Tăng huyết áp thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

5/5 - (1 bình chọn)

Một số căn bệnh nguy hiểm các mẹ cần phải đề phòng trong thời kỳ mang thai như tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ… Triệu chứng của những bệnh này thường rất khó để nhận biết. Bài viết này Heal Central xin chia sẻ tới các bạn các thông tin liên quan đến bệnh tăng huyết áp thai kỳ.
Tăng huyết áp thai kỳ là bệnh gì?
Định nghĩa về tăng huyết áp thai kỳ không được tiêu chuẩn hóa và nó phụ thuộc vào từng tổ chức. Tăng huyết áp thai kỳ có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Về nghĩa hẹp, tăng huyết áp thai kỳ là tăng huyết áp bắt đầu xuất hiện sau 20 tuần thai kỳ và trở lại bình thường sau khi không còn mang thai nữa. Còn hiểu theo nghĩa rộng, thì tăng huyết áp thai kỳ là một khái niệm tổng quát bao gồm các trường hợp sau:

  • Tăng huyết áp mạn tính hoặc tồn tại trước đó: Tăng huyết áp đã được phát hiện từ trước đó hoặc trước 20 tuần thai kỳ.
  • Tăng huyết áp thai kỳ theo nghĩa hẹp đã nói ở trên.

Tiền sản giật – sản giật: Tăng huyết áp bắt đầu xuất hiện sau 20 tuần thai kỳ và đi kèm ít nhất một trong những điều sau đây:

  • Protein niệu.
  • Các đặc điểm khác của rối loạn chức năng cơ quan người mẹ, bao gồm tổn thương thận cấp tính (creatinine ≥ 90 µmol/L hay 1 mg/dL), liên quan đến gan (tăng alanine aminotransferase hoặc aspartate aminotransferase > 40 IU/L), có hoặc không có đau hạ sườn phải hoặc đau vùng thượng vị, biến chứng thần kinh (như sản giật, thay đổi trạng thái tâm thần, mù, đột quỵ, giật rung, đau đầu dữ dội và ám điểm thị giác kéo dài) và các biến chứng huyết học (giảm số lượng tiểu cầu < 150,000/μL, đông máu nội mạch rải rác, tan máu).
  • Rối loạn chức năng tử cung – nhau thai (chẳng hạn như hạn chế tăng trưởng thai nhi, phân tích dạng sóng Doppler động mạch rốn bất thường hoặc thai chết lưu).
  • Tăng huyết áp mạn tính hoặc tồn tại trước đó với tiền sản giật – sản giật chồng chéo: Tăng huyết áp mạn tính được xác định như ở trên, phát triển các dấu hiệu và triệu chứng của tiền sản giật hoặc sản giật sau 20 tuần thai kỳ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ hiểu tăng huyết áp thai kỳ theo nghĩa rộng. Khi đó tăng huyết áp thai kỳ sẽ còn được gọi với cái tên rối loạn tăng huyết áp khi mang thai.
Tăng huyết áp thai kỳ làm phức tạp các trường hợp mang thai thêm khoảng 10% và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và chu sinh.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp thai kỳ

Tỷ lệ tăng huyết áp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được ước tính là 7.7%. Tăng huyết áp ở người bình thường có đến 95/100 trường hợp là không xác định được nguyên nhân (vô căn), vì vậy xác định nguyên nhân trong tăng huyết áp thai kỳ thực sự là một vấn đề phức tạp. Nhưng phụ nữ khi mang thai sẽ có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt, và dựa trên những lý thuyết về vấn đề này, chúng ta có thể lý giải một phần nguyên nhân của tăng huyết áp thai kỳ.

Sinh lý tim mạch

Nguyên nhân do tim mạch
Nguyên nhân do tim mạch

Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ gây ra sự thích nghi đáng kể trong sinh lý tim mạch người mẹ. Bắt đầu sớm trong ba tháng đầu tiên, có sự gia tăng nồng độ estrogen, progesterone và relaxin (hormone tương tự như progesterone, trung gian giải phóng nitric oxide), dẫn đến giãn mạch toàn thân. Đồng thời, hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS) được tăng cường để giữ muối và nước, dẫn đến tăng thể tích huyết tương. Điều này kết hợp với khối lượng thành tâm thất tăng lên, dẫn đến tăng thể tích nhát bóp. Tăng thể tích huyết tương cũng dẫn đến thiếu máu sinh lý, vì tốc độ tăng thể tích huyết tương nhanh hơn tốc độ tăng số lượng hồng cầu. Để bù đắp cho sự giãn mạch toàn thân đã nói ở trên và thiếu máu sinh lý, nhịp tim cần phải tăng. Sự kết hợp giữa tăng thể tích nhát bóp và nhịp tim nhanh dẫn đến tăng cung lượng tim khi mang thai, bù cho sự suy giảm sức cản mạch máu để duy trì huyết áp ở mức đủ cao để tưới máu cho mẹ và nhau thai. Một phân tích tổng hợp 39 nghiên cứu (1479 phụ nữ) xem xét dữ liệu cung lượng tim cho thai kỳ khỏe mạnh đã chứng minh rằng sự gia tăng trung bình về cung lượng tim, nhịp tim và thể tích nhát bóp là 31%, 24% và 13% so với giá trị không mang thai ở đỉnh, trong khi sức cản mạch máu toàn thân ở điểm đáy thấp hơn 30% so với bệnh nhân không mang thai.

Sinh lý bệnh

Bất kỳ rối loạn tăng huyết áp khi mang thai nào đều có thể dẫn đến tiền sản giật. Nó xảy ra ở 35% phụ nữ tăng huyết áp thai kỳ và tới 25% những người bị tăng huyết áp mạn tính. Sinh lý bệnh cơ bản của sự chuyển đổi sang tiền sản giật này chưa được hiểu rõ, tuy nhiên, nó được cho là có liên quan đến một cơ chế giảm tưới máu nhau thai gây ra rối loạn chức năng nội mô mạch máu hệ thống. Tình trạng thiếu oxy nhau thai gây ra một loạt các phản ứng viêm, phá vỡ sự cân bằng của các yếu tố tạo mạch, và gây kết tập tiểu cầu, tất cả đều dẫn đến rối loạn chức năng nội mô mà biểu hiện lâm sàng là hội chứng tiền sản giật. Mất cân bằng tạo mạch liên quan đến sự phát triển của tiền sản giật bao gồm giảm nồng độ các yếu tố tăng sinh mạch máu như yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) và yếu tố tăng trưởng nhau thai (PIGF), đồng thời tăng nồng độ chất đối kháng của chúng, tyrosine kinase giống Fms hòa tan 1 (sFlt-1) nhau thai. Ngăn cản sự gắn kết của VEGF và PIGF với các thụ thể của chúng là một yếu tố làm giảm quá trình tổng hợp nitric oxide, một yếu tố quan trọng trong việc tái tạo mạch máu và giãn mạch, có thể làm giảm tình trạng thiếu máu cục bộ ở nhau thai. Tiền sản giật khởi phát sớm (EOPE), xảy ra trước 34 tuần tuổi thai, được cho là nguyên nhân chủ yếu do stress hợp bào lá nuôi dẫn đến nhau thai kém, trong khi tiền sản giật khởi phát muộn (LOPE), xảy ra vào hoặc sau 34 tuần, được hiểu là thứ yếu để phát triển nhau thai nhanh hơn tuần hoàn của chính nó. Điều đáng nói là EOPE thường liên quan đến sự hạn chế tăng trưởng của thai nhi hơn LOPE, do thời gian rối loạn chức năng nhau thai kéo dài hơn.
Sinh lý bệnh của tăng huyết áp thai kỳ trở nên đặc biệt có liên quan khi xem xét tình trạng của các liệu pháp bổ trợ hiện nay đối với các thuốc hạ huyết áp có thể giúp ngăn ngừa tiền sản giật.

Triệu chứng bệnh tăng huyết áp thai kỳ

Phụ nữ có thai thường hay bị đau đầu
Phụ nữ có thai thường hay bị đau đầu

Triệu chứng đầu tiên phải nói đến là tăng huyết áp. Có nhiều tiêu chuẩn về mức huyết áp trong tăng huyết áp thai kỳ. Tại Việt Nam, các bác sĩ lâm sàng thường sử dụng mức huyết áp tâm thu không dưới 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương không dưới 90 mmHg để chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ. Huyết áp phải được đo hai lần riêng biệt, cách nhau 4-6 giờ.
Mức độ nghiêm trọng của tăng huyết áp thai kỳ được chia ra như sau:

  • Tăng huyết áp không nghiêm trọng: Bất kỳ giá trị huyết áp tâm thu nào nằm trong khoảng 140-159 mmHg và huyết áp tâm trương nằm trong khoảng 90-109 mmHg. Đôi khi chúng còn được chia nhỏ hơn nữa thành hai mức: nhẹ (140–149/90–99 mmHg) và trung bình (150–159/100–109 mmHg).
  • Tăng huyết áp nghiêm trọng: Huyết áp tâm thu không dưới 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương không dưới 110 mmHg. Tăng huyết áp nghiêm trọng khi mang thai có ngưỡng thấp hơn so với người không mang thai vì phụ nữ mang thai được biết là mắc bệnh não tăng huyết áp ở áp lực máu thấp hơn.

Bệnh nhân có thể không có triệu chứng, hoặc có thể có các triệu chứng như: đau đầu, chảy máu cam, rối loạn thị giác, cơn thiếu máu não thoáng qua… Nhìn chung các triệu chứng cũng không đặc hiệu.
Các triệu chứng của tiền sản giật – sản giật đã nói ở phần đầu.

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp nghiêm trọng

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ

Trong lịch sử, một loạt các tác nhân đã được sử dụng để hạ huyết áp, bao gồm Hydralazine, các thuốc chẹn kênh calcium khác nhau, Methyldopa, Diazoxide, Prostacyclin, Ketanserin urapidil, Prazosin, Isosorbide, và thậm chí cả Magnesium sulfate. Được sử dụng phổ biến nhất trong những năm gần đây là Hydralazine tĩnh mạch, Labetalol tĩnh mạch và thuốc chẹn kênh calcicum (đặc biệt là Nifedipine đường uống tác dụng ngắn).
Hydralazine có thể không được ưa chuộng, vì hai phân tích tổng hợp, một phân tích bao gồm 35 nghiên cứu (3573 phụ nữ) và một phân tích khác với 21 thử nghiệm (893 phụ nữ), đã chứng minh rằng phụ nữ mang thai dùng thuốc chẹn kênh calcium ít có khả năng bị huyết áp cao kéo dài hơn khi so với những người được điều trị bằng Hydralazine. Một đánh giá cũng cho thấy Hydralazine có liên quan đến sự gia tăng tổng về hạ huyết áp ở người mẹ, mổ lấy thai, nhau bong non, thiểu niệu, tác dụng bất lợi trên nhịp tim nhiều hơn và điểm Apgar 1 phút thấp so với các thuốc hạ huyết áp khác.
Các nỗ lực đã được thực hiện để so sánh Nifedipine đường uống với Labetalol tĩnh mạch, nhưng phân tích tổng hợp gần đây nhất của bảy nghiên cứu (363 cặp mẹ – con) chỉ cho thấy sự giảm đáng kể có ý nghĩa thống kê về tác dụng phụ ở mẹ được báo cáo ở những người được điều trị bằng Nifedipine (Nguy cơ tương đối (RR) 0.57, khoảng tin cậy (CI) 95% 0.35-0.94), không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong việc kiểm soát tăng huyết áp kéo dài, các bệnh mắc kèm hoặc tỷ lệ tử vong ở người mẹ, hoặc các kết quả thai nhi và trẻ sơ sinh. Do đó, cả ba tác nhân tiếp tục được khuyến nghị theo các hướng dẫn quốc tế.
Điều đáng nói là một thử nghiệm đối chứng giả dược, mù ba, trên một quần thể nhỏ (34 bệnh nhân) được chẩn đoán bị tiền sản giật nặng và được điều trị bằng Magnesium sulfate, so sánh Nifedipine ngậm dưới lưỡi với Nitroglycerin tĩnh mạch. Nghiên cứu cho thấy đáp ứng hạ huyết áp lớn hơn và nhanh hơn, với sự thay đổi ít hơn ở nhóm Nitroglycerin và không có thay đổi đáng kể về nhịp tim của thai nhi trong đáp ứng với liệu pháp giãn mạch, với các tác dụng bất lợi giữa thai nhi và mẹ tương tự ở cả hai nhóm.

Điều trị tăng huyết áp khẩn cấp

Hạ huyết áp khẩn cấp Kiểm soát huyết áp ngoại trú
Labetalol Tĩnh mạch 10-20 mg, sau đó 20–80 mg mỗi 10-30 phút, tối đa 300 mg
hoặc truyền 1–2 mg/phút
Uống 200-2400 mg/ngày, chia ra 2-3 liều
Hydralazine Tĩnh mạch 5 mg, sau đó 5-10 mg mỗi 20-40 phút, tối đa 20 mg hoặc truyền 0.5-10 mg/h Không thường sử dụng đầu tay
Nifedipine Uống (giải phóng ngay) 10-20 mg mỗi 2-6 h*, tối đa 180 mg/ngày
*Có thể lặp lại liều khởi đầu sau 20 phút nếu cần thiết
Uống (giải phóng kéo dài) 30-120 mg/ngày
Methyldopa Không thường sử dụng đầu tay Uống 500-3000 mg/ngày, chia ra 3-4 liều

Bảng. Các thuốc hạ huyết áp thường sử dụng trong thai kỳ.

Thuốc Hydralazine
Thuốc Hydralazine

Trong tăng huyết áp nghiêm trọng không có biến chứng cơ quan đích, huyết áp cần phải giảm xuống dưới 160/110 mmHg, với mức giảm ban đầu dưới 25% trong những giờ đầu điều trị và giảm dần trong những giờ tiếp theo. Việc giảm mạnh hơn có thể khiến thai nhi có nguy cơ bị thiếu máu. Ngược lại, trong tăng huyết áp nghiêm trọng có biến chứng cơ quan đích, như phù phổi hoặc tổn thương thận cấp, đây được coi là một tình trạng khẩn cấp và huyết áp cần phải giảm nhanh hơn nhiều.
Không đủ bằng chứng để hỗ trợ một mục tiêu huyết áp cụ thể ở phụ nữ bị tiền sản giật và biến chứng mạch máu não hoặc thận. Độ tăng huyết áp mà tại đó để đưa ra liệu pháp điều trị là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Hầu hết các hướng dẫn đều khuyên nên bắt đầu điều trị ở mức huyết áp trên 150/100 mmHg, trong khi những hướng dẫn khác chỉ khuyên nên điều trị khi huyết áp trên 160/110 mmHg. Thất bại trong điều trị tăng huyết áp tâm thu mạnh có liên quan đến tử vong ở người mẹ do xuất huyết não và tách động mạch chủ. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu máu nhau thai là một mối quan tâm thực sự, đặc biệt là với mức huyết áp dưới 110/80 mmHg và giảm huyết áp sâu như vậy nên tránh.
Trong tiền sản giật liên quan đến phù phổi, ESC khuyến cáo sử dụng Nitroglycerin dưới dạng truyền tĩnh mạch. Huyết áp nên được giảm với tốc độ khoảng 30 mmHg trong 3-5 phút, sau đó tốc độ chậm hơn tiến đến huyết áp mục tiêu khoảng 140/90 mmHg.
Chăm sóc hậu sản phụ nữ bị tiền sản giật bao gồm theo dõi chặt chẽ huyết áp và tình trạng lâm sàng. Các thuốc trước đó nên được tiếp tục sử dụng khi huyết áp tăng và dừng từ từ trong nhiều ngày khi huyết áp được bình thường hóa. Thuốc hạ huyết áp có thể cần phải ngừng nếu huyết áp dưới 110/70 mmHg hoặc bệnh nhân có triệu chứng.

Các biện pháp bổ trợ để điều trị tăng huyết áp nghiêm trọng trong tiền sản giật

Điều trị tiền sản giật
Điều trị tiền sản giật

Ở những bệnh nhân bị tiền sản giật có các triệu chứng nghiêm trọng (ví dụ như tăng huyết áp nghiêm trọng và protein niệu hoặc tăng huyết áp và biến chứng thần kinh), hoặc sản giật, nên sử dụng Magnesium sulfate để điều trị dự phòng co giật. Biện pháp này được thiết lập bởi thử nghiệm Magpie, một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng giả dược, trong đó hơn 10,000 phụ nữ được sử dụng Magnesium sulfate hoặc giả dược khi chẩn đoán huyết áp trên 140/90 mmHg và protein niệu tối thiểu 30 mg/dL, điều này cho thấy giảm 58% nguy cơ sản giật và cải thiện tỷ lệ tử vong ở những người dùng Magnesium sulfate. Điều này đã được xác nhận trong một nghiên cứu chứng minh rằng những phụ nữ bị tiền sản giật nặng có tỷ lệ co giật thấp hơn khi sử dụng Magnesium sulfate so với những người được sử dụng Nimodipine, một thuốc chẹn kênh calcium. Đáng chú ý, những người nhận Magnesium có nhiều khả năng cần Hydralazine để kiểm soát huyết áp.
Đã có báo cáo về hạ huyết áp quá mức khi Nifedipine và Magnesium sulfate được kết hợp. Tuy nhiên, một nghiên cứu bệnh chứng hồi cứu đã không chỉ ra được Nifedipine làm tăng nguy cơ tác dụng phụ liên quan đến Magnesium (ví dụ như yếu thần kinh – cơ). Do đó, ACOG (American College of Obstetricians and Gynecologists) cho phép sử dụng chúng đồng thời khi được chỉ định.

Phòng ngừa tiền sản giật

Từ năm 1979, Aspirin đã được chứng minh là ngăn ngừa tiền sản giật. Aspirin đảo ngược sự kết tập tiểu cầu gây ra bởi sự mất cân bằng tỷ lệ thromboxane A2/prostacyclin trung gian bởi rối loạn chức năng nội mô. Hiệu quả của Aspirin đã được xác nhận qua hơn 30 thử nghiệm, gần đây nhất là thử nghiệm Aspirin for Evidence – Based Preeclampsia Prevention, một thử nghiệm đa trung tâm, mù đôi, đối chứng giả dược so sánh 150 mg Aspirin với giả dược ở 798 phụ nữ được coi là có nguy cơ tiền sản giật. Tiền sản giật sớm xảy ra ở 1.6% phụ nữ dùng Aspirin so với 4.3% ở nhóm dùng giả dược (OR = 0.38, 95% CI 0.20-0.74, P = 0.004). Hơn nữa, một phân tích tổng hợp 45 nghiên cứu ngẫu nhiên (20,909 phụ nữ mang thai) được công bố vào năm 2017 đã chứng minh rằng tác dụng của Aspirin phụ thuộc liều và cũng tương quan với tuổi thai mà Aspirin được bắt đầu sử dụng. Khi bắt đầu trước 16 tuần và ở liều cao hơn, Aspirin có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa tiền sản giật, tiền sản giật nghiêm trọng và hạn chế tăng trưởng thai nhi, trong khi đó có sự thay đổi nhỏ hơn trong phòng ngừa tiền sản giật, và không có tác dụng trên tiền sản giật nghiêm trọng cũng như không hạn chế tăng trưởng thai nhi nếu nó được bắt đầu sử dụng sau 16 tuần, cũng không có tác dụng liều khi bắt đầu muộn hơn trong thời kỳ mang thai. Do đó, Aspirin được khuyến nghị cho những phụ nữ có nguy cơ tiền sản giật cao hơn (ví dụ: tiền sử tiền sản giật, đái tháo đường, tăng huyết áp mạn tính, bệnh thận, bệnh tự miễn, tuổi > 35) bởi các hiệp hội chuyên gia Anh, Mỹ và Châu  u. Đáng chú ý, ACOG đã tăng cường các hướng dẫn của họ để mở rộng các tiêu chí bắt đầu điều trị bằng Aspirin bao gồm nhiều yếu tố nguy cơ của người mẹ hơn và thay đổi đề xuất từ 60-80 mg Aspirin lên 81 mg Aspirin. ESC (Hiệp hội Tim mạch Châu  u) khuyến nghị 100-150 mg, và hướng dẫn của Viện Y tế và Điều trị Quốc gia Anh (NICE) khuyến nghị 75 mg.

Thuốc Aspirin được sử dụng trong tiền sản giật
Thuốc Aspirin được sử dụng trong tiền sản giật

Ngay từ những năm 1950, các nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy mối liên quan giữa giảm tỷ lệ tiền sản giật và sản giật ở những người có chế độ ăn uống bổ sung nhiều calcium. Quan sát này đã được xác nhận bởi một số thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng. Một phân tích tổng hợp của 27 trong số chúng (18,064 phụ nữ) so sánh việc bổ calcium khi mang thai (ở cả liều cao và liều thấp) với giả dược hoặc không có calcium cho thấy rằng bổ sung calcium liều cao (≥ 1 g/ngày) có liên quan đến tỷ lệ tiền sản giật, tăng huyết áp và sinh non thấp hơn. Tương tự, giảm tỷ lệ tiền sản giật và tăng huyết áp được nhận thấy với liều calcium thấp hơn (< 1 g/ngày), tuy nhiên bằng chứng hạn chế hơn. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên bổ sung 1.5-2 g calcium cho những người có lượng calcium trong chế độ ăn uống thấp, một khuyến nghị được lặp lại theo hướng dẫn của ESC. Các hướng dẫn của Hoa Kỳ thừa nhận các khuyến nghị trên, nhưng không đưa chúng vào chăm sóc thường quy, vì trong Thử nghiệm Calcium Phòng ngừa Tiền sản giật, một nghiên cứu lớn đối chứng ngẫu nhiên, mù đôi về bổ sung calcium 2 g so với giả dược được thực hiện trên năm trung tâm y tế của Mỹ, nó không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng nào đến tỷ lệ tiền sản giật, rối loạn tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ, hoặc huyết áp, điều này được cho là do những người tham gia nghiên cứu có lượng calcium trong chế độ ăn uống đầy đủ từ đầu.
Hiện đang được điều tra là vai trò của statin để điều trị và phòng ngừa tiền sản giật. Bằng chứng từ các mô hình động vật tiền lâm sàng cho thấy lợi ích của chúng có được từ tác dụng chống oxy hóa đa hướng, chống viêm và chống huyết khối, giúp làm giảm các rối loạn chức năng nội mô, vốn được coi là trung tâm của bệnh sinh tiền sản giật, tập trung cụ thể vào tác dụng trên tổng hợp nitric oxide và biểu hiện sFlt-1 chống tạo mạch. Một loạt trường hợp nhỏ của phụ nữ tiền sản giật được điều trị bằng Pravastatin đã chứng minh sự cải thiện tương tự của rối loạn chức năng nội mô và giảm dấu ấn sinh học chống tạo mạch khi phân tích nhau thai, huyết áp bệnh nhân, protein niệu và nồng độ acid uric cũng ổn định. Các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn hiện đang được tiến hành.

Tăng huyết áp không nghiêm trọng

Trong trường hợp tăng huyết áp không nghiêm trọng, các tác nhân hàng đầu được khuyên dùng nhiều nhất là Methyldopa, Labetalol và Nifedipine.

Methyldopa

Thuốc hạ huyết áp dành cho bà bầu
Thuốc hạ huyết áp dành cho bà bầu

Methyldopa được khuyến nghị là tác nhân hàng đầu để kiểm soát huyết áp không nghiêm trọng theo hướng dẫn của Hoa Kỳ, Canada, Châu  u và Úc/New Zealand. Nó đã được nghiên cứu từ những năm 1960 và có dữ liệu an toàn lâu dài ở những đứa trẻ có mẹ dùng nó trong khi mang thai. Một nghiên cứu thuần tập tiến cứu đánh giá kết quả mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên cho thấy nó không gây quái thai, tuy nhiên, tỷ suất sảy thai tự nhiên và sinh non cao hơn. Mặc dù được khuyến nghị bởi nhiều hướng dẫn và được Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Tăng huyết áp Thai kỳ khuyên sử dụng, nhưng bản cập nhật mới nhất từ ​​tổng quan Cochrane về điều trị hạ huyết áp đối với tăng huyết áp từ nhẹ đến trung bình trong thai kỳ cho thấy nó kém hơn thuốc chẹn kênh calcium và thuốc chẹn β liên quan đến việc ngăn ngừa tăng huyết áp nghiêm trọng (RR = 0.70, 95% CI 0.56-0.88, 11 thử nghiệm, 638 phụ nữ) và có thể liên quan đến mổ lấy thai nhiều hơn các thuốc khác (RR điều chỉnh [aRR] 0.84, 95% CI 0.84-0.95, 13 thử nghiệm, 1330 phụ nữ). Tuy nhiên, một phân tích phân nhóm thử nghiệm CHIPS cho thấy những người được điều trị bằng Methyldopa thay vì Labetalol ngẫu nhiên hóa sau đó có kết quả nguyên phát và thứ phát tốt hơn, bao gồm cân nặng khi sinh, tăng huyết áp nghiêm trọng, tiền sản giật và sinh non. Hơn nữa, một nghiên cứu thuần tập hồi cứu gần đây cho thấy Methyldopa có liên quan đến kết quả bất lợi ở trẻ sơ sinh ít hơn, bao gồm suy hô hấp, co giật và nhiễm trùng huyết, so với Labetalol đường uống. Do đó, Methyldopa có thể sẽ không bị loại bỏ khỏi các tác nhân đầu tay cho đến khi có bằng chứng rõ ràng hơn chống lại nó.

Labetalol đường uống

Labetalol đường uống được coi là một tác nhân đầu tay cho tăng huyết áp thai kỳ không nghiêm trọng và trên thực tế là tác nhân đầu tay duy nhất được khuyến nghị theo hướng dẫn của Anh. Trong một nghiên cứu quan sát tiến cứu, khoảng 75% phụ nữ đáp ứng với Labetalol đường uống đơn trị liệu. Các thử nghiệm ngẫu nhiên trước đây trực tiếp so sánh nó với Methyldopa cho thấy sự tương đương về tính an toàn và hiệu lực, và một thử nghiệm gần đây hơn cho thấy sự vượt trội về ranh giới của Labetalol trong việc ngăn ngừa protein niệu, tăng huyết áp nghiêm trọng và nhập viện trước sinh. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu gần đây cho thấy Labetalol thực sự kém hơn Methyldopa trong ngăn ngừa kết quả bất lợi ở mẹ và chu sinh.

Các thuốc chẹn β khác

Thuốc chẹn β khác với Labetalol ít được nghiên cứu, tuy nhiên, một số thuốc được coi là thuốc đầu tay ở Canada (Acebutolol, Metoprolol, Pindolol, Propranolol). Úc/New Zealand có đưa Oxprenolol vào trong các phương pháp điều trị đầu tay cho tăng huyết áp thai kỳ không nghiêm trọng. Có một số tranh cãi liên quan đến thuốc chẹn β gây quái thai và ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh. Atenolol được biết là gây chậm phát triển trong tử cung, và ACOG đặc biệt khuyến cáo chống lại việc sử dụng nó. Ngược lại, một nghiên cứu so sánh Oxprenolol với Methyldopa cho thấy kết quả và an toàn là như nhau. Một tổng quan của Cochrane năm 2003 về thuốc chẹn β đường uống để điều trị tăng huyết áp thai kỳ nhẹ và trung bình (12 thử nghiệm, 1346 phụ nữ) đã so sánh thuốc chẹn β đường uống với không dùng thuốc hoặc giả dược và thấy tăng nguy cơ SGA (RR = 1.36, 95% CI 1.02-1.82). Điều này được hỗ trợ bởi một nghiên cứu thuần tập, trong đó thấy các OR của SGA < phần trăm thứ mười, < phần trăm thứ ba, sinh non và nhập viện sơ sinh cho những phụ nữ bị tăng huyết áp mạn tính dùng thuốc chẹn β so với những người dùng Methyldopa. Tuy nhiên, một nghiên cứu thuần tập hồi cứu gần đây cho thấy, sau khi điều chỉnh theo tuổi mẹ, chỉ số khối cơ thể và bệnh đi kèm, không có mối liên quan nào giữa thuốc chẹn β và dị tật tim thai. Hơn nữa, một nghiên cứu thuần tập quốc tế với hơn 15,000 phụ nữ phơi nhiễm thuốc chẹn β trong tam cá nguyệt đầu tiên cho thấy không có sự gia tăng đáng kể nào về nguy cơ tương đối (RR = 1.07, 95% CI 0.89-1.30) và chênh lệch nguy cơ trên 1000 người phơi nhiễm (3.0, 95% CI -6.6-12.6) cho bất kỳ dị tật bẩm sinh lớn nào. Ngược lại, một nghiên cứu thuần tập đã kiểm tra hơn 10,000 phụ nữ phơi nhiễm thuốc chẹn β vào cuối thai kỳ cho thấy cả nguy cơ nhịp tim chậm ở trẻ sơ sinh và hạ đường huyết đều tăng ở những người phơi nhiễm với thuốc chẹn β so với những người không phơi nhiễm. Khi nhìn vào ba thuốc chẹn β được kê đơn phổ biến nhất (Labetalol, Metoprolol và Atenolol), các OR > 1 cho cả hai kết quả, ngoại trừ nhịp tim chậm ở trẻ sơ sinh trong nhóm phơi nhiễm Metoprolol (OR = 0.59, 95% CI 0.32-1.09).

Thuốc chẹn kênh calcium

Thuốc chẹn kênh calcium, đặc biệt là Nifedipine tác dụng dài, được ưu tiên đầu tay trong hầu hết các hướng dẫn. Một thuần tập tiến cứu cho thấy khả năng gây quái thai tối thiểu khi các bà mẹ phơi nhiễm với thuốc chẹn kênh calcium trong ba tháng đầu. Hơn nữa, chúng đã được chứng minh là vượt trội hơn so với Methyldopa về kiểm soát huyết áp và có thể an toàn hơn so với Labetalol về kiểm soát huyết áp tâm trương thấp một cách an toàn. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng so sánh Nifedipine và Labetalol đường uống ở phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp mạn tính. Áp lực động mạch chủ giảm trung bình 7.4 mmHg đã được quan sát thấy ở nhóm Nifedipine, nhưng huyết áp ngoại biên là hiệu quả như nhau ở cả hai nhóm. Có sự tăng nhẹ trong Đơn vị Chăm sóc Tích cực (ICU) cho trẻ sơ sinh và tác dụng bất lợi ở trẻ sơ sinh ở nhóm Nifedipine.
Dữ liệu cho Amlodipine, một thuốc chẹn kênh calcium dẫn xuất Dihydropyridine thường được kê đơn khác, dường như rất hạn chế. Ba chùm case kết luận rằng Amlodipine dường như không gây quái thai, và một nghiên cứu thí điểm nhỏ so sánh Amlodipine với Aspirin và Furosemide trong điều trị tăng huyết áp mạn tính cho thấy không có sự khác biệt giữa hai loại thuốc hạ huyết áp trong kết quả của mẹ và chu sinh.
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEIs) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs)
Tất cả các thuốc ức chế hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAA) nói chung đều chống chỉ định cho phụ nữ có thai do gây ra các tác dụng bất lợi cho thai nhi. Chúng chỉ được chỉ định cho tăng huyết áp ở bệnh nhân không có thai.

Lợi tiểu thiazide

Thuốc lợi tiểu thiazide được coi là liệu pháp tuyến hai cho tăng huyết áp không nghiêm trọng theo ACOG, nhưng không được khuyến nghị bởi ESC và NICE. Thiazide được kê đơn thường quy trong những năm 1960 vì người ta cho rằng loại bỏ phù nề có thể ngăn ngừa tiền sản giật, bất kể tình trạng tăng huyết áp. Điều này có được hỗ trợ bởi thử nghiệm lâm sàng. Thói quen này giảm dần khi các nhà nghiên cứu bắt đầu tin rằng tăng thể tích huyết tương không đủ trong thai kỳ có thể tương quan với tiền sản giật. Liên quan đến tác dụng với tiền sản giật, một phân tích tổng hợp đã xem xét 9 thử nghiệm (7000 phụ nữ) và cho thấy sự suy giảm tiền sản giật khi sử dụng thuốc lợi tiểu, mặc dù một đánh giá gần đây hơn của Cochrane (5 nghiên cứu, 1836 phụ nữ) không cho thấy sự khác biệt đáng kể trong tiền sản giật, sinh non hoặc SGA trong các thử nghiệm so sánh lợi tiểu thiazide với giả dược hoặc không có gì.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và nguy cơ tăng huyết áp sau sinh

Rối loạn tăng huyết áp thai kỳ có thể xảy ra sau sinh. Một nghiên cứu trên 151 phụ nữ cho thấy 5.7% trong số họ phát triển tiền sản giật hoặc sản giật sau sinh. Một nghiên cứu khác cho thấy trong số 22 bệnh nhân đến khoa cấp cứu bị tiền sản giật tới 4 tuần sau sinh, 55% là mới xuất hiện lần đầu. NSAIDs đã được xem xét kỹ lưỡng sau khi một chùm case gồm sáu bệnh nhân ở Úc, một số người bị tiền sản giật khi mang thai, đã phát triển các cơn tăng huyết áp sau khi được dùng Indomethacin hoặc Ibuprofen trong giai đoạn sau sinh. Các nghiên cứu lớn hơn có bằng chứng mâu thuẫn. Một nghiên cứu thuần tập hồi cứu so sánh 223 phụ nữ bị rối loạn tăng huyết áp nghiêm trọng khi mang thai, 148 người đã dùng NSAIDs và 75 người không dùng, cho thấy phơi nhiễm không liên quan đến sự gia tăng huyết áp động mạch trung bình sau sinh. Hai thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng so sánh sử dụng Acetaminophen (Paracetamol) với Ibuprofen ở phụ nữ bị tiền sản giật nặng trong thời kỳ hậu sản đã đạt được kết quả mâu thuẫn: Một thử nghiệm chứng minh tăng huyết áp nhiều hơn đáng kể ở nhánh Ibuprofen và nghiên cứu còn lại cho thấy không có sự khác biệt về thời gian tăng huyết áp nghiêm trọng và huyết áp động mạch trung bình. Do đó, ACOG không tư vấn chống lại việc sử dụng chúng trong giai đoạn sau sinh.

Phòng ngừa

Bà bầu nên tăng cường luyện tập thể dục
Bà bầu nên tăng cường luyện tập thể dục

Ăn nhạt, giảm muối, hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn ngọt, nhiều đường. Không uống rượu bia, hút thuốc lá.
Vận động, đi lại nhẹ nhàng. Duy trì tâm trạng thoải mái.
Để phòng ngừa các biến chứng:

  • Khám huyết áp thường xuyên trong suốt thai kỳ.
  • Sử dụng thuốc hạ huyết áp như được kê đơn.
  • Hoạt động thể chất tích cực, vừa sức.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tránh đồ uống có cồn, thuốc lá, ma túy. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có ý định dùng thuốc không kê đơn.

Tài liệu tham khảo

Stephanie Braunthal and Andrei Brateanu, Hypertension in pregnancy: Pathophysiology and treatment,
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6458675/#bibr32-2050312119843700
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây