họ macrolid thế hệ mới (có14C). Thuốc được bán tổng hợp từ erythromycin A bằng cách thêm một nhóm thế methoxy vào vị trí C-6 của vòng macrolid. Nhờ sự sửa đổi cấu trúc trúc này, Clarithromycin đã cải thiện được nhiều đặc tính của thế hệ cũ. Nó có tính thân dầu cao hơn, phổ tác dụng cũng được mở rộng, nồng độ thuốc trong các mô tăng lên. Ngoài ra, thuốc cải thiện được sự mất ổn định trong môi trường acid dạ dày giúp nâng cao sinh khả dụng và cũng cải thiện các tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa.

Tác dụng kháng khuẩn của Clarithromycin tạo bởi khả năng gắn kết với tiểu đơn vị 50S của ribosom trên những vi khuẩn nhạy cảm tại vị trí đặc hiệu và từ đó ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn.

MIC (nồng độ ức chế tối thiểu) của clarithromycin chỉ bằng 1/4 – 1/2 lần so với MIC của erythromycin.

Thuốc sau khi chuyển hóa thành dẫn chất 14-hydroxy clarithromycin vẫn có hoạt tính kháng khuẩn, thậm chí mạnh hơn so với chất gốc. Trên vi khuẩn H. influenza, hoạt tính kháng khuẩn của chất chuyển hóa cao hơn đến 2 lần so với thuốc ban đầu.

Thuốc nhạy cảm cao với các vi khuẩn gram dương, hiếu khí và kỵ khí như: S.aureus (tụ cầu vàng); S.pyogenes (liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A); S. Viridans (liên cầu tan huyết α); S.pneumoniae; Listeria monocytogenes; H.influenzae và một số chủng vi khuẩn khác.

Clarithromycin cũng có hoạt tính mạnh trên những một số vi sinh vật khác như: C.trachomatis; T.gondii; M.avium; M.leprae; M.fortuitum.

Thuốc Clarithromycin Stada
Thuốc Clarithromycin Stada

Thử nghiệm lâm sàng của Clarithromycin

Thử nghiệm lâm sàng của Clarithromycin trên bệnh nhiễm trùng da (lan rộng) do Mycobacterium chelonae

Thử nghiệm thực hiện trên 14 bệnh nhân (10 người nhiễm bệnh thông thường) kéo dài ít nhất trong 3 tháng trị liệu. Các bệnh lý nền nguy cơ gồm: viêm khớp dạng thấp, bệnh lý rối loạn tự miễn và ghép tạng. Các bệnh nhân này đều đang dùng corticosteroid (93%) hoặc cyclophosphamide (7%). Kết quả, tất đã có đáp ứng tốt với Clarithromycin, chỉ có tác dụng không mong muốn ở mức độ nhẹ của thuốc. Trong đó, 2 bệnh nhân đã chết do bệnh khác sau khi cải thiện lâm sàng và vẫn đang dùng thuốc; 1 bệnh nhân không tuân thủ điều trị, ngừng thuốc trước 3,5 tháng đã tái phát 1 tháng sau đó bởi một chủng kháng với clarithromycin; 11 bệnh nhân còn lại đã hoàn thành đầy đủ trị liệu trong thời gian trung bình là 6,8 tháng (từ 4,5 – 9 tháng) Các bệnh nhân không có bằng chứng tái phát và không có kết quả xét nghiệm trực khuẩn dương tính nhanh sau 1 tháng điều trị.

Clarithromycin có khả năng được lựa chọn cho bệnh da (lan rộng) do M. chelonae, tuy nhiên cần phải nghiên cứu thêm trên nhiều bệnh nhân được theo dõi lâm sàng lâu dài.

Thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh Crohn bằng rifabutin và clarithromycin

Thử nghiệm thực hiện trên 36 bệnh nhân bệnh Crohn cấp tính, kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với kháng nguyên p35 và p36 (2 loại protein tái tổ hợp của Mycobacterium avium và Paratuber tuberculosis). Các bệnh nhân được điều trị bằng 250mg kháng sinh clarithromycin kết hợp 150mg Rifabutin trong 1 chế phẩm sinh học. Khoảng thời gian theo dõi từ 4 đến 17 tháng.

7 bệnh nhân (chiếm 19,4%) rút khỏi nghiên cứu vì không dung nạp thuốc. Trong số 29 bệnh nhân còn lại, 21 người (chiếm 58,3%) đạt hiệu quả điều trị ổn định (theo tiêu chí giảm 70 điểm giữa điểm đầu vào và ra của các chỉ số bệnh Crohn trong khi không cần các loại thuốc điều trị Crohn khác như thuốc ức chế miễn dịch và corticosteroid). Ba bệnh nhân (chiếm 8,3%) nhận thấy những cải thiện đáng kể nhưng yêu cầu thêm các loại thuốc điều trị Crohn khác phối hợp cùng nâng cao điều trị. Chỉ có 5 bệnh nhân mắc bệnh Crohn (chiếm 13,8%) là không đáp ứng hoặc không nhận thấy sự cải thiện rõ rệt khi điều trị bằng rifabutin kết hợp clarithromycin.

Liệu pháp kháng sinh rifabutin và clarithromycin trong điều trị bệnh Crohn có bằng chứng về Mycobacterium avium và Paratuber paratuberculosis là có khả năng. Tuy nhiên cần một thử nghiệm lâm sàng đầy đủ và quy mô hơn để thiết lập chỉ định này.

Thuốc Clarithromycin của Traphaco
Thuốc Clarithromycin của Traphaco

Xem thêm: Thuốc Cefuroxim: Chỉ định, Liều dùng, Cách sử dụng, Tác dụng phụ

Dược động học của Clarithromycin

Hấp thu

Clarithromycin sau khi uống được hấp thu rất nhanh và nhiều qua đường tiêu hóa – chủ yếu ở hỗng tràng. Tuy nhiên thuốc lại bị chuyển hóa lần đầu qua gan nên sinh khả dụng chỉ còn khoảng 50%. Sự hấp thu có thể bị ảnh hưởng 1 phần bởi thức ăn nhưng sinh khả dụng thì gần như không đổi. Vì vậy, thời điểm dùng Clarithromycin không cần phụ thuộc vào bữa ăn. Clarithromycin có khả năng kháng lại sự phân hủy của acid trong dịch vị nhờ nhóm 6-O-Methylerythromycin trong cấu trúc của nó.

Sau khi uống 250 mg Clarithromycin 2 lần/ngày, ghi nhận được nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương ở người trưởng thành là 1 – 2 μg/ml, của chất chuyển hóa 14-OH Clarithromycin là 0,6 μg/ml .Còn nếu uống 500mg clarithromycin 2 lần/ngày, nồng đồ này tối đa ghi nhận được là 2,8 μg/ml. Sau khoảng 2 ngày dùng thuốc, trạng thái ổn định sẽ được thiết lập.

Phân bố

Clarithromycin phân bố tốt vào nhiều ngăn khác nhau của cơ thể với thể tích phân bố dao động khoảng 200-400l. Nồng độ thuốc và chất chuyển hóa trong mô cao hơn nồng độ của chúng trong huyết tương. Các mô tập trung nhiều Clarithromycin là mô amidan và mô phổi. Thuốc cũng tập trung nhiều trong lớp nhầy và mô dạ dày, nồng độ này sẽ tăng lên  khi kết hợp Clarithromycin với Omeprazole so với dùng clarithromycin đơn độc.

Khoảng 80% Clarithromycin liên kết với protein huyết tương ở liều điều trị điều trị.

Chuyển hóa

Clarithromycin chuyển hóa nhanh và chủ yếu ở gan. Thuốc chuyển hóa nhờ hệ enzyme CYP450 và đồng thời ức chế hệ enzyme này. Các sản phẩm chuyển hóa là: 14-OH clarithromycin, N-demethyl clarithromycin và decladinosyl clarithromycin. Ở liều cao, thuốc sẽ bão hòa chuyển hóa ở gan nên dược động học của clarithromycin không tuyến tính.

Thải trừ

Thời gian bán thải với liều 250mg clarithromycin 2 lần/ngày là 3 – 4 giờ, với liều 500mg clarithromycin 2 lần/ngày là 5 – 7 giờ. Thời gian bán thải tăng trên bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận. Clarithromycin bài xuất 1 phần qua nước tiểu, trong đó khoảng 20 – 40% dưới dạng hoạt chất không đổi, 10 – 15% dưới dạng chất chuyển hóa 14-OH. Phần còn lại, thuốc được bài xuất qua phân.

Chỉ định của Clarithromycin

Clarithromycin thường được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp và da, mô mềm trong các trường hợp dưới đây:

  • Trường hợp viêm họng, viêm tai giữa do nguyên nhân vi khuẩn.
  • Trường hợp viêm phổi mắc phải ở cộng đồng mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Các trường hợp viêm xoang, viêm mũi cấp tính được chẩn đoán đầy đủ đầy đủ do vi khuẩn gây ra.
  • Trường hợp viêm phế quản cấp và mãn tính.
  • Các trường hợp nhiễm trùng da và mô mềm từ mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Trường hợp bệnh nhân HIV bị nhiễm M.avium hay M. avium complex (MAC) có bội nhiễm.
  • Trường hợp loét dạ dày tá tràng có Helicobacter pylori dương tính: phối hợp cùng thuốc chữa loét thích hợp.
Thuốc Clarithromycin của Abbott
Thuốc Clarithromycin của Abbott

Liều dùng và cách dùng Clarithromycin

Cách dùng: Uống nguyên viên thuốc với 1 chút nước. Có thể uống trước hoặc sau bữa ăn. Nếu thuốc ở dạng viên nén bao phim tuyệt đối không bẻ để chia liều nhỏ hơn, khi cần thiết có thể chọn chế phẩm phù hợp khác.

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cân nặng dưới 30kg: Không nên sử dụng thuốc cho đối tượng này.

Đối với trẻ em trên 12 tuổi hoặc có cân nặng trên 30kg: Dùng liều như người trưởng thành.

Đối với người trưởng thành:

  • Trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, da và mô mềm: liều thông thường là uống 250mg 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối trong 7 ngày. Nếu nhiễm trùng nặng liều khuyến cáo có thể tăng lên 500mg uống 2 lần mỗi ngày và duy trì trong 14 ngày.
  • Trường hợp viêm loét dạ dày – tá tràng có H. pylori dương tính: uống  2 lần sáng và tối mỗi lần 1 viên có thể kéo dài từ 7-14 ngày phụ thuộc công thức của dạng phối hợp .
  • Trường hợp nhiễm vi khuẩn Mycobacterium: liều ban đầu là 500mg uống 2 lần sáng và tối kéo dài trong 3 – 4 tuần, có thể tăng đến 2000mg/ngày (uống 1000mg, 2 lần sáng và tối) nếu không thấy hiệu quả.

Hiệu chỉnh liều:

  • Liều điều chỉnh ở bệnh nhân suy thận: Trên những bệnh nhân suy suy giảm chức năng thận có độ thanh thải creatinin còn dưới 30 ml/phút, khuyến cáo giảm liều còn một nửa: 250mg uống ngày một lần, hoặc 250mg uống 2 lần mỗi ngày nếu nhiễm trùng nặng. Liệu trình sử dụng thuốc không quá 14 ngày trên các bệnh nhân này.
  • Liều hiệu chỉnh ở bệnh nhân suy gan: Thận trọng và hiệu chỉnh liều phù hợp khi dùng Clarithromycin trên các bệnh nhân suy giảm chức năng gan.

Chống chỉ định của Clarithromycin

Trong các trường hợp dưới đây tuyệt đối không được sử dụng Clarithromycin:

  • Những người có tiền sử dị ứng với hoạt chất clarithromycin hoặc với bất kì kháng sinh macrolid nào khác.
  • Những bệnh nhân đang sử dụng những thuốc sau: thuốc terfenadin, thuốc astemizol, thuốc cisaprid và thuốc pimozide và vì điều này có thể dẫn đến kéo dài QT và nhịp tim bất ổn định. Đặc biệt ở trên các bệnh nhân có tiền sử bệnh tim hoặc rối loạn điện giải.
  • Các bệnh nhân có tiền sử trước đó bị kéo dài khoảng QT hoặc rối loạn nhịp tim; bệnh nhân hạ kali máu không nên sử dụng Clarithromycin.
  • Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc ức chế men chuyển (bị chuyển hóa nhiều qua CYP3A4 như lovastatinsimvastatin), không nên sử dụng cùng Clarithromycin sẽ khiến nghiêm trọng hơn các bệnh về cơ, tiêu cơ vân.
  • Trên các bệnh nhân có nền suy giảm chức năng gan nặng kết hợp cùng với suy thận.
Thuốc Clarithromycin của DHG
Thuốc Clarithromycin của DHG

Tác dụng phụ của Clarithromycin

  • Mặc dù các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa được cải thiện so với các macrolid thế hệ cũ nhưng chúng vẫn có thể xuất hiện trên một số bệnh nhân. Các triệu chứng này thường ở mức nhẹ và thoáng qua như: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài.
  • Đôi khi có thể gặp các triệu chứng: viêm miệng/lưỡi, đau đầu, thay đổi/rối loạn vị giác nhưng ít gặp hơn.
  • Một số phản ứng dị ứng ở các cường độ khác nhau như: mẩn đỏ, phát ban và ít thấy hơn là hội chứng Stevens-Johnson trên những bệnh nhân cơ địa đặc biệt nhạy cảm.
  • Có thể xảy ra viêm đại tràng giả mạc, thay đổi các chỉ số cận lâm sàng về chức năng gan, viêm gan kèm/không kèm vàng da tạm thời.

Lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc Clarithromycin

  • Thuốc Clarithromycin bài xuất đa phần qua gan và thận, nên cẩn trọng khi chỉ định Clarithromycin trên nền bệnh nhân có chức năng suy chức năng gan hoặc thận bị suy giảm ở mức độ vừa và nặng. Hiệu chỉnh liều còn một nửa so với khuyến cáo ở bệnh nhân có độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 30ml/phút.
  • Đã có báo cáo tử vong do suy gan. Nếu các triệu chứng của bệnh gan gia tăng, như: biếng ăn, vàng da, đi tiểu sẫm màu (vàng sẫm hoặc vàng nâu), ngứa ngáy hoặc đau bụng.
  • Các trường hợp viêm đại tràng giả mạc đã được ghi nhận khi bệnh nhân sử dụng macrolid cũng như các kháng sinh khác từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng và tử vong. Các kháng sinh điều trị dài ngày có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn chí ở đường ruột dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn kị khí C.difficile. Cân nhắc đến khả năng tiêu chảy do C.difficile trên các bệnh nhân bị đi ngoài sau khi sử dụng kháng sinh.
  • Colchicine khi điều trị đồng thời cùng clarithromycin sẽ bị tăng độc tính, nhất là trên bệnh nhân cao tuổi suy thận.
  • Có thể dẫn đến tăng độc trên thính giác khi điều trị đồng thời clarithromycin với aminoglycoside.
  • Ở một số ít bệnh nhân loét dạ dày tá tràng, vi khuẩn H. pylori có khả năng kháng lại clarithromycin.

Tham khảo: Thuốc kháng sinh Pricefil: Công dụng, Liều dùng, Giá bán, Thận trọng

Ảnh hưởng Clarithromycin trên phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ trong thai kỳ

Các nghiên cứu về sử dụng Clarithromycin trong thời kỳ mang thai được kiểm soát tốt chưa được thiết lập. Tuy nhiên, ghi nhận được những kết quả khác nhau từ các thử nghiệm trên chuột, thỏ và khỉ, về việc loại bỏ nguy cơ tác động xấu đến sự phát triển của phôi thai. Dù vậy, chỉ định Clarithromycin trong thời kỳ mang thai phải cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích và nguy cơ.

Phụ nữ cho con bú

Clarithromycin có khả năng bài tiết vào sữa mẹ, đồng thời chưa có bằng chứng về sự an toàn cho trẻ sơ sinh đang bú sữa của người mẹ dùng thuốc. Vì vậy, không nên sử dụng thuốc trong thời kỳ này.

Thuốc Clarithromycin của Hasan
Thuốc Clarithromycin của Hasan

Tương tác của Clarithromycin với thuốc khác

Các thuốc dưới đây có thể xảy ra các tương tác với Clarithromycin dẫn giảm tác dụng điều trị hoặc gây độc tính:

  • Một số dẫn chất alkaloid như ergotamin, dihydroergotamin khi sử dụng cùng Clarithromycin sẽ dẫn đến tăng độc tính của nấm ergot.
  • Bệnh nhân HIV trưởng thành sử dụng zidovudine đường uống đồng thời với viên nén clarithromycin gây trở ngại cho việc hấp thu zidovudine. Hậu quả dẫn đến giảm nồng độ zidovudine khi cân bằng trong máu. Tương tác này có thể phòng tránh được khi uống thuốc chéo nhau 4 giờ. Trẻ em nhiễm HIV sử dụng clarithromycin hỗn dịch hoặc bệnh nhân truyền tĩnh mạch không xảy ra tương tác này.
  • Thuốc Clarithromycin ức chế hệ enzym gan CYP 450 nên khi phối hợp cùng các thuốc chuyển hóa qua hệ enzym trên, sẽ khiến tăng nồng độ các thuốc đó trong huyết tương. Hệ quả sẽ dẫn đến tăng độc tính hoặc tăng tác dụng không mong muốn của các thuốc dùng cùng đó. Một số các thuốc chuyển hóa bởi CYP 450 cần thận trọng khi phối hợp là: warfarin, astemizol, digoxin, triazolam, simvastatin, lovastatin, rifabutin, disopyramid, phenytoin, pimozide và cyclosporin.

Cụ thể:

  • Clarithromycin khiến nồng độ theophyllin trong huyết tương tăng lên, cân nhắc giảm liều của theophyllin khi sử dụng đồng thời.
  • Hiệu lực chống đông của warfarin được tăng lên do clarithromycin, cần định kỳ kiểm tra thời gian prothrombin ở những bệnh nhân phối hợp 2 thuốc này.
  • Thuốc chống loạn nhịp quinidine hoặc disopyramide khi kết hợp cùng Clarithromycin có thể gây hiện tượng xoắn đỉnh. Theo dõi điện tâm đồ trong trường hợp kết hợp thuốc này.
  • Thuốc hạ đường máu (disopyramide, nargetlinide và repaglinide) hoặc Insulin khi sử dụng đồng thời Clarithromycin có thể gây giảm nồng độ đường trong máu quá mức. Theo dõi thường xuyên nồng độ glucose máu là cần thiết nếu có phối hợp thuốc.
  • Tăng nồng độ của Terfenadin trong máu đi kèm với chứng loạn nhịp tim khi kết hợp chung với macrolid. Không nên chỉ định Clarithromycin cho những bệnh nhân đang dùng thuốc này hoặc thuốc liên quan như astemizol.

Một số biệt dược chứa Clarithromycin được cấp phép hiện nay

Garosi

Hàm lượng 500mg Azithromycin (azithromycin dehydrate) bào chế dạng viên nén, hộp 1 vỉ gồm 3 viên.

Công ty sản xuất là Bluepharma – Industria Farmaceutical, S.A – Bồ Đào Nha với số đăng ký: VN-19590-16.

Agiclari 500

Hàm lượng Clarithromycin 500mg bào chế dạng viên nén bao phim, hộp 2 vỉ mỗi vỉ 5 viên.

Công ty sản xuất Chi nhánh công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm, số đăng kýkí VD-33368-19

Axem 250

Hàm lượng 250mg Clarithromycin bào chế dưới dạng viên nén bao phim trong hộp đựng 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

Công ty sản xuất Emcure Pharm., Ltd – ẤN ĐỘ, số đăng ký VN-1826-06.

Clarithromycin Stada 250

Hàm lượng Clarithromycin 250mg, bào chế dạng viên nén bao phim trong hộp 2 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

Công ty sản xuất: Chi nhánh Công ty TNHH LD Stada-Việt Nam – VIỆT NAM, số đăng ký là VD-31395-18

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây